Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia (GTKTQG) được Chính phủ quyết định thành lập năm 1993, giao cho Hội KTS Việt Nam chủ trì, phối hợp Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đồng tổ chức theo định kỳ 2 năm một lần. Được tổ chức kỳ đầu tiên vào năm 1994, đến nay GTKTQG đã tổ chức được 13 kỳ. Năm 2022 sẽ là kỳ tổ chức lần thứ 14.
Trải qua 28 năm, 14 kỳ giải thưởng, GTKTQG được xác định là Giải chính thống duy nhất cấp Quốc gia, có bề dày và uy tín chuyên môn cao nhất về lĩnh vực kiến trúc tại Việt Nam. Với các lĩnh vực được xác định bao gồm: Quy hoạch, Kiến trúc công trình, Nội ngoại thất, Nghiên cứu – Lý luận – Phê bình. Giải thưởng cũng là cơ sở quan trọng nhất để xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Đối với hành nghề kiến trúc, đây cũng là cơ sở để tích lũy điểm CPD theo Luật Kiến trúc hiện hành.
Với mục tiêu xuyên suốt: Thúc đẩy sáng tạo kiến trúc; tôn vinh Tác giả – Tác phẩm kiến trúc xuất sắc; góp phần định hướng phát triển nền kiến trúc Việt Nam và nâng cao nhận thức cộng đồng về nghệ thuật kiến trúc…, qua 13 kỳ giải thưởng, với 2124 tác phẩm tham dự, GTKTQG đã chọn ra được 357 giải chính thức (1 Giải thưởng Lớn, 21 Giải Vàng/Nhất, 102 Giải Bạc/Nhì, 213 Giải Đồng/Ba), 194 Giải Chuyên đề/ Khuyến khích. Bên cạnh đó, tùy từng kỳ, các Giải thưởng dành cho KTS trẻ, Giải cho đơn vị tham gia tích cực, Giải Cộng đồng yêu thích, đặc biệt gần đây có cơ cấu Giải thưởng dành cho Nhà đầu tư thông minh cũng đã được lựa chọn để trao. Số lượng tác phẩm tham dự giải có xu hướng ngày càng tăng.
Phương cách tổ chức giải, cách hình thành và hoạt động của hội đồng, các tiêu chí và cách chấm… liên tục được rút kinh nghiệm nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn, phát triển xã hội và hộ nhập quốc tế. Trong đó, các kỳ GTKTQG 2014, 2016, 2018 đã có những bổ sung điều chỉnh khá rõ rệt.
Một số thành tựu từ GTKTQG cho đến nay có thể ghi nhận là: Phát hiện năng lực và sự cống hiến của giới KTS cho công cuộc dựng xây đất nước; góp phần tác động đến nhận thức cộng đồng xã hội về văn hóa kiến trúc và vai trò KTS; động viên giới KTS phát huy năng lực tư duy sáng tạo và trách nhiệm xã hội; thúc đẩy hoạt động sáng tạo khai thác tính bản địa và hòa nhập quốc tế; góp phần tích lũy kinh nghiệm hành nghề và làm cơ sở xét Giải thưởng theo hệ thống chung Quốc gia…
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu được xã hội ghi nhận, cũng có những bất cập bộc lộ dần qua nhiều năm. Hội KTS Việt Nam nhận định: Đã đến lúc cần có một cuộc tổng rà soát, khắc phục những bất cập này, đồng thời điều chỉnh bổ sung các nội dung cần thiết, để GTKTQG ngày càng sát thực hơn với cuộc sống đương đại: Khuyến khích, cổ vũ sáng tạo không ngừng của giới nghề trên mọi vùng miền đất nước một cách bình đẳng kịp thời; tạo được tầm ảnh hưởng sâu rộng, hữu ích đồng thuận trong cộng đồng; góp phần đắc lực trong phát triển văn hóa, nền tảng tinh thần, trở thành động lực phát triển bền vững quốc gia – dân tộc. Trên tinh thần đó, Hội đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các nhà chuyên môn đa lĩnh vực, ý kiến người trong và ngoài nghề, đồng thời tổ chức cuộc toạ đàm Báo cáo kết quả thực hiện 28 năm GTKTQG vào ngày 12/4/2022 tại trụ sở Hội KTS Việt Nam.
Với sự tham gia của khoảng 60 chuyên gia đầu ngành về kiến trúc, các KTS trẻ đầy nhiệt huyết và năng lực sáng tạo, các nhà đầu tư, các chuyên gia liên ngành và những người đã từng đạt giải thưởng qua các thời kỳ, kết hợp với các ý kiến góp ý từ internet, đã thống nhất những tồn tại bất cập ở 9 nội dung liên quan: Tính pháp lý và sự phối kết của các thành phần Ban tổ chức; nội dung và cơ cấu giải thưởng; tiêu chí chấm và xếp giải; công tác vận động tham gia; quyền lợi của các tác giả, nhóm tác giả đạt giải; vấn đề xã hội hóa và liên kết các nhà đầu tư; vấn đề tổ chức hội đồng và cách chấm; cách nhìn nhận và vận dụng cho việc làm cơ sở cho các giải quốc gia khác và tích lũy điểm hành nghề; công tác truyền thông trước, trong và đặc biệt là sau giải thưởng.
Cụ thể hơn, ở một chừng mực nào đó, lực lượng tham dự giải vẫn cơ bản thuần túy là KTS tại thành phố lớn, còn ít tác phẩm ở các vùng địa phương, các khuôn mặt quen thuộc tại các kỳ giải thường, các gương mặt mới ít xuất hiện. Về mặt kiến trúc – quy hoạch, nhìn chung ít tác phẩm quy mô lớn; chủng loại không đủ đại diện cho sự phát triển của kiến trúc nước nhà đương đại; số lượng đồ án quy hoạch tham dự chỉ đếm trên đầu ngón tay, đặc biệt trống vắng mảng quy hoạch nông thôn; công trình nhà ở thì chủ yếu là đơn lẻ dị biệt, các hạng mục kiến trúc phục vụ cộng đồng lớn hoặc góp phần hình thành bộ mặt kiến trúc phổ quát như nhà cao tầng, nhà liền kề trong các khu quy hoạch bài bản rất ít. Về công tác tổ chức, việc vận động tham gia giải còn một chiều, chưa có giải pháp phát hiện các tác phẩm tốt; các chủ đầu tư lớn còn thờ ơ quay lưng với giải; lịch trình nộp tác phẩm phải hoãn kéo dài nhiều lần. Về giải thưởng, có thể chưa đủ sức hút và động viên kịp thời giới nghề; giải thưởng cho nhà đầu tư “thông minh” có vẻ khiên cưỡng; giải cho KTS trẻ chưa đủ dung lượng tạo sân chơi cho giới nghề. Ngoài GTKTQG thì Giải thưởng Kiến trúc xanh do Hội KTS Việt Nam tổ chức cũng có tiêu chí tương tự. Trong khi đó, việc thiếu hệ giải vùng miền ảnh hưởng rõ ràng đến việc tạo thành tầng bậc hài hòa; khả năng gắn kết tài trợ còn hạn chế do không có vai trò của họ rõ rệt ở sản phẩm cuối cùng; bên cạnh đó, hiện tượng “phong trào hóa”giải thưởng cũng ảnh hưởng đến tính học thuật và tôn chỉ cao quý của giải; xây dựng tiêu chí của giải cho phù hợp định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam; nên chia thành ba mảng lớn Quy hoạch, kiến trúc công trình, nội ngoại thất; việc phân biệt tác phẩm do trong nước hay nước ngoài thiết kế cũng trở thành 1 nội dung cần xem xét.
Về phần hội đồng chấm giải, nhiều câu hỏi cũng được đặt ra: Các thành phần tham gia có nên bầu chọn, giới thiệu từ cộng đồng nghề không? Các tác giả dự giải có được tham gia hội đồng ở hạng mục công trình khác không, Hội đồng một hay hai cấp là thích hợp? Có nên phân thành nhóm chuyên hạng mục không (lưu ý tham khảo hội đồng quốc tế thường rất ít người 5 – 7 người); cơ cấu và phân vai hội đồng giữa ba cơ quan đồng tổ chức giải như thế nào là hợp lý? Trong thực tế, các kỳ chấm giải các đồng chí lãnh đạo các bộ, nhất là Bộ Xây dựng thường bận, ít tham gia, việc này nên ứng xử sắp tới thế nào? Có tiêu chí riêng cho thành viên tham gia hội đồng không? Thời gian nghiên cứu chấm giải của hội đồng hiện nay có thể là còn ngắn, chưa đủ thời gian để xem kỹ, nghiên cứu đánh gia chính xác. Nhất là các thành viên tổ hạng mục này chấm tại buổi chung khảo với các hạng mục khác. Hội đồng nên có tương tác với các tác giả để nắm bắt ý đồ sâu kỹ, ít nhất là các tác phẩm hội tụ tán thành của hội đồng để xếp giải cao; nên có thời gian và điều kiện cho thành viên hội đồng tiếp cận tác phẩm dự báo đạt giải vàng trở lên khi đã xây dựng thành thực tế…
Truyền thông đối với GTKTQG là một mảng được giới nghề đánh giá còn thiếu và yếu rõ rệt. Ở mảng này chưa thấy huy động được tổng lực ba trụ cột truyền thông của Hội là Tạp chí Kiến trúc, Trung tâm Truyền thông và trang kienviet.net một cách nhịp nhàng hiệu quả. Sự bị động và chồng chéo trong truyền thông còn biểu hiện khá rõ. Thời gian truyền thông mới khởi sắc ở giai đoạn trước giải thưởng, trong khi tầm quan trọng nhất nằm ở hậu giải thưởng thì còn quá mờ nhạt. Việc kết nối truyền thông quốc gia hiện còn là một lỗ hổng khá lớn, khi sự kết nối với giải thưởng chỉ mới chủ yếu là do khối Văn phòng – Tài chính hội tiến hành, bóng dáng khối truyền thông ở mảng này càng khuất nẻo…
Kết luận hội thảo, Chủ tịch Hội đã thống nhất một số ý cơ bản: Hội xin ghi nhận toàn bộ ý kiến đóng góp sâu sắc, thực tiễn, tâm huyết của các thành phần tham gia qua mạng cũng như các thành viên tham gia trực tiếp để tiến tới tổng hợp thành văn bản xin ý kiến các bộ và Hội đồng Kiến trúc của Hội, sau đó báo cáo Thường vụ Hội để hoàn thiện thành văn bản chính thức. Các vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau tạm thời thống nhất: Tính pháp lý sẽ được làm rõ thêm, nếu cần thì báo cáo Chính phủ bổ sung; sự phối hợp ba cơ quan vẫn cơ bản trên nền tảng hiện nay, với vai trò chủ trì và chủ tịch hội đồng là Hội KTS Việt Nam; tiêu chí chấm và xếp giải được cân đối lại trên cơ sở thắt chặt giải thưởng cao, mở rộng giải thưởng thấp để củng cố vai trò chuyên môn (là yếu tố tiên quyết) gắn liền với tạo tầm ảnh hưởng xã hội; nghiên cứu lại tên gọi và tính đa dạng của giải thưởng; công tác vận động tham gia tổ chức, ngoài các giải pháp vẫn tiến hành như hiện nay, cần đề cao giải pháp phát hiện từ mạng lưới, vận động tham gia giải, đặc biệt là vận động các nhà đầu tư và lực lượng KTS các vùng miền; cần nghiên cứu vận dụng, đề xuất thêm những quyền lợi của tác giả, nhóm tác giả, ngoài các quyền lợi hiện nay thích hợp theo pháp luật và thực tiễn; không phân biệt giải thưởng đối với đối tượng KTS trong và ngoài nước; đẩy mạnh công tác xã hội hóa gắn kết các nhà đầu tư trên cơ sở giữ được tiêu chí nhất quán về chuyên môn, kết hợp ứng xử hài hòa để thu hút được cộng đồng doanh nghiệp và tổ chức xã hội cùng đồng hành với giải; hội đồng chấm giải tổ chức kết hợp một cấp và 2 cấp với thành phần được lựa chọn theo tiêu chí nhất quán, các cá nhân đã có tác phẩm dự giải thì không tham gia thành viên hội đồng; Hội đồng sẽ chú ý yêu cầu tiếp cận với ý tướng và tác phẩm thực tế dự báo đạt giải cao theo điều kiện thực tiễn, đồng thời nghiên cứu bố cục đủ thời gian các giai đoạn cho hội đồng chấm giải tiếp cận kỹ, rõ mọi tác phẩm; rà soát lại việc làm nền tảng cho Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ CHí Minh, có đề xuất phù hợp cho giới nghề xứng đáng phải được tôn vinh ngang bằng với các ngành văn học nghệ thuật khác; vận dụng giải trong điều kiện hành nghề được phát huy tối đa; tìm hướng gắn kết với các luật định để bảo tồn phát huy các GTKTQG, nhất là các giải thưởng cao trong hệ thống chung, được xã hội thừa nhận; đẩy mạnh và đa dạng hóa công tác truyền thông, nhất là hậu kỳ giải thưởng.
Với tinh thần đó, Hội KTS Việt nam hi vọng và quyết tâm đưa giải thưởng Kiến trúc quốc gia ngày càng phát triển xứng tầm cao quý và đạt được đúng tiêu chí đề ra, góp phần thiết yếu phục vụ thực sự nền kiến trúc việt Nam theo định hướng đã được phê duyệt, với thành quả Đậm đà bản địa – Hiện đại hội nhập – Bền vững tương lai.
TS.KTS Phan Đăng Sơn
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2022)
The post Đổi mới Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia: Nhìn từ đóng góp Chuyên gia và Hội thảo appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/uNeE3wn
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét