Thứ Bảy, 25 tháng 12, 2021

Hội thảo Gặp gỡ mùa thu 2021: Kiến trúc Việt Nam với chuyển đổi số để hội nhập

Ngày 25/12/2021 vừa qua, Hội KTS Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Gặp gỡ Mùa Thu 2021 với chủ đề “Kiến trúc Việt Nam với chuyển đổi số để hội nhập”.  Hội thảo là hoạt động thường niên do Hội KTS Việt Nam tổ chức, thu hút đông đảo sự quan tâm của các cấp chính quyền, giới hành nghề kiến trúc và cộng đồng về các chủ đề mang tính xã hội, gắn liền với quan điểm nghề nghiệp Sáng tạo – Sẻ chia vì cộng đồng.

Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, năm nay là năm đầu tiên hội thảo được tổ chức dưới cả 2 hình thức online và offline với 2 đầu cầu Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh. Hội thảo lần này cũng hướng đến những vấn đề kiến trúc và chuyển đổi số để thích ứng với bối cảnh Covid hiện nay.

TS.KTS Phan Đăng Sơn - Chủ tịch hội KTS Việt Nam phát biểu khai mạc
TS.KTS Phan Đăng Sơn – Chủ tịch hội KTS Việt Nam phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS.KTS Phan Đăng Sơn – Chủ tịch hội KTS Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kiến trúc bày tỏ: “Giờ đây, nhân tố thay đổi ngành Kiến trúc – Xây dựng về mặt công cụ, công nghệ đã hiện diện, cuốn phăng mọi thành tựu cố hữu trong phạm vi thế giới. Đó chính là công nghệ số. Cùng với công nghệ số, xã hội số, kinh tế số, chuyển đổi số sẽ đưa cả xã hội loài người tiến dài về phía trước, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, dù muốn hay không, ngành kiến trúc nước nhà không còn con đường nào khác là phải nhập cuộc. Tự xoay sở cùng nhau để đóng con thuyền thật vững trãi có sức lướt căng buồm vươn khơi.

Tại hội thảo, các chuyên gia, KTS, những người hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc đã cùng tập trung vào 6 nội dung chính:

  • Chuyển đổi số ngành xây dựng và kiến trúc
  • Kiến trúc sư trong dòng chảy số
  • Chuyển đổi số trong thiết kế – Thực tiễn và Nhu cầu
  • Xu hướng phát triển của các khu đô thị thông minh ở Việt Nam và đề xuất thực hiện
  • Xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin và Kinh tế nền tảng vào thị trường Bất Động sản – Proptech (Property Technology)
  • Kinh nghiệm triển khai BIM

Mở đầu nội dung hội thảo là dẫn luận của TS. Nguyễn Nhật Quang – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần công nghệ phần mềm Hài Hòa. KTS đã chia sẻ những thông tin về quá trình chuyển đổi số trong ngành xây dựng và kiến trúc, dưới tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, điều thay đổi quan trọng nhất là sự thay đổi môi trường sống của con người. Trong bối cảnh dịch Covid 19, câu chuyện thiết kế môi trường sinh học để tốt cho con người cũng là vấn đề mà các kiến trúc sư cần chú ý. Ông đưa ra ý kiến cho rằng chúng ta cần phải thay đổi cách thức làm xây dựng, đổi mới sáng tạo dữ liệu và kết nối. Ông cũng đưa ra 6 trụ cột đô thị thông minh và nhấn mạnh chiến lược cho thành phố thông minh: “Đối với một đô thị thông minh gồm 3 yếu tố: Thứ nhất là quy hoạch thông minh, không phải chỉ là ứng dụng các công nghệ số mà thực sự quy hoạch đô thị thành đô thị thông minh. Trong đó hạ tầng kỹ thuật thông minh, bệnh viện thông minh, những yếu tố đó phải được khẳng định thành chủ trương, cơ sở pháp lý để đô thị trở nên đô thị thông minh. Thứ hai là quy chế. Nếu quy hoạch mà không có quy chế quản lý việc xây dựng theo quy hoạch thì nó sẽ mất yếu tố thông minh đi. Thứ ba là quy chuẩn. Các quy chuẩn kỹ thuật để đảm bảo yếu tố thông minh trong các công trình thông minh có thể “nói chuyện” với nhau và xây dựng nền tảng hạ tầng thông tin thông minh để thông minh hóa các hạ tầng còn lại.

Các vấn đề về đô thị thông minh cũng được tiếp tục đưa ra bàn luận tại hội thảo. Trong những năm gần đây, vấn đề sử dụng đất là vấn đề nổi cộm ở Việt Nam. Bên cạnh đó, chất lượng đô thị càng ngày càng trở nên kém hơn với các vấn đề: tắc đường, chất lượng không khí, ô nhiễm. Nhìn nhận được vấn đề này, ThS.KTS Nguyễn Huy Khanh, Chủ tịch Chi hội KTS Tổng công ty tư vấn xây dựng Việt Nam – VNCC nhận định vai trò, thách thức của các KTS trong quá trình chuyển đổi số trong kiến trúc. Theo ông, có 7 điều mà KTS cần phải thay đổi trong tương lai: Nhận thức mới – Giá trị mới – Tư duy mới – Phương pháp mới – Mô hình mới – Đặc điểm của con người mới – Năng lực mới. Ông bày tỏ mong muốn các KTS Việt Nam trong dòng chảy số cần thay đổi để làm tốt công việc của mình với năng lực sáng tạo cao kiến thiết các tòa nhà, các đô thị trở thành nơi đáng sống và môi trường thân thiện cho các hoạt động nghỉ ngơi, làm việc và sáng tạo, nâng chất lượng cuộc sống của con người và thích ứng linh hoạt với mọi sự thay đổi trong tương lai của Việt Nam.

Nhắc đến chuyển đổi số, không thể thiếu nhắc đến tiêu thụ năng lượng. Chính vì vậy, tiếp nối các tham luận, ThS.KTS Trần Thành Vũ – Chủ tịch mô phỏng hiệu năng công trình xây dựng Việt Nam IBPSA – VIETNAM trong phần trình bày của mình đã nhấn mạnh vào các giải pháp đi tắt đón đầu; BIM, BEM dự báo trước các vấn đề quy hoạch; tự động hóa tính toán để tìm kiếm tối ưu thiết kế; thân thiện với môi trường; thực hiện đồng bộ chính sách, nhân lực, nhà đầu tư, vật liệu, thiết bị: “Qua thông số thống kê, lượng tiêu thụ điện năng bình quân có mối quan hệ mật thiết với GDP của mỗi quốc gia và đối với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam thì mức độ tiêu thụ năng lượng ngày càng lớn. Nếu các KTS không tạo ra những công trình có mức tiêu thụ năng lượng cao. Điều này về lâu dài nó sẽ gây nên những mặt lãng phí xã hội vô cùng lớn. Từ đó đặt ra những thách thức cho các KTS phải làm sao để quản lý sử dụng năng lượng công trình.

Là người có nhiều năm kinh nghiệp trong thiết kế kiến trúc, Ths. KTS Hồ Phú Khánh, Viện Đô thị thông minh, Hội QH và PTĐT Việt Nam chia sẻ về xu hướng phát triển của các khu đô thị thông minh tại Việt Nam và đề xuất nguồn lực thực hiện: “Để xây dựng một thành phố thông minh thì không quá cao siêu, nhưng kiến tạo và phát triển thành phố xanh hơn, bền vững hơn và đáng sống hơn, có bản sắc là mục tiêu của đô thị thông minh chứ không chỉ lấy công nghệ là cái trọng tâm. Một đô thị thông minh cần phải được huy động nguồn lực từ chính quyền , từ dân cư và đặc biệt là doanh nghiệp, tổ chức cá nhân tham gia vào quá trình này sẽ tạo ra được tính toàn diện, tính tổng hợp và tính công bằng và thúc đẩy quá trình đô thị hóa và quyết định sự thành công của mô hình đô thị thông minh.”

Ngoài ra tại hội thảo, các KTS tham dự cũng góp ý thêm về các xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin và kinh tế nền tảng vào thị trường Bất Động sản; chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng BIM. Phiên thảo luận tại hội thảo đã diễn ra sôi nổi, các giải pháp, những vấn đề còn trăn trở trong thực tế và nghiên cứu đều được đề cập đến và thảo luận với tinh thần xây dựng.

Kết luận tại hội thảo, TS. KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kiến trúc tổng kết lại: “Chúng ta cần tập trung ở những điểm như sau: Thứ nhất là tập trung tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu về kiến trúc bởi tài nguyên dữ liệu về kiến trúc là tài nguyên quan trọng của chung cho cộng đồng kiến trúc, cái tài nguyên này cần được thu thập một cách mạch lạc, tích lũy và sắp xếp một cách khoa học và được khai thác bởi giới cộng đồng. Các dữ liệu này là kho tàng kiến thức đa dạng lĩnh vực để phục vụ kiến trúc sư trong tất cả các hoạt động và mọi phương diện. Thứ hai là tập hợp, chọn lọc, hướng dẫn phổ biến các phần mềm tốt. Thứ ba, chúng ta phải tổ chức đào tạo, tập huấn, phổ cập kiến thức về chuyển đổi số. Bốn là kết nối nhịp nhàng, thường xuyên, liên tục; kết nối trong nội bộ nghề, kết nối trong ngành xây dựng, kết nối đa ngành: giao thông, tài nguyên, môi trường, văn hóa, xã hội học,…, kết nối xã hội, truyền thông quảng bá pháp luật, kết nối quốc tế.”

Tố Uyên – TCKT.VN
© Tạp chí Kiến trúc

The post Hội thảo Gặp gỡ mùa thu 2021: Kiến trúc Việt Nam với chuyển đổi số để hội nhập appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/3qpiNXL
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét