Cùng với quá trình đô thị hóa, nhu cầu của cư dân đô thị về những căn hộ ở có chất lượng, đa dạng về loại hình cũng ngày càng tăng. Trong thời gian gần đây, nhằm đáp ứng các nhu cầu của xã hội, các dự án phát triển nhà chung cư đưa ra thị trường nhiều loại hình căn hộ mới như căn hộ kết hợp với dịch vụ Shophouse, căn hộ kết hợp với văn phòng như Officetel, căn hộ lưu trú Condotel…
Tuy nhiên, các căn hộ chung cư hiện nay dường như chỉ được thiết kế để phục vụ nhu cầu ở cho các gia đình trẻ, (gia đình hạt nhân) một đến hai thế hệ chứ chưa có những nghiên cứu tính toán về bố trí, tổ chức không gian ở phù hợp với gia đình nhiều thế hệ (NTH) chung sống. Mặc dù căn hộ hiện đại, tiện nghi nhưng không gian sống bị tập trung dồn nén, cấu trúc không gian không có sự phân vùng theo thế hệ và thiếu vắng những không gian được thiết kế phù hợp với người cao tuổi như phòng ở kết nối với không gian đa năng nghỉ ngơi, thư giãn, không gian mở gắn với, thiên nhiên, cây xanh.
Cấu trúc gia đình nhiều thế hệ và không gian tương tác giữa các thế hệ
Theo số liệu tổng điều tra dân số của tổng cục thống kê năm 2019, tỷ lệ người cao tuổi (NCT) sống ở thành thị trong vòng 10 năm đã tăng từ 27,53% lên 32,84%. (Kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở 2019). Những gia đình nhiều thế hệ hoặc là hình thành từ đầu (gia đình truyền thống) hoặc mới hình thành, gồm một gia đình trẻ gồm cha mẹ và con (gia đình hạt nhân) muốn đưa với ông, bà về ở cùng trong căn hộ. Đây là mô hình “Gia đình mở rộng” có số nhân khẩu từ 4-6 người. Ngoài ra, với xu thế phát triển các gia đình hạt nhân có quy mô nhỏ từ 2-4 người chiếm 65.5% tổng số hộ gia đình (Kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở 2019). Những bạn trẻ mới lập gia đình có những quan điểm sống hiện đại, muốn có một gia đình riêng, độc lập. Một mặt không muốn ở cùng cha mẹ nhưng mặt khác vẫn muốn ở gần cha mẹ để có thể tiện chăm sóc khi đau ốm cũng như nhận được sự hỗ trợ của cha mẹ trong sinh hoạt. Nghiên cứu cho thấy việc chăm sóc người cao tuổi (NCT) khi ốm đau chủ yếu vẫn là vợ (chồng) hoặc con cái sống cùng “Có tỉ lệ lớn người chăm sóc là con cái (44%) hoặc vợ/chồng (43%) của NCT… Ngoài ra, cứ 10 người chăm sóc chính thì 9 người sống cùng NCT.” (Nghiên cứu dọc về Người cao tuổi và Sức khỏe tại Việt Nam (LSAHV))
Do đó, ở thành thị, xu hướng của các gia đình trẻ là lựa chọn hình thức ở riêng nhưng ở gần, ở cạnh nhà cha mẹ. Đó là mô hình “Gia đình ghép” ở trong hai căn hộ liền kề được ghép thông với nhau.
Như vậy, về góc độ quản lý nhân khẩu, mô hình “Gia đình ghép” là hai hộ gia đình riêng biệt nhưng về mặt sinh hoạt, giao tiếp thì đó lại là một gia đình NTH.
Nhu cầu của gia đình nhiều thế hệ là các căn hộ có từ 3-5 phòng ngủ. Thực tế trên thị trường nhà chung cư, xem xét các căn hộ loại lớn cho thấy các căn hộ nhiều phòng ngủ phần lớn mới chỉ giải quyết bài toán không gian cho căn hộ đông người mà chưa có những nghiên cứu, bố trí phù hợp với gia đình nhiều thế hệ có người cao tuổi ở cùng.
Cơ cấu căn hộ có 3 đến 5 phòng ngủ hiện nay về cơ bản đều dựa trên nguyên tắc lấy không gian phòng sinh hoạt chung (tiếp khách, sinh hoạt, ăn uống) làm không gian mở để kết nối các phòng ngủ. Trong một căn hộ thông thường, hầu như các hoạt động giao tiếp của gia đình đều diễn ra trong không gian phòng sinh hoạt chung, các phòng ngủ được thiết kế tập trung tại một phía của không gian sinh hoạt chung. Với cấu trúc này, các phòng ngủ của ông bà, cha mẹ và trẻ em trong tình trạng bị bố trí dồn ép sát nhau trong một góc của căn hộ nên gây ra những bất tiện trong sinh hoạt. Do các hoạt động, sinh hoạt của các thế hệ đều khác nhau nên các phòng ngủ bố trí sát nhau sẽ bị ảnh hưởng bởi các nguồn âm thanh, tiếng ồn, đi lại…gây nên nhiều sự không vừa ý, gây tâm lý khó chịu, bực bội. Mặt khác, do nhu cầu giải trí, nghỉ ngơi, thư giãn của các thế hệ khác nhau nên không gian sinh hoạt gia đình cũng không thể cùng lúc đáp ứng được mong muốn của các thành viên…
Với những điểm khác biệt trong tâm sinh lý của các thế hệ, hoạt động ở, sinh hoạt, giao tiếp của gia đình NTH thực tế diễn ra theo hướng vừa độc lập khép kín (tại không gian riêng tư) vừa tương tác giao thoa (tại không gian mở-chung). Các phòng ngủ trong căn hộ cần được phân vùng theo thế hệ và bố trí thành các nhóm lấy không gian sinh hoạt gia đình làm trung tâm. Trong đó, khu vực phòng ngủ NCT có thể bố trí kết hợp với một không gian mở nhỏ như phòng đa năng để đọc sách hay thư giãn, hoặc lô-gia sâu trồng cây xanh. Các không gian ở của các nhóm đều có sự độc lập và tách biệt để không ảnh hưởng đến nhau và đều liên hệ trực tiếp với không gian sinh hoạt chung của gia đình. Đó là cách tổ chức không gian trong căn hộ mà người cao tuổi có thể chủ động tham gia giao tiếp, sinh hoạt cùng con cháu mặt khác cũng có thể chủ động không tham gia trong các hoàn cảnh, điều kiện không phù hợp.
Như vậy, với gia đình NTH là “Gia đình mở rộng”, mô hình không gian giao tiếp chủ động đó có thể bố trí trong căn hộ thông qua việc phân vùng nhóm phòng ngủ và bố trí mở rộng thêm các không gian sinh hoạt cho người cao tuổi, đó là mô hình “Căn hộ mở rộng” . Đối với trường hợp “Gia đình ghép”, không gian giao tiếp chủ động có được do sự kết nối về mặt công năng giữa 2 căn hộ riêng biệt được ghép với nhau thông qua không gian chung hoặc một bộ phận chung của 2 căn hộ như cửa, sảnh, cầu thang. Đó là mô hình “Căn hộ ghép”.
Các mô hình căn hộ cho gia đình NTH
1. Mô hình “Căn hộ mở rộng”
Căn hộ mở rộng là căn hộ nhiều phòng ngủ dành cho gia đình trẻ mở rộng, các không gian được thiết kế phân vùng theo thế hệ. Phòng ngủ cho người cao tuổi được bố trí tách biệt với khu vực phòng ở của trẻ em, có không gian sinh hoạt chung cho gia đình và không gian đa năng mở rộng cho người cao tuổi. Căn hộ mở rộng khác với căn hộ nhiều phòng ngủ thông thường ở cách định hình ngay từ bước thiết kế, các vị trí phòng ở, phòng sinh hoạt, không gian mở dành cho các đối tượng theo tuổi tác trong một gia đình NTH được bố trí theo nguyên tắc vừa độc lập vừa giao thoa.
Căn hộ mở rộng có thể bố trí trên cùng một cos sàn như các căn hộ thông thường, cũng có thể bố trí trong các căn hộ có không gian thông tầng, vượt tầng như căn hộ Duplex hay căn hộ Penthouse. Cấu trúc của căn hộ mở rộng theo công thức: Nhóm phòng ngủ – Phòng sinh hoạt – Phòng ngủ độc lập – Không gian mở. Tùy theo từng trường hợp cụ thể mà phòng ngủ độc lập có thể bố trí ở tầng 1 hoặc tầng 2 trong căn hộ. Đối với căn hộ mở rộng ở dạng duplex hay penthouse, có thể có thêm một không gian đa năng cho nhóm phòng ngủ.
2. Mô hình “Căn hộ ghép”.
Là mô hình có 2 căn hộ kết nối với nhau (căn hộ ghép) thông qua những không gian chung, không gian thông tầng. Căn hộ ghép có thể gồm hai căn hộ liền kề kết nối theo chiều ngang, có chung một lối vào (căn hộ Dual key) hoặc hai cửa riêng biệt. Cũng có thể ghép hai căn hộ theo chiều đứng kết nối với nhau thông qua cửa đi, sảnh chung, cầu thang hay không gian thông tầng, các căn hộ đều có cửa đi riêng biệt tại mỗi tầng. Mô hình căn hộ ghép là đáp án cho các gia đình đa thế hệ vì thỏa mãn được các yếu tố chung và riêng một cách hài hòa.
Cấu trúc của căn hộ ghép theo công thức: Căn hộ – Không gian kết nối – Căn hộ Studio
a/ Phương án ghép căn hộ theo chiều ngang:
- Căn hộ một lối vào 2 chìa khóa “chung mà riêng”: Hai căn hộ có chung một lối vào và một sảnh chung, từ đó dẫn đến 2 căn hộ riêng biệt có thể hoạt động độc lập và cũng có thể kết nối với nhau trực tiếp, khép kín. Xuất hiện lần đầu tiên tại Singapore năm 2009, sau đó mô hình này đã lan rộng và hiện giờ đã có mặt tại Việt Nam. Đây là cấu trúc rất phù hợp với gia đình đa thế hệ, và cũng có thể sử dụng cho các mục đích khác như ở kết hợp với cho thuê hoặc mở rộng căn hộ một cách linh hoạt khi cần thiết. Trong khi căn hộ lớn có từ 2-3 phòng ngủ phù hợp với gia đình trẻ thì căn hộ nhỏ là một căn Studio cho một hoặc hai người già,…
- Hai căn hộ ghép cạnh nhau “riêng mà chung”: Mô hình này bắt đầu xuất hiện trong thời gian gần đây trong những dự án chung cư được thiết kế theo hướng chủ yếu bố trí các căn hộ nhỏ cho các gia đình trẻ. Các căn hộ lớn nhiều phòng ngủ được hình thành bằng cách ghép thông 2 căn hộ liền kề. Các căn hộ nhỏ 1 phòng ngủ, 2 phòng ngủ, 2 phòng ngủ+1 được thiết kế gần nhau có thể ghép với nhau thành căn hộ lớn 3 đến 4 phòng ngủ. Đây là mô hình biến đổi không gian căn hộ linh hoạt tùy theo nhu cầu sử dụng, có thể đáp ứng tốt cho các gia đình NTH chung sống. Các nhóm phòng ngủ của mỗi căn đều tách biệt và độc lập, đồng thời có kết nối với những không gian sinh hoạt riêng và chung.
b/ Phương án 2 căn hộ ghép theo chiều đứng
Đây là cấu trúc một căn hộ nhiều phòng ngủ ghép với một căn hộ studio hoặc căn 1 phòng ngủ theo chiều đứng thông qua cầu thang hoặc cửa chung. Ngoài ra các căn hộ cũng có thể kết nối với nhau qua một không gian thông tầng. Mỗi căn hộ đền có cửa đi riêng trực tiếp tại mỗi tầng. Về hình thức, cấu trúc này khá giống với căn hộ penthouse, tuy nhiên có một điểm khác biệt là mỗi căn hộ đều có đủ các không gian như bếp, ăn, sinh hoạt nên có thể vận hành độc lập. Hiện nay thị trường nhà ở Việt Nam chưa phát triển loại hình căn hộ ghép này nhưng có thể tham khảo các mô hình này ở các nước trong khu vực như Singapore.
Singapore là một đất nước phát triển, đa văn hóa, có mức thu nhập đầu người trong tốp đầu thế giới nhưng vẫn hướng về các giá trị truyền thống. Trong các định hướng phát triển xã hội vẫn chú trọng đến việc giữ gìn các mô hình gia đình nhiều thế hệ. Với những định hướng như vậy, nhiều dự án phát triển nhà chung cư đã có những cách tiếp cận mới trong thiết kế căn hộ cho gia đình NTH. Dự án Dawson Skyterrace Singapore là một trong số các dự án đó. Với ý tưởng đề xuất mục tiêu xây dựng một cuộc sống gia đình nhiều thế hệ phát triển theo chiều đứng và đa dạng bằng cách cung cấp các nhóm căn hộ có thể đáp ứng nhu cầu của các gia đình mở rộng thông qua các “đơn vị ghép nối” (Loft). Mỗi đơn vị ghép nối gồm một khối mô-đun hình chữ L được ghép nối với những mô-đun hình chữ nhật. Các đơn vị ghép nối này được thiết kế để cho phép kết hợp một căn hộ 3 phòng ngủ thông tầng (căn hộ Duplex) với một căn hộ Studio. Ngoài ra căn hộ đa thế hệ cũng có thể kết hợp từ một căn hộ Penthouse với một căn hộ Studio như dự án The Gazania.
Kết luận
Theo những kết quả nghiên cứu, điều tra xã hội học gần đây, cơ cấu gia đình ở Việt Nam đang có những sự dịch chuyển. Những mô hình gia đình truyền thống nhiều thế hệ đang dần thu hẹp về tỷ lệ và tương ứng là số hộ gia đình độc thân, gia đình trẻ tăng lên và tập trung nhiều ở các đô thị. Thị trường nhà ở chung cư cũng đã có những điều chỉnh thích hợp để phù hợp với nhu cầu của người sử dụng. Trong các dự án nhà ở, quy mô, loại hình căn hộ dần hướng đến những thiết kế thiết thực và linh hoạt như phát triển loại hình các căn hộ nhỏ có thể ghép, kết nối với nhau theo chiều ngang cũng như chiều đứng dành cho những gia đình nhiều thế hệ, gia đình mở rộng, gia đình ghép. Các mô hình căn hộ ghép có 2 cửa như căn hộ dual key, duplex, penthouse cũng cần được chính thức công nhận và xác lập các khái niệm liên quan thông qua các tiêu chuẩn, quy chuẩn để thống nhất quản lý trong việc thiết kế, xây dựng, vận hành và lưu thông trên thị trường.
KTS Nguyễn Như Hoàng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2022)
Tài liệu tham khảo
1/ Kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở 2019 – Nhà xuất bản Thống kê 2019;
2/ Nghiên cứu dọc về Người cao tuổi và Sức khỏe tại Việt Nam (LSAHV) ;
3/ Khuất Thu Hồng, “Gia đình và hôn nhân ở Việt Nam thay đổi như thế nào?”, http://vwu.vn/web;
4/ SCDA (2014), “Green bridges link skyterrace@dawson in singapore by SCDA architects”, designboom, https://ift.tt/QEW2clY.
The post Mô hình căn hộ dành cho gia đình nhiều thế hệ appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/CvRmq0t
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét