Thứ Năm, 14 tháng 12, 2023

Nhận diện quy hoạch kiến trúc Quảng Ninh: Tầm nhìn và chiến lược phát triển

Quảng Ninh là một tỉnh ven biển, có tổng diện tích tự nhiên trên đất liền 6.206,9km2, với 13 đơn vị hành chính gồm 04 thành phố (Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí); 02 thị xã (Quảng Yên, Đông Triều), và 07 huyện (Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Ba Chẽ, Vân Đồn, Cô Tô).

Trong bối cảnh các tỉnh thành trên toàn quốc cần lập điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với các nhu cầu mới của tỉnh và các yêu cầu mới của Luật Quy hoạch 2017 (có hiệu lực từ tháng 01/2019), Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021–2030 với tầm nhìn đến năm 2050, đã được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 2/2023. Bước tiếp theo sẽ là việc thu hút đầu tư và phát triển các dự án theo quy hoạch được duyệt.

Sơ đồ phân vùng và tổ chức không gian phát triển tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn 2050

Để góp phần giúp tỉnh Quảng Ninh chuẩn bị cho các bước tiếp theo để hiện thực hóa quy hoạch, bài viết này đóng góp một số định hướng chiến lược quan trọng, trong việc thực thi các dự án bảo tồn, chỉnh trang và phát triển bản sắc đô thị cho Quảng Ninh, gắn kết với các kế hoạch và chương trình thực hiện quy hoạch trong thời gian tới. Trong đó, bao gồm năm định hướng chiến lược chủ đạo như sau:

1. Bảo tồn, chỉnh trang và phát triển Quảng Ninh theo định hướng bền vững, dành ưu tiên cho việc bảo vệ môi trường

Quảng Ninh có nhiều tài nguyên đa dạng với trữ lượng lớn, đặc biệt là than, khoáng sản cần thiết cho việc sản xuất vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, phát triển công nghiệp có thể gây tác động môi trường, gây ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển đô thị và du lịch.

Đặc biệt, vùng Vịnh Hạ Long và Quần đảo Cát Bà trong tháng 9/2023, vừa được Ủy ban Di sản thế giới UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới, cần được bảo tồn nghiêm ngặt không chỉ trong vùng, mà cả ở vùng không gian lân cận giáp ranh, là những nơi đang chịu nhiều áp lực phát triển nhà cao tầng và các không gian đô thị, nhưng nếu không thận trọng thì có thể xâm phạm đến giá trị của Vùng Di sản Thiên nhiên Thế giới.

Do đó, Quảng Ninh cần chuyển dần cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, bao gồm việc phân vùng chức năng phù hợp với nhu cầu đa dạng của các hệ sinh thái phát triển, với yêu cầu khác nhau về chất lượng môi trường.

Các khu vực có tiềm năng cao về phát triển du lịch cao cấp và đô thị nghỉ dưỡng, cần được bảo vệ môi trường với chất lượng cao nhất, tách biệt hoàn toàn với các khu vực phát triển công nghiệp và cảng biển, là nơi được quan tâm đảm bảo tác động môi trường phải nằm trong giới hạn có thể cho phép.

Trong khi phải đương đầu với nhiều nguy cơ do bão, lũ lụt, sạt lở đất, Quảng Ninh còn có quỹ đất đô thị tại tập trung chủ yếu tại vùng ven biển, cũng là nơi phải đối phó với nguy cơ biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đây là các yếu tố cần được nghiên cứu thận trọng để có giải pháp ứng phó phù hợp, tích hợp vào các quy hoạch và kế hoạch thực hiện quy hoạch trong giai đoạn sau.

2. Giữ gìn và phát huy các giá trị bản sắc mà Quảng Ninh đang sở hữu, song song với việc tạo ra các giá trị bản sắc mới

Quảng Ninh là tỉnh có nhiều di sản văn hóa và di sản thiên nhiên quý báu. Trong đó, có 8 di tích được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt gồm: Danh lam thắng cảnh Vịnh Hạ Long (đồng thời cũng là là Di sản Thiên nhiên Thế giới UNESCO), khu di tích lịch sử nhà Trần (Đông Triều), Khu di tích lịch sử Bạch Đằng, Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử, Đền Cửa Ông – Cặp Tiên và Khu di tích Bác Hồ trên đảo Cô Tô, hai di tích mới được công nhận là: Thương cảng Vân Đồn và đình Trà Cổ. Quảng Ninh còn có 54 Di tích Quốc gia, 85 di tích cấp tỉnh, 541 Di sản Văn hóa vật thể, hơn 2.800 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể, 119 lễ hội trong đó có 76 lễ hội được đưa vào danh mục di sản văn hóa, 07 Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia… Do vậy, Quảng Ninh cần đặt ưu tiên cho việc quy hoạch và chính sách bảo vệ các di sản văn hóa và thiên nhiên, trước khi xem xét các đề xuất phát triển các dự án đô thị quy mô lớn, nhằm tạo ra các bản sắc mới trong thế kỷ 21.

Hạ Long – Đô thị bên bờ Di sản (Ảnh: Hoàng Ngọc Nghĩa)

Đặc biệt, Quảng Ninh cần hết sức thận trọng trong việc xét duyệt các dự án phát triển mới nằm ở các khu vực lân cận hoặc nằm trong các vùng ảnh hưởng xung quanh các di sản quan trọng như: Khu bảo tồn biển trong vùng Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, Khu bảo tồn biển Cô Tô, Đảo Trần, Vườn quốc gia Bái Tử Long, Rừng Quốc gia Yên Tử, Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn – Kỳ Thượng, Khu bảo tồn Quảng Nam Châu, Khu bảo tồn đất ngập nước Đồng Rui – Tiên Yên, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Quang Hanh, và vùng ảnh hưởng cần được bảo vệ của các khu di tích, di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh khác.

3. Tối ưu hóa việc khai thác giá trị quỹ đất đô thị có quy mô khá hạn chế của Quảng Ninh để tạo ra các giá trị cộng hưởng trong phát triển

Quảng Ninh là địa phương có diện tích lớn nhất vùng Đồng bằng sông Hồng (bao gồm 11 tỉnh thành: Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ninh). Tuy nhiên, Quảng Ninh lại không có nhiều quỹ đất cho phát triển kinh tế đô thị, do khoảng 80% diện tích là đồi núi.

Ngôi nhà đá phủ mái cỏ tại thị xã Đông Triều giành giải Kiến trúc Xanh Việt Nam

Ngoài ra, Quảng Ninh cũng đang đối mặt với thách thức cần thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, do hiện nay vẫn còn xu hướng di cư ra ngoài tỉnh để sinh sống và làm việc, trong khi tỷ lệ nhập cư chưa đủ cao tương ứng. Để biến những thách thức nói trên thành cơ hội, Quảng Ninh cần có các giải pháp tối ưu hóa việc khai thác giá trị quỹ đất đô thị có quy mô khá hạn chế của tỉnh, để tạo ra các giá trị cộng hưởng trong phát triển, ví dụ như:

  • Phát triển khu đô thị sân bay, khu đô thị biển đa chức năng, các khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng, và các khu đô thị nông nghiệp sinh thái, kết hợp nuôi trồng thủy sản, gắn kết hài hòa với nhau trong Khu kinh tế ven biển Vân Đồn và các khu vực tiềm năng;
  • Phát triển các đô thị biển với chức năng đa dạng, liên kết với các khu giáo dục đào tạo, y tế, công nghiệp công nghệ cao, cảng biển trong khu vực, với kết nối giao thông công cộng thuận tiện với các đô thị xung quanh, theo hướng tạo ra các khu vực cộng đồng có đời sống tiện nghi với đầy đủ cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội hoàn chỉnh, có nhiều cơ hội công ăn việc làm,… để thu hút mạnh mẽ nguồn dân cư chất lượng cao và nguồn nhân lực mới về cho tỉnh và cho các khu kinh tế trọng điểm khác như Khu kinh tế ven biển Quảng Yên, Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái, Khu kinh tế Cửa khẩu Bắc Phong Sinh, và Khu kinh tế Cửa khẩu Hoành Mô – Đồng Văn.
  • Xây dựng khu đô thị đại học chất lượng cao, đi kèm với chính sách khuyến khích đào tạo nguồn nhân lực và thu hút nhân tài về cho tỉnh.

Khai thác các cơ hội mới về phát triển kinh tế xã hội trong quá trình thực hiện mô hình “TP trong TP”

Trước đây Tỉnh Quảng Ninh đề xuất mô hình TP trực thuộc Trung ương theo mô hình riêng, hiện đang chờ bổ sung thêm các hướng dẫn quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật. Trong đó, thay vì hình thành các quận, thì sẽ hình thành vùng nội thị gồm 07 TP trong TP, được liên kết với nhau, bao gồm: Hạ Long, Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều, Cẩm Phả, Vân Đồn, Móng Cái.

Công viên hoa Hạ Long (Ảnh: Hoàng Ngọc Nghĩa)

TP Thủ Đức, đô thị đầu tiên được Chính phủ và Quốc hội đồng ý chủ trương thành lập theo mô hình “TP trong TP” từ năm 2020, cho đến nay vẫn chưa đạt thành tựu tổng hợp nào thật sự nổi bật hơn so với trước kia, khi ba quận (quận 2, quận 9, và quận Thủ Đức) còn đang tách rời.

Việc chọn mô hình “TP trong TP” là một trong các chiến lược chủ đạo cho hướng phát triển tương lai của tỉnh Quảng Ninh, là thách thức khá lớn trong việc đi đầu tổ chức thực hiện mô hình này. Bởi lẽ, cho dù hiện nay nhiều tỉnh thành trong cả nước đang nhân rộng việc đưa mô hình “TP trong TP” vào trong quy hoạch dài hạn, cho đến nay, vẫn chưa có đô thị nào đạt được thành công nổi bật trong việc thực hiện mô hình này, do nhiều lý do chủ quan và khách quan.

Mùa vàng Bình Liêu (Nguồn: UBND huyện Bình Liêu)

Nhưng đồng thời, điều này cũng sẽ là cơ hội để Quảng Ninh đi đầu trong việc thực hiện thành công, để có thể nhân rộng mô hình này trong cả nước dựa trên cơ sở khoa học và các thành tựu thực tiễn, trong đó Quảng Ninh có thể tận dụng thực lực về cải tổ hành chính và cơ chế mới của tỉnh trong thời gian qua, mở ra cơ hội khai thác các tiềm năng mới về phát triển kinh tế xã hội còn chưa được khai phá, để đóng góp cho phát triển chung của tỉnh.

5. Nâng tầm phát triển kinh tế biển trong tương quan liên kết vùng quốc gia và quốc tế

Trong số các tỉnh thành ven biển của Việt Nam, Quảng Ninh có nhiều điều kiện rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế biển đa dạng.

Với vùng biển và hải đảo rộng khoảng 6.100 km2, Quảng Ninh có nhiều hòn đảo có cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, nổi bật là di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, là tiền đề quan trọng cho việc phát triển du lịch quốc tế.

Với bờ biển dài 250km và vùng biển rộng lớn có nguồn tài nguyên biển phong phú đa dạng, nguồn lợi thủy sản dồi dào, và cảng quốc tế nước sâu (Hòn Gai – Cái Lân), có trữ lượng điện gió ngoài khơi thuộc loại lớn nhất cả nước, Quảng Ninh có nhiều lợi thế trong việc phát triển đô thị cảng biển gắn với đô thị công nghiệp, đóng vai trò quan trọng trong tương quan liên kết vùng quốc gia và quốc tế, đặc biệt là các cơ hội nâng cao vị thế của mình trong chuỗi đô thị của hai hành lang kinh tế chiến lược: Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.

Nhìn lại, trong giai đoạn 2017 – 2020, tỉnh Quảng Ninh liên tục đứng đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và cải cách hành chính (PAR), và đạt được tốc độ tăng trưởng GRDP khá cao với bình quân 10,7%/năm.

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế quốc gia và quốc tế hậu đại dịch Covid 19, Quảng Ninh cần nhanh chóng thực thi các định hướng chiến lược có trọng tâm bền vững với tư duy đột phá, để giúp cho việc sớm hồi phục kinh tế và khai phá các cơ hội mới nhằm nâng tầm phát triển của tỉnh lên tầm cao mới, trong đó cần dành ưu tiên cho việc bảo vệ môi trường sống và bảo vệ các di sản văn hóa và di sản thiên nhiên, trong khi chuyển hướng phát triển mới tận dụng các thế mạnh và nguồn tài nguyên của tỉnh, theo hướng đảm bảo an cư lạc nghiệp cho mọi người dân.

 TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2023)

(*) TSKH.KTS. Ngô Viết Nam Sơn, là KTS và nhà quy hoạch có trên 35 năm kinh nghiệm quốc tế về tư vấn thiết kế, và nghiên cứu và giảng dạy tại các nước Vành đai Thái Bình Dương, bao gồm Việt Nam, Mỹ, Canada, Mexico, Trung Quốc, Nhật, Philippines, Singapore, Malaysia, …

Ông là chủ nhiệm dự án xây dựng Tháp bay Hạ Long tại TP biển Hạ Long vào giữa thập niên 2010. Trước đây, trong thời kỳ trước đổi mới, ông từng phụ tá cho KTS Ngô Viết Thụ trong dự án quy hoạch Quảng Ninh và dự án kiến trúc Câu lạc bộ Thủy thủ Quốc tế tại Quảng Ninh.

The post Nhận diện quy hoạch kiến trúc Quảng Ninh: Tầm nhìn và chiến lược phát triển appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/yXu0B8C
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét