Thứ Năm, 9 tháng 12, 2021

Thành phố đại học – Công viên sinh thái

Mở đầu

Mô hình Đại học (ĐH) của thế kỷ 21 mang hơi thở thời đại của nền kinh tế tri thức đã được các nhà nghiên cứu giáo dục quốc tế đúc rút và xây dựng từ cuối những năm 90 của thiên niên kỷ trước, xác lập sự thay đổi căn bản so với mô hình ĐH đương đại. Theo đó, cùng với những thay đổi cơ bản về mô hình Đào tạo – Nghiên cứu – Ứng dụng và quản trị ĐH, là những yêu cầu nâng cao các điều kiện giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và sinh hoạt của sinh viên, giảng viên, cán bộ công nhân viên nhà trường. Trong đó, điều kiện về mở rộng quỹ đất luôn được đặt lên hàng đầu và xu hướng đưa các trường ĐH ra ngoại vi thành phố (TP) để hình thành các khu ĐH tập trung – đô thị vệ tinh, vốn đã khởi phát từ cuối những năm 50 của thế kỷ trước, trở thành hướng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt đối với các quốc gia đang thực hiện việc tái cấu trúc giáo dục ĐH.

Một góc của University Catholic ở Louvain, Vương quốc Bỉ

Cùng với sự ra đời và phát triển hàng thiên niên kỷ nay của giáo dục ĐH, kiến trúc quy hoạch các trường ĐH cũng trải qua nhiều giai đoạn hình thành phát triển liên tục và đa dạng của mình với các mô hình thích ứng đặc thù của quá trình đào tạo. Ở khía cạnh công trình từ xuất phát điểm ĐH – Tòa nhà (University Building) đến ĐH – Tổ hợp (University – Complex), hai mô hình phổ biến của trường ĐH trong TP với sự thay đổi từ tòa nhà đa năng đến quần thể công trình đa chức năng. Ở một cách tiếp cận khác, về quy hoạch và quy mô, ĐH đã có bước phát triển từ ĐH – khuôn viên (University – Campus) đến ĐH – Đô thị (University City) hay TP ĐH, với quan niệm ĐH như một đô thị đặc thù bởi cấu trúc cư dân và phương thức hoạt động đặc thù. Cùng với quy mô và tính chất đặc thù của mình, TP ĐH hoặc trở thành một trung tâm chức năng của đô thị lớn, với mô hình TP trong TP, hoặc trở thành một đô thị vệ tinh chức năng, nằm ở vùng ngoại vi.

Cũng chính ở đây, vùng ngoại vi TP, cùng với khả năng về quy mô quỹ đất, tiền đề cho xu hướng lựa chọn địa điểm để TP ĐH phát triển như một công viên sinh thái hiện trở thành một định hướng tích cực trong thực tiễn quy hoạch thiết kế trường ĐH trong các vùng đô thị lớn. Bài viết này sẽ đề cập những nét khái quát về tiền đề hình thành, nguyên tắc ứng xử với điều kiện tự nhiên và những giải pháp cơ bản của đô thị sinh thái đặc thù này.

Điều kiện hình thành

Quá trình phát triển của đô thị ĐH chịu sự tác động trước hết của những yếu tố nội tại: Gia tăng quy mô và đa dạng hóa cấu trúc ngành nghề, chức năng xuất phát từ những yêu cầu ngày một cao của sự phát triển kinh tế – xã hội đối với giáo dục ĐH nhằm hoàn chỉnh hóa mô hình Đào tạo – Nghiên cứu – Ứng dụng. Những tác động nội tại đó cùng với yêu cầu chuẩn hóa các tiêu chuẩn diện tích chức năng, dẫn tới nhu cầu gia tăng diện tích khuôn viên như một sự cần thiết tất yếu. Việc mở rộng khuôn viên thường được diễn ra theo 3 hướng: Tại chỗ, di dời sang địa điểm mới và phát triển nhiều campus. Cho tới những năm 50 của thế kỷ trước, đa phần các trường ĐH chú trọng việc mở rộng khuôn viên tại chỗ. Quy mô sinh viên và quy mô khuôn viên cùng với những chức năng đặc thù đã đưa các ĐH phát triển thành những Đô thị đặc thù – TP ĐH. Các ví dụ tiêu biểu có thể kể đến là các trường ĐH lâu đời và danh tiếng thế giới ở Châu Âu như Oxford, Cambridge (Anh) hay Heidelberg ở CHLB Đức. Các trường này đều có những nét chung về sự hình thành, mô hình tổ chức và cấu trúc không gian. Đồng thời, quá trình phát triển về quy mô và không gian lãnh thổ của các ĐH này đều là những minh chứng rõ nét cho mô hình ĐH – Đô thị. Các khuôn viên học đường thực tế là các công trình tạo nên các tuyến phố của toàn đô thị. Các không gian cộng đồng chính là các quảng trường gắn kết với các công trình công cộng như Thư viện, Nhà thờ, Nhà hát, Phòng khánh tiết, Cung thể thao… Các trường thành viên – college tạo thành các khu phố – quater khác nhau theo liên kết mềm. Cả Cambridge, Oxford và Heidelberg đều là những địa danh hành chính phát triển từ Làng (village), Thị trấn (town) đến Đô thị Vùng, Hạt (Cambridgeshire, Oxfordshire). Với đặc thù tỷ trọng dân cư là sinh viên chiếm tới hơn 20% tại các Đô thị này nên Oxford còn được gọi là City University, Heidelberg có tên là University Town – Những TP ĐH và Cambridge được mệnh danh là Town Gown – “TP của dân áo choàng” (thuật ngữ để chỉ các giáo sư, sinh viên). Chính cấu trúc cư dân đặc thù này tạo tiền đề quan trọng cho hệ sinh thái nhân văn của đô thị ĐH.

Một góc của Khu đại học Quảng Châu, Trung Quốc
Nguyên tắc ứng xử với điều kiện tự nhiên bản địa

Một trong những điều kiện tiên quyết để ĐH mở rộng và phát triển khuôn viên tại chỗ chính là khi ĐH sở hữu khuôn viên đủ lớn hoặc đủ khả năng, điều kiện để “thôn tính” những diện tích giới cận. Khảo sát khuôn viên của 15 trường ĐH hàng đầu ở Hoa Kỳ cho thấy đa phần đều có những khuôn viên rất lớn (từ 500 ha trở lên), đặc biệt, hầu hết trong số này đều là những trường thành lập muộn hơn (nửa cuối thế kỷ 19) ví dụ như ĐH Stanford thành lập năm 1891 có khuôn viên rộng tới 3.310 ha, hiện được vận hành như một Đô thị ĐH xanh nhất. Khi không có những điều kiện như vậy, các trường đều hướng tới hoặc mở thêm campus (như trường hợp của ĐH Harvard mở rộng khuôn viên qua sông Chales để sở hữu campus mới cho Trường Quản trị kinh doanh danh tiếng và Trung tâm Thể dục thể thao) hoặc di dời sang địa điểm mới. Và ở đây, trong cả hai trường hợp này, dưới tác động bởi quá trình mở rộng hoặc tái cấu trúc của những Đô thị lớn, xu hướng nổi bật là sự hình thành nên những Khu, Vùng tập trung các trường ĐH (di dời đến, campus mới hoặc mới được thành lập). Cùng với nó chính là các Đô thị ĐH lớn – Khu ĐH tập trung – Vùng Đô thị ĐH.

Yếu tố Đô thị và quy hoạch Đô thị tác động đến việc tổ chức không gian Đô thị ĐH (ĐTĐH) thông qua vị trí (địa lý) trong quy hoạch của Đô thị lớn mà nó thuộc về, và mối quan hệ tương hỗ giữa Đô thị lớn và ĐTĐH. Sự tác động này thể hiện rất rõ xuất phát từ khả năng ĐTĐH, trong quá trình hình thành và phát triển, có những yếu tố tạo thị rất mạnh (các nhóm dịch vụ văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục… cũng như những kết nối hạ tầng…). Từ đó, việc lựa chọn vị trí cho ĐTĐH trở thành rất quan trọng góp phần phát huy tính tương hỗ hiệu quả của ĐTĐH và Đô thị lớn. Trong mối quan hệ hữu cơ với đô thị và trong quá trình phát triển, tuỳ thuộc vào tính chất qui mô, vị trí của ĐH và đô thị sẽ diễn ra quá trình đô thị hóa ĐH hoặc ngược lại – ĐH hoá đô thị. Ở đây, với những đặc thù về tổ chức không gian chức năng, mật độ xây dựng cũng như nhu cầu về diện tích khuôn viên cùng với sự lựa chọn địa điểm hữu hiệu ở những khu vực ngoại vi có tiềm năng về địa hình tự nhiên, nằm trên những trục phát triển xanh của TP, ĐTĐH đã mang một sứ mệnh phát triển bền vững của Đô thị lớn – trở thành đô thị vệ tinh xanh. Những ví dụ lựa chọn địa điểm mới hiệu quả về hình thành các đô thị vệ tinh này có thể kể đến như ở Hàn Quốc (TP ĐH bên sông Hàn), Bỉ (University Catholic ở Louvain), Nga (Volgagrad và Nijni Novgorod) và đặc biệt gần đây ở Trung Quốc (Quảng Châu và Trùng Khánh)

Những nguyên tắc cơ bản

Về mặt bản chất, tổ chức không gian kiến trúc quy hoạch các trường ĐH hiện đại thế kỷ 21 đều đối mặt với 5 bài toán phải giải quyết, đó là Công năng (Functionality), Cộng đồng (Community), Giao thông (Mobility), Ứng xử với điều kiện tự nhiên bản địa (Naturality) và Bản sắc (Identity). Với TP đại học – công viên sinh thái, bài toán ứng xử với điều kiện tự nhiên bản địa được ưu tiên đặt ở vị trí trung tâm, bài toán công năng và giao thông trên cơ sở ưu tiên sinh thái nhằm hướng tới cấu trúc hiệu quả nhất về sử dụng, tổ chức không gian và hạ tầng kỹ thuật, hiệu ứng của các bài toán trên là tiền đề cho bài toán về tính cộng đồng và tạo nên tính bản sắc của một ĐTĐH đặc thù.

Quan niệm chức năng và tổ chức mạng lưới

Ý tưởng chủ đạo được thể hiện trong quy hoạch tổng thể nói chung và từng khu nói riêng là coi TP ĐH là một công viên sinh thái (ecology park) với những nguyên tắc cơ bản sau:

  1. Bảo lưu hiện trạng;
  2. Bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên;
  3. Địa hình, cây xanh, mặt nước là 3 thành tố cơ bản để tạo lập tổ hợp kiến trúc;
  4. Bố cục các tuyến giao thông và công trình tránh giao cắt và phá hoại sơn địa, tránh san lấp cao trình;
  5. Tuân thủ 3 mức sinh thái: Công trình, khu vực và toàn khu ĐTĐH.

Trong đó, 4 nguyên tắc đầu xác lập các phương thức tiếp cận trong cách ứng xử với điều kiện tự nhiên bản địa, coi hiện trạng, hệ sinh thái tự nhiên, cụ thể là địa hình, cây xanh, mặt nước không những là đối tượng cần được bảo lưu mà còn đóng vai trò như những thành tố cơ bản cho tổ chức không gian kiến trúc quy hoạch. Như vậy, trên cơ sở tôn trọng tối đa hiện trạng và hệ sinh thái tự nhiên tiến hành phân loại bảo tồn để từ đó đề xuất phân vùng chức năng và bố cục không gian. Tổ hợp kiến trúc của các không gian chức năng đào tạo – nghiên cứu khoa học – công cộng – ở – sinh hoạt – thể dục thể thao – thực hành, thực nghiệm được tạo lập bởi công trình, địa hình, cây xanh và mặt nước. Các trục giao thông được xác lập theo địa hình, liên kết các tổ hợp chức năng được bố cục theo cụm, nhóm và chuỗi để từ đó hình thành mạng lưới giao thông không khói tối đa.

Cây xanh và mặt nước được coi là những nguồn tài nguyên quan trọng nhất của TP ĐH – Công viên sinh thái, hình thành những miền xanh tập trung với những lâm viên, hồ nước đa dạng sinh học chiếm tỷ trọng diện tích trung bình từ 55 đến 65% bao gồm cả những khu vườn và cánh đồng thực nghiệm. Không hiếm những trường hợp trong khu ĐTĐH sinh thái có sự hiện diện của những vườn Bách thảo (Botanical garden). Đồng thời, cùng với sự sở hữu các cơ sở nghiên cứu ứng dụng, các giải pháp sử dụng nguồn năng lượng tái tạo (điện, nước) có điều kiện áp dụng cao trong toàn ĐH, từ thực nghiệm đến ứng dụng đại trà. Các khu chức năng đóng vai trò vùng lõi đô thị, được tạo lập bởi các thành tố, như trên đã nói, với mật độ xây dựng < 20% cùng hệ thống giao thông đi bộ, forum xanh, tiểu cảnh, vườn hoa, đài phun nước… hình thành các khu vực sinh thái. Các công trình từ giảng đường, lớp học, phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu, thư viện, trung tâm hội nghị, hội thảo… đến nhà ở sinh viên, giảng viên, nhà ăn, câu lạc bộ, TDTT… đều hướng tới các tiêu chí thiết kế xanh và tiết kiệm năng lượng – những công trình sinh thái.

Tổ chức không gian quy hoạch

Đô thị ĐH – công viên sinh thái ở ngoại vi TP phổ biến có hai mô hình với nội hàm chủ yếu là một ĐH lớn và nhiều ĐH hay còn gọi là khu ĐH tập trung. Các khu chức năng chính tương tự như các ĐH nói chung bao gồm: Học tập, Nghiên cứu, Trung tâm (Điều hành, Hội trường, Thư viện), TDTT, Khu ở (Sinh viên và giảng viên) và Khu thực hành, thực nghiệm (Các ĐH trong TP do hạn hẹp về quỹ đất, khu học tập và nghiên cứu thường được hợp nhất, khu thực hành thực nghiệm, thậm chí cả khu ở, được bố trí ở những cơ sở khác). Ở Khu ĐH tập trung, cũng như các ĐH đa ngành đa lĩnh vực có quy mô sinh viên lớn (trên 30.000 sv) phân khu chức năng Học tập được tổ chức thành khu học tập của các trường, khoa thành viên, còn khu Trung tâm bao gồm các Trung tâm liên trường. Từ quan niệm ba mức sinh thái: Công trình, khu vực và toàn đô thị, phân khu chức năng đóng vai trò quan trọng trong tổ chức không gian đô thị ĐH dựa trên mối quan hệ giữa vùng lõi với các miền xanh tập trung và khu vực để tạo ra những hình thái đô thị ĐH gắn với điều kiện tự nhiên bản địa.

Có 3 mô hình phổ biến tạo lập không gian vùng lõi đô thị phụ thuộc vào quy mô (cư dân, diện tích) và hình thái khu đất ở đây là: Trung tâm, chuỗi và đa trung tâm. Theo đó:

  • Lõi trung tâm phổ biến với mô hình ĐTĐH có quy mô không lớn (dưới 300ha), tập trung các công trình chức năng chính để hình thành trung tâm đô thị, nơi diễn ra các hoạt động thường nhật và chủ yếu của ĐH. Hệ số sử dụng của các công trình, đặc biệt lớp học, giảng đường, phòng thí nghiệm rất cao. Các miền xanh với cây xanh mặt nước tự nhiên bao quanh vùng lõi. Hệ cây xanh hình thành theo các tuyến giao thông kết nối với các không gian xanh nội khu, sân vườn, quảng trường…;
  • Chuỗi trung tâm phổ biến với ĐTĐH có quy mô trung bình (300 – 500ha) và hình thái khu đất tương đối phức tạp. Các khu chức năng được quy hoạch theo dạng chuỗi phụ thuộc một cách linh hoạt vào địa hình và vị trí các miền xanh tự nhiên, chia chúng ra thành 2 vùng hai bên chuỗi trung tâm. Các trung tâm chức năng liên kết hoặc chặt chẽ theo tuyến, hoặc được giãn cách bởi các tuyến xanh kết nối các miền xanh;
Mô hình tạo lập không gian vùng lõi đô thị ĐH – công viên sinh thái

Lõi đa trung tâm phổ biến với mô hình Khu ĐH tập trung có quy mô lớn và rất lớn (trên 500 ha và trên 1.000 ha) hình thành như một sự kết hợp giữa mô hình lõi, chuỗi trung tâm, các lấy khu trung tâm liên trường làm lõi, liên kết với các trường thành viên và các khu chức năng khác theo các tuyến hướng tâm hoặc chuỗi. Các miền xanh phân bố tự do, đan xen hoặc được tổ hợp thành một công viên sinh thái trung tâm bao gồm cả một số trung tâm liên trường. Mô hình này cũng được dựa trên những quan niệm phát triển đô thị gắn liền với môi trường sinh thái trong cả quá trình phân kỳ đầu tư là: Quan niệm cấu trúc “sinh trưởng theo cụm”, theo đó, quá trình phát triển về quy mô và số lượng của cụm có thể căn cứ vào tình hình sinh viên nhập học để tiến hành điều tiết, đồng thời sự phát triển của mỗi cụm không ảnh hưởng tới các cụm khác. Quan niệm chức năng “tổ chức mạng lưới”, thông qua việc tạo ra các chức năng và tuyến liên kết học tập – nghiên cứu khoa học – sinh hoạt cũng như thông qua các liên kết bằng miền xanh mà hình thành một hệ thống mạng lưới hoàn thiện, liên kết mật thiết các cụm vào hạt nhân khai thác chung.

Bài học cho Việt Nam

Tiêu chí của đô thị sinh thái là xâm phạm ít nhất đến môi trường tự nhiên, đa dạng hóa việc sử dụng đất, chức năng đô thị và các hoạt động khác của con người, xây dựng hệ thống đô thị khép kín và tự cân bằng, giữ cho sự phát triển dân số và tiềm năng của môi trường được cân bằng. Đô thị ĐH, với những đặc thù của mình hoàn toàn đáp ứng được những tiêu chí cơ bản trên đây, hướng tới sự cân bằng hài hòa giữa hệ sinh thái tự nhiên và hệ sinh thái nhân văn, nhằm khai thác các nguồn tài nguyên quan trọng nhất là đất đai, cây xanh, mặt nước, môi trường và con người.

Quan niệm về cấu trúc

Thực tiễn ở Việt Nam cho thấy, việc xây dựng các khu đô thị ĐH theo xu hướng sinh thái gắn liền với chủ trương quy hoạch các khu ĐH tập trung ở vùng ngoại vi TP. Theo đó, có thể nhấn mạnh như một trong những định hướng quan trọng hàng đầu trong Nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội và vùng TP HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 699/QĐ-TTg ngày 01/06/2009 và 700/QĐ-TTg ngày 02/06/2009) là tạo lập những Khu ĐH tập trung (Khu ĐHTT) đáp ứng điều kiện đào tạo – nghiên cứu hiện đại cho các trường được di dời từ Trung tâm TP, phù hợp với tinh thần của “Quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, Cao đẳng giai đoạn 2006-2020 (Quyết định số 121/2007/QĐ-TTg ngày 27/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ) và “Đề án đổi mới toàn diện Giáo dục ĐH”. Trước đó, bắt đầu từ giữa thập niên 90, cùng với việc thành lập các ĐH Quốc gia và ĐH Vùng, những Trung tâm Đào tạo – Nghiên cứu đa ngành có quy mô sinh viên lớn và có nhu cầu đất đai cũng rất lớn thể nghiệm mô hình Khu ĐH ở ngoại vi TP (ĐHQG Hà Nội tại Hòa Lạc diện tích 1 000ha, ĐHQG TP HCM tại Thủ Đức diện tích 650 ha, ĐH Đà Nẵng diện tích 300 ha). Mười năm trở lại đây cũng đã có những đề xuất thể nghiệm các mô hình Khu ĐH tập trung bao gồm nhiều trường ĐH hoặc Cao đẳng nằm ở khu giáp ranh TP như Khu ĐH Sài Gòn – Long An (180 ha); Kinh Bắc (200 ha), chủ yếu dành cho các ĐH ngoài công lập; các Khu ĐH Phố Hiến (Hưng Yên) quy mô 1.000 ha và Khu ĐH Hà Nam (400 ha) đã được phê duyệt chủ trương, đang xúc tiến quy hoạch và triển khai xây dựng. Bên cạnh đó cũng là những ĐH đa ngành mới được quy hoạch xây dựng theo chuẩn quốc tế như ĐH Việt Đức (ở vùng phụ cận tỉnh Bình Dương) và ĐH Việt Pháp (nằm trong khu Giáo dục đào tao tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc). Đó chính là những tiền đề quan trọng cho việc áp dụng mô hình TP ĐH – công viên sinh thái, như một đô thị đặc thù, một khuynh hướng đang có nhiều triển vọng ở nhiều nước trên thế giới, hoàn toàn đáng được chú trọng và coi đó là một trong những hướng cơ bản để quy hoạch mạng lưới, xây dựng và phát triển bền vững hệ thống cơ sở vật chất của các Trường ĐH ở Việt Nam.

ĐH Quốc gia Hà Nội. Phối cảnh tổng thể
(Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia)

Tiêu chí của đô thị sinh thái là xâm phạm ít nhất đến môi trường tự nhiên, đa dạng hóa việc sử dụng đất, chức năng đô thị và các hoạt động khác của con người, xây dựng hệ thống đô thị khép kín và tự cân bằng, giữ cho sự phát triển dân số và tiềm năng của môi trường được cân bằng. Đô thị ĐH, với những đặc thù của mình hoàn toàn đáp ứng được những tiêu chí cơ bản trên đây, hướng tới sự cân bằng hài hòa giữa hệ sinh thái tự nhiên và hệ sinh thái nhân văn, nhằm khai thác các nguồn tài nguyên quan trọng nhất là đất đai, cây xanh, mặt nước, môi trường và con người.

KTS TS Trần Thanh Bình
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2021)


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trần Thanh Bình (2017) Khu ĐH tập trung – Mô hình và giải pháp quy hoạch xây dựng phát triển Hệ thống các trường ĐH cao đẳng Vùng Thủ đô (Ví dụ đề xuất cho Khu ĐH Phố Hiến Hưng Yên) Kỷ yếu Hội thảo về quy hoạch xây dựng Khu ĐH tập trung. Hưng Yên 4.2017;
2. Trần Thanh Bình (2011) Khu ĐH tập trung – Xu hướng và kinh nghiệm.Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, 4/2011;
3. Trần Thanh Bình (2009) Khu ĐH Quảng Châu – Trung Quốc – Những bài học kinh nghiệm. Tạp chí Quy hoạch 8/20
4. Nguyễn văn Long, Châu Minh Khải, Nguyễn Hoàng Linh (2017) Sinh thái học đô thị: Nhận thức về đô thị bền vững. Tạp chí Kiến trúc 11/2017;
5. Nguyễn Đăng Sơn (2013) Đô thị sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu http//www. hoixaydunghcm.vn

The post Thành phố đại học – Công viên sinh thái appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/3oBZhaK
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét