Ngày nay, biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng (NBD) đang là một trong những nguy cơ lớn nhất trên phạm vi toàn cầu. Trong đó, Việt Nam được liệt vào một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi BĐKH.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến 2021, hệ thống đô thị trên toàn quốc có 867 đô thị. Trong đó, có 2 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 32 đô thị loại II, 48 đô thị loại III, 89 đô thị loại IV, và 674 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc ước đạt khoảng 40,4%. Trong đó, việc đánh giá lại và đưa ra chiến lược quy hoạch bảo tồn và phát triển các đô thị có nguy cơ lớn nhất từ BĐKH và NBD, đặc biệt là các dự án đô thị ven biển như Cần Giờ, đóng vai trò rất quan trọng hiện nay.
Thông qua nghiên cứu vai trò của Cần Giờ trong định hướng phát triển kinh tế biển của TP HCM, bài viết này phân tích những vấn đề cần được quan tâm của khu đô thị biển, qua các đề xuất định hướng chiến lược bảo tồn và phát triển cho Cần Giờ nói riêng và cho TP HCM nói chung, nêu bật được vai trò của quy hoạch trong việc quản lý và phát triển đô thị một cách bền vững, đi đôi với việc chuẩn bị tốt cho việc ứng phó với nguy cơ BĐKH và NBD.
Cần Giờ: Quá khứ – Hiện tại và tương lai
Thời kỳ 1698-1978: Rừng ngập mặn Cần Giờ
Trong 280 năm phát triển kể từ 1698, Sài Gòn không có biển, do tách rời với Gia Định. Sau khi Đô thành Sài Gòn hợp nhất với tỉnh Gia Định, Củ Chi và Phú Hòa để hình thành TP HCM, thì mãi đến khi huyện Duyên Hải (nay là huyện Cần Giờ) được sát nhập trở lại vào Gia Định năm 1978, thì TP.HCM mới được xem là nối ra biển Đông.
Nằm cách trung tâm TP.HCM khoảng 50 km, Cần Giờ là huyện duy nhất của TP giáp biển, với 23 km bờ biển chạy dài theo hướng Tây Nam – Đông Bắc, và các cửa sông lớn từ các sông Lòng Tàu, Cái Mép, Gò Gia, Thị Vải, Soài Rạp, Đồng Tranh. Cần Giờ có trên 70% là rừng ngập mặn và sông rạch, là nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú phát triển các loại hình du lịch sinh thái biển, rừng, sông…
Thời kỳ 1978-2020: Hình thành Khu dự trữ sinh quyển và huyện đảo sinh thái Cần Giờ
Trong một thời gian dài, do các khó khăn chung về kinh tế trong cả nước, phát triển đô thị ở Cần Giờ tương đối chậm, nhưng khu rừng Sác lại được hồi phục khá tốt. Năm 2000, Rừng Sác, còn gọi là Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, được Unesco công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới với hệ động thực vật đa dạng độc đáo của vùng ngập mặn, trở thành một trong những Khu du lịch trọng điểm Quốc gia của Việt Nam.
Có thể nói đây là thời kỳ Cần Giờ được chủ trương phát triển bền vững quy mô nhỏ, gắn với ưu tiên bảo vệ môi trường, với hai định hướng chính là:
- Không phát triển đô thị tại vùng bảo tồn nghiêm ngặt và vùng phục hồi sinh thái thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên rừng ngập mặn Cần Giờ trong Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ (75.740 ha);
- Phát triển huyện đảo nông thôn Cần Giờ, bao gồm 600 ha mở rộng của Khu đô thị du lịch lấn biển, có quy mô dân số khoảng 72.000 người (năm 2019), dự kiến tăng đến 300.000 người trong tương lai.
Thời kỳ 2020 đến nay: Phát triển đô thị sinh thái Cần
Từ 2020, khi bắt đầu có chủ trương đô thị hóa Cần Giờ để phát triển kinh tế đô thị biển, bắt đầu có nhiều ý tưởng khá táo bạo, thậm chí tương phản với định hướng quy hoạch ưu tiên cho bảo tồn sinh thái của giai đoạn trước đó, như các đề xuất:
- Tăng quy mô Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ lên 2.780 ha, với chức năng phức hợp trung tâm tài chính, kinh tế, thương mại, dịch vụ, khách sạn, chung cư cao tầng, nhà ở liên kế, biệt thự cao cấp, biệt thự nghỉ dưỡng, bến du thuyền,… cùng chuỗi tiện ích nội khu hiện đại với tiêu chuẩn đẳng cấp thế giới, cho hơn 220.000 dân, và cho hơn 9 triệu lượt khách du lịch hàng năm;
- Nâng cấp Cần Giờ lên thành phố thuộc TP.HCM, với hơn 600.000 dân, bỏ qua bước xây dựng Cần Giờ từ huyện thành quận, với kỳ vọng sẽ đem lại nguồn thu ngân sách đáng kể và tạo đòn bẩy phát triển kinh tế biển chính cho thành phố về phía Tây Nam;
- Xây dựng cầu Cần Giờ để thay thế phà Bình Khánh;
- Xây dựng cụm cảng trung tâm logistics đường biển quan trọng hàng đầu của TP.HCM tại Cần Giờ, với quy mô có thể lớn hơn để thay thế cụm cảng Thị Vải – Cái Mép trong tương lai, đi kèm với xây dựng mới hệ thống đường cao tốc và đường sắt kết nối hiện đại nối vào cảng;
- Xây dựng cầu vượt biển nối liền Cần Giờ với Vũng Tàu và xây dựng sân bay Cần Giờ để đón khách du lịch,…
Đánh giá chiến lược quy hoạch bền vững
Tuy nhiên, trước nhiệm vụ trọng tâm cần phải phát triển Cần Giờ theo hướng bền vững, cần phải rất thận trọng trước những đề xuất tham vọng nhằm biến Cần Giờ thành một đô thị cao tầng với cảng biển nước sâu quy mô hàng đầu khu vực:
- Về bảo vệ môi trường sinh thái: (1) Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ sẽ bị tổn hại nặng, nếu bị thu hẹp diện tích để dành chỗ cho các dự án, và tăng cao mật độ lưu thông trên trục đường Rừng Sác chạy sát khu vực lõi; (2) Mật độ đô thị hóa cao có thể làm tăng mạnh tỷ lệ bê tông hóa vùng đất thấp ngập nước và mức khai thác nước ngầm để sử dụng, tăng nguy cơ ngập lụt và xâm nhập mặn sâu hơn vào đất liền; (3) Dự án đô thị lấn biển quy mô lớn đòi hỏi nguồn cung cấp đất cát khối lượng lớn, trong bối cảnh sạt lở đất đai ngày càng gia tăng ven các con sông của khu vực, do khai thác cát quá độ.
- Về ứng phó với BĐKH và NBD: Cần Giờ là một trong những khu vực có nguy cơ bị thiệt hại cao nhất thế giới khi NBD, mà nguyên nhân chính là do tập trung dân cư cao ở vùng đất thấp. Do đó, đề xuất tăng dân số lên gần 10 lần, thay vì chọn giãn dân lên vùng đất cao, có thể tạo nên gánh nặng rất lớn lên ngân sách để xử lý hậu quả trong tương lai.
- Về tiêu chí quan trọng 3S (Nắng, biển, bãi biển – Sun, Sea, Sand) cần thiết cho phát triển đô thị du lịch biển cao cấp: Cần Giờ có hai điểm yếu cơ bản, khó khả thi để phát triển du lịch cao cấp (1) Bãi biển chất lượng kém, do vị trí cửa biển giao nhau, làm cho cát lẫn nhiều bùn đất phù sa; (2) Nước biển đục do phù sa, và còn có nguy cơ ô nhiễm cao do hoạt động tàu biển và xà lan mật độ cao. Trong toàn Chuỗi đô thị vịnh biển Gành Rái – Cần Giờ, thì Vũng Tàu – Long Hải – Bình Châu có 3S tốt nhất, nên sẽ có lợi thế cạnh tranh rất mạnh về du lịch biển cao cấp so với Cần Giờ.
- Về tiêu chí vị trí chiến lược để phát triển cảng biển nước sâu: Cần Giờ có ba điểm yếu cơ bản, khó khả thi để phát triển cảng quy mô lớn: (1) Khó phát triển cảng biển tại vị trí bên bờ phía Đông, giáp sông Thị Vải và sông Lòng Tàu, trừ phi xâm hại Khu dự trữ sinh quyển; (2) Vị trí cảng biển tại bờ phía Tây Cần Giờ, giáp sông Soài Rạp, không có tính cạnh tranh cao so với cụm cảng Hiệp Phước & cảng Long An; (3) Không có quỹ đất xây dựng hạ tầng kết nối vùng (đường bộ, đường sắt, đường cao tốc) cho cảng biển. Trong toàn chuỗi đô thị vịnh biển, hai cụm cảng Thị Vải – Cái Mép-Cát Lái và cụm cảng Hiệp Phước – Long An có vị trí chiến lược để phát triển cảng biển lớn thuận lợi hơn nhiều so với Cần Giờ.
- Về tiêu chí “an cư lạc nghiệp” tạo lập khu đô thị biển cao tầng hiện đại: Cần Giờ đến nay vẫn chưa có kế hoạch khả thi nào đáp ứng được nhu cầu cần phải tạo ra đủ nguồn việc làm thu nhập cao, tương xứng với mục tiêu muốn thu hút khoảng 500.000 dân nhập cư trong tương lai.
Các định hướng chiến lược quy hoạch Cần Giờ trong phát triển liên kết Vùng Kinh tế biển
Việc quy hoạch phát triển TP HCM nói chung, và Cần Giờ nói riêng, theo hướng kinh tế biển, cần được đặt trong tương quan phát triển liên kết vùng, với hai nhóm định hướng chiến lược như sau:
1. Chiến lược phát triển kinh tế biển TP.HCM, trong tương quan hợp tác kết nối Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
- Đặt trọng tâm phát triển các tiềm năng kinh tế biển đa dạng của TP.HCM vào các hoạt động kinh tế đa ngành trong tương quan liên kết Vùng Đô thị TP.HCM, phục vụ cho thị trường của khoảng 10 triệu dân TP.HCM, và trên 21 triệu dân của toàn vùng, để nâng cao thu nhập đáng kể cho ngân sách, trong tương quan hợp tác kết nối và liên kết logistics hệ thống các hạ tầng trọng điểm với các tỉnh trong Vùng đô thị TP.HCM (gồm 8 tỉnh, TP của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang với TP.HCM là hạt nhân) và trong Chuỗi đô thị vịnh biển Gành Rái – Cần Giờ (gồm Vũng Tàu, Tân Thành, Cần Giờ, Nhà Bè, Cần Giuộc, Cần Đước, Gò Công).
- Hình thành hệ thống logistic để phối hợp các cảng biển với mạng lưới khu công nghiệp, kho bãi, và giao thông đa phương tiện (đường thủy, đường bộ, đường cao tốc, đường sắt) hình cánh cung mở ra hai bên quanh vịnh biển Gành Rái – Cần Giờ, bao gồm nhóm cảng biển cánh phải (cảng Cát Lái, cảng Thị Vải – Cái Mép…) và nhóm cảng biển cánh trái (cảng hành khách Sài Gòn, cảng Tân Thuận, cảng Hiệp Phước, cảng Long An,…).
- Ưu tiên hoàn thành xây dựng hệ thống đường sắt và đường bộ chuyên dụng nối liền với các cụm cảng biển lớn như Cát Lái, Hiệp Phước, và Thị Vải – Cái Mép, tách biệt hệ thống giao thông vận chuyển hàng hóa ra vào cảng với giao thông đô thị xung quanh, để nâng cao hiệu quả logistic, đồng thời đảm bảo an toàn cho người dân.
- Vận động chính quyền trung ương giao cơ chế đặc thù cho TP.HCM trong vai trò lãnh đạo chính quyền vùng đô thị, để có thể chủ động hợp tác với các tỉnh thành trong vùng nhằm phát triển kinh tế biển, với thử thách lớn nhất trước mắt là tổ chức, xây dựng, và quản lý hệ thống logistics đa phương tiện kết nối Vùng Đô thị TP.HCM.
2. Chiến lược phát triển huyện đảo đô thị sinh thái Cần Giờ
- Dành ưu tiên hàng đầu cho việc bảo tồn Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ để: (1) Tăng khả năng ứng phó với BĐKH và NBD; (2) Giảm xâm nhập mặn vào đất liền; (3) Giữ gìn được lá phổi xanh trung tâm cho toàn vùng; (4) Nâng cao chất lượng môi trường đất, nước, và không khí cho không gian sinh thái; (5) Cân bằng môi trường thủy văn cho khu vực (5) Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên phong phú đa dạng của động thực vật và giá trị sinh thái của khu vực;
- Quy hoạch mặt tiền biển Vùng vịnh Gành Rái – Cần Giờ theo cấu trúc không gian huyện đảo đô thị sinh thái Cần Giờ Xanh ở giữa, với hai nhánh đô thị cảng biển hình cánh cung mở ra hai bên;
- Quy hoạch Cần Giờ theo hướng huyện đảo đô thị du lịch biển sinh thái, với trọng tâm kinh tế biển về mặt du lịch, văn hóa, nghề truyền thống, thủy sản, nghiên cứu và sản xuất nông nghiệp và công nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao, gắn liền với bảo tồn sinh thái. Thay vì nâng cấp lên TP, tạo điều kiện phát triển thế mạnh đặc trưng của Cần Giờ trong toàn vùng vịnh, là giá trị sinh thái trên vùng đất thấp ngập nước;
- Tập trung dân cư chủ yếu ở khu vực phía Nam và phía Tây của Cần Giờ, và khuyến khích các hoạt động kinh tế không cần nhiều nhân lực ở vùng đất thấp, trong khi giãn dân về vùng đất cao;
- Quy hoạch lại Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ như một đô thị đảo đa chức năng có quy mô và mật độ vừa phải, với một kênh biển giúp tách rời với khu vực đô thị hiện hữu phía Nam Cần Giờ, nhằm giữ lại mặt tiền biển hiện trạng, đảm bảo sinh kế cho khu dân cư hiện hữu vốn đã lâu đời gắn bó với biển, và tạo một không gian đô thị sầm uất hai bên kênh;
- Xây dựng cảng biển Cần Giờ với quy mô vừa phải, chủ yếu chỉ phục vụ cho nhu cầu của huyện Cần Giờ;
- Chuẩn bị tích cực ứng phó với BĐKH và NBD: Nâng cao độ nền cho toàn bộ các khu dân cư và hạ tầng huyết mạch phù hợp kịch bản ứng phó BĐKH dài hạn; hướng dẫn, khuyến khích người dân xây nhà sàn với cao độ phù hợp ở các khu vực nền thấp,…
- Chỉnh trang và phát triển trục giao thông đường bộ chính Bắc – Nam của Cần Giờ theo hướng: (1) Đường Rừng Sác nâng thành tuyến giao thông trên cao cho đoạn chạy ngang vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, vừa để đảm bảo hoạt động dài hạn không bị ngập, vừa giảm thiểu tác động môi trường đến Khu dự trữ sinh quyển, và tránh nguy cơ phát triển đô thị tự phát dọc theo tuyến; (2) Khép nối tuyến đường đô thị vòng cung nối khu đô thị tương lai ven bờ Tây giáp sông Soài Rạp với thị trấn Cần Thạnh, để hình thành thêm trục giao thông Bắc – Nam thứ hai cho Cần Giờ trong tương lai.
TSKH.KTS. Ngô Viết Nam Sơn
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2022)
Tài liệu tham khảo
- Bộ Tài nguyên Môi trường (2020) – Kịch bản BĐKH. NXB Tài nguyên Môi trường và Bản đồ Việt Nam.
- Ngân hàng Phát triển Châu Á – ADB (2008) – Quản lý các Thành phố Á Châu. Các Giải pháp Đô thị Bền vững và Hòa nhập;
- Ngân hàng Thế giới (Dasgupta, Susmita; Laplante, Benoit; Meisner, Craig; Wheeler, David; Jianping Yan) (2007). Tác động của mực nước biển dâng đối với các nước đang phát triển: Phân tích so sánh.
- Ngô Viết Nam Sơn (2009) – Tầm nhìn trăm năm trong công tác quy hoạch các Đô thị Biển. Tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 07/2009;
- Ngô Viết Nam Sơn (2011) – Thiết kế Đô thị Châu Á: Những Thử thách trong Kỷ nguyên Thông tin và Toàn cầu hóa. Báo cáo Hội nghị Quy hoạch Kiến trúc Quốc tế Arcasia;
- Ngô Viết Nam Sơn (2012) – Một số Định hướng Chiến lược trong việc Phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam. Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế về Việt Nam học Lần thứ tư “Việt Nam trên đường hội nhập và phát triển bền vững” (26 – 28/11/2012). Hà Nội;
- Ngô Viết Nam Sơn (2021) – Tầm nhìn trăm năm cho TP.HCM: Kịch bản phát triển kinh tế biển nào cho Cần Giờ? Diễn đàn chuyên gia “Cần Giờ trong tầm nhìn kinh tế biển”. Báo Người Đô thị;
- Quốc hội (2017) – Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14;
- Thủ tướng Chính phủ (2020) – Quyết định số 1055/QĐ-TTg ngày 20/7/2020 về việc ban hành kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
The post Quy hoạch thích ứng với Biến đổi khí hậu: Cần Giờ trong phát triển liên kết Vùng Kinh tế biển appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/aknvidC
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét