Thứ Hai, 10 tháng 5, 2021

“Bẫy trung bình” trong kiến trúc

Trong sự phát triển kinh tế xã hội nước ta hiện nay đang được cảnh báo về nguy cơ mắc “bẫy trung bình”, cần cảnh giác và có sách lược đột phá để tránh và vượt qua.

Phố Định Công ngộp thở vì dự án chung cư

Trong phát triển kiến trúc và hoạt động sáng tác kiến trúc cũng đã và đang có hiện tượng như vậy, một thời gian khá dài mà chưa có tín hiệu khắc phục, chuyển biến.

Mặc dù chúng ta vui mừng và tự hào vì đã tạo dựng được một quỹ kiến trúc khổng lồ là cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế, đáp ứng nhu cầu cho môi trường sống và hoạt động của con người, làm thay đổi cơ bản diện mạo đô thị, nông thôn, tuy nhiên cầu thị và khách quan nhìn nhận thì thấy rằng: Sự bùng nổ kiến trúc hồ hởi sau Đổi mới có sự mới mẻ, đa dạng, nhưng dần dần trở lại bình lặng. Đặc biệt, mười năm gần đây cảm nhận có sự bão hòa, nhàm chán, trùng lặp kiến trúc (đặc biệt nhà ở) miền núi theo miền xuôi, nông thôn “đô thị hóa” theo thành phố, hình ảnh đô thị các vùng miền hầu như giống nhau, thiếu bản sắc khó nhận diện.

Sự tìm tòi cái mới, cái khác biệt đặc thù còn quá ít ỏi, phải chăng đã thỏa mãn với hiện trạng mức “bình dân” vì cho rằng đã cố gắng lắm rồi, hay sức ép của thị trường lực bất tòng tâm.

Điểm qua thực tế, các đồ án sáng tạo và tệ hơn nữa là các công trình hiện hữu có thể nhận thấy sự “đại khái” trong tư duy cũng như thành quả, cụ thể: Khi thiết kế tổng mặt bằng chỉ lo đáp ứng các chỉ tiêu và yêu cầu về quy hoạch để dễ thỏa thuận, không quan tâm xung quanh. Khi bố trí công năng bên trong chỉ lo đủ tổng diện tích mà nhiệm vụ thiết kế đề ra để chủ đầu tư chấp nhận, không thạo hoặc ít chú ý đến dây chuyền hoạt động và tìm tòi sự tối ưu khi sử dụng (đặc biệt các công trình chuyên ngành đặc thù) thậm chí ỷ lại cho người sử dụng tự sắp xếp theo yêu cầu. KTS thụ động và mất vai trò tư vấn hướng dẫn xã hội.

Sáng tác kiến trúc nhưng ít nắm vững hoặc quan tâm đến các giải pháp kỹ thuật, phó thác cho các bộ môn nên xảy ra tình trạng “chắp vá” có lúc phá kiến trúc.

Nhà chia lô ở nông thôn

Về mặt hình thức, trước đây khi kinh phí eo hẹp, vật liệu hoàn thiện đơn sơ thì người thiết kế rất chịu khó nghiên cứu để cố tạo ra thẩm mỹ, cho dù ít ỏi, ngược lại ngày nay khi mọi điều kiện đầy đủ, nhất là có kho tàng “internet” thì không cần “sáng tạo” làm gì, một chốc có thể “ghép” ra nhiều phương án khác nhau, chủ đầu tư thích gì có được nấy, thi hay thầu đều trúng.

Sự đại khái đến mức hình thức bên ngoài không khớp với bố trí bên trong nên khi xây dựng thực tế không giống như phương án được duyệt ban đầu, hình thức bên ngoài không thích ứng với các hướng khác nhau về khí hậu…

Từ những năm 70-80 thế kỷ trước, xu hướng khai thác “tính truyền thống” cho kiến trúc hiện đại đã được KTS “day dứt”, giờ đây định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam rõ ràng thì hầu như đều thờ ơ, cả nhà quản lý, chủ đầu tư và người sáng tác thiết kế. Trong giới KTS hành nghề có sự “phân hóa”, số ít KTS ở các TP lớn, nhất là có liên quan đến nghiên cứu lý luận, đào tạo thì khi sáng tác có ý thức về vấn đề trên, cũng như chú ý đến yêu cầu sáng tạo mới (từ công năng vận hành hoạt động, không gian môi trường bên trong, áp dụng vật liệu mới, đến sáng tạo thẩm mỹ…). Vì vậy, tác phẩm của họ có sắc thái, chất lượng và theo kịp xu thế thời đại. Đáng tiếc phần còn lại lại là đa số, chỉ chuyên thiết kế, bị hạn chế bởi điều kiện địa phương, tự ti mặc cảm về năng lực bản thân và tổ chức, thỏa mãn với mục tiêu kiếm sống, nên sản phẩm làm ra tương ứng “nhàng nhàng, vô thưởng, vô phạt”

Bệnh “chây ì” xuất hiện trong hoạt động sáng tác, chây lười động não, không muốn sáng tạo, ỷ lại, ăn sẵn cho nhanh, kiến trúc ì ạch chậm phát triển. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này có phần khách quan như sức ép về thời gian, tiêu cực trong lựa chọn phương án (trong các cuộc thi tuyển, đấu thầu, hay theo ý thích của bên A) đãi ngộ chưa hợp lý và chưa công bằng, can thiệp quá sâu vào chuyên môn, vị thế KTS là người làm thuê chứ chưa phải là người sáng tạo.

Hậu quả của thực trạng trên trước hết kìm hãm nhiệt huyết của KTS, kìm hãm chí vươn lên, trách nhiệm nâng cao kiến trúc và kỹ năng hành nghề, sáng tạo đóng góp cho nền kiến trúc nước nhà chứ không chỉ là giải quyết cuộc sống bản thân.

Đối với nền kiến trúc, làm chậm lại tiến trình phát triển trong khi xu thế thế giới các mặt tiến nhanh như công nghệ, vật liệu, điều hành bằng trí tuệ nhân tạo. Vì vậy, kiến trúc Việt Nam chậm hình thành bản sắc và có nguy cơ để kiến trúc do KTS nước ngoài định hình.

Trong phát triển kinh tế đòi hỏi sách lược đột phá để vượt qua “bẫy trung bình”. Vậy trong phát triển kiến trúc, định hướng của Nhà nước và của Hội KTS đã có rõ ràng nhưng “tác nhân” chưa có.

Luật Kiến trúc phải chăng là cứu cánh, là vắc xin để chữa bệnh “chây ì”, là tác động đột phá? Cũng như bài học đối phó với dịch Covid, có 2 yếu tố cơ bản đó là sự đồng lòng cho một sự việc, một mục tiêu được đồng thuận. Cho nên, cần có sự đồng lòng của giới kiến trúc, của xã hội với trách nhiệm xây dựng nền Kiến trúc Việt Nam riêng của mình: Hiện đại, đậm đà bản sắc, nhân văn.

Yếu tố thứ 2 là thực trạng sức khỏe của bệnh lý nền. Vì vậy năng lực và tâm huyết của bản thân KTS, cơ chế quản lý kiến trúc của Nhà nước đúng đắn, lành mạnh, đóng vai trò quyết định cho việc chữa khỏi căn bệnh trên, góp phần khắc phục đột phá “bẫy trung bình” trong phát triển kiến trúc và hoạt động sáng tạo kiến trúc nước nhà.

Chúng ta quen “tự hào”, nhưng cũng cần phải biết và quen “tự trọng”.

Nguyễn Thúc Hoàng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2021)

The post “Bẫy trung bình” trong kiến trúc appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/3vWWbix
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét