Thứ Tư, 31 tháng 5, 2023

Quận Long Biên, Đất và Người

Mới đây, UBND quận Long Biên đã phối hợp với Tạp chí Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam tổ chức phát động Cuộc thi Sáng tác Biểu trưng (logo) quận Long Biên – TP Hà Nội. Tôi xin có vài lời về truyền thống Đất và Người Long Biên, ngõ hầu bổ ích phần nào cho các nghệ sĩ, KTS ứng thí – Khi họ sáng tạo hình tượng nghệ thuật biểu trưng cho quận Long Biên.

Nghi lễ phát động Cuộc thi sáng tác biểu trưng quận Long Biên

1. Thành Long Biên

Thành Long Biên (xây dựng thế kỷ III – thế kỷ IV) ban đầu do Lục Dẫn (người thời Tam Quốc, bên nước Tàu) sau tiếp đến Chu Diên, Đào Hoàng xây dựng. Do là cuối đời Đông Hán trị sở thái thú Giao Châu dời về đất Hoà Long, huyện Yên Phong (nay thuộc TP Bắc Ninh) nên xây thành Long Biên ở đó. Thành còn tên gọi khác là Long Uyên, vì khi xây dựng có con rồng hiện về nằm uốn khúc bên bờ sông. Thành Long Biên nằm sát đê sông Cầu, lãnh thổ 112,5 ha. Thành nội là một ốc đảo hình tròn diện tích 50 ha. Hào nước bao quanh chỗ rộng nhất 147m, chỗ hẹp nhất cũng hơn 100m. Chu vi hào nước 3.340m, bên ngoài hào đắp con đường dài 3.865m. Có thể còn một ngôi thành nữa nhưng mang tên Long Thành do Đỗ Tuệ Độ xây dựng cũng nằm ở phía Đông phủ Giao Châu, nhưng gần về phía Hà Nội hơn? Theo sử sách, năm 541 Lý Nam Việt Đế từng đóng đô tại đó một thời gian ngắn, nhưng ngài sớm xây dựng kinh đô mới Vạn Xuân trên vùng đất hữu ngạn sông Hồng, cận cửa sông Tô Lịch, nội thành Hà Nội ngày nay. Nhưng dù gần xa trung tâm Hà Nội thế nào thì ở thời Lý đất Long Biên mặc nhiên thuộc phủ Thiên Đức bên tả ngạn sông Hồng – hành đô; còn kinh đô Thăng Long thuộc phủ Phụng Thiên bên hữu ngạn sông Hồng – kinh đô. Thành thử, ngày nay Long Biên là một quận của Hà Nội, kể cũng không vượt quá quy hoạch “tầm nhìn nghìn năm” của đức Thái Tổ nhà Lý.

2. Đại bản doanh Bồ Đề

Tháng Giêng năm 1427, Lê Lợi quyết định chuyển đại bản doanh từ Tây Phù Liệt (nay thuộc xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì) lên bến Bồ Đề (nay thuộc phường Bồ Đề, quận Long Biên) để tiện chỉ huy chiến dịch vây hãm thành Đông Quan. Lê Lợi cho dựng lầu nhiều tầng và hằng ngày, ông lên tầng cao nhất quan sát địch tình. Tầng dưới, Nguyễn Trãi soạn thảo thư từ, chiếu biểu cho Lê Lợi dụ Vương Thông ra hàng. Nguyễn Trãi còn soạn bài văn cho Hội thề ở phía Nam thành Đông Quan khi giặc Minh do Vương Thông thống lĩnh từ trong thành ra hàng không điều kiện, dập đầu thề thốt đến tháng Chạp năm Đinh Mùi (1427) sẽ kéo quân về nước. Đến nay, nhân dân Bồ Đề còn lưu truyền câu ca: “Giặc sang thì giặc phải về / Giặc đến Bồ Đề thì giặc phải tan”. Cũng tại Bồ Đề, theo “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn, Lê Lợi cho mở khoa thi đầu tiên với đề bài “Hiểu dụ thành Đông Quan”. Đào Công Soạn, người Hưng Yên, đỗ đầu. Tháng 3-1428, tại dinh Bồ Đề, Lê Lợi hội họp bách thần, định công ban thưởng, Rằm tháng Tư năm ấy thiên di sang Đông Quan làm lễ đăng quang, ban “Cáo bình Ngô”, chọn niên hiệu Thuận Thiên, lấy lại quốc hiệu Đại Việt, đổi tên Đông Quan thành Đông Kinh.

3. Cầu Long Biên (Tên ban đầu là cầu Paul Doumer) – Phố Trần Nhật Duật, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm – Hà Nội (Xd 1898 – 1902) – hãng Daydé & Pillé thiết kế thi công

Sau ngày nhậm chức, Toàn quyền Paul Doumer cho xây một cây cầu bắc qua sông Hồng dài 1.600m. Nhiều ý kiến cho rằng ý tưởng này điên rồ và không thể thực hiện được. Tuy nhiên, lễ khởi công vẫn diễn ra ngày 12/09/1898 với sự hiện diện của Paul Doumer và các quan chức cao cấp Pháp, Việt. Cầu làm theo phương án B, dài 1.682m. Sau này P. Doumer hồi tưởng: “Khi ấy có một công trình mà sự cần thiết xuất hiện ngay trong trí óc tôi, đó là việc xây dựng một chiếc cầu lớn vắt qua sông Hồng, đối diện với Hà Nội… TP bị ngăn cách với những tỉnh ở bên tả ngạn bởi một mặt sông rộng đến 1.700m. Việc qua sông luôn luôn là việc khó khăn và tốn tiền, đôi khi còn nguy hiểm nữa… Cái ích lợi của sự xây dựng một cây cầu ở Hà Nội không còn là một điều phân vân gì nữa… Đây không phải là chuyện hoàn thành một công trình tầm thường, vừa bởi tầm quan trọng thực sự của nó, lại vừa bởi những khó khăn mà nó phải khắc phục, vượt qua. Nó xứng đáng thu hút sự chú ý của hoàn cầu… Đây là một trong những cây cầu lớn của thế giới và là một công trình đáng kể nhất, nổi bật nhất từ trước cho đến nay ở Viễn Đông… Phần công trình mà sự xây dựng phải đương đầu với những khó khăn to lớn chưa từng có ở một xứ sở như xứ Bắc Kỳ: Khí hậu khắc nghiệt với nhiều bất thường ác liệt, bao gồm toàn bộ những mố đá, những trụ xây giữa lòng sông, mà nền móng được làm bằng khí nén, đặt sâu trung bình đến 32m kể từ mặt nước thấp nhất của mùa khô… Khi tôi (Paul Doumer) đặt viên đá đầu tiên của cầu Hà Nội… nhiều người đã hoài nghi và không tin rằng công trình thực hiện được. Xây một cái cầu trên sông Hồng? Rõ thật điên rồ! Một con sông rộng như eo biển, sâu đến 20m nước, mà mặt nước còn dâng cao thêm 8m nữa trong mùa mưa, lòng sông lại luôn luôn chuyển đổi, lở bên này, bồi bên kia, một con sông như thế thì làm sao chế ngự nổi để bắc được một cây cầu dựng trên mặt nước hung dữ bất kham.” (Hồi ký Paul Doumer, TC Xưa & Nay tháng 1/1997, các trang 38,39,40). Nhân đây nói, việc xây dựng cầu Long Biên cũng như hệ thống đường Hoả xa Đông dương đã khiến cho các quan chức bộ thuộc địa Pháp gọi Toàn quyền Paul Doumer là “người theo chủ nghĩa đường sắt”.

Cảnh quan Quận Long Biên (Nguồn Internet)
Cảnh quan Quận Long Biên (Nguồn Internet)

Nhà cầm quyền Bảo hộ đã cho tổ chức đấu thầu. Vượt qua 6 hãng, Daydé & Pille trúng phần thiết kế thi công cầu chính, Nha công chính Đông Dương thì trúng phần xây dựng hai đoạn cầu dẫn Bắc, Nam. Cầu Long Biên nối đôi bờ sông Hồng bằng 19 dàn thép giằng kiểu cantilever, gác trên 20 trụ và mố cầu bê tông. Phải huy động gần 40 giám đốc, kỹ sư, chuyên gia, đốc công người Pháp, hơn 3.000 công nhân người Việt. Công trình sử dụng 30.000m³ đá, 6.000 tấn kim loại. Trong đó, thép cán 5.600 tấn, sắt và thép đã rèn 165 tấn, gang 137 tấn; tôn 86 tấn; 5 tấn thép đúc và 7 tấn chì. Về chiều dài của cầu: Phần vắt qua hai bờ sông Hồng là 1.682m có đường sắt đơn ở giữa chung tuyến đường bộ. Nhưng, đầu cầu đằng Hà Nội còn nối tiếp với cầu cạn, kết cấu vòm liên hoàn dài 800m (phần này chỉ có đường sắt) băng qua nhiều đường phố nội thành. Nếu cộng cả cầu vượt sông và cầu cạn thì dài gần 2.500m. Khởi công ngày 12/9/1898, đến 3/2/1902 thì hợp long thành công. Những người thợ Việt Nam xây trụ dưới sự chỉ huy của đốc công Pháp, lúc đầu làm việc trong không khí tự nhiên, ngồi trong những két sắt chìm xuống nước như tàu lặn. Đến khi làm việc dưới nước thì chui vào vùng khí nén đào xới đất đáy sông, đắp trụ đá… căn buồng thép ấy xuống sâu đến 20m, rồi 30m với áp lực 3 atmotsphere, cuối cùng tới độ sâu 33m nơi công việc khó nhọc đến kinh khủng. Việc xây dựng cầu được thực hiện với sức mạnh của nhiều phương tiện và những cố gắng liên tục. Theo đà của những trụ vừa xây xong, các dầm thép đưa từ Pháp sang được lắp đặt ngay sau đó. Ba năm sau ngày khởi công, chiếc cầu khổng lồ hoàn thành, dàn khung sắt thực là vĩ đại, chiều dài tưởng như vô biên. Nhưng từ phía sông mà nhìn lên nó lại chỉ như một mạng lưới đăng ten giăng mắc lên vòm trời. Cái mạng đăng ten thép ấy ngốn hết 6.200.000 đồng francs. Đúng 8h30 ngày 28/2/1902, một chuyến tàu khởi hành từ ga Hàng Cỏ đưa vua Thành Thái và Toàn quyền Paul Duomer cùng bộ sậu tuỳ tùng tới đầu cầu để cắt băng khánh thành cây cầu sắt lớn nhất Đông Dương, mà bấy giờ được cho là xếp hàng thứ hai trên thế giới sau Brooklin của Mỹ. Trong diễn văn Khánh thành cầu Long Biên, Kinh lược sứ Bắc kỳ Nguyễn Trọng Hợp ca ngợi: “Cây cầu như con rồng xanh bắc ngang dòng nước, như dải cầu vồng đỡ lấy bầu trời. Ngắm nhìn mà hoa cả mắt, không thể kể xiết được. Từ đó nhân dân qua lại không còn cản trở, bách vật thông thương không còn xa cách; như sự vận động của một thể thống nhất đem lại cái lợi lớn vậy.” Năm 1922, Pháp nâng cấp mở rộng cầu: Làm hẳn đường riêng cho xe cơ giới và xe thô sơ hai bên đường sắt; lại thêm vỉa hè nhỏ bên mép đường bộ dành cho khách bộ hành, đến năm 1925 thì xong.

4. Quận Long Biên

Tương truyền, ngay cạnh một bến bên tả ngạn sông Hồng có hai cây bồ đề lớn, cao tới mấy chục mét, bóng tỏa rợp cả bên này. Vì thế, từ thời Lý, Bồ Đề đã trở thành tên gọi chính thức của bến sông này. Còn cách hữu ngạn không xa, ngay bên hồ Hoàn Kiếm có tháp Báo Thiên cao ngất nên các thầy phong thủy cho rằng hai cây Bồ Đề và tháp Báo Thiên đối xứng nhau thì dù thăng trầm, Thăng Long ngàn đời vẫn là mảnh đất thiêng. Qua các triều đại phong kiến và cho đến đầu thế kỷ 19, đất Bồ Đề được đổi tên thành Lâm Hạ Ái Mộ và Lâm Hạ Phú Hựu, sau đó lại đổi thành Phú Viên, nay thuộc phường Bồ Đề, quận Long Biên. Quận này được thành lập ngày 6 / 11 / 2003).

*Nguồn tài liệu: 1) Hoàng Anh – Ngọc Nhàn (Trung tâm lưu trữ Quốc gia I). bài Lịch sử đường sắt Đông Dương qua tài liệu lưu trữ, archives.gov.vn; 2) Hồi ký Paul Doumer, TC Xưa & Nay tháng 1/1997 (phần trích đăng tại các trang 38,39,40); 3) Sách Dư địa chí Bắc Ninh; 4) Tuyengiao.vn/thanglonghanoi.

Đoàn Khắc Tình
© Tạp chí Kiến trúc

Cuộc thi sáng tác biểu trưng quận Long Biên do UBND quận Long Biên tổ chức với mong muốn giới thiệu hình ảnh Quận Long Biên với sức sống mới trẻ trung, năng động và tiến bộ; đồng thời, tìm kiếm hình ảnh biểu trưng thể hiện rõ nét về những giá trị lịch sử – văn hóa của Quận, góp phần gìn giữ và phát huy những tiềm năng đóng góp vào sự phát triển của Quận Long Biên thời kỳ mới, gắn với chiến lược phát triển du lịch sông Hồng, sông Đuống… Cuộc thi hướng tới các đối tượng là cá nhân và tổ chức thực hành sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế nói chung và thương hiệu và truyền thông nói riêng.Thông tin Cuộc thi xem tại: https://www.tapchikientruc.com.vn/cuoc-thi/quy-che-cuoc-thi-sang-tac-bieu-trung-quan-long-bien.html

 

The post Quận Long Biên, Đất và Người appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/a08pnN1
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét