Trong nội dung bài báo này, các tiêu chuẩn đánh giá công nhận KĐTX (LEED-ND, CASBEE-UD) và các mô hình khu đô thị xanh (KĐTX) điển hình trên thế giới được giới thiệu. Tiếp theo, một số bài học kinh nghiệm về thực hành công trình xanh (CTX) được làm rõ thông qua phân tích dự án thực chứng chung cư cao tầng Diamond Lotus Riverside (DLRS). Cuối cùng, các tiêu chí xây dựng mô hình KĐTX được đề xuất áp dụng trong thiết kế quy hoạch xây dựng khu đô thị (KĐT) mới hướng tới phát triển bền vững (PTBV) trong bối cảnh Việt Nam hiện nay. Như vậy, một bức tranh toàn cảnh từ CTX tới KĐTX sẽ được giới thiệu và bàn luận nhằm hướng đến mục tiêu PTBV.
1. Tổng quan
Trong bối cảnh của biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu và yêu cầu về PTBV, những năm gần đây, yếu tố xanh trong kiến trúc và quy hoạch phát triển đô thị đang được quan tâm và triển khai mạnh mẽ. Từ những năm 1990, phong trào CTX đã ra đời tại các nước phát triển và hiện đang lan rộng tới nhiều khu vực trên thế giới trong đó có Việt Nam. Phong trào CTX ở Việt Nam đã có những bước phát triển từ những ngày đầu cùng với xu hướng chung của thế giới, tuy nhiên tăng trưởng còn khá chậm và hạn chế [1]. Năm 2014, Singapore có gần 1200 CTX, Đài Loan có 500 CTX, Malaysia có 125 CTX thì ở Việt Nam chỉ có chưa đến 10 CTX. Hiện nay, theo thống kê Quý II/2021 của Tổ chức tài chính quốc tế (IFC), tổng số CTX tại Việt Nam theo các chứng chỉ phổ biến bao gồm LEED, LOTUS và EDGE chỉ mới đạt được 188 dự án.
Phát triển CTX thực chất là kiến tạo một quá trình tổng hợp từ thiết kế, xây dựng theo tiêu chuẩn xanh đến vận hành, thay đổi nhận thức sống xanh của cộng đồng. Để PTBV, trong một KĐT, việc chỉ xây dựng các CTX là chưa đủ mà cần hướng về mô hình phát triển một KĐTX toàn diện, trong đó CTX là một trong những yếu tố quan trọng bắt buộc. Trên thực tế, Việt Nam chưa có một KĐTX với công trình nhà ở theo tiêu chuẩn CTX mà mới chỉ có các CTX được xây dựng đơn lẻ, rải rác ở các đô thị khác nhau trên cả nước, trong đó số lượng CTX là nhà ở chiếm số lượng rất ít.
Trong lĩnh vực quy hoạch và thiết kế đô thị, tính xanh cũng rất được quan tâm xuyên suốt lịch sử phát triển các mô hình lý thuyết quy hoạch đô thị hiện đại. Từ mô hình Thành phố vườn (Ebenezer Howard, 1902), “Đơn vị ở” thẳng đứng (Le Corbusier, 1952), đến mô hình Khu ở (Clarence Stein và Henry Wright, 1923) cho thấy tính xanh đã được chú trọng, tuy nhiên chỉ mới thông qua yếu tố diện tích [2, 3, 4]. Tiếp theo, trong những trào lưu thiết kế đô thị đương đại, tính xanh đã được nhìn nhận sâu sắc hơn với các yếu tố sinh thái và vai trò của cảnh quan trong việc tạo thành cấu trúc không gian đô thị (cách tiếp cận Đô thị học cảnh quan – Landscape Urbanism) [5,6], hoặc tính xanh hướng đến những tiêu chí mang đặc trưng của hệ sinh thái tự nhiên như không phát thải (Zero-emission) và không rác thải (Zero-waste) trong Chủ nghĩa Đô thị xanh (Green Urbanism) [7].
Việc nghiên cứu và xây dựng các tiêu chí về KĐTX, đô thị bền vững đã được tiến hành tại các nước trên thế giới trong thời gian dài và có những thành công nhất định. Diamantini và Zanon (2000) đã cung cấp cái nhìn tổng quan về các sáng kiến trong việc PTBV các đô thị tại Ý. Tác giả nhấn mạnh một số giới hạn trong sử dụng các chỉ số đánh giá còn quá chung chung, sự tham gia của cộng đồng là rất hạn chế và phân tích trường hợp tỉnh Trento. Sterling (2006) đã có báo cáo về các chỉ số KĐTX theo năm được thực hiện tại nhiều quốc gia và tổng hợp những chỉ tiêu và tiêu chí cho KĐTX. Scipioni và các cộng sự (2009) xoay quanh việc áp dụng các chỉ số phù hợp là cơ sở để thực hiện PTBV ở cấp địa phương và thử nghiệm tại thành phố Padua, Ý. Ông cũng mô tả những kinh nghiệm phát triển các chỉ tiêu về môi trường và PTBV cho đô thị tại Ý. Năm 2012, Mainguy đã sử dụng các lý thuyết về môi trường đô thị để tiến hành phân tích các yếu tố tác động trực tiếp đến mục tiêu PTBV tại các thành phố. Trên cơ sở đó, tác giả đã đưa ra bộ tiêu chí đánh giá và đo lường các chỉ tiêu trong quá trình phát triển của một đô thị như sử dụng đất, chất thải rắn, sự ô nhiễm… [8].
Tại Việt Nam, Hồ Minh Dũng, Vương Thế Hoàn và Chế Đình Lý (2015) đã đề xuất 18 tiêu chí định lượng thuộc 9 lĩnh vực với độ tin cậy cao để đánh giá mức tăng trưởng xanh ở các khu vực nội thành TP.HCM dưới góc độ pháp lý và quản lý đô thị [9]. Nguyễn Hoàng Yến và Nguyễn Thị Như (2015) đã đề xuất 23 tiêu chí thuộc 9 nhóm nội dung lớn và 55 chỉ thị để đánh giá một KĐT thân thiện với môi trường, phù hợp với điều kiện Việt Nam [10]. Phạm Thúy Loan (2020) đã đề xuất 6 nhóm tiêu chí và quy trình đánh giá 2 giai đoạn áp dụng cho các dự án KĐTX trên cơ sở phù hợp với QCVN01/2019/BXD về QHXD, QCVN 07-4:2016 về Các công trình hạ tầng kỹ thuật và Các tiêu chí xây dựng đô thị tăng trưởng xanh (ĐTTTX) theo Thông tư 01/2018/BXD [11]. Lưu Thị Thanh Mẫu và Lê Thị Hồng Na (2021) đã nhận định về khuynh hướng phát triển các KĐTX tại Việt Nam là tất yếu và đưa ra nguyên tắc, bộ tiêu chí xây dựng KĐTX cho các KĐT mới ở TP.HCM [12].
Theo tác giả Phạm Thuý Loan (2020), KĐTX là một ‘đơn vị’ đô thị – một bộ phận cấu thành nên đô thị, được quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành sao cho đạt được (1) sự tiết kiệm tài nguyên (nước, năng lượng, vật liệu, công sức), (2) tôn trọng và bảo vệ tối đa hệ sinh thái tự nhiên vốn có tại địa điểm, (3) tạo ra một môi trường sống có chất lượng và (4) tạo nên một lối sống xanh cho các cư dân cư sống trong khu vực; hướng đến sự PTBV [11].
DLRS là chung cư đầu tiên tại Việt Nam áp dụng đồng thời hai chứng nhận CTX là LEED và LOTUS ở cấp độ Vàng. Đây được xem là CTX điển hình cho thể loại nhà ở cao tầng. Bài học thực tiễn từ quá trình thực hiện dự án này cần được xem xét và rút kinh nghiệm cho các dự án tương tự trong quá trình xây dựng các KĐTX tại Việt Nam. Trong nghiên cứu này, những bài học kinh nghiệm về thực hành CTX được làm rõ thông qua phân tích dự án thực chứng DLRS. Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn đánh giá công nhận KĐTX và các mô hình KĐTX điển hình trên thế giới cũng được giới thiệu tóm tắt. Từ đó, những hạng mục tiêu chí chính để xây dựng mô hình KĐTX được đề xuất áp dụng trong thiết kế quy hoạch xây dựng KĐT mới hướng tới PTBV trong bối cảnh Việt Nam hiện nay.
2. Các hệ thống đánh giá KĐTX trên thế giới
Từ năm 2005 đến nay, hệ thống tiêu chí dành riêng cho các KĐTX và toàn đô thị đã được xây dựng và đưa vào áp dụng nhằm đánh giá môi trường xây dựng ở quy mô lớn hơn. Một số hệ thống đánh giá các KĐTX theo hướng PTBV gồm có (i) BREAM Communities (Anh quốc); (ii) LEED Neighborhood Development – LEED-ND (Hoa kỳ); (iii) CASBEE Urban Development -CASBEE-UD (Nhật Bản); (iv) HQE (Pháp); và (v) DGNB-NSQ (Đức); (vi) GREEN MARK for Districts (Singapore); và (vii) GREEN STAR Communities (Úc). Trong đó, LEED-ND là hệ thống đánh giá KĐTX phổ biến trên toàn cầu và CASBEE-UD là hệ thống đánh giá KĐTX điển hình ở khu vực châu Á. Hai hệ thống đánh giá này được lựa chọn để giới thiệu trong nội dung tiếp theo.
LEED-ND là hệ thống đánh giá tích hợp các nguyên tắc về tăng trưởng thông minh, đô thị và CTX vào một hệ thống quốc gia cho thiết kế KĐTX. LEED-ND là sự hợp tác giữa Hội đồng CTX Hoa Kỳ, Viện Đô thị Mới và Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên có trụ sở tại Hoa Kỳ. LEED-ND có 4 cấp độ chứng nhận, tùy thuộc vào ngưỡng điểm đạt được, bao gồm (i) Đạt chứng nhận (40–49 điểm), (ii) Bạc (50–59 điểm), (iii) Vàng (60–79 điểm) và (iv) Bạch kim (80 điểm trở lên) [13].
CASBEE-UD là hệ thống đánh giá toàn diện về hiệu quả xây dựng môi trường KĐTX. Năm 2001, CASBEE được phát triển bởi Ủy ban Nghiên cứu được thành lập thông qua sự hợp tác của các Học viện, ngành công nghiệp, chính quyền địa phương và quốc gia, thành lập Hiệp hội Xây dựng Bền vững Nhật Bản (JSBC) dưới sự bảo trợ của Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch. CASBEE-UD tập trung vào 2 nhóm hạng mục, gồm: (i) Chất lượng môi trường trong việc phát triển đô thị và (ii) tác động môi trường trong việc phát triển đô thị. CASBEE-UD chấm điểm cho các hạng mục đánh giá theo 5 mức gồm: S, A, B+, B- và C [14].
3. Mô hình KĐTX điển hình
Khu dân cư Koshigaya Lake Town, tại TP. Koshigaya, Nhật Bản là dự án điển hình áp dụng tiêu chuẩn CASBEE-UD cho khu vực có diện tích 6.56 ha (trong tổng diện tích 225.6 ha toàn khu). Hoàn thành tháng 3/2011, dự án đã đạt được mức xếp hạng xuất sắc – cấp độ cao nhất trong thang đánh giá CASBEE-UD [14]. Dự án đã vận dụng nhiều giải pháp tạo nên đặc tính xanh nổi trội cho KĐT bao gồm thu gom và tích trữ nước mưa tại tất cả công trình để tưới tiêu; tăng diện tích bề mặt tự thấm ở đường đi bộ, công viên; bảo tồn duy trì cây xanh và hệ sinh thái; bố trí bãi xe đạp; sử dụng năng lượng mặt trời.
Northwest Gardens là dự án nhà ở giá rẻ gần trung tâm TP. Fort Lauderdale, Florida. Dự án đã đạt chứng nhận LEED-ND cấp độ Vàng (Gold) vào tháng 7/2012 [15]. Khu dân cư nằm trên một bãi rác thải, việc áp dụng LEED-ND có vai trò cải thiện môi trường bị ô nhiễm. Dự án có hệ thống giải pháp xanh như hỗ trợ phương tiện công cộng tiếp cận; hoạt động cải thiện cộng đồng; hệ thống chiếu sáng đường phố tiết kiệm năng lượng; bổ sung công viên, vườn cộng đồng, cây ăn quả và đường đi bộ. Mỗi ngôi nhà đang được hướng đến đạt chứng nhận LEED, áp dụng các cải tiến về năng lượng, nước và nâng cao chất lượng không khí trong nhà. Bên cạnh đó còn có các giải pháp như trồng cây bóng mát dọc các đường phố để làm mát vỉa hè, khuyến khích đi bộ, xe đạp và phương tiện công cộng và ngăn cản việc chạy xe quá tốc độ. Nhà ở cách chỗ làm khoảng 800m nhằm khuyến khích đi bộ, tạo cơ hội việc làm trong khu vực, cân bằng mục đích sử dụng đất. Có sự kết hợp nhiều loại hình nhà ở với giá cả phải chăng để tạo điều kiện cho người dân từ nhiều cấp độ kinh tế, quy mô hộ gia đình và nhóm tuổi cùng sinh sống trong một cộng đồng dân cư đa dạng. Các chương trình đào tạo bền vững, học nghề về xây dựng, tự cung tự cấp và tiếp cận công nghệ mới được tổ chức dành cho thế hệ trẻ.
4. Bài học kinh nghiệm về thực hành CTX trong lĩnh vực nhà ở tại Việt Nam
Chung cư cao tầng DLRS tọa lạc tại đường Lê Quang Kim, Quận 8, TP.HCM. Dự án có tổng diện tích 16.800 m2, diện tích xây dựng 3.200 m2, mật độ xây dựng 19%, hệ số sử dụng đất chung 8.18 và 22 tầng cao. Công trình gồm 3 khối nhà được gắn kết bởi 2 cầu nối trên mái tạo thành một công viên trên cao có tầm nhìn 360 độ về phía quận 1, quận 3, quận 5, quận 7 và quận 8. Dự án bao gồm khối đế thương mại và 760 căn hộ với vành đai cây xanh bao quanh ban công của tất cả các căn hộ. Với mặt tiền giáp sông, DRLS có đến 8000 m2 công viên cây xanh nằm dọc 300 m dài bờ sông với hệ sinh thái đã được bảo tồn nguyên trạng và đang tiếp tục được phát triển theo hướng đa dạng sinh học. Đó là kết quả từ sự nỗ lực đáng ghi nhận của chủ đầu tư, đội ngũ thi công xây dựng và quản lý dự án [16].
Do áp dụng cùng lúc theo cả 2 hệ thống đánh giá LEED và LOTUS ở cấp độ Vàng, đội ngũ thực hiện dự án đã phải vượt qua nhiều khó khăn và thách thức. Kết quả là công trình đã đạt được các chỉ số xanh: Giảm thiểu năng lượng tiêu thụ 44%, giảm sử dụng nước thông qua các thiết bị vệ sinh 35%, 15,4% tổng diện tích mái trồng cây xanh, 100% diện tích ở có ánh sáng tự nhiên, 100% diện tích ở có thông gió tự nhiên, 100% diện tích ở có tầm nhìn ra bên ngoài, 100% hệ thống tưới cảnh quan bằng nước tái sử dụng, 21,6% diện tích cảnh quan giúp hạn chế hiệu ứng đảo nhiệt. Hệ thống các giải pháp xanh xuyên suốt trong quá trình từ thiết kế, xây dựng cho đến vận hành bao gồm: (i) Phát triển, bảo vệ khu đất, có chỗ đậu ưu tiên cho xe đạp và các loại xe điện, có xe trung chuyển đến trạm xe buýt công cộng, mái xanh và kiểm soát chỉ số phản xạ mặt trời (SRI), đầy đủ các loại tiện ích, ngăn chặn ô nhiễm trong hoạt động xây dựng; (ii) thiết kế thụ động, sử dụng thiết bị tiết kiệm điện, tối ưu hóa hiệu suất năng lượng; (iii) lựa chọn thiết bị tiết kiệm nước, xử lý và tái sử dụng nước thải, hệ thống tưới nhỏ giọt cho toàn bộ cây xanh cảnh quan; (iv) phân loại rác, quản lý chất thải, sử dụng vật liệu thân thiện, vật liệu địa phương và vật liệu có hàm lượng tái chế; (v) kiểm soát khói thuốc, tăng cường thông gió tự nhiên, đảm bảo tầm nhìn và không có chất độc hại.DLRS được bắt đầu xây dựng từ năm 2015, tức là ở giai đoạn rất sớm của CTX Việt Nam, chủ đầu tư đã phải tự tìm tòi kiến thức và tiếp cận các chuyên gia về CTX, thuyết phục các đơn vị đồng hành nhất là nhà thầu thi công, các nhân sự trực tiếp tham gia trong tất cả các giai đoạn thực hiện dự án cùng trang bị kiến thức về CTX. Họ đã cùng nhau vừa làm vừa học và vượt qua những thách thức lớn về kiến thức, kinh nghiệm, đổi mới kỹ thuật, qui trình, tiêu chuẩn, tiếp cận vật liệu và thiết bị… theo CTX. Song song đó, với rất nhiều nỗ lực, chủ đầu tư cũng đã tổ chức những chuỗi hoạt động nhằm huấn luyện, hỗ trợ, hướng dẫn về CTX và lối sống xanh cho tất cả các cư dân sinh sống tại dự án. Chủ đầu tư, nhà thiết kế, nhà thầu và các đơn vị tư vấn khác là người kiến tạo lên phần cứng của một CTX, tuy nhiên, để công trình đó có thể “sống” được, có “linh hồn” hay có thể thực sự “xanh” và bền vững thì người tiếp tục vun đắp và duy trì nó phải chính là những cư dân sinh sống và làm việc tại dự án. Từ dự án thực chứng DLRS cho thấy, hành trình xây dựng một cộng đồng xanh không chỉ diễn ra một vài tháng, vài năm mà là cả một quá trình lâu dài từ những ngày đầu phát triển ý tưởng thiết kế, thi công xây dựng cho đến khi vận hành và chuyển giao, duy trì chặng đường sau đó.
5. Đề xuất mô hình lý thuyết cho khu đô thị xanh hướng tới mục tiêu PTBV
Mặc dù đã có sự quan tâm tới tính xanh và bền vững trong các mô hình lý thuyết quy hoạch và thiết kế đô thị hiện đại nhưng trên thực tế, yếu tố cảnh quan và sinh thái tự nhiên vẫn chưa thực sự được đề cao trong thực tiễn quy hoạch và phát triển đô thị. Sự chú trọng tới các vấn đề hiện tại mà bỏ qua những giá trị lâu dài về khía cạnh môi trường và xã hội là hệ quả của việc thiếu đi những triết lý quy hoạch và phát triển đô thị có giá trị bền vững và nhân văn, có tính trường tồn lâu dài.
Nghiên cứu đề xuất mô hình KĐTX vô cùng chú trọng các yếu tố sinh thái, thuận tự nhiên và tôn trọng thiên nhiên, từ đó 3 quan điểm về thiết kế và xây dựng KĐTX được định hình bao gồm: (i) Phát triển và vận hành học tập hệ sinh thái tự nhiên, hướng tới chu trình sử dụng năng lượng và tài nguyên khép kín; (ii) Phát triển với tinh thần khiêm tốn và tôn trọng thiên nhiên và địa điểm; (iii) Phát triển với sự linh hoạt và thích ứng với sự biến đổi ở các bối cảnh khác nhau: Bối cảnh BĐKH toàn cầu, bối cảnh địa phương, bối cảnh sinh thái, bối cảnh công nghệ.
Để cụ thể hoá các quan điểm xây dựng và phát triển KĐTX, 5 nguyên tắc chung mang tính định hướng cho kiến tạo mô hình KĐTX được đề xuất và được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên cao nhất tới thấp dần, gồm (1) Giảm thiểu tác động; (2) Sử dụng hiệu quả nguồn lực; (3) Hình thành hệ sinh thái nội khu; (4) Tôn trọng di sản; và (5) Cấu trúc linh hoạt.
Với 3 quan điểm và 5 nguyên tắc trên, 8 hạng mục tiêu chí chính cho mô hình phát triển và xây dựng KĐTX được đưa ra, đó là:
- Địa điểm xanh: Phát huy được hết các tiềm năng địa điểm chiến lược, kết nối tốt với các khu vực khác của đô thị và hài hoà với hệ sinh thái các khu vực lân cận;
- Quy hoạch xanh: Có các giải pháp quy hoạch tôn trọng cấu trúc tự nhiên, giảm thiểu diện tích bê tông hoá với mật độ hợp lý, với đa dạng các chức năng sử dụng đất vừa tăng sự tiện nghi, tiện lợi trong sinh hoạt, vừa khuyến khích hoạt động đi bộ/xe đạp;
- Hệ sinh thái xanh: Hình thành hệ sinh thái tự nhiên trong nội khu từ các mảng không gian cây xanh mặt nước, bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên có giá trị và kết nối với các hệ sinh thái lân cận;
- Hạ tầng xanh: Có giải pháp hạ tầng thân thiện môi trường và ứng phó BĐKH như tái sử dụng nước thải/nước mưa/rác thải…, các giải pháp sử dụng năng lượng sạch và giảm thiểu nhu cầu sử dụng năng lượng, sử dụng các vỉa hè, bờ kè sinh thái, tăng diện tích thấm tự nhiên của bề mặt…;
- Giao thông xanh: Phát triển GTCC và GT thân thiện với môi trường (đi bộ, xe đạp, xe điện, xe sử dụng năng lượng phát thải thấp);
- Công trình xanh: Các công trình chính trong KĐTX bắt buộc phải xây dựng theo tiêu chuẩn CTX như LEED, LOTUS, các công trình còn lại được xây dựng hướng đến các tiêu chuẩn CTX;
- Vận hành xanh: Quản lý và vận hành đồng bộ theo hướng giữ gìn hệ sinh thái tự nhiên, xây dựng lối sống xanh và PTBV;
- Cộng đồng xanh: Cộng đồng hướng tới thực hành lối sống xanh và triết lý PTBV.
Từ 8 hạng mục chính, hệ thống tiêu chí xây dựng KĐTX được đề xuất làm cơ sở cho việc quy hoạch, xây dựng và phát triển KĐTX thực tế. Các tiêu chí này dùng để xây dựng KĐTX, không phải là hệ tiêu chí để đánh giá xếp hạng KĐTX. Hệ tiêu chí xây dựng KĐTX là cần thiết, là cơ sở thiết kế, là khung hướng dẫn cho những hoạt động phát triển và xây dựng các khu đô thị mới của Việt Nam.
6. Kết luận
Xây dựng CTX mang lại rất nhiều giá trị và lợi ích cho đô thị, nhưng mục tiêu phát triển đô thị bền vững đòi hỏi chúng ta phải nghĩ xa hơn nữa về một không gian sống xanh trọn vẹn với địa điểm, cấu trúc quy hoạch, hạ tầng, giao thông, công trình, vận hành và cộng đồng được xây dựng theo những quan điểm, nguyên tắc và tiêu chí xanh nhất quán. Những kinh nghiệm về phát triển CTX và kết quả nghiên cứu xây dựng mô hình lý thuyết về KĐTX là nền tảng để kiến tạo những KĐT mới trong thực tiễn tại Việt Nam theo các mục tiêu PTBV. Đây thực sự là một hành trình dài và đòi hỏi cần phải có nhiều hơn nữa những nghiên cứu khoa học cũng như các sản phẩm thực chứng.
Lời cảm ơn
Chúng tôi xin cảm ơn Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng như Trường Đại học Bách Khoa, ĐHQG-HCM đã hỗ trợ thời gian, phương tiện và cơ sở vật chất cho nghiên cứu này.
Lưu Thị Thanh Mẫu
Học viên cao học, Khoa Đô thị học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM
Lê Thị Hồng Na
Giảng viên chính, Bộ môn kiến trúc, Khoa Kỹ thuật xây dựng, Trường Đại học Bách Khoa, ĐHQG-HCM
Tài liệu tham khảo
[1] Phạm Đức Nguyên (2015), Phát triển công trình xanh ở Việt Nam – Thực trạng và đề xuất, Cổng thông tin điện tử của Bộ Xây dựng, đăng 13g46 ngày 13/10/2015.
[2] Ebenezer Howard (1902), Garden Cities of To-Morrow, London, 1902. Reprinted, edited with a Preface by F. J. Osborn.
[3]Patricios, N. N. (2002), Urban design principles of the original neighbourhood concepts, Urban Morphology, 6(1), 21-32.
[4]Nguyễn Đỗ Dũng (2010), Unité D’ Habitation: “Đơn vị ở” thẳng đứng, Tạp chí Xây dựng số 03-2010.
[5] Waldheim, C. (2002), Landscape Urbanism: A genealogy, Praxis: Journal of Writing + Building, 4, 10–17.
[6] Bộ Xây Dựng (2010), Sổ tay Quy hoạch và thiết kế đô thị ở Việt Nam, Hợp phần “Phát triển bền vững môi trường trong các khu đô thị nghèo” (SDU).
[7] Steffen Lehmann, Green Urbanism: Formulating a Series of Holistic Principles, S.A.P.I.EN.S [Online], 3.2 | 2010, Online since 12 October 2010, connection on 05 October 2021.
[8] Đỗ Đại Thắng (2018), Xây dựng Tiêu chí xanh cho khu đô thị ĐHQG-HCM, Đề tài NCKH cấp ĐHQG-HCM, nghiệm thu 2018.
[9] Hồ Minh Dũng, Vương Thế Hoàn và Chế Đình Lý (2015), Nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí TTX áp dụng đánh giá, phân hạng và đề xuất giải pháp thúc đẩy TTX cho các quận nội thành TP. Hồ Chí Minh, Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
[10] Nguyễn Hoàng Yến và Nguyễn Thị Như (2015), Nghiên cứu xây dựng các tiêu chí đánh giá đô thị sinh thái phù hợp với điều kiện Việt Nam, Đề tài NCKH cấp Trường, Đại học Hàng hải.
[11] Phạm Thuý Loan (2020), Nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí, hướng dẫn đánh giá, công nhận dự án khu đô thị xanh, Đề tài NCKH cấp Bộ, nghiệm thu 2020.
[12] Lưu Thị Thanh Mẫu và Lê Thị Hồng Na (2021), Tiêu chí xây dựng đô thị xanh cho các khu đô thị mới tại TP.HCM, Tạp chí QHXD, số 111, trang 90-95.
[13] The U.S. Green Building Council (USGBC) (2014), LEED Reference Guide for Neighborhood Development V4.
[14] Institute for Building Enviroment and Energy Conservation (IBEC) (2014), CASBEE for Urban Development Comprehensive Assessment System for Built Enviroment Efficiency, Technical Manual.
[15] The U.S. Green Building Council (USGBC), Northwest Gardens, Retrieved 07/10/2021.
[16] Lê Thị Hồng Na (2019), Diamond Lotus Riverside – Chung cư cao tầng xanh theo chuẩn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam, Tạp chí Kiến trúc Hội KTSVN, số 292, trang 38-41, 8/2019.
The post Từ công trình xanh tới khu đô thị xanh – Giải pháp hướng tới mục tiêu phát triển bền vững appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/3GzAk6d
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét