Đặt vấn đề
Để xây dựng phong cách Nội thất của Việt Nam, trước hết chúng ta cần những nhà thiết kế Việt đúng nghĩa, những con người sáng tạo dám dấn thân vì những mục tiêu mang tầm quốc gia. Mục tiêu lớn đó đạt được bởi hàng loạt những sáng tạo, thử nghiệm nhỏ bé nhất, những thiết kế đi từ cái tôi gắn với bản sắc dân tộc. Thành tựu mà Kiến trúc – Nội thất Việt Nam đạt được gần đây tuy còn nhỏ bé so với thế giới nhưng cũng đủ để nhận ra một xu hướng, một phong cách đang thành hình. Trong các công trình giải thưởng trong nước và quốc tế ở lĩnh vực nhà ở nhỏ, có một đặc điểm chung là việc sử dụng vật liệu khá sáng tạo và phong phú thông qua các “chất cảm” mang màu sắc bản địa từ nội thất cho tới ngoại thất. Chính các giải pháp sử dụng vật liệu ấy góp phần quan trọng cho sự biểu hiện của mã gen Việt trong không gian Kiến trúc – Nội thất. Bài viết nhỏ này xin chỉ tập trung vào một thành tố nhỏ trong phạm trù “Hồn Việt trong không gian nội thất nhà ở” – Các vật liệu hoàn thiện. Chính các vật liệu này vừa là phương tiện trước mắt nhưng cũng là mục tiêu trong tương lai mà ngành vật liệu xây dựng Việt Nam nói chung, ngành Nội thất nói riêng cần hướng tới. May mắn thay, các nhà thiết kế hiện nay có dư thừa các vật liệu để tạo cảm xúc cho công trình nhưng cũng không may bởi đa phần chúng là những vật liệu có nguồn gốc và “thẩm mỹ nhập khẩu”. Chúng ta thừa sự lựa chọn các vật liệu hoàn thiện made in China, EU, America… nhưng lại rất thiếu các vật liệu hoàn thiện mới có đặc trưng của điều kiện tự nhiên và văn hoá Việt. Dù có được sản xuất trong nước, đa số các vật liệu hoàn thiện trần, tường, sàn,… của chúng ta vẫn dựa vào hay lệ thuộc bởi mẫu mã công nghệ nước ngoài. Nên các thiết kế nhà ở hiện nay, kể các đạt giải hay chưa đạt giải, vẫn phản ánh đúng tình trạng mà ngành vật liệu đang gặp phải – Tỷ trọng vật liệu, chất cảm đặc trưng bản địa còn thấp. Xem xét kỹ hơn vào trong từng bộ phận cấu thành không gian nội thất các công trình, chúng ta thấy các vật liệu mang “hồn Việt” vẫn ở mức độ rất khiêm tốn và có phần cũ kỹ như gạch đất nung, gỗ tự nhiên,… được gia công theo phương pháp đã có phần lạc hậu. Đất nước ta với đầy ắp các nguồn vật liệu địa phương truyền thống như đất, đá, gỗ, gốm, sứ, sơn mài … chưa được khai thác một cách tối ưu vào công trình với những công nghệ mới tạo ra những bản sắc mới của vật liệu hoàn thiện. Người thiết kế hiện nay đang thiếu “đồ chơi” trên góc độ vật liệu để thổi thêm hồn Việt vào ngôi nhà Việt.
Vai trò của vật liệu hoàn thiện trong thể hiện bản sắc của không gian nội thất
Nếu con người có một làn da để bao che và bảo vệ cơ thể, còn quần áo, thời trang là “làn da” thứ hai, thể hiện cá tính thì nội thất được ví như “làn da” thứ ba của người ta phản ánh trình độ văn minh của con người. Trong ngôi nhà thì vật liệu hoàn thiện nội thất đại diện cho làn da thứ ba ấy. Bước chân trên một nền nhà vững chắc hay êm ái, các bề mặt không gian nhẵn bóng hoặc xù xì, hay một căn phòng thoang thoảng hương gỗ pơ mu, hương hoa tất cả các thứ đó tác động thật gần và chạm tới ngũ quan của con người. Trong không gian nội thất, vật liệu là thứ đầu tiên truyền đạt cảm xúc của người thiết kế và góp phần quan trọng hàng đầu, tạo nên phần hồn của một không gian.
Cha ông ta luôn để lại bài học trong xây dựng và sử dụng vật liệu nội thất như một sự thông thái bản địa. Lấy một ví dụ, có vật liệu nào đóng vai trò trung tính và đa nhiệm như một tấm chiếu cói? Mát về mùa hè ấm về mùa đông, có thể giặt rửa phơi phóng và sử dụng vô cùng linh hoạt. Từ việc thu hoạch, chế biến đan lát thủ công dễ dàng, manh chiếu xưa sống cùng với người Việt từ khi sinh ra… đủ bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông thậm chí gắn với người ta khi lìa xa trần thế. Thử hỏi ngày nay có vật liệu nào xanh, sạch, thân thiện và bền vững như thế!
Mấy dòng cảm xúc về một loại vật liệu truyền thống đã và đang bị mai một không chỉ là sự tiếc nuối mà còn nhắc ta khi làm thiết kế nội thất một công đoạn phổ biến là xây dựng “mood broard” tức là lựa chọn các vật liệu chính mang lại các cảm xúc cần có của một thiết kế. “Bảng vật liệu cảm xúc” này là minh chứng rõ ràng cho vai trò của việc sử dụng vật liệu trong thiết kế nội thất. Nó xứng đáng được vinh danh là “phần hồn” của thiết kế. Vậy một thiết kế mang hồn Việt nhất thiết phải có vật liệu Việt. Một không gian nội thất mang phong cách Việt Nam đương đại cần lắm những vật liệu hoàn thiện nội thất Việt mới mẻ tương xứng. Nói như vậy, vật liệu không chỉ là phương tiện của thiết kế mà còn là cơ sở và cơ hội để người thiết kế xây dựng ý tưởng cho không gian của mình.
Thực tế, một số tác phẩm nội thất thành công gần đây cho thấy câu chuyện về khai thác các vật liệu đất nung, mây tre truyền thống đã mang lại những cảm xúc riêng có của không gian Việt hiện đại khi được kết hợp khéo léo tới các vật liệu nhập khẩu. Nhìn ở góc độ khoa học về môi trường không khí trong nhà – Theo một tiêu chí của kiến trúc xanh thì vật liệu hoàn thiện nội thất lại là tác nhân chính giúp hoàn thiện tiêu chí quan trọng này khi không phát thải các chất độc hại, góp phần tạo ra sự dễ chịu cho các giác quan, thậm chí chạm tới cả các cảm xúc về giá trị tinh thần. Những thuần phong mỹ tục của người
Việt như tục thờ cúng tổ tiên, gia phong và văn hoá ở của các gia đình sẽ được phát huy bồi đắp thông qua một phần nhỏ các vật liệu Việt. Việc du nhập các công nghệ và vật liệu hiện đại của thế giới là hết sức cần thiết – song đã đến lúc chúng ta, những nhà thiết kế, nhà sản xuất vật liệu Việt Nam cần chung sức cho ra đời và làm phong phú thêm kho tàng vật liệu nội thất Việt. Có như thế, chúng ta mới sớm xây dựng và hoàn thành phong cách nội thất Việt Nam đương đại. Bản sắc trước hết từ cách sáng tạo vật liệu truyền thống, cách sản xuất vật liệu mới của người Việt cho người Việt sẽ giúp cho không những ngành vật liệu và thiết kế của chúng ta có chỗ đứng trên quốc gia và vươn tầm ra với thế giới.
Thay lời kết
Xác định được tầm quan trọng và vai trò then chốt của vật liệu hoàn thiện nội thất trong xây dựng phong cách Kiến trúc – Nội thất Việt Nam. Chúng ta, những người làm thiết kế bên cạnh việc tiếp thu tinh hoa thế giới cần tiếp tục đào sâu, khai thác kho tàng vật liệu dựng nhà của ông cha trong môi trường sinh thái nhân văn hiện đại, cho ra đời các vật liệu mới mang mã gen Việt. Với sự chung tay của các bên liên quan, nhà quản lý, nhà thiết kế, nhà sản xuất và cả người dân vì mục tiêu chung là khẳng định phong cách Kiến trúc – Nội thất Việt Nam. Chúng ta cùng kiện toàn hệ thống vật liệu nội thất của riêng mình với công nghệ mới, chất cảm bản địa mới, thử nghiệm, ứng dụng vào các sáng tác mang đậm “hồn Việt”. Ta cùng kiến tạo “Thư viện” vật liệu nội thất Việt Nam, vừa là phương tiện vừa trở thành mục tiêu để người thiết kế có nhiều hơn cơ hội thể hiện tinh thần Việt Nam trong những thiết kế mới của mình.
PGS.TS.KTS Vũ Hồng Cương
Phó Chủ tịch Hội Nội thất Việt Nam
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 11-2023)
The post Vật liệu hoàn thiện nội thất nhà ở Việt Nam đương đại appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/PWDOnuS
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét