Thứ Ba, 7 tháng 6, 2022

Định hướng chiến lược phát triển Phú Yên

Tổng quan

Phú Yên là một tỉnh ven biển trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, với diện tích tự nhiên là 5023,4km2, và 9 đơn vị hành chính gồm 01 TP (Tuy Hòa); 01 thị xã (Sông Cầu); 07 huyện (Đông Hòa, Đồng Xuân, Phú Hòa, Sơn Hòa, Sông Hinh, Tây Hòa, Tuy An).

Trong bối cảnh các tỉnh thành trên toàn quốc đang gấp rút quy hoạch vùng tỉnh theo hướng tích hợp, trên nền tảng Luật Quy hoạch (2017) và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05/02/2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch 2017, tỉnh Phú Yên rất cần xác định lại định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực và các huyện, thị xã, TP có liên quan đến kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh có tính tới yếu tố liên vùng và hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong đó, cần phải đảm bảo phát triển Phú Yên một cách bền vững, về mặt kinh tế, xã hội, cũng như về mặt môi trường. Trong đó phát huy vai trò hợp tác công tư giữa Nhà nước – Doanh nghiệp – Người dân.

Bài viết này xác định những vấn đề chiến lược quan trọng trong việc Định hướng phát triển Phú Yên với tầm nhìn đến 2030 và dài hạn đến 2050.

Hình 1 – Toàn cảnh TP Tuy Hòa (Phú Yên)
(Nguồn: Sulo251, 2010)

Sáu Định hướng Chiến lược phát triển dài hạn cho tỉnh Phú Yên

(1) Tổ chức quy hoạch kinh tế xã hội và đô thị trong tương quan chiến lược liên kết và hợp tác vùng đô thị

Với vị trí nằm xa các trung tâm kinh tế ở hai đầu của đất nước, phía Bắc giáp tỉnh Bình Định, phía Nam giáp tỉnh Khánh Hoà, phía Tây giáp hai tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai, phía Đông giáp biển Đông, thì việc kết nối và hợp tác trong mối liên kết vùng là một vấn đề chiến lược quan trọng hàng đầu đến sự phát triển tương lai của Phú Yên. Trong đó, cần phải:

  • Tích cực góp phần trong việc cùng phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng kinh tế động lực ven biển Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung;
  • Phối hợp với Khánh Hòa để hình thành vùng kinh tế động lực Bắc Khánh Hòa – Nam Phú Yên;
  • Phối hợp với Bình Định để hình thành vùng kinh tế động lực Nam Bình Định – Bắc Phú Yên;
  • Hình thành các hành lang kinh tế Quốc lộ 25, Quốc lộ 29, Quốc lộ 19C, đường Trường Sơn với các tỉnh Tây Nguyên, kết nối khu vực Đông Bắc Campuchia và Nam Lào, trong đó địa bàn Phú Yên là một trong các cửa mở ra biển Đông cho các tỉnh Tây Nguyên;
  • Phát triển các dự án kết nối vùng theo hướng khắc phục dần dần ba yếu tố bất lợi quan trọng, đang có ảnh hưởng lớn đến tương lai phát triển kinh tế của tỉnh:
    • Thứ nhất là kết hợp với giáo dục đào tạo và các chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao để tăng nguồn cung lao động;
    • Thứ hai, là tổ chức lại quy hoạch sử dụng đất hiệu quả để tăng quỹ đất phát triển, giúp khắc phục hạn chế về chiều rộng không gian phát triển;
    • Thứ ba, kết nối hợp tác với các thị trường nội địa và quốc ngoại để nâng quy mô và ảnh hưởng thị trường của tỉnh lên, giúp nâng cao đời sống kinh tế xã hội.
Hình 2 – Phú Yên trong Vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây nguyên
(Nguồn: Sở Du lịch Phú Yên)

(2) Hình thành các trục động lực phát triển kinh tế biển

Với điều kiện phát triển thuận lợi về kinh tế biển của Phú Yên, trục đô thị ven biển, có thể xem là trục động lực chính cho việc phát triển Phú Yên, với chuỗi đô thị ven biển Sông Cầu – Tuy An – Tuy Hòa – Đông Hòa, chạy dài khoảng 190 Km, với trên 50% dân số toàn tỉnh, và có tiềm lực kinh tế đóng góp cho khoảng 3/4 ngân sách của tỉnh. Trong đó:

  • Khu kinh tế Nam Phú Yên có thể trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, cảng biển lớn của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên;
  • Khu du lịch quốc gia Vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông, bãi Từ Nham, gành Đá Dĩa, đầm Ô Loan, và khu vực vịnh Vũng Rô có thể trở thành những điểm du lịch mang đẳng cấp quốc tế;
  • Với quỹ đất ven biển còn dồi dào, nhiều tiềm năng cho phát triển đô thị và dịch vụ, các khu đô thị du lịch sinh thái có thể phát triển dọc theo tuyến đường ven biển và các tuyến đường nối từ quốc lộ 1A đến các bãi ngang ven biển;
  • Các khu công nghiệp năng lượng, năng lượng sạch; công nghiệp cơ khí, điện tử; công nghiệp chế biến nông – lâm – thủy sản… có thể được phát triển gắn kết với công nghệ cao, nhằm hạn chế tác động xấu đến môi trường.

Bên cạnh việc phát triển khu vực ven biển, cần quy hoạch gắn kết khu vực đồi núi và khu vực đồng bằng vào hệ thống phát triển kinh tế biển cho toàn tỉnh, gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giảm nghèo bền vững, nhất là tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Trong đó, cần:

  • Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng diện tích rừng tự nhiên, thay thế các diện tích kém hiệu quả bằng rừng trồng có năng suất cao.
  • Khuyến khích các thành phần kinh tế và người dân trồng rừng sản xuất kết hợp với bảo vệ rừng tự nhiên.
  • Khuyến khích xây dựng các vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi.
  • Xây dựng nền công nghiệp chế biến nông lâm sản.
  • Phát triển mạnh du lịch miền núi gắn liền với văn hóa các dân tộc và cảnh quan thiên nhiên.

Cần định hướng lại quy hoạch khu vực đồng bằng trong tương quan phát triển kinh tế biển. Trong đó:

  • Hình thành các vùng sản xuất tập trung nông nghiệp (lúa, mía, nguyên liệu cho công nghiệp chế biến,…) trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và nâng cấp hệ thống thủy lợi.
  • Phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kết hợp với các cơ sở công nghiệp chế biến với trình độ công nghệ phù hợp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, phát triển dịch vụ, …
  • Điều chỉnh cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi và cây trồng có giá trị kinh tế cao.

(3) Tổ chức không gian đô thị theo hướng mở ra biển kết hợp với việc gia tăng quỹ đất phát triển

Cần tổ chức không gian đô thị theo hướng mở ra biển theo hướng Đông Tây và hướng Bắc Nam cho:

  • Cụm công nghiệp – dịch vụ phía Đông Nam: Trung tâm là Khu kinh tế Nam Phú Yên với các dự án công nghiệp, du lịch, dịch vụ hàng hải, cảng biển, logistic…
  • Cụm đô thị – dịch vụ trung tâm: Trung tâm là thành phố Tuy Hòa và khu vực sân bay, với chức năng là trung tâm đa chức năng, và dịch vụ thương mại, và giao thương kết nối vùng, là hạt nhân không gian phát triển toàn tỉnh Phú Yên.
  • Cụm du lịch – dịch vụ phía Đông Bắc: Trung tâm là đô thị Sông Cầu và vịnh Xuân Đài, với với các dự án phát triển dịch vụ du lịch tổng hợp.
  • Hành lang động lực ven biển Bắc – Nam nối đến Quy Nhơn về phía Bắc và Vân Phong về phía Nam
  • Hành lang động lực Đông – Tây nối lên Tây Nguyên và về phía biên giới phía Tây.

(4) Xây dựng mạng lưới hạ tầng chiến lược trọng điểm theo hướng Bắc Nam và Đông Tây

Phú Yên cần nâng tầm kết nối thuận lợi hơn với các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung nằm trên trục giao thông chính Bắc-Nam với các tuyến đường bộ quan trọng gồm QL1A, QL1D, QL19C,…;
Phú Yên cũng cần gia tăng kết nối Đông – Tây với Tây Nguyên và khu vực Đông Bắc Campuchia, đặc biệt là thông qua các tuyến QL25, QL29.

Cảng biển Vũng Rô đóng vai trò rất quan trọng trong công tác logistics vận tải biển, liên kết với các cảng biển lớn trong vùng tại Vân Phong, Cam Ranh, và Quy Nhơn.

Sân bay Tuy Hòa có tiềm năng phát triển về quy mô và tầm quan trọng quốc gia và quốc tế, khi đặt trong mối liên kết chiến lược giao thông phục vụ cho khu Kinh tế Vịnh Vân Phong (Khánh Hòa), gần hơn với khoảng cách đến sân bay Tuy Hòa (khoảng 40 Km) so với khoảng cách đến sân bay Cam Ranh (trên 100 Km).

Hệ thống đường sắt nối kết các khu kinh tế và công nghiệp của Phú Yên đến các cảng biển lớn trong vùng (cảng trung chuyển quốc tế ở Vân Phong và cảng nước sâu tại Cam Ranh) cũng là tiền đề quan trọng cho việc phát triển kinh tế công nghiệp của tỉnh.

Hình 3 – Phú Yên trong tương quan kết nối liên kết Vùng
(Nguồn: Sở Xây dựng Phú Yên)

(5) Phát triển Bền vững gắn kết với việc bảo vệ môi trường

Cần phát triển Phú Yên theo hướng bền vững với các tiêu chí đô thị tăng trưởng xanh, đô thị sinh thái, đô thị thông minh, và kiến trúc xanh làm nền tảng, và trọng tâm là phục vụ nhu cầu đa dạng và dài hạn của người dân.
Phát triển kinh tế đô thị cần gắn với việc sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ tác động thiên tai. Trong đó, cần:

  • Bảo vệ môi trường tự nhiên;
  • Khôi phục các khu vực sinh thái ven biển và ven sông bị xuống cấp;
  • Bảo vệ các khu vực túi nước tự nhiên;
  • Bảo vệ môi trường sống ven bờ;
  • Lập kế hoạch ứng phó Nguy cơ Biến đổi Khí hậu – Xác định nguy cơ và đưa ra các giải pháp ứng phó nhằm tăng khả năng phục hồi của thành phố trước nguy cơ biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Ứng xử với biến đổi khí hậu cần phù hợp với nhu cầu sử dụng, cải thiện vi khí hậu, giữ gìn hệ sinh thái tự nhiên, và giảm thiểu các tác hại có thể xảy ra do nước biển dâng, thủy triều thất thường, hoặc do nhiễm mặn;
  • Chú ý phát triển hệ thống xử lý nước thải và chất thải với quy mô phù hợp, trong quá trình phát triển công nghiệp và phát triển đô thị, để đảm bảo sự ô nhiễm môi trường nằm dưới ngưỡng cho phép.
  • Đưa ra những hướng dẫn và chính sách khuyến khích việc xây dựng các công trình đạt tiêu chuẩn xanh Việt Nam (Lotus) hoặc quốc tế (LEED, Green Star, Greenmark).
Cảnh đẹp Phú Yên

(6) Xây dựng nền tảng cho phát triển Kinh tế số và đô thị thông minh

Trước nhu cầu nhân lực cho việc định hướng lại phát triển theo hướng công nghiệp sạch và công nghệ cao, gắn kết với bảo vệ môi trường biển, thì Phú Yên cần lưu tâm xây dựng các khu đô thị đại học – công nghệ và công nghiệp, kết nối hoạt động nghiên cứu thực hành (practical research) và giảng dạy của các trường đại học và chuyên nghiệp để cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh trong tương lai.

Việc phát triển công nông – lâm – ngư nghiệp cần được chuyển hóa theo hướng phát triển ứng dụng công nghệ cao và tiên tiến của thế kỷ 21 để tạo nên tiềm lực kinh tế mạnh trong khu vực.

Trong thế kỷ của thông tin mạng và toàn cầu hóa, song song với việc phát triển đô thị du lịch biển và đô thị sinh thái, việc hình thành nền tảng công nghệ cao và liên kết mạng sẽ tạo điều kiện tốt cho việc phát triển nền kinh tế số và đô thị thông minh tương lai cho tỉnh.

TSKH.KTS. Ngô Viết Nam Sơn (*)
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 04-2022)


(*) TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn là một KTS và nhà quy hoạch có trên 35 năm kinh nghiệm quốc tế trong công tác tư vấn thiết kế, giảng dạy, và nghiên cứu tại Việt Nam, Mỹ, Canada, Mexico, Trung Quốc, Nhật, Philippines, Singapore, Malaysia, …

Ông là thành viên của Hội Kiến trúc sư Việt Nam (Ban Chấp hành), Hội Quy hoạch Việt Nam, Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (Ban Cố vấn), Viện Kiến trúc Mỹ, Hội Quy hoạch Mỹ, và Hội Văn hóa Kiến trúc Cảnh quan Á Châu (Ban Chấp hành).

Tài liệu tham khảo

  • Ngô Viết Nam Sơn. 2009. Tầm nhìn trăm năm trong công tác quy hoạch các Đô thị Biển. Tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 07/2009.
  • Quốc hội. 2017. Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14;
  • Thủ tướng Chính phủ. 2018. Quyết định số 665/QĐ-TTg ngày 31/5/2018, v/v phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
  • Thủ tướng Chính phủ. 2020. Quyết định số 502/QĐ-TTg ngày 10/4/2020, v/v phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

The post Định hướng chiến lược phát triển Phú Yên appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/v9fP6GT
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét