Thứ Năm, 30 tháng 6, 2022

Phát triển đô thị bền vững: Cần phân quyền, tránh ‘tư duy lãng mạn’

Để phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh thì từ khâu quy hoạch đến quá trình triển khai xây dựng phải đảm bảo thực hiện nghiêm túc, không tùy tiện điều chỉnh quy hoạch cục bộ.

Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Cho rằng chất lượng đô thị hóa hiện nay chưa cao, tắc nghẽn giao thông, ngập úng khi trời mưa, ô nhiễm môi trường có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp,… nhiều ý kiến cho rằng công tác quy hoạch đô thị cần phải có tầm nhìn dài hạn hơn.

Theo đó, thời gian tới, chính quyền các đô thị cần được phân cấp và phân quyền mạnh mẽ hơn; đổi mới phát triển theo chiều sâu, tránh quy hoạch theo “tư duy lãng mạn”: Vẽ thật đẹp, nói thật hay nhưng không thực tế, khó khả thi.

Đô thị lớn trong nỗi lo “tắc-ngập”

Nói về chất lượng đô thị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh sau hơn 35 năm đổi mới, tiến trình đô thị hóa ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành công về hạ tầng, không gian, đóng vai trò là hạt nhân động lực phát triển.

Tuy vậy, chất lượng đô thị hóa hiện nay còn chưa cao, phát triển chủ yếu theo chiều rộng, gây lãng phí về đất đai, giảm thiểu mức độ tập trung kinh tế; kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số; chưa thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với dịch bệnh quy mô lớn.

Đáng chú ý là ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn vẫn đang có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây ra nhiều tác động tiêu cực cho người dân và xã hội.

Theo ông Nghị, quá trình đô thị hóa ở Việt Nam nhiều năm qua diễn ra trong bối cảnh khó khăn về nguồn lực đầu tư; phát triển đô thị chủ yếu trên nền tảng đô thị hiện hữu, mở rộng và đưa các làng xã trở thành đô thị nhanh chóng, trong khi chưa đáp ứng đủ điều kiện cơ sở hạ tầng, lối sống theo văn minh đô thị…

Bên cạnh đó, phát triển kinh tế đô thị hiện nay còn khá phổ biến với quan điểm “năng lực tự nhiên” hơn là “năng lực cần được bồi đắp.” Không gian chung đô thị chưa được quan tâm, phát triển và định hướng quản lý một cách thỏa đáng; chưa hình thành được nhận thức chung trong cộng đồng về trách nhiệm giữ gìn cảnh quan, không gian chung đô thị cũng như tạo ra các giá trị kinh tế đô thị gia tăng.

Chia sẻ tại Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam diên ra mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng thẳng thắn chỉ ra thực tế là chất lượng đô thị ở nước ta hiện nay còn chưa đáp ứng được yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, năng lực quản lý. Việc chỉnh trang, cải tạo các đô thị trung tâm, đô thị cũ, các khu chung cư xuống cấp còn bất cập về cơ chế, chính sách và lúng túng trong tổ chức thực hiện.

Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Tình trạng chung của các đô thị lớn trên toàn quốc là tắc nghẽn giao thông, ngập úng khi trời mưa, ô nhiễm môi trường, tỷ lệ đất giao thông, cây xanh còn thấp, chưa đảm bảo yêu cầu,…” Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.

Cần tầm nhìn dài hạn

Trước thực trạng nêu trên, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành lưu ý rằng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị, quản lý đô thị cần tiếp tục phải đổi mới tư duy, cần có tầm nhìn dài hạn, tổng thể về không gian, thời gian trong quá trình quy hoạch và phát triển đô thị. Trong số đó, hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là hạ tầng giao thông, phục vụ lợi ích công cộng là những nội dung phải được quan tâm.

Đặc biệt, để phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh thì từ khâu quy hoạch chung, chi tiết đến quá trình triển khai xây dựng phải đảm bảo thực hiện nghiêm túc các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức về tỷ lệ đất giao thông, cây xanh; không tùy tiện điều chỉnh quy hoạch cục bộ, phá vỡ quy hoạch chung.

Ông Thành cũng đề nghị chính quyền các đô thị cần chủ động, có giải pháp giải quyết tốt vấn đề ùn tắc giao thông, úng ngập, ô nhiễm môi trường; tích cực thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình phát triển đô thị theo hướng tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, thực hiện tốt các cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Trong khi đó, chia sẻ từ góc độ chuyên gia, kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng để phát triển đô thị bền vững, trước tiên cần phải nghiên cứu, tính toán rất kỹ thực tế về không gian mở, không gian ngầm, đô thị ngầm, hạ tầng kỹ thuật, giao thông, thoát nước; tránh tình trạng tư duy lãng mạn, vẽ thật đẹp, nói thật hay nhưng không thực tế, khó khả thi.

Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, ngoài các giải pháp như quy hoạch đô thị phải có cách tiếp cận đa ngành, bao trùm với tầm nhìn dài hạn, toàn diện kể trên, trong quá trình triển khai cần đặc biệt chú ý về quy hoạch quản lý sử dụng không gian nổi, không gian ngầm và hệ thống công trình ngầm đô thị.

Cùng với đó, việc hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững cũng cần được đẩy nhanh. Trong đó, trọng tâm là xây dựng Luật để quản lý phát triển đô thị bền vững.

Ngoài ra, để phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và dịch bệnh, thời gian tới cần thực hiện phân cấp và phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền các đô thị.

Bên cạnh đó là thực hiện cấu trúc lại không gian phát triển kinh tế đô thị; nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng mật độ kinh tế và tính liên kết vùng, liên kết giữa các đô thị, liên kết giữa đô thị và nông thôn trong phát triển kinh tế đô thị; đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế của các đô thị thông qua phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Theo Hùng Võ (Vietnam+)

The post Phát triển đô thị bền vững: Cần phân quyền, tránh ‘tư duy lãng mạn’ appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/ncLMEQa
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Tạp chí Kiến trúc số 05 – 2022

Bạn đọc thân mến,

Kiến trúc là sáng tạo và luôn đổi mới. Nghề Kiến trúc và giới KTS luôn được xã hội đánh giá cao bởi sự tác động cũng như trách nhiệm đối với xã hội và cộng đồng. Chính bởi lẽ đó, Luật Kiến trúc 2019 cùng với các Nghị định, Thông tư hướng dẫn kèm theo những quy định về hình thức đào tạo phát triển nghề nghiệp liên tục (CPD) đã đưa giới nghề tiếp cận thông lệ quốc tế, từng bước chuyển mình và khẳng định vị thế trong khu vực và thế giới.

Trong số tháng 5/2022, Tạp chí Kiến trúc trân trọng giới thiệu Chuyên đề “Phát triển Nghề nghiệp Liên tục – CPD” với các bài viết của các chuyên gia, từ kinh nghiệm trong nước và quốc tế, hệ thống các quan điểm về Phát triển Nghề nghiệp Liên tục (CPD); đồng thời cung cấp các góc nhìn đa diện, đa chiều, giúp giới nghề nhìn nhận một cách khách quan về quyền lợi và trách nhiệm phát triển nghề nghiệp liên tục trong quá trình hành nghề kiến trúc. Nói một cách khác, Hội KTS Việt Nam với những hoạt động thiết thực trong thời gian qua đã và đang góp phần tháo gỡ khó khăn, cung cấp các công cụ phát triển nghề nghiệp liên tục cho các KTS vững tin hành nghề trong lĩnh vực thiết kế và sáng tạo.

Đặc biệt, hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương, với việc giới thiệu chân dung của Hoạ sĩ Victor Tardier và những hoạt động của ông trong việc đào tạo thế hệ KTS Việt Nam đầu tiên, chúng ta sẽ cùng nhìn lại lịch sử ngôi trường danh tiếng gắn liền với lịch sử hình thành kiến trúc đô thị Hà Nội – Ôn cố tri tân để cùng truyền ngọn lửa sáng tạo đến với thế hệ mai sau.

Những bài viết về kiến trúc sinh thái, kiến trúc địa phương, đào tạo KTS… trong TCKT số này tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc những quan điểm kiến trúc hiện đại, tiếp cận công nghệ, đồng thời phát huy những giá trị của di sản để tạo ra những giá trị mới trên lộ trình xây dựng nền kiến trúc tiên tiến và đậm bản sắc.

Chuyên mục Kiến trúc thế giới sẽ khép lại TCKT số này với những bài học kinh nghiệm về phát triển nghề nghiệp liên tục của KTS hành nghề tại Singapore, Malaysia và Hoa Kỳ – “Kiến thức là vô tận. Vì vậy, Luật Kiến trúc của nước ta cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đều hướng tới hành nghề kiến trúc chuyên nghiệp, thực hiện việc liên tục đào tạo và cập nhật thông tin kiến trúc và điều bắt buộc.” – Đó là quan điểm của KTS Nguyễn Tấn Vạn, nguyên Chủ tịch Hội KTS Việt Nam và cũng là tinh thần của giới KTS hành nghề đối với lĩnh vực phát triển nghề nghiệp liên tục.

Trân trọng giới thiệu với bạn đọc TCKT số Chuyên đề Tháng 5 – 2022!

Tạp chí Kiến trúc

Tạp chí kiến trúc

The post Tạp chí Kiến trúc số 05 – 2022 appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/3oQXPYd
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Hội KTS Việt Nam làm việc với Tỉnh Uỷ Thái Nguyên về tăng cường vai trò tư vấn, phản biện của KTS

Ngày 29/6/2022, thực hiện theo chương trình hoạt động năm 2022 nhằm thúc đẩy triển khai các nội dung Luật Kiến trúc 2019 và tăng cường vai trò tư vấn, phản biện của kiến trúc sư cấp trung ương và tỉnh, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam – TS. KTS Phan Đăng Sơn đã có buổi làm việc với Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên – Nguyễn Thanh Hải tại Trụ sở Tỉnh uỷ Thái Nguyên.

Tham gia đoàn Hội KTSVN còn có KTS. Hoàng Thúc Hào, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam cùng một số Uỷ viên Ban Thường vụ và BCH Hội, Trưởng Ban Tài chính. Tham dự cùng đoàn Tỉnh uỷ Thái Nguyên có Ông Đặng Xuân Trường – Phó Chủ tịch Thường trực UBND Tỉnh Thái Nguyên cùng đại diện lãnh đạo các Sở Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài Nguyên và Môi trường, Văn hoá Thể thao và Du lịch, Hội KTS Tỉnh Thái Nguyên.

Đây là tỉnh thứ 31, Hội KTS Việt Nam đến làm việc theo kế hoạch công tác cả năm nhằm thúc đẩy triển khai các nội dung Luật Kiến trúc 2019 và tăng cường vai trò tư vấn, phản biện của kiến trúc sư cấp trung ương và tỉnh. Tại buổi làm việc, đồng chi Bí thư Tỉnh uỷ đã đề cập tới các thế mạnh, tiềm năng của tỉnh Thái Nguyên về giá trị lịch sử, văn hoá, kinh tế, xã hội và những chủ trương, chính sách của tỉnh nhằm đưa Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc vào năm 2030.

Các thành viên trong đoàn Hội KTS Việt Nam và lãnh đạo các Sở Thái Nguyên đã trao đổi thẳng thắn các vấn đề quy hoạch đô thị và nông thôn, khai thác bản sắc văn hoá và thiên nhiên trong phát triển kiến trúc, phát triển các khu công nghiệp-đô thị-dịch vụ phục vụ công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở địa phương, phát triển các điểm hấp dẫn du lịch của tỉnh, tạo điểm nhấn kiến trúc…

TS. KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam đã đề xuất với đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên về 05 điểm đề nghị có sự phối hợp, hỗ trợ của tỉnh Thái Nguyên:

  • (1) Tổ chức triển khai đầy đủ sâu rộng, hiệu quả Luật Kiến trúc tại địa phương;
  • (2) Tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2045;
  • (3) Thực hiện định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050;
  • (4) Tạo điều kiện cho Hội KTS tỉnh Thái Nguyên về cơ chế tham gia vào các chương trình quy hoạch – kiến trúc tại địa phương;
  • (5) Tạo điều kiện nguồn lực khả thi cho các chương trình quy hoạch – kiến trúc địa phương với sự tham gia tư vấn, phản biện của giới kiến trúc sư.

Buổi làm việc đã đạt được sự thống nhất cao trong các quan điểm phát triển và vai trò đóng góp của kiến trúc sư Thái Nguyên và Hội KTSVN vào sự nghiệp phát triển bền vững kinh tế, xã hội của tỉnh, là nguồn động viên to lớn cho các kiến trúc sư Thái Nguyên mong muốn đóng góp nhiều hơn, hiệu quả hơn vào sự nghiệp kiến trúc của tỉnh.

Phạm Khánh Toàn
© Tạp chí Kiến trúc

The post Hội KTS Việt Nam làm việc với Tỉnh Uỷ Thái Nguyên về tăng cường vai trò tư vấn, phản biện của KTS appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/buFMkYx
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Thứ Tư, 29 tháng 6, 2022

Cận cảnh vị trí nhà hát, đường quy hoạch ở bán đảo Quảng An đẹp nhất Hồ Tây

UBND quận Tây Hồ (Hà Nội) đang lấy ý kiến về quy hoạch bán đảo Quảng An trong đó có vị trí xây dựng nhà hát và các tuyến đường sẽ mở.

Mới đây, UBND quận Tây Hồ (Hà Nội) đã công khai lấy ý kiến tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư đối với đồ án Quy hoạch chi tiết Khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An, tỷ lệ 1/500 tại phường Quảng An.

Đồ án này có tổng diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 45.300 m2, thuộc địa giới hành chính phường Quảng An và một phần diện tích phường Tứ Liên, thuộc ô quy hoạch 16, 17, 19 nằm trong Quy hoạch phân khu đô thị Khu vực Hồ Tây và vùng phụ cận (A6), tỷ lệ 1/2000 đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt. Chức năng sử dụng đất chính trong khu vực nghiên cứu quy hoạch được định hướng bao gồm: Đất công cộng đô thị, đất cây xanh đô thị, đất công viên chuyên đề, đất ở, đất trường học, đất quốc phòng, đất bãi đỗ xe và đất giao thông.

Trước đó, vào tháng 10/2021, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội và UBND quận Tây Hồ cũng đã tổ chức công bố điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị Khu vực hồ Tây và phụ cận (A6) tỷ lệ 1/2000 tại các ô quy hoạch 16, 17, 19 và các tuyến đường khu vực.

Việc điều chỉnh được thực hiện trên cơ sở Quyết định số 2078 (ngày 10/5/2021) của UBND thành phố Hà Nội. Theo quyết định này, tại ô quy hoạch 19 xây dựng một nhà hát có quy mô lớn, hiện đại, tiêu biểu cho Thủ đô.

Vị trí nhà hát này nằm ở đầm Trị và đường Quảng Khánh. Theo quyết định nêu trên của TP Hà Nội, đoạn đường Quảng Khánh đi qua nhà hát sẽ được thay thế, tức là phương tiện không thể đi qua đoạn phố này.

Đối với ô quy hoạch 16, 17, sẽ bổ sung 2 đoạn tuyến đường kéo dài đường giao thông trong trục không gian bán đảo Quảng An kết nối từ đường Xuân Diệu đến đường Âu Cơ (quy mô mỗi tuyến làn đường rộng 21 m, 4 làn xe); mở rộng thành phần mặt cắt ngang 2 tuyến đường giao thông trong trục không gian bán đảo Quảng An từ 19,5m (2 làn xe) lên thành 21m (4 làn xe). (Trong ảnh: Các tuyến đường này đi trùng với đường Đặng Thai Mai hiện hữu và ngách 9/2. Ngoài ra, theo quy hoạch, từ đường Âu Cơ cũng có thêm tuyến đường khác nối đến ngõ 35 Đặng Thai Mai).

Ngoài ra, khu vực bán đảo Quảng An cũng sẽ có tuyến đường đi trùng ngõ 35 Đặng Thai Mai, từ Quảng An đến Quảng Bá.

Tuyến đường này cắt 2 đường trục không gian bán đảo Quảng An tại đầu ngõ 12 Đặng Thai Mai. Tuyến cũng đi qua vườn hoa Quảng Bá hiện hữu.

Tuyến đường này đi qua đình làng Quảng Bá, Khách sạn Công Đoàn và kết thúc ở đường Quảng Bá.

Hình ảnh các tuyến đường quy hoạch đáng chú ý ở bán đảo Quảng An.

Hình ảnh đồ án tại khu vực đường Quảng Khánh để phục vụ lấy ý kiến người dân.

Sơ đồ trong bài được vẽ tương đối căn cứ theo đồ án Quy hoạch chi tiết Khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An, tỷ lệ 1/500 tại phường Quảng An của UBND quận Tây Hồ, Hà Nội.

Theo Hà Phong/ Dân Trí

The post Cận cảnh vị trí nhà hát, đường quy hoạch ở bán đảo Quảng An đẹp nhất Hồ Tây appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/ohHjvS7
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Nhà-Cây: Một ẩn dụ thi vị

Trên mặt bằng diện tích chỉ 80m2, việc tạo lập một không gian mang tính hài hòa cao giữa công năng ở và cho thuê không phải là phép tính đơn giản. Điều quan trọng là những người thiết kế phải phát triển ngôn ngữ kiến trúc nhất quán theo chủ đề ý tưởng ban đầu đặt ra cho thiết kế của mình.

  • Công trình: NHÀ-CÂY
  • Địa điểm: Q. Bình Thạnh, TP.HCM
  • Thiết kế & thi công: ROOM+ Design & Build
  • Nhóm thiết kế: Tạ Vĩnh Phúc, Phạm Anh Tuấn, Nguyễn Hoàng Nam, Lê Nguyên Vũ, Nguyễn Thị Kim Quy
  • Ảnh: Sonmeo Art Studio

Ở công trình nhà phố sáu tầng này, ý tưởng thiết kế khởi đi từ hình thái một cây cổ thụ. Theo đó, hệ trụ móng như bộ rễ cây gắn chặt ngôi nhà vào đất. Mặt bằng tầng trệt cho thuê là phần gốc, những căn hộ dịch vụ các tầng tiếp theo là thân cây. Phần vòm ngọn cây là căn hộ hai phòng ngủ của chủ nhân cùng với sân vườn hai tầng nằm ở vị trí trên cùng.

Quả thật ý tưởng thiết kế là một ẩn dụ nên thơ của mối quan hệ hỗ tương của một thực thể hữu cơ vốn quen thuộc với chúng ta.

Thiết kế đã định vị vai trò của từng đối tác trong mỗi phần không gian mà mình thụ hưởng, từ đó đặt ra ý thức về trách nhiệm của mỗi bên, đồng thời thấu hiểu mối gắn kết cần phải có để đem lại QUYỀN LỢI và HẠNH PHÚC cho nhau trong cùng một không gian sống.

Từ ý tưởng trên, mặt bằng thiết kế được bố trí theo hai khối phòng phía trước và sau, ở giữa là trục thang. Phần trước lùi sâu vào 3m, phần sau bố trí chỗ để xe và khoảng sân nhỏ, tạo những khoảng thoáng giúp đưa ánh sáng và thông gió tự nhiên vào toàn bộ các không gian.

Các mảng tường của mặt đứng được thiết kế gấp xếp, phủ sơn gai xù xì có hiệu ứng thị giác như lớp vỏ cây đồng thời có tác dụng phản xạ âm thanh, giúp làm giảm tiếng ồn từ bên ngoài. Các mảng xanh từ ban công và bồn cây được bố trí xuyên suốt các tầng nhà cùng sân vườn ở hai tầng cao và nơi mái chuyển tải tính kết nối thiên nhiên vào kiến trúc một cách nhẹ nhàng.

Với những gì mà các kiến trúc sư đã thể hiện, có thể nói công trình NHÀ-CÂY này là một ví dụ thú vị cho mô hình nhà ở + kinh doanh trên diện tích hẹp ở các đô thị phát triển hiện nay.

Theo Homedecorplus

The post Nhà-Cây: Một ẩn dụ thi vị appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/uV0d64n
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2022

Hà Nội: Các nhà máy, xí nghiệp tại 10 khu “đất vàng” sau di dời được quy hoạch ra sao?

UBND Thành phố Hà Nội vừa có tờ trình gửi HĐND thành phố về danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn Thành phố Hà Nội (đợt 1). Dự kiến, tại Kỳ họp thứ 7 sắp tới, HĐND Thành phố Hà Nội sẽ xem xét, thông qua. Theo đó, các khu đất nhà máy sau di dời được quy hoạch chủ yếu là đất công cộng, đất cây xanh, đất hỗn hợp.

Các khu đất nhà máy sau di dời được quy hoạch chủ yếu là đất công cộng, đất cây xanh, đất hỗn hợp.
Các khu đất nhà máy sau di dời được quy hoạch chủ yếu là đất công cộng, đất cây xanh, đất hỗn hợp.

UBND Thành phố Hà Nội cho biết, đề xuất trên nhằm thực hiện chủ trương di dời các cơ sở nhà, đất phải di dời do không phù hợp quy hoạch trên địa bàn Thành phố, căn cứ điểm b khoản 1 Điều 21 mục 2 Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài sản công.

Trong danh mục UBND Thành phố Hà Nội đề xuất, có nhiều cơ sở nhà đất nằm tại vị trí “đất vàng” nội đô như Nhà máy Bia Hà Nội – Tổng Cty Cổ phần Bia – rượu- nước giải khát Hà Nội với hơn 52.000m2 tại số 183 Hoàng Hoa Thám, Ngọc Hà, Ba Đình hiện đang hoạt động sản xuất và trưng bày giới thiệu sản phẩm. Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, khu đất có chức năng đất dân dụng. Theo Quy hoạch phân khu H1-2 được UBND thành phố phê duyệt năm 2021 là đất hỗn hợp, công cộng, trường THPT, cây xanh, nhà ở và bãi đỗ xe.

Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long, địa chỉ tại 235 Nguyễn Trãi, diện tích hơn 64.000 m2, đang là hệ thống nhà kho, để vật tư phục vụ sản xuất và thành phẩm; nhà xe của cán bộ công nhân viên để đi xe đưa đón đến địa điểm mới tại Cụm công nghiệp Thạch Thất – Quốc Oai. Theo quy hoạch được UBND thành phố phê duyệt, khu vực này sẽ là đất công cộng của thành phố và khu vực, hỗn hợp (dịch vụ thương mại và ở), nhà trẻ, trường tiểu học, cây xanh.

Cũng trên địa bàn quận Thanh Xuân, nằm trong danh sách di dời còn có Công ty TNHH MTV In và TM Thông tấn xã Việt Nam, địa chỉ tại số 70/342 Khương Đình, phường Hạ Đình, diện tích 5.000 m2, là văn phòng và cơ sở sản xuất. Theo quy hoạch, khu đất sẽ là đất công cộng khu vực, đất cây xanh, đất hỗn hợp.

Chi tiết danh mục 10 cơ sở nhà đất cần phải di dời.
Chi tiết danh mục 10 cơ sở nhà đất cần phải di dời.

Ngoài ra còn có các cơ sở tại quận Hoàn Kiếm là Báo Lao Động tại 51 Hàng Bồ hiện đóng cửa để không, không cho thuê, không sản xuất; Công ty in báo Nhân Dân ở 15 Hàng Tre; Công ty TNHH MTV In báo Hà Nội Mới tại 35 Nhà Chung diện tích hơn 1.800m2, hiện có nhà máy in trong đó một phần diện tích là nhà hàng ăn uống.

Quận Long Biên có 2 cơ sở gồm: Nhà máy xe lửa Gia Lâm – Công ty Vận tải Hành khách đường sắt Hà Nội, địa chỉ tại số 551 Nguyễn Văn Cừ, diện tích hơn 200m2, hiện là trụ sở Công ty, nhà xưởng sửa chữa toa xe.

Cơ sở thứ 2 là Tổng kho xăng dầu Đức Giang, địa chỉ tại số 26 phố Đức Giang, diện tích hơn 159.000m2, đang là bể chứa xăng dầu. Theo quy hoạch, khu đất sẽ có chức năng đất hỗn hợp, đất nhóm nhà ở mới, đất cây xanh, đất bãi đỗ xe, đất công cộng và đường quy hoạch.

Quận Đống Đa có 1 cơ sở, là Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Nông nghiệp, địa chỉ tại số 167/6 phố Phương Mai, diện tích hơn 800m2, hiện là văn phòng làm việc.

Quận Bắc Từ Liêm có 1 cơ sở, là Viện Hoá học công nghiệp Việt Nam, địa chỉ tại phường Phúc Diễn, diện tích hơn 30.000m2, hiện trạng một phần đã phân cho cán bộ công nhân viên, một phần hoạt động nghiên cứu công nghệ ngành hoá chất, sản xuất thuốc tuyển quặng. Theo quy hoạch, vị trí này là đất cơ quan, viện nghiên cứu.

Việc thông qua Nghị quyết là căn cứ để các đơn vị xây dựng phương án sắp xếp và quy định kế hoạch di dời; góp phần sử dụng đất có hiệu quả và tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất phát triển ổn định lâu dài, nhằm năng cao hiệu quả sử dụng đất và tạo thêm quỹ đất cho khu vực nội thành xây dựng các công trình công cộng, đảm bảo điều kiện môi trường, tạo cảnh quan kiến trúc và văn minh đô thị.

Kế hoạch di dời trong vòng 5 năm kể từ khi UBND thành phố phê duyệt danh mục.

Theo Khánh Hòa (Báo Xây dựng)

 

The post Hà Nội: Các nhà máy, xí nghiệp tại 10 khu “đất vàng” sau di dời được quy hoạch ra sao? appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/pw6XkNO
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

BössWindow – Đánh bật côn trùng xâm nhập, bảo vệ không gian trong lành tối đa

Ngoài khói bụi, nhiệt độ hay gió bão, côn trùng cũng là mối đe dọa cho sức khỏe gia đình vì nhiều loài côn trùng là trung gian truyền bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, và nhiều triệu chứng nguy hiểm khác. Ngăn chặn côn trùng xâm nhập vào nhà bằng sản phẩm cửa đi mở trượt kết hợp lưới chống côn trùng hệ BWD180 là lựa chọn hoàn hảo để bảo vệ sức khỏe cả gia đình trong mùa hè này.

Đánh bay nguy cơ bệnh truyền nhiễm từ côn trùng

Được đánh giá là một trong những nhà sản xuất cửa nhôm kính hàng đầu Việt Nam, tập đoàn Tân Trường Sơn đã chứng minh khả năng của mình thông qua những ý tưởng sáng tạo, mới mẻ nhưng cũng rất thực tế, hiệu quả. Và cửa đi mở trượt kết hợp lưới chống côn trùng hệ BWD180 chính là một trong số đó khi sở hữu thiết kế hữu ích, đột phá xuất phát từ nhu cầu quen thuộc nhưng chưa được đáp ứng của nhiều khách hàng. Ưu điểm nổi bật của mẫu cửa chống muỗi đó là tạo ra một không gian vừa thông thoáng vừa an toàn mà vẫn không bị hạn chế tầm nhìn. Sử dụng cửa BWD180 giúp bạn tạm biệt căn phòng bí bách, ngột ngạt của mình để tận hưởng một không gian hiện đại, thoáng đãng và sạch sẽ.

Trong khi nhiều khách hàng đang bị “lạc” giữa mê cung của các loại máy đuổi côn trùng chưa rõ ràng về hiệu quả thì cửa đi mở trượt kết hợp lưới chống côn trùng hệ BWD180 đã chứng minh khả năng phòng côn trùng vượt trội nhờ tấm lưới inox 304 được thiết kế bên trong lớp cửa kính. Mẫu cửa này bao gồm 2 lớp: lớp cửa ngoài là khung kính; lớp cửa trong là lưới. Lưới được sử dụng là lưới inox 304 nhập khẩu đảm bảo độ bền, sáng bóng và đẹp mắt. Ưu điểm của loại lưới này không chỉ ngăn được ruồi, muỗi, ong, bướm và các loại côn trùng khác mà còn ngăn được cả chuột cắn làm rách lưới; đây là khác biệt so với các loại lưới nhựa của cửa nhôm thông thường trên thị trường. Đặc biệt, Cửa đi mở trượt có lưới chống muỗi ngăn muỗi và côn trùng BWD180 được cấu tạo bằng những vật liệu an toàn, không có hóa chất độc hại, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người sử dụng.

Kích thước mỗi cánh cửa 2.8m x 1.2m (HxW), có thể chịu tải trọng lên đến 200kg. Bên cạnh đó với tiết diện khung nhôm có độ dày lên đến 2.0 mm; cánh và khung cửa thiết kế ghép góc 45 độ sử dụng ke vĩnh cửu bơm keo hai thành phần tăng cường độ liên kết góc, điều này mang lại độ bền vững, chắc chắn mà vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ cho cửa.

Hiện nay, cửa đi mở trượt kết hợp lưới chống côn trùng hệ BWD180 đã được nhiều khách hàng lựa chọn, đặc biệt là các gia đình có trẻ nhỏ. Theo số liệu thống kê của Cục Y tế dự phòng, tính đến hết ngày 19-05-2022, cả nước ghi nhận gần 30.200 ca mắc sốt xuất huyết, 15 ca tử vong. Trong đó trẻ em chiếm tỷ lệ tương đối cao. Vì vậy, sử dụng cửa đi mở trượt kết hợp lưới chống côn trùng hệ BWD180 là biện pháp cần thiết để bảo vệ các em khỏi những hiểm họa từ côn trùng

Chất liệu “bẻ cong” mọi quy luật thời tiết

Là một sản phẩm thuộc thương hiệu BössWindow, cửa đi mở trượt kết hợp lưới chống côn trùng hệ BWD180 cũng được sản xuất bằng chất liệu nhôm cao cấp trên dây chuyền khép kín, hiện đại. Nhờ đó, cửa nhôm kính của BössWindow luôn sở hữu độ cứng cao, đủ sức chống chọi với các thay đổi cực đoan của thời tiết như nắng nóng, rét buốt, nồm ẩm hay hanh khô. Loại cửa nhôm chống muỗi có khung nhôm với độ dày chắc chắn được thiết kế theo dạng cửa lùa ngang, cửa trượt trên ray dễ dàng, đóng mở nhanh chóng, thuận tiện. Ray inox cứng cáp, thuận tiện cho việc di chuyển ra vào.

Đặc biệt, ngay cả trong điều kiện có bức xạ mặt trời hoặc mưa axit, cửa đi mở trượt kết hợp lưới chống côn trùng hệ BWD180 cũng không bị oxy hóa hay ố vàng. Thay vào đó, cửa vẫn giữ nguyên được vẻ sáng bóng, cứng chắc theo thời gian.

Bên cạnh đó, tấm lưới chống côn trùng được làm chất liệu inox 304 cũng có độ bền tương đương. Dù trải qua thời gian sử dụng lâu dài nhưng tấm lưới vẫn có vẻ ngoài sáng bóng, không bị cong vênh, mối mọt, rỉ sét do các tác động thời tiết. Đây là đặc điểm nổi bật của các sản phẩm, phụ kiện thuộc dòng BössWindow, đó là bền bỉ, chắc chắn và giữ được vẻ thẩm mỹ sau nhiều năm sử dụng, góp phần bảo vệ cả gia đình trong thời gian dài với chi phí phải chăng

Công nghệ hiện đại cho không gian sống trong lành

Bên cạnh khả năng chống côn trùng hiệu quả, cửa đi mở trượt kết hợp lưới chống côn trùng hệ BWD180 còn giúp duy trì không gian sống trong lành, sạch sẽ. Nhờ khả năng cách nhiệt tốt, gia chủ sẽ được tận hưởng không gian mát mẻ ngay khi trở về nhà. Mọi sinh hoạt của gia đình cũng không còn bị ảnh hưởng bởi nắng nóng hay rét buốt.

BössWindow sở hữu khả năng cách âm, cách nhiệt hiệu quả. Bên cạnh việc sử dụng gioăng cao su EPDM 2 thành phần thì các rãnh cửa cũng được tính toán chính xác giúp BössWindow có độ kín cao, ngăn ngừa khói bụi, tiếng ồn và hơi nóng xâm nhập. Đồng thời, độ khít cao cũng giúp gia chủ có thể tiết kiệm chi phí điện năng vì hơi mát điều hòa không bị lọt ra ngoài. Theo kết quả thử nghiệm số: 01-0510-2ITNC-819, cửa nhôm BössWindow đạt được chất lượng theo tiêu chuẩn Châu Âu. Về độ bền áp lực gió có thể chống chịu tới 500Pa; độ kín nước không xuất hiện độ thấm nước trên mặt trong của cửa với áp lực lớn hơn 150 Pa; Độ lọt khí của cửa tương ứng với áp lực 150 Pa

Mùa hè 2022 đã bắt đầu bước vào mùa cao điểm với những đợt nắng nóng đỉnh điểm, kéo theo nguy cơ lây lan các căn bệnh truyền nhiễm từ côn trùng. Đây là thời điểm thích hợp để các gia đình thay mới lối đi bằng cửa đi mở trượt kết hợp lưới chống côn trùng hệ BWD180 như một biện pháp hữu hiệu để bảo vệ sức khỏe trẻ em khỏi những kẻ truyền bệnh tí hon.

© Tạp chí kiến trúc

The post BössWindow – Đánh bật côn trùng xâm nhập, bảo vệ không gian trong lành tối đa appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/xNupHkv
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2022

Ngôi nhà có mặt tiền như ‘dòng nước chảy’

Khe lấy gió ở mặt tiền hút khí vào bên trong, kết hợp với luồng khí của hai giếng trời giúp bản thân căn nhà tự điều hòa không khí.

Ngôi nhà có tên gọi Flow House (Nhà dòng chảy) được xây trên diện tích 225 m2, hoàn thiện đầu năm 2022 tại thành phố Đà Nẵng.

Mặt tiền nhà hướng thẳng về phía Tây, là hướng đón nắng lúc mặt trời lặn, nên hấp thụ nhiệt rất cao. Nhược điểm nữa của căn nhà là bề ngang hẹp, chỉ rộng 4,5 m.

Nhằm giảm bớt nhược điểm của hướng nhà, kiến trúc sư quyết định không làm ban công lộ thiên mà xây liền khối. Ngôi nhà thông gió với bên ngoài bằng những dải khe lấy gió chạy ngang.

Mặt tiền được thiết kế tối giản với mặt cong chạy dọc từ tầng cao nhất xuống cổng, tạo cảm giác như dòng chảy của nước. Theo kiến trúc sư, mặt cong vừa hạn chế diện tích vùng tiếp xúc với nắng, vừa tạo tính thẩm mỹ cao.

Vị trí đất có ưu điểm là có thêm một mét lộ giới kỹ thuật chạy dọc hông nhà. Tận dụng khoảng không này, bên hông nhà được trổ thêm cửa sổ lấy gió.

Hai giếng trời trong nhà vì thế được tiếp nhận hai luồng khí song song. Một là luồng khí giếng trời tự đối lưu với khoảng không bên hông nhà, hai là luồng khí từ khe lấy gió từ mặt tiền đi vào. Bởi vậy dù đóng cửa, ngôi nhà vẫn luôn thoáng đãng ở bên trong.

Hai giếng trời vừa là nơi thông khí cho ngôi nhà vừa tạo thẩm mỹ.

Luồng ánh sáng mặt trời chiếu vào từng đường cong, ngóc ngách… mang đến cho ngôi nhà sự mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông.

3 khu vườn nhỏ là điểm nhấn xanh trong nhà. Đây cũng là vị trí của giếng trời, ống thông gió chính cho công trình.

Gia chủ cho biết, khi đi ngang qua những khoảng vườn này, sẽ cảm nhận rõ các cơn gió đang luồn vào từng ngóc ngách.

Đường cong nhẹ như dòng chảy tiếp tục được nhắc lại tại hai bên hông nhà, gần vị trí giếng trời, vừa tạo tổng thể liền mạch về tính thẩm mỹ, vừa cản nắng hiệu quả.

Nhà có ba thế hệ sinh sống, bởi vậy ưu tiên thiết kế phòng ngủ cho người bà lớn tuổi tại tầng một, đỡ leo cầu thang nhiều, đồng thời tiện tương tác với không gian vườn sau nhà.

Từ tầng 2 là không gian cho vợ chồng và hai con nhỏ.

Phòng ngủ của các con và bố mẹ được kết nối với nhau bởi không gian sinh hoạt chung, là nơi học tập cũng như vui chơi của trẻ.

Thời gian hoàn thiện công trình là 4 tháng, vì có nhiều giai đoạn bị ngắt quãng do dịch bệnh. Tổng kinh phí là 1,6 tỷ đồng.

Thiết kế: NAW Studio
Ảnh: Nguyễn Đình

Theo Vy Trang (Vnexpress)

The post Ngôi nhà có mặt tiền như ‘dòng nước chảy’ appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/GcWQhye
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//