Trước thực trạng của nhà ở nông thôn hiện nay, giới KTS đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm cải thiện thiết kế và xây dựng không gian nhà ở nông thôn mang tính hệ thống, phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại. Chuỗi hội thảo về kiến trúc nhà ở nông thôn do TCKT phối hợp với Công ty TNHH NS BlueScope Việt Nam tổ chức đã thu hút nhiều ý kiến đóng góp của giới nghề, đem đến những góc nhìn mới về việc vận dụng kiến trúc truyền thống trong không gian ở – Hướng tới xây dựng diện mạo kiến trúc nông thôn mới hiện đại và giàu bản sắc.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc những ý kiến xoay quanh việc đề xuất những giải pháp thiết thực góp phần nâng cao chất lượng không gian ở, thể hiện sự sáng tạo của giới KTS trong lĩnh vực thiết kế nhà ở nông thôn.
Vận dụng tốt truyền thống trong kiến trúc nhà ở nông thôn đương đại
Về giá trị nói chung, kiến trúc nhà ở nông thôn đương đại cũng không đặt ra một thang giá trị gì khác biệt – Vẫn phải đáp ứng cân bằng 4 yếu tố: Công năng (đương đại), bền vững, kinh tế và đẹp (từ mỹ quan đến mỹ cảm). Trong sự thành công ở các thể loại kiến trúc, thì nhà ở mang dấu ấn cá nhân của người sử dụng nhiều nhất và đa dạng nhất. Và con người nông thôn hiện đại có quyền khẳng định nhu cầu đương đại của họ trong ngôi nhà của chính mình.
Câu hỏi đặt ra ở đây là: Điều này liệu có mâu thuẫn khi đặt vấn đề đưa các giá trị truyền thống vào thiết kế nhà ở nông thôn đương đại?
Bạn có thể thấy: Xu hướng toàn cầu hoá ngày càng mạnh mẽ và không thể đảo ngược. Ngôi nhà ở, từ sự khác nhau giữa các dân tộc trên thế giới, ngày nay tương đồng rất nhiều mặt: Từ vật liệu, kỹ thuật xây dựng cho đến thiết bị, tiện nghi sinh hoạt trong nhà. Chính vì vậy, lối thoát để tránh khỏi đồng phục hoá đối với các ngành nghệ thuật, sáng tạo như kiến trúc chính là đào sâu tính bản sắc.
Bản sắc nằm ở truyền thống với những giá trị vật thể và phi vật thể. Đó luôn là một kho tàng vô cùng phong phú và quý giá, nhưng chỉ mở ra với những ai thấm đẫm hồn cốt của nơi chốn và dân tộc.
Vì vậy, việc vận dụng yếu tố truyền thống trong kiến trúc nhà ở nông thôn đương đại trở thành hai mặt giá trị của cùng một công trình kiến trúc – Là cái ĐẸP của lớp vỏ vật chất và nội hàm công năng, cảm xúc. ĐẸP (viết hoa), bởi nó phải thông qua con người với nơi chốn và truyền thống cụ thể.
Về vật chất, có thể là vật liệu, kỹ thuật địa phương… Thủ pháp như tường hoa, mành trúc, ngạch cửa, vách lùa… Tập quán sinh hoạt có thể là hàng hiên, sân thiên tĩnh…
Chúng ta cần sáng suốt phân biệt giữa sao chép truyền thống với vận dụng giá trị truyền thống. Sao chép trì kéo đứng lại trong quá khứ. Vận dụng tôn trọng và làm đậm đà thêm giá trị của đương đại.
Điều đáng mừng là nhiều KTS đã mạnh dạn thử nghiệm, vận dụng và tạo dấu ấn một cách đáng trân trọng. Hy vọng rằng đó là những bước đầu tiên và chúng ta có thể đúc kết những thành quả đó như trách nhiệm nghề nghiệp của một thế hệ KTS với trách nhiệm nghề nghiệp là tạo ra những giá trị mới cho kiến trúc truyền thống vận dụng trong nhà ở nông thôn đương đại.
Tính bản địa trong nhà ở nông thôn hiện đại từ góc nhìn của tropical spase
Ngày nay, tầm nhìn của con người được mở rộng ra khỏi nơi cư trú, văn hóa đời sống cũng thay đổi theo thời đại công nghệ, truyền thông, tiến tới phát triển hội nhập. Tuy nhiên, kiến trúc truyền thống chưa kịp đáp ứng được các nhu cầu cho con người của thời đại, bản sắc chưa đủ mạnh để níu kéo giữa giá trị truyền thống và xu hướng toàn cầu hóa. Vậy nên, kiến tạo những công trình kiến trúc mang hơi thở thời đại và kế thừa truyền thống là điều cần làm để lưu giữ văn hóa cho thế hệ mai sau, tạo ra dấu ấn riêng cho con người Việt Nam.
Tropical Space là một công ty kiến trúc luôn coi trọng việc giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống trong kiến trúc tại Việt Nam. Với Tropical Space, cảm hứng trong thiết kế kiến trúc truyền thống dựa trên cách ông bà ta làm ra những ngôi nhà bản địa, nhờ các vật liệu có sẵn xung quanh hay cách ứng phó với khí hậu mưa nhiều, nắng nóng. Đó có thể là những tấm phên dại lọc nắng làm từ tre mà gió vẫn xuyên qua, ánh sáng vẫn đi vào bên trong một cách nhẹ nhàng, những viên gạch nung thô sơ… Chính những cách xử lý khéo léo đó, đã góp phần tạo ra nét duyên của những ngôi nhà Việt Nam truyền thống.
Vẫn là làm nhà từ vật liệu có sẵn, nhưng Tropical Space sử dụng loại gạch nung, một loại vật liệu lâu đời để gợi lại những kí ức đang dần bị quên lãng, bằng giải pháp ngôn ngữ kiến trúc đương đại. Tropical Space muốn tôn vinh những giá trị đã bị chối bỏ, đánh thức sự tự tin vào văn hóa, vào bản sắc và tình yêu với nơi chốn thông qua kiến trúc. Các thiết kế của Tropical Space ngăn chia không gian một cách ước lệ bằng giải pháp thiết kế thay đổi không gian, khối tích, cao độ, ánh sáng… Những viên gạch thô được sử dụng đan xen với những mảng đặc – rỗng, để công trình trở nên mềm mại và duyên dáng. Chính vì thế, những ngôi nhà có ánh sáng không khí, gió, mưa và ánh nắng được chắt lọc tinh tế luôn hiện diện trong các thiết kế của Tropical Space.
![](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2022/04/22A04008-2-380x247.jpg)
![](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2022/04/22A04008-6-380x247.jpg)
Cụ thể, có thể thấy trong một số công trình gần đây của Tropical Space:
LT house, một ngôi nhà nhỏ 6×11 của 2 vợ chồng trẻ được xây dựng ở khu tái định cư. Bối cảnh công trình là một khu dân cư mới, nên LT house cần đáp ứng được sự riêng tư, an toàn và sự kết nối của người ở với môi trường thiên nhiên. Thông qua những khoảng sân đệm, mưa nắng gió đã đi vào bên trong, giảm nhiều tác động đến không gian sinh hoạt bên trong, ngân sách xây dựng của ngôi cũng được tiết kiệm hơn.
Nếu như chiếc “tổ” của con người luôn thay đổi theo từng thời đại công nghệ, chiếc tổ của loài mối vẫn không thay đổi gì, mối làm tổ bằng vật liệu từ cơ thể nó có sẵn, cái tổ của nó luôn đáp ứng trong mọi điều kiện thời tiết. Nhà Tổ Mối không lệ thuộc vào thiết bị làm mát, ngôi nhà có thể tự hô hấp nhờ cách thiết kế đáp ứng được với điều kiện thời tiết nóng vào mùa hè, lạnh vào mùa đông và vững vàng trong những cơn bão nhiệt đới hàng năm.
Từ những công trình của Tropical Space, có thể thấy, ngày nay, tuy chúng ta thiết kế các công trình sử dụng các các loại vật liệu truyền thống, nhưng có thể sử dụng theo một cách mới hơn, tạo ra những công trình mang màu sắc đương đại hơn.
MÁI và HIÊN trong kiến trúc nhà ở Nông thôn đương đại
Nhà ở nông thôn hiện nay đang chịu sự tác động rất lớn của quá trình đô thị hóa, Với mong muốn giữ gìn, phát triển kiến trúc nhà ở nông thôn trên nền tảng văn hóa và truyền thống đía phương, rất nhiều KTS đã tìm kiếm những yếu tố đặc trưng trong thiết kế truyền thống và sáng tạo để phù hợp với đương đại, tạo ra những công trình độc đáo, ấn tượng. Đó là lý do Văn phòng G+ Architects tập trung vào yếu tố Mái và Hiên trong các công trình nhà ở nông thôn.
Nhà ở nông thôn có quỹ đất rộng, hình thức kiến trúc thường là nhà một tầng (nhà trệt), bởi vậy Mái nhà thường được coi là mặt đứng thứ 5 của ngôi nhà. Mái nhà vượt ra ngoài khái niệm là một thành phần, một bộ phận kiến trúc, trở thành hình tượng, ý niệm về gia đình, về sự sum họp quây quần. Mái góp phần lớn trong việc tạo nên hình thức, hình dáng công trình. Chính vì vậy tương quan tỷ lệ mái với công trình, quan hệ chất liệu, màu sắc ảnh hưởng rất lớn đến thẩm mỹ chung của công trình.
Trong khi đó, hiên nhà là khoảng không gian chuyển tiếp đóng vai trò là không gian tiếp nhận sự giãn nở của công năng, sự dịch chuyển của các hoạt động con người từ trong ngôi nhà để tiếp cận với thiên nhiên bên ngoài (ranh giới trong và ngoài nhà).
Trong các thiết kế của G+architects, phần Mái và Hiên luôn được coi như những thành tố quan trọng trong cấu trúc nhà ở nông thôn hiện đại, tạo ra mối liên hệ giữa con người với “nơi chốn”.Trong một công trình nhà ở nông thôn thường thấy phần Mái thường lớn và chiếm tới 2/3 chiều cao mặt đứng công trình, nhất là đối với mái đình, mái nhà 5 gian hay 3 gian truyền thống. Hay đối với đa phần các công trình thấp tầng thì hình hài, đặc trưng của công trình và cảnh quan tổng thể nhiều khi cũng được thể hiện, biểu lộ phần lớn qua Mái.
Tỉ lệ Mái còn thường được tính bằng 3/2 diện tích mặt bằng. Do đó, đối với nhà ở nông thôn đương đại, phần Mái ngói truyền thống thường được G+architects kết hợp hệ vì kèo sắt cách điệu cho kết cấu đỡ Mái, để giải phóng không gian, giảm sự hiện diện của cột giữa. Kết cấu thép đỡ mái với cấu trúc đơn giản cũng giảm chi phí xây dựng so với kết cấu kèo gỗ và thuận lợi cho thợ thi công địa phương. Việc thay đổi về hình thức Mái dốc thay vì 2 mái hay 4 mái cũng được chúng tôi vận dụng để khai thác đặc điểm của bối cảnh (tăng liên kết cảnh quan, mở ra các góc nhìn đẹp từ trong ra ngoài) hay tăng cường chiếu sáng , thông gió vào giữa nhà. Điều này có thể thấy qua hình thức vạt mái với nhiều cao độ khác nhau của “Nhà Gia Nghĩa” hay hình thức một mái dốc của “Nhà An” ( Tây Ninh) do G+architects thiết kế.
Hiên còn là khoảng không gian để chắn nắng, chống nóng, tránh mưa, điều hoà không khí… Khoảng Hiên đem lại sự kín đáo, an toàn, chủ động và thường có diện tích bằng 1/3 diện tích mặt bằng khối nhà. Khi thiết kế khoảng Hiên G+architects thường thiết kế linh động so với hiên nhà truyền thống. Khoảng Hiên có thể xâm lấn vào không gian trong nhà và trở thành một phần nội thất, làm mờ ranh giới trong và ngoài nhà.
Bích Vượng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 02-2022)
The post Giá trị truyền thống trong nhà ở nông thôn đương đại appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/8YAa4et
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét