Cao ốc văn phòng (COVP) đang có xu hướng phát triển mạnh tại TP.HCM do nhu cầu văn phòng cho thuê đang ngày một tăng lên. Với COVP, ngoài vị trí thuận lợi thì giải pháp kiến trúc tác động đến chất lượng và hiệu quả là tổ chức không gian (KG) độc đáo, hiện đại, hợp lý và thân thiện với thiên nhiên. Thiết kế theo định hướng sinh thái (ĐHST) là việc áp dụng hệ thống các giải pháp nhằm tạo nên những KG kiến trúc thân thiện với con người và môi trường tự nhiên, nâng cao tiện nghi và đảm bảo sức khỏe. Nghiên cứu này tập trung vào việc đưa ra những giải pháp tổ chức KG trong COVP tại TP.HCM theo ĐHST. Một số lý thuyết và công trình điển hình về thiết kế theo ĐHST trên thế giới được giới thiệu. Năm mươi COVP tại khu vực trung tâm TP.HCM đã được khảo sát và đánh giá. Từ đó, các loại KG chức năng trong COVP tại TP.HCM được nhận diện và phân loại. Cuối cùng, hệ thống gồm 9 giải pháp thiết kế theo ĐHST được đề xuất cho 6 loại KG chức năng trong COVP tại TP.HCM.
1. Tổng quan
Từ thời Ai Cập cổ đại, chủ đề thiên nhiên đã được tìm thấy trong các công trình kiến trúc thông qua các chi tiết trang trí. Ở các giai đoạn sau đó, thiên nhiên tiếp tục chiếm vị trí quan trọng trong các KG kiến trúc và đô thị. Con người đã khai thác các yếu tố tự nhiên nhằm cải thiện sức khỏe, giảm bớt căng thẳng của cuộc sống đô thị, tăng tính thẩm mỹ và cải tạo vi khí hậu trong công trình. Đến đầu những năm 1990, khái niệm về kiến trúc xanh đã được để cập như là một xu thế để hướng đến phát triển bền vững. Tại Hội nghị KTS thế giới (Bắc Kinh, 2000), có 2 khái niệm đã được đưa ra là kiến trúc bền vững và kiến trúc sinh thái, có chung một nội hàm là hướng tới sự chung sống thân thiện, bằng thái độ xử sự thông minh và hiểu biết thiên nhiên.
Tại Việt Nam, thiết kế kiến trúc theo ĐHST đã xuất hiện từ rất sớm, từ các giải pháp thiết kế trong nhà ở dân gian. Đến cuối thế kỷ 20, ngành xây dựng Việt Nam đã được định hướng phát triển bền vững. Thông qua chiến lược phát triển bền vững của Chính phủ, một loạt những nghiên cứu trong lĩnh vực kiến trúc sinh thái đã được thực hiện. Nhiều công trình xây dựng đã được thiết kế và xây dựng với các giải pháp tăng cường sự kết nối giữa tự nhiên và con người. Có thể nói rằng, thiết kế theo ĐHST (biophilic design) là thiết kế gắn liền với thiên nhiên. Nó có vai trò lớn trong việc giúp “chữa lành” các vấn đề kiến trúc và xã hội, giúp cho công trình thân thiện với môi trường tự nhiên, cải thiện mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên và giữa con người với nhau, nâng cao chỉ số sức khỏe và hạnh phúc. Hệ thống LOTUS của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC) có yêu cầu tiêu chí “thiết kế sinh thái” trong khi các hệ thống đánh giá công trình xanh khác như LEED, EDGE hay Fitwel không hiển thị tiêu chí này. Điều đó cho thấy, thiết kế theo ĐHST chiếm một vị trí quan trọng đối với kiến trúc Việt Nam.
COVP là một tòa nhà lớn hơn 10 tầng với chức năng chính là làm văn phòng và có thể có thêm những chức năng khác như khách sạn, thương mại-dịch vụ, căn hộ. COVP theo ĐHST là công trình có sự gắn kết giữa con người và thiên nhiên. Sự gắn kết sẽ hướng đến ba mục tiêu gồm: (i) Tăng chỉ số hạnh phúc của nhân viên; (ii) cải thiện năng suất làm việc; và (iii) tăng tính sáng tạo của nhân viên. Tuy nhiên, ngoài những tác động tích cực, COVP được thiết kế theo ĐHST cũng có những hạn chế như: (i) tăng chi phí đầu tư, quản lý, vận hành; và (ii) phải có sự tham gia đồng bộ từ quá trình thiết kế.
Trên thế giới, đã có nhiều nghiên cứu về kiến trúc theo ĐHST. Năm 1995, Ken Yeang đã xuất bản quyển sách “Thiết kế với thiên nhiên – Cơ bản về sinh thái cho thiết kế kiến trúc”. Nirmal Kishnani đã viết cuốn sách “Xanh hóa Châu Á” (2012) giới thiệu dự án xanh và sinh thái tại châu Á. Trong quyển sách “Thiết kế thành phố sinh thái trên cao”, tác giả Park Jin-Ho (2014) đã tổng hợp các lý thuyết thiết kế sinh thái của Ken Yeang và chia sẻ các ý tưởng thiết kế nhà cao tầng sinh thái cho thành phố Seoul. Ankur Gautam (2017) đã nghiên cứu về “Thiết kế sinh thái trong Kiến trúc”. Trong các tài liệu này, những kiến thức cơ bản về hệ sinh thái tự nhiên, các nguyên tắc thiết kế sinh thái, thiết kế xanh và bài học thực tiễn đã được giới thiệu. Tại Việt Nam, luận văn thạc sĩ “Nghiên cứu KG kiến trúc tạo điều kiện làm việc hiệu quả với tâm lý thoải mái trong COVP và khả năng ứng dụng tại TP.HCM” (2009) đã được thực hiện bởi Trần Tvhị Kim Liên.
Trong nội dung bài báo này, hệ thống gồm 9 giải pháp thiết kế theo ĐHST áp dụng cho 6 loại KG chức năng trong COVP tại TP.HCM được đưa ra dựa trên kết quả khảo sát 50 COVP tại khu vực trung tâm TP.HCM và áp dụng một số lý thuyết thiết kế theo ĐHST trên thế giới.
2. Lý thuyết về thiết kế theo định hướng sinh thái
Năm 2008, Stephen R. Kellert là người đầu tiên đã tổng hợp một cách khoa học về lý thuyết kiến trúc theo ĐHST [1]. Theo ông, kiến trúc theo ĐHST có 3 nhóm chính gồm: (i) Trải nghiệm trực tiếp về thiên nhiên (có liên hệ với các đặc điểm môi trường); (ii) trải nghiệm gián tiếp về thiên nhiên (có liên hệ với hình ảnh, mô hình hoặc đại diện của thiên nhiên đặc trưng của thế giới tự nhiên); (iii) trải nghiệm KG và địa điểm (tạo ra những địa điểm tương tự về mặt KG với thế giới tự nhiên trong các tình huống phát triển mạnh). Sau đó, năm 2014, William Browning và các cộng sự đã hệ thống lại thành các lý thuyết về (i) sự phát triển và cải thiện tâm lý; (ii) thiên nhiên và môi trường sống. Ông còn đưa ra 14 mẫu thiết kế theo ĐHST với các lý thuyết, ví dụ điển hình và bài học kinh nghiệm được đề cập sâu hơn, dựa trên những nghiên cứu của Stephen R. Kellert. Trong đó, có 7 mẫu hiển thị mối quan hệ giữa thiên nhiên và thiết kế, 3 mẫu mô phỏng tự nhiên và 4 mẫu thể hiện bản chất thiên nhiên trong KG. Các mẫu thiết kế có mối quan hệ với vấn đề sức khỏe và tinh thần của nhân viên văn phòng như thể hiện trong.
Hai lý thuyết của William Browning xoay quanh các vấn đề con người phải đối mặt trong quá trình phát triển và hình thành những phản ứng thích nghi hoặc chống lại môi trường bên ngoài. Vấn đề được đề cập bao gồm chủ quan và khách quan như những áp lực trong công việc, cuộc sống và môi trường xung quanh. Theo đó, con người thường phản ứng lại với những sự tác động dù bằng cách này hay cách khác nhằm đem lại sự cân bằng cho bản thân. Lý thuyết này đề cập đến ba yếu tố chính là sự tập trung, căng thẳng và nhận thức.
Trong quá trình phát triển, ban đầu, loài người đã trải nghiệm những KG tự nhiên từ gốc cây, tán lá đến những chòi trú ẩn. Dần dần, con người được tiếp cận nhiều hơn với khoa học kỹ thuật. Sau đó, việc tái tạo lại KG trở nên cần thiết hơn lúc nào hết, từ ngôn ngữ, môi trường sống, hình ảnh… luôn được nâng cao để cung cấp tối đa môi trường có sự liên hệ với tự nhiên. Từ đó, ba giả thuyết là về vùng khí hậu xa-van, sự phát triển – nơi trú ẩn và phân dạng (fractal) đã được hình thành.
Năm 2019, Oliver Heath và các đồng nghiệp đã đưa ra nguyên tắc “tạo KG tích cực bằng cách thiết kế đề cao tính cộng đồng”. Theo ông, KTS sẽ là người sắp đặt và hệ thống các yếu tố tự nhiên vào bên trong, giúp cho việc kết nối những KG trở nên tích cực. Ông đã đưa ra 7 giải pháp thiết kế mang tính cộng đồng theo ĐHST, gồm: (i) Đa dạng KG; (ii) phân vùng KG (với tính năng và vật liệu tự nhiên); (iii) ranh giới mềm giữa các KG; (iv) KG giao thoa; (v) KG phát triển; (vi) KG thích ứng; và (vii) KG ấn tượng.
Theo nghiên cứu mới nhất, trong các COVP, sức khỏe con người có khả năng bị ảnh hưởng nhiều từ KG làm việc [6]. Bill Browning và Cary Cooper đã nghiên cứu giải pháp thiết kế theo ĐHST trên quy mô rộng lớn (7600 người đến từ 16 quốc gia trên thế giới). Kết quả cho thấy có 47% khu vực làm việc không có ánh sáng tự nhiên và 58% không có cây xanh, điều này gây nên các hiện tượng như căng thẳng và giảm hiệu suất trong quá trình làm việc, qua đó gián tiếp tác động đến sức khỏe của con người trong văn phòng. Theo tác giả, 3 mục tiêu quyết định chất lượng làm việc trong COVP bao gồm hạnh phúc, năng suất và sáng tạo. Để đạt được 3 mục tiêu này cần có những yếu tố như (i) KG tích hợp ánh sáng tự nhiên; (ii) cây xanh trong nhà; (iii) KG yên tĩnh; (iv) có tầm nhìn ra ngoài tự nhiên; và (v) sử dụng màu sáng (Bảng 2).
3. Thực trạng kiến trúc COVP tại TP.HCM
Theo thống kê của Tập đoàn CENREA Group (chuyên quản lý và tư vấn cho thuê COVP ở TP.HCM), hiện nay TP.HCM có hơn 800 tòa nhà văn phòng cho thuê đã và đang chuẩn bị đưa vào khai thác. Phần lớn COVP cho thuê tại Quận 1 chiếm hơn 50% và đứng thứ 2 là tại Quận 3. Theo kết quả khảo sát 50 COVP tại khu vực trung tâm TP.HCM, đa số công trình chỉ được tập trung vào giải pháp tối đa diện tích cho thuê trong khi các giải pháp thiết kế theo ĐHST chưa được phổ biến. Có thể phân loại COVP theo 4 tiêu chí gồm: Chức năng, hạng văn phòng, tổ hợp mặt bằng (Bảng 3) và chứng nhận công trình xanh. Trong đó, có những COVP đơn chức năng hoặc đa chức năng, COVP có mặt bằng dạng tấm, dạng tháp hay dạng giật cấp và chỉ có một số ít COVP đã đạt chứng nhận công trình xanh. Theo chức năng, có 6 loại KG chính gồm: (i) Văn phòng làm việc; (ii) KG mở (sân vườn, ban công/lô gia, giếng trời, sảnh đón/chờ, sân thượng); (iii) KG giao thông (phương đứng, ngang); (iv) KG thương mại – dịch vụ; (v) căn hộ hoặc phòng khách sạn; và (vi) KG kỹ thuật – phụ trợ (quản lý – vận hành, đậu xe, nhà bếp). Dựa vào tính chất, có 3 loại bao gồm: KG công cộng, KG bán công cộng và KG riêng tư (Sơ đồ 1).
Kết quả khảo sát cũng cho thấy COVP có KG mở chiếm khoảng 30% tổng số các công trình, nằm ở khu vực tầng trệt hoặc sân thượng. KG mở thường là sân vườn cảnh quan, ban công, lô gia, sân vườn trên cao… nhưng chưa có sự kết nối với các KG chức năng khác trong tổng thể COVP tại TP.HCM. COVP có KG thương mại – dịch vụ và KG ở chiếm 26% tổng số COVP khảo sát.
4. Đề xuất giải pháp tổ chức không gian kiến trúc COVP tại TP.HCM
Nhằm đưa ra những COVP theo ĐHST, hệ thống giải pháp tổ chức KG trong COVP tại TP.HCM được đề xuất dựa trên 4 nguyên tắc gồm: (i) Ứng dụng những mẫu thiết kế theo ĐHST; (ii) tạo môi trường làm việc hiệu quả; (iii) thiết kế KG mang tính cộng đồng; và (iv) ứng dụng quản lý năng lượng hiệu quả. Từ đó, 9 giải pháp tổ chức KG trong COVP tại TP.HCM theo ĐHST được đề xuất, bao gồm: (i) Tăng cường sự hiện diện trực tiếp các yếu tố tự nhiên; (ii) tăng cường sự hiện diện mô phỏng các yếu tố tự nhiên; (iii) tăng cường bản chất của tự nhiên trong KG; (iv) tối đa tầm nhìn ra KG bên ngoài; (v) phân vùng KG thông qua các yếu tố sinh thái; (vi) tạo KG có khả năng điều chỉnh; (vii) tạo KG thích ứng; (viii) sử dụng năng lượng sạch; và (ix) quản lý bằng hệ thống thông minh. Mỗi giải pháp này được đề xuất thành từng nhóm cho 6 KG chức năng chính trong COVP như hiển thị trong Sơ đồ 2.
Giải pháp tăng cường sự hiện diện trực tiếp các yếu tố tự nhiên là cung cấp những thông tin về đặc điểm, quá trình vận động và phát triển của tự nhiên trong KGVP. Quá trình vận động và phát triển của tự nhiên được tham chiếu thông qua thính giác, vị giác, khứu giác hoặc xúc giác. Sự trải nghiệm thông qua việc nhìn thấy hình ảnh của nước, nghe âm thanh hoặc tiếp xúc trực tiếp bề mặt nước và tận dụng sự thay đổi cường độ của ánh sáng cũng như bóng đổ theo thời gian để tạo ra cảm giác hồi hộp, kịch tính, hấp dẫn trong KG. Giải pháp tăng cường sự hiện diện mô phỏng các yếu tố tự nhiên là việc tạo sự liên tưởng tượng trưng đến các chi tiết hoa văn, hình ảnh của những đường viền, kết cấu hoặc cấu trúc chữ số được tồn tại trong tự nhiên, sử dụng những đặc điểm sinh thái và địa chất của địa phương trong vật liệu nhằm tạo ra một cảm giác khác nhau. Giải pháp tăng cường bản chất của tự nhiên trong KG là việc tạo cho KGVP một tầm nhìn không bị giới hạn, qua đó KG này được dùng làm nơi nghỉ ngơi, sinh hoạt và làm việc, tránh xa các tác động từ môi trường xung quanh. Bên cạnh đó, giải pháp tối đa tầm nhìn ra KG bên ngoài là việc tăng cường sự giao tiếp giữa các KG chức năng trong COVP. Cùng với đó, giải pháp phân vùng KG thông qua các yếu tố sinh thái là việc sử dụng những vật liệu tự nhiên và những tính năng của nó trong việc phân chia KG, tối đa sự giao tiếp giữa các KG. Giải pháp tạo KG có khả năng điều chỉnh là việc tăng cường sự tiện nghi sinh thái bên trong KGVP, thông qua việc sử dụng các yếu tố tiện nghi phù hợp. Giải pháp tạo KG thích ứng là việc sử dụng các yếu tố tự nhiên tác động đến các giác quan khác nhau, mang lại sự trải nghiệm đa dạng cho người sử dụng. Ngoài ra, các giải pháp sử dụng năng lượng sạch và quản lý bằng hệ thống thông minh đem lại sự hiệu quả cho các giải pháp thiết kế theo ĐHST.
KG văn phòng làm việc có chức năng chủ đạo, được xem là trung tâm và chiếm tỷ lệ lớn nhất trong COVP. Đây là nơi có tần suất hoạt động lớn nhất và thường xuyên tập trung đông người. Với KG này, cần tạo được nhiều sự liên kết với các yếu tố tự nhiên như bố trí KG sinh thái tự nhiên (tiểu cảnh, tường cây, chậu cây xanh với đa dạng sinh học), sắp xếp phòng ốc và bố trí bàn ghế, lựa chọn cấu kiện và vật liệu hợp lý nhằm tăng cường ánh sáng tự nhiên và ánh sáng khuếch tán. Các thành phần KG cần được tổ chức để ưu tiên tối đa tầm nhìn ra cảnh quan đô thị bên ngoài, đặc biệt là tăng khả năng mở rộng các tầm nhìn có tiếp xúc với môi trường tự nhiên xung quanh. Ngoài ra, thiết kế cần đảm bảo khả năng nhân viên văn phòng có thể tự điều chỉnh các thông số vi khí hậu trong vị trí ngồi của mình nhằm đảm bảo sự thoải mái, tiện nghi và tiết kiệm năng lượng.
KG mở có mục đích chính là tăng tương tác giữa con người với tự nhiên, là nơi để nhân viên trao đổi công việc và thư giãn. Nó cần được xây dựng với những đặc trưng độc đáo để phản ánh dấu ấn địa phương, để duy trì cảm giác gần gũi, chia sẻ cảm giác thoải mái hay an toàn với con người và khuyến khích giao tiếp giữa các nhóm cộng đồng khác nhau. Các cảnh quan tự nhiên như cây xanh, mặt nước, cảnh trí… cần được chú ý thiết kế nhằm khuyến khích sự tương tác của con người. Trong đó, tính an toàn, an tâm phải được xem xét và không làm mất tầm quan sát cho người bên trong KG, đảm bảo họ nhận biết được vấn đề sắp đến, tăng khả năng tương tác với nhiều chỗ… KG mở cần được tổ chức đa dạng với nhiều KG đan xen, lồng ghép với nhau một cách khoa học, mang lại tác động tích cực đến các giác quan của con người. Có thể tận dụng các bề mặt vỏ bao che tại KG mở để bố trí các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió hay mặt trời.
KG thương mại dịch vụ thường nằm ở khối đế của COVP do yêu cầu tiếp cận dễ dàng và thân thiện. Trong đó, các chức năng phải được sắp xếp để đảm bảo quá trình vận hành hợp lý. KG này có lượng người tương tác lớn trong COVP, chỉ sau KG văn phòng làm việc. Các yếu tố tự nhiên nên được xem xét bố trí xen lẫn tại đây. Mặt nước (đài phun nước/hồ nước) có thể được sử dụng như điểm nhấn ở trung tâm. Sự tương tác mặt nước cần được diễn ra một cách tự nhiên nhất. Ngoài ra, có thể bố trí các loại cây xanh phù hợp và có giải pháp chăm sóc hợp lý. Ánh sáng tự nhiên nên được sử dụng như là một yếu tố trực quan đối với KG này. Các KG mở cũng được đề xuất hiển thị tại đây nhằm tăng tính tương tác giữa con người và tự nhiên. Hơn nữa, sự phân vùng KG mềm, tổ hợp KG theo dạng tuyến, mô-đun hoặc dạng tự do và có thể lồng ghép hoặc giao thoa nhiều KG với nhau bằng cách sử dụng và tích hợp hệ sinh thái tự nhiên cũng được khuyến khích thực hiện.
KG căn hộ hay phòng khách sạn được ưu tiên bố trí tại những tầng cao nhất, đảm bảo tầm nhìn đẹp ra cảnh quan đô thị. Toàn bộ phòng trong KG ở này đều phải nhận được ánh sáng tự nhiên với những tầm nhìn tốt nhất. Lô gia, sân trời cần được thiết kế nhằm tăng cường sự hiện diện mô phỏng các yếu tố tự nhiên thông qua trang trí tiểu cảnh, cây xanh, mặt nước… Khi tích hợp cây xanh trong KG ở, cần lưu ý giải pháp chăm sóc, vận hành hiệu quả. Cây trồng địa phương nên được cân nhắc để duy trì sự cân bằng sinh thái của hệ thống thực vật có nguồn gốc trong khu vực.
KG giao thông có thể được mô tả như là “xương sống” giúp kết nối tất cả các KG chức năng trong COVP, từ tầng hầm đến mái. Có thể tích hợp hình ảnh mô tả các yếu tố tự nhiên như sơn/vẽ những bức tranh tĩnh vật hay phong cảnh tự nhiên lên các mảng tường. Để tạo ra sự tưởng tượng về các yếu tố tự nhiên, có thể trang trí những họa tiết mang đến sự liên tưởng về yếu tố thiên nhiên trên tường, trần, gạch sàn hoặc thảm. KG giao thông phải được thiết kế đảm bảo an toàn và tăng khả năng phát triển tầm nhìn ra nhiều KG khác nhau, đem lại trải nghiệm mới.
KG kỹ thuật – phụ trợ được xem như là “trung tâm” để toàn bộ COVP hoạt động. Nó thường được bố trí kết hợp với KG giao thông để hình thành nên cụm lõi cứng cho công trình. Đối với tổ hợp mặt bằng lớn, KG này nên được bố trí ở giữa nhằm ưu tiên chiếu sáng tự nhiên, tăng khả năng tiếp cận với thiên nhiên và tầm nhìn tốt nhất cho các KG văn phòng làm việc và KG mở. Nguồn năng lượng tái tạo cần được xem xét để thay thế năng lượng hóa thạch cho việc vận hành các KG này. Các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại và tiết kiệm năng lượng cần được ưu tiên. KG giao thông và KG kỹ thuật – phụ trợ sẽ được vận hành hiệu quả hơn khi ứng dụng quản lý bằng hệ thống minh.
5. Kết luận
Có thể thấy rằng, đa số các COVP được khảo sát đều được tổ chức KG tương tự nhau với mục tiêu tối đa hóa diện tích văn phòng cho thuê và chưa được quan tâm nhiều đến sự tiếp cận với yếu tố thiên nhiên như các thiết kế theo ĐHST. Tốc độ gia tăng số lượng COVP tại TP.HCM trong tương lai được dự báo là khá cao, vì thế cơ hội để áp dụng các giải pháp mới nhằm mang lại chất lượng tiện nghi, nâng cao sức khỏe và hiệu quả công việc sẽ rất lớn. Những lý thuyết và bài học thực tiễn trên thế giới có thể được xem xét ứng dụng cho COVP trong điều kiện TP.HCM. Qua đó, các KG trong COVP thiết kế theo ĐHST được đề xuất tổ chức theo 4 nguyên tắc và hệ thống 9 giải pháp, áp dụng cụ thể cho 6 KG chức năng bên trong COVP tại TP.HCM. Trong đó, tăng cường sự hiện diện trực tiếp các yếu tố tự nhiên trong KG là giải pháp quan trọng nhất và có tác động đến tất cả các KG chức năng trong COVP. Bên cạnh đó, tăng cường sự hiện diện mô phỏng và tăng cường bản chất tự nhiên trong KG là 2 giải pháp quan trọng kế tiếp, những giải pháp còn lại chỉ được đề xuất áp dụng trong một số ít loại KG chức năng.
Lời cảm ơn
Chúng tôi xin cảm ơn Trường Đại học Bách Khoa, ĐHQG-HCM đã hỗ trợ thời gian, phương tiện và cơ sở vật chất cho nghiên cứu này.
KTS Lê Thị Hồng Na
Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM
KTS Tạ Công Tiến
Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2021)
Tài liệu tham khảo
1. William Browning, Catherine Ryan, Joseph Clancy (2014), 14 Patterns Of Biophilic Design: Improve Health & Well-being In The Built Environment, Terrapin Bright Green LLC, New York.
2. Nguyễn Việt Châu (2013), Kiến trúc sinh thái – kiến trúc phát triển bền vững, Tạp chí kiến trúc Hội KTS Việt Nam, online, 24/05/2013.
3. Le Thi Hong Na (2011), An Analysis of Unique Spatial Characteristics Inherent in Vietnamese Indigenous Housing and Their Applications to Contemporary High-rise Housing in Vietnam in Consideration on Passive Design Principles, PhD thesis, Inha University, South Korea.
4. Tạ Công Tiến (2021), Giải pháp tổ chức không gian trong kiến trúc cao ốc văn phòng tại TP.HCM theo định hướng sinh thái (biophilic design), Luận văn thạc sĩ kiến trúc, Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM.
5. Oliver Heath, Victoria Jackson, Eden Goode (2019), Creating Positive Spaces by Designing For Community, Interface.
6. Bill Browning, Cary Cooper (2015), Human Spaces :The Global Impact of Biophilic Design In The Workplace, Human Space Report, Interface.
7. Lê Thị Hồng Na và Đỗ Đại Thắng (2020), Thiết kế thành phố sinh thái trên cao, Sách dịch, NXB ĐHQG-HCM, TP.HCM.
The post Tổ chức không gian kiến trúc cao ốc văn phòng tại TP.HCM theo định hướng sinh thái appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/3ozZbQV
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét