Thứ Sáu, 5 tháng 5, 2023

Những giá trị kiến trúc các công trình công cộng tại Hà Nội giai đoạn 1975-1986

Trong lịch sử phát triển của Kiến trúc Việt Nam nói chung và thủ đô Hà Nội nói riêng, giai đoạn từ 1975 đến 1986 là thời kỳ rất thú vị, rất nhiều công trình công cộng được xây dựng – Tuy giá trị về Lịch sử, Văn hóa, Kiến trúc có thể chưa đạt tới tầm cao để có thể được công nhận là di sản nhưng những yếu tố đặc trưng cho thời đại lại rất đáng lưu tâm. Và quan trọng hơn, giá trị về Tinh thần lại không hề nhỏ. Các công trình công cộng thời kỳ này tới nay vẫn còn rất tốt, khai thác đúng theo công năng thiết kế, nhưng đang đứng trước sức ép cải tạo do giá đất vị trí đã tăng rất cao, bên cạnh việc lạc hậu của công năng sử dụng. Nhiều công trình đã bị phá bỏ để xây mới, tuy mang lại hiệu quả kinh tế tốt hơn nhiều (nếu so sánh với giá trị vị trí trong đô thị), nhưng giá trị lịch sử thì mãi mãi mất đi. Điều này sẽ làm cho Hà Nội trở nên lạc lõng và mất phương hướng về đặc trưng văn hóa trong chính lịch sử của mình. Chúng ta cần có một khung đánh giá khách quan về giá trị kiến trúc các công trình công cộng ở Hà Nội giai đoạn 1975-1986, để có được một cái nhìn tổng thể về các mặt văn hóa, lịch sử, kinh tế và xã hội, nhằm đưa ra các định hướng bảo tồn, tái phát triển một cách đúng đắn, giải quyết bài toán về không gian công cộng của thủ đô.

Hình 1. Quy hoạch Hà Nội qua các giai đoạn phát triển – (Nguồn: GS.TS.KTS Nguyễn Việt Châu – “Bảo tồn, trùng tu di sản kiến trúc thế giới lý luận và thực tiễn” – Tạp chí Kiến trúc)

Bối cảnh phát triển

Đây là giai đoạn phát triển sau chiến tranh với các mục tiêu kinh tế mang tính quy mô lớn. Nguồn lực viện trợ nước ngoài bắt đầu bị hạn chế, tuy nhiên, trong lĩnh vực kiến trúc bắt đầu có sự tham gia của thế hệ KTS được đào tạo bài bản ở nước ngoài. Họ tiếp tục khai thác phong cách kiến trúc Hiện đại kiểu Xô Viết, thậm chí còn mạnh mẽ hơn với các công trình cao tầng đầu tiên của Hà Nội. Các công trình ở giai đoạn này thậm chí bắt đầu có tính trang trí dựa trên các yếu tố công năng vốn có, hoặc ngược lại là tối giản các yếu tố trang trí để tập trung vào công năng. Tiêu biểu là Cung Thiếu Nhi Hà Nội hay Khách sạn Thăng Long, nay là Khách sạn Hà Nội. Nhưng như đã nói ở trên, đây là giai đoạn khó khăn kinh tế bắt đầu bộc lộ khi các nguồn viện trợ không còn dồi dào như trước. Các công trình kiến trúc được thực hiện với tiêu chí “Đẹp trong điều kiện có thể” trong khi cơ cấu tổ chức không gian bắt đầu bộc lộ sự thiếu linh hoạt khi cứng nhắc áp dụng các modul nhịp vượt phổ thông thường thấy với kết cấu bê tông cốt thép. Giai đoạn này cũng cho thấy ý chí mạnh mẽ của một thế hệ KTS khi vượt qua khó khăn về kinh tế để hướng tới những công trình có tính “hoành tráng”, bề thế, phù hợp với vị thế của “người chiến thắng”. Đó cũng chính là một trong những giá trị nổi bật, có tính đặc thù cao của các công trình công cộng giai đoạn này ở Hà Nội.

  • Các công trình công cộng được xây dựng với tinh thần ý chí cao, phục vụ cho công cuộc xây dựng XHCN và tinh thần tập thể vượt trội;
  • Các loại hình công trình công cộng chủ yếu được xây dựng ở Hà Nội giai đoạn này là công sở, bệnh viện, trường học, phục vụ cho nhu cầu xã hội thiết yếu, các công trình thương mại, dịch vụ công cộng;
  • Dấu ấn của KTS trong nước rất mạnh mẽ, loại hình công trình công cộng đa dạng, phong phú hơn nhiều so với các giai đoạn trước. [3]

Trong lĩnh vực công trình công cộng, bên cạnh một số dự án cải tạo, Hà Nội đã tập trung xây dựng một số loại hình, chủ yếu là trụ sở, trường học, học viện trong giai đoạn đầu (1960 – 1965), và sang đến giai đoạn hậu chiến đến trước Đổi Mới (1976 – 1986), các công trình công cộng đã đa dạng hơn về thể loại, có thêm nhà văn hóa, bệnh viện, khách sạn, … và ảnh hưởng của kiến trúc Xô Viết cũng lớn hơn. Vào khoảng những năm 1975 trở đi, các công trình công cộng được giữ lại khá nguyên vẹn, với tuổi thọ mong muốn còn khá dài. Khả năng đáp ứng cho việc tái phát triển để sử dụng thích ứng các công trình này phù hợp với nhu cầu khai thác mới được cho là hiệu quả, nhất là khi giá trị tinh thần của các công trình công cộng thuộc giai đoạn 1975-1986 được cho là kết tinh cho cả thời kỳ kiến trúc Hiện đại nhiệt đới hóa, rất đáng gìn giữ và phát huy giá trị.

Những giá trị kiến trúc của các công trình công cộng tại Hà Nội giai đoạn 1975-1986

Giá trị kiến trúc của từng giai đoạn khác nhau trong lịch sử kiến trúc Việt Nam được thể hiện khá rõ nét. Ở giai đoạn 1975-1986, các giá trị này được thể hiện ở cả yếu tố vật chất và tinh thần.

BẢNG 1. Các KTS thiết kế công trình công cộng giai đoạn 1975-1986

1. Giá trị cộng đồng

Đối với yếu tố tinh thần, các công trình thời kỳ này là sự “Tìm đến với cộng đồng” – Thay vì trước đây, các công trình công cộng vốn chỉ dành cho số ít đối tượng sử dụng. Không phải tự nhiên mà khi nói đến cụm từ “Kiến trúc Bao cấp”, không ít người từng sống qua thời kỳ này đều nói rằng họ gắn bó chặt chẽ với những công trình công cộng xây dựng vào thời điểm đó như Cung Thiếu nhi, Cung Văn hóa Lao động Việt Xô, Bưu điện Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, một loạt các trường học các cấp… Giá trị của các công trình này nổi bật ở tính lưu giữ ký ức như vậy. Có thể thấy rõ giá trị kiến trúc của các công trình giai đoạn này phản ánh được hình ảnh của lịch sử dân tộc. Sau cuộc chiến trường kỳ, người chiến thắng muốn rũ bỏ quá khứ để nhanh chóng tái phát triển kinh tế xã hội một cách tự cường, cùng với sự giúp đỡ của các nguồn lực bên ngoài nên sớm tiếp nhận các giá trị kiến trúc hiện đại, chối bỏ các hình thức kiến trúc thuộc địa, phong kiến xưa cũ nhưng cũng có chọn lọc để hình thành dần dần một phong cách kiến trúc mang bản sắc văn hóa và tự nhiên thú vị.

Các công trình công cộng dành cho số đông sử dụng nên dù bằng cách nào, cũng đều mang một thông điệp chứa đựng tinh thần tập thể ở chính thời điểm xây dựng. Dù tinh thần ấy được đánh giá ra sao, cũng trở thành giá trị phi vật thể của đô thị mà không có bất kỳ một yếu tố cấu thành không gian đô thị nào khác có thể truyền tải rõ ràng hơn. Việc tái phát triển các công trình công cộng này chính là để lưu giữ các giá trị tinh thần mang tính thời điểm đó, để biến thành những “câu chuyện lịch sử của đô thị”. Điều này chỉ có ở những đô thị có quá trình phát triển lâu năm, lịch sử dày dặn. Các công trình công cộng giai đoạn 1975-1986 có giá trị tinh thần hết sức to lớn, mang tính đặc thù cao, bởi các lý do sau đây:

  • Đây là thời kỳ các công trình công cộng ở Hà Nội được xây dựng để phục vụ cho nhu cầu của số đông dân chúng, không phải chỉ phục vụ cho một cộng đồng nhỏ như thời Pháp thuộc. Lần đầu tiên người dân đô thị có những không gian công cộng của mình và vì mình, khiến họ trở nên gắn bó và khai thác triệt để với đúng vai trò của người chủ sử dụng;
  • Đặc biệt, giai đoạn sau 1975 với tinh thần làm chủ và lạc quan chiến thắng khiến các công trình công cộng được xây dựng ở Thủ đô phải mang tính biểu tượng mạnh mẽ, gợi nhớ tới tinh thần dân tộc đặc biệt ở thời điểm này. Trước đó và sau này không còn điều kiện thấy lại được tinh thần đó nữa;
  • Thời kỳ này cũng đánh dấu sự tự lực của nền công nghiệp xây dựng non trẻ, khi nguồn vốn tài trợ và sự giúp đỡ của nước ngoài dần rút đi. Quá trình chung tay khắc phục khó khăn, hoàn thành công việc với tinh thần tự nguyện tập thể cao đã thổi hồn vào các công trình kiến trúc khiến chúng trở thành tài sản tinh thần chung của cả một thế hệ.

2. Giá trị về tác giả

Trước thời kỳ 1954, các công trình kiến trúc công cộng đều do người Pháp thực hiện, để phục vụ nhu cầu của người Pháp. Nhìn xa hơn, các công trình công cộng đều được thực hiện với kinh nghiệm thiết kế của cộng đồng, theo thói quen mà không phải là sản phẩm sáng tạo của cá nhân nào. Thời kỳ 1954-1986 ở Hà Nội đánh dấu sự ra đời của những công trình kiến trúc do người Việt thực hiện, phục vụ nhu cầu của người dân. Do đó mặc dù các tác giả này chưa trở thành danh nhân hay được tôn vinh một cách rộng rãi, họ cũng thực sự trở thành những người đầu tiên thiết kế những công trình công cộng phục vụ cho nhu cầu của tập thể, một đối tượng đông đảo trước đây chưa hề được quan tâm nhưng ở thời điểm đó lại là động lực của xã hội. Các tác phẩm kiến trúc của họ là đại diện cho một thời kỳ đánh dấu sự tự lực và tinh thần lạc quan chiến thắng mà sau này rất khó có thể lặp lại.

Giai đoạn 1975-1986 đánh dấu một thời kỳ các KTS trong nước khẳng định được vai trò của mình trong công tác thiết kế. Đây cũng là giai đoạn các KTS tỏ rõ quan điểm thoát ly khỏi các lối mòn tư duy cũ, hướng tới kiến trúc Hiện đại, mạnh dạn sử dụng vật liệu mới và các cấu trúc không gian mới. Nhiều tác giả ở giai đoạn này hiện nay đã trở nên nổi tiếng. Cũng cần lưu ý hiện nay vai trò của KTS trong đời sống văn hóa, xã hội của cộng đồng đã được nâng cao đáng kể. Nếu như trước đây các đóng góp của KTS chỉ được nhìn nhận ở góc độ cá nhân của chủ đầu tư thì giờ đây đã nhận được sự quan tâm của cả cộng đồng. Các đóng góp của họ, thông qua công trình của mình, đã ảnh hưởng tới cả không gian đô thị và gián tiếp tới cuộc sống của cả cộng đồng thay vì chỉ một vài cá nhân chủ đầu tư nhỏ lẻ. Việc nhiều KTS được tôn vinh như những nhân vật có ảnh hưởng lớn, được đặt tên cho các đường phố ở Hà Nội đã minh chứng cho thay đổi đó như KTS Ngô Huy Quỳnh, KTS Ngô Viết Thụ hay KTS Nguyễn Cao Luyện. Đây cũng là những KTS mà tác phẩm của họ thuộc giai đoạn Kiến trúc Hiện đại giai đoạn 1954-1986.

Bên cạnh đó giai đoạn này cũng xuất hiện nhiều công trình công cộng do chuyên gia nước ngoài thực hiện. Đến từ nhiều quốc gia khác nhau, có nền văn hóa, sự phát triển kinh tế khác nhau, có lăng kính cảm thụ văn hóa địa phương khác nhau, các chuyên gia từ Trung Quốc, Liên Xô, Cu Ba, Thụy Điển, Triều Tiên…đóng góp cho Hà Nội những công trình công cộng phản ánh giá trị văn hóa bản địa một cách đa dạng. Ví dụ như các công trình của Liên Xô luôn đề cao tính hoành tráng với các chi tiết trang trí lớn (Bảo tàng Hồ Chí Minh, Cung Văn hóa hữu nghị Việt – Xô) trong khi của Pháp lại đề cao sự hòa nhập với bối cảnh tự nhiên của công trình (Khoa Pháp – Đại học Sư phạm Ngoại ngữ trước đây). Những công trình này mang tính biểu tượng rất lớn, tuy có nhiều công trình không có cụ thể tên tác giả nhưng lại như một sự phản ánh trong tương quan với các tác giả trong nước, để thấy rõ sự tiệm cận với kiến trúc thế giới của KTS Việt Nam ở thời kỳ này.

Không ảnh một số công trình công cộng giai đoạn 1975-1986 cho thấy vị trí các công trình này đều nằm ở trung tâm dân cư, có mật độ xây dựng cao, áp mặt đường lớn hoặc công viên, hồ lớn, sở hữu điểm nhìn tốt (Nguồn: Tác giả)

3. Giá trị về kiến trúc

Đối với yếu tố vật chất, đây là thời kỳ các công trình được xây dựng phổ biến với kết cấu bằng vật liệu bê tông cốt thép, nhiều công trình còn áp dụng công nghệ bê tông cốt thép lắp ghép hiện đại ở thời điểm bấy giờ. Điều này mang lại cho các công trình một diện mạo hoàn toàn mới, vuông vức, gọn gàng, giảm các chi tiết trang trí mang tính mỹ thuật, điêu khắc như thường thấy trong kiến trúc Thuộc địa mà sử dụng các chi tiết cấu tạo nhiệt đới hóa làm trang trí khá hiệu quả. Đây cũng là thời kỳ khó khăn về kinh tế, trong khi nhu cầu sử dụng công trình công cộng lại rất cao do phụ thuộc vào nền kinh tế kế hoạch. Vì vậy mà các công trình được thiết kế chú trọng tính hiệu quả trong công năng, tận dụng tối đa thông gió và chiếu sáng tự nhiên nhằm giảm thiểu chi phí vận hành, khai thác. Có thể nói ở góc độ nhất định, tính “Bản sắc” đã được bộc lộ rõ nét.

Đây là giá trị mang tính lịch sử quan trọng, giúp cho các công trình công cộng trở nên “cuốn sử bằng gạch và bê tông” của sự phát triển đô thị. Mỗi một thời kỳ phát triển, nhu cầu xã hội, sự phát triển của văn hóa, kinh tế đều được bộc lộ rất rõ ràng ở các công trình công cộng, cụ thể là ở loại hình công trình và hình thức kiến trúc. Lưu giữ lại được các công trình này sẽ giúp không gian đô thị có được chiều sâu thời gian bên cạnh chiều rộng không gian vốn dĩ luôn được mở rộng. Giai đoạn 1975-1986, khi có sự tham gia của các KTS được đào tạo trong nước cũng như nước ngoài, cũng như bắt đầu có sự trải nghiệm kiến trúc sau hơn chục năm phát triển, các công trình công cộng bắt đầu có những hình hài mới có tính trang trí bắt nguồn từ công năng, uyển chuyển và gần gũi hơn, công năng cũng bắt đầu đa dạng hơn với nhiều loại hình công trình công cộng mới. Đặc biệt là vai trò của KTS trong nước ngày càng trở nên quan trọng.

Nếu như ở giai đoạn đầu, phong cách kiến trúc còn bị ít nhiều ảnh hưởng bởi tư duy cũ, giai đoạn sau bị ảnh hưởng mạnh mẽ của kiến trúc Xô Viết thì giai đoạn 1975 – 1986 đã bộc lộ phong cách kiến trúc khá rõ nét của một nền kiến trúc Hiện đại Nhiệt đới hóa. Đoạn tuyệt với quá khứ kiến trúc thực dân, kết hợp giữa kiến trúc truyền thống với kiến trúc hiện đại mang tính khoa học đã làm nên các công trình kiến trúc thời kỳ này, rất đặc thù, độc đáo mà sau này khó có thể thấy lại. Phong cách kiến trúc của thời kỳ này được nhiều tác giả nghiên cứu gọi là Kiến trúc Hiện đại Nhiệt đới hóa, hay Kiến trúc Hiện đại theo chủ nghĩa Bản địa hóa (mel Schenck), chỉ hiện diện ở một số quốc gia nhất định vì nhiều lý do chủ quan và khách quan, có điều kiện tương tự như Việt Nam như Brazil hay Ấn Độ. Những giá trị này được các nhà nghiên cứu đánh giá rất cao, đến mức coi Việt Nam là một trong những trung tâm của kiến trúc Hiện đại được Bản địa hóa với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là những nơi tập trung nhiều công trình nhất. Các giá trị này sẽ được xem xét cụ thể ở phần sau này.

Không ảnh một số công trình công cộng giai đoạn 1975-1986 cho thấy vị trí các công trình này đều nằm ở trung tâm dân cư, có mật độ xây dựng cao, áp mặt đường lớn hoặc công viên, hồ lớn sở hữu điểm nhìn tốt (Nguồn: Tác giả)

4. Giá trị về quy hoạch và vị trí

Các công trình công cộng giai đoạn này đều nằm trong quy hoạch rất bài bản được Liên Xô và Trung Quốc hỗ trợ thiết lập, với sự tính toán chặt chẽ về quy mô và bán kính phục vụ. Ở thời kỳ đầu các công trình công cộng nằm ngoài khu vực phố cổ nhưng không quá xa, bảo đảm bán kính phục vụ và cũng bảo đảm việc hoạt động thông suốt của các công trình này. Thời kỳ sau, các công trình công cộng tách dần khỏi khu phố cổ và phố cũ, có mối quan hệ chặt chẽ với khu ở được quy hoạch mới, đóng vai trò trung tâm quy hoạch mới rất quan trọng. Đến thời kỳ sau cùng, các công trình có vị trí thuận lợi trên trục phố, nhiều công trình còn là điểm nhấn thị giác cho trục phố. Các công trình công cộng thuộc giai đoạn 1975-1986 đều có quy hoạch vị trí đắt giá ở thời điểm hiện tại nhưng lại không ảnh hưởng gì tới khu phố cũ, phố cổ chính là yếu tố quan trọng về pháp lý cho công tác tái phát triển sau này, là lý do quan trọng về kinh tế, nếu xét tới việc hiệu quả hóa khai thác giá trị đất đai và còn là tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá tính bền vững, giảm thiểu ô nhiễm khi quyết định tái phát triển thay vì phá bỏ xây mới các công trình này.

Theo Báo cáo nghiên cứu khoa học của Sở Quy hoạch và Kiến trúc, có thể thấy các công trình công cộng xây dựng giai đoạn 1975-1986 được phân bố khá đều, tập trung trong khu vực 4 quận nội thành cũ, là khu vực có quy hoạch tương đối ổn định. Chính vì thế mà giá trị đất đai luôn tăng đều theo từng năm. Khác với khu vực quanh khu phố cổ, nơi mật độ xây dựng đã đậm đặc và việc xây dựng công trình mới hoặc ngay cả cải tạo cũng vấp phải quá nhiều vấn đề về pháp lý, khu vực quy hoạch của các công trình công cộng nằm ở vòng ngoài, giáp với phạm vi mở rộng của Hà Nội sau năm 1986. Đây là khu vực được hưởng lợi rất nhiều khi các khu đô thị mới sau này được đầu tư, trở thành cầu nối quan trọng giữa khu cũ và khu mới và cũng chính là phạm vi sau này sẽ trở thành khu vực cần lưu giữ các công trình mang hơi thở của thời đại xây dựng nên.

Kết luận

Ở thời điểm hiện tại, các công trình kiến trúc công cộng giai đoạn 1975-1986 gần như không còn giữ được nguyên trạng, ngoại trừ một số công trình trọng điểm cấp Quốc gia đã được xác định giá trị như Bảo tàng Hồ Chí Minh. Thậm chí nhiều công trình có giá trị như Bưu điện Hà Nội hay Cung Văn hóa thiếu Nhi Hà Nội cũng vẫn đứng trước sự xâm hại dần dần, trước mắt là từ những yếu tố “có vẻ vô hại” như bảng biển quảng cáo không cố định hoặc từ những đợt “làm mới” lặt vặt nhưng rất thiếu cân nhắc. Sự mất đi giá trị nguyên bản này là thiệt hại lớn đối với mục đích mong muốn đưa các công trình công cộng giai đoạn 1975-1986 trở thành di sản kiến trúc. Đứng trước sức ép này, việc nhận thức một cách đúng đắn những giá trị về kiến trúc của các công trình trong giai đoạn này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra những giải pháp phát triển đúng đắn để những công trình này trở thành di sản kiến trúc của đô thị hiện đại.

ThS. KTS Nguyễn Đức Vinh
Khoa Kiến trúc và Quy hoạch – ĐH Xây dựng Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2023)


Tài liệu tham khảo
1. Bộ Văn hóa Thông tin (2001), Luật Di sản văn hóa, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.
2. Bộ Xây Dựng (1998), Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam, NXB Xây dựng, Hà Nội.
3. Bộ Xây Dựng (2019), Luật Kiến trúc, NXB Xây dựng, Hà Nội.
4. Sở Tư pháp (2012), Luật Thủ đô, NXB Hà Nội, Hà Nội.
5. Mel Schenck, Candy Nguyen dịch (2022), Kiến trúc hiện đại miền Nam Việt Nam – Chủ nghĩa bản địa hiện đại giữa thế kỷ XX, PhuongNambook, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội.

The post Những giá trị kiến trúc các công trình công cộng tại Hà Nội giai đoạn 1975-1986 appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/YKEd34x
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét