Ý tưởng về mô hình đô thị sinh thái vừa và nhỏ
Từ những năm cuối thế kỷ 20 đầu 21, ở Châu Âu và một số nước ở Bắc Mỹ đã nhận ra một điều: Phát triển các TP lớn có nhiều điều bất ổn – Hay nói một cách khác, các đại đô thị nhiều triệu dân làm nảy sinh quá nhiều mặt tiêu cực, và hơn nữa việc khắc phục hay kiểm soát rất khó khăn. Do vậy, họ chủ trương phát triển các TP vừa và nhỏ. Các TP, thị trấn nhỏ chừng vài ngàn dân, lớn hơn vài chục ngàn, và không quá 200.000 dân được ưu tiên phát triển. Những TP như thế kiểm soát rất tốt về dân số, môi trường, cảnh quan, an ninh trật tự, và tất nhiên là cả về xây dựng. Về mặt xã hội, loại đô thị này rất thân thiện, vì nhỏ cho nên hầu như mọi người đều biết nhau. Vì thế mới xuất hiện các khái niệm như “TP làng”, “Đô thị thân thiện”…
Tiếp sau đó, khi phong trào “TP xanh”, “TP sinh thái” phát triển nở rộ thì các KTS, nhà qui hoạch mới nhận ra việc đưa yếu tố “sinh thái” vào trong các TP vừa và nhỏ dễ thành công hơn, hiệu quả kinh tế – xã hội mang lại cao hơn. Thực tế cho thấy khi thực thi các tiêu chuẩn theo hai bộ tiêu chí đang ứng dụng tại Việt Nam là của LEED (do Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ – USGBC và LOTUS do Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam – VGBC) thì các tiêu chí như “xanh hóa”, sử dụng vật liệu sinh thái, bố cục không gian tận dụng lợi thế thiên nhiên, sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng điện và nước tại các TP vừa và nhỏ, nhất là các TP mới không chỉ dễ dàng hơn, rẻ hơn mà còn duy trì thành quả lâu dài hơn so với các TP lớn hàng chục triệu dân, nhất là các TP đã có hàng trăm năm tuổi như TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng,….
Hệ quả của dịch Covid cũng là một cú hích quan trọng để cho các nhà quản lý, qui hoạch, các KTS nhận thức sâu sắc thêm về giá trị của TP sinh thái vừa và nhỏ. Điều dễ nhận thấy nhất là nơi nào tập trung đông dân cư và mật độ dân số cao thì tình trạng lây nhiễm rất nhanh và dẫn đến thảm họa. Các TP ở Đông Nam Á hiện nay được coi là tâm điểm của dịch Covid thì đều có dân số trên dưới 10 triệu người, như Bangkok (12 triệu), TP.HCM (13 triệu), Manila (12.5 triệu), Jakarta (15.5 triệu). Do vậy, mà các nhà đô thị học, KTS đều tính đến việc phát triển các TP vừa và nhỏ, các đại đô thị có lẽ không còn phù hợp nữa, còn nếu tính đến các đại đô thị thì đó sẽ là một tổ hợp của nhiều TP nhỏ hợp lại, mỗi TP là một đơn vị độc lập, giữa chúng có khoảng giãn cách tự nhiên là những cánh rừng rộng, con sông hay những vành đai xanh lớn để khi cần có thể cô lập TP lại ngay được.
Các nhân tố hỗ trợ cho các TP sinh thái vừa và nhỏ ra đời và phát triển
Khoảng 20 năm trở lại đây, rất nhiều nước không còn “hăm hở” với các TP lớn, cực lớn nữa mà “theo đuổi” các TP nhỏ như Đức, Đan Mạch, Thuỵ Sĩ, Phần Lan, Nauy, và sau này là Pháp, Canada,…Mô hình “TP trong rừng, rừng trong TP”, “TP đi bộ và xe đạp” xuất hiện ngày càng nhiều, chỉ vài chục ngàn, thậm chí vài ngàn dân, không hoành tráng, không nhà cao tầng, nếu có thì là cao ốc truyền hình, đài quan sát phòng hoả như là công trình điểm nhấn. Mô hình này bắt đầu lan sang châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, gần đây nhất là Dubai, Ấn Độ…Loại hình này ra đời và có sức sống lâu bền là nhờ có sự hỗ trợ của năng lượng tái tạo, vật liệu tự nhiên, công nghệ thông tin và xu hướng xã hội.
- Năng lượng điện: Bất cứ TP nào cũng cần điện cho sản xuất, sinh hoạt. Từ khi cuộc cách mạng công nghiệp ra đời thì các TP sử dụng điện từ các nhà máy nhiệt điện đốt bằng than đá, nhiên liệu hóa thạch như dầu, khí đồng hành, sau này thêm thủy điện. Hệ thống đô thị của một quốc gia dùng chung lưới điện quốc gia, chính vì thế việc ra đời các đô thị nhỏ được coi là không kinh tế, nhất là các TP ở xa trung tâm, ở các đảo nhỏ ngoài khơi. Việc truyền tải hệ thống điện, sau đó là tới từng nhà dân ở những nơi xa như thế rất tốn kém, hầu hết là chính phủ phải bù lỗ. Do vậy mà các TP vừa và nhỏ xoay quanh các TP lớn như các vệ tinh để hưởng lợi từ TP lớn. Nhưng từ khi lượng điện tái tạo ra đời thì bài toán cung cấp điện cho các TP nhỏ ở những nơi xa xôi, trên núi cao, các hòn đảo ngoài khơi xa không còn nan giải nữa. Việc cung cấp năng lượng cho TP vài trăm ngàn dân hoàn toàn có thể thực hiện được từ điện gió, điện mặt trời. Đây là loại năng lượng được sản xuất tại chỗ, giá thành không cao, được coi là năng lượng sạch, không khí phát thải, không thải ra rác thải công nghiệp, và rất cơ động có thể di dời, thay thế dễ dàng các thiết bị. Hàng ngàn TP sinh thái trên thế giới ra đời và phát triển được nhờ có loại năng lượng sinh thái này.
- Vật liệu xây dựng: Có một thực tế là các tiêu chuẩn xây dựng sinh thái cho các TP đã có như TP. HCM, Hà Nội và nhiều TP khác, vấp phải rất nhiều rào cản và thách thức. Giá thành xây dựng công trình xanh bao giờ cũng cao hơn giá thành xây dựng truyền thống, các loại vật liệu như gạch không nung, bê tông nhẹ chưa hấp dẫn cả người xây dựng lẫn người thụ hưởng. Trong khi ở các TP sinh thái vừa và nhỏ thì các loại vật liệu nhân tạo là kết quả của quá trình “nhào nặn” tự nhiên như kính, nhôm, inox, bê tông, gạch men,…được tiết giảm tối đa. Trong thời gian công tác ở Đan Mạch, Thụy Điển, tôi đã được nghe các nhà khoa học, các nhà Đô thị học, KTS nói một cách say sưa về loại kinh tế “hoàn nguyên” áp dụng ở các TP sinh thái nhỏ này. Họ đưa ra một ví dụ điển hình là: “Một đời người – ba đời cây”. Một người sống trung bình 70 tuổi, nếu năm 10 tuổi anh ta trồng cái cây đầu tiên thì trong cả cuộc đời anh ta trồng được 3 đời cây trưởng thành khai thác sử dụng làm các công trình. Còn khi tạo ra xi măng, sắt, thép, kính anh phải tàn phá không biết bao nhiêu là núi, mỏ, cát. Một tảng đá, một ngọn núi xuất hiện ở đó là do sự biến đổi của vỏ trái đất, khi anh đập nó ra, san phẳng nó đi có nghĩa là nó biến mất không bao giờ thấy nó nữa; ngược lại với một cái cây chặt nó đi, để làm nhà nhưng trồng vào đó một cây khác thay thế là chỉ 10-15 năm sau lại thấy nó như trở lại, tương tự như thế, đất đai, ruộng vườn, ao cá chẳng mất đi đâu, nó vẫn ở đó miễn là anh biết yêu quí nó, khai thác nó một cách hợp lý là nó sinh ra của cải, tài sản cho anh. Do vậy mà các KTS, các nhà thiết kế, kỹ sư xây dựng thiên về các vật liệu tự nhiên như gỗ, tre, trúc, gỗ ép từ lá cây, đất sống (chưa qua nung), đá nguyên thủy trong khi tạo dựng các công trình. Ở Đức, Đan Mạch, Nauy, Áo,… Chung ta có thể gặp khá nhiều các thị trấn mà nhà, hàng rào hoàn toàn làm bằng gỗ, thậm chí ở Nauy các KTS đã hoàn thành một tòa nhà hoàn toàn bằng gỗ 18 tầng cao 85,4m . Ở Việt Nam, KTS Võ Trọng Nghĩa, KTS Hoàng Thúc Hào là những người tiên phong đưa các vật liệu tự nhiên như tre, trúc, nứa, đất vào công trình xây dựng và gặt hái được những thành công.
- Công nghệ thông tin: Một trong số các thách thức mà các TP nhỏ gặp phải trước kia là bị cô lập khi gặp động đất, bão lụt, cháy rừng,… nhưng ngày nay nhờ có IT mà hầu hết các vấn đề rắc rối như vậy được giải quyết. Công nghệ thông tin giúp các TP nhỏ ở nơi xa xôi, ngoài hải đảo không còn bị cô lập, dòng chảy thông tin với đến mọi ngóc ngách của một quốc gia. Công nghệ thông tin phát triển làm cho việc phá rừng lấy gỗ cung cấp cho các nhà máy sản xuất giấy cho in ấn các loại giảm đi. IT giúp cho truyền thông từ trực tiếp sang gián tiếp, các hoạt động trước kia phải “mặt giáp mặt” thì nay qua online thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch thương mại, kể cả khám chữa bệnh. Chính điều này giúp TP sinh thái giảm khí phát thải từ các loại xe có động cơ, thay vào đó là mọi người dân đi xe đạp, đi bộ, đi xe điện,…
- Xu thế dời bỏ các đại đô thị về các TP nhỏ và vùng nông thôn ngày càng trở nên mạnh mẽ. Cuối thế kỷ 20, người dân rời bỏ đô thị để tìm về các TP, thị trấn nhỏ đã xuất hiện, nhưng còn yếu ớt, nhưng trong năm 2020, nhân loại chứng kiến một trào lưu “bỏ phố vế quê”, “dời thị về làng” khá mạnh, mà dịch Covid được là một cú hích khiến cho xu hướng này gia tăng qui mô và tốc độ. Nếu việc hồi hương, trước kia thường xảy ra ở người già, người về hưu, thì nay có một số lượng đông đảo người trẻ tham gia làm cho tiến trình hồi hương trở nên sôi động hơn. Covid khiến cho hàng trăm triệu người dân đô thị mất việc làm, phải giãn cách xã hội, phải co mình trong những căn hộ bé tí, hạn chế ra ngoài, phải căng mình cảnh giới mọi nguy cơ, và nỗi lo an tòan cho bọn trẻ con trở nên quá sức chịu đựng, do vậy nhiều người tìm về các thành phố, thị trấn làng như một phương cách giải thóat cho tình trạng bức bối, lạnh lùng, xét nét, có cả kỳ thị đang diễn ra ở các TP. Về nông thôn trước tiên là họ thực hiện được giãn cách xã hội mà vẫn được hưởng bầu không khí trong sạch, thực phẩm tươi sống, quan hệ xã hội thân thiện, hơn thế nữa cả nhà còn có thể làm được những điều mà bấy lâu không sao làm được ở TP – Đó là tự mình trồng rau sạch, chăn nuôi, trồng những loại hoa mình thích – Đó là cả nhà ngồi quây quần với nhau quanh bàn ăn mỗi buổi tối; uống cà phê, ngắm mặt trời mọc mỗi buổi sáng, đọc những cuốn sách mà mình còn nợ, và đi thăm người những người nhà quê, những cánh đồng, dòng suối, ngọn đồi. Ở các nước phát triển, không chỉ ở châu Âu, Bắc Mỹ mà cả ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc những đô thị làng được thịnh hành trở lại. Thậm chí người Nhật còn phục hưng lại hàng trăm thị trấn – làng bị bỏ quên nhiều năm nay. Đó là những đô thị nhỏ tràn ngập màu xanh, chỉ với vài chục, thậm chí vài ngàn dân, ở đây họ làm nông nghiệp công nghệ cao, họ cùng nhau phục hưng các giá trị truyền thống, giảm bớt sản phẩm nhân tạo, phục hồi dân ca, dân vũ, sống thân thiện với nhau và với thiên nhiên. Lối sống này đang cuốn hút cả giới trẻ ở các nước đang phát triển. Chính vì thế mà xu hướng “bỏ phố về làng” trong dịp dịch này chính là góp một phần rất lớn vào việc phát triển các TP sinh thái nhỏ.
Việc xây dựng các đô thị sinh thái, các công trình xanh ở Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu, phần nhiều là thử nghiệm. Trường Sa trở thành thị trấn chính là nhờ có các yếu tố kể trên và nó là một trong các số các đô thị sinh thái nhỏ thành công ở Việt Nam, tiếp đó là Bạch Long Vĩ, Phú Quí,…Việc xây dựng các TP sinh thái nhỏ là một hướng đi có thể thành công ở Việt Nam, trong khi các đại đô thị hầu như không còn dư địa thì ở những vùng sâu vùng xa, núi cao, biên giới, hải đảo (Việt Nam có hơn 4.000 đảo lớn nhỏ) còn thiếu vắng văn minh và kinh tế đô thị, do vậy mô hình TP sinh thái nhỏ là một chủ đề mà các KTS, kỹ sư, các nhà quản lý, các nhà đô thị học cần để tâm.
PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa
Khoa Đô Thị Học, ĐH Quốc gia HCM
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2021)
Tài liệu tham khảo
1. Giải pháp bảo vệ, phục hồi và phát triển cây xanh-mặt nướx TP. Hà Nội. Hội QHPT Đô thị Việt Nam, 2018.
2. Hiroaki Suzuki và các tg khác. Các TP Eco2 – Các đô thị sinh thái kiêm kinh tế. Ngân hàng thế giới, 2010.
3. Nirmal Kishnani. Xanh hóa châu Á. NXB Tri thức. 2016.
4. Nguyễn Minh Hoà. Đô thị-Những vấn đề tiếp nối. NXB Đại học Quốc gia HCM. 2019.
5. Phạm Đức Nguyên. Phát triển kiến trúc bền vững, kiến trúc xanh ở VN. NXB Tri thức, 2017
The post Những nhân tố đảm bảo cho đô thị sinh thái vừa và nhỏ phát triển appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/3GkbA1w
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét