Kỳ 3: Định hình và đọc hiểu hệ gen cho kiến trúc Việt Nam thời kỳ đổi mới toàn diện và hội nhập sâu rộng
Dù ở đâu trên lãnh thổ Việt Nam ngày nay, bất kể miền xuôi hay miền ngược, đô thị hoặc nông thôn, kiến trúc hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc cùng với văn hóa ở, thể hiện sự tổng hợp hài hòa giữa hai yếu tố mới và cũ – Là hai vấn đề cấp bách đặt ra cho giới nghiên cứu kiến trúc và KTS, cùng phối hợp tìm ra những mô hình thích ứng trong từng trường hợp vốn dĩ rất đa dạng. Giới nghiên cứu kiến trúc chắt lọc những thành tố tích cực và tổng kết thành lý thuyết hoặc củng cố – nâng cao thêm lý luận; trong khi KTS sẽ cụ thể hóa những mô hình nghiên cứu được đề xuất rồi kiểm chứng tính phù hợp hoặc tính thích ứng trong thực tiễn, tiếp tục điều chỉnh và hoàn thiện, tìm cách nhân rộng. Bằng những hoạt động miệt mài có phần thầm lặng của mình, họ đã và đang định hình nên một “hệ gen” kiến trúc Việt Nam ngày nay, gồm bốn hợp phần, gắn với bốn thực thể tham gia, giúp cộng đồng xã hội nói chung đọc hiểu cấu trúc của hệ gen nói trên để có những ứng xử và chọn lựa phù hợp theo hướng lành mạnh hóa, trên cơ sở ấy sẽ giúp kiến trúc Việt Nam tăng tốc độ cũng như nâng tầm vóc trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa.
7. Từ hệ Gen sinh học đến hệ Gen kiến trúc
7.1 Gen sinh học – Xuất phát điểm
Trong sinh học, mỗi loài sinh vật có một bộ gen riêng, các cá thể của cùng một loài rất hiếm khi giống hệt nhau vì có cấu trúc gen thay đổi ở cách sắp xếp và ghép nối của các yếu tố cấu thành. Gen là một đoạn DNA, mang thông tin mã hóa cho một đặc điểm được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác kế tiếp. Bốn loại phân tử cấu thành gen là Cytosine (ký hiệu là C), Guanine (ký hiệu là G), Adenine (ký hiệu là A) và Thymine (ký hiệu là T). Bốn phân tử này kết hợp với nhau theo nguyên tắc bổ sung (A chỉ liên kết với T và C chỉ liên kết với G) để tạo nên chuỗi DNA mạch kép, mang gen di truyền đặc trưng cho mỗi loài động thực vật.
7.2 Gen kiến trúc – Một liên hệ thú vị
Tương tự như trong sinh học, mỗi dân tộc và mỗi cộng đồng dân cư có một nền văn hóa và kiến trúc riêng, được quyết định bởi bốn yếu tố chủ đạo là điều kiện địa hình (ký hiệu là ĐH), điều kiện khí hậu (ký hiệu là KH), phong tục tập quán bao hàm cả tín ngưỡng (ký hiệu là PT) và quan hệ xã hội – nhận thức xã hội (ký hiệu là XH). Bốn yếu tố này cùng tác động đến lối sống cộng đồng và cách thức họ tổ chức không gian cộng đồng đáp ứng các hoạt động sống của bản thân họ. Mức độ tác động nhiều – ít, mạnh – yếu khác nhau dẫn đến các dạng thức khác nhau của công trình kiến trúc mà công trình hình thành ở nông thôn cũng không phải là ngoại lệ, thậm chí có phần đậm đà hơn tại đô thị bởi tính quần cư lâu đời hơn và thiết chế văn hóa chặt chẽ hơn.
Mỗi một hình thái kiến trúc cộng đồng tại nông thôn cũng như đô thị luôn có thể được bóc tách và phân tích dựa trên hệ bốn yếu tố đặc thù ĐH, KH, PT và XH này. Bốn kiểu “mã gen kiến trúc” ĐH, KH, PT và XH kết hợp với nhau theo một tỷ lệ nhất định (giống như gen sinh học C, G, A và T) song linh hoạt và đa chiều hơn, chứ không theo hai cặp bất biến như gen sinh học (xem Hình 17). Đối với mỗi cộng đồng, hàm lượng của từng yếu tố thành phần cũng có thể thay đổi dưới tác động của thời gian, tiến bộ trong lao động sản xuất và quá trình làm giàu tri thức. Có thể đánh giá một cách định tính sự hòa trộn của ĐH, KH, PT và XH đối với mỗi kiểu kiến trúc của từng cộng đồng dân cư thông qua quan sát, phân tích sơ bộ. Để đánh giá định lượng, rất cần sự nghiên cứu sâu và có hệ tiêu chí, thang đo được xây dựng một cách khoa học, qua những đề tài nghiên cứu trọng điểm tầm cỡ quốc gia và cần đầu tư kinh phí thích đáng.
Gen 1 – Địa hình và Gen 2 – Khí hậu
Điều kiện tự nhiên bao hàm đặc điểm địa hình, thổ nhưỡng, thủy văn, khí hậu, môi trường, sinh thái cảnh quan của một khu vực. Những yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến cách thức cư dân xây dựng công trình để phục vụ nhu cầu, chất lượng cuộc sống của họ.
Địa hình bằng phẳng có thể xây nhà ở và những công trình phục vụ cộng đồng kiểu liền đất, địa hình mấp mô thì dựng nhà sàn. Nơi thường xuyên bị ngập lụt nền công trình được tôn cao. Nơi hay hứng chịu gió bão mái công trình ít dốc hơn các vùng khác và quay cạnh ngắn về hướng đón gió để giảm thiểu nguy cơ tốc mái. Vùng chịu tác động của gió khô nóng thì giải pháp chống nóng cho công trình công cộng được đặt lên hàng đầu. Vùng núi cao có mùa đông lạnh giá, mùa hè mát mẻ thì cấu trúc không gian, kết cấu mái – tường lại hoàn toàn khác, chú trọng giải pháp sưởi ấm và giữ nhiệt, chống gió lùa, nên là một hệ khép kín, ít khi để những khoảng thoáng rộng
Điều kiện tự nhiên cũng liên quan đến vật liệu chế tạo, làm tăng tính đa dạng của kiến trúc. Nhà vùng Sơn Tây chủ yếu xây bằng đá ong, là loại vật liệu có sẵn, khai thác tại chỗ, chỉ cần gạt lớp đất mỏng trên bề mặt là đá ong hiện ra, dùng dao xắn thành từng viên có kích thước phù hợp. Nhà ở vùng Ninh Bình lại xây bằng vật liệu từ nguồn đá vôi phong phú. Một số vùng khác của đồng bằng Bắc Bộ không được thiên nhiên ưu đãi với các mỏ đá thì lại tận dụng đất đào đắp từ quá trình đào kênh, đào ao, trộn với rơm rạ là phụ phẩm của quá trình canh tác trồng trọt để xây nhà, sau này mới có gạch đất nung thay thế. Ở miền núi phía Bắc có nhiều rừng, đại đa số nhà được làm từ gỗ, tre, nứa, lá, … là những vật liệu rất dễ tìm kiếm trong điều kiện tự nhiên của vùng.
Gen 3 – Xã hội và Gen 4 – Phong tục
Bối cảnh xã hội ở đây chính là thiết chế tổ chức cộng đồng dân cư và định hình văn hóa cư trú được lưu truyền và bồi đắp qua nhiều thế hệ. Thiết chế xã hội quy định hành vi ứng xử của mỗi thành viên cộng đồng trong cuộc sống hàng ngày, cùng những phong tục tập quán, quan niệm phổ biến được thừa nhận và thực hiện rộng rãi, tín ngưỡng, lễ hội cùng rất nhiều hình thức biểu hiện trên nhiều khía cạnh của sinh hoạt cộng đồng.
Thiết chế văn hóa cùng những phong tục, tập quán và quan niệm được thể hiện rõ qua cấu trúc không gian sinh sống của cộng đồng dân cư, từ quy mô làng xóm cho đến phạm vi nhỏ là mỗi căn nhà, và một trong những biểu hiện rõ nhất chính là cách thiết kế nhà ở và nhà văn hóa cộng đồng. Cùng là lối sống quần tụ vài chục gia đình trong họ tộc trên một khu đất nhưng nhà người Kinh lại tách rời nhau, xen kẽ với vườn tược ao chuồng, trong khi nhà người Ê-đê lại kề vách nhau tạo thành dãy dài. Đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc khí hậu đông lạnh giá rất coi trọng bếp lửa, bếp là không gian trung tâm của căn nhà. Trong khi ấy người Kinh lại quan niệm bếp là nhà phụ, xây tách khỏi nhà chính. Cũng chiếm vị trí trung tâm và cùng có sân nhưng đình làng của người Kinh và nhà Rông của người Tây Nguyên lại khác hẳn nhau ở quan niệm. Sân đình luôn đặt ở trước đình làng vì người Kinh chỉ tập trung phía trước đình trong khi sân nhà Rông lại ở bốn phía, vì đồng bào dân tộc Tây Nguyên khi có lễ lạt hoặc hội họp thường đi vòng quanh nhà Rông và gõ chiêng.
Một khía cạnh nữa của bối cảnh xã hội ngày nay là: Quá trình toàn cầu hóa đang làm thế giới xích lại gần nhau hơn bao giờ hết, chia sẻ giá trị chung và cùng phát triển thông qua hợp tác, chuyển giao. Đó là mặt tích cực. Nhưng cơ hội luôn đi kèm thách thức. Toàn cầu hóa có xu thế đẩy những cộng đồng thiệt thòi và các nhóm dân tộc thiểu số ra xa sự phát triển chung của toàn xã hội vì một số nguyên nhân, trong đó căn bản là những khu vực này hầu hết ở vùng sâu vùng xa, đi lại khó khăn, cơ sở vật chất, hạ tầng thông tin còn nhiều hạn chế.
Quá trình đô thị hóa ồ ạt với các thiết kế rập khuôn, áp đặt thẩm mỹ, khiến đời sống tinh thần con người ngày càng đơn điệu, áp lực. Đô thị lan rộng, vây bọc làng xóm, “gặm nhấm” dần làng xóm, thu hút các nguồn lực từ nông thôn, khiến cho những làng quê thêm vắng vẻ và ít hoạt động. Sự phát triển mất cân bằng, mật độ dân số tăng nhanh và khai thác quá mức ở nơi này tương phản với tình trạng bị bỏ quên, thiếu thông tin và chậm tiến tại nơi khác. Đó là một nguy cơ đã được các nhà văn hóa học và xã hội học cảnh báo.
Ở đây không thể không nhắc đến vai trò của nhận thức trong giới chuyên môn và rộng hơn là trong cộng đồng. Một trong những thách thức đặt ra cho KTS ngày nay là bằng cách nào có thể làm việc cho những cộng đồng yếu thế, bị gạt ra lề xã hội, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa bản địa, không bị hòa tan bởi các xu hướng kiến trúc thực dụng gắn với thương mại đang tràn lan, vượt quá tầm kiểm soát. KTS cần nhận thức rõ hơn quá trình toàn cầu hóa, đô thị hóa và hiện đại hóa ngày nay, thấy bức tranh toàn cảnh thực trạng bất cập của sự phát triển đô thị và nông thôn, “gạn đục khơi trong” để phát triển một số giải pháp có hiệu quả nhìn thấy rõ nhằm gìn giữ và phát huy những tinh chất cốt lõi của kiến trúc, văn hóa dân tộc và địa phương, không để toàn cầu hóa, đô thị hóa và hiện đại hóa bào mòn đi căn cốt của các làng quê truyền thống. Giới làm nghề không chỉ đi tiên phong, mà còn phát huy ảnh hưởng tích cực sang những đối tượng khác có liên quan trong suốt quá trình hợp tác.
Nếu nhìn lại một cách khách quan và đánh giá đa chiều, chương trình phát triển nông thôn mới còn thiên về bề nổi mà chưa thực sự đi vào chiều sâu, thể hiện qua khuyến nghị áp dụng một số mẫu thiết kế rập khuôn sao cho “nhanh – nhiều – tốt – rẻ” mà chưa quan tâm đến bản sắc và bối cảnh khác biệt, có phần áp đặt thẩm mỹ, khiến đời sống tinh thần của người dân nông thôn chưa được cải thiện đáng kể như mong đợi. Thay vì đến nhà văn hóa cộng đồng hàng ngày hoặc vài lần mỗi tuần, họ chỉ đến một đôi lần trong tháng. Thời gian còn lại nhà văn hóa khóa cửa để đấy hoặc cho thuê với những mục đích khác như kinh doanh.
Dù KTS là người khởi xướng và đi trước mở đường, việc bảo tồn di sản và giữ gìn – phát huy bản sắc văn hóa cũng như kiến trúc vẫn phụ thuộc phần lớn vào cộng đồng với tư cách là chủ thể thụ hưởng giá trị của di sản và bản sắc. Cộng đồng đóng vai quan trọng trong việc hiện thực hóa những dự án bảo tồn di sản trong khu vực mà họ sinh sống, thông qua các hoạt động cụ thể và thiết thực hàng ngày, như tôn trọng vùng đệm quanh di sản, không xâm lấn, xây dựng trái phép hay kinh doanh gây ảnh hưởng đến di tích, tham gia các nghi lễ, lễ hội một cách văn minh, tuân thủ những phong tục tập quán, thuần phong mỹ tục. Nhận thức này không thể đóng khung trong một hoặc vài nhóm đối tượng, mà phải được phổ biến ra cả xã hội và thực hiện thật nghiêm chỉnh để tạo nên sức mạnh tổng thể đủ sao cho sẽ đạt được những bước “đột phá”. Để có thể thay đổi nhận thức xã hội cần hội tụ đủ các điều kiện, và thường có sự khởi xướng, các tầng lớp trí thức – tinh hoa của xã hội luôn “lĩnh ấn tiên phong”. Hơn nữa, quy hoạch và phát triển đô thị hiện đại rất coi trọng sự tham gia của cộng đồng, xem đó là chìa khóa dẫn đến thành công. Sự tham gia của cộng đồng – ở mức độ cao mang tính chủ động và tích cực – chỉ có thể phát huy hiệu quả khi sự thay đổi nhận thức được kích hoạt.
8. Vai trò các bên trong việc hình thành bộ Gen kiến trúc
8.1 KTS (KTS)
KTS cần ý thức được những vấn đề cốt yếu sau:
- Tình trạng bất bình đẳng xã hội trong kiến trúc: Những nhóm người yếu thế không có kiến trúc hoặc không đủ khả năng thuê KTS thiết kế, công trình có thể không đáp ứng đầy đủ nhu cầu và thẩm mỹ. Kiến trúc đô thị đang được quan tâm nhiều hơn và đầu tư mạnh hơn so với kiến trúc nông thôn;
- Trách nhiệm dấn thân của giới kiến trúc trong việc xóa bỏ những bất bình đẳng trong kiến trúc, đặc biệt quan tâm phụng sự những cộng đồng yếu thế vùng sâu, vùng xa hay những khu vực đô thị, nông thôn kém phát triển;
- Trách nhiệm trong việc hạn chế xu hướng kiến trúc thực dụng, những ảnh hưởng tiêu cực của tình trạng kiến trúc rập khuôn, áp dụng công nghệ ồ ạt, vì lợi ích thuần túy của chủ đầu tư mà bỏ qua những khía cạnh văn hóa, nhân văn, bản sắc và bản địa; Nhận thức rõ trách nhiệm này KTS sẽ có tầm nhìn, sẽ xác định được những mục tiêu cụ thể và hành nghề, không nhân danh gì khác ngoài sự sáng tạo và cũng không mong mỏi gì hơn là cống hiến cho văn hóa và vì đời sống hạnh phúc của con người.
Trong sự tự ý thức, tu thân, và quá trình sáng tạo bền bỉ, kiên định thử và sai để tìm ra các mô hình chuẩn, KTS sẽ có được niềm vui và hạnh phúc lâu bền trong cống hiến. Không sớm thì muộn, đóng góp của họ sẽ được xã hội công nhận, cộng đồng tôn vinh, được đền đáp xứng đáng cả về vật chất và tinh thần. Khi đã có uy tín và ảnh hưởng nhất định, KTS sẽ đóng vai trò lớn hơn, có thể phát động thành phong trào xã hội.
Về mặt thực hành, KTS liên tục thử nghiệm những mô hình mới, kiểm chứng sự phù hợp và điều chỉnh sao cho việc ứng dụng dễ dàng và rộng rãi hơn, phù hợp nhiều đối tượng. Cao hơn nữa, sản phẩm kiến trúc cần đáp ứng không chỉ nhu cầu về không gian cư trú/sinh hoạt an toàn, tiện nghi mà trở thành một thực thể hữu cơ, tương tác và cộng sinh với người sử dụng, hài hòa với môi trường xung quanh. Công trình kiến trúc còn phải có đời sống riêng: Có quá khứ (truyền thống, lịch sử), có tương lai (bền vững, có khả năng cải tạo và phát triển theo mục đích người sử dụng và/hoặc những thành tựu mới của khoa học, công nghệ, trong đó có khoa học kiến trúc,…). Ngoài ra, công trình góp phần tạo lập hoặc tái khám phá những giá trị văn hóa, lịch sử bản địa đã phần nào bị mai một và lãng quên, khơi dậy lòng tự hào về truyền thống, nâng cao dân trí, là chủ thể có khả năng truyền cảm hứng và lan tỏa, trở thành hình mẫu để kế thừa, phát triển, góp phần định hình thẩm mỹ, giáo dục thẩm mỹ cho cá nhân cũng như cộng đồng. Bản thân công trình có nội lực tự bền vững, vừa kết nối với thế giới xung quanh, vừa tự cường, không bị “hòa tan” khi hội nhập, hàm chứa năng lực tự bảo vệ, có sắc thái riêng trong bối cảnh xã hội thông tin phát triển như vũ bão, trí tuệ nhân tạo và công nghệ cao bùng nổ, trong một “thế giới phẳng” khi toàn cầu hóa đã, đang và sẽ còn len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống cá nhân cũng như đời sống xã hội.
8.2 Các nhà nghiên cứu kiến trúc (NNC)
Các nhà nghiên cứu kiến trúc cần thực hiện những công việc hệ trọng sau:
- Phối hợp với KTS hướng về cộng đồng, nhất là những cộng đồng yếu thế, thiệt thòi, thu hẹp khoảng cách giữa điều kiện sống và sự hưởng thụ tiện ích cuộc sống của các cộng đồng trong xã hội;
- Thấm nhuần và tích lũy những gen bản sắc vùng miền, xây dựng phả hệ kiến trúc, kiến tạo nên những gen mới của thế hệ công trình kế tiếp;
- Gắn kết nghiên cứu và thực hành – ứng dụng. Đây là chìa khóa để giải các bài toán khó về bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị bản sắc văn hóa, kiến trúc;
- Tổng hợp, đánh giá các mô hình có sẵn, tìm tòi những điểm mới, khám phá cách tiếp cận khác biệt, hoàn thiện và phát triển một số mô hình mới, vượt qua những thách thức của thời đại.
8.3 Các nhà hoạch định chính sách (NHĐ)
Các nhà hoạch định chính sách cần lưu ý những điểm then chốt sau:
- Các dự án quy hoạch và xây dựng nói chung và công trình cộng đồng cho vùng khó khăn – kém phát triển nói riêng luôn cần đến hành lang pháp lý là những bộ luật, cơ chế, chính sách, quy chuẩn và tiêu chuẩn được cập nhật – bổ sung liên tục. Những văn bản chính sách nào không theo kịp sự phát triển của xã hội cần phải được điều chỉnh kịp thời, hoặc ban hành văn bản mới;
- Những hình thức mới của quá trình phát triển thời đại 4.0 đem đến một số thử thách mới không dễ vượt qua, đặc biệt trong lĩnh vực bảo tồn di sản, sở hữu trí tuệ và tính đa dạng của văn hóa và kiến trúc. Vì thế rất cần nêu cao trách nhiệm của những người đi đầu, các nhà quản lý và huy động trách nhiệm của toàn xã hội;
- Tăng cường tiếp nhận nhiều ý kiến đề đạt của các nhà nghiên cứu, chuyên gia và từ phía cộng đồng, làm cơ sở để điều chỉnh, thay đổi hệ thống luật định, chính sách mới phù hợp xu thế thời đại;
- Dành sự quan tâm lớn hơn đến chính sách cho văn hóa, thúc đẩy các nguồn lực cho chính sách bảo tồn và phát triển, tôn vinh những giá trị văn hóa cộng đồng, trong đó lưu tâm đến văn hóa tại các vùng đặc biệt khó khăn để không bị bào mòn bởi một số lợi ích kinh tế ngắn hạn hoặc phai nhạt do công tác bảo tồn không được quan tâm đúng mức.
8.4 Cộng đồng dân cư (CĐDC)
Cộng đồng dân cư cần nêu cao những trách nhiệm sau:
- Tham gia tích cực vào quá trình quy hoạch, thiết kế và xây dựng đô thị, bảo tồn, tôn tạo và phát triển di sản;
- Thay đổi nhận thức sao cho phù hợp hơn với thực tiễn phát triển vì đó là một động lực tạo nên sức mạnh và sự chuyển biến tích cực;
- Phát hiện và nêu vấn đề mà thực tiễn đặt ra, phối hợp cùng chính quyền và các nhà chuyên môn giải quyết những vấn đề đó.
8.5 Tổng hợp gen phụ trợ và đối sánh với gen kiến trúc
Sự phối hợp của bốn bên: KTS – NNC – NHĐ – CĐDC cũng là một “gen” khác, song hành với gen kiến trúc, thúc đẩy nhau, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong kiến trúc và xu thế nhân văn trong kiến tạo xã hội.
KTS, như đã phân tích, lãnh trách nhiệm đi trước mở đường, với những ý tưởng xuất phát từ các quan sát và thử nghiệm mô hình trong thực tiễn, qua từng dự án để kiểm chứng tính thích hợp của mô hình kiến trúc vì cộng đồng cư dân nông thôn. Ba bên còn lại cần theo sát KTS và hỗ trợ KTS, theo phân vai như sau:
- NNC phối hợp cùng KTS, tổng hợp các mô hình phát triển và xác định các hệ số – trọng số đi kèm từng yếu tố để kết hợp bốn yếu tố ĐH, KH, PT và XH theo những tỷ lệ phù hợp nhất định, định hình nên bộ gen kiến trúc tương ứng của từng vùng miền, từng giai đoạn;
- NHĐ khai mở hành lang pháp lý, là một trong những cơ sở quan trọng đưa mô hình vào áp dụng thực tiễn, đem lại hiệu quả thiết thực;
- CĐDC nêu vấn đề để NNC phối hợp với KTS tìm kiếm mô hình, đề đạt nguyện vọng cho các chuyên gia xem xét đưa vào mô hình cũng như phương thức, và gửi phản hồi đến các chuyên gia sau một thời gian dự án vận hành thực tế, khẳng định tính đúng đắn và kiểm chứng hiệu quả của mô hình.
Để có được sự phối hợp chặt chẽ, bốn bên cần một cơ chế thiết lập, một kênh gặp gỡ, trao đổi thường xuyên. NHĐ khi ấy lại phát huy vai trò đầu tàu, bằng cách ban hành văn bản pháp lý ràng buộc trách nhiệm của các bên, phối hợp, tham vấn để hiện thực hóa các cơ chế cũng như chính sách. Đây là công việc cấp bách và cần sớm thực hiện.
Vấn đề đặt ra là cần xác định sự kết hợp của các gen trong từng hệ gen: lượng hóa các biến số a, b, c và d trong hệ gen chính G1 và x, y, z và w trong hệ gen phụ trợ G2, tương ứng với mỗi trường hợp trong thực tế. Qua nhiều dự án cụ thể, hoàn toàn có thể tìm ra một khoảng cận trên và cận dưới phù hợp cho mỗi biến số và chỉ định một giá trị hợp lý trong biên độ đó để các gen kết hợp với nhau, sao cho phát huy được nhiều nhất giá trị của bản thiết kế và đáp ứng tốt nhất nhu cầu sử dụng của cộng đồng cư dân địa phương. Đó là một hành trình giải mã gen đầy phức tạp nhưng cũng rất thú vị đối với cả bốn bên tham gia, nhất là với KTS và những người làm công tác nghiên cứu kiến trúc.
9. Đôi điều suy ngẫm thay kết luận
Bảo tồn và phát triển là bài toán muôn thuở, cuộc sống vận hành không ngừng luôn đặt ra những nhu cầu mới, song cũng cần tiếp thu và bảo tồn những giá trị cũ đã đi qua. Xã hội hiện đại phát triển nhanh, quá trình toàn cầu hóa ngày một sâu rộng, những gì là “riêng biệt”, là “bản sắc”, là “độc đáo”, ngày càng trở nên “hiếm có khó tìm”, càng được đề cao và coi trọng.
Đã qua rồi thời kỳ bảo tồn đồng nghĩa với bảo tàng hóa, đóng hộp kính hiện vật, chỉ chiêm ngưỡng từ xa, không tương tác, không cảm nhận, không tiếp xúc với hiện vật. Tách biệt khỏi hơi thở cuộc sống, di sản sẽ trở nên khô cứng, thiếu sức sống, cộng đồng không được hưởng lợi. Thời đại ngày nay, khi tư duy rộng mở, chúng ta có thể học hỏi những mô hình hay, bài học tốt từ khắp thế giới. Bảo tồn và phát triển là mối quan hệ cộng sinh, thúc đẩy lẫn nhau. Bảo tồn lưu giữ giá trị quá khứ cho hiện tại và tương lai, phải gắn với phát triển, đem lại giá trị gia tăng cho xã hội, tất cả các bên cùng hưởng lợi. Từ những giá trị gia tăng đó thông qua nhiều hình thức tổ chức phong phú, sáng tạo mới lạ, tạo nên những giá trị gia tăng mới, xuất hiện không ngừng. Khi giá trị gia tăng này đủ lớn, sẽ quay lại và cung cấp nguồn kinh phí cần thiết cho công tác bảo tồn. Mô hình cần linh hoạt và có tính thích ứng cao, theo kịp sự thay đổi nhu cầu xã hội, mới đảm bảo bền vững lâu dài. Không đạt được tiêu chí này, tính bền vững sẽ dừng ở mức độ ngắn hạn, “lỡ nhịp” với đời sống hiện đại.
Toàn cầu hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa là ba dòng chảy cùng hướng, cộng hưởng nếu không khéo có thể trở thành dòng lũ cuốn phăng những giá trị di sản quý giá nhân danh phát triển. Cần biến những yếu tố mới thành động lực hỗ trợ công tác bảo tồn vượt qua trở lực, không bị mắc kẹt hoặc đi chệch hướng.
Là quốc gia đi sau trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản, Việt Nam hưởng lợi thế là có thể tổng kết các mô hình phát triển được đúc rút từ lý luận cũng như thực tiễn trên thế giới, đặc biệt hữu ích là kinh nghiệm từ các quốc gia trong khu vực có điều kiện tự nhiên, xã hội và văn hóa tương đồng. Việt Nam cần mạnh dạn “đi tắt đón đầu” bằng cách tham khảo, kế thừa đồng thời sáng tạo lựa chọn lối đi cho riêng mình với phương thức thích hợp.
Văn hóa và kiến trúc bản địa có bộ gen cần giải mã, với sự kết hợp ở những tỷ lệ khác nhau của bốn yếu tố cơ bản là địa hình, khí hậu, phong tục tập quán và quan hệ xã hội. Các yếu tố này có thể thay đổi, do vậy cần được bóc tách, định lượng làm cơ sở xác định các giá trị, sao cho sản phẩm cuối cùng – một nền kiến trúc – không mất đi những giá trị cốt lõi và không lạc hậu với thời cuộc. Nhưng thực tế phát triển lại luôn phong phú và biến đổi không ngừng. Các trường hợp khác nhau sẽ dẫn đến sự kết hợp khác nhau của những hợp phần cùng sự gắn kết linh hoạt của các bên tham gia, là tiền đề cho hệ gen thứ hai – phụ trợ cho hệ gen thứ nhất trong kiến trúc.
KTS lãnh trách nhiệm đi trước mở đường, với những ý tưởng xuất phát từ các quan sát và thử nghiệm mô hình trong thực tiễn, qua từng dự án để kiểm chứng tính thích hợp. Ba bên còn lại là NHĐ, NNC và CĐDC cần theo sát KTS và hỗ trợ KTS. Để đóng góp được nhiều nhất cho xã hội, vì mục tiêu nhân văn cao cả, vì hạnh phúc con người, KTS phải tổng kết và chuyển hóa các kiến thức chuyên môn thành mô hình cơ bản, sáng tạo không ngừng ra những biến thể khác nhau theo từng kịch bản phát triển, dựa trên yếu tố “gen” kiến trúc đã xác định. Hướng này chính là lối đi tắt nhằm tiết kiệm thời gian và nhân lực cũng như vật lực của một quốc gia còn đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi như Việt Nam.
Công cụ quan trọng KTS cần trước tiên là pháp lý, trao cho KTS nhiều trách nhiệm hơn, tiếng nói của KTS được lắng nghe, tiếp thu nhiều hơn, từ đó những ý tưởng nhân văn tốt đẹp, các mô hình được tìm tòi, nghiên cứu công phu đi thẳng vào thực tế, phục vụ sự phát triển cộng đồng. Công cụ pháp lý quy định cụ thể cơ chế phối hợp, vai trò, trách nhiệm từng bên. Với thanh “Thượng phương Bảo kiếm” này, KTS có cơ sở thúc đẩy hoạt động xã hội, phá bỏ rào cản, truyền cảm hứng mạnh mẽ, huy động sức mạnh của toàn xã hội để kiến tạo nên một nền kiến trúc mới trong một kỷ nguyên phát triển mới.
KTS. Hoàng Thúc Hào
Phó chủ tịch Hội KTS Việt Nam
PGS.TS. KTS. Nguyễn Quang Minh
Khoa Kiến trúc và Quy hoạch – Trường ĐH Xây Dựng Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2023)
The post Giải mã Gen văn hóa kiến trúc Việt Nam – Kỳ 3 appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/oHYmL83
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét