Lý Sơn là vùng đất kế thừa văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chăm từ những thế kỷ đầu Công nguyên, vết tích văn hóa vật chất của họ được để lại qua các dấu tích chứa trong tầng văn hóa lớp trên của di chỉ Xóm Ốc và suối Chình. Vào khoảng cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17, cư dân Việt đến khai khẩn, lập làng trên đảo. Họ là những ngư dân vùng An Hải, Sa Kỳ của huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh gồm 15 vị tiên hiền của 15 dòng họ lớn di cư ra đảo phân chia khu vực cư trú ở phía Đông và phía Tây đảo Lý Sơn.
Lý Sơn là một hòn đảo yên bình giữa biển, ít chịu ảnh hưởng chiến tranh, xu hướng đô thị hóa, do vậy các di tích kiến trúc cổ được bảo tồn chu đáo, còn tương đối nguyên vẹn, rất phong phú về số lượng và đa dạng về loại hình. Qua khảo sát thực tế kiến trúc tại huyện đảo và các địa phương khác, tôi nhận thấy nơi đây tập trung nhiều kiến trúc nhà ở từng tồn tại khá phổ biến ở miền Trung trước đây từ Thanh Hóa đến Bình Định. Và trên cơ sở đặc trưng của kết cấu kiến trúc, chúng tôi chia nhà ở của đảo Lý Sơn thời xa xưa theo ba loại – Đó là nhà tranh tre, nhà rường đủ gỗ và nhà đắp. Trong nội dung đề tài này chúng tôi tập trung giới thiệu nhà đắp (nhà lá mái). Qua khảo sát hệ thống nhà cổ trên đảo Lý Sơn chúng tôi thống kê được khoảng 19 ngôi nhà rường (2) làm bằng gỗ to lớn, chắc chắn, còn giữ nguyên kết cấu kiến trúc cũ cùng các chi tiết chạm khắc gỗ.
Định nghĩa và cách gọi tên ở từng vùng
Theo Pierre Gourou, “Nhà lá mái là loại nhà rường…; mái nhà có hai lớp gồm: Một mái đầu tiên bằng đất nện để khô và một mái thứ hai lợp tranh, đỡ bằng những phên đan bằng tre thô sơ được bó đất cẩn thận, khoảng cách giữa hai lớp mái đạt mức tối đa ở trên nóc 40cm…” (bản dịch của Đào Hùng). Mái nhà có hai lớp mái gồm: Mái đầu tiên được làm bằng đất sét nện để khô và mái thứ hai được lợp bằng tranh được đỡ bằng những phên tre đan thô sơ, rồi được bó đất cẩn thận, khoảng cách giữa hai lớp mái đạt mức tối đa ở trên nóc 40cm. Tương tự ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định ngoài trần đan bằng tre còn xuất hiện trần bằng những tấm gỗ ghép lại để đỡ lớp đất sét bên trên. Kiểu kiến trúc này khá phổ biến ở vùng Cửa Tùng, ở phía Bắc sông Gianh được gọi là “mái xông” (5), hay là trần bích (bích có nghĩa là tường). Tuỳ theo từng vùng có tên gọi khác nhau:
- Ở Quảng Trị gọi là nhà mái xông;
- Ở Quảng Nam gọi là nhà bỏ đất hay trần bích;
- Ở Bình Định, Phú Yên gọi là nhà lá mái;
- Ở Ninh Thuận, Bình Thuận người Chăm gọi là thang lâm;
- Ở Quảng Ngãi, đảo Lý Sơn gọi là nhà đắp;
Kỹ thuật dựng nhà ở đảo Lý
1. Mái: Ở thời điểm cách đây khoảng 50 năm là rất khó khăn để có ngói lợp nhà. Vì vậy, qua trải nghiệm của người đi trước cộng với tri thức bản địa đã giúp cho những con người ở vùng này sử dụng tối đa các vật liệu sẵn có tại địa phương trong phương cách dựng nhà.
- Phần mái đất (trần)
Tre từ đất liền chở về bằng thuyền, chẻ nhỏ đan thành từng tấm rồi ngâm nước biển. Thời gian ngâm kéo dài đến 3 tháng là tốt nhất. Các tấm tre này được lắp vào trần nhà, được đỡ bằng những đà gỗ hoặc tre (giữ nguyên thân) cũng được ngâm nước biển, kế tiếp là một lớp đất bazan ở chung quanh miệng núi lửa có độ dẻo được nhào trộn với cỏ Đế (mọc hoang) đắp lên trên các tấm tre này. Lớp hỗn hợp đất-cỏ này được đắp lên, nén chặt bằng chày, búa gỗ cho đến khi đạt được độ dày khoảng 8-10cm. Đa số những ngôi nhà lá mái ở đảo Lý Sơn có trần bằng những tấm ván gỗ dày 3cm ghép lại thay cho tre ngâm. - Phần mái tranh
Hiện nay hầu như không còn nhà lá mái nào ở huyện đảo Lý Sơn còn giữ phần mái tranh, đa số được lợp bằng ngói mới, tấm lợp fibro xi măng. Qua tìm hiểu từ những chủ nhân lớn tuổi thì ngày trước các mái nhà đều lợp tranh. Nguồn vật liệu này chủ yếu lấy từ đất liền, một phần nhỏ khai thác tại chỗ. Để đỡ lớp mái tranh dày từ 15cm-20cm) người dân xứ đảo làm bộ khung tre đỡ mái có đầy đủ rui, mè, đòn tay, kèo. Tuy nhiên bộ khung này được nâng lên cách mái đất từ 60-110cm (vị trí nóc) bằng nhiều đoạn gỗ, tre ngắn chống trực tiếp trên mái đất; vững vàng hơn là các đầu cột bên dưới được tính toán độ cao đủ vượt qua khỏi lớp đất và liên kết với các thanh dầm, kèo tre bên trên. Ở các vị trí này đều có đắp ụ đất để tránh xô lệch.
2. Vách nhà
Là loại nhà Rường, hầu như toàn bộ khung nhà, mái đất, mái tranh đều chịu lực trên các cột gỗ kê trên đá tán. Vậy nên, phần thân/vách nhà nếu là kết cấu bằng đất cũng không hề gì. Lớp đất bao bọc quanh nhà cụ Nguyễn Cứ dày 10-12cm đến nay vẫn còn tồn tại nhờ kết cấu khá bền vững. Cắt ngang một đoạn vách gồm các thành phần sau:
- Phần lõi: Thân cây săng(6) đặt đứng theo chiều cao thân nhà gọi là cây mầm, tre cũng được ngâm bùn chẻ nhỏ đặt ngang theo chiều dài nhà gọi là cây trĩ. Cây săng và tre được liên kết với nhau bằng dây đay (loại dây dùng để đan lưới đánh cá) tạo ô có kích thước 10x10cm.
- Phần bao: Cũng đơn giản như mọi nhà vách đất chứa hỗn hợp đất bazan-cỏ dế (đào hố rồi đổ hai loại vào với nhau, dùng chân nhào kỹ, trát đều lên các lớp cốt tre và cây săng sao cho bề mặt vách đất khá phẳng cả hai mặt). Thay vì dùng những nguyên liệu phải lấy từ đất liền quá khó khăn, người dân huyện đảo khai thác nguồn nguyên vật tại chỗ như: Đá san hô, đá từ núi lửa; chất liên kết: Vôi và nhựa cây bời lời, dây tơ hồng.
3. Kết cấu khung nhà
Trong 3 lần khảo sát (2007, 2008, 2009), trực tiếp quan sát, đo vẽ 9 ngôi nhà lá mái (xem danh sách) ở đảo Lý Sơn, tôi có nhận xét sau:
- Bộ khung nhà bằng gỗ – giàn trò được kết cấu theo kiểu nhà rường miền Trung Việt Nam. Cả 9 ngôi nhà đều có qui mô của loại nhà 3 gian 2 chái (người địa phương gọi là nhà đủ gỗ). Hầu hết chúng đều trải qua nhiều lần tu bổ, sửa chữa, nền nhà được lót bằng gạch men, gạch hoa nên đế cột kê trên đá tán bị che khuất; những hàng cột ngoài đỡ mái hiên cũng thay đổi bằng chất liệu mới như xây đá, gạch tô vữa xi măng.
- Các kiểu thức kèo nóc vẫn giữ nguyên như ở đất liền. Phổ biến là kèo giao nguyên có trụ trốn (con đội) với hình thức đế tôm bên dưới trên có cột tròn cách điệu hình quả bí, áp hai bên là lá quả hay ấp quả hình cánh dơi (cánh ác) đỡ bụng của cặp kèo nóc. Kết cấu này được gọi tắt là “vì nóc kiểu vì kèo”. Kiểu thức này phổ biến khắp các huyện trong đất liền của tỉnh Quảng Ngãi, mang phong cách phường thợ Văn Hà(7) của Quảng Nam. Và phổ biến hơn là các thanh kèo đỡ đòn tay, chủ yếu là kèo chồng (kẻ chuyền) với 3 lần chồng (tam đoạn). Kỹ thuật này hợp với chất liệu gỗ mít (không đủ chiều dài) và phải đỡ một diện rộng mái gỗ có đắp đất ở bên trên.
- Trính (tránh, trến) nối hai cột cái (tiền, hậu) với trính ngang (ngay) có dáng thẳng và trính lận có dáng uốn cong hai đầu. Là loại nhà 3 gian 2 chái, số cột có xu hướng giảm để vừa tiết kiệm gỗ và để tăng không gian sinh hoạt, khung nhà có từ 42 cột (6 ngang x 7 dọc) đến 36 cột và chỉ còn 24 cột. Nhà có nhiều cột như nhà ông Lê Lý, xóm Trung Hòa, thôn Đông, xã An Hải; nhà giảm số cột như chủ hộ Bùi Đồn có 24 cột. Chủ nhân khi dựng nhà đã giảm cột cái tiền bằng cách trốn cột này đặt trên lưng trính trường, tuy nhiên cột trốn này vẫn được đưa lên đỡ mái tranh bên trên và cột cái tiền ở đầu hồi vẫn giữ nguyên (không trốn). Kỹ thuật dựng nhà này người Quảng gọi là “con tiền cái hậu”.
- Kiểu thức trang trí: vẫn là hình ảnh lặp lại của ngôi nhà rường miền Trung nói chung và nhà ở Quảng Ngãi nói riêng. Phần mái đua – hiên của các ngôi nhà ở Lý Sơn cũng như các vùng khác của tỉnh Quảng Ngãi được mở rộng thêm (xem bảng so sánh). Người dân đảo lại thường dùng phần không gian này để tiếp khách, sinh hoạt gia đình. Và các đề tài trang trí, chạm khắc trên gỗ cũng tập trung ở không gian này. Trang trí đẹp và công phu nhất là nhà ông Trương Đạt với các ô trang trí trần gỗ (8) gọi là bảng rui tàu và hệ thống bảng lồng (cách gọi của tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi). Qua ảnh, chúng ta có thể bắt gặp các kỹ thuật chạm nổi (lấy đất) với đề tài cuốn thư kết hợp hoa lá, đan xen đôi chim khổng tước (song điểu) hoặc các ô đôi cá chép bơi trong lớp sóng nước cách điệu (song ngư), cả hình đôi rồng (song long) cách điệu từ dây lá đang chầu ô chữ hỷ. Đơn giản hơn là nhiều ô hộc để trống ở trần nhà như nhà ông Bùi Đồn nhưng các khung chỉ được bào soi công phu.
4. Mặt bằng sinh hoạt tổng thể
Nhà lá mái ở đảo Lý Sơn không thay đổi lớn về các công năng sử dụng của ngôi nhà 3 gian 2 chái và nhà phụ (nhà ngang, nhà dưới). Gian giữa hậu làm gian thờ; gian giữa tiền để tiếp khách; 2 gian 2 bên đặt phản gỗ; 2 chái và phần sau vách ngăn bằng gỗ (phên lụa) là buồng nghỉ, cất đồ đạc; nhà phụ chứa thực phẩm, nông ngư cụ và nấu ăn. Theo lời người dân kể, nhà lá mái thường là nhà của những người giàu có, nhiều của; và để đề phòng cướp biển, giặc Tàu Ô, người xưa đã làm thêm rầm hạ gần sát nền để cất giấu tài sản hoặc có một hầm bí mật chôn giấu của cải ở trên núi. Người ta kể rằng giặc Tàu Ô thường xuyên rình rập ở vùng biển Bắc Quảng Ngãi, hàng năm vào kỳ đông xuân thường đổ bộ lên đảo Bé rồi từ đảo Bé sang đảo Lớn cướp của giết người xong, lại quay vào đảo Bé ẩn núp trong hang đá. Vì vậy người ta mới gọi đó là hang Kẻ Cướp, một địa danh còn lưu lại đến ngày nay . Đó không phải là lời truyền ngôn mơ hồ, vô căn cứ, mà trong nhiều sử sách đã thấy ghi điều đó. Bộ sách Đại Nam thực lục do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, không bỏ qua những vụ việc cướp biển và biện pháp phòng chống. (theo Cao Chư s.đ d,)
Trên đảo là một làng chài lớn cách xa đất liền. Quá trình sinh tồn và an cư trên vùng đất mới buộc người dân không ngừng lao động, sáng tạo. Họ khai thác những gì có từ biển, diện tích đất trồng nhỏ hẹp của mình để phục nhu cầu sinh hoạt cộng đồng, gia đình: Sử dụng đá của núi lửa, đá vôi (san hô) xếp đặt tạo đường đi lối lại trong xã, trong làng, làm hàng rào cho các sân vườn gia đình, làm bờ kè ở sát bờ biển, ….
So sánh nhà lá mái ở các địa phương khác
Qua mô tả của Pierre Gourou và kết quả khảo sát gần đây, những ngôi nhà ở Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Trị (từ năm 2002 đến nay) cho thấy: Nhà có phần chạm khắc đẹp nhất ở Lý Sơn là nhà ông Dương Pháp (thôn Tây An Hải). Ở Quảng Trị, chúng tôi theo mô tả tìm đến làng Liêm Công Tây và Di Loan nơi mà P. Gourou đã đến vào năm 1934, các kiến trúc này đã bị hư hại do chiến tranh và thay mới, hầu như toàn thôn là nhà mới với mái ngói. Từ những tư liệu viết đến hình ảnh kết hợp những đợt thực tế đo vẽ, chụp ảnh chúng tôi có những nhận xét sau:
- Khoảng cách từ trần đất đến mái tranh ở Quảng Trị thấp, ở Quảng Nam là trung bình, Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi là cao (Xem bảng thống kê):
Nét chung: - Phổ biến ở phía Nam sông Gianh (Quảng Trị từng tồn tại những ngôi nhà lá mái).
- Nhà lá mái thường là nhà của phú nông (vì nhiều tài sản, vật dụng quý hiếm cần bảo quản phòng tránh hỏa hoạn).
- Nhà lá mái được làm bằng vật liệu: Tre, gỗ và đất đá, được khai thác tại chỗ (ảnh 12).
- Trần của nhà lá mái được đắp đất rất nặng, chống mưa nắng, bão dữ ở miền Trung, đặc biệt là ở vùng đảo Lý Sơn.
- Nhà lá mái luôn có hai kiểu thức kết cấu vì nóc: Vì xuyên tâm và vì có trụ trốn/con đội. Khoảng cách từ trính (trến) đến đòn đông: Nhà ở Quảng Trị khoảng 40-50cm, nhà ở Quảng Nam, Quảng Ngãi từ 1-2m, và nhà ở Bình Định từ 1,2 – 1,5m.
Sự cấp thiết cần phải bảo tồn:
Những nguyên nhân:
- Vật liệu tranh, tre, gỗ đến thời kỳ bị hư hỏng, có tuổi thọ không dài, tính ổn định thấp trong điều kiện khí hậu ở miền biển, miền Trung Việt Nam.
- Người dân hay chủ nhân ngôi nhà hôm nay không hiểu giá trị của loại nhà có trần bằng đất và mái bằng tranh, một loại kiến trúc đặc biệt chỉ có duy nhất ở miền Trung.
- Nguồn vật liệu tranh rạ dùng lợp mái trở nên khan hiếm do người dân không trồng nữa hoặc các nẩm tranh mọc tự nhiên cũng bị phá để trồng các loại cây khác) và cả người thi công không hiểu biết về cách xử lý bảo quản truyền thống các vật liệu thảo mộc này. Việc phun thuốc chống mối mọt loại vật liệu này cũng rất tốn kém.
- Đô thị hóa nông thôn.
- Do tác động của vật liệu mới xuất hiện ở thành thị như: Bê tông, tôn, ngói mới, gạch men… cùng với sự hiểu sai về “xóa bỏ nhà tạm là tranh, tre, nứa” nên chủ nhân nhanh chóng phá bỏ các mái tranh, mái đất bằng cách lợp tôn, lợp ngói mới, thay trần đất bằng nhựa hoặc bê tông hóa cột, trụ, tường… nền lót gạch men, khung cửa bằng kim khí… Đồng thời mong muốn thay đổi ngôi nhà xưa sang kiến trúc hiện đại, chủ nhân đã tháo dỡ, thay thế một số bộ phận hoặc bán ngôi nhà của mình đi.
- Việc mở rộng mặt bằng sinh hoạt (nhà giảm số cột) để phù hợp với điều kiện sinh hoạt hiện tại của gia đình; sự phân chia hoặc quy ước về chỗ ở của các thành viên trong gia đình bị xóa bỏ hoặc cải biên (phong tục) đã dẫn đến kiến trúc thay đổi.
Ý nghĩa bảo tồn:
Nhiều năm trở lại đây, các nhà nghiên cứu kiến trúc Việt Nam quan tâm đến việc nghiên cứu các kiến trúc từ vật liệu thiên nhiên đến bố trí không gian hòa hợp, thân thiện với môi trường sống chung quanh; đặc biệt đối với những ngôi nhà trong vùng đô thị hóa, trở thành các đô thị lớn, thành phố lớn. Một chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu kiến trúc vùng nhiệt đới, PGS.TS Hoàng Huy Thắng đã đề cập kiến trúc nhà ở với những khái niệm như: “Kiến trúc sinh thái”, “Kiến trúc môi trường”, “Kiến trúc xanh”, “Kiến trúc có hiệu quả năng lượng” và “kiến trúc bền vững”.
- Kiến trúc sinh thái: Những ngôi nhà xưa – nhà lá mái, có phải là kiến trúc sinh thái không? – Ta có thể nêu lên những yếu tố của ngôi nhà mà PGS Thắng đã đề cập về ngôi nhà nằm ở vùng đồi gò thuộc Quảng Trị, Quảng Nam và cả Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên đều chịu ảnh hưởng vùng nhiệt đới gió mùa, gió Lào nóng. Vậy để chống nóng hữu hiệu, người ta phải đắp thêm lớp đất trung gian ở giữa mái để giảm bức xạ nhiệt của mặt trời. Lớp vỏ bao mái và thân nhà cũng giảm nóng và giảm lạnh. Như vậy loại mái đất trộn rơm đã khắc phục cái bất lợi của thiên nhiên, khí hậu nóng ẩm vùng nhiệt đới cũng như phòng tránh những hiện tượng giông sét thường xảy ra, có thể gây ra hỏa hoạn cho những ngôi nhà này bất cứ lúc nào. Đặc biệt ở đảo Lý Sơn xưa kia thường bị nạn giặc Tàu Ô đến cướp bóc, đốt phá việc làm nhà lá mái với trần đắp đất là cách chống cháy hiệu quả nhất.
- Kiến trúc môi trường: Tính ưu việt của loại nhà lá mái, là nguồn nguyên liệu được khai thác tại chỗ mà không làm ảnh hưởng môi trường sống chung quanh. Như đã mô tả ở phần trên, ngoài việc lấy đất ở chân đồi làm mái, thân nhà, lấy đá gia cường, gia cố bờ kè, lối ngõ vững chãi, vừa ấm cúng vừa xanh mát cho nơi cư trú. Ở Cù Lao Ré không có rơm rạ, người ta dùng cỏ dế, đá núi, đá san hô làm mái nhà, thân nhà, ngõ đi. Tại Bình Định, Phú Yên người ta dùng lá dừa khô, tranh săn, đá ong xây dựng nhà.
- Điều mà chúng ta cần phải luôn suy nghĩ trong điều kiện sống hôm nay là những vật liệu mà chúng ta đã và đang sử dụng hôm nay đều tạo ra nhiều chất thải gây nguy hại đến nguồn nước, không khí, đến tầng ôzon mà nhiều nhà môi trường đang cảnh báo như lượng khí thải độc, bụi, khói từ các nhà máy sản xuất xi măng, từ nhà máy thép, kính, inox, nhôm, nhựa; gạch nung bằng củi, than đá; các mỏ đá được khai thác bằng hóa chất, chất nổ… . Lớp đất làm trần ngăn cách mái tranh giữ cho ngôi nhà ấm áp vào mùa đông, mát mẻ vào mùa hè góp một phần tiết kiệm năng lượng điện, không phải sử dụng quạt, máy điều hòa.
- Một câu hỏi là đặt ra Nhà lá mái có là kiến trúc bền vững không? Ở đây không phải là sự bền vững của vật liệu mà là sự bền vững hệ sinh thái. Theo TS Nguyễn Đức Nguyên: “Khó có một định nghĩa tách bạch, rạch ròi về kiến trúc bền vững…”. Tuy vậy nhóm danh từ kiến trúc bền vững hiện nay đã được dùng khá phổ biến và các học giả đều thừa nhận nó có nguồn gốc từ khái niệm “phát triển bền vững” xuất hiện vào những năm 70 của thế kỷ 20. Tác giả lưu ý đến tính bền vững môi trường và bền vững xã hội .
- Ý nghĩa về giao lưu văn hóa: Những ngôi nhà lá mái ở đảo Lý Sơn rất giống với những ngôi nhà lá mái truyền thống (mà Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã phục dựng) của người Chăm ở Ninh Thuận (xem ảnh 15). Đây cũng là những ngôi nhà mà ông Pierre Gourrou đã bắt gặp ở Nam Sông Gianh vào nửa đầu thế kỷ 20. Đặc điểm ngôi nhà này có 2 tầng mái, mái bên dưới (trần) đắp đất, mái trên lợp ngói. Tuy nhiên theo nhận định của chúng tôi mái ngói này thay cho mái tranh hoặc lá được lợp ban đầu. Vì vậy có thể nói rằng nhà lá mái ở đảo Lý Sơn là sự tiếp thu, kế thừa văn minh Chăm, sáng tạo phù hợp với điều kiện địa phương.
Thay cho lời kết luận tôi xin trích dẫn ý kiến về ý nghĩa bảo tồn cấp thiết của PGS Chữ Văn Tần:“Nếu Hội An có phố cổ như một bảo tảng sống về diện mạo của đô thị cảng cổ thì ở Lý Sơn, hệ thống nhà ở cổ truyền rất độc đáo của một làng nông chài xứng đáng được bảo tồn và tôn tạo phục vụ cho việc tìm hiểu một dạng văn hóa vật chất truyền thống của người Việt và giới thiệu rộng rãi cho khách tham quan du lịch trong và ngoài nước”.
Danh sách nhà lá mái ở huyện đảo Lý Sơn đã khảo sát:
- Nhà ông Lê Lý, thôn Tây An Hải
- Nhà ông Dương Định, thôn Tây An Hải
- Nhà ông Bùi Đồn, thôn Tây An Hải
- Nhà bà Dương Thị Hường, thôn Tây An Hải
- Nhà ông Nguyễn Hạp, thôn Đông An Hải
- Nhà ông Trương Đạt, thôn Đông An Hải
- Nhà ông Nguyễn Cứu, thôn Đông An Vĩnh
- Nhà ông Võ Hiển Đạt, thôn Tây An Vĩnh
- Nhà ông Dương Pháp, thôn Tây An Hải
Nguyễn Thượng Hỷ
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 02-2022)
Chú thích:
(1) Cây ré: Thân mềm thuộc họ thảo, cao từ 1,5-2m. Gốc nhô lên mặt đất giống như loại sậy, bụi te, bụi le. Từ gốc nhô lên thành thân, mọc thẳng không có nhánh.
(2) Trong số 19 ngôi nhà này tác giả chuyên đề này chỉ mới khảo sát được 9 ngôi nhà lá mái, con số này có thể tăng lên nếu tiếp tục khảo sát. Theo Thống kê của trường ĐH Kiến trúc TP HCM hợp tác với khoa Kiến trúc của trường ĐH Nữ Chiêu Hòa, Nhật Bản thì số nhà lá mái ở đảo Lý Sơn chiếm 63,33% gồm 19 nhà trong số 30 nhà đã khảo sát.
(3) Theo mô tả của ông Pierre Gourou: Phần liên kềt hai cột cái theo hàng ngang bằng quá giang (lõng trếng) và hàng dọc bằng một xà gọi là xuyên. Trên quá giang và xuyên là cái sàn gọi là đố bản được khép kín về phía cửa vào bằng những tấm ván, trên đó người ta để các loại đồ dùng nên có tên gọi là rương (cái hòm gỗ); ở Quảng Nam gọi là rầm thượng và các tấm ván bọc xung quanh sàn để đồ này gọi là khuôn củi. Ở Bình Định gọi là lẫm thượng nhưng bố trí ở nhà cầu và nhà lẫm để chứa đồ quý và lương thực. Rương hay rường cũng là một loại nhà giống nhau của miền Trung.
(4) Bảo tàng Dân tộc học đã phục dựng lại ngôi nhà này (xem ảnh, sơ đồ vị trí nhà thang lâm)
(5) Tường hai đầu hồi bằng đất gọi là tường xông, vì thế mái đất cũng được gọi là mái xông
(6) Đây là loại cây thân gỗ, nhỏ được cột lại thành bó kẹp theo các mạn thuyền buôn bán đưa từ vùng biển phía Nam về.
(7) Ở Quảng Nam có hai phường thợ mộc: Thợ Kim Bồng ở phường Cẩm Kim, thành phố Hội An (phía Bắc); thợ Văn Hà, xã Tam Thành, huyện Phú Ninh (phía Nam). Cả hai phường thợ có nguồn gốc từ vùng Thanh – Nghệ – Tĩnh. Qua phỏng vấn, đa số các cụ cao niên của đảo đều cho biết, hầu hết những ngôi nhà này đều do phường thợ Văn Hà dựng nên. Và cũng qua phong cách, kiểu thức của trính, kèo, phần trang trí trong ngôi nhà, tôi xác nhận đó là phong cách dựng nhà của phường thợ Văn Hà.
(8) Loại trần gỗ có trang trí này rất hiếm chỉ thấy xuất hiện ở Quảng Nam: là nhà của ông Lê Phước Câu (thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc) và cụ Nguyễn Sắc, thôn Mỹ An, xã Đại Quang, Đại Lộc (ảnh 10c). Tuy nhiên tấm ván trang trí này nằm ở trần mái ở kèo lòng ba, không phải hiên.
Tài liệu tham khảo:
1/ Phác thảo Nghiên cứu về nhà Việt Nam từ Thanh Hóa đến Bình Định của Pierre Gourou, bản dịch của Đào Hùng (Esquisse d’une étude l’habitation annamite, dans L’Annam Septentrional et central du Thanh Hoa au Binh Dinh. Les éditions d’art et d’histoire. Paris), tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, Thừa Thiên Huế, số 4 (34), 2001.
2/ Nhà lá mái ở Quảng Nam – kiến trúc sinh thái, trang 23-40 cùng tác giả trong “Nhà ở cổ truyền dân gian người Việt ở Quảng Nam”, Trung tâm Bảo tồn Di sản di tích Quảng Nam, tháng 4 năm 2008.
3/ Văn hóa truyền thống đảo Lý Sơn, UBND tỉnh Quảng Ngãi, Sở KH-CN và Môi trường, 2002. Nhóm nghiên cứu và biên soạn: Đoàn Ngọc Khôi, Nguyễn Thanh Tùng, Nguyễn Đăng Vũ, Nguyễn Văn Bốn.
4/ Lý Sơn, đảo du lịch lý tưởng. Chủ biên PGS-Tiến sĩ Lê Trọng, NXB Văn hóa Thông tin 2007.
5/ Nguồn bản vẽ Đại học Kiến trúc Tp Hồ Chí Minh, KTS Nguyễn Khang
6/ Kiến trúc sinh thái Việt Nam. PGS.TS Hoàng Huy Thắng, tạp chí kiến trúc số 136, 08 – 2006.
7/ What is an “Ecological House”? của Philip S. Wenz (tài liệu từ Internet)
8/ “Nhà đẹp” chuyên đề về tre, tạp chí Hội Kiến trúc Việt Nam, số 08/2008.
9/ Làm Nhà Chống Giặc Tàu Ô Ở Đảo Lý Sơn,Nguyễn Thượng Hỷ,Tuổi Trẻ Cuối Tuần,số 24-2014.ngày 29-62014.
The post Nhà lá mái ở đảo Lý Sơn appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/ZrIHABU
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét