Thứ Tư, 11 tháng 5, 2022

Nghiên cứu xu hướng thiết kế tủ bếp tương lai dựa trên sự thay đổi thói quen và hành vi của người sử dụng

Đại dịch Covid-19 là một biến cố lớn trên toàn cầu, gây ảnh hưởng trên nhiều phương diện. Đại dịch vẫn chưa kết thúc, nhưng có thể chắc chắn một điều. Thế giới sẽ trở nên rất khác khi các thói quen, hành vi của con người thay đổi. Công việc thiết kế nói chung và thiết kế nội thất nói riêng ngoài việc đáp ứng các nhu cầu hiện tại còn cần phải thích ứng với những thay đổi mới này. Nội dung bài báo tập trung vào viêc nhận diện sự thay đổi hành vi, thói quen của người sử dụng đối với không gian bếp trong nhà ở, xem xét các yếu tố bất cập còn tồn tại, từ đó đưa ra các dự báo về xu hướng thiết kế tủ bếp trong tương lai.

Những thay đổi thói quen nấu ăn tại nhà kể từ đại dịch covid 19

Bằng phương pháp điều tra khảo sát, kết quả cho thấy, dù việc ở nhà trong thời gian dài gây cảm giác mệt mỏi, nhưng 81% đối tượng điều tra vẫn muốn làm việc từ xa, hoặc có một lịch trình kết hợp; và 75% đối tượng điều tra cho biết họ sẵn sàng dành thời gian để nấu ăn tại nhà ngay cả khi cuộc sống trở lại bình thường. Nấu ăn tại nhà không chỉ là công việc miễn cưỡng trong giai đoạn cách ly xã hội, mà còn tiếp tục được duy trì nhờ những lợi ích về sức khỏe vật chất và tinh thần.

1. Sự thay đổi về đối tượng

Trong những ngày tháng cách ly toàn xã hội, các cửa hàng ăn uống đều đóng cửa, việc nấu nướng tại nhà trở thành một kỹ năng “sinh tồn”, công việc bếp núc không chỉ dành cho những người nội trợ chuyên nghiệp mà còn cả cho những người chưa có kinh nghiệm. Hơn nữa,việc nấu ăn cùng những người thân yêu khiến cho trải nghiệm bếp núc trở nên ý nghĩa hơn, đáng nhớ hơn. Vì lẽ đó mà một số phụ huynh còn tranh thủ mùa dịch rủ con vào bếp và hướng dẫn con cách tự chăm lo bữa ăn hằng ngày.

2. Bữa ăn mùa dịch và bữa ăn bình thường có nhiều sự khác biệt. Trong đó, 2 sự thay đổi lớn nhất nằm ở: (1) Loại món ăn và (2) Đặc trưng món ăn.

Trước mùa giãn cách, người dùng thường nấu những món ăn quen thuộc, ưu tiên sự nhanh gọn. Đến khi phải dành gần như cả ngày ở nhà, họ tranh thủ khám phá những công thức nấu ăn mới như một niềm vui giải trí. Các món ăn vặt, đồ uống được làm thủ công tại nhà nhiều hơn thay vì mua hoặc ăn trực tiếp ngoài cửa hàng. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của chính sách giãn cách, xu hướng tụ tập giảm xuống nên các món nhậu cũng giảm xuống.

3. Nhu cầu tích trữ

Tích trữ đồ ăn là chủ đề nóng trong những ngày giãn cách xã hội, và cũng là một bản năng của con người khi phải ứng phó với các biến cố bất ngờ của cuộc sống. Tuy nhiên, thực phẩm để lâu tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe, cũng như việc gia tăng số lượng đồ đạc khiến căn bếp trở nên quá tải và khó kiểm soát. Thiết kế tủ bếp không chỉ đảm bảo yêu cầu về tổ chức công năng, hình thức mà còn có khả năng thu thập, phân loại, và giúp người dùng ghi nhớ thông tin của các sản phẩm lưu trữ.

Các bất cập trong thiết kế hệ tủ bếp

Dưới đây là một số những bất cập trong tủ bếp hiện hành:

Một thiết kế thực sự gây khó khăn, bất tiện cho người sử dụng thường sớm được phát hiện và được sửa chữa. Nhưng có rất nhiều sự bất tiện vẫn tồn tại trong thiết kế chỉ bởi nó không gây quá nhiều cảm giác khó chịu cho người sử dụng. Việc nhận diện được những đặc điểm này chính là cách để đưa ra các giải pháp cải tiến sản phẩm, song hành với việc dự báo các nhu cầu mới . Đặc biệt, trong bối cảnh cách ly xã hội vào mùa dịch covid 19, khi tần suất sử dụng nhà bếp cao hơn, thì các bất cập trong thiết kế tủ bếp thông thường trở nên rõ nét hơn, cần đáng lưu tâm hơn để đưa ra các giải pháp điều chỉnh.

Nghiên cứu về hành vi nấu ăn của người nội trợ tại nhà

Thí nghiệm được thực hiện trên 4 đối tượng người nội trợ thực hiện nấu cùng 1 thực đơn:

  • Người đã có kinh nghiệm nấu, được cung cấp công thức.
  • Người đã có kinh nghiệm nấu, không được cung cấp công thức.
  • Người không có kinh nghiệm nấu, được cung cấp công thức nấu.
  • Người không có kinh nghiệm nấu, không được cung cấp công thức.

Thông qua thí nghiệm này, chúng tôi hy vọng sẽ có được câu trả lời cho những câu hỏi sau: (1) Thời lượng sử dụng các khu vực trong nhà bếp khác nhau như thế nào? (2) Nhu cầu về thông tin và yêu cầu về hiển thị thông tin trong nhà bếp là gì?

1. Về tần suất và thời lượng sử dụng các khu vực trong nhà bếp

Qua các thử nghiệm thực tế có thể thấy, tổng thời gian nấu nướng (cho cùng 1 thực đơn) của những người chưa có kinh nghiệm hay đã có kinh nghiệm, người có công thức nấu và người không có công thức nấu có sự chênh lệch rõ rệt. Tuy nhiên, thời lượng sử dụng các khu vực chức năng trong khu bếp của 4 đối tượng thí nghiệm đều có sự phân hoá giống nhau. Khu lưu trữ như tủ lạnh, tủ khô, tủ bát đĩa được sử dụng thường xuyên nhưng chỉ diễn ra tạm thời trong thời gian ngắn. Các khu vực sơ chế trước khi nấu và khu vực bếp nấu có thời lượng sử dụng cao hơn hẳn. Điều này có thể lý giải: Các hoạt động lấy thực phẩm từ tủ lạnh, hay lấy các dụng cụ bát đĩa từ tủ lưu trữ tuy có tần xuất cao nhưng chỉ là hành động tạm thời. Việc làm sạch thực phẩm hay rửa bát đĩa cũng không đòi hỏi tư duy phức tạp nên không mất quá nhiều thời gian cho thao tác này.

Khu vực D-F-G tương ứng với các hoạt động: Sơ chế tinh-phân bổ nguyên liệu- nêm gia vị và nấu, được ghi nhận có thời lượng sử dụng cao nhất trong nhà bếp. Tiếp đó là khu vực B, nơi sơ chế thô và chuẩn bị thực phẩm. Bởi khu vực D và F nằm cạnh nhau và đều có chức năng chuẩn bị trước khi nấu nên có thể gộp thành 1 module. Từ đó, nếu xét về thời lượng sử dụng, có thể coi tam giác công việc mới là B-DF- G, tam giác này nhấn mạnh tầm quan trọng của các module chuẩn bị và module bếp nấu, bởi vì các hoạt động ở đây đòi hỏi tư duy phức tạp, đa dạng thông tin về tỉ lệ nguyên vật liệu, phương thức nấu nướng, các lưu ý cho sức khỏe và khẩu vị của người ăn…

2. Ảnh hưởng của thông tin với hoạt động nấu ăn

Kết quả thí nghiệm cũng cho thấy, việc nắm được thông tin về nguyên liệu, quy trình và cách thức nấu giúp người nội trợ rút ngắn được tổng thời gian nấu nướng do cắt giảm được các thao tác và di chuyển trong không gian bếp, điển hình là tại khu vực tủ lạnh, tủ lưu trữ. Điều này được lý giải bởi người nội trợ nắm rõ công thức chỉ cần lấy các nguyên liệu và dụng cụ tại khu vực lưu trữ 1 lần, và không quay trở lại trong giai đoạn tiếp theo. Trái lại, những người nấu ăn không có công thức, thường không kiểm soát được các nguyên liệu cần có trong thực đơn, nên có xu hướng di chuyển trở lại khu vực lưu trữ để lấy nguyên liệu bổ sung, gây mất thời gian.

Sơ đồ tam giác làm việc mới dựa trên thời lượng sử dụng

Thí nghiệm cũng được thực hiện trong 2 không gian bếp: 1 không gian bếp với hệ tủ mở, và 1 không gian với hệ tủ đóng. Kết quả cho thấy, người nội trợ hoạt động trong không gian bếp với hệ tủ đóng kín thường lúng túng hoặc mất thời gian xác định vị trí các dụng cụ, nguyên liệu hơn so với khi hoạt động trên hệ tủ bếp mở. Điều này cho thấy: Việc ghi nhớ các thông tin về công thức nấu cũng như vị trí của các đồ vật bên trong tủ bếp thật sự là 1 thách thức với người nội trợ và ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu suất nấu ăn.

Các giải pháp thiết kế tủ bếp trong tương lai

Ngoài các yêu cầu cơ bản của thiết kế tủ bếp truyền thống là “ thích dụng-bền-đẹp, kinh tế”, thì tủ bếp trong tương lai còn cần đáp ứng được các nhu cầu “tự chủ- hiệu quả- kết nối”.

1. Tủ bếp thông minh tích hợp thông tin

Thông qua phân tích hành vi nấu ăn và các nghiên cứu về lộ trình di chuyển trong không gian bếp của người dùng, có thể thấy rõ ràng rằng thói quen nấu nướng hiện đại đã có những thay đổi mới và yêu cầu của người dùng với thông tin trong nhà bếp đã tăng lên rất nhiều. Khái niệm tủ bếp thông minh trong tương lai không chỉ dừng lại ở việc tích hợp các đồ phụ kiện thông minh giúp tối ưu diện tích phòng bếp như ray trượt, tay nâng, bản lề … mà còn ở khả năng thu thập và hiển thị thông tin, hỗ trợ người dùng chăm sóc sức khoẻ thường ngày, truyền cảm hứng, sáng tạo và khám phá các thực đơn mới. Cách bố trí thông tin trong nhà bếp ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả nấu nướng và trải nghiệm bếp núc của người sử dụng.

Sơ đồ điều phối thông tin trong nhà bếp

Quy trình cung cấp tin trong nhà bếp để người dùng có thể tự chủ và độc lập hơn khi sử dụng không gian bếp, cần có một lộ trình điều phối thông tin dựa trên sự thấu hiểu con người. Dưới đây là sơ đồ quy trình cung cấp thông tin cho 2 nhóm người dùng phổ biến (người đã có mục đích và người chưa rõ mục đích nấu nướng)

Sơ đồ tam giác điểm thông tin hỗ trợ

Các yêu cầu nội dung thông tin hỗ trợ trên hệ tủ bếp: Nếu như khái niệm “tam giác làm việc trong nhà bếp” thông thường nhằm nhấn mạnh tới chu trình di chuyển của người nội trợ (tủ lạnh- bồn rửa-bếp) thì “tam giác làm việc mới” nhấn mạnh tới các vị trí có tần suất sử dụng cao, và đòi hỏi tư duy phức tạp: Sơ chế thô- sơ chế tinh- bếp nấu. Nhằm giúp cho mọi đối tượng người sử dụng đều có khả năng tự chủ và tương tác tốt trong nhà bếp, nội dung và vị trí các thông tin cần hiển thị cụ thể như sau:

  • Điểm thông tin 1: Là khu vực bàn soạn để sơ chế thô thực phẩm như rã đông, nhặt rau, tách vỏ…. Thông tin mà người dùng cần hỗ trợ giai đoạn này là: Dụng cụ làm bếp, số lượng nguyên liệu, cách thức sơ chế thực phẩm …
  • Điểm thông tin 2: Là khu vực bàn soạn sơ chế tinh, bao gồm các hoạt động cắt thái, tẩm ướp gia vị, chuẩn bị cho giai đoạn nấu. Thông tin cần hỗ trợ là cách thức cắt thái, phân bổ liều lượng thực phẩm đã sơ chế và tỉ lệ các loại gia vị dùng trong công thức…
  • Điểm thông tin 3: Là khu vực nấu ăn, thông tin mà nó cần hỗ trợ bao gồm các bước nấu ăn theo công thức, các bước nêm gia vị và kiểm soát thời gian nấu nướng…
    Vì khu vực sơ chế tinh với hoạt động tẩm ướp gia vị và vùng nấu thường đặt gần nhau nên có thể kết hợp tại thành một vùng thông tin
  • Điểm thông tin bổ sung: Tủ lạnh là nơi bắt đầu nấu ăn, người dùng thường đưa ra quyết định nấu món gì ở đây và do đó, thông tin cần hiển thị là: Loại và số lượng nguyên liệu sẵn có, và gợi ý các công thức nấu ăn.

Các phương thức cung cấp thông tin trên hệ tủ bếp: Một hệ tủ bếp tốt trước tiên phải truyền tải thông tin một cách rõ ràng, mạch lạc, có khả năng dẫn dắt người sử dụng tương tác dễ dàng mà ít đòi hỏi tư duy nhất. Sự dẫn dắt này bao gồm các kích hoạt đối với mọi giác quan của người dùng trong môi trường làm việc như: Nghe, nhìn, ngửi, chạm … thông qua các giải pháp thiết kế. Vai trò của người thiết kế chính là tạo nên 1 giao diện giúp người dùng biết phải làm gì trong một môi trường phức tạp dựa trên sự thấu hiểu về tiêu chuẩn văn hóa, sự tương đồng giữa các trải nghiệm cũ và mới, tính logic của hành vi và các điều kiện của ngữ cảnh… Giải pháp cung cấp thông tin trên hệ tủ bếp phải nằm trong chính các ý tưởng sắp đặt bố cục, design tạo hình màu sắc, hoa văn, chất liệu…các thành phần của hệ tủ bếp. Ví dụ để hỗ trợ tối đa khả năng quan sát và ghi nhớ các loại đồ đạc, thực phẩm bên trong tủ lưu trữ, có một số giải pháp thiết kế cho hệ tủ như sau:

Công nghệ ngày càng phát triển và cho ra đời những tính năng kỹ thuật số kết hợp trí tuệ nhân tạo, vừa có khả năng thu thập thông tin bên ngoài, vừa phân tích thông tin và phản hồi lại thông tin cho người sử dụng. Nhiệm vụ của người thiết kế chính lựa chọn, đưa ra các giải pháp tích hợp những tính năng mới vào trong hệ tủ bếp sao cho phù hợp với hành vi, thói quen của từng khách hàng riêng biệt .

2. Xu hướng tủ bếp module

  • Khái niệm về tủ bếp module đã xuất hiện từ lâu nhằm mô tả về các khoang tủ bếp được đóng thành những khối riêng biệt và ghép lại cạnh nhau thành một hệ tủ bếp hoàn chỉnh. Tuy nhiên, ưu điểm của tủ bếp module hiện nay chủ yếu là dành cho công việc sản xuất và lắp đặt. Lợi ích đối với người sử dụng mới chỉ dừng lại ở việc lắp đặt nhanh chóng, có thể tái sử dụng hoặc dễ dàng sửa chữa. Thiết kế tủ bếp module thông minh cần có khả năngtùy chỉnh một cách linh hoạt tùy theo nhu cầu cả về mặt thẩm mỹ, chức năng, hay tổ chức trong không gian…
  • Ngoài các module chức năng cơ bản, tủ bếp tương lai sẽ xuất hiện thêm các module chức năng mở rộng khác giúp nhà bếp trở nên tự chủ và có khả năng ứng phó tốt hơn với những ảnh hưởng từ bên ngoài ví du như các module tủ có khả năng tự cung cấp thực phẩm tươi.
Bố trí hệ thống ánh sáng được mã hoá trong các khoang tủ biểu thị về loại sản phẩm được lưu trữ bên trong.

Ví dụ các khoang tủ lưu trữ có khả năng quét mã sản phẩm, phân loại, kiểm soát số lượng, tình trạng, hạn sử dụng và chất lượng của sản phẩm…có khả năng cảnh báo, hiển thị cho người dùng, gợi ý công thức hay kết nối đặt hàng bổ sung từ chính các cửa hàng thông qua phần mềm quản lý, kết nối đa phương tiện…

Mặt cánh tủ lạnh tích hợp màn hình có chức năng hiển thị thông tin và gợi ý công thức. Nguồn Ảnh: Samsung

3. Xu hướng phong cách tủ bếp trong tương lai

  • Cá nhân hoá
    Đại dịch covid như một sự nhắc nhở cho con người về những giá trị thực sự mà chúng ta cần cho cuộc sống, con người dần trở nên tập trung hơn vào cảm nhận bên trong của chính mình thay vì theo đuổi sự phô trương hào nhoáng và những thứ xa xỉ không cần thiết. Tính cá nhân hóa trong thiết kế được đề cao hơn khi người sử dụng đóng vai trò như 1 nửa câu chuyện của thiết kế. Hình thức nội thất của ngôi nhà sẽ không mang một “phong cách” cụ thể mà mang đậm phong cách sống của người sở hữu. Sản phẩm đồ nội thất nói chung và tủ bếp sẽ đặt trọng tâm vào mục tiêu “tối ưu và phù hợp” với một hình thức mở để người dùng có thể tùy chỉnh tuỳ theo phong cách sống.
    • Mặt dựng khu vực sơ chế và nấu nướng của module tủ bếp tích hợp màn hình hiển thị công thức và quy trình nấu.
Phương án thiết kế tủ bếp tương lai của nhóm sinh viên SV Trần Hải Vân- ĐHKTHN. Nguồn: Cuộc thi Kitchen Insight 2021
    • Tủ bếp tích hợp chức năng nghe nhìn, giải trí, kết nối …
Nguồn: Internet
  • Truyền thống
    “Hành vi là quá khứ của thói quen, thói quen là quá khứ của một tính cách, còn tính cách lại trở thành quá khứ của số phận”. Trong thiết kế dựa trên trải nghiệm của người dùng, có thể diễn đạt câu nói trên như sau: Sự lặp đi lặp lại của hành vi, thao tác sẽ tạo nên thói quen sử dụng, thói quen sử dụng ảnh hưởng tới hình thức giao diện của sản phầm, tập hợp của đường nét, màu sắc, hình khối, chất liệu, tỉ lệ có tính đặc trưng của 1 nhóm hình thức giao diện sản phẩm sẽ trở thành phong cách.
    Một căn bếp tương lai (gần) sẽ không phải là cái gì đó có hình thức quá xa lạ bởi thói quen và hành vi của người sử dụng không phải là những hoạt động có thể thay đổi tức thời do đã được hình thành qua một quãng thời gian dài trong quá khứ. Hình thức giao diện của tủ bếp tương lai vẫn cần đảm bảo sự thân thiện, quen thuộc và dễ dàng tương tác cho mọi đối tượng. Con người ngoài những khao khát về sự mới mẻ, hiện đại cũng có nhu cầu hồi tưởng, kết nối với kí ức. Đặc trưng tâm lý này được di truyền qua gene. Như vậy một căn bếp tương lai luôn luôn có sự kết nối với truyền thống, hay tương lai cũng bao hàm cả yếu tố truyền thống.
Ví dụ, các khoang tủ lưu trữ có thể được chia nhỏ hơn, dễ dàng thêm, bớt, hay tổ chức, sắp xếp tuỳ vào nhu cầu thẩm mỹ và chức năng của người sử dụng
Module tủ bếp đa chức năng

Module dạng tủ kho được phát triển từ module tủ đứng với nhu cầu tăng diện tích lưu trữ, dễ quan sát. Cấu trúc module này giống như một căn phòng với các kệ mở, ngoài việc giúp người dùng tiết kiệm thời gian tìm kiếm đồ đạc, còn giúp cho căn bếp chính trở nên gọn gàng, ngăn nắp.

Công nghệ Micro farm kiếm soát chất dinh dưỡng và khoáng chất giúp cây trồng sinh trưởng và phát triển nhưng lại sử dụng ít nước hơn so với cách tưới thông thường 90%. Công nghệ này giúp tiết kiệm nước sạch, thân thiện môi trường, từ đó tăng thêm cảm hứng cho người vào bếp cũng như lối sống healthy đang trở thành xu hướng.

Module tủ trồng rau với công nghệ Micro farm. Nguồn ảnh: Internet
  • Hiện đại
    Lịch sử phát triển thiết kế nhà bếp cho thấy một số thay đổi lớn như : Sự tích hợp bồn rửa (khu vực ướt) vào hệ tủ bếp nhờ phát minh đường ống dẫn, thoát nướng kết nối thẳng vào trong nhà. Module bếp giờ không cần tránh cửa sổ, hoặc nơi có gió nhờ sự xuất hiện của bếp từ… Do đó hình thức của tủ bếp tương lai cũng sẽ phụ thuộc nhiều vào sự phát triển của các giải pháp kỹ thuật, công nghệ về mặt tính năng, chất liệu …
Phương án tủ bếp Eco với module bể hải sản và module tủ trồng rau của nhóm SV Trần Hải Vân- ĐHKTHN. Nguồn: Cuộc thi Kitchen Insight 2021
Phương án thiết kế không gian bếp cho nhà sàn kiểu hiện đại lấy cảm hứng từ văn hoá người Mường của nhóm The3L- ĐHKTHN. Nguồn: Cuộc thi Kitchen Insight 2021
Phương án hình thức tủ bếp tương lai (2040) của IKEA

Kết luận

Công nghệ càng ngày càng phát triển, nhiều thiết bị thông minh ra đời giúp tự động hoá công việc nấu nướng. Tuy nhiên, vai trò của con người trong nhà bếp là không thể thay thế, mà sẽ tập trung hơn vào các trải nghiệm khám phá, sáng tạo và giải trí. Hệ tủ bếp thông minh trong tương lai không chỉ mang ý nghĩa giải phóng sức lao động cho con người, mà cần có khả năng thấu hiểu con người hơn, về mặt tâm sinh lý, hành vi, thói quen và trở thành trung tâm chăm sóc sức khoẻ cũng là trung tâm sáng tạo ẩm thực.

ThS. Trần Ngọc Thanh Trang
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2022)


Tài liệu tham khảo
1. Analysis of user preferences concerning e-trend in kitchen furniture design , Beata Fabisiak , Poznań, Poland.
2. QUINN, B. (2011): Design Futures. Merrell, London, 6-7, 42-45, 56-62.
3. WANNINGER, C. (2009): Laying out the future. Architecrure and Design. Imm Cologne: pp. 87 – 93.

The post Nghiên cứu xu hướng thiết kế tủ bếp tương lai dựa trên sự thay đổi thói quen và hành vi của người sử dụng appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/6B1J470
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét