Đó là chủ đề của Liên hoan Sinh viên Kiến trúc toàn quốc lần thứ XIII diễn ra từ ngày 20-24/4/2022 tại TP Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên với sự bảo trợ của UBND tỉnh Phú Yên – Hội KTS Việt Nam và Trường ĐH Xây dựng miền Trung là đơn vị đăng cai tổ chức. TCKT đã có cuộc trò chuyện nhanh với PGS.TS.KTS Nguyễn Vũ Phương, Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng miền Trung về những hoạt động của Hành trình Di sản AYARU – Phú Yên. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Phóng viên (P/v): Xin chào Thầy, chắc là công tác chuẩn bị cho Festival Sinh viên (SV) toàn quốc lần thứ XIII rất vất vả. Xin cảm ơn Thầy đã nhận lời chia sẻ với độc giả của TCKT. Thầy có thể cho biết về những hoạt động chính của Festival SV kiến trúc lần này không ạ?
PGS.TS.KTS Nguyễn Vũ Phương: Như các bạn đã biết, Liên hoan SV Kiến trúc toàn quốc (gọi tắt là Festival) được tổ chức định kỳ hai năm/lần. Đây là hoạt động giao lưu chuyên môn, thể hiện tài năng sáng tạo và hội nhập của SV Kiến trúc, cũng là một hoạt động thiết thực của CLB các trường đào tạo KTS trên cả nước.
Festival XIII được sự bảo trợ của UBND tỉnh Phú Yên và Hội KTS Việt Nam, trường ĐH Xây dựng miền Trung (MUCE) vinh dự được đăng cai tổ chức kỳ này. Với chủ đề “Hành trình Di sản AYARU – Phú Yên”, ban tổ chức gắn kết các nội dung chuyên môn nghề nghiệp với các vấn đề phát triển, quảng bá hình ảnh văn hóa du lịch Phú Yên tới các bạn sinh viên kiến trúc và xã hội. Công tác tổ chức đang đến giai đoạn nước rút, chúng tôi đang hết sức nỗ lực để mang đến một chương trình sôi động cho các bạn SV, không gian giao lưu chuyên môn với giới nghề và một hành trình di sản ý nghĩa.
Phải nói rằng các hoạt động được thiết kế để các bạn SV được bộc lộ tài năng cũng như khả năng sáng tạo tối đa, đồng thời cũng là dịp để các bạn thử nghiệm những kỹ năng nghề nghiệp trong tương lai, như: Vẽ, thiết kế nhanh, thuyết trình … Cụ thể là:
- Thi thiết kế logo Festival XIII (đã thực hiện và công bố Logo chính thức của chương trình);
- Thi thiết kế và vẽ bích hoạ “Tuy Hoà – Vẻ đẹp hương vị của Đại dương xanh”, sẽ do sinh viên các trường vẽ tặng lại tp Tuy Hòa bức tranh dài 50m
- Thi tài năng sinh viên theo nhóm, theo trường: Bao gồm thi Thiết kế nhanh cho SV năm 2-3, 4-5; vẽ mỹ thuật, nhiếp ảnh, thuyết trình…);
- Lễ bế mạc và trao giải tại quảng trường Tháp Nghinh Phong
- Đêm biểu diễn tài năng Kiến và lửa trại với chủ đề: Kiến bùng cháy;
- Hội thảo khoa học: “Kiến trúc – Di sản trong phát triển bền vững đô thị du lịch biển”
- Diễn đàn – Đối thoại bàn tròn giữa SV với KTS và Doanh nghiệp;
- Tham quan TP Phú Yên…
P/v: Tên gọi “Hành trình di sản AYARU – Phú Yên” khá lạ với nhiều người. Thầy có thể chia sẻ thêm về điều này không?
PGS.TS.KTS Nguyễn Vũ Phương: Đúng là có nhiều người chưa biết về AYARU. Đó là tên gọi của vùng đất Phú Yên trong thời kỳ Chăm Pa. Năm 1471, vua Lê Thánh Tông thân chinh đến Đèo Cả và sáp nhập vùng đất từ đèo Hải Vân tới đèo Cù Mông (phía Bắc Phú Yên) vào lãnh thổ Đại Việt, vùng đất Ayaru vẫn thuộc quyền quản lý của người Chăm Pa. Năm 1578, dưới thời chúa Nguyễn Hoàng, tướng Lương Văn Chánh dẫn quân khai phá vùng đất Ayaru. Đến năm 1611, chúa Nguyễn sáp nhập Ayaru vào lãnh thổ Đàng Trong, đổi tên thành Phú Yên.
Đó là về mặt lịch sử, chọn chủ đề “Hành trình di sản AYARU – Phú Yên” cho Festival XIII, chúng tôi muốn nhấn mạnh thông điệp: Di sản kiến trúc và đô thị là di sản văn hoá có quy mô lớn nhất trong mọi loại hình di sản mà con người kiến tạo được trong lịch sử tiến hoá của nhân loại. Việc gắn kết di sản với phát triển đô thị sẽ nâng cao giá trị các khu vực đô thị lịch sử mà mang lại lợi ích cho nền kinh tế địa phương, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị của các di sản đó. Điều này hướng tới việc phát triển du lịch di sản văn hoá một cách bền vững, biện pháp hữu hiệu để duy trì bản sắc địa phương. Vấn đề này đặc biệt quan trọng đối với Tuy Hoà – Phú Yên với quỹ di sản thiên nhiên, văn hoá, lịch sử định cư rất phong phú, được tích luỹ theo thời gian, từ thời kỳ văn hoá AYARU – Chăm Pa tới cuộc sống đương đại hôm nay. Hội thảo khoa học của Festival lần này là một điểm nhấn quan trọng với chủ đề: “Di sản và Kiến trúc trong phát triển bền vững đô thị du lịch biển”. Tôi cho rằng đây cũng sẽ là hành trình/bài học hữu ích đối với các KTS của chúng ta trong tương lai.
P/v: Được biết Lễ bế mạc Festival cũng được chuẩn bị rất kỳ công, Thầy có thể “hé lộ” một chút về chương trình này không?
PGS.TS.KTS Nguyễn Vũ Phương: Phải chia sẻ với các bạn rằng không phải ngẫu nhiên mà Lễ bế mạc của Festival XIII được lựa chọn tổ chức tại Quảng trường Nghinh Phong. Trong “Hành trình di sản AYARU – Phú Yên”, chúng ta đã đi từ Tháp Nhạn đến các di tích văn hoá, thiên nhiên, lịch sử của Phú Yên và điểm kết sẽ là Tháp Nghinh Phong, một cụm công trình biểu tượng mới của tỉnh Phú Yên, như một sự kết nối uyển chuyển từ quá khứ tới hiện tại và hướng tới tương lai. Và, thực ra đó cũng chính là sứ mệnh của kiến trúc và giới nghề sẽ được tiếp nối với các thế hệ trẻ trong tương lai.
Mà có lẽ tôi nói cũng hơi nhiều rồi (cười). Xin được hẹn gặp các bạn tại Trường ĐH Xây dựng miền Trung với “Hành trình di sản AYARU – Phú Yên”, với tinh thần Olympic – đoàn kết, chia sẻ và kết nối !
P/v: Xin cảm ơn Thầy Phương và chúng ta cùng chờ đón những hình ảnh thành công rực rỡ của Liên hoan SV Kiến trúc toàn quốc lần thứ XIII với “Hành trình di sản AYARU – Phú Yên”!
PV
© Tạp chí Kiến trúc
Xem thêm:
- Liên Hoan Sinh Viên Kiến Trúc Toàn Quốc lần thứ XIII – MUCE 2022: Hành trình di sản AYARU – Phú Yên
- Hội KTS Việt Nam làm việc với UBND tỉnh Phú Yên về tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực kiến trúc
The post Liên hoan Sinh viên Kiến trúc toàn quốc lần thứ XIII – Festival 2022: Hành trình Di sản AYARU – Phú Yên appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/VQZ2Cah
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét