Kiến trúc thuộc địa Pháp (KTTĐP) đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của nội đô lịch sử Hà Nội. Hình thành trong bối cảnh lịch sử rất đặc thù nên từng thành phần trong cấu trúc của KTTĐP đều chứa đựng những nét đặc trưng biểu hiện sự tiếp biến trong xây dựng. Bài báo đưa ra một số góc nhìn để nhận diện các đặc điểm Cấu trúc kiến tạo (CTKT) của KTTĐP và từ đó làm rõ các giá trị đóng góp của chúng cho Nội đô lịch sử Hà Nội trong thời đại mới.
Các thành phần cấu trúc kiến tạo của kiến trúc thuộc địa Pháp
Từ các lý thuyết nghiên cứu về CTKT của Karl Botticher, Gottfried Semper và Kenneth Frampton, kết hợp với các kết quả nghiên cứu khảo sát đánh giá hiện trạng và điều tra xã hội học có thể thấy CTKT của KTTĐP là sự kết hợp bởi bốn yếu tố “Vật liệu”, “Cấu kiện”, “Liên kết” và “Không gian chức năng” [1, p. 11] [2] [3] [4].
1. Vật liệu
Vật liệu đóng vai trò quan trọng trong công trình KTTĐP góp phần tạo nên phong cách kiến trúc và đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật giúp công trình KTTĐP thích ứng với môi trường tự nhiên của Hà Nội. Một số vật liệu phổ biến được sử dụng như:
- Gạch/đá: Gạch sử dụng trong KTTĐP phổ biến nhất là gạch đặc ở cấu kiện tường hoặc móng (đôi khi là đá hộc), gạch lỗ xuất hiện ở những công trình xây dựng sau năm 1920 hoặc những công trình được cải tạo trong quá trình sử dụng. Ngoài ra, các loại gạch khác được sử dụng như: Gạch hoa gió; gạch bông lát sàn; gạch nung lát sàn; ngói máy và đá xẻ (trong cấu kiện mái). Về nguồn gốc, năm 1896 nhà máy gạch ngói đầu tiên là SATIC với 700 công nhân người Việt được thành lập bởi Henri Bourgouin gần hồ Trúc – Bạch, sử dụng nguyên liệu đất sét khai thác từ sông Hồng. Quy mô nhà máy lớn hơn nhiều các nhà máy ở chính quốc Pháp lúc bấy giờ với các thiết bị hiện đại thiết kế riêng cho thuộc địa. Nhờ đó có thể cung cấp hai triệu sản phẩm chất lượng cao mỗi tháng với chi phí ưu đãi hơn nhiều so với các nhà máy ở Pháp. Chính nhờ công nghệ xây dựng hiện đại thời bấy giờ, các loại gạch trong công trình KTTĐP đều có đặc tính kỹ thuật tốt (độ cứng, cách nhiệt), màu sắc tự nhiên nâu đỏ/nâu vàng tạo cảm giác ấm cúng và hoa văn họa tiết trang trí thể hiện sự kết hợp của văn hóa phương Tây và văn hóa bản địa.
- Vữa: Chất liên kết chính trong các công trình KTTĐP là vữa tam hợp (gồm 3 thành phần cát, vôi, nước hoặc được trộn thêm xi măng). Khi sử dụng để trát tường, vữa được phủ thêm lớp vôi ve trên bề mặt, đây có thể coi là một loại sơn truyền thống của Việt Nam thời bấy giờ với màu trắng kem, be, xanh dương nhạt, đỏ hoặc xám. Vữa tam hợp kết hợp với sơn ve tạo ra bề mặt vân nhẹ, mờ mịn, thân thiện, không chói lóa/bóng bẩy, mang đến vẻ đẹp trang nhã, thanh lịch, gần gũi với quá khứ. Với đặc điểm tự nhiên của đá vôi, cát và nước, không chứa hóa chất gây hại hay VOC (chất hữu cơ bay hơi), đây là một “lớp áo” có khả năng tự phục hồi một cách tự nhiên và cho phép khối xây tường có thể “thở” thông qua khả năng thẩm thấu của nó;
- Kim loại: Thường được sử dụng nhiều nhất trong các cấu kiện dầm, vì kèo mái và các chi tiết liên kết trang trí. Có thể chia làm bốn loại chính là thép hình, gang đúc chi tiết trang trí, sắt trang trí và kẽm. Ban đầu hầu hết được nhập khẩu từ chính quốc do đó chúng đảm bảo các yêu cầu về độ bền theo tiêu chuẩn cao và tính thẩm mỹ của Châu Âu như tạo sự khỏe khoắn nhưng lại cũng rất mảnh mai, đơn giản và tinh tế thể hiện nét hiện đại và tiên phong của KTTĐP thời bấy giờ;
- Gỗ: Thường được khai thác trực tiếp từ bản địa (phổ biến là gỗ lim, tre), được dùng để chế tác các cấu kiện cửa (cửa đi, cửa sổ, cửa chớp), lát sàn, cầu thang và xà gồ mái… trong khi đó tre được sử dụng chủ yếu để ổn định nền móng. Dễ nhận biết nhất là hình ảnh cửa chớp gỗ có chiều rộng cảnh nhỏ, tỉ lệ tinh tế tạo cảm giác ấm cúng và tự nhiên cho các công trình KTTĐP;
- Kính: Là một vật liệu hiện đại được người Pháp du nhập vào Việt Nam và dùng chủ yếu trong cấu kiện cửa. Ở các công trình sau này thuộc phong cách Art deco xuất hiện vách kính và mái kính với kích thước lớn. Vật liệu này giúp các công trình KTTĐP chống lại các điều kiện khắc nghiệt của môi trường Hà Nội như nhiệt độ cao, độ ẩm lớn, mưa nhiều… nhưng vẫn mở rộng cảm giác về không gian và tăng sự liên kết với bối cảnh đô thị bên ngoài;
- Bê tông cốt thép: Là vật liệu hiện đại nổi bật đầu thế kỷ 20 đã được đưa vào sử dụng khá rộng rãi ở các công trình từ những năm 1920. Đây chính là vật liệu quan trọng đánh dấu sự ra đời của các phong cách kiến trúc Art deco hay Kiến trúc Đông Dương, góp phần làm thay đổi diện mạo kiến trúc Hà Nội.
Các cấu kiện trong công trình KTTĐP có tỉ lệ hài hòa cân đối thể hiện sự đồng nhất trong tổng thể tạo hình kiến trúc. Các cấu kiện chính như:
- Móng: Thường sử dụng vật liệu có độ bền cao như gạch già, đá hộc hoặc bê tông cốt thép. Các chi tiết được thiết kế khá tỉ mỉ cùng với kỹ thuật xây vòm cuốn gạch gác lên dầm thép I, truyền lực xuống chân móng, nhờ đó tạo thành khối đế vững chắc, phần nào thể hiện quyền lực và vị thế của các công trình KTTĐP;
- Tường xây: Trong KTTĐP, cấu trúc khối xây tường thường đóng vai trò chịu lực chính. Sử dụng kỹ thuật xây dựng thủ công truyền thống, các viên gạch được đặt lên nhau và được dính kết bằng vữa tam hợp tạo nên một khối xây gạch chịu lực vững chắc. Các chi tiết phào chỉ và trang trí thay vì được đắp bằng vữa nổi thì được hình thành ngay từ khi xây tường bằng kỹ thuật cắt, ghép và xây gạch. Nhờ đó mang lại vẻ đẹp độc đáo thống nhất từ cấu trúc bên trong cho đến hình thức bên ngoài;
- Sàn/Trần: Cấu kiện sàn được thiết kế và xây dựng với kỹ thuật và độ chính xác cao. Điều này thể hiện trong việc lựa chọn vật liệu và sắp xếp các vị trí của dầm thép I, vòm cuốn gạch… Trong khi đó trần trang trí thường thấy là loại trần vôi rơm hoặc trần gạch lỗ kết hợp dầm thép. Lớp hoàn thiện bề mặt rất tỉ mỉ chi tiết bằng vật liệu gỗ lim, gạch bông với các mẫu hoa văn kết hợp giữa văn hóa Châu Âu và Á Đông, một số công trình được lát gạch mosaic rất tinh xảo, điển hình như công trình Nhà khách Chính phủ;
- Mái: Thường thấy là mái dốc (độ dốc thường khá lớn từ 35 đến 45 độ) và mái bằng đổ bê tông cốt thép. Tùy thuộc vào loại công trình và phong cách kiến trúc cụ thể của KTTĐP mà có các loại mái và tỉ lệ mái có thể khác nhau. Đặc điểm chung là các góc/cạnh sắc nhọn và đường viền rõ ràng nhưng tỉ lệ lại rất hài hòa tạo nên một diện mạo sắc nét và tinh tế cho tổng thể kiến trúc. Mái lợp thường có màu sắc trung tính tự nhiên như đỏ gạch, xám hoặc đen nhờ các loại vật liệu như đá (Ardoise), ngói máy (Tuile) hay bê tông cốt thép;
- Cột: Gồm các loại cột chịu lực chính bê tông cốt thép và cột gia cố bằng thép. Trong đó; cột thép thường được nhập khẩu trực tiếp từ chính quốc nên có đặc điểm hình thức khá tinh xảo, chúng thường được sử dụng để gia cố chịu lực cho khối xây khi muốn mở rộng không gian sử dụng (vốn bị hạn chế đối với cấu trúc chỉ sử dụng cấu kiện tường xây chịu lực).
- Cửa: Phổ biến là cửa chớp và cửa kính được thiết kế tinh tế và cẩn thận có sự tính toán kỹ lưỡng chống chịu với điều kiện khí hậu ở Hà Nội (cách nhiệt, cách âm và chống thấm nước). Những phụ kiện như khung cửa, núm cửa được chế tạo và hoàn thiện một cách tỉ mỉ tạo ra sự sang trọng và thanh lịch.
![](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2023/12/23A12030-4-380x247.jpg)
![](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2023/12/23A12030-5-380x247.jpg)
3. Chi tiết liên kết
Các chi tiết liên kết giữa các cấu kiện với nhau gồm 5 loại là:
- Liên kết giữa nền – móng: Vì đặc điểm nền đất yếu với nhiều ao hồ của Hà Nội nên nền móng các công trình KTTĐP thường được gia cố bằng cọc tre và đầm chặt bằng một lớp đất xỉ trộn gạch vỡ trước khi đặt các cấu kiện Móng lên. Việc thi công ép cọc được thực hiện trực tiếp thủ công bởi nhân công địa phương;
- Liên kết giữa tường – cửa: Cửa được liên kết với tường qua hệ dầm xây dạng vòm cuốn gạch, lanh tô thép hình I hoặc lanh tô BTCT. Dầm xây dạng vòm cuốn gạch (có thể là vòm đơn hoặc vòm đôi) có khả năng chịu tải tương đối tốt nhờ vào việc truyền tải trọng trên đỉnh sang hai bên tường. Hình thức cong mềm mại và thẩm mỹ nên thường được thiết kế lộ ra hình thức bên ngoài mặt đứng để tạo điểm nhấn và sự sang trọng cho các ô cửa sổ hoặc cửa đi;
- Liên kết giữa tường – sàn: Tường tầng một có độ dầy tương đối lớn (350-550mm) và được tính toán xây giật cấp để tạo điểm gác dầm thép. Việc xác định độ dày tường của các tầng, vị trí gác dầm thép cũng như các chi tiết hoàn thiện để đảm bảo độ cứng chắc của liên kết, chống chịu tốt trước các điều kiện tự nhiên cho thấy kỹ thuật xây dựng cao ở các công trình KTTĐP.
- Liên kết giữa tường – mái: Ở các công trình mái dốc, hệ xà gồ mái thường được gác trực tiếp lên đỉnh tường. Cấu trúc liên kết giữa mái và tường thường thấy là dạng liên kết thanh và gối tựa cố định. Cầu phong li – tô gỗ gác lên hệ vì kèo thép tạo nên cấu trúc đỡ các vật liệu lợp mái và truyền toàn bộ tải trọng mái lên khối xây tường qua điểm tiếp xúc là trán tường. Đây cũng thường là vị trí có sê nô thóat nước, một chức năng quan trọng được nhận biết qua hình thức trang trí cầu kì ở trên mặt đứng;
- Liên kết giữa cột – sàn: Ở một số công trình khối xây gạch có xuất hiện cột thép gia cố chịu lực có đế bắt bu lông vào dầm thép của sàn. Cột sắt với mũ cột được chế tác tạo dạng khớp ngàm với dầm thép ở trên để giữ ổn định cho liên kết tựa;
4. Không gian chức năng
Trong KTTĐP thường có 4 loại không gian chức năng: Không gian bán hầm, không gian chức năng chính, không gian hành lang và không gian áp mái.
- Không gian bán hầm: Do đặc điểm kỹ thuật xây dựng nên chỉ xuất hiện ở một số công trình. Lúc đầu đây là không gian đơn thuần với chức năng kỹ thuật trong kỹ thuật xây dựng khối xây truyền thống, sau đó, không gian này mang đến những hiệu quả vi khi hậu rất hiệu quả ở Hà Nội như chống nồm, chống lụt, cách nhiệt…. Do đó, chúng vẫn xuất hiện ở các công trình phong cách Art deco và Đông Dương sau năm 1920;
- Không gian chức năng chính: Qua khảo sát, hầu như các các công trình KTTĐP có chức năng chính là cơ quan hành chính thuộc quyền sở hữu của các cơ quan nhà nước Chính phủ Việt Nam và một số ít đang bị bỏ hoang, không được khai thác sử dụng. Chúng đều đã được thay đổi chức năng một hoặc nhiều lần, có những chức năng mới hoàn toàn không phù hợp với công năng thiết kế ban đầu (trường học, bệnh viện… trở thành cơ quan hành chính). Gần đây, theo quyết định số 1259 có chủ trương di dời các cơ quan hành chính trong khu vực nội đô lịch sử một lần nữa đặt ra vấn đề về chuyển đổi chức năng thích ứng mới đối với các công trình KTTĐP để đảm bảo được giá trị của chúng;
- Không gian hành lang: Do có tính toán cẩn thận về hướng nắng gió và điểm nhìn, nên trong KTTĐP, các dạng hành lang khá đa dạng.Thường thấy là hành lang xung quanh hoặc hành lang bên chạy zigzac, từ đó tạo ra các lớp không gian đệm che chắn các không gian chính bên trong khỏi bức xạ mặt trời của hướng Tây/Đông. Đặc điểm này khác biệt hoàn toàn so với kiến trúc ở chính quốc nơi mà các không gian bên trong cần đón nhiều ánh nắng mặt trời;
- Không gian áp mái: Không gian áp mái với các nét đặc trưng là hệ xà gồ gỗ kết hợp thép hình cùng với các cửa sổ mái tạo ra lớp bảo vệ cách nhiệt và chống thấm cho toàn bộ công trình. Với lợi thế về ánh sáng và góc nhìn đẹp nên ở một số công trình không gian này đã được cải tạo thành không gian sử dụng.
![](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2023/12/23A12030-9-380x247.jpg)
![](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2023/12/23A12030-10-380x247.jpg)
Giá trị cấu trúc kiến tạo của kiến trúc thuộc địa Pháp đóng góp cho nội đô lịch sử Hà Nội
1. Giá trị thẩm mỹ biểu đạt
Sự kết hợp của các yếu tố CTKT của KTTĐP đã tạo nên những hình ảnh kiến trúc có tính thẩm mỹ biểu đạt nghệ thuật/văn hóa rất đặc trưng. Khảo sát cho thấy CTKT của KTTĐP đem lại những cảm xúc cho mạnh người xem và hầu hết đều là cảm xúc tích cực. Trong đó, gần một nửa số người được khảo sát cho rằng chúng biểu hiện cho truyền thống lịch sử văn hóa xã hội và gần 40% cho rằng chúng giúp kiến tạo lên hình ảnh nội đô lịch sử.
2. Giá trị khoa học kỹ thuật
Giá trị khoa học kỹ thuật được thể hiện qua khả năng lựa chọn và kết hợp tài tình các loại vật liệu địa phương và nhập khẩu của người Pháp trong tạo hình kiến trúc và các phương pháp xử lý không gian đệm được tính toán nhằm thích ứng với điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở Hà Nội. Cách xử lý tinh tế các chi tiết liên kết giữa các cấu kiện kiến trúc (gạch, ngói, tre cho trần và nền, vữa tam hợp, móng đá cách ẩm cho tường) và các bề mặt hoàn thiện kiến trúc vừa đảm bảo tính bền vững nhưng vẫn giữ được các nét văn hóa bản địa (hoa văn trang trí trên mặt đứng và trên gạch lát sàn).
3. Giá trị tạo lập bản sắc nội đô lịch sử
Những thành phần CTKT của KTTĐP đã góp phần tạo dựng lên những bản sắc riêng cho nội đô lịch sử Hà Nội qua các đặc tính sau:
- Tính nhận diện: Những biểu hiện của từng yếu tố như vật liệu (chất cảm, màu sắc), cấu kiện (đặc trưng cho các phong cách kiến trúc), liên kết (tinh tế và hiện đại) và không gian (tỉ lệ và mối liên hệ với bối cảnh) của KTTĐP tạo nên nét độc đáo và đặc biệt cho nội đô lịch sử Hà Nội. Hình ảnh khu phố cũ Hà Nội vẫn luôn được du khách nhớ tới với màu vàng đất của những khối tường và màu xám của hệ mái dốc bằng đá của các công trình kiến trúc uy nghiêm có tỉ lệ hình khối rõ ràng của ba phần đế – thân – mái…
- Tính lịch sử: Các yếu tố CTKT trong KTTĐP mang trong mình câu chuyện và thông điệp lịch sử của một thời kỳ chuyển giao từ kỹ thuật xây dựng truyền thống sang kỹ thuật xây dựng hiện đại của phương Tây. Lần đầu tiên tại Hà Nội, các vật liệu hiện đại được sử dụng như: Mái đá, ngói máy, thép hình, xi măng…đi liền với kỹ thuật xây dựng sử dụng hệ dầm thép hình, khối xây tường chịu lực kết hợp với vòm cuốn gạch. Nhưng bên cạnh đó vẫn giữ được những đặc tính vật liệu và kỹ thuật truyền thống như móng cọc tre, họa tiết trang trí truyền thống. Ngoài ra, các không gian chức năng sử dụng cho chế độ thực dân cũ và nay là cơ quan quan trọng của Nhà nước Việt Nam cũng đã đi liền với ký ức của người dân bản địa và các du khách quốc tế;
- Làm giàu văn hóa tinh thần: Sự kết hợp các yếu tố CTKT của KTTĐP tạo thành những “bức tranh tĩnh” nhiều thành phần và mầu sắc cũng như câu chuyện lịch sử văn hóa hình thành của chúng. Chúng đóng vai trò như những bằng chứng về quá khứ, giúp chúng ta hiểu về cuộc sống văn hóa và xã hội của những thế hệ đi trước. Chúng tạo nên những bối cảnh không gian đặc biệt và hấp dẫn cho cộng đồng do chúng đã trở thành các tác phẩm văn hóa nghệ thuật được bao quanh bởi “Trường văn hóa” thu hút nhiều tầng lớp xã hội đặc biệt là các giới tinh hoa đô thị (các nhà phê bình, các nhà truyền bá) và hơn cả là công chúng (người dân và du khách nước ngoài) [7];
- Làm tăng niềm tự hào dân tộc trong mỗi con người: Con người không chỉ nhận thức thế giới khách quan mà còn biểu thị thái độ chủ quan của mình đối với thế giới đó qua cảm xúc. Cảm xúc là đòn bẩy tác động đến những hoạt động nhận thức thẩm mĩ, và đặc biệt là có thể lan truyền từ người này sang người khác. Khi con người trong nội đô lịch sử có cảm xúc tích cực, xã hội sẽ có thêm nghị lực và củng cố ý chí, nâng cao niềm tự hào về nền văn hóa lịch sử của thủ đô Hà Nội.
![](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2023/12/23A12030-11-305x247.jpg)
![](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2023/12/23A12030-12-310x247.jpg)
![](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2023/12/23A12030-13-380x247.jpg)
4. Giá trị sử dụng
- Phát triển du lịch và kinh tế: Việc nhận diện đặc điểm và vai trò CTKT của KTTĐP có thể mở ra những hướng phát triển du lịch mới, hấp dẫn và thu hút du khách hơn. Làm rõ và phô diễn ra những nét độc đáo đến từ ý nghĩa của từng thành phần như vật liệu và kỹ thuật liên kết trong xây dựng của các công trình KTTĐP có thể thu hút lượng lớn du khách, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế địa phương;
- Tạo ra một môi trường sống tốt hơn: Bảo tồn và phục hồi di sản kiến trúc tạo ra một môi trường sống độc đáo, chúng trở thành địa điểm nuôi dưỡng tinh thần cho con người thủ đô trong quá trình phát triển của đô thị hóa. Những địa điểm này sẽ làm con người cảm thấy thân thiện hơn với không gian đường phố, tạo cảm giác năng động và tích cực tham gia vào các hoạt động trong đô thị, tạo ra sinh khí và môi trường sống năng động và giàu bản sắc;
- Kích thích sáng tạo và tư duy kiến trúc: Các giá trị về khoa học và thẩm mỹ của từng thành phần CTKT của KTTĐP có thể truyền cảm hứng và kích thích sự sáng tạo, trở thành nguồn cảm hứng cho các KTS và nhà thiết kế hiện đại. Đứng trước các thách thức của biến đổi khí hậu thì việc khai thác tốt các thủ pháp về sử dụng không gian đệm và các loại vật liệu trong KTTĐP là rất khả thi để hướng tới giải pháp thiết kế vi khí hậu (thông gió tự nhiên, chống nóng, chống nồm..). Hay như tính chân thực của vật liệu và cấu kiện biểu hiện qua khối tường dày, vòm gạch cuốn, màu tự nhiên của gạch đỏ và vôi ve… rất phù hợp trong các công trình thương mại dịch vụ hiện đại (quán cafe, quán ăn…) vừa tạo ra không gian ấp cúng vừa tạo sự gắn kết với bối cảnh lịch sử của nội đô Hà Nội.
Kết luận
CTKT của KTTĐP trong nội đô lịch sử Hà Nội lưu giữ trong mình nhiều giá trị về khoa học, lịch sử và văn hóa đóng vai rò quan trọng trong quá trình phát triển của NĐLS trong thời đại mới. Hiểu và biết cách khai thác đúng cách những đặc điểm và giá trị đó sẽ giúp ích cho diện mạo chung của đô thị, tránh được các hiện tượng sao chép để có được cái gọi là “phong cách kiến trúc Pháp” tràn lan trong đô thị Hà Nội như hiện nay.
ThS.KTS Lê Duy Thanh
Đại học Kiến trúc Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2023)
Tài liệu tham khảo
[1] R. Maulden, TECTONICS IN ARCHITECTURE: From the Physical to the Meta-Physical, MASSACHUSETTS: MIT, 1986.
[2] K. Frampton, Rappel an l’Ordre: The Case for the Tectonic, London: Cambridge Universtiy, 1990.
[3] K. Botticher, The Tectonic of the Hellenes 1843-1852, Potsdam: Riegel, 1852.
[4] G. Semper, The Four Elements of Architecture and Other Writings, London: Cambridge University Press, 1989.
[5] L. E. c. françaises.
[6] M.Bourniquel, Pour construire sa maison, Paris: Library Garnier Freres, 1921.
[7] Đ. V. Chúc, Xã hội học Văn hóa, NXB Văn hóa- Thông tin, 1997.
[8] K. Frampton, Studies in Tectonic Culture, London: MIT Express, 2001.
[9] H. Đ. Kính, Di sản văn hóa Bảo tồn và Trùng tu, NXB Văn hóa Thông tin, 2002.
[10] W. S. Logan, Hanoi: Biography of a City, 2000.
[11] H. Ngọc, Kiến trúc Pháp ở Hà Nội, Hà Nội: NXB Thế giới, 2006.
[12] P. Papin, Lịch sử Hà Nội, NXB Nhã Nam, 2009.
[13] L. T. Sơn, Hiện tượng cộng sinh văn hóa giữa tính truyền thống và hiện đại trong kiến trúc Việt Nam cuối thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20, Luận án Tiến sĩ, Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, 2003.
[14] P. P. Thảo, Khu phố Tây thông qua các tư liệu điền thổ, NXB Hà Nội, 2017.
[15] N. Q. Thông và T. Hùng, Thăng Long Hà Nội mười thế kỷ đô thị hóa, NXB Xây Dựng, 1995, pp. 60-63; 65; 67-68; 70-71; 73; 75-79; 84-86; 87-91; 94; 137-139; 141; 145-159;161.
[16] N. Đ. Toàn, Những nhân tố tự nhiên và truyền thống văn hóa bản địa trong kiến trúc thời Pháp thuộc ở Việt Nam, 1998.
[17] N. Q. Tuân, Bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc đô thị khu phố Pháp tại thành phố Hải Phòng, Hà Nội: ĐHKT HN, 2014.
[18] N. Q. Tuân, Phát huy giá trị kinh tế của di sản đô thị thời Pháp thuộc trong phát triển đô thị Hà Nội và TPHCM, Hà Nội: VOV5, 2023.
The post Nhận diện cấu trúc kiến tạo của kiến trúc thuộc địa Pháp và các giá trị đóng góp cho nội đô lịch sử Hà Nội appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/tMcd7hk
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét