Thực hành cảnh quan và khoa học sinh thái có nhiều tương đồng nhưng còn khoảng cách cần được nghiên cứu để kết hợp hiệu quả hơn trong quá trình xây dựng các hệ sinh thái. Từ góc nhìn chuyên ngành, một loạt các quan điểm đã được đưa ra, nhấn mạnh sự hiểu biết về các vấn đề như cách tiếp cận, thuật ngữ và sự khác biệt trong nhận thức. Để thu hẹp khoảng cách này, cần tập trung vào số hóa dữ liệu, liên kết dữ liệu với thiết kế và nhìn lại vai trò của các yếu tố văn hóa. Khi các ngành liên quan đến khoa học sinh thái không ngừng thay đổi thì sinh thái học cần nâng cấp mô thức hoạt động để tăng cường kết hợp xuyên ngành. Thiết kế kỹ thuật số sẽ có vai trò tăng cường sự hợp tác của hai liên ngành, điều này không cố định trong một vài khuôn mẫu hay ranh giới cụ thể nào – nhằm tìm kiếm một tiếng nói chung vì mục tiêu bền vững.
Giới thiệu
Khoa học sinh thái đã và đang chuyển đổi trọng tâm từ nghiên cứu hệ sinh thái tự nhiên sang môi trường xây dựng và các hệ sinh thái. Sự chuyển đổi này được hưởng ứng bởi các nhà thiết kế vì điều này đóng góp một lượng kiến thức chuyên môn mới, đồng thời đem lại sự khác biệt vào các lĩnh vực chủ chốt của ngành thiết kế, ví dụ như thiết kế sinh thái và kiến trúc cảnh quan. Tuy nhiên, sự chuyển đổi của khoa học sinh thái (sang lĩnh vực mới – sinh thái học đô thị) vào môi trường xây dựng, nơi ngành thiết kế từ lâu đã hoạt động ở một số khía cạnh gây tranh luận. Những tranh luận này gồm hai khía cạnh: Thứ nhất, trong các hệ sinh thái được xây dựng, khoa học sinh thái thực tế chưa có nhiều đóng góp về mặt lý thuyết và thực hành thiết kế; thứ hai, còn tồn tại một khoảng cách trong tư duy văn hóa giữa các nhà sinh thái học và các nhà thiết kế cảnh quan.
Bài viết với mục đích làm sáng tỏ những tương đồng của hai ngành về mặt học thuật, cách tiếp cận, đồng thời chỉ ra sự thiếu gắn kết giữa hai ngành đã diễn ra như thế nào và được biểu hiện ra sao ở các cấp độ học thuật. Để phối hợp với nhau một cách có hiệu quả, chúng ta cần hiểu biết văn hóa của từng ngành, đồng thời xem xét sự bổ trợ cho nhau của cả hai lĩnh vực trong các chiến lược sinh thái hiện nay. Bài viết khuyến khích thảo luận về khoảng cách tư duy giữa hai lĩnh vực thông qua: Thứ nhất, khám phá về các mối quan hệ liên tục phát triển giữa sinh thái và thiết kế; thứ hai, bằng cách nào chúng ta có thể thu hẹp khoảng cách về văn hóa giữa hai lĩnh vực trong các hệ sinh thái được xây dựng. Nâng cao hiểu biết về điểm khác biệt giữa hai ngành sẽ cải thiện chất lượng các cuộc đối thoại, xây dựng mối quan hệ hợp tác và từ đó tăng cường hiệu quả trong thực hành sinh thái.
Tại sao khoa học sinh thái và thiết kế cần phải hiểu biết lẫn nhau?
Khoa học sinh thái ngày càng đi sâu vào các hệ sinh thái được xây dựng là một trong những thay đổi quan trọng gần đây. Trong khi cả hai ngành sinh thái và thiết kế đều đang chuyển hướng các mục tiêu quan tâm của mình đã tạo ra những định hướng phát triển mới cho cả hai lĩnh vực. Sinh thái học đô thị đã phát triển thành một lĩnh vực chuyên ngành thực sự, tích hợp sinh thái, địa lý, thiết kế, quy hoạch và khoa học xã hội. Đặc biệt, sinh thái đô thị từng bước chuyển đổi tư duy và cách thức hoạt động của mình ở cấp độ học thuật. Các nhà sinh thái cũng đi sâu hơn vào lĩnh vực thực hành thiết kế và diễn ngôn học thuật thiết kế. Khoa học sinh thái dường như đang trong quá trình khám phá ra một sự thật, rằng: Các đô thị mang trong mình tính lịch sử và thay đổi theo thời gian, không gian và văn hóa. Các nghiên cứu sinh thái bàn về các vấn đề rộng lớn trong cảnh quan thực chất cuối cùng đều phải giải quyết các câu hỏi về tính bền vững. Các TP là hệ thống kép giữa con người với môi trường hay hệ thống xã hội – sinh thái, trong đó môi trường được con người xây dựng nằm ở giao tuyến giữa thiết kế và sinh thái. Bởi vậy, thực hành sinh thái nhấn mạnh ngày càng nhiều vào các dịch vụ hệ sinh thái đô thị và quan hệ của các dịch vụ đó với đời sống con người.
Trong lĩnh vực thiết kế, chủ đề lịch sử, không gian và văn hóa không phải là nhân tố mới trong lý thuyết thiết kế. Nghiên cứu về mô hình phát triển đô thị là một quá trình năng động về cả không gian – thời gian và từ lâu đã là kiến thức cơ bản trong cả giảng dạy hàn lâm và thực hành thiết kế. Đô thị hóa là quá trình phức tạp, do đó cần rất nhiều hiểu biết về mô hình, quá trình và các tác động của nó đến hệ sinh thái. Các nhà thiết kế để hiểu sâu hơn về vấn đề này đã phải thay đổi tư duy và cách thức vận hành. Những thay đổi được nhấn mạnh thông qua các khám phá mới về “đô thị bền vững”, hay “lý thuyết thích ứng” và được thể hiện qua những hướng đi mới như “thiết kế sinh thái” với mục đích rõ ràng hơn về đa dạng sinh học, quá trình sinh thái và dịch vụ hệ sinh thái. Ngoài ra, các hệ sinh thái được xây dựng cũng được nghiên cứu có hệ thống hơn, nhờ sử dụng các dữ liệu lớn và các phương pháp khai thác dữ liệu liên ngành. TP là một hệ thống xã hội – sinh thái phức tạp, do đó quỹ đạo phát triển của nó khó có thể được dự đoán hoặc kiểm soát nhưng quỹ đạo ấy có thể và nên được uốn nắn hoặc tác động theo các chiều hướng mong muốn thông qua các hoạt động quy hoạch – thiết kế dựa trên các kiến thức sinh thái và các nguyên tắc bền vững.
Vì vậy, tại sao chúng ta cần phải suy nghĩ và đánh giá lại mối quan hệ giữa thiết kế và sinh thái? Khoa học sinh thái gần đây ngày càng đi theo quan điểm cảnh quan – với tranh luận rằng cảnh quan đô thị cung cấp một nền tảng chung cho các nhà thực hành sinh thái để cùng nhau “Lấy bền vững làm trung tâm và xác định bền vững là mục tiêu cuối cùng của nghiên cứu đô thị”. Để đạt được mục tiêu bền vững chúng ta cần có những địa điểm được thiết kế tốt hơn về mặt sinh thái. Điều này là rất cần thiết vì các dịch vụ hệ sinh thái và mối quan hệ của chúng đối với xã hội là những thành phần thiết yếu cho phát triển bền vững. Đô thị hóa cho đến nay vẫn là một thí nghiệm thay đổi cảnh quan trên quy mô lớn chưa được quy hoạch và do đó thiết kế cảnh quan đã trở thành một công cụ ngày càng quan trọng đối với mô hình đô thị bền vững.
Điều gì ngăn cách giữa khoa học sinh thái và thiết kế?
Nhìn nhận sự khác biệt giữa hai ngành khoa học trong một số khái niệm đan xen sẽ đem lại các cuộc đối thoại đầy đủ hơn về học thuật liên quan đến những tình huống hợp tác phổ biến giữa các nhà sinh thái và thiết kế. Sự khác biệt tạo ra những khoảng trống trong hiểu biết và giao tiếp của chúng ta trong bối cảnh thực hành cảnh quan đô thị, có thể kể đến: (1) cách tiếp cận địa điểm, (2) các thuật ngữ khác nhau về cùng một vấn đề, (3) văn hóa nhận thức của từng ngành. Những vấn đề này đã dẫn đến các mục đích khác nhau trong các cuộc thảo luận và tách biệt nhau trong các nghiên cứu.
1. Sự khác nhau về cách tiếp cận địa điểm
Có sự khác biệt trong cách nhìn nhận một địa điểm của hai ngành sinh thái và thiết kế. Khoa học sinh thái tập trung vào đô thị với mô hình không gian và thời gian của đô thị hóa. Mô hình cảnh quan đô thị bao gồm thành phần và sự sắp xếp không gian của các loại hình sử dụng đất, các đám sinh cảnh – thể hiện một cách toàn diện và thực tế cấu trúc của hệ thống sinh thái đô thị. Kỹ thuật viễn thám, GIS, phân tích không gian và mô hình hóa đang ngày càng được cải tiến, giúp chúng ta ngày càng có khả năng hiểu được mô hình không gian – thời gian của đô thị hóa. Ngoài ra, ngành sinh thái cũng có được những hiểu biết toàn diện hơn về hình thức phát triển đô thị thông qua kết hợp các nghiên cứu: Phát triển lý thuyết và thực nghiệm. Đối với ngành sinh thái, lượng hóa mô hình cảnh quan rất cần thiết để hiểu được những động lực sinh thái – xã hội và các tác động sinh thái của đô thị hóa.
Kiến trúc cảnh quan lại có “tham vọng” và định hướng riêng cho các phương pháp tiếp cận địa điểm. Đối với các nhà thiết kế, không có lý thuyết phổ quát nào có thể được áp dụng vì nó đi ngược lại với niềm tin cơ bản rằng thiết kế tốt hay không còn tùy thuộc vào vị trí, đặc điểm và tính ngẫu nhiên. Kiến trúc cảnh quan vẫn có “niềm tin sắt đá” về sự không chắc chắn và tính linh hoạt, nhưng những điều này trái ngược với những nghiên cứu của khoa học sinh thái về các nguyên tắc chung, các lý thuyết đang phát triển thông qua thử nghiệm và các lý thuyết được định hướng bởi dữ liệu. Kiến trúc cảnh quan thường hoạt động với tư cách là một ngành độc lập, tuy nhiên vì hoạt động trong lĩnh vực thiết kế nhưng lại liên quan đến kiến trúc, quy hoạch, lịch sử, môi trường và sinh thái nên các nhà kiến trúc cảnh quan không được coi là chuyên gia trong bất kỳ lĩnh vực nào ngoại trừ thiết kế.
Hiện nay, hầu hết các thiết kế cảnh quan đều bắt đầu với các điều kiện cơ bản về sinh thái, lịch sử, văn hóa và xã hội của một địa điểm. Đối với mỗi địa điểm, không có câu trả lời đơn giản hoặc các phương pháp thiết kế cụ thể nào, các nhà thiết kế phải tìm ra đáp án thông qua khám phá môi trường và đặt ra các câu hỏi rộng lớn liên quan đến văn hóa, xã hội và sinh thái. Đó chính là các cơ sở lý thuyết mang tên “bức tranh sinh thái” trong kiến trúc cảnh quan. Tuy nhiên, gần đây lý thuyết này đã bị chi phối bởi các lý thuyết không gian đến từ ngành sinh thái cảnh quan, ví dụ như tính kết nối, các đám, mảng, hành lang và động lực đám sinh cảnh. Những ý tưởng lý thuyết sinh thái này đã được các nhà thiết kế sử dụng rất hữu ích trong việc xây dựng các hệ sinh thái mới, bao gồm cả các TP và vùng nông thôn nằm trong các hệ sinh thái được xây dựng; trong khi đó bản thân các nhà thiết kế cũng đã đặt ra câu hỏi về “thiết kế sinh thái” và áp dụng những ý tưởng lý thuyết mới này vào thực hành cảnh quan.
Một sự khác biệt nữa giữa thiết kế và sinh thái là khả năng thay đổi tham vọng cho một địa điểm. Các nhà thiết kế có thể thương lượng lại vấn đề hoặc thậm chí thay đổi định hướng quy hoạch, tìm cách thu hút các bên liên quan bằng các tiềm năng sinh thái của địa điểm và thiết lập lại tham vọng của một bản quy hoạch. Ngược lại, các nhà sinh thái học hiếm khi thương lượng lại các vấn đề liên quan đến địa điểm hay tự mình xác định lại vấn đề. Ngoài ra, các nhà thiết kế không thực hiện các “đánh giá độc lập” như một ngành khoa học, mà phải làm việc và hợp tác thường xuyên với cộng đồng.
2. Sự khác nhau về thuật ngữ và lý thuyết
Khoa học sinh thái có một nền tảng lý thuyết rộng lớn, vẫn không ngừng phát triển và là một kho tàng ngôn ngữ khác biệt đối với các ngành học thuật khác. Tuy nhiên, vì thế mà nó tương đối phức tạp về mặt ngôn ngữ – Ví dụ, chỉ riêng khái niệm và quan điểm khác nhau về sinh thái học đô thị đã được phân loại thành “Sinh thái trong TP”, “Hệ sinh thái của TP” và “Bền vững đô thị”. Ngoài ra, việc sinh thái học ít chú ý tới các lý thuyết bên ngoài ngành khoa học sinh thái đã dẫn đến việc tự đưa ra những thuật ngữ mới (hay ngôn ngữ mới) cho những ý tưởng ở những lĩnh vực khác. Vấn đề ngôn ngữ nghe có vẻ tầm thường nhưng ngôn ngữ nằm ở trung tâm hệ thống niềm tin của các ngành và là tiền đề để tiếp thu các ý tưởng mới. Bỏ qua một ngôn ngữ hoặc thuật ngữ hiện có là thiếu tôn trọng với những người nắm giữ thuật ngữ trước đó hoặc là một dấu hiệu cho thấy sự thiếu hiểu biết về thuật ngữ đó.
Kiến trúc cảnh quan là khái niệm “vô hình” đối với các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà sinh thái học truyền thống. Trong khi thuật ngữ sinh thái học ngày càng có tiếng nói và mức độ phổ biến nhanh chóng thì ngược lại thuật ngữ thiết kế – lại đang giới hạn hoạt động trong các hệ sinh thái xây dựng. Ngoài ra, lĩnh vực thiết kế vẫn còn thiếu một số vốn từ vựng để mô tả các địa điểm hay nơi chốn, một số ngôn ngữ trong lĩnh vực thiết kế cần được thiết lập trong giao thoa học thuật nhưng các nhà thiết kế dường như ít quan tâm về vấn đề này. Nhiều lập luận cho rằng sinh thái học là ngành chuyên môn bao trùm và không cần phải tham khảo từ các ngành khác, nhưng khi một chuyên ngành bỏ qua việc thu thập và thu nạp kiến thức hiện tại về chủ đề đang nghiên cứu thì có thể bị coi là tạo ra “lý thuyết thừa”. Nói cách khác, khi nghiên cứu hay làm việc với các hệ sinh thái được xây dựng, các nhà sinh thái học vẫn cần dựa vào các ngôn ngữ chuyên ngành liên quan (ví dụ thiết kế hoặc môi trường) vì đối tượng chính của hệ sinh thái này là môi trường được xây dựng.
Một vấn đề khác làm gia tăng sự khác biệt giữa hai ngành là phương thức công bố hay xuất bản các công trình thiết kế hoặc các sản phẩm nghiên cứu. Phần lớn các tạp chí về sinh thái học không bao gồm các bài viết về thiết kế, và các tạp chí về thiết kế cũng ít bao gồm các bài viết về sinh thái. Phần lớn công việc của các nhà thiết kế nằm trong các dự án xây dựng và thường được báo cáo, công bố bằng các phương thức khác, không có trên các tạp chí học thuật và do đó ít đến được với các nhà sinh thái học – những người chủ yếu tập trung vào việc thảo luận học thuật thay vì “thực hành tại thực địa”. Các nhà thiết kế chủ yếu đăng bài trên các phương thức kỹ thuật số giàu hình ảnh hay sách vở thực hành chuyên ngành. Điều này đã làm thay đổi mối quan hệ giữa học thuật và ấn bản thiết kế, và tiếp tục là một thách thức đối với ngành này, đặc biệt là về khả năng khai thác và phê bình các dự án. Trong khoa học sinh thái cũng có vấn đề nan giải không kém, các nhà nghiên cứu vẫn thường kêu gọi rằng các tạp chí sinh thái học cần có thêm quan điểm của những người thực hành sinh thái, tuy nhiên rất khó tìm thấy các tạp chí đáp ứng được lời kêu gọi này.
3. Khác biệt trong văn hóa nhận thức giữa hai ngành
Khoa học sinh thái có thể cung cấp một loạt các giải pháp, có thể vươn tới những chân lý và điểm tận cùng của tri thức cung cấp cho chúng ta sự chắc chắn trong thực hành sinh thái. Phần lớn các nhà thiết kế hiện nay áp dụng phương pháp chồng lớp bản đồ (được đề xuất bởi Ian McHarg năm 1969) vì kỹ thuật này đem lại một kết quả thiết kế rõ ràng cùng một kịch bản lý tưởng dựa trên thiết kế với thiên nhiên. Khung phân tích của McHarg dựa trên khái niệm về chủ nghĩa kinh nghiệm khoa học với các công thức nhằm hợp lý hóa một ý tưởng thiết kế và cung cấp sự chắc chắn cho một vấn đề. Kỹ thuật chồng lớp của McHarg đã trở thành một công cụ phân tích cơ bản trong ngành kiến trúc cảnh quan kể từ khi nó được công bố. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng mặc dù kỹ thuật này có nhiều ưu việt nhưng nó cũng có thể khiến các kiến trúc sư đi đến một giả định sai lầm rằng cứ áp dụng kỹ thuật này sẽ mặc nhiên có được một thiết kế tốt và điều đó là không chắc chắn. Kỹ thuật chồng lớp hai chiều dù sao cũng chỉ là một khuôn khổ ý tưởng, bản thân các ý tưởng không bắt nguồn từ bất kỳ cơ sở khoa học nào.
Khoa học sinh thái và thiết kế còn có sự khác nhau trong văn hóa nhận thức, thể hiện qua niềm tin hoặc tôn chỉ riêng của mỗi ngành. Thực tế cho thấy không bên nào tin hoặc hiểu về niềm tin của bên còn lại. Làm sao để dung hòa khoảng cách này là vấn đề nan giải nhất trong quá trình tìm kiếm những giải pháp chung để hai bên có thể làm việc cùng nhau. Khoa học có thể cung cấp thông tin cho thiết kế nhưng một thiết kế tốt không thể được tạo ra bằng tư duy đơn giản mà cần một tư duy tổng hợp. Kiến thức khoa học chính là công cụ hữu ích đối với cả hai ngành vì khoa học có thể cung cấp thông tin thực tế, chi tiết và cụ thể; khoa học còn tạo ra các ý tưởng thiết kế và cung cấp các lý thuyết không gian cho một thiết kế tốt. Thật vậy, khoa học và dữ liệu ngày nay có thể giúp ngành thiết kế đạt được những thiết kế và thử nghiệm hiệu quả. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải phân biệt những gì khoa học có thể hoặc không thể áp dụng vào lĩnh vực thiết kế. Bản thân thiết kế là một lĩnh vực tìm hiểu và khám phá, do đó nó phụ thuộc vào văn hóa, địa điểm và các quan điểm cá nhân.
Rút ngắn khoảng cách văn hóa giữa khoa học sinh thái và thiết kế
Do cả thiết kế và khoa học sinh thái đang thay đổi lĩnh vực trọng tâm của mỗi ngành nên đây là thời cơ tốt để thu hẹp khoảng cách giữa hai ngành. Điểm tương đồng là cả hai ngành đều có thái độ hợp tác đối với nguồn dữ liệu chung, điều này cho phép các nhà chuyên môn có thể làm việc cùng nhau một cách hiệu quả và rõ ràng hơn. Một số nhà thiết kế đã tiến hành thử nghiệm thiết kế và hiện nay đã có các công cụ kỹ thuật số để kiểm tra các thông số đối với từng địa điểm. Các nhà thiết kế cảnh quan cũng đang từng bước hướng tới việc phân tích, sử dụng dữ liệu và kiểm tra nghiêm ngặt hơn đối với các dự án của họ trước khi tiến hành xây dựng, đồng thời kêu gọi các đóng góp và phản hồi sau xây dựng từ các nhà sinh thái.
1. Thái độ đối với dữ liệu
Các thử nghiệm hoặc đo lường với vai trò là công cụ tìm kiếm chân lý khoa học. Tính chắc chắn và khả năng tái tạo của các thử nghiệm hoặc đo lường là nền tảng của khoa học tri thức và phần lớn các công trình nghiên cứu được công bố trong sinh thái học hàn lâm đều gắn liền với việc sửa đổi hoặc suy đoán dựa trên dữ liệu và lý thuyết. Ngược lại, thiết kế linh hoạt và mang tính tùy biến, không đi tìm một giải pháp hoàn hảo cụ thể – Các nghiên cứu lý thuyết thiết kế rất hạn chế và cũng ít khi lặp lại vì thiết kế dựa trên đặc điểm cụ thể của từng địa điểm. Trên phương diện khác, các nhà sinh thái học tin rằng phải có tính khách quan khoa học trong thực hành sinh thái, điều này không thể đạt được nếu đầu vào dữ liệu không đầy đủ, có thể dẫn đến tính không chắc chắn trong việc ra quyết định. Trên thực tế, cả nhà sinh thái học và nhà thiết kế đều phải đối mặt với sự không chắc chắn và điều này cần được thừa nhận là một điểm chung.
Tuy nhiên, phản hồi của hai ngành đối với dữ liệu không đầy đủ lại rất khác nhau. Việc thiếu dữ liệu về một địa điểm đối với các nhà sinh thái là một vấn đề khó khăn, dữ liệu tốt rất quan trọng để đưa ra đánh giá và quyết định về một vấn đề nghiên cứu. Trong khi các nhà thiết kế cần đưa ra quyết định trong quá trình tạo một địa điểm cho dù có hay không có dữ liệu hoàn chỉnh, đối với các nhà thiết kế thì địa điểm là một câu hỏi chứ không phải là một vấn đề. Các nhà thiết kế đôi khi bỏ qua tính khoa học bởi sự cần thiết phải đưa ra quyết định dựa trên những hiểu biết tốt nhất trong thời hạn của dự án cho dù dữ liệu không thực sự đầy đủ. Các nhà sinh thái học trong một số trường hợp cũng làm việc với các dữ liệu không đầy đủ bằng cách suy đoán và trình bày các kết quả sinh thái mong muốn thông qua cách tiếp cận định tính – những ý tưởng bắt nguồn từ toán học và thiết kế.
2. Vai trò của thử nghiệm trong các hệ sinh thái được xây dựng
Việc thử nghiệm trong thiết kế để củng cố lý thuyết và quan điểm học thuật của kiến trúc cảnh quan ngày càng được quan tâm nhiều hơn, đặc biệt trong các thử nghiệm về việc tăng cường mối liên hệ giữa thiết kế và khoa học sinh thái. Trước đây, các cuộc thảo luận về thử nghiệm trong thiết kế thường tập trung vào văn hóa làm vườn hoặc những ý tưởng chung về thiết kế xanh, hay các thiết kế dựa trên quan điểm thiết kế tuyến tính. Công nghệ và tiến bộ của máy tính trong hơn mười năm qua cho phép thử nghiệm các thiết kế tương đương với thử nghiệm giai thừa trong khoa học. Do đó, các nhà thiết kế ngày càng làm việc nhiều hơn với các tham số trong thiết kế – còn gọi thiết kế tham số, sử dụng các thiết kế có sự hỗ trợ của máy tính (CAD) và một loạt các ứng dụng và chương trình 3D mới có thể kết hợp dữ liệu, kiểm tra các giá trị gắn với một địa điểm như giá trị về vật lý, sinh thái hoặc văn hóa xã hội. Điều này có nghĩa là có thể kiểm tra các phương án thiết kế nhanh hơn nhằm hướng tới các kết quả sinh thái tốt hơn. Nhờ đó đã dẫn đến sự thay đổi từ một quan điểm cố hữu rằng thiết kế kỹ thuật số là công nghệ chỉ mang tính tượng trưng sang một quan điểm mới rằng các công cụ kỹ thuật số là các phương tiện tự thiết kế có khả năng tạo ra độ nhạy cảm cao hơn đối với các điều kiện vật lý hoặc văn hóa xã hội. Với các công nghệ kỹ thuật số mới, các nhà thiết kế cũng có thể làm thử nghiệm để kiểm tra các quá trình sinh thái hoặc “hiệu năng” của các hệ sinh thái được xây dựng. Thiết kế hiệu năng (Performative design) là một cách tiếp cận tương đối mới đối với ngành thiết kế. Phương pháp thử nghiệm hiệu năng thiết kế ba chiều đang nâng tầm ngành thiết kế, không còn quanh quẩn với bề mặt và thể tích, hay những lời tường thuật, ẩn dụ trong kiến trúc cảnh quan. Ngoài ra, “hiệu năng” không phủ nhận các giá trị định tính hoặc các giá trị khó đo đạc như tri thức bản địa hoặc tính thẩm mỹ.
Các nhà sinh thái học có thể không biết về những thay đổi mạnh mẽ trong tham số và hiệu năng trong ngành thiết kế. Công nghệ máy tính mới hiện nay có khả năng xử lý các dữ liệu đa dạng cho phép cải thiện đáng kể khả năng kiểm tra hiệu năng sinh thái trong không gian ba chiều. Đây là cơ hội để các nhà thiết kế hiểu biết sâu sắc hơn về tác động của các thiết kế đối với các quá trình sinh thái và dịch vụ hệ sinh thái theo thời gian và không gian. Để tăng cường mối quan hệ giữa thiết kế và sinh thái, có ba điểm cần thực hiện ở đây: thứ nhất, công nghệ 3D tiên tiến và dữ liệu đầu vào mới sẽ giúp thực hiện các thử nghiệm rõ ràng để kiểm tra chức năng sinh thái (hay hiệu năng) và thử nghiệm trong khi các thiết kế vẫn còn ở trên giấy – tức mô phỏng hoặc thử nghiệm các nguyên mẫu. Thứ hai, việc giám sát cần được thực hiện kết hợp với các nhà sinh thái học, điều này sẽ giúp các nhà thiết kế biết liệu những gì họ đã tạo ra có thực sự đem lại hiệu quả sau khi xây dựng hay không. Thứ ba, thiết kế hiệu năng sẽ thúc đẩy sự tham gia của nhà sinh thái học trong quá trình thử nghiệm thiết kế và giới hạn sự tham gia đó trong tư cách là người quan sát, nhờ vậy họ sẽ tham gia tích cực hơn vào hoạt động xây dựng hệ sinh thái. Sự thay đổi này sẽ tạo cơ hội cho các nhà sinh thái học tham gia nhiều hơn vào toàn bộ quá trình xây dựng địa điểm từ cuộc thảo luận đầu tiên đến cuộc thảo luận cuối cùng. Các thử nghiệm thiết kế bằng tham số để đạt được thiết kế hiệu năng không chỉ dừng lại ở các cuộc thảo luận về các thử nghiệm mà còn tập trung vào các cuộc thảo luận hậu xây dựng của các nhà nghiên cứu sinh thái đô thị. Hơn nữa, các khái niệm về kiểm tra hiệu năng và các phương pháp thiết kế thực tế cho thấy rõ ràng rằng không có một “quy trình thiết kế” hoặc “phương pháp thiết kế” cố định nào, điều này trái ngược với những gì chúng ta vẫn biết trong các nghiên cứu của McHarg.
3. Liên kết dữ liệu với thiết kế
Thiết kế cảnh quan có thể được hiểu là một chuỗi các cơ hội liên tục cho các nhà sinh thái. Đối với nhiều thiết kế trong chuỗi liên tục từ tập trung vào hình thức cho đến chức năng logic sinh thái, “tiếng nói” của hệ sinh thái sẽ chiếm ưu thế hoặc im lặng hoặc đóng vai trò thứ yếu tùy thuộc vào việc tiếng nói của sinh thái học sẽ thay thế nhiều hay ít vai trò của thiết kế. Điều này trái ngược với nghiên cứu trong khoa học sinh thái, nơi mà tiếng nói chủ đạo luôn là sinh thái học, ngay cả trong sinh thái đô thị. Tham vọng sinh thái đối với một địa điểm sẽ dẫn đến một loạt các kịch bản, không có câu trả lời “đúng” cho bất kỳ kịch bản nào (mà chỉ có câu trả lời cái gì được ưu tiên hơn). Quan niệm như vậy phần nào làm giảm bớt nguy cơ bỏ quá nhiều công sức đi tìm kiếm một giải pháp duy nhất.
Việc thu hẹp khoảng cách giữa dữ liệu sinh thái và thiết kế trong các hệ sinh thái xây dựng có thể hiệu quả hơn khi được đặt chúng trong một khuôn khổ lý thuyết. Như đã đề cập trước đó, các khuôn khổ lý thuyết hiện nay thường được rút ra từ sinh thái cảnh quan. Tuy nhiên, các khuôn khổ này có thể bị giới hạn phạm vi đối với các nhà thiết kế. Các ý tưởng sinh thái trừu tượng đang rất hữu ích cho công việc thiết kế có thể kể đến đa dạng sinh học, các dịch vụ hệ sinh thái, khả năng phục hồi, sự phức tạp và sự bất ngờ. Tuy nhiên, những ý tưởng mang tính lý thuyết rộng lớn như vậy khi đặt cùng với các lý thuyết thiết kế cơ bản đã tạo ra áp lực lớn cho các nhà thiết kế. Ngành thiết kế đang tự đặt câu hỏi liên quan đến mức độ trừu tượng trong việc tạo ra các ý tưởng từ khoa học sinh thái rằng: Liệu chúng ta cần xem xét ý tưởng lý thuyết ở cấp độ nào hoặc quy mô nào để có thể hỗ trợ thiết kế? Liệu sinh thái học có thể cung cấp cho thiết kế các khuôn khổ lý thuyết vững chắc hơn không? Làm thế nào để cả hai lĩnh vực có thể tiếp tục phát triển về cả hai mặt ý tưởng và hành động trong cùng một địa điểm cụ thể?
Mặc dù sự thiếu ăn khớp giữa những câu hỏi của các nhà sinh thái học và những câu trả lời của các nhà thiết kế – Đó là một cuộc thảo luận lâu dài và là nguồn gốc cho những khó khăn trong thực hành thiết kế hiện nay. Tuy nhiên, trong tương lai, khi khối lượng dữ liệu tăng lên cho phép các nhà thiết kế và sinh thái học có thể làm việc cùng nhau một cách dễ dàng hơn, cùng khai thác lượng dữ liệu hữu ích và đa dạng hơn, đồng thời ít bị hạn chế bởi các khuôn khổ lý thuyết hơn, điều này có thể dẫn đến các mô hình tổng quan hơn.
4. Vai trò của văn hóa
Việc tăng cường hiệu năng thông qua tích hợp các tri thức bản địa hoặc truyền thống văn hóa giúp tiếng nói bản địa được tham gia nhiều hơn vào các dự án sinh thái. Trong ngành thiết kế, quan điểm bản địa đang trở thành cơ sở nền móng trong thiết kế, đó là một mốc thay đổi trí tuệ quan trọng. Bên cạnh đó, thiết kế có sự tham gia của cộng đồng (participatory design) ngày càng được thừa nhận và thực tế đã được đưa vào thực hành giảng dạy trong nhiều trường thiết kế. Nền móng của người bản địa là một quan điểm đang được đón nhận, điều này nói lên sự tôn trọng và công nhận đối với những tri thức lâu đời được viết lên từ thiên nhiên vốn nằm ngoài khoa học chính thống. Tri thức địa phương cần được khám phá nhiều hơn vì sự hiểu biết của người dân địa phương về cảnh quan hầu như luôn được gắn chặt với các hệ thống, tính phức tạp, tính thời vụ, sự đa dạng sinh học, tính bổ sung giữa các loài và khả năng bảo tồn. Những kiến thức bản địa như vậy cần được kết hợp một cách hiện đại vào các hệ sinh thái được xây dựng nhằm tạo ra những kết quả sinh thái tốt hơn. Cả kiến trúc cảnh quan và khoa học sinh thái đều cần liên kết với tri thức bản địa và coi đó là chiến lược thực hành và thử nghiệm tương lai chứ không chỉ đơn thuần của việc tìm kiếm một chuỗi các kiến thức lịch sử. Khi các kiến thức sinh thái đang ngày càng ít đi trong các hệ sinh thái được xây dựng thì nhiệm vụ này càng trở thành một mệnh lệnh cấp bách hơn bao giờ hết.
Kết luận
Để hai ngành sinh thái và thiết kế có thể cùng làm việc trong các hệ sinh thái được xây dựng, cần đối mặt với hai thách thức: Thứ nhất, sinh thái học cần quan tâm nhiều hơn đến phạm vi không gian, thời gian và văn hóa của các hệ sinh thái được xây dựng (Ví dụ như các TP nơi đã bị ngành sinh thái lãng quên một cách kỳ lạ suốt nhiều thập kỷ qua). Thứ hai, sinh thái học khi khám phá cảnh quan của những môi trường được xây dựng, cần phải công nhận những lối mòn và tri thức của các lĩnh vực khác và hành động dựa trên sự công nhận đó. Nhiều kiến thức, lý thuyết, thực hành và tri thức sẽ bị mất đi nếu sinh thái học tham gia vào các hệ sinh thái được xây dựng mà không có sự “tin tưởng” vào các lĩnh vực kiến thức khác, không có sự hiểu biết về các hệ thống niềm tin, ngôn ngữ, bối cảnh và thực tiễn làm việc của ngành thiết kế và các ngành liên quan khác. Thiết kế và sinh thái có nhiều điểm tương đồng, đây sẽ là điều tối quan trọng trong tương lai để chúng ta hiểu rõ hơn về những địa điểm phức tạp và sự thay đổi của các hệ sinh thái đã xây dựng.
Tóm lại, đã đến lúc các nhà sinh thái học phải nhìn ra bên ngoài bằng một cái nhìn tổng thể hơn. Các công cụ thiết kế kỹ thuật số hiện đại hỗ trợ các nhà sinh thái học trong các quyết định thiết kế và thử nghiệm theo những cách mới hơn – Đây là ưu tiên hàng đầu để tăng cường hợp tác giữa hai ngành. Không có giải pháp nào là duy nhất để hai ngành hợp tác với nhau tốt hơn trong các hệ sinh thái được xây dựng, không có ranh giới cụ thể, không có đúng hay sai, trên tinh thần học hỏi, chúng ta sẽ điều tra, thăm dò và thử nghiệm để có kết quả sinh thái tốt nhất cho các địa điểm, đó là “tham vọng” chung của cả khoa học sinh thái và thiết kế cảnh quan.
Nguyễn Văn Long
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2023)
Tài liệu tham khảo
1. Baltes, P. B., & Staudinger, U. M. (2000). Wisdom: A metaheuristic (pragmatic) to orchestrate mind and virtue toward excellence. American Psychologist, 55,122–136.
2. Berkes, F. (2012). Sacred ecology (Third edition). New York, NY: Routledge. Berkes, F., Colding, J., & Folke, C. (2000). Rediscovery of traditional ecological knowledge as adaptive management. Ecological Applications, 10(5), 1251–1262. Costa, J. D. (1995). Working wisdom: the ultimate value in the new economy. Toronto: Stoddart.
3. Ford, J., & Martinez, D. (2000). Traditional ecological knowledge, ecosystem science, and environmental management. Ecological Applications, 10(5), 1249–1250.
4. Forester, J. (1999). The deliberative practitioner: encouraging participatory planning processes. Cambridge, MA: The MIT Press.
5. American Indian environments: Ecological issues in Native American History (pp. 171–174). Syracuse University Press.
6. McHarg, I. (1969). Design with Nature. New York, NY: The Natural History Press. Naess, A. (1973). The shallow and the deep, long-range ecology movement. A summary. Inquiry, 4, 95–100.
7. Naess, A. (1989). From ecology to ecosophy, from science to wisdom. World Futures, 27, 185–190.
8. Pattern, D. T. (2016). The role of ecological wisdom in managing for sustainable interdependent urban and natural ecosystems. Landscape and Urban Planning, 155, 3–10.
9. Xiang, W.-N. (2013). Working with wicked problems in socio-ecological systems: Awareness, acceptance, and adaptation. Landscape and Urban Planning, 110, 1–4.
10. Xiang, W.-N. (2014). Doing real and permanent good in landscape and urban planning: Ecological wisdom for urban sustainability. Landscape and Urban Planning, 212, 65–69.
The post Thực hành cảnh quan trong kỷ nguyên khoa học sinh thái: Triển vọng kết hợp và định hướng tương lai appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/bAHPQgy
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét