Với uy tín của mình, KTS lão thành Nguyễn Cao Luyện đã góp phần liên lạc, vận động và là một trong 8 KTS đã tham dự Hội nghị thành lập Hội KTS Việt Nam tại Thản Sơn 75 năm trước. Chúng ta đều đã biết tài năng chuyên môn (kiến trúc) của ông, nên chỉ xin nói thêm về con người ông như một người thầy (sư) – Một Nhà Văn hóa lớn. Điều đáng nói là Tài năng và Đức độ ở ông luôn hòa quyện với nhau, như hai khía cạnh biểu hiện của một Nhân cách nhất quán.
KTS Nguyễn Cao Luyện sinh năm 1907 tại TP Nam Định, trong một gia đình nhà Nho nghèo hiếu học. Cụ thân sinh ông đỗ tú tài và theo nghề dạy học, mang ánh sáng của con chữ đến các làng quê. Tuy là chữ nho, nhưng “văn dĩ tải đạo”, nên khi cụ mất, các học trò xin được giữ mộ phần ở làng để chăm lo hương khói. Bản thân ông học theo Tây học (đầu tiên là ở trường Thành chung, sau đó là trường Mỹ thuật Đông Dương), nhưng luôn thấm nhuần đạo làm người của phương Đông. Chính vì vậy, sau một năm thực tập tại Pháp, được làm việc với các KTS nổi tiếng (A.Perret & Le Corbusier), đã trực tiếp thâm nhập vào cuộc sống của Paris hoa lệ – nhưng ông vẫn trở về với quê hương đang còn là thuộc địa và lạc hậu, với gia đình thân thuộc của mình. Ông xác định không đi làm cho chính quyền thực dân, mà mở văn phòng riêng – Văn phòng kiến trúc đầu tiên của người Việt ở Việt Nam. Có thể nghĩ rằng lúc đó bằng KTS của Đông Dương chưa được hành nghề ở Pháp nên ông không thể ở lại. Nhưng mười mấy năm sau, khi đã có danh tiếng và có cơ hội làm việc ở nước ngoài (tháng 2/1945 chính phủ Pháp đã công nhận bằng cấp) trong khi đất nước lại rơi vào ách phát xít Nhật – thì ông vẫn kiên định với con đường đã chọn, để lại nhà cửa và sự nghiệp riêng để tham gia kháng chiến. Đó là sự quyết định không phải của lý trí, cũng không hẳn là của con tim – mà của một con người luôn nặng lòng với đất nước, với đồng bào.
Chính vì vậy, đối với KTS Nguyễn Cao Luyện cũng như các đồng nghiệp, việc mở văn phòng thiết kế kiến trúc không chỉ là cơ hội để được sử dụng chuyên môn của mình, mà còn để thực hiện sứ mệnh “Hộ dân sinh – Khai dân trí – Chấn dân khí”. Những năm đầu thế kỷ 20, các KTS người Việt là một kiểu nhân cách mới, có tính tích cực trong xã hội Việt Nam. Họ là những trí thức mới, được đào tạo bài bản theo chương trình của trường Mỹ thuật quốc gia Paris, được tiếp xúc với tư tưởng tự do khai phóng của Cách mạng Pháp, đã tiếp thu và truyền bá những thành tựu tiến bộ của văn minh kiến trúc – đô thị phương Tây, nhưng mang ý thức phụng sự xã hội, phục vụ con người. Bên cạnh những biệt thự được xây dựng cho tầng lớp thị dân mới (viên chức, tư sản dân tộc, trí thức Tây học), Văn phòng kiến trúc Nguyễn Cao Luyện – KTS Hoàng Như Tiếp – KTS Nguyễn Gia Đức đã có nhiều bài viết trên báo Ngày Nay để phổ biến kiến thức đến người dân. Đặc biệt là đã phối hợp với Hội Ánh sáng (cũng do báo Ngày Nay khởi xướng) nghiên cứu thiết kế kiểu nhà ở cho người lao động nghèo, đảm bảo điều kiện vệ sinh, chiếu sáng và thông thoáng, bền chắc và rẻ tiền để thay thế những khu nhà ổ chuột tối tăm, tạm bợ. Kiểu “nhà Ánh sáng” này đã được xây dựng một khu làm mẫu ở bãi Phúc Xá, được quan tâm rộng rãi cả trong và ngoài nước. Có thể nói đó là mẫu nhà ở xã hội đầu tiên ở nước ta, đã ra đời từ 90 năm trước, hoàn toàn không có sự chỉ đạo của chính quyền hay đặt hàng của chủ đầu tư – mà là “của người Việt làm cho người Việt”, theo tinh thần tương thân tương ái.
Một trong những công trình công cộng đầu tiên và rất có ý nghĩa của KTS Nguyễn Cao Luyện là trường Thăng Long (Thăng Long học hiệu) ở 20 Ngõ Trạm, Hà Nội (1934). Không chỉ thiết kế, ông còn thay mặt nhà trường đứng ra vay mượn kinh phí để thực hiện, rồi trực tiếp chỉ đạo việc thi công xây dựng. Đó không đơn giản là sự chăm lo cho thiết kế của mình được thực hiện đúng như mong muốn, mà xuất phát từ ý thức trách nhiệm đối với sự nghiệp phát triển văn hóa và giáo dục vì các thế hệ tương lai của dân tộc. Bởi ông cũng là người đồng sáng lập, rồi sau đó lại nhiều năm dạy học ở đây, cùng với các nhà giáo: Hoàng Minh Giám, Đặng Thai Mai, Phan Thanh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Huy Thông, Vũ Đình Hòe,.. ươm mầm nhiều hạt giống nhân tài cho Thủ đô, cho đất nước. Không những thế, ông còn là một trong 8 thành viên sáng lập Hội phát triển giáo dục tư thục (A.D.E.L.) thời kỳ trước Cách mạng – từ hơn nửa thế kỷ trước khi loại hình giáo dục này lại được đưa ra xem xét để vận dụng trong thời kỳ Đổi mới. Còn trường Thăng Long, sau năm 1954 đã trở thành trường công lập, được mở rộng hợp nhất với công trình liền kề ở góc phố Phùng Hưng – Ngõ Trạm. Và đúng là duyên số – vì đó là một bệnh viện tư cũng do KTS Nguyễn Cao Luyện thiết kế cùng thời, nên đã có được sự gắn kết rất hài hòa.
Có thể thấy hầu hết đội ngũ các giáo sư dạy ở trường Thăng Long ngày ấy đều là những tinh hoa của giới trí thức xã hội – nhân văn đương thời, riêng KTS Nguyễn Cao Luyện là đại diện của giới kiến trúc. Và trong một chiều kích khác – là một KTS hành nghề, rồi sau này giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Kiến trúc phụ trách công tác chuyên môn, ông có quan hệ chặt chẽ với các chuyên gia đầu ngành về khoa học – kỹ thuật. Vì thế, nên suốt nửa cuộc đời ông (1946-1987) gắn liền với Đảng xã hội Việt Nam – tổ chức quy tụ giới trí thức yêu nước, theo tư tưởng chủ nghĩa dân tộc và CNXH, đề cao tinh thần “Tự do – Bình đẳng – Bác ái”. Với uy tín lớn trong giới nghề và giới văn nghệ sĩ, ông được bầu là Ủy viên Ban Thường vụ Hội liên hiệp Văn học – Nghệ thuật Việt Nam – thay mặt cho những người làm kiến trúc, dù không phải là Chủ tịch hay Tổng thư ký Hội KTS. Ông còn là ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, và nhiều khóa liền là đại biểu Quốc hội. Dù ở cương vị nào thì KTS Nguyễn Cao Luyện cũng luôn là nhân tố tập hợp và lôi cuốn mọi người vào hoạt động kiến thiết đất nước, phụng sự nhân dân.
Trong công việc, ông yêu cầu cao và nghiêm khắc, nhưng chỉ bảo nhẹ nhàng và chi tiết, khiến ai cũng nể phục và tin tưởng. Nhiều KTS vẫn nhớ về sự kỹ lưỡng và tinh tế của ông trong những lần duyệt bản vẽ/ góp ý phương án. “Cháu tẩy cái nét này đi, rồi vẽ một nét mới ngay bên cạnh nó cho bác”. Ông không hô hào thúc giục theo kiểu những “hạt giống đỏ”/ “ngọn cờ đầu” – mà hiện diện lừng lững trong môi trường chuyên môn như một ngọn núi chi phối không gian, luôn là kim chỉ nam kiên định về tinh thần, là chỗ dựa vững chắc về nghề nghiệp cho các thế hệ KTS. Khung người to cao nhưng phong thái ung dung, nhẹ nhàng, khuôn mặt hiền hậu, với vầng trán cao, đôi mắt và nụ cười tỏa sáng, nói chuyện thì từ tốn, khoan thai – ở ông toát lên vẻ đẹp của văn hóa và tâm hồn, khiến mọi người đều kính trọng. Khi còn công tác, ông đi đâu cũng được bố trí ô tô đưa đón, nhưng mỗi lần đến thăm ai, ông đều cho dừng xe trước một quãng rồi đi bộ đến – để thể hiện sự hòa đồng, bình đẳng về vị thế, tạo nên sự gần gũi, thân thuộc trong quan hệ. Thời đó đang còn chế độ bao cấp, cuộc sống vật chất nhiều khó khăn thiếu thốn, mọi người tuy nghèo nhưng đều coi trọng tình cảm và danh dự – nên cách ứng xử của ông thật là nhân văn và tinh tế.
Tôi vẫn nhớ hồi mình còn bé, đã nhiều lần được theo ông đến chơi nhà Nhiếp ảnh gia Võ An Ninh, Nhà văn Nguyễn Tuân, các Họa sĩ Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Phan Kế An,.. – những người bạn của ông từ thời học ở trường Mỹ thuật Đông Dương. Các vị đều là những văn nghệ sĩ nổi tiếng, rất cá tính (và cả khái tính) đến cực đoan, nhưng khi trò chuyện với KTS Nguyễn Cao Luyện thì lại rất thoải mái và chân tình – vẫn cứ “moa”, “toa”, “me xừ”, cười nói “hồn nhiên như ông tiên” vậy. Riêng với Họa sĩ Tô Ngọc Vân, ông có mối quan hệ rất sâu sắc từ thời cùng học ở trường Mỹ thuật Đông Dương, đến 1946 hai ông cùng nhau ra chiến khu, phối hợp với nhau trong công tác. Họa sĩ Tô Ngọc Vân đã mất trong những ngày kháng chiến cuối cùng, nhưng hai gia đình luôn gắn bó với nhau cả ở nơi sơ tán cũng như khi trở về Hà Nội, vẫn qua lại với nhau thân thiết như người nhà. Gia đình họa sĩ ở 104 Yết Kiêu – là ngôi nhà do KTS Nguyễn Cao Luyện thiết kế.
Luôn trăn trở với vấn đề phát triển văn hóa – giáo dục, KTS Nguyễn Cao Luyện đã trực tiếp tham gia và góp phần không nhỏ trong quá trình phát triển sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực cho ngành kiến trúc Việt Nam ngay từ những năm 1930. Tốt nghiệp đầu bảng khóa 2 và đã tu nghiệp 1 năm ở Pháp tại xưởng của các KTS nổi tiếng, nên ông được trường Mỹ thuật Đông Dương mời tham gia giảng dạy và hướng dẫn đồ án cho nhiều khóa tiếp theo. Khi trường chuyển vào Đà Lạt (1943) rồi giải thể năm 1945 – thì đầu năm 1946, ông đã cùng một số KTS và họa sĩ xin chủ trương mở lại trường tại Hà Nội, đã chuẩn bị mọi việc để khai giảng thì phải dừng do toàn quốc kháng chiến bùng nổ. Một số sinh viên đang học dở dang đã đi theo kháng chiến, sau thời gian làm việc thực tế ở chiến khu đã được tập trung về Tuyên Quang làm đồ án tốt nghiệp để chính thức công nhận ngạch bậc KTS (1952). Trước đó (1950), KTS Nguyễn Cao Luyện đã mở lớp họa viên (sau này là hệ trung cấp kiến trúc) vừa để đáp ứng yêu cầu thiết kế của thời chiến, vừa là lực lượng phục vụ nhu cầu tái thiết ngay khi hòa bình lập lại (1954).
Năm 1956, trường ĐH Bách Khoa Hà Nội đã chiêu sinh khóa đầu tiên có ngành Kiến trúc – nhưng do chưa đủ điều kiện để thực hiện nên phải chuyển đổi sang ngành khác. Đến khi Bộ Kiến trúc thành lập (1958), ở cương vị Thứ trưởng, KTS Nguyễn Cao Luyện đã chỉ đạo tiến hành việc soạn thảo chương trình đào tạo (có tham khảo của các nước) và chuẩn bị đội ngũ giảng viên (gồm các KTS và họa sĩ thế hệ tiền bối trước Cách mạng) một cách bài bản. Trên cơ sở đó, đến năm 1961, Bộ Kiến trúc đã được Chính phủ cho phép mở Lớp đào tạo KTS đầu tiên của Nhà nước Việt Nam độc lập – tiền thân của trường ĐH Kiến trúc Hà Nội ngày nay. Vừa là Thứ trưởng, đồng thời là Trưởng ban lãnh đạo lớp, lại vừa trực tiếp tham gia giảng dạy, KTS Nguyễn Cao Luyện đã hết sức quan tâm, sâu sát và có những đóng góp quan trọng không thể thay thế – trong cả quá trình chuẩn bị, mở lớp, thực hiện và duy trì hoạt động đào tạo kiến trúc, góp phần đưa một chủ trương chiến lược về con người trở thành hiện thực và ngày càng phát triển.
Nhìn lại cuộc đời và sự nghiệp của KTS Nguyễn Cao Luyện, có thể thấy hiển hiện một chân lý như đã được Khổng Tử tổng kết.
“Tam thập nhi lập”: Đến năm 30 tuổi (1937) ông đã lập thân, lập nghiệp, lập gia – trong đó việc mở Văn phòng kiến trúc và hoạt động XH đã đạt nhiều thành quả.
“Tứ thập nhi bất hoặc”: Đến 40 tuổi (1947) đã hiểu biết đủ để không còn nghi hoặc, ông gác sự nghiệp riêng để tham gia kháng chiến, vận động thành lập Hội KTS và đặt nền tảng cho việc đào tạo nghề.
“Ngũ thập tri thiên mệnh”: 50 tuổi (1957) đã nắm được quy luật của tự nhiên và XH, ông giữ các vị trí quản lý nhà nước, lãnh đạo và tổ chức hoạt động đào tạo KTS.
“Lục thập nhi nhĩ hoặc”: 60 tuổi (1967) đã nhìn thấu kiếp nhân sinh, không còn bận tâm việc chướng tai gai mắt – ông chuyển giao dần công tác quản lý, trở lại hoạt động chuyên môn gắn với Hội KTS.
“Thất thập nhi tòng tâm sở dục bất du củ”: Ngoài 70 tuổi (1977) thì có thể tùy ý hành động mà vẫn thuận theo lẽ tự nhiên – nên trong 10 năm cuối đời mình, KTS Nguyễn Cao Luyện đã để lại những tác phẩm nổi tiếng và đặc sắc. Đó là Bảo tàng Cổ vật Nam Định mang tính sáng tạo đột phá, và 2 cuốn sách nhỏ về kiến trúc truyền thống nhưng rút ra những bài học lớn cho đời sau.
Đã có những nhận định về giá trị của Bảo tàng Cổ vật – Như là tác phẩm đầu tiên theo chủ nghĩa Biểu hiện, là kiến trúc đầu tiên theo nghệ thuật sắp đặt ở Việt Nam. Cũng có lý – song đó là những góc nhìn vào yếu tố hình thái / hình thức biểu đạt bên ngoài của tác phẩm, mà chưa đi vào bản chất của nó. Nếu nhìn từ góc độ tác giả, suy nghĩ và hành động theo tinh thần của KTS Nguyễn Cao Luyện – thì công trình này là sự thử nghiệm sáng tạo một lối tư duy mới về phương thức biểu hiện bản sắc dân tộc trong kiến trúc, trên cơ sở phối hợp tính ước lệ và tượng trưng của nghệ thuật dân gian với phép ẩn dụ đa nghĩa của ngôn ngữ thị giác. Bằng cách đó ông đã lồng ghép những ý nghĩa mới mẻ vào các ký hiệu đã quen thuộc của kiến trúc truyền thống, thoát khỏi những thủ pháp đang phổ biến là sao chép, mô phỏng và cách điệu vốn cổ. Gần 50 năm đã trôi qua, nhưng cho đến nay cách nghĩ và cách làm này của ông vẫn còn nguyên giá trị.
Cuối cùng, xin được bổ sung một vài tình tiết để minh họa cho sự “bất du củ” (không vượt quá quy củ – tức là đúng lúc, đúng chỗ, và đúng mực). Ở tuổi ngoài 70, ông vẫn tự tay vẽ minh họa cho cuốn sách “Từ những mái nhà tranh cổ truyền”, vẽ phối cảnh công trình bảo tàng – bằng bút máy trên giấy pelure mỏng, kê lên tấm bìa cứng. Ông bảo phải tự vẽ thì mới đúng với cảm nhận của mình. Còn trong một lần về kiểm tra công tác hoàn thiện, KTS Nguyễn Cao Luyện nghe được mấy câu lục bát của các cô công nhân đang đánh vữa: “Ai qua vườn thú Nam Hà – Mà xem lũ khỉ ở nhà bê tông – Khỉ ơi, khỉ có biết không? – Chúng tao là chủ, nhưng không có nhà”. Hỏi ra thì được biết là thành phố đang chuẩn bị làm vài cái nhà lồng trong khu vực công viên (theo quy hoạch), để nuôi nhốt mấy con khỉ đánh đu cho trẻ con xem. Ý tưởng thì tốt đẹp, nhưng đặt trong bối cảnh đời sống của người dân lao động đang rất khó khăn thì – lại thành to chuyện. Thế là bằng sự mẫn cảm và uy tín của mình, với vai trò là chủ trì kiến trúc, ông đã kịp thời góp ý với đồng chí Bí thư tỉnh ủy nên làm thành những chòi nghỉ lấy chỗ cho các cụ dừng chân, cho các cháu vui chơi. Sau đó hình như người ta đã quyết định bỏ luôn, không làm mấy hạng mục ấy nữa.
Trong tác phẩm cuối cùng viết về chùa Tây Phương, ông đã tổng kết: “Nhưng do tính chất và nội dung công việc, bao giờ kiến trúc cũng cứ là đi trước về sau, gánh vác mọi việc nặng nhọc, thu vén thật chu đáo cho bạn, rồi sau mới nhẩn nha và khiêm tốn toan tính chăm lo việc mình”. Cuốn sách này ông đã trăn trở viết ra từ cuối những năm 1970, đã gửi cho nhà in mấy năm rồi nhưng mãi vẫn chưa đến lượt, phải đến thời kỳ Đổi mới thì mới được xuất bản, vào đúng năm ông mất (1987). Bây giờ đọc những dòng “Để kết thúc” ở cuối sách, thấy ông viết như rút ra từ gan ruột: “Thờ ơ để vốn xưa nghệ thuật kiến trúc dân tộc phải điêu tàn rồi đi đến mất trắng, (thì) không những chúng ta mắc tội với lịch sử, mà rồi lấy gì làm vốn liếng để nghiên cứu mà đạt tới tính nghệ thuật dân tộc cho bộ mặt mới của đất nước sau này (?)”.
Tôi lại nhớ có lần theo ông về Nam Định, được ông dắt đến chùa thăm cụ sư là bạn của ông từ thời còn nhỏ. Sau mấy chục năm, mỗi người một chí hướng, gặp nhau lại chuyện trò đàm đạo, có cả văn thơ – “như chưa hề có cuộc chia ly”. Tôi thắc mắc: Đầu ông vẫn có tóc, sao lại gọi là sư? Ông giải thích: Sư là thầy, cụ sư là thầy truyền dạy đạo lý nhà Phật, ông là thầy truyền nghề kiến trúc. Sau này, khi bản thân mình tốt nghiệp KTS, rồi trở thành giảng viên, tôi càng thấm chữ “Thầy” của ông. Người thầy không phải chỉ truyền dạy những kiến thức và kinh nghiệm mình có (theo kiểu “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”) – mà là người khai mở và dẫn dắt học trò đi đến cùng trên con dường đã chọn. Truyền nghề cũng như truyền đạo – không thể là sự cưỡng ép; hành nghề cũng như hành đạo – Phải là tự giác tự thân. Con người KTS Nguyễn Cao Luyện phản ánh trực quan sinh động mối quan hệ giữa nghề và nghiệp, giữa Đạo và Đời. Và nhân cách của ông mãi là tấm gương cho các thế hệ chúng ta soi chiếu.
KTS Nguyễn Trí Thành
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2023)
The post KTS Nguyễn Cao Luyện: Một nhân cách lớn appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/zqMXPUC
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét