Khoảng 40% dân số toàn cầu sống ở các khu vực ven biển cách đại dương chưa đầy 100km, đối mặt với những thách thức về khí hậu như mực nước biển dâng cao, lượng mưa lớn và lũ lụt cực đoan. Điều này gây ra tổn thất và thiệt hại 40 tỷ đô la Mỹ hàng năm. Theo UN’s Sendai Framework về Giảm thiểu rủi ro thiên tai, từ năm 2002 đến 2012, 700.000 người chết, hơn 1,4 triệu người bị thương và khoảng 23 triệu người mất nhà cửa do hậu quả của những thảm họa này (The Conversation, June 1, 2019 ).
Những đợt lũ lụt – bão xảy ra ở miền Trung vừa qua, lũ lụt – lở đất đã ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng chục triệu người, hàng triệu gia đình, gây thiệt hại vô cùng to lớn về người và tài sản. Do biến đổi khí hậu, dự báo, cho đến năm 2050, sẽ có khoảng 50 triệu người Việt Nam phải sống trong các khu vực có khả năng bão, lũ, lụt cao.
Do đó, sáng tạo – tìm tòi những phải pháp cho công trình xây dựng có thể ứng phó hiệu quả với bão, lũ, lụt rất quan trọng, liên quan đến đời sống nhân dân và cả sự phát triển chung của đất nước. Đặc biệt là ở những vùng nông thôn, miền núi…nơi cuộc sống người dân còn rất khó khăn.
I. Tìm hiểu một số giải pháp nhà chống lụt – bão
Có hai giải pháp chính để làm Nhà chống lụt bão:
- Thứ nhất, làm nhà nổi trên mặt nước khi nước dâng lên bằng các vật nâng. Giải pháp này cho phép ứng phó kịp thời với những trận lũ lụt mà nước dâng rất nhanh (lũ quét). Tuy nhiên, nhược điểm của nó là ngôi nhà nổi thường khó ổn định trong nước, nhất là với ngôi nhà có trọng lượng nhỏ, chiều cao khá lớn, khi có gió to, sóng lớn. Người ta khắc phục bằng các vật cân bằng, trụ hoặc khung cố định, phần đế “chìm” trong nước một cách hợp lý…
- Thứ hai, công trình vẫn cố định trên mặt đất nhưng sẽ bổ sung các bộ phận công trình hoặc giải pháp có thể khắc phục các vấn đề do lũ lụt gây nên “sống chung với lũ”. Giải pháp này hạn chế sự xáo trộn cuộc sống con người trong và sau lụt.
Một số giải pháp khác cũng đã được sử dụng, nhưng ít phổ biến hơn, như làm đê bao quanh nhà, di chuyển công trình khi có bão, lụt ra khỏi nơi nguy hiểm…
Ngoài ra, cũng có một số giải pháp kết hợp những giải pháp này với nhau (như giải pháp Nhà Lưỡng cư).
Việc chọn các giải pháp nào cho phù hợp, phải căn cứ vào nhiều, yếu tố, như: Vị trí hoặc khu vực bị ngập lụt, tần Suất có thể xẩy ra những trận lụt lớn theo chu kỳ, điều kiện kinh tế của mỗi gia đình, tập quán sống…
1.1. Giải pháp nhà nổi
Nhà nổi (đơn giản):
Cần phân biệt giữa Nhà nổi, gồm một sàn nổi trên mặt nước, để ở tạm thời với tiện nghi tối thiểu với Nhà ở nổi có đầy đủ (hoặc gần đầy đủ) tiện nghi của một căn hộ và có thể ở ổn định trong và sau lũ lụt.
Phổ biến trong đợt lũ lụt vừa qua ở miền Trung, là các Nhà nổi (hoặc Nhà an toàn, Nhà chống lũ). Những ngôi nhà này chế tạo không quá phức tạp, với khoảng 5-6 thùng nhựa (hoặc thùng dầu rỗng- khối tích 200 lít/ thùng) cho một nhà nổi khoảng 10 m2, mái và tường bằng vật liệu nhẹ.
Ra đời từ năm 2013, dự án Nhà chống lũ (của Quỹ Sống – Sống Foundation) đã xây dựng 795 căn nhà nổi trên khắp cả nước, giúp hơn 4000 người dân có mái nhà an toàn trong thiên tai. Ở Quảng Bình có khoảng 500 hộ dân có nhà chống lũ, trong đó có mô hình nhà phao biệt lập với 99 căn do dự án Nhà chống lũ trực tiếp hỗ trợ xây dựng.
Nhà nổi là giải pháp phát huy tác dụng cao và nhận được sự hưởng ứng rộng rãi trong thời gian lũ lụt miền Trung vừa qua.
Nhà ở nổi:
Nhà ở nổi là ngôi nhà kiên cố – tích hợp nhiều tiện nghi của một căn hộ (chỗ ngủ, bếp, ăn, vệ sinh… thậm chí cả sinh hoạt gia đình) – được làm nổi bằng một hệ thống phao (sử dụng sức nước ) hoặc thiết bị cơ khí. Nhà ở nổi được chế tạo với mục đích ở cố định, lâu dài.
Để làm nổi ngôi nhà lên, ngoài sử dụng hệ thống phao người ta còn sử dụng hệ thống cơ khí (kích, trượt – nâng ngôi nhà bằng ray và tời… Tuy nhiên, các giải pháp này chưa thích hợp cho điều kiện Việt Nam, do nó đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, phụ thuộc vào cấp điện…
Đề xuất tăng tính an toàn, ổn định đối với nhà nổi: Như trên đã nói, các ngôi nhà nổi trên mặt nước thường dễ mất ổn định, có khả năng bị cuốn trôi. Ở trong ngôi nhà nổi quá nhỏ trong thời gian dài, bị nóng và bị hấp hơi nước… có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, “sốc” tâm lý, “sốc” nhiệt…
Vì vậy, liên kết nhà nổi vào nhau, nếu có thể, vừa tăng tính an toàn vừa dễ hỗ trợ nhau trong điều kiện bão lụt.
Các ngôi nhà nổi được chia thành các block nhỏ hơn – có thể lắp ghép – cũng nên được nghiên cứu sử dụng do tính cơ động, gọn gàng, phù hợp địa hình phức tạp của nó. Ngoài ra, có thể di chuyển chúng đến vùng cấp thiết hơn, cho hoặc sang nhượng.
Nếu có một cái hiên hoặc cửa mở rộng hơn, người ta sẽ thấy thoải mái hơn.
1.2. Giải pháp nhà cố định:
Nhà cố định chống lụt bão là ngôi nhà ở tích hợp thêm các giải pháp khắc phục tình trạng nguy hiểm do ngập úng gây ra. Giải pháp nhà cố định bao gồm: Nhà có hơn một tầng, nhà kiên cố có tầng gác xép (Cái “Tra” theo cách gọi ở miền Trung), nhà sàn, nhà kiên cố có một phần có thể nổi lên trong nước, nhà lõi…
Nhà sàn là ngôi nhà được xem là hiệu quả nhất trong các phương án nhà cố định chống lại lũ, lụt… Ngoài ra, nhà sàn cũng là giải pháp ít nhiều mang đến cơ hội thoát hiểm trong những vụ lở đất, lũ ống – vốn được xem là không có cách nào cứu vãn được.
Nhà có gác xép (Cái “Tra” ) trong mùa lũ lụt vừa qua ở miền Trung, giúp rất nhiều cho người dân. Khi có nguy cơ cao hơn, họ dùng thuyền để sẵn để thoát ra ngoài. (Vietnam Daily, 23/10/2020). Cao độ gác xép được cân nhắc với các mức lũ, lụt lịch sử.
Nhà lõi đã được sử dụng cho nhiều ngôi nhà ở miền Trung, được xây dựng thông qua Chương trình tài trợ của UNDP. Nhà lõi sử dụng một phần nhà kiên cố, là nơi “cứu nạn” tại chỗ, đồng thời là cái lõi để phát triển của ngôi nhà.
Nhà lõi chưa giải quyết được vấn đề di chuyển tài sản lớn, đồ đạc, sinh hoạt của con người do diện tích nhỏ.
Nhà Lưỡng cư: Nhà cố định nhẹ đặt lên trên một hệ thống khung (BTCT, gỗ, thép…). Phần nhà nhẹ bên trên có thể nổi lên khỏi mặt nước khi nước ngập đến sàn. (Xem hình Nhà có thể nổi đặt trên khung BTCT và Nhà EBH Greenarchi 2.0- nhóm nghiên cứu Greenarchi).
Đề xuất: Trong khu vực thường có khả năng lụt bão, nên sử dụng giải pháp Nhà Sàn hoặc Lưỡng cư trên hệ sàn trống, chế tạo sẵn. Kiểu nhà này vừa thông thoáng, phù hợp với tiêu chí Kiến trúc Xanh hiện đại, lại rất chủ động và tiện lợi trong điều kiện lụt bão. Có nhiều khả năng công nghiệp hóa.
Hiện nay, do sự phát triển của kỹ thuật và vật liệu xây dựng, người ta có thể sử dụng khung cột thép, khung cột bằng BTCT cho nhà sàn, giảm sử dụng vật liệu tự nhiên.
1.3. Một số giải pháp khác
Một số nơi ở Mỹ và Việt Nam, người dân sử dụng giải pháp bảo vệ nhà bằng “vách hoặc tường Bảo vệ” bằng bao cát, tường chắn cao su, tường xây đặc chèn đất sét, đê… để chống lại gió bão và chống cuốn trôi đồ đạc, gia súc.
Ngoài ra, KTS Hồ Văn Thọ (Công ty Vĩnh Thành) sáng tạo ra Ngôi nhà di động. Đây là ngôi nhà được thiết kế tiện nghi cho một gia đình nhỏ và có thể di chuyển đến vị trí an toàn khi có bão lụt.
Công trình này hiện đã bán được hàng chục chiếc. Tuy nhiên, do thiết kế dạng “toa tầu“, chưa hợp với thị hiếu người Việt Nam. Vị trí đỗ, di chuyển ngôi nhà ra khỏi vị trí khuôn viên cũng rất khó do điều kiện đường xá nông thôn.
II. Những vấn đề khác cần được trao đổi
Để chống lại với tác động tiêu cực của bão lụt, không thể chỉ trông chờ vào những giải pháp kỹ thuật. Những vấn đề sau cần trao đổi để tăng hiệu quả của các giải pháp đã trình bầy ở trên:
1. Chủ trương chung về xây dựng nhà ở trong vùng lụt bão:
- Phải có sự chỉ đạo tập trung để phối hợp các nỗ lực của cộng đồng, nhất là của những cơ quan, tổ chức, đơn vị chuyên môn, có kinh nghiệm xây dựng nhà và công trình trong vùng lụt bão.
- Hướng tới các giải pháp có tính Xanh-bền vững.
- Cần có cơ quan chuyên môn có trách nhiệm cung cấp thông tin cho người xây dựng nhà; cũng như đưa ra các cảnh báo, quy định, quy chế, hương ước… về xây dựng tại những khu vực rủi ro cao.
- Việc quy hoạch vị trí, xây dựng những mẫu nhà ở được thực hiện bài bản, có tổ chức từ những người chuyên nghiệp, có kinh nghiệm. Tránh tình trạng làm ồ ạt, tự phát, cảm tính, thiếu tính toán khoa học, bài bản… gây lãng phí hoặc hỗn loạn.
2. Công tác quy hoạch – di dời – tái định cư:
Quy hoạch có vai trò quyết định trong xây dựng nhà trong điều kiện khu vực có nguy cơ cao. Cần đặt từng ngôi nhà trong một quy hoạch – kế hoạch chung về phòng chống, cứu hộ, cứu nạn của cả cộng đồng. Tránh làm riêng lẻ, rời rạc, cản trở nỗ lực nhau.
Kiên quyết di rời các nhà dân hoặc khu vực nhà dân có độ rủi ro cao, như: Nhà chắn các nơi hợp thủy giữa các quả đồi, nhà dưới các địa hình quá dốc, nhà dưới chân các ta luy nguy hiểm…
Cần có những chương trình dài hạn/ngắn hạn cho việc xây dựng công trình, đặc biệt là chương trình nhà ở ứng phó với các khu vực dễ bị tổn thương do thiên tai.
3. Thiết kế công trình:
Trong những năm vừa qua, nhiều tổ chức xã hội và chuyên gia (Hội KTS Việt Nam,UNDP, VIAR, đơn vị xây dựng – tư vấn thiết kế, Quỹ sống, các KTS…) đã sáng tác những mẫu Nhà ở vùng bão – lụt nhằm tìm ra những mẫu thiết kế khả thi ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu.
Hàng chục mẫu thiết kế nhà ở và các giải pháp khác nhau được sáng tác, sáng tạo. Nhiều mẫu được đánh giá cao trong các cuộc thi. Tuy nhiên, không quá nhiều ý tưởng thiết kế được triển khai trên thực địa. Đâu là vấn đề?
- Tính thực tiễn chưa cao, nhiều thiết kế giống như nhà du lịch, chưa dựa trên đặc điểm lũ-lụt Việt Nam. Người thiết kế mới nhìn nhận ngôi nhà chống bão lụt mới ở mức độ của “người trên bờ”, chưa nhìn nhận dưới góc độ “người dưới nước”.
- Sự kiểm nghiệm, thử thách các mẫu thiết kế: Không nhiều người sẵn sàng chi vài chục triệu hoặc hàng trăm triệu cho những thiết kế chưa có kiểm nghiệm thực tế (Kinh nghiệm từ nhóm dự án “Nhà chống lũ” (Quỹ Sống).
- Cung cấp các hướng dẫn cụ thể: Cùng với các giải pháp thiết kế đã được kiểm chứng qua thực tế, cần có những hướng dẫn để người dân hiểu và chủ động sáng tạo trong việc sử dụng những vật liệu, vật tư dễ kiếm, dễ có, cũng như huy động nhân công từ họ hàng, cộng đồng… để tự tạo nên ngôi nhà chống lũ lụt hiệu quả với chi phí tối thiểu.
- Giá thành công trình: Giá thành là điều quan trọng thứ hai sau khả năng an toàn của mỗi ngôi nhà. Rất nhiều người thích tự tạo ngôi nhà cho mình bằng các vật liệu rẻ, tận dụng… để giảm giá thành. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến việc xây dựng lộn xộn hoặc thiếu an toàn. Điều quan trọng là phải giảm giá thành bằng các vật liệu có thể sản xuất công nghiệp.
- Tài sản của người dân cũng rất cần quan tâm. Cần phải có giải pháp phù hợp đối với tài sản lớn (như ô tô, máy nông cụ…) hoặc gia súc lớn (lợn, trâu bò, dê …hay chạy hỗn loạn). Cần phải có thiết kế phù hợp về kích thước, tải trọng động của những tài sản này.
- Vấn đề Thẩm mỹ và vấn đề sử dụng nhà chống lũ sau lũ lụt….? Không thể coi ngôi nhà chống lụt bão chỉ là ngôi nhà “ngôi nhà an toàn” mà không tính đến các nhu cầu sinh hoạt khác, như: Thông thoáng, chống nóng, tắm giặt, vệ sinh, thẩm mỹ… Cần coi những ngôi nhà chống lụt bão có thể trở thành ngôi nhà du lịch (camping)?
4. Thay đổi thói quen tư duy của người dân về xây dựng nhà vùng bão lụt:
Bất chấp những cảnh báo, do sinh kế, người dân vẫn xây dựng nhà trong những khu vực dễ gặp rủi ro bởi thiên tai. Hơn nữa, người dân cũng lại thường cho rằng: “Bão lũ thì tồi tệ, nhưng khả năng nó sẽ xảy ra bao nhiêu lần trong một năm. Có đáng để xây dựng một cách phức tạp thế ”.
Cứu trợ ở Việt Nam là cần thiết, song có nên nghiên cứu – vận dụng các giải pháp được luật hóa như ở Mỹ?
Khi xây nhà trong vùng có hiểm họa lũ lụt cao, người dân Mỹ buộc phải mua bảo hiểm, hiểm họa càng cao, tiền mua bảo hiểm càng lớn. Những quy định có tính bắt buộc này khiến cho người dân phải suy nghĩ, trước khi quyết định có xây nhà ở đó không.
Pháp luật nhiều nước cũng không cho phép sử dụng những ngôi nhà tạm bợ, không được kiểm nghiệm kỹ thuật, thiếu an toàn… dù để chống lũ lụt.
5. Công nghệ và vật liệu xây dựng
Để xây dựng những ngôi nhà có khả năng chống chịu thiên tai tốt , tiết kiệm và bảo vệ tài nguyên tự nhiên, có tính thẩm mỹ …cần phải sử dụng những loại vật liệu có thể sản xuất hàng loạt, công nghiệp, đặc dụng. Đây là kinh nghiệm của các nước Châu Âu và Mỹ cho những vùng thường ngập lụt.
Cho đến nay, người ta vẫn cho rằng vấn đề ở chỗ không có những mẫu nhà phù hợp, nên sản xuất chúng quy mô công ngiệp có tính rủi ro cao.
Kết luận
Ông cha ta có câu: “Lụt thì lút cả làng” hoặc “Đừng để nước đến chân mới nhẩy”. Rõ ràng, những kinh nghiệm xưa về phòng chống bão lụt còn rất hữu dụng. Lụt không chỉ ảnh hưởng đến người bị lụt mà còn gây khó khăn, thiệt hại cho cả xã hội. Mặt khác, phòng chống lụt bão (đứng đầu trong 4 hiểm họa Thủy, Hỏa, Đạo, Tặc) không đúng cách, không chỉ là thiệt hại mà còn tạo ra những nguy cơ mới.
Các giải pháp cần hướng đến phát triển ổn định lâu dài; Giảm thiểu chi phí; Thi công lắp dựng đơn giản; Thích ứng với mọi điều kiện hoàn cảnh về kinh tế, xã hội từng địa phương- vị trí cụ thể; Được nghiên cứu toàn diện, có cơ sở thực tiễn và khoa học; Được kiểm chứng – kiểm nghiệm, tránh tùy tiện, tự phát.
Đánh giá và nghiên cứu thận trọng kết quả các giải pháp, lựa chọn, bổ sung những yếu tố mới, áp dụng công nghệ, sử dụng vật liệu mới, làm cho việc xây dựng những ngôi nhà có khả năng ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu một cách hiệu quả, tránh lãng phí các nguồn lực của xã hội, kể cả nguồn lực tài trợ và vận động tài trợ.
Vũ Hồng Thủy
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2021)
The post Nâng cao hiệu quả các giải pháp giảm thiểu tác hại của thiên tai đối với nhà ở trong vùng lụt bão appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/3o4ZKQW
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét