Nhằm tìm kiếm phương án kiến trúc độc đáo, mang tính biểu tượng, điểm nhấn không gian du lịch cho thành phố biển Vũng Tàu, vừa qua, Tập đoàn Quốc tế Năm Sao (Five Star Group) cùng Agritour & Green World đã tổ chức Cuộc thi tuyển Thiết kế biểu tượng kiến trúc biển cho hai công trình Five Star Poseidon & Five Star Odyssey. Finko Architect HK & VN – Một trong những đơn vị tư vấn thiết kế kiến trúc có tiếng tại Việt Nam đã vinh dự giành 2 Giải Nhất tại cuộc thi này. Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc 2 phương án đạt giải của Finko Architect HK & VN và cuộc trò chuyện với KTS Nguyễn Thế Phương – Tổng Giám đốc Finko Architect HK & VN!
PV: Trước tiên, TCKT xin chúc mừng thắng lợi của Finko Architect HK & VN tại Cuộc thi Thiết kế Biểu tượng kiến trúc biển cho công trình Five Star Poseidon và công trình Five Star Odyssey. Anh có thể chia sẻ cảm tưởng của mình trước thành công này?
KTS Nguyễn Thế Phương: Hồi hộp cho đến phút cuối vì phần tranh luận cho kết quả của Hội đồng đã kéo dài hơn thường lệ ở cả hai dự án. Đặc biệt là dự án Five Star Odyssey. Đó là sự đấu tranh của hai trường phái: Công năng thuần túy và Công năng biểu tượng. Hai công ty Ong & Ong và GMP là những công ty thiết kế hàng đầu của khu vực và thế giới, nên ý tưởng của họ đều có những luận điểm chắc chắn. Vượt qua họ là một kết quả tuyệt vời và đáng tự hào của Finko cho hành trình vượt ra khỏi những gì bình thường để đến những điều phi thường. Tôi rất hài lòng vì đã không hài lòng với những giấc mơ nhỏ để vươn đến những giấc mơ lớn. Nhưng phải thật lòng cảm ơn Hội đồng vì đã quan tâm, lắng nghe phần trình bày và đồng điệu với những đột phá táo bạo của chúng tôi!
PV: Giành đồng thời 2 giải nhất cho 2 công trình quan trọng có vị thế tại Vũng Tàu đã khẳng định sự độc đáo của FINKO trong các thiết kế này. Tuy nhiên, anh có thể chia sẻ kỹ hơn về điểm mà anh tâm đắc nhất trong ý tưởng thiết kế của 2 phương án?
KTS Nguyễn Thế Phương: Đó là sự không thể nhầm lẫn của hình khối và tổ chức kiến trúc. Cả hai công trình đều như hai tác phẩm điêu khắc khổng lồ trên bờ biển. Nếu Poseidon là biểu tượng của tính công nghệ và mở ra một chuỗi các không gian công cộng phóng khoáng và táo bạo như là những công cụ để kết nối xã hội, kết nối cảnh quan và tương tác dịch vụ thương mại du lịch biển của đô thị thì Odyssey là một biểu tượng của khát vọng vươn tầm khu vực đúng nghĩa. Tòa nhà sinh ra từ công năng khi cho phép 100% các phòng hướng biển nhưng mang trong nó một hành trang của biểu tượng và khát vọng: Là ngôi sao năm cánh vươn tới toàn cảnh thành phố từ Bãi Trước ra Bãi Sau, từ Núi Lớn, Núi Nhỏ đến biển Long Hải – Hồ Tràm. Là bó lúa biểu tượng không chỉ của Tập đoàn FiveStar mà rộng hơn rất nhiều là biểu tượng của Khối Asean đoàn kết và vững mạnh. Ý tưởng thiết kế công trình lấy cảm hứng từ niềm tự hào về kết hợp hoàn mỹ của triết học phương Đông và tính công năng thực tế phương Tây và sự dũng cảm của dân tộc.
PV: FINKO đã được biết đến là công ty thiết kế rất có “duyên” với các dự án ven biển, đặc biệt hơn nữa, FINKO tiên phong trong thiết kế các công trình cao tầng ven biển. Trong khi, vẫn có nhiều quan điểm khu vực bờ biển nên quy hoạch các công trình thấp tầng để đảm bảo hài hoà về tầm nhìn và cảnh quan. Quan điểm của anh trong vấn đề này như thế nào?
KTS Nguyễn Thế Phương: Xu thế hướng biển là không thể chối bỏ và sự cần thiết cần phải làm khi kinh tế phát triển và để kinh tế phát triển. Lợi thế ven biển – Rimland cần phải phát huy tác dụng. Nhưng đường bờ biển có hạn, không dài thêm được. Công trình thấp tầng là sự xa hoa vì tiêu dùng quỹ đất rất nhiều để phục vụ cho một số rất ít và chỉ phù hợp ở vùng ven đô thị và vùng cảnh quan bảo tồn. Trong lõi đô thị – Công trình cao tầng giải quyết được vấn đề này để tiết kiệm được quỹ đất, dành nhiều cho công viên cây xanh và công trình công cộng. Vì vậy ở những lõi đô thị ven biển cần phát huy khả năng của các công trình cao tầng để gia tăng mật độ ở từ đó kéo theo sự phát triển của dịch vụ thương mại vì phải có người mới có mua bán, không có người thì không thể mong chờ gì cho kinh tế địa phương phát triển, cho người dân địa phương được ấm no hạnh phúc. Tất cả các sự phát triển đều có những tác dụng phụ, chúng ta không thể vì đó mà tránh né. Cách duy nhất để phát triển là đối mặt để giải quyết các vấn đề đó.
PV: Mở rộng ra, đối với các tỉnh ven biển miền Trung, theo anh, để có thể phát huy các ưu đãi của tự nhiên và đảm bảo sự phát triển bền vững, thì công tác quy hoạch – kiến trúc cần lưu ý các vấn đề gì?
KTS Nguyễn Thế Phương: Biển ở đó xanh nhất, cát ở đó trắng và mịn nhất, nắng ở đó vàng nhất, gió ở đó hoang dại nhất đã tạo nên sức hấp dẫn đồng thời tạo ra những thách thức cho du lịch nghỉ dưỡng và kinh tế biển. Nếu chỗ nào đẹp là xây dựng khách sạn resort thì toàn bộ ven biển của Việt Nam sẽ phải làm hết vì chỗ nào cũng đẹp, đặc biệt là miền trung Việt Nam. Quy hoạch sử dụng đất là quan trọng và rất quan trọng lúc này. Để làm được Sử dụng đất thì phải hiểu rất sâu sắc về ý nghĩa của từng chức năng đất trong đô thị. Cho dù đất cây xanh không trực tiếp bán để có lợi nhuận nhưng nó mang lại lợi nhuận. Cho dù bãi biển là của chung nhưng nếu từng cá nhân không tôn trọng thì miếng cơm manh áo của chính cá nhân lại bị ảnh hưởng. Điều đó nói đến sự tương hỗ (co-exist) của toàn bộ các chức năng đất trong quy hoạch cần phải được nghiên cứu và đưa ra chiến lược cụ thể: Mục đích của một kỳ nghỉ tại miền Trung vì cảnh đẹp, biển xanh, cát trắng, nắng và gió nên quy hoạch và kiến trúc cần làm sao tối thiểu phải tôn vinh và mang lại những giá trị này cho khách du lịch nếu không muốn nói cần bổ sung thêm các giá trị khác thông qua quy hoạch và kiến trúc.
PV: Rất cảm ơn chia sẻ của ông!
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 02-2022)
The post Finko Architect HK&VN – thiết kế “biểu tượng biển” TP. Vũng Tàu appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/RK36t2e
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét