Thứ Năm, 14 tháng 12, 2023

Phát triển cụm liên kết ngành đóng tàu trên thế giới và kinh nghiệm cho Quảng Ninh

Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam về Chiến lược phát triển bền vững nền kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã nêu rõ: Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh và giàu dựa vào biển. Tuy nhiên, tình hình chung về công nghiệp biển nói chung cũng như công nghiệp đóng tàu nói riêng của nước ta hiện nay còn yếu, cần phải có sự thay đổi, nhất là về các mô hình công nghiệp mới. Trên thế giới, đã có khá nhiều mô hình công nghiệp được nghiên cứu và xây dựng, tuy vậy, thực tế cho thấy mô hình Cụm liên kết ngành (Industrial Cluster) là nổi bật hơn cả và đang được áp dụng tại rất nhiều quốc gia có nền công nghiệp phát triển. Bài báo giới thiệu một số cụm liên kết ngành đóng tàu tại các nước phát triển trên thế giới và từ đó rút ra một số kinh nghiệm nhằm phát triển cụm liên kết ngành đóng tàu cho Quảng Ninh.

Khái niệm về cụm liên kết ngành

Cụm liên kết ngành (Industrial Cluster), là một khái niệm được phát triển bởi GS Michael E.Porter, thuộc trường ĐH Harvard, trong đó, một nhóm các doanh nghiệp có sự tương đồng hoặc tương hỗ trong 1 lĩnh vực cụ thể liên kết lại với nhau (cùng với các thể chế hỗ trợ) và cùng quy tụ tại một khu vực địa lý nhất định. Bên cạnh đó, sự tham gia trực tiếp của các cơ sở đào tạo hay các viện nghiên cứu nhằm cung cấp nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cho cụm.

Cặp siêu tàu cặp cảng Quốc tế Hạ Long (Ảnh: Đỗ Phương)

Kinh nghiệm của các nước phát triển

Hình 1. Vị trí các tổ chức thuộc cụm liên kết ngành đóng tàu tại Đức (Nguồn: Tác giả)

1. Kinh nghiệm của CHLB Đức

Sau ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, ngành công nghiệp đóng tàu tại Đức hiện nay đã trở nên chuyên biệt hóa, tập trung vào những sản phẩm có sự tùy chỉnh về mẫu mã, trang thiết bị và đòi hỏi một hệ thống kỹ năng tích hợp cao. Chính phủ liên bang Đức đã tập trung hỗ trợ tài chính cho ngành công nghiệp cũng như việc nghiên cứu, phát triển để có thể cạnh tranh với các công ty đóng tàu nước ngoài, thông qua việc bảo lãnh các khoản vay và hỗ trợ từ các hiệp định quốc tế.

Để hình thành nên Cụm liên kết ngành đóng tàu tại Đức, cần phải có sự liên kết giữa các tổ chức dưới đây:

  • Doanh nghiệp đóng tàu chủ chốt: Theo tính toán sơ bộ, hiện tại trên nước Đức có khoảng 2.800 công ty, bao gồm các công ty đóng tàu và các công ty thuộc ngành công nghiệp phụ trợ. Các cơ sở đóng tàu được xây dựng tập trung tại các khu vực thuộc phía Bắc nước Đức;
  • Ngành công nghiệp phụ trợ đóng tàu: Tại Đức, những nhà máy thuộc ngành công nghiệp phụ trợ đã cung cấp cho các cơ sở đóng tàu nhiều nguồn nguyên liệu và trang thiết bị lên đến 70% giá trị con tàu khi nó xuất xưởng. Ngành công nghiệp phụ trợ của Đức có vị thế dẫn đầu trên giới trong một số lĩnh vực như: Sản xuất động cơ diesel, hệ thống động lực (động cơ, cánh quạt), công nghệ tự động hóa và công nghệ thân thiện môi trường;
  • Đào tạo nguồn nhân lực ngành đóng tàu: Hiện nay, có 6 trường ĐH tập trung cho ngành hàng hải tại Berlin, Bremen, Duisburg, Hamburg, Kiel và Rostock đã cùng với các công ty đóng tàu phát triển các chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cùng với đó là trường ĐH Flenburg đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật hàng hải. Trong chương trình, các sinh viên được kết hợp đào tạo, ngoài việc học về lý thuyết tại các trường ĐH, họ còn được đào tạo thực hành tại các nhà máy, những nơi mà sau này có thể là nơi làm việc của họ;
  • Tổ chức khoa học – công nghệ: Đổi mới và sáng tạo khoa học công nghệ là rất quan trọng cho ngành công nghiệp đóng tàu Đức có thể duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành vói các cường quốc đóng tàu khác trên thế giới. Các công ty đóng tàu và sản xuất thiết bị phụ trợ tại Đức đang tập trung phát triển kỹ thuật ở ba lĩnh vực “E” chính, đó là: Kiểm soát khí thải (emissions), tăng cường hiệu quả (efficiency) và cải thiện môi trường (enviroment).

2. Kinh nghiệm của Hàn Quốc

Các Cụm liên kết ngành đóng tàu tại Hàn Quốc hiện nay, ngoài chuỗi sản xuất đã được định hình với sự đóng góp của các doanh nghiệp thượng nguồn và hạ nguồn, chuỗi giá trị bao gồm nhiều hoạt động từ khâu thiết kế tàu cho đến khâu dịch vụ sau bán hàng cũng như kết nối với các lĩnh vực khác như Logistic hay công nghệ thông tin, góp phần tăng tính phức tạp trong quy trình sản xuất đòi hỏi phải có sự tham gia của nhiều đơn vị sản xuất khác nhau, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm.

Để hình thành Cụm liên kết ngành đóng tàu tại Hàn Quốc, cần phải có sự liên kết giữa các tổ chức dưới đây:

  • Vị trí Cụm liên kết ngành đóng tàu tại Hàn Quốc: Cụm liên kết ngành đóng tàu của Hàn Quốc nằm tại vùng Gyeongnam, về phía Đông Nam của Hàn Quốc. Các cơ sở tập trung chủ yếu ở những vùng như Ulsan, Busan và huyện Geoje, bởi có lợi thế từ vùng nước sâu;
  • Doanh nghiệp đóng tàu chủ chốt: Theo dữ liệu KOSHIPA (Korea Offshore and Shipbuilding Association – Hiệp hội Đóng tàu biển Hàn Quốc), được cung cấp bởi chính phủ Hàn Quốc năm 2013, đã có tổng cộng 80 cơ sở đóng tàu trên toàn lãnh thổ, trong đó, có 9 cơ sở có năng lực đóng những loại tàu trọng tải lớn, độ phức tạp cao và 71 cơ sở còn lại là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN);
  • Ngành công nghiệp phụ trợ đóng tàu: Ngành công nghiệp thép bao giờ cũng là ngành công nghiệp phụ trợ quan trọng nhất của ngành đóng tàu. Hàn Quốc là nhà sản xuất thép lớn thứ 6 trên thế giới (theo KOSA 2013). Ngành công nghiệp thiết bị hàng hải cũng là một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng đóng tàu. Theo báo cáo từ Hiệp hội trang thiết bị Hàng hải Hàn Quốc (KOMEA), hiện đang có khoảng hơn 1.000 công ty có liên quan đến trang thiết bị hàng hải;
    Hình 2. Cơ cấu cụm liên kết ngành đóng tàu tại Đức (Nguồn: Tác giả)
  • Đào tạo nguồn nhân lực đóng tàu: Các doanh nghiệp đóng tàu luôn thúc đẩy, tăng cường các mối liên kết tổng hợp với các trường ĐH. Ví dụ: Công ty đóng tàu thuộc Tập đoàn Samsung (SHI) đã kết hợp với khoa Đóng tàu thuộc trường ĐH Quốc gia Pusan và Cục kỹ thuật Hàng Hải, triển khai các khóa học nhằm mục đích mở rộng cơ hội đào tạo công nhân có tay nghề đóng tàu và nâng cao trình độ của nhân viên;
  • Tổ chức khoa học – công nghệ: Trong những năm vừa qua, ngành công nghiệp đóng tàu Hàn Quốc đã đẩy mạnh đầu tư vào phát triển công nghệ R&D. Hiện nay, có rất nhiều tổ chức nghiên cứu, đổi mới và sáng tạo cho ngành công nghiệp đóng tàu tại Hàn Quốc, như Viện Nghiện cứu khoa học và công nghệ biển Hàn Quốc (KIOST), Viện Nghiên cứu thiết bị biển Hàn Quốc (KOMERI), Viện Nghiên cứu các doanh nghiệp đóng tàu vừa và nhỏ (RIMS).
    Hình 3. Vị trí cụm liên kết ngành đóng tàu tại Hàn Quốc (Nguồn: Tác giả)

Bài học kinh nghiệm cho Quảng Ninh để phát triển cụm liên kết đóng tàu

Trong những năm vừa qua, ngành công nghiệp đóng tàu nước ta dù đã có sự phát triển đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn gặp phải những khó khăn đã tồn đọng trong rất nhiều năm. Thực trạng các nhà máy đóng tàu tại nước ta nói chung, cũng như Quảng Ninh nói riêng chưa được đầu tư đồng bộ, trang thiết bị công nghệ, mức độ tự động hóa thấp; trình độ công nghệ sản xuất còn hạn chế. Ngành công nghiệp phụ trợ chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất, phần lớn vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài, trong khi đó, nguồn nhân lực ngày càng ít.

Hình 4. Cơ cấu cụm liên kết ngành đóng tàu tại Hàn Quốc (nguồn: tác giả)

Vậy nên, từ những bài học kinh nghiệm về phát triển Cụm liên kết ngành tại các quốc gia cho nền công nghiệp đóng tàu phát triển, có thể rút ra được cho Quảng Ninh những bài học kinh nghiệm sau đây:

Thứ nhất, cần xác định rõ doanh nghiệp chủ chốt cho Cụm liên kết ngành đóng tàu. Qua kinh nghiệm phát triển Cụm liên kết ngành trên thế giới, dựa vào quy hoạch ngành công nghiệp tổng thể và quy hoạch ngành, kết hợp với những báo cáo về ngành công nghiệp mũi nhọn, có thể thấy rằng việc xác định doanh nghiệp chủ chốt là hết sức quan trọng, làm tiền đề cho việc hình thành nên Cụm liên kết ngành;

Thứ hai, cần thiết lập mối liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp cung ứng địa phương. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, văn hóa hợp tác giữa các doanh nghiệp đang là khâu yếu của các doanh nghiệp Việt Nam. Để Cụm liên kết ngành đóng tàu có thể phát triển bền vững, cần phải đẩy mạnh dự liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau, đặc biệt là tại địa phương;

Thứ ba, đầu tư và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng hiện có trên địa bàn. Hiện đại hóa cơ sở hạ tầng là một trong những điều kiện hết sức quan trọng trong việc thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào cụm liên kết ngành đóng tàu nhằm đem đến những sản phẩm đạt chất lượng cao nhất. Hiện đại hóa cơ sở hạ tầng sẽ góp phần giảm bớt những chi phí phát sinh không đáng có cho nhà đầu tư và giúp hàng hóa của họ lưu thông dễ dàng hơn trên thị trường;

Thứ tư, liên kết chặt chẽ với các cơ sở đào tạo nhằm phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ ngành đóng tàu. Bên cạnh đó, hình thành những khu vực nghiên cứu và phát triển tập trung cho ngành công nghiệp đóng tàu. Mô hình Cụm liên kết ngành về bản chất chính là hợp tác cùng phát triển, trong đó, ngoài sự hỗ trợ từ nhà nước, chính quyền địa phương thì các tổ chức như các trường ĐH và các viện nghiên cứu cũng thường xuyên cung cấp, kết quả nghiên cứu hỗ trợ cho sự đổi mới và nâng cấp công nghệ trong cụm. Trong lĩnh vực đóng tàu và đặc biệt là ngành công nghiệp phụ trợ, yêu cầu đặt ra cho R&D và đổi mới trong sản xuất là rất lớn và cùng hợp tác với một số doanh nghiệp nhằm thành lập trung tâm nghiên cứu công nghệ sản xuất.

Kết luận

Xét theo vị thế của Quảng Ninh cho thấy, quy hoạch xây dựng cụm liên kết ngành đóng tàu là rất thuận lợi, là địa bàn có truyền thống trong lĩnh vực đóng tàu nên hệ thống cơ sở vật chất đã tương đối đầy đủ. Hệ thống cơ sở hạ tầng tại khu vực này được đánh giá là tốt so với các khu vực khác trên cả nước.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy, việc đầu tư xây dựng hệ thống căn bản, phải có sự tác động mạnh mẽ từ phía Nhà nước, nhà nước tham gia với vai trò chủ đạo, kết hợp với các bên có liên quan nhằm xây dựng mô hình phát triển bền vững cho đất nước. Cụm liên kết ngành đóng tàu được đầu tư xây dựng và vận hành hiệu quả sẽ là động lực to lớn nhằm thúc đẩy nền kinh tế của địa phương và của cả đất nước trong tương lai.

ThS.KTS Lê Đỗ Đạt
Khoa Kiến trúc và Quy hoạch – Đại học Xây dựng Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2023)


Tài liệu tham khảo
[1] Ban Chấp hành Trung ương (2018), Nghị quyết số 36-NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững nền kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045;
[2] Michael E.Porter, sách “Chiến lược cạnh tranh Quốc gia”, NXB Trẻ;
[3] Lê Đỗ Đạt (2014). Cơ sở khoa học cho việc quy hoạch xây dựng Cụm kinh tế đóng tàu phục vụ du lịch biển tại Hải Phòng và Quảng Ninh, ĐH Xây dựng Hà Nội, 2014;
[4] John Chen, “Shipbuilding Cluster in the Republic of Korea”, Harvard Business School;
[5] OECD (2015), “Peer Rewiew of the German Shipbuilding Industry” report (2015);
[6] OECD (2014), “Peer Rewiew of the Korean Shipbuilding Industry and Related Government Policies” report (2014)..

The post Phát triển cụm liên kết ngành đóng tàu trên thế giới và kinh nghiệm cho Quảng Ninh appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/PxnNaE7
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét