Thứ Hai, 31 tháng 5, 2021

Gỡ vướng quy định cấp chứng chỉ hành nghề – Bộ Xây dựng công nhận 10 tổ chức đủ điều kiện thực hiện sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc

Thực tế có những kiến trúc sư hành nghề gần 30 năm liên tục, có tổ chức xác nhận, có nhiều tác phẩm được xã hội ghi nhận, đã được cấp chứng chỉ hành nghề nhiều lần nhưng vẫn phải đi dự hội thảo để được chứng minh là hành nghề liên tục, phải đi sát hạch để làm điều kiện cần cho việc cấp lại chứng chỉ hành nghề.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Theo phản ánh của Hội Kiến trúc sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đây là một trong những bất cập của quy định cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc hiện nay.

Vừa qua, nhiều kiến trúc sư hết hạn chứng chỉ hành nghề, nhưng không được làm thủ tục cấp lại do Bộ chưa xây dựng xong bộ câu hỏi sát hạch và điều kiện chuyển tiếp theo Nghị định số 85/2020/NĐ-CP cũng chỉ đến ngày 31/12/2020.

Trước đây, Nghị định số 100/2018/NĐ-CP đã có điều chỉnh về vấn đề này, nhưng hiện nay theo Luật Kiến trúc và Nghị định số 85/2020/NĐ-CP việc cấp chứng chỉ lại gặp vướng.

Hội Kiến trúc sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị cơ quan chức năng sớm đơn giản hoá thủ tục hành chính trong lĩnh vực này. Nếu đã giao cho Hội đứng ra sát hạch, thì nên giao toàn quyền để Hội cấp chứng chỉ hành nghề, cơ quan quản lý Nhà nước chỉ làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát để tránh chồng chéo.

Bộ Xây dựng trả lời vấn đề này như sau:

Luật Kiến trúc số40/2019/QH14 đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 ngày 13/6/2019 quy định về quản lý kiến trúc, hành nghề kiến trúc, quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc.

Để triển khai Luật Kiến trúc, thực hiện Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 16/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Kiến trúc, Bộ Xây dựng đã có ý kiến đối với Hội Kiến trúc sư Việt Nam là đơn vị thực hiện một số nhiệm vụ theo các quy định được giao tại các Điều 23, 24, 25 của Nghị định số 85/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc. Trên cơ sở ý kiến của Bộ Xây dựng, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã ban hành:

  • Quyết định số 04/QĐ-KTSVN ngày 12/1/2021 về việc ban hành Quy định chi tiết Bảng tính điểm phát triển nghề nghiệp liên tục đối với các hoạt động phát triển nghề nghiệp liên tục của kiến trúc sư hành nghề.
  • Quyết định số 01/QĐ-KTSVN ngày 12/1/2021 về việc ban hành Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề.
  • Quyết định số 18/QĐ-KTSVN ngày 6/4/2021 về việc ban hành Quy định chương trình, tài liệu phục vụ sát hạch, bộ câu hỏi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc.

Các tổ chức được phép cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc

Về việc công nhận các đơn vị là tổ chức xã hội nghề nghiệp, cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo đủ điều kiện thực hiện sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc: Trên cơ sở đề nghị của các đơn vị, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định công nhận đối với một số tổ chức xã hội nghề nghiệp, cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo đủ điều kiện thực hiện sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc gồm: Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (Quyết định số 490/QĐ-BXD ngày 5/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng); Viện Kiến trúc Quốc gia (Quyết định số 494/QĐ-BXD ngày 5/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng); Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam (Quyết định số 495/QĐ-BXD ngày 5/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng); Trường Đại học Xây dựng Miền Trung (Quyết định số 492/QĐ-BXD ngày 5/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng); Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội (Quyết định số 493/QĐ-BXD ngày 5/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng); Trường Đại học Kiến trúc Thành phổ Hồ Chí Minh (Quyết định số 512/QĐ-BXD ngày 7/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng); Trường Đại học Xây dựng Miền Tây (Quyết định số 497/QĐ-BXD ngày 5/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng); Trường Đại học Xây dựng (Quyết định số 496/QĐ-BXD ngày 5/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng); Hội Kiến trúc sư Việt Nam (Quyết định số 492/QĐ-BXD ngày 5/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng); Hội Kiến trúc sư Thành phố Hồ Chí Minh (Quyết định số 510/QĐ-BXD ngày 7/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng).

Đề nghị Hội Kiến trúc sư Bà Rịa – Vũng Tàu hướng dẫn hội viên làm việc với Hội Kiến trúc sư Việt Nam và các tổ chức được công nhận thực hiện sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc nêu trên để thực hiện sát hạch.

Theo Diệu Anh – Báo Xây dựng

Xem thêm: 

 

The post Gỡ vướng quy định cấp chứng chỉ hành nghề – Bộ Xây dựng công nhận 10 tổ chức đủ điều kiện thực hiện sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/3p9StA4
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Từ Sài Gòn nhiệt đới đến kiến trúc nhiệt đới Sài Gòn

Nếu như “kiến trúc Đông Dương” xuất hiện ở nhiều đô thị trên cả nước thì kiến trúc nhiệt đới giai đoạn 1954-1975 chủ yếu xuất hiện ở Sài Gòn. Là đô thị duy nhất có điều kiện tiếp cận với kinh tế, khoa học kỹ thuật nước ngoài, kiến trúc ở đây đã có điều kiện phát triển và để lại những giá trị cần khẳng định.

Đã có thời ngang tầm khu vực

Từ năm 1954-1975, Sài Gòn, dưới sự quản lý của chính quyền quốc gia đương thời với tình hình xã hội đã có giai đoạn tạm yên, kinh tế được phát triển, sức hút đô thị gia tăng kéo theo tốc độ đô thị hoá phát triển nhanh chóng.

Từ những năm 1960, nền kinh tế phụ thuộc vào viện trợ ồ ạt của các nước tư bản đồng minh đổ vào, đặc biệt là Mỹ. Đô thị Sài Gòn có cơ hội phát triển mở rộng thêm. Các mạng lưới đường sá, trục lộ chính được mở rộng và xây mới. Dân số Sài Gòn lúc bấy giờ hơn ba triệu người và đã trở thành một đô thị cực lớn, là trung tâm dân cư, trung tâm việc làm và tị nạn chiến tranh.

Thư viện Khoa học tổng hợp do KTS Nguyễn Hữu Thiện và KTS Bùi Quang Hanh thiết kế, hoàn thành xây dựng năm 1972 được đánh giá cao về giải pháp kiến trúc thích nghi với điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều.
Thư viện Khoa học tổng hợp do KTS Nguyễn Hữu Thiện và KTS Bùi Quang Hanh thiết kế, hoàn thành xây dựng năm 1972 được đánh giá cao về giải pháp kiến trúc thích nghi với điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều.

Đầu thập niên 1970, do có chính sách đầu tư kinh tế thu hút tư bản nước ngoài, công nghiệp thành phố phát triển mạnh mẽ, hàng loạt xí nghiệp quy mô lớn xuất hiện. Song song với việc phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông, điện, nước; cơ sở hạ tầng xã hội, các công trình công cộng, thương mại, dịch vụ, cư xá lớn, cao ốc, các bệnh viện, trường đại học được đầu tư xây dựng phát triển với chất lượng cao hơn trước.

Bên cạnh đó đã ra đời một lực lượng khoa học kỹ thuật, công nhân kỹ thuật, thợ thủ công có trình độ cao và đông đảo. Trong đó đội ngũ kiến trúc sư Việt Nam được đào tạo từ nhiều nguồn trong và ngoài nước như Pháp, Mỹ đã đáp ứng được nhu cầu thiết kế và xây dựng của Sài Gòn.

Dựa trên nền tảng kinh tế – xã hội đương thời, hoạt động xây dựng được phát triển cùng sự giao lưu mật thiết với các nước tư bản phương Tây đã tạo điều kiện cho các trào lưu nghệ thuật trên thế giới du nhập vào Việt Nam một cách tự do. Trong đó phong cách kiến trúc hiện đại quốc tế đang được ưa chuộng đã góp phần làm thay đổi diện mạo kiến trúc Sài Gòn.

Phong cách kiến trúc này đã bắt đầu thay thế dần các hình thức kiến trúc cổ điển, tân cổ điển phương Tây rườm rà và gò bó trước đây, làm cho kiến trúc Sài Gòn mang nhiều yếu tố của một nền kiến trúc đô thị hiện đại, so ra không thua kém các nước trong khu vực châu Á tại thời điểm này. Đáng chú ý là hầu hết các công trình kiến trúc đó đều do chính đội ngũ kiến trúc sư người Việt thiết kế và thi công đạt tiêu chuẩn hiện đại quốc tế.

Ngôi nhà sàn cách điệu đứng trên hồ nước và bức tường hoa trên mặt đứng phòng đọc là giải pháp hợp lý.
Ngôi nhà sàn cách điệu đứng trên hồ nước và bức tường hoa trên mặt đứng phòng đọc là giải pháp hợp lý.
Cột, dầm, công-xon, mái đua vươn ra khỏi tường nhà là những hình ảnh truyền thống quen thuộc.
Cột, dầm, công-xon, mái đua vươn ra khỏi tường nhà là những hình ảnh truyền thống quen thuộc.

Xu hướng kiến trúc hiện đại khi xâm nhập nước ta đã được các kiến trúc sư áp dụng cho phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương và đã hình thành nên phong cách “kiến trúc hiện đại nhiệt đới”. Thật ra phong cách này xuất hiện hầu như rộng khắp các nước có khí hậu nhiệt đới như Brazil của Nam Mỹ, một số nước Nam Phi, các nước Nam Á như Ấn Độ, Sri Lanka hay từ các nước vùng Đông Nam Á. Chúng có đặc điểm chung là hình khối đơn giản, cao tầng, vật liệu xây dựng bêtông cốt thép, nhôm kính, đề cao giá trị công năng, sử dụng chi tiết cấu tạo ô văng, lam che nắng và hành lang phù hợp với khí hậu nhiệt đới ẩm.

Tuy nhiên, điểm đặc biệt là “kiến trúc hiện đại nhiệt đới” ở Sài Gòn đã được các kiến trúc sư người Việt kết hợp khá nhuần nhuyễn giữa các yếu tố kỹ thuật hiện đại phương Tây và văn hoá phương Đông, khai thác các nét đặc trưng kiến trúc truyền thống trong công trình. Sự hoà hợp giữa kiến trúc, con người và thiên nhiên đã làm cho các công trình này thật sự trở thành những tác phẩm đương thời đáng được trân trọng.

Đặc trưng nhiệt đới và sắc thái Sài Gòn

Nói đến công trình kiến trúc tiêu biểu thời kỳ này, không thể không nhắc đến Dinh Độc Lập do KTS. Ngô Viết Thụ và các cộng sự thiết kế. Đồng nghiệp của tôi cũng có bài phân tích về công trình này trong cùng số báo, tuy nhiên, tôi vẫn muốn nhấn mạnh, đây là một công trình biểu hiện sự kết hợp hài hoà giữa các yếu tố văn hoá phương Tây và phương Đông, tạo nên một công trình có phong cách “hiện đại nhiệt đới” làm điểm nhấn không gian hoành tráng cuối trục đường Lê Duẩn.

Dinh Độc Lập nhìn từ trên cao. (Ảnh: Zing)
Dinh Độc Lập nhìn từ trên cao. (Ảnh: Zing)

Kiến trúc mặt đứng công trình được phân làm ba mảng đặc – rỗng – và đặc phần nào lặp lại bố cục Dinh Norodom trước đây, tuy nhiên, cũng có thể gợi nhớ đến bóng dáng của ngôi nhà ba gian hai chái cổ truyền, tương ứng với các khu chức năng bên trong. Tầng trệt được thiết kế cửa kính rộng lớn nhằm đưa cây xanh mặt nước lồng vào công trình một cách tối đa.

Hình ảnh nổi bật trên mặt đứng là bức “rèm hoa đá” độc đáo, tên gọi của tác giả dành cho tác phẩm của mình. Vì mặt đứng công trình quay hướng Đông – Bắc, nên để có nhiều ánh sáng tự nhiên mà vẫn hạn chế được tia bức xạ mặt trời, tác giả đã khéo léo kết hợp vật liệu kỹ thuật của phương Tây với quan niệm thẩm mỹ truyền thống sáng tạo nên hình ảnh bức rèm khiến người ta liên tưởng đến những hình tượng con tiện hay các dóng trúc vốn là biểu tượng của người quân tử trong quan niệm của người phương Đông. Chúng đem lại cảm giác rất đỗi thân quen đối với người Việt Nam. Phía trong bức rèm hoa là hiên rộng thoáng chạy dài, tràn ngập ánh sáng như gợi nhớ tới cái hiên trong kiến trúc nhà ở dân gian.

Các không gian trong nhà được tác giả tạo dựng theo nguyên tắc không gian mở thông thoáng tự nhiên nhằm khai thác cảnh quan xung quanh và cũng để phù hợp với khí hậu nơi đây. Ngay cả giải pháp cách nhiệt cho mái cũng được quan tâm. Mái có cấu tạo sàn hai lớp, bên dưới là lớp bêtông chịu lực, bên trên là các tấm đan chống nóng đặt trên gối gạch cách sàn 40cm, chính nhờ lớp đệm không khí đối lưu ở giữa nên giữ cho nhiệt độ trong nhà lúc nào cũng mát mẻ. Đồng thời trong công trình sử dụng một số vật liệu đặc thù như đá rửa, đá mài để tô tường, chẳng thế mà có người đặt Dinh Độc Lập vào loại “kiến trúc nhiệt đới tạo nên sắc thái Sài Gòn trong tổng thể chung của kiến trúc đương đại Việt Nam”.

Vào năm 1972, công trình Thư viện Khoa học tổng hợp do các KTS Nguyễn Hữu Thiện và Bùi Quang Hanh thiết kế được xây dựng xong. Công trình nằm ở vị trí khá đắc địa tại trung tâm thành phố, đối diện với Dinh Gia Long cũ – nay là Bảo tàng Cách mạng thành phố – ở góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Lý Tự Trọng ngày nay.

Các tác giả đã tổ hợp hình khối công trình theo chủ nghĩa công năng bằng cách tạo ra hai khối có dáng hình học dứt khoát rõ ràng nhưng đã khéo léo sắp xếp chúng tương phản nhau. Khối nằm ngang là các phòng đọc và khối đứng là kho sách, cùng với giải pháp mặt đứng một khối đặc và một khối rỗng đem lại hiệu ứng thị giác bất ngờ và ấn tượng. Mặc dù đây là thủ pháp mà chúng ta thường bắt gặp trong một số công trình hiện đại phương Tây, tuy nhiên ở đây các tác giả đã thể hiện sự nhất quán từ nội dung đến hình thức một giải pháp kiến trúc thích nghi với điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm lắm nắng nhiều mưa.

Đồng thời các tác giả cũng đã biết cách kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa các yếu tố thẩm mỹ phương Tây và yếu tố truyền thống của Việt Nam tạo dựng nên một công trình mang sắc thái độc đáo.

Kiến trúc Thư viện Khoa học tổng hợp. (Ảnh: Flickr)
Kiến trúc Thư viện Khoa học tổng hợp. (Ảnh: Flickr)

Đó là cách xử lý kiến trúc mặt đứng kho sách bằng các mảng tường đặc chạy dài theo phương vị ngang, tượng trưng cho những quyển sách xếp chồng lên nhau và chỉ chừa lại những khe cửa sổ nhỏ vừa đủ để lấy ánh sáng, nhằm tránh các tia nắng chiếu trực tiếp làm vàng ố các tư liệu bên trong. Hay như hình ảnh ngôi nhà sàn được cách điệu đứng trên hồ nước trong bố cục hình khối mặt đứng công trình, sàn tầng trệt được nâng cao khỏi mặt đất đem lại cảm giác gần gũi thích thú nhưng không làm mất đi sự bề thế của ngôi nhà.

Do công trình quay hướng tây bắc – đông nam nên việc sử dụng bức tường hoa trên mặt đứng khối phòng đọc là khá hợp lý, vừa chống được bức xạ mặt trời vừa tạo được sự thông thoáng cho hành lang và các phòng ốc bên trong. Đặc biệt ở đây các tác giả đã hiện đại hoá các yếu tố kiến trúc truyền thống để tạo ra các hoạ tiết mang tính trang trí vô cùng biểu cảm, đem lại sự thành công mỹ mãn. Công trình gây được ấn tượng mạnh mẽ, khó quên chính là nhờ bức tường hoa này.

Công trình không còn là một khối hình hộp đồng nhất mà đã sử dụng nhiều yếu tố của kiến trúc gỗ truyền thống như cột, dầm, công xôn, mái đua vươn ra khỏi tường nhà, thậm chí những bề mặt trơ trụi quen thuộc của những mảng tường lớn theo phong cách kiến trúc hiện đại cũng được xử lý bằng vật liệu đá rửa kẻ gioăng khít và được trang trí phù điêu rồng phượng. Hình khối và các chi tiết cho thấy tính chất Việt hoá cũng như nhiệt đới hoá kiến trúc hiện đại ở Thư viện Khoa học tổng hợp đã đạt tới đỉnh điểm.

Công trình trường đại học Y dược. (Ảnh: MINH@K)
Công trình trường đại học Y dược. (Ảnh: MINH@K)

Có thể điểm thêm một công trình khác nữa, đó là trường Đại học Y dược. Nằm trong một khuôn viên rộng lớn, với kiểu bố cục phân tán nhưng các khối nhà lại được gắn kết với nhau nhờ các dãy hành lang có mái che cả ba tầng nhà, nên sự lưu thông giữa các khối chức năng khá thuận lợi.

Cũng chính nhờ kiểu bố cục này mà công trình gắn kết một cách hữu cơ với những khu vườn, cây xanh, mặt nước, len lỏi trong khuôn viên tạo nên một không khí tươi mát, làm dịu bớt cái nắng gay gắt của khí hậu nhiệt đới phương Nam, đồng thời cũng thể hiện sự vận dụng các nguyên lý của trường phái kiến trúc hữu cơ mà các bậc thầy như Frank Lloyd Wright, Alvar Aalto, Richards Neutra đã đề xướng.

Mặc dù có sự hạn chế của những hình khối vuông vức, nhưng do cách tạo ra mặt bằng phóng khoáng, do cách giải quyết không gian một cách linh hoạt nên đã kết hợp được khá chặt chẽ giữa các không gian trong và ngoài nhà, giữa các công trình kiến trúc với thiên nhiên một cách hài hoà, sinh động. Công trình trường Đại học Y dược là một ví dụ rất thành công về giải pháp chống các tia bức xạ mặt trời. Đối với các mặt nhà quay hướng đông và tây, hệ thống lam đứng và dày kết hợp với hành lang đã được sử dụng. Còn đối với các mặt nhà hướng nam và bắc thì sử dụng giải pháp hành lang kết hợp hệ thống lam hỗn hợp trên cao.

Các khối nhà lại được gắn kết với nhau nhờ các dãy hành lang có mái che cả ba tầng nhà, nên sự lưu thông giữa các khối chức năng khá thuận lợi và gắn kết một cách hữu cơ với những khu vườn, cây xanh, mặt nước. Đây cũng là công trình thành công về giải pháp chống các tia bức xạ mặt trời. Đối với các mặt nhà quay ra hướng đông và tây, hệ thống lam đứng và dày kết hợp với hành lang đã được sử dụng. Còn đối với các mặt nhà hướng nam và bắc thì sử dụng giải pháp hành lang kết hợp hệ thống lam hỗn hợp trên cao. (Ảnh: MINH@K)
Các khối nhà lại được gắn kết với nhau nhờ các dãy hành lang có mái che cả ba tầng nhà, nên sự lưu thông giữa các khối chức năng khá thuận lợi và gắn kết một cách hữu cơ với những khu vườn, cây xanh, mặt nước. Đây cũng là công trình thành công về giải pháp chống các tia bức xạ mặt trời. Đối với các mặt nhà quay ra hướng đông và tây, hệ thống lam đứng và dày kết hợp với hành lang đã được sử dụng. Còn đối với các mặt nhà hướng nam và bắc thì sử dụng giải pháp hành lang kết hợp hệ thống lam hỗn hợp trên cao. (Ảnh: MINH@K)

Nhìn chung kiến trúc công trình trường đại học Y dược có sự thống nhất cao nhờ sử dụng giải pháp hệ thống hành lang rộng thoáng kết hợp với các dạng lam, cầu thang xương cá, tường trắng đá rửa nổi bật trên nền xanh của cây cối miền nhiệt đới, tất cả tạo nên một phong cách “kiến trúc nhiệt đới Sài Gòn” rất đặc trưng.

Mặc dù chỉ đơn cử một số ví dụ tiêu biểu trong bức tranh tổng thể của kiến trúc đô thị Sài Gòn giai đoạn 1954-1975, nhưng cũng cho chúng ta hình dung ra nền kiến trúc Sài Gòn giai đoạn này đã có một bước tiến vượt bậc, vừa thích ứng với khí hậu nhiệt đới vừa đáp ứng được nhu cầu lối sống đô thị mới của người dân nơi đây. Mỗi khi nhắc đến giai đoạn này, ai cũng đều tự hào về một nền kiến trúc có tên gọi chung là phong cách kiến trúc “hiện đại nhiệt đới hoá”, một danh xưng được nhiều nhà nghiên cứu quốc tế ưu ái dành tặng.

Với sự kết hợp khá nhuần nhuyễn giữa tính hiện đại và tính dân tộc trong kiến trúc, giữa các yếu tố kiến trúc, khí hậu và con người, các công trình trong giai đoạn này thật sự đã đặt được nền móng vững chắc cho các bước tiếp theo của nền kiến trúc đương đại Việt Nam.

PGS-TS-KTS. Nguyễn Khởi
(Tạp chí Kiến trúc & Đời sống số 68-69)

The post Từ Sài Gòn nhiệt đới đến kiến trúc nhiệt đới Sài Gòn appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/3c5Xe8i
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Chủ Nhật, 30 tháng 5, 2021

Những lưu ý khi nộp bài dự thi Cuộc thi thiết kế Không gian sáng tạo Hà Nội

Cuộc thi thiết kế Không gian sáng tạo Hà Nội đã bước vào những chặng cuối, chỉ còn ít ngày nữa sẽ đến hạn nộp bài dự thi (15/06/2021). Nhằm giải đáp thắc mắc và hỗ trợ các thí sinh tham dự về hình thức nộp bài, TCKT đã tổng hợp những lưu ý từ BTC khi nộp bài dự thi để cung cấp thông tin hướng dẫn. Trân trọng giới thiệu!

  1. Các mốc thời gian
  2. Quy cách nộp bài dự thi
  3. Phương thức nộp bài dự thi
  4. Đăng ký giải đáp thắc mắc cuộc thi

1. Các mốc thời gian:

Thời hạn nộp bài dự thi: 17h00 ngày 15/06/2021

2. Quy cách nộp bài dự thi:

Quy định ẩn danh:

  • Hồ sơ dự thi phải được ghi theo mã số ẩn danh do người dự thi tự chọn (không được ghi tên hoặc có bất kỳ dấu hiệu nhận dạng nào ngoại trừ mã số do đối tượng dự thi lựa chọn);
  • Mã số gồm 2 chữ cái và 3 chữ số tự chọn (ví dụ AB123), được ghi trong khung chữ nhật (kích thước tối đa ngang 3cm, đứng 1cm) ở góc dưới bên phải của các bản vẽ dự thi. Mã số này cũng được ghi trên toàn bộ các tài liệu dự thi.

Yêu cầu hồ sơ dự thi bao gồm:

  • Đơn đăng ký dự thi theo mẫu quy định (Xem tại: Link)
  • 01 bộ thuyết minh phương án dự thi, gồm: 01 bản thuyết minh khổ A4, tối đa 03 pano khổ A1 chiều dọc thể hiện tóm tắt phương án dự thi (ý tưởng, hình vẽ, phân tích,v.v…)
  • Phim, ảnh, mô hình (nếu có);
  • Bản sao chứng minh thư/ đăng ký kinh doanh của người dự thi
  • Ngôn ngữ sử dụng tiếng Việt hoặc song ngữ.

3. Phương thức nộp bài:

  • Nộp bài thi trực tiếp tại địa chỉ:
    • Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam
    • Địa chỉ: 40 Tăng Bạt Hổ, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
    • Điện thoại: 024 3934 0262
  • Đồng thời, nộp file mềm của bài dự thi về email của BTC: cuocthi@tckt.vn theo quy cách:
    •  Tiêu đề email ghi rõ [MÃ SỐ ẨN DANH] Dự thi cuộc thi Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội
    • Nội dung email ghi đầy đủ thông tin của người nộp bài (Họ tên, SĐT, email)
    • Tài liệu file dự thi được tổng hợp và đặt tên file có 5 ký tự mã số ẩn danh ở đầu

4. Đăng ký giải đáp thắc mắc:

BTC sẽ tiếp tục chia sẻ thêm thông tin, tài liệu hỗ trợ đến thí sinh dự thi. Để nhận tài liệu và hỗ trợ thêm về cuộc thi, vui lòng đăng ký tại:
https://forms.gle/Cf4h3w9YSRUMn6Fh6

Chi tiết cuộc thi:

Ban tổ chức cuộc thi

The post Những lưu ý khi nộp bài dự thi Cuộc thi thiết kế Không gian sáng tạo Hà Nội appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/3yQZmKH
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Thứ Sáu, 28 tháng 5, 2021

Tập đoàn Prime vinh dự nhận Giải thưởng Chất lượng quốc gia

Ngày 27 tháng 5 năm 2021 tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra lễ trao Giải thưởng Chất lượng Quốc Gia được Bộ Khoa học và Công nghệ. Tập đoàn Prime – thành viên của tập đoàn SCG đã vinh dự nhận giải thưởng Chất lượng Quốc gia 2020, ghi nhận những thành tựu và đóng góp của doanh nghiệp.

Giải thưởng này cũng khẳng định định hướng của Prime trong việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ chất lượng, mang đến nhiều lợi ích cho khách hàng và xã hội.

Ông Nat Changlum - Giám đốc Tài chính của Tập đoàn Prime, đại diện cho tập đoàn Prime, lên nhận giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2020 tại lễ trao giải Chất lượng Quốc Gia.
Ông Nat Changlum – Giám đốc Tài chính của Tập đoàn Prime, đại diện cho tập đoàn Prime, lên nhận giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2020 tại lễ trao giải Chất lượng Quốc Gia.

Ông Nat Changlum – Giám đốc Tài chính của Tập đoàn Prime chia sẻ: “Tiếp nối tầm nhìn trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực Vật liệu xây dựng, trong năm 2020, trọng tâm của chúng tôi là sáng tạo và cung cấp các sản phẩm chất lượng tin cậy, đặc biệt là trong lĩnh vực gạch ốp lát, thông qua việc áp dụng công nghệ tiên tiến, tiêu chuẩn thi công, cùng giá trị sống tốt hơn cho khách hàng qua các gói giải pháp phát triển toàn diện.”

Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG) thuộc hệ thống Giải thưởng Chất lượng Quốc tế châu Á – Thái Bình Dương (GPEA), do Thủ tướng Chính phủ trao tặng những doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động, hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới. Chính phủ giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) chủ trì triển khai hoạt động GTCLQG từ năm 1996.

Để được vinh danh “Chất lượng Quốc gia”, các doanh nghiệp uy tín, đủ năng lực cạnh tranh phải đáp ứng đủ 7 chỉ tiêu bao gồm vai trò của lãnh đạo; hoạch định chiến lược; định hướng vào khách hàng và thị trường; đo lường, phân tích và quản lý tri thức; quản lý, phát triển nguồn nhân lực; quản lý quá trình sản xuất và kết quả hoạt động kinh doanh.

Việc tham dự giải thưởng này cũng là cơ hội cho tập đoàn Prime nhìn lại cũng như nhận thức rõ hơn về điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của công ty; từ đó đề ra các biện pháp nâng cao năng suất cụ thể và có lộ trình phát triển bền vững phù hợp.

Trên thực tế, tập đoàn đã ứng dụng nhiều kiến thức quản trị doanh nghiệp tiên tiến nhằm đưa ra định hướng chiến lược kinh doanh hài hoà với phúc lợi của nhân viên, khách hàng, đối tác và xã hội.

Bên cạnh đó, công ty còn thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng địa phương nơi mình hoạt động thông qua việc đóng góp vào ngân sách quốc gia hàng năm, hỗ trợ địa phương chống dịch COVID-19 và các hoạt động thiện nguyện khác, bên cạnh việc mang đến một môi trường làm việc lành mạnh cho nhân viên.

Được thành lập vào năm 1999, đến nay, tập đoàn Prime là một trong những nhà sản xuất hàng đầu trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, với hơn 4.400 lao động và 16 công ty thành viên. Tập đoàn cung cấp nhiều sản phẩm phong phú như gạch ốp lát, ngói và bình nước nóng.

© Tạp chí Kiến trúc

The post Tập đoàn Prime vinh dự nhận Giải thưởng Chất lượng quốc gia appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/3oWP8El
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Thứ Năm, 27 tháng 5, 2021

Nhà như resort của gia chủ không có thời gian du lịch

TP HCM – Trên mảnh đất 113 m2 giữa phố chợ, gia chủ muốn một ngôi nhà bên ngoài hiện đại, bên trong tối giản và đủ công năng.

Bận rộn và không có thời du lịch, nữ gia chủ còn yêu cầu căn nhà tạo cảm giác như resort với đầy cây xanh và vật liệu thô mộc để nghỉ ngơi sau mỗi ngày làm việc.

Nhìn từ bên ngoài, ngôi nhà nổi bật với lớp vỏ bê tông và cemboard màu xám.
Nhìn từ bên ngoài, ngôi nhà nổi bật với lớp vỏ bê tông và cemboard màu xám.

Sau sáu tháng trao đổi và hơn một năm thi công, ngôi nhà hoàn thiện với sáu tầng, trong đó ba tầng dưới cho thuê còn ba tầng trên là nơi ở của gia đình.

Như mong muốn của gia chủ, mặt tiền nhà tối giản, chỉ dùng một màu xám và có thiết kế cong để làm mềm các góc nhà bị gãy do nằm trên mảnh đất méo. Nhằm tạo nên sự khác biệt cho công trình, nhóm thiết kế tạo mảng che cho công trình bằng cây xanh kết hợp tường thông gió làm bằng khung sắt và các tấm cemboard.

Cemboard sử dụng chất liệu bê tông sợi thủy tinh, độ bền cao và chống chịu tốt trước thời tiết. Việc sử dụng khung sắt và cemboard giúp kết cấu mảng che nhẹ và thẩm mỹ hơn, nhất là đối với một công trình dùng chủ yếu màu xám và vật liệu thô mộc. Do phải xâu từng tấm cemboard một, tường thông gió mất một tháng mới hoàn thành.

Các tấm cemboard tạo mảng che nhưng vẫn cho ánh sáng đi vào công trình.
Các tấm cemboard tạo mảng che nhưng vẫn cho ánh sáng đi vào công trình.

Bên trong, các mảnh vườn nhỏ được bố trí khắp nhà, từ phòng ngủ đến nhà vệ sinh để gia chủ ở đâu cũng có thể nhìn ra mảng xanh như khi ở resort. Các phòng cũng được lắp đèn vàng, tạo cảm giác thư giãn cho người ở.

Tầng 5 có tầm nhìn ra thành phố là nơi đặt bếp và phòng ăn. Nằm sau bức tường vòm cung với vườn rau, cây ăn quả bao quanh, hai không gian này kết nối trực tiếp với thiên nhiên bên ngoài nên thoáng đãng, phù hợp với thói quen đón tiếp bạn bè tại nhà của gia chủ.

Trên tầng thượng, ngoài văn phòng của chủ nhà, nhóm thiết kế bố trí thêm một vườn rau, vừa tăng nguồn thực phẩm sạch vừa giúp người sử dụng thư thái lúc làm việc.

Phòng ăn và bếp trên tầng năm kết nối trực tiếp với thiên nhiên.
Phòng ăn và bếp trên tầng năm kết nối trực tiếp với thiên nhiên.

Chi phí hoàn thiện căn nhà khoảng sáu tỷ đồng.

Xem thêm hình ảnh về công trình.

Công trình nằm ở một phố chợ, dùng làm chỗ ở kết hợp kinh doanh. Màu xám của bê tông kết hợp với tường thông gió bằng cemboard tạo điểm nhấn ở mặt tiền. Gia chủ dành ba tầng dưới cho thuê, ba tầng trên để ở. Gia chủ muốn ngôi nhà như resort giữa phố chợ nên mọi phòng ngủ đều nhìn ra mảng xanh. Phòng tắm trong phòng ngủ master là một điểm nhấn của công trình. Nó có giếng trời phía trên và ô cửa sổ nhìn ra bên ngoài. Các nhà vệ sinh khác cũng có những mảnh vườn bên trong. Tầng năm đặt phòng ăn và bếp. Chủ nhà thường tổ chức tiệc họp mặt bạn bè nên phòng ăn có nhiều không gian mở và tràn ngập cây xanh tạo cảm giác thoải mái cho mọi người. Khu vực phòng ăn cũng là nơi gia chủ yêu thích nhất trong nhà. Phía trước phòng ăn có sân ngoài trời, dùng làm chỗ thư giãn cho người ở và khách khứa. Công trình sử dụng chủ yếu các vật liệu như bê tông thô, xi măng nước láng, đá mài, gỗ, cemboard. Các phòng trong nhà đều dùng đèn vàng để tạo cảm giác thư giãn. Căn nhà khi lên đèn.

 

Theo Vnexpress

The post Nhà như resort của gia chủ không có thời gian du lịch appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/3fUwpoA
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Ngôi nhà đất sét được in bằng công nghệ 3

ITALY – Ngôi nhà được “in” ở thị trấn Massa Lombarda, cách Bologna 40 km, do văn phòng kiến trúc Mario Cucinella Architects và công ty in 3D WASP hợp tác thiết kế.

Bên ngoài công trình. Ảnh: Iago Corazza.
Bên ngoài công trình. Ảnh: Iago Corazza.

Công trình rộng 60 m2, và cao 4,2 m, gồm hai khối hình mái vòm với lớp tường bên ngoài làm từ 350 lớp đất sét in 3D xếp chồng lên nhau. Đất sét xây nhà lấy từ lòng sông gần đó, được in theo những đường mấp mô nhằm mục đích ổn định cấu trúc và cản nhiệt cho ngôi nhà.

350 lớp đất sét được in làm thành tường nhà. Ảnh: Italdron & Wasp.
350 lớp đất sét được in làm thành tường nhà. Ảnh: Italdron & Wasp.

Không gian nhà chia làm phòng khách, bếp và phòng ngủ. Công trình gần như không có cửa sổ nhưng được bố trí giếng trời trên mái, cho phép ánh sáng đi vào nhà cả ngày. Đồ nội thất cũng sử dụng nguồn đất địa phương và có thể tái chế.

Bên trong ngôi nhà. Ảnh: Iago Corazza.
Bên trong ngôi nhà. Ảnh: Iago Corazza.

Căn nhà được hoàn thành trong 200 giờ, tiêu thụ 6 kilowatt điện và giảm gần như hoàn toàn chất thải xây dựng.

“Tecla là phương pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, nhu cầu nhà ở bền vững và tình trạng khẩn cấp về nhà ở, nhất là trong bối cảnh thiên tai và di dân”, kiến trúc sư Mario Cucinella, sáng lập văn phòng Mario Cucinella Architects cho biết. Ông tiết lộ thêm lớp vỏ của căn nhà có thể được điều chỉnh cho phù hợp với các loại đất thô và điều kiện khí hậu khác nhau.

“Chúng tôi nghĩ rằng đây là sự khởi đầu của một câu chuyện mới”, Cucinella nói thêm.

Xem thêm hình ảnh về công trình.

Căn nhà không có cửa sổ, chỉ có một cửa ra vào. Nội thất tối giản và làm bằng các chất liệu có thể tái chế. Lớp tường đất sét được để thô, không sơn trát thêm. Mái nhà cũng là giếng trời, được lợp kính để bảo vệ công trình khỏi mưa. Căn nhà khi lên đèn. Bản vẽ bố trí mặt bằng công trình.

Thu NguyệtTheo Vnexpress (Biên dịch từ Dezeen)

The post Ngôi nhà đất sét được in bằng công nghệ 3 appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/34qrOVS
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Ngôi nhà có sàn nâng được từ tầng 1 lên tầng 3

Nhờ một phần mặt sàn có thể nâng lên hạ xuống, ngôi nhà ở Bordeaux vừa đáp ứng nhu cầu của chủ nhà vừa trở thành biểu tượng kiến trúc hiện đại.

Ngôi nhà có tên là Villa Lemoine nằm trên một quả đồi nhìn ra thành phố Bordeaux, của gia đình Lemoine.

Villa Lemoine nhìn từ bên ngoài.
Villa Lemoine nhìn từ bên ngoài.

Năm 1994, vợ chồng ông Jean-François Lemoine tìm đến kiến trúc sư Rem Koolhas với mong muốn xây dựng một căn nhà phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình. Do tai nạn ô tô, Jean-François bị liệt nửa người và cảm thấy “căn nhà cũ của mình như chốn tù giam”.

Dù phải gắn liền với xe lăn, Jean-François không thích một nhà đơn giản. Thay vào đó, ông ước ao “một căn nhà phức hợp vì căn nhà đó sẽ định hình thế giới của tôi”. Từ câu nói của gia chủ, kiến trúc sư Koolhas đề xuất thiết kế nhà ba tầng, tổng diện tích sàn 500 m2 với một phần sàn di động, dễ dàng di chuyển giữa các tầng để gia chủ có thể tiếp cận mọi không gian.

Một phần sàn có thể nâng lên hạ xuống như thang máy cho gia chủ bị liệt tiếp cận các khu vực trong nhà.
Một phần sàn có thể nâng lên hạ xuống như thang máy cho gia chủ bị liệt tiếp cận các khu vực trong nhà.

Ba tầng nhà trông như ba khối riêng biệt xếp chồng lên nhau. Tầng thấp nhất được “khoét” vào ngọn đồi, dành cho những hoạt động riêng tư của gia đình. Tầng giữa với cửa kính xung quanh cho phép gia chủ ngắm nhìn toàn cảnh thành phố và đem tới cảm giác “nửa ở trong, nửa ở ngoài”. Đây cũng là không gian được sử dụng nhiều nhất và hay đón khách khứa.

Tầng trên cùng đặt phòng ngủ của bố mẹ, con cái. Trong mỗi phòng ngủ, kiến trúc sư bố trí các ô cửa để người ở nhìn ra bên ngoài. Kết nối ba tầng này là phần sàn chuyển động có kích thước 3 x 3,5 mét. Nó sử dụng một piston thủy lực lớn để di chuyển tự do như thang máy giữa ba tầng. Tùy từng thời điểm và nhu cầu người sử dụng mà nó có thể trở thành một phần phòng khách, bếp hoặc khu làm việc.

Sàn di động có thể trở thành một phần phòng khách, bếp hoặc phòng ngủ tùy nhu cầu người sử dụng.
Sàn di động có thể trở thành một phần phòng khách, bếp hoặc phòng ngủ tùy nhu cầu người sử dụng.

Năm 2001, Jean-François Lemoine qua đời nên phần sàn di động không còn được sử dụng để kết nối các tầng. Thay vào đó, theo gợi ý của kiến trúc sư, nó trở thành khu vực thư giãn. Nội thất cũng được thay đổi cho hiện đại hơn. Hiện căn nhà vẫn được dùng làm nơi ở và không mở cửa cho khách du lịch.

Xem thêm một số hình ảnh khác của công trình: 

Căn nhà gồm ba tầng như ba khối xếp chồng lên nhau. Tầng thấp nhất nằm trong ngọn đồi. Tầng giữa được sử dụng nhiều nhất vì có thể nhìn ra toàn thành phố. Việc bố trí cửa kính cho tầng hai còn giúp tầng ba trông như lơ lửng trên trời. Phần sàn di động hiện nay là chỗ để ghế thư giãn. Bản vẽ mặt cắt nhà.

Theo Thu Nguyệt – VNExpress (Biên dịch từ ArchDaily, IDesign)

The post Ngôi nhà có sàn nâng được từ tầng 1 lên tầng 3 appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/3vutObH
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Ngôi nhà của gia chủ thích ngắm trời mây

ĐÀ NẴNG – Đôi vợ chồng ở Nam Hòa Xuân muốn trở về tổ ấm có nhiều nắng, gió để thư giãn và ngắm trời mây sau mỗi ngày làm việc mệt mỏi.

Căn nhà ba tầng trên mảnh đất 5 x 22 m được xây dựng để đáp ứng yêu cầu đó. Nhìn từ bên ngoài, công trình gây ấn tượng với khoảng ban công lớn ở tầng hai. Ban công này nằm ngoài phòng ngủ master, vừa là khoảng sân vườn nhỏ để trồng cây, vừa dùng làm chỗ thư giãn cho hai vợ chồng để họ ngắm trời mây và khung cảnh xung quanh. Ngoài ra, ban công đóng vai trò là mái che cho khoảng sân để xe tầng trệt.

Công trình nhìn từ bên ngoài.
Công trình nhìn từ bên ngoài.

Trên mái có hai ô giếng trời. Những ô này kết hợp với thông tầng đưa ánh sáng xuống không gian và cây xanh bên dưới. Chúng cũng tạo nên thêm chỗ ngắm trời đêm cho gia chủ. Từ khoảng thông tầng bên dưới, chủ nhà có thể nhìn lên sao, trăng.

Hai ô giếng trời cùng khoảng thông tầng đưa ánh sáng xuống bên dưới và giúp gia chủ có thêm chỗ ngắm trời mây.
Hai ô giếng trời cùng khoảng thông tầng đưa ánh sáng xuống bên dưới và giúp gia chủ có thêm chỗ ngắm trời mây.

Bên cạnh việc đáp ứng mong muốn ngắm trời mây của chủ nhà, căn nhà được thiết kế với những đường cong để đem tới sự mềm mại, điệu đà. Ở mặt tiền, kiến trúc sư đưa vào mặt dựng chóp nhọn nhằm tạo hình khối và làm điểm tựa cho vòm cong. Trong tầng trệt, không gian chung gồm phòng khách, bếp, sân vườn kết nối liền mạch, giúp các thành viên gia đình dễ tương tác với nhau. Các khoảng thông tầng cũng hỗ trợ giao tiếp giữa con người và là khoảng thở của công trình. Cây xanh được bố trí khắp công trình, xóa đi ranh giới giữa nhà và sân vườn để người ở luôn cảm thấy thư giãn.

Về nội thất, công trình sử dụng chủ yếu gỗ và đá. Trong khi gỗ tạo sự ấm cúng cho không gian nhà ở gia đình, đá hỗ trợ điều tiết nhiệt độ, làm mát ngôi nhà.

Không gian tầng trệt.
Không gian tầng trệt.

Xem thêm hình ảnh về công trình:

Công trình chủ yếu sử dụng chất liệu gỗ và đá. Ở tầng trệt, không gian sinh hoạt chung được thiết kế mở. Phòng ngủ chỉ dành để nghỉ ngơi nên hạn chế đồ đạc. Cổng bên ngoài là cửa sắt và các trụ bê tông đặt giãn cách nhau, giúp đưa gió vào nhà tốt hơn nhưng vẫn đảm bảo an ninh. Công trình sử dụng các đường cong để tạo sự khác biệt với các căn nhà phố thông thường. Nhờ có thông tầng và giếng trời, cây xanh ở dưới đủ ánh sáng để phát triển. Khoảng thông tầng cũng gắn kết không gian và con người. Các mảnh vườn được bố trí khắp nhà nhằm đem tới cảm giác thư giãn cho người ở. Căn nhà khi lên đèn. Bản vẽ mặt cắt. Sơ đồ phân chia không gian 3D. Bản vẽ bố trí mặt bằng của công trình.

Minh Trang
Ảnh: Econs Architecture
Thiết kế: Nguyen Cuong
Theo Vnexpress

The post Ngôi nhà của gia chủ thích ngắm trời mây appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/3oTgFpW
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//