Thứ Sáu, 22 tháng 12, 2023

Trung tâm văn hóa Trúc Lâm – Hồn Việt, nét trần và tinh thần thiền Trúc Lâm

Với cảm hứng từ Huệ Quang Kim Tháp – hiện vật lịch sử gần như duy nhất còn lại từ thời Trần, thế kỷ 13, các di sản của Thiền phái Trúc Lâm trên núi Yên Tử, các di tích văn hóa và các kiến trúc làng Việt cổ thời Lý Trần, KTS tài hoa Bill Bensley, đội ngũ Tùng Lâm và những nghệ nhân thời nay đã thực sự thăng hoa và sáng tạo nên Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm có một không hai dưới chân núi Yên Tử mang đậm tinh thần “Hồn Việt, nét Trần, và tinh thần Thiền Trúc Lâm”.

  • Hồn Việt: Ngôn ngữ kiến trúc chứa đựng “hồn đất nước”, tiếp nối giá trị và thể hiện văn hóa, tinh thần, thiên nhiên của đất nước và con người Việt Nam. Không gian đủ rộng cho các công năng nhưng không quá “khủng” như một số khu tâm linh khác, tạo cảm giác gần gũi, thân thuộc với tinh thần, tâm hồn người Việt. Các hình ảnh, cách bài trí quen thuộc, vật liệu tự nhiên được sản xuất thủ công tại các làng nghề địa phương.
  • Nét Trần: Tiếp nối giá trị lịch sử của các thời đại trước, đặc biệt là thời Trần. Nét Trần gắn kết chặt chẽ với Thiền Trúc Lâm. Từ yếu tố gốc được coi là “gen di truyền” (ADN) của Tháp Tổ chứa đựng cả 2 yếu tố này, KTS đã nhân bản một số đường nét đặc trưng và truyền tải tinh thần nhà Trần, thế kỷ 13 vào toàn bộ quy hoạch, kiến trúc tổng thể và chi tiết của toàn bộ quần thể.
    Một số đường nét tiêu biểu mà quần thể công trình được kế thừa từ Tháp Tổ bao gồm Cổng/ cửa cuốn vòm, bức tường dày, được vuốt cao lên ở 2 bên, mái ngắn lợp ngói mũi sen sẫm màu thời gian, các đường phào chỉ dọc theo riềm mái, khuôn mái hơi lượn xuống như bị võng xuống do chịu sức nặng dồn xuống theo thời gian. Đao mái ngắn, chắc khỏe, đơn giản, mộc mạc chất phác.
  • Tinh thần Thiền Trúc Lâm: Kiến trúc chứa đựng tinh thần và nối tiếp giá trị tâm linh của Thiền Tông Trúc Lâm với một số đặc trưng riêng có – tự nhiên, đơn giản mà mạnh mẽ, hài hòa với thiên nhiên (khác biệt với Thiền Tông Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc…).

Cảnh quan và phong thủy: Là điểm dừng chân trước và sau khi lên núi Yên Tử của khách thập phương, Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm được xây dựng ở nơi có địa thế đẹp về hai phương diện cảnh quan và phong thuỷ. Đây là nơi có “tứ linh” (Long – Hổ – Quy – Phụng) che chở. Dải núi bên phải là Thanh Long. Dải núi bên trái là Bạch Hổ. Núi Ngọc phía sau Cung Trúc Lâm có dáng hình con Quy (Rùa) là Huyền Vũ. Phía trước Cổng Khai Tâm có hồ Thanh Thủy là Chu Tước (chim sẻ đỏ, biểu trưng cho chim Phụng = Phượng Hoàng) và xa hơn một chút, khuất sau vạt cây rừng có “trường lưu thủy” là dòng suối Giải Oan quanh co uốn lượn, quanh năm đưa nước ra sông, biển. Thuyết phong thủy cho rằng: Nơi nào có thế đất “tứ linh”, nơi ấy “đắc địa”, môi trường sống an lành.

Các thành tố chính bao gồm ba cụm công trình lớn là (1) Trục Tâm Đạo, (2) Làng Nương, (3) Khu Tĩnh dưỡng Legacy Yên Tử – MGallery (theo tiêu chuẩn 5 sao quốc tế của tập đoàn Accor).

Trục Tâm đạo

Còn gọi là “trục linh” là không gian theo một đường thẳng nối từ chính giữa Cổng Khai Tâm (điểm bắt đầu), đi qua một loạt hạng mục công trình tới Cung Trúc Lâm (điểm kết thúc). Nối tiếp lên núi thì trục này hướng vào những địa danh lịch sử linh thiêng nhất ở trên núi như vườn tháp Huệ Quang, Chùa Hoa Yên…

Trục này còn được gọi là “Con đường hướng thượng”/ “Con đường Giác ngộ” (the journey to enlightment). Một số hạng mục trên trục này được đặt tên có chữ “Tâm” (心) (theo triết lý của Thiền phái Trúc Lâm là “Phật tại tâm”) và một số tên khác có ý nghĩ tương đồng thể hiện hành trình giác ngộ trong tâm thức của người Phật tử Trúc Lâm theo quan niệm của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Đó là Cổng Khai Tâm, Gương Thiền, Hồ Ngoạn Nguyệt, Quảng trường Minh Tâm, vườn Hoa Tâm, Cung Trúc Lâm, Cung Phật.

Xuất phát từ quan niệm của Phật giáo nói chung và của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nói riêng là “Phật tại tâm” nên không gian này được gọi là “trục Tâm Đạo”. Đi theo trục Tâm Đạo qua các công trình, khách sẽ có sự trải nghiệm và hiểu được ý niệm về hành trình giác ngộ Phật trong tâm thức của người Phật tử Trúc Lâm với đích đến là “Giải thoát” và “Giác ngộ”.

Mỗi một hạng mục trong câu chuyện nói trên có tên hàm chứa nội dung văn hóa Phật giáo riêng được tóm tắt như sau:

  • Cổng Khai Tâm có ý nghĩa nhập môn, khai mở tâm thức, bắt đầu hành trình tìm đến giác ngộ Phật.
  • Gương Thiền: Tâm “lắng”, tĩnh lặng, không vọng động và tự soi lại Tâm mình (Phản quan tự kỷ)
  • Quảng trường Minh Tâm: Tâm sáng, trí tuệ xuất hiện.
  • Vườn Hoa Tâm: nơi Tâm và Tuệ nở hoa, cùng dâng lên phật
  • Cung Trúc Lâm- : Đạt được “Giải thoát” và “Giác ngộ”, được gặp Phật Hoàng và được Ngài chứng ngộ.

Làng Nương

Lấy cảm hứng từ câu chuyện lịch sử và huyền thoại khi xưa, Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm đã dành hẳn một không gian trữ tình bên dòng Suối Giải Oan uốn lượn tuyệt đẹp để dựng một ngôi làng mang tên và gợi ký ức về Làng Nương, mang dáng dấp, đường nét một ngôi làng cổ thời Trần – thế kỷ 13 gắn với hình ảnh là Cung nữ thời Trần và câu chuyện huyền thoại về ngã rẽ xuất gia của Phật hoàng Trần Nhân Tông khi người về đây tu hành.

Làng Nương có chung ngôn ngữ kiến trúc với tổng thể Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm. Phong cách đặc trưng của làng và các vật liệu tự nhiên của từng ngôi nhà đều gợi nhớ về đời sống văn hóa phong phú của một làng quê Bắc Bộ truyền thống, phảng phất đường nét kiến trúc thời Trần thời Trần thế kỷ 13.

Điểm nhấn chính là một không gian văn hóa, sự trải nghiệm đời sống của một làng nghề Việt Nam xưa. Các công trình ở đây đều mang phong cách kiến trúc và lối bài trí nội thất truyền thống với nhiều đường nét thời Trần từ các khối nhà nghỉ mang tên hương các loài thảo mộc quen thuộc với thôn quê Việt Nam như Hương Sen, Hương Sả, Hương Bưởi, Hương Chanh, Hương Cau…, đến các nhà hàng ẩm thực, khu trải nghiệm và các quầy hàng thủ công địa phương.

Theo phong cách làng Việt cổ, đường làng được lát gạch thẻ xếp nghiêng dọc theo các lối đi quanh co trong làng mang lại cho khách một cảm giác thân thuộc, xưa cũ. Các lớp nhà nhấp nhô không thật ngăn nắp, với mái ngắn, ngói mũi sen, ngả màu thời gian, các lớp tường trình đất, tường đá ong, tường vôi…dày dặn xen kẽ nhau. Mỗi tòa nhà có cổng vào riêng được kết bằng cây và hoa.

Dòng suối Giải Oan uốn lượn phía sau các khu nhà, chỗ làng giáp ranh với bìa rừng. Tiếng suối nước chảy qua các lèn đá, khi thì róc rách reo vui, trong trẻo như tiếng hát xa của cung nữ Làng Nương khi thì rì rầm, sâu lắng như một bản thiền ca. Ven suối và dọc theo các lối đi trong làng có nhiều cây cỏ hoa lá, tuy cây còn đang lớn nhưng cũng bắt đầu khoe ra phần hương sắc của làng.

Khu Tĩnh dưỡng Legacy Yên Tử – Mgallery

Legacy Yên Tử – MGallery hiện ra vừa trầm mặc vừa lộng lẫy như một cung điện thời Trần hòa trong quần thể Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm mang đến một trải nghiệm độc đáo và duy nhất tại Việt Nam. Legacy Yên Tử – MGallery chứa đựng các nét văn hóa kiến trúc Việt tỉ mỉ đến từng chi tiết với các vật liệu tự nhiên như đồng, đá, gốm và gỗ sẽ đưa du khách vào hành trình đầy mê hoặc trở về quá khứ trên 700 năm trước của dân tộc và đất nước.

Khu nghỉ dưỡng Legacy Yên Tử là một tổ hợp công trình độc đáo theo phong cách Thiền, dáng dấp kiến trúc, hoa văn, bài trí mô phỏng theo kiểu cung đình thời Trần, tòa ngang dãy dọc nguy nga, kết hợp hài hòa truyền thống và hiện đại, tiện nghi và thẩm mỹ, đơn giản và sang trọng, gồm 133 phòng nghỉ cao cấp và các thiết chế phục vụ kèm theo cho tổ hợp dịch vụ (các khu vực lễ tân, hội họp, ẩm thực, tổ chức sự kiện, chăm sóc thân tâm…).

Tất cả có chung phong vị Thiền, đem lại sự nghỉ ngơi thư giãn, cảm giác thân thuộc nhưng vẫn đầy tinh tế của thương hiệu sang trọng MGallery. Du khách sẽ được hoàn toàn nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe, buông xả phiền não, chuyển hóa thân tâm khi nghỉ tại Legacy Yên Tử.

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2023)

The post Trung tâm văn hóa Trúc Lâm – Hồn Việt, nét trần và tinh thần thiền Trúc Lâm appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/JsSBUon
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét