Mô hình nhà ở Co-housing khuyến khích tính tương tác xã hội – giao tiếp, hỗ trợ, giúp đỡ giữa các dân cư, giúp các cá nhân và gia đình có được sự sẻ chia. Các TP và đô thị lớn trên thế giới đã và đang hướng tới mô hình này nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở rất lớn của người dân nhập cư, đồng thới thích nghi với những thách thức về môi trường và xã hội ngày nay, trong đó có cả TP HCM. Thông qua mô hình chung và kinh nghiệm thực tiễn trong và ngoài nước, nhóm tác giả khái quát mô hình co-housing và đưa ra những khả năng áp dụng mô hình này, hướng tới loại hình nhà ở dành cho nhóm đối tượng người thu nhập thấp tại TP HCM.
Giới thiệu chung
Mỗi năm theo thống kê, dân số Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) bình quân tăng thêm khoảng 200.000 người, trong số đó 2/3 là dân nhập cư. Họ là những người có nhu cầu tìm nhà ở nhưng khả năng tài chính lại hạn chế. Chính quyền TP đang đặt ra hai vấn đề về chính sách nhà ở là: 1) Loại hình nhà ở nào có thể đáp ứng được nhu cầu tối thiểu nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sống, mang tính ổn định lâu dài cho người lao động và dân nhập cư; 2) Chính sách nhất quán, rõ ràng để tạo môi trường sống tốt, an toàn, đảm bảo thu hút người nhập cư tới sinh sống và làm việc.
Những năm gần đây, quỹ nhà ở của TP.HCM dành cho đối tượng này đã có một vài tín hiệu tích cực, tuy nhiên, thực tế vẫn còn những hạn chế về qui mô, số lượng và chất lượng nhà ở dành cho nhóm đối tượng yếu thế này trong xã hội.
Co-housing là một loại hình nhà ở tập thể trong đó nhấn mạnh sự hợp tác và chia sẻ của cư dân, được hình thành từ Đan Mạch trong những năm 1970, về sau được du nhập vào Mỹ trong những năm 1990 (Priest, I., 2015). Mô hình gồm các không gian riêng tập trung xung quanh không gian chung, thường là một ngôi nhà chung, bao gồm nhà bếp lớn và khu vực ăn uống, giặt là và các không gian giải trí. Không gian chung ngoài trời bao gồm bãi đậu xe, lối đi, không gian mở và vườn cây (Jakobsen, P., 2018). Một mô hình nhà ở mà nhiều người không liên quan sống chung và dùng chung nhà bếp, phòng tắm và phòng khách,… Các TP và đô thị lớn trên thế giới đã và đang hướng tới mô hình này xem như giải pháp tối ưu cho giải pháp lưu trú mới: Đơn cử tại Đan Mạch, Hoa Kỳ, phổ biến nhất là họ chung sống với các dịch vụ chung tập trung trong một khối duy nhất có thể tách biệt hoặc có thể được xây dựng trong các tòa nhà khác; tại Tây Ban Nha phổ biến nhất là nơi ở cho người cao tuổi với những ngôi nhà không lớn hơn 80 m2 được trang bị phòng ngủ, bếp và phòng tắm, tại Australia, hầu hết các cộng đồng là hỗn hợp, có quy mô khác nhau từ 10 đến 40 ngôi nhà, và các khu vực sử dụng chung đều nằm chung trong một tòa nhà riêng biệt, tại Nhật Bản, nhu cầu về nhà ở chia sẻ này ngày càng tăng, chủ yếu dành cho những người độc thân ở độ tuổi 20 và 30, hầu hết những căn nhà chia sẻ này được cung cấp bằng cách cải tạo những ngôi nhà dành cho một gia đình hoặc những căn nhà tập thể…
Dự báo tại Việt Nam nói chung, và TP.HCM nói riêng, Co-housing sẽ là một xu hướng bất động sản mới trong thời gian tới. Tuy nhiên, sự phát triển của nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, vẫn còn khá mới mẻ và đang trên quá trình thực nghiệm.
Đặc điểm mô hình nhà ở Co-Housing
Đặc điểm cơ bản của Co-housing là tạo điều kiện tương tác giữa những người hàng xóm trong cùng khu nhà; mang lại lợi ích xã hội, thiết thực, kinh tế và môi trường; tập hợp các khu nhà ở, căn nhà có diện tích nhỏ hơn mức trung bình để tối ưu hóa thành các không gian chung, chia sẻ đuợc cho nhiều người; có một số cơ sở vật chất chung để sử dụng hàng ngày; tự quản tập thể dựa trên sự đồng thuận (Jarvis, H., 2011). Nói cách khác, Co-housing gần giống như cuộc sống bình thường, nhưng đi kèm với những trách nhiệm đáng kể. Cư dân thường chia sẻ những việc vặt, duy trì và ra quyết định liên quan đến không gian chung và cơ sở vật chất. Các quyết định thường được đưa ra theo mô hình đồng thuận, không chỉ xem xét ý kiến của mỗi thành viên cộng đồng mà còn khuyến khích hợp tác, lắng nghe và đồng cảm.
Một số nguyên tắc cơ bản của mô hình nhà ở Co-housing:
- Cung cấp các tiện ích riêng và chung để tạo sự cân bằng giữa quyền riêng tư và cộng đồng;
- Các giá trị được chia sẻ làm nền tảng cho cộng đồng và thân thiện với môi trường;
- Có sự hỗ trợ của những người sống xung quanh, hạn chế sự cô lập;
- Tăng cường không gian chung trong căn hộ nhiều thế hệ và giữa các nhóm căn hộ cùng chức năng, giảm diện tích riêng, tăng diện tích chung;
- Quy mô và phạm vi của khu nhà ở từ 10-40 căn hộ, với diện tích phù hợp để tăng tính năng động của cộng đồng;
- Đưa quyền kiểm soát và quản lý của cư dân tập thể vào hình thức pháp lý;
- Cộng đồng chung sống là một phần của cộng đồng rộng lớn hơn.
Khả năng vận dụng mô hình Co-Housing vào nhà ở dành cho người thu nhập thấp tại Việt Nam và TP.HCM
Người thu nhập thấp tại TP.HCM có sự đa dạng về thành phần, trong đó có người già, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, cán bộ công chức (có việc làm), người lao động tự do, hoặc không có việc làm ổn định (Hình 1). Đa phần họ muốn tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp, việc làm, tiếp cận với dịch vụ y tế, giáo dục, và cùng có điều kiện sống khó khăn tại một nơi đắt đỏ như TP.HCM. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của phong trào nhà ở dành cho người thu nhập thấp trong những năm gần đây, GIá trị sử dụng và kinh tế đối với loại hình nhà ở dành cho người thu nhập thấp có những thay đổi đáng kể. Những đặc điểm nổi bật của nhà ở hợp tác dạng Co-houing có thể là yếu tố cần thiết để cải tiến không gian sống, không gian cộng đồng cho người thu nhập thấp tại TP. HCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Những yếu tố dưới đây được nhóm tác giả đề xuất nhằm cải tiến mô hình nhà ở dành cho người thu nhập thấp tại TP. HCM trong tương lai.
Cốt lõi của mô hình nhà ở dạng Co-housing là sự phát triển của khu vực lân cận kết hợp một cách sáng tạo nơi ở riêng tư và chung để tạo lại cảm giác cộng đồng, đồng thời duy trì mức độ riêng tư cao của cá nhân. Cư dân có thể chọn mức độ họ tham gia để tìm sự cân bằng phù hợp giữa quyền riêng tư của họ và cộng đồng. Về mặt này, Co-housing hoàn toàn phù hợp với các lý thuyết phát triển kinh tế của TP. HCM.Khả năng kết nối: Co-housing có thể bố trí không gian đa dạng và linh hoạt, nhưng có đặc điểm chung là bố trí một không gian sống chung ở giữa các căn nhà/không gian riêng tư, cho phép đảm bảo sự riêng tư trong một cộng đồng chung. Lấy không gian chung làm trọng tâm để kết nối các không gian riêng tư, mặt chính của các khối nhà sẽ luôn xoay đến một không gian chung để họ có thể dễ dàng tiếp cận và giao lưu (Hình 2&3). Những người có cùng sở thích và có nhu cầu chia kinh nghiệm, buồn vui cuộc sống chính là những nhân tố thúc đẩy gắn kết cộng đồng.
Tính cộng đồng: Nhà ở hợp tác không chỉ liên quan đến việc cư dân ở chung không gian và cơ sở vật chất mà còn thúc đẩy các tương tác xã hội và tình cảm giữa những cư dân có cùng sở thích và lối sống. Cư dân của nhà ở hợp tác có thể hy sinh không gian riêng, nhưng sống trong nhà chung có thể làm giảm nguy cơ bị cô lập xã hội và các tác nhân gây căng thẳng tâm lý xã hội do cô đơn, là một trong những những vấn đề mà những người sống trong các hộ gia đình độc thân gặp phải. Nhóm tác giả đưa ra giả thuyết rằng những người đánh giá cao tầm quan trọng của các mối quan hệ xã hội có nhiều khả năng chọn nhà ở hợp tác và những người ở nhà ở hợp tác có thể có ý thức gắn bó với cộng đồng hơn. TP. HCM ngày nay có rất nhiều người nhập cư đến từ những địa phương khác nhau, với sự đa dạng về văn hóa sống, tính cách chiếm hữu cá nhân,…điều đó cho thấy việc sử dụng chung không gian chung và nhiều tiện ích khác trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, những vấn đề tồn tại trong các không gian cộng đồng của người thu nhập thấp hiện nay không phải là không cải thiện được. Vận dụng tính chất cốt lõi của Co-housing, cần định hướng cho mọi người để cùng nhau chia sẻ, cùng nhau xây dựng những giá trị tốt đẹp của cuộc sống, xây dựng không gian ở kết nối với thiên nhiên. Co-housing chú trọng xây dựng nhiều mảng không gian cũng như thiết kế các hoạt động để làm cầu nối cho những cuộc trò chuyện, gặp gỡ và làm việc của những người cùng lý tưởng và chia sẻ những giá trị sống giống nhau. Chia sẻ văn hoá, tôn giáo và các kinh nghiệm bản thân giúp họ cùng nhau phát triển toàn diện về mọi mặt, làm cho cư dân cảm giác hạnh phúc và ấm áp của tình nghĩa láng giềng. Đây cũng chính là linh hồn của Cohousing.
Tính thích ứng: Trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra nhanh hơn bao giờ hết, người dân và môi trường của họ rõ ràng đang chịu nhiều áp lực. Nhu cầu về nhà ở kiểu studio của sinh viên, người nhập cư đã tăng lên đáng kể trong những năm qua tại TP. HCM. Hệ thống giao thông công cộng cùng với hệ thống đường vành đai là cơ sở kết nối thuận lợi, thích hợp để xây dựng mô hình nhà ở cho người thu nhập thấp ở vùng ngoại thành. Mặc khác, mô hình Co-housing quy mô nhỏ cũng thích ứng với các khu vực có mật độ cao trong nội thành. Nhằm mục đích tối đa hóa lợi nhuận và hiệu quả về diện tích, những không gian sống được thiết kế hạn chế để phù hợp với điều kiện sống thông thường. Thiết kế tạo ra sự cân bằng giữa không gian chung và không gian riêng khi xét đến tính tiện nghi của “ngôi nhà chung”. Hơn nữa, luôn khuyến khích sự tương tác và hòa nhập giữa những người bạn cùng nhà.
Tóm lại, việc vận dụng những đặc điểm cốt lõi của mô hình nhà ở Co-housing để hướng tới một loại hình nhà ở cho người thu nhập thấp tại TP. HCM trong tương lai còn phụ thuộc các yếu tố như:
- Sự đa dạng về kiến trúc nên được khuyến khích bởi sự kết hợp của tiêu chuẩn nhà ở xã hội hiện hành với một số giải pháp Co-housing tiên tiến và hiệu quả của một quốc gia. Và người dân nhập cư phải cùng tham gia vào sự phát triển của giải pháp chung để không gian cộng đồng phản ánh đúng những ưu tiên của họ nhưng cũng cần tôn trọng sự đa dạng văn hóa và các lối sống khác nhau.
- Dung hòa các giá trị cốt lõi “nếp nhà”: Đối tượng người thu nhập thấp đến từ nhiều vùng miền, độ tuổi,… khác nhau và ít nhiều sẽ có thay đổi lối sống trong điều kiện kinh tế xã hội hiện nay, nhưng quan niệm sống về “nếp nhà” vẫn còn được lưu giữ và việc kế thừa truyền thống, kế thừa di sản nhà ở vẫn luôn được quan tâm. Trong không gian hạn hẹp của đô thị TP.HCM (mật độ dân cư cao, diện tích đất có giới hạn), loại hình nhà phố đang chiếm ưu thế nhưng nhà ở dạng căn hộ – chung cư cũng sẽ là xu hướng phát triển tất yếu. Do đó, việc khắc phục những tồn tại, bất cập trong nhà ở dạng căn hộ như chất lượng, hình thành ý thức và thói quen của người dân trong việc sử dụng các tiện nghi chung… và khai thác các đặc trưng của văn hóa vùng, miền để thiết kế, tạo lập không gian kiến trúc nội-ngoại thất của căn hộ chung cư, qua đó bố trí sắp xếp vị trí căn hộ phù hợp với nhu cầu của người sử dụng, khai thác tối đa hiệu quả công năng chung và riêng,… Điều này sẽ giúp cho họ dần hình thành lối sống, nếp nhà phù hợp với điều kiện phát triển đô thị hiện tại.
- Thay đổi dần hệ tư tưởng, quan niệm sống “cộng đồng”: hiện nay rất ít người hiểu rõ khái niệm “co-housing”, vì vậy cần làm rõ, thông suốt từ nhà quản lý đến đối tượng thụ hưởng, hơn hết họ là những người thu nhập thấp, có thể sẽ hạn chế về mặt nhận thức và tiếp cận đúng.
- Cơ chế cụ thể về quyền sở hữu và pháp lý cho loại hình lưu trú kết hợp mô hình co-housing này, bởi lẽ mô hình này mang sở hữu riêng khác nhau giữa các nhóm không gian chung cộng đồng. Đặc biệt, vấn đề sử dụng chung một số không gian cũng có những rủi ro về trật tự, an ninh. Tất cả những điều đó phải phát triển thành những dịch vụ chuyên nghiệp hoặc là được xác lập bởi cơ sở pháp lý cần thiết. Hơn thế, cần phải có những hoạt động pháp lý chặt chẽ trong việc lập kế hoạch và xây dựng cộng đồng, định hướng cho cư dân thích ứng được môi trường sống chung, hòa đồng, kết nối cộng đồng. Giảm thiểu rủi ro xã hội, quyền tư hữu, nâng cao ý thức người sử dụng và khuyến khích một môi trường xã hội và hỗ trợ đa dạng cho các hộ gia đình.
Không thể phủ nhận những giá trị mà co-housing mang lại cho một đô thị có mật độ dân nhập cư cao như TP.HCM, và càng không thể phủ nhận những tiềm năng để phát triển loại hình này. Mô hình không chỉ đơn thuần là giải pháp về nơi ở, mà còn là một trải nghiệm hướng tới việc kết nối và chia sẻ với mọi người xung quanh, đáp ứng mọi nhu cầu của cộng đồng. Mang đến cho những người dân nhập cư được nơi an cư ổn định để phát triển tốt về các nhu cầu của họ tại đô thị lớn TP.HCM này.
ThS. Lê Tấn Hạnh
Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM
TS. Ngô Lê Minh
TS. Võ Hoàng Khánh
Trường Đại học Tôn Đức Thắng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2022)
Tài liệu tham khảo
[1] Helen Jarvis (2011). Saving space, sharing time: integrated infrastructures of daily life in cohousing, Environment and Planning A 2011, volume 43, pages 560-577, DOI: 10.1068/a43296
[2] Peter Jakobsen & Henrik Gutzon Larsen (2019). An alternative for whom? The evolution and socio-economy of Danish cohousing, Urban Research & Practice, 12:4, 414-430, DOI: 10.1080/17535069.2018.1465582
[3] Priest, I. (2015). Different kind of living. RIBA Journal, 122(10), p. 54, 2015.
[4] Vestbro, D (2000). From collective housing to cohousing – A summary of research. Journal of Architectural and Planning Research 17(2): 164–177.
[5] Wankiewicz, H (2015). The potential of co-housing for rural Austria. Journal of Urban Research and Practice 8(1): 46–63.
[6] World Bank, (2015). Báo cáo “Nhà ở giá hợp lý ở Việt Nam – Con đường phía trước” do Ngân hàng Thế giới công bố, World Bank Document.
[7] Trường đại học Tôn Đức Thắng, (2021). Tài liệu giảng dạy môn Chuyên đề kiến trúc nhà ở.
The post Đặc điểm Co-housing: Khả năng áp dụng tại TP. Hồ Chí Minh appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/6jrpGVx
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét