Thứ Sáu, 14 tháng 5, 2021

Tiếp cận năng lực trong quá trình đào tạo KTS – Mục đích và giải pháp

Thực tế của quá trình phát triển xã hội với nhu cầu nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng công việc thiết kế kiến trúc đã trở thành đòi hỏi cấp bách. Công tác đào tạo hiện nay sẽ là quá trình gắn liền lý thuyết và thực hành, rút ngắn khoảng cách giữa kiến thức người học và thực tế công việc. Do vậy, phương pháp dạy học gắn liền với phương pháp đánh giá kết quả môn học đồ án thiết kế kiến trúc theo hướng tiếp cận năng lực người học là một trong những nhiệm vụ của cơ sở đào tạo KTS. Có sự thay đổi này mới giúp nâng cao chất lượng đào tạo; giúp người học phát huy khả năng sáng tạo, chủ động học tập, nghiên cứu; vận dụng kiến thức lý thuyết với thực hành.

1. Mục tiêu đổi mới hướng dẫn đồ án thiết kế kiến trúc

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng chương trình giáo dục tại các bậc học theo định hướng tiếp cận năng lực; nhằm hướng đến mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam như Nghị quyết 29 của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đề ra.

Giáo dục dựa trên năng lực được hiểu như sau:

Trường Gervais – Hoa Kỳ [1] (2016) – đã đưa ra một định nghĩa về giáo dục dựa trên năng lực như sau: “Giáo dục dựa trên năng lực được định nghĩa như là một hướng tiếp cận dựa vào kết quả đầu ra của người học, kết hợp mật thiết giữa phương thức giảng dạy và những tiêu chí được thiết kế nhằm đánh giá quá trình học của người học thông qua việc thể hiện kiến thức, thái độ, giá trị, kỹ năng và ứng xử tương ứng với mỗi trình độ”.

Hai tác giả Johnstone [2] & Soares [3] (2014) cho rằng để thực thi mô hình giáo dục năng lực thành công đòi hỏi phải có sự nghiên cứu và xem xét thận trọng, phải thiết kế lại hệ thống quản lý, nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục ở tất cả cấp độ từ trung ương đến địa phương. Khi các năng lực được xây dựng để phát triển thì đòi hỏi cơ sở giáo dục ở địa phương phải chuyển tải nó thành chủ đề và nội dung giảng dạy phù hợp, giúp phát triển và hiện thực hóa các năng lực đó ở người học.

Phương pháp dạy học đồ án thiết kế được tổ chức học theo cách học truyền thống là chia thành nhiều nhóm nhỏ để học; dựa trên khối lượng và thời lượng môn học giảng viên sẽ đưa ra nội dung duyệt bài từng buổi cho sinh viên thực hiện, hoạt động cụ thể của quá trình này là: Truyền khẩu, hướng dẫn thị phạm, giảng giải lý thuyết gắn với thực tế giữa thấy và trò trên lớp.

Mục tiêu đổi mới hoạt động hướng dẫn đồ án thiết kế kiến trúc.
Năm 2020, Trường ĐH Mở Hà Nội đã tổ chức đợt tập huấn “Đánh giá kết quả người học theo hướng tiếp cận năng lực”. Việc đổi mới thức chất hoạt động dạy học môn học đồ án thiết kế kiến trúc là rất cần thiết cho công tác đào tạo chuyên ngành, hướng đến việc nâng cao chất lượng đào tạo, mục tiêu đạt chuẩn đầu ra của môn học cũng như đạt chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo KTS. Do vậy việc hướng dẫn môn học thiết kế đồ án nói chung và môn học thiết kế đồ án cơ sở nói riêng, dựa trên hướng tiếp cận năng lực người học được tổ chức thực hiện.

Năng lực người học nói chung được hiểu là khả năng tiếp thu kiến thức (lý thuyết + thực hành) của môn học, từ đó nhớ, làm bài tập với kết quả đúng. Đối với người học (sinh viên nghiên cứu) chuyên ngành thiết kế tạo hình không gian (kiến trúc, nội thất) thì năng lực người học ngoài những phần việc hiểu, nhớ, làm lại; còn phải có khả năng phân tích và tổng hợp và đưa ra đáp án hoặc giải pháp thông qua việc nói, viết, vẽ những ký hiệu hình học có nghĩa phản ánh nội dung của đề bài. Với mỗi một đề bài, sinh viên sẽ có suy nghĩ và nghiên cứu sẽ đưa ra những kết quả riêng của mình và không trùng lặp với người khác (đây chính là điểm khác biệt và không đơn giản khi dạy ngành học kiến trúc so với những ngành học khác).

Bảng phân loại Bloom tương ứng với tư duy học thiết kế kiến trúc

Năng lực hướng dẫn môn học đồ án thiết kế trong chương trình đào tạo đại học được hiểu như là sự kết hợp của hai đối tượng: Người dạy và người học.

Người dạy (giảng viên) thực hiện việc quan sát tìm hiểu suy nghĩ (cách học) từng đối tượng học trong nhóm học, tài liệu học tập (phù hợp với từng giai đoạn học/ nghiên cứu đố án của sinh viên hoặc mức học của từng sinh viên). Theo mức độ của người học giảng viên sẽ đưa là khối lượng (bài/ hình vẽ) để sinh viên vẽ phát triển ý hoặc để bổ trợ giúp sinh viên hoàn chỉnh kỹ năng/kiến thức cho từng giai đoạn học (sơ phác tìm ý/ triển khai ý/ vẽ chi tiết/ thể hiện- diễn họa – hoàn thiện) đồ án thiết kế. Khi bắt đầu hướng dẫn nhóm sinh viên học đồ án cơ sở, giảng viên có thể kiếm tra và phân loại mức độ tư duy, mức độ chăm chỉ học

Sơ đồ mô tả quá trình học đồ án cơ sở với những yếu tố tác động đến hoạt động học đồ án cơ sở của giáo viên hướng dẫn GVHD và sinh viên SV (hướng dẫn nhóm khoảng 10-12 sinh viên).

2. Phương pháp đổi mới – đánh giá kết quả học đồ án thiết kế kiến trúc theo hướng tiếp cận năng lực.

Đánh giá kết quả người học theo hướng tiếp cận năng lực bao gồm tiếp cận nội dung và tiếp cận năng lực nhận thức của quá trình tư duy sáng tác.

Bảng mô tả phương pháp đánh giá kết quả người học theo hướng tiếp cận năng lực.
Sơ đồ mô tả mối quan hệ giữa mức nhận biết với cách tiếp cận năng lực; với đích hướng đến là tư duy phân tích và tư duy thiết kế. (nguồn: Nguyễn Huy Hoàng; 2020)

Với quá trình làm việc với sinh viên giai đoạn đầu của đồ án, giảng viên kiểm tra, theo dõi và quan sát chất lượng bài vẽ của sinh viên từ đó sẽ tổng hợp mức độ vẽ và đề xuất phần bài luyện tập phù hợp với khối lượng học đồ án cơ sở của sinh viên.

Qua những buổi lên lớp làm việc với sinh viên khi dạy đồ án thiết kế kiến trúc nói chung và đồ án cơ sở nói riêng; ta có thể chia người học đồ án cơ sở thành 3 mức độ

  • Mức độ 1: Mức độ sao chép hình vẽ
  • Mức độ 2: Mức độ quan sát và có sự biến đổi (lắp ghép) sinh động hình vẽ
  • Mức độ 3: Mức độ khéo léo, biết kết hợp tạo sự khác biệt, tạo ra cái mới và riêng (không giống khuôn mẫu) trong hình vẽ. (việc chia mức độ này dựa trên bảng đo năng lực nhận thức của B.Bloom [4] và cơ sở thực tiễn dạy học đồ án cơ sở )

Tương ứng với những mức độ trên sẽ có những bài tập vẽ bổ trợ giúp sinh viên luyện tập và cải thiện kỹ năng vẽ, tìm ý trong quá trình học đồ án cơ sở.
Bảng đánh giá kết quả người học theo hướng tiếp cận năng lực là bộ tiêu chí được thiết kế nhằm giúp đỡ người học và nâng cao chất lượng dạy và học cho đồ án thiết kế.

Từ những mục tiêu kiếm tra và đánh giá trên tác giả xây dựng bộ tiêu chí đánh giá bao gồm bảng đánh giá RUBRIC cho việc chấm điểm đồ án thiết kế như sau:

Thiết kế bảng Rubric tổng hợp chấm điểm cho môn học đồ án thiết kế (Nguồn: nguyễn Huy Hoàng 2020)
Bảo vệ đồ án tốt nghiệp khoa Kiến trúc tại trường ĐH Mở Hà Nội

Kết luận:

Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội khoảng 60% sinh viên ra trường làm trái ngành và tính đến đầu năm 2017 có hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp. Con số trên đây ít nhất cho chúng ta thấy hai vấn đề: Một là chất lượng đào tạo; hai là nhu cầu lao động của xã hội có sự thay đổi nhưng chương trình đào tạo tại các trường chưa bắt kịp thực tế.
Việc đổi mới chương trình đào tạo [5], thay đổi phương pháp dạy học môn đồ án thiết kế kiến trúc theo hướng phát triển tích cực, phương pháp đánh giá kết quả môn học đồ án theo hướng tiếp cận năng lực là việc quan trọng và cấp thiết với mục đích nâng cao chất lượng đào tạo KTS, vì sự tiến bộ của người học và xây dựng uy tín cũng như tạo thương hiệu của sơ sở giáo dục đại học.

ThS.KTS Nguyễn Huy Hoàng/ Trường Đại học Mở Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2021)


Tài Liệu Tham Khảo

[1] Trường trung học Gervais là một trường trung học công lập ở Gervais, Oregon, Hoa Kỳ
[2] Sally M. Johnstone (sjohnstone@wgu.edu) – Phó chủ tịch phụ trách phát triển học thuật tại Đại học Thống đốc Miền Tây..
[3] Louis Soares (lsoares@acenet.edu) – Phó chủ tịch nghiên cứu chính sách và chiến lược tại Hội đồng Giáo dục Hoa Kỳ (ACE).
[4] Nguồn http://dhthanglong.net; Mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy và học trong thời kỳ mới; GS.TS Lâm Quang Thiệp – Hội đồng quản trị Trường ĐH Thăng Long
[5] TS Dave Alan Kopec – Chuyên ngành tâm lý học, tác giả cuốn sách Environmental Psychology for Design – Nhà xuất bản Bloomsbury Publishing PLC (in lần đầu năm 2006)
[6] Benjamin Bloom – Nhà tâm lý học giáo dục người Mỹ, người đã đóng góp cho việc phân loại các mục tiêu giáo dục và lý thuyết về việc học tập thành thạo.
[7] Luật giáo dục đại học

The post Tiếp cận năng lực trong quá trình đào tạo KTS – Mục đích và giải pháp appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/2QiVpNz
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét