Thứ Tư, 8 tháng 6, 2022

Đánh thức tiềm năng du lịch biển Phú Yên: phát triển bền vững gắn với bản sắc địa phương

Phú Yên là một tỉnh ven biển thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Việt Nam. Phú Yên, không chỉ mang trong mình những thuận lợi về vị trí địa lý mà còn đi kèm nhiều tiềm năng phát triển bởi đường bờ biển dài và còn giữ được nhiều nét hoạng sợ tự nhiên… Mặt khác, Phú Yên cũng là vùng đất vốn giàu yếu tố dân tộc bản địa với gần 30 dân tộc thiểu số như Chăm, Ê-đê, Ba-na, Raglai và bề dày lịch sử văn hóa nổi bật như văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chăm pa, vô cùng thuận lợi cho việc phát triển ngành du lịch.

Hòn Yến – Phú Yên

Trong những năm trở lại đây, sự biến đổi khí hậu dẫn tới nguy cơ mực nước biển tăng và thiên tai bất thường, tỉnh hết sức quan tâm và đẩy mạnh công tác quy hoạch các đô thị biển, song trên thực tế những đề xuất được đưa ra vẫn bộc lộ nhiều bất cập và hạn chế. Chúng tôi đã nghiên cứu các điều kiện tự nhiên – xã hội tại Phú Yên và đã đưa ra những đánh giá và phân tích cụ thể thông qua số liệu có được. Dựa trên sự phát triển vượt bậc của công nghệ 4.0 hiện nay, chúng tôi đề xuất các giải pháp mang tính định hướng tương ứng nhằm phát huy tiềm năng và giảm thiểu các hạn chế, kết hợp giữa quy hoạch và khoa học công nghệ để phát triển bền vững các TP ven biển Việt Nam, đặc biệt là miền Duyên hải Nam Trung Bộ.

Theo quy định tại Điều 23 Luật Quy hoạch 2017, nội dung của quy hoạch không gian biển quốc gia xác định phân khu chức năng, bố trí, tổ chức không gian của các ngành trên đất liền ven biển, hải đảo, quần đảo và vùng, biển, vùng trời thuộc chủ quyền của nước CHXHCN Việt Nam. Theo khái niệm của UNESCO, quy hoạch không gian biển là quá trình phân tích và định hướng các hoạt động của con người nhằm đạt được các mục tiêu về môi trường, xã hội và kinh tế, và thường đạt được thông qua sự đồng thuận chính trị [1]. Điểm lại khái niệm và định nghĩa về quy hoạch biển nêu trên: “Quy hoạch biển là quy hoạch không gian biển và vùng ven biển xác định các khu vực phù hợp nhất cho các loại hình và mức độ hoạt động nhằm phát triển kinh tế biển với tầm nhìn dài hạn, môi trường bền vững và được bảo vệ tốt chủ quyền biển đảo ”.

Theo quy hoạch vùng đến năm 2030, Phú Yên đã đề ra hướng phát triển kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh bằng cách tiếp tục xây dựng vùng biển và ven biển có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, là khu vực kinh tế đa ngành, đa chức năng; phấn đấu đến năm 2025, hoàn thiện nền tảng, hạ tầng kỹ thuật quan trọng của một số ngành kinh tế biển chủ lực, để đến năm 2030, Phú Yên trở thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển và du lịch biển trong khu vực Duyên hải Nam Trung bộ. Tuy nhiên, từ định hướng cho đến thực thi nhằm giải quyết những vấn đề còn tồn đọng của du lịch tỉnh Phú Yên cần dựa trên khả năng thực tế của tỉnh.

Hiện trạng du lịch Phú Yên và những vấn đề quy hoạch biển

1. Hiện trạng ngành du lịch Phú Yên

Phú Yên là một trong những tỉnh còn rất nhiều tiềm lực và cần được đánh thức; có nền văn hóa lâu đời, phong phú, ẩm thực độc đáo và có nhiều địa danh nổi tiếng như: Núi Đá Bia, Ghềnh Đá Đĩa, Đầm Ô Loan, Bãi Xép, vịnh Vũng Rô… Đó cũng là lý do du khách chọn vùng đất “Hoa vàng cỏ xanh” làm điểm dừng chân lý tưởng.

Sau đại dịch Covid-19, những ngày giãn cách xã hội, gần đây, thị trường du lịch của cả nước nói chung và Phú Yên nói riêng đã bắt đầu phục hồi và có chiều hướng phát triển mạnh trong những tháng cuối hè. Ngành Du lịch cả nước đang chủ động triển khai các chương trình kích cầu du lịch nội địa hậu Covid-19, nhằm phát đi thông điệp vận động “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Phú Yên là một trong những địa phương hưởng ứng tích cực chương trình này. Các doanh nghiệp lưu trú, ăn uống, vận tải đều có chính sách giảm giá kích cầu đối với du khách đến với Phú Yên. Ngoài ra, ngành Du lịch Phú Yên cũng chủ động tổ chức các sự kiện văn hóa, ẩm thực, tạo ra sản phẩm du lịch và liên kết phát triển tour với các tỉnh trong khu vực.

Phú Yên được Mẹ Thiên nhiên ban tặng cho các kỳ quan thiên nhiên độc đáo và hùng vỹ với vẻ đẹp hoang sơ. Bên cạnh đó, giá cả sinh hoạt hợp lý, chất lượng dịch vụ được ưu tiên hàng đầu, nên ngay sau hết giãn cách xã hội, thị trường du lịch đã ấm dần lên và đặc biệt là trong những tháng gần đây.

Hệ thống các khách sạn tăng lên đáng kể, đặc biệt như: Sala, Rosa Alba, Ivory Phú Yên, Long Beach, Công Đoàn… là hệ thống khách sạn ven biển Tuy Hòa đã được khách đặt kín phòng đến thời điểm này. Ngoài ra, các đối tác lữ hành đặt lịch, kín phòng. Điểm nổi của Phú Yên khiến du khách không thể bỏ qua chính là vẻ đẹp biển, đảo hoang sơ, một thành phố không quá ồn ào náo nhiệt, không gian nghỉ dưỡng giải trí thân thiện, tiện nghi, quy mô lớn, địa thế đẹp.

Nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội nói chung và ngành Du lịch nói riêng nhanh và bền vững, lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên khuyến khích các nhà đầu tư đến với Phú Yên. Qua đó, việc lựa chọn các nhà đầu tư cho một dự án phát triển lâu dài đóng vai trò thiết yếu. Hiện nay, Phú Yên được quy hoạch xây dựng thành 1 cửa ngõ mới ra hướng Đông cho vùng Tây Nguyên; hình thành một cụm đầu mối giao thông đường sắt, đường thủy, đường hàng không, đường bộ Đông – Tây.

Tiếp đó, Quốc lộ 25 và Quốc lộ 29 được chú trọng xây dựng nối với các tỉnh Tây Nguyên, Quốc lộ 1A và điểm nhấn là đèo Cù Mông và đèo Cả nối 2 tỉnh Bình Định và Khánh Hòa, sân bay Tuy Hòa nâng cấp, dự kiến sắp tới 2 hãng hàng không Nga đã lên kế hoạch mở đường bay quốc tế đến với Phú Yên. Tạo thế liên kết vững chắc kết nối giao thương, mở rộng thúc đẩy hợp tác kinh tế trong và ngoài nước. Năm 2019, Phú Yên đã thu hút được 46 dự án du lịch nghỉ dưỡng với tổng số vốn đăng ký lên đến 43.000 tỷ đồng từ hàng loạt dự án lớn được đầu tư.

Phú Yên được đánh giá có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển du lịch. Tuy nhiên, so với các tỉnh lân cận như Bình Định, Khánh Hòa, du lịch Phú Yên kém phát triển, lượng du khách đến không tương xứng với tiềm năng. Thực trạng kể trên được tạo nên bởi những hạn chế sau:

  1. Sản phẩm du lịch đơn điệu, nhàm chán chủ yếu dựa vào tài nguyên có sẵn, chưa có sự đầu tư chiều sâu, thiếu các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng. Các di tích, danh thắng ở Phú Yên chưa thu hút được khách du lịch, điển hình là Khu Di tích kiến trúc Tháp Nhạn – công trình kiến trúc cổ rất đẹp, nhưng nơi đây quanh năm vắng hiu hắt, ít người lui tới. Khu du lịch Gành Đá Đĩa được đánh giá là một trong những điểm thu hút khách du lịch lớn nhất tại Phú Yên, nhưng hoạt động dịch vụ tại điểm đến này còn kém, mỗi ngày chỉ có 3 – 5 đoàn khách đến đây chụp hình, ngắm cảnh [6];
  2. Cơ chế, chính sách phát triển sự nghiệp văn hóa, du lịch tại địa phương chưa phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, nguồn vốn đầu tư phát triển văn hóa, du lịch còn thấp, chưa được quan tâm kịp thời. Vì vậy, mặc dù Phú Yên có những bãi biển đẹp nhưng lại chưa có bãi tắm riêng, nhiều khi du khách phải tự bắt taxi di chuyển đến bãi biển, rất bất cập. Bên cạnh đó, tại các danh lam thắng cảnh cũng chưa có các dịch vụ đi kèm để du khách trải nghiệm, khám phá vẻ đẹp;
  3. Sự phối hợp trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích, danh thắng chưa hiệu quả. Công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch và trách nhiệm bảo vệ môi trường chưa cao, công tác xúc tiến quảng bá còn hạn chế;
  4. Kết cấu hạ tầng du lịch chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển đặc biệt là đặc biệt là hạ tầng giao thông, bến cảng, phương tiện vận chuyển du lịch đường bộ, đường thủy tần suất các chuyến bay ít cũng là những rào cản rất lớn, chưa được đầu tư đúng mức, thiếu các khu vui chơi, khu tổ hợp khách sạn, nhà hàng, công viên, khu giải trí;
  5. Số lượng cơ sở lưu trú ở Phú Yên cũng hạn chế chỉ có 2 khách sạn 5 sao, 2 khách sạn 4 sao và 3 khách sạn 3 sao,… Vì vậy, dù có cảnh đẹp hấp dẫn nhưng Phú Yên vẫn chưa phải là điểm đến được nhiều du khách chọn lựa;
  6. Nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và yếu, chưa chuyên nghiệp, phần lớn chưa được đào tạo bài bản, một số doanh nghiệp lĩnh vực du lịch chưa chú trọng đến công tác bồi dưỡng nguồn nhân lực,… Hiện nay, nước ta có hơn 20.000 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế, nhưng ở Phú Yên chỉ có 2 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế;
  7. Việc hỗ trợ đầu tư, giải phóng mặt bằng các dự án du lịch còn chậm và thiếu đồng bộ. Một số dự án du lịch đã cấp phép xây dựng nhưng chậm triển khai làm ảnh hưởng đến việc phát triển du lịch và hình thành sản phẩm du lịch của tỉnh. Kinh phí đầu tư phát triển du lịch còn hạn chế, chưa huy động được nhiều nguồn lực để phát triển du lịch [7];
  8. 8) Một trong những hạn chế nữa của du lịch Phú Yên là tỷ trọng khách du lịch quốc tế so với tổng lượt khách còn thấp, bình quân chỉ đạt 4,5%.

Khách du lịch quốc tế đến Phú Yên có xu hướng tăng nhưng chậm, tốc độ tăng trung bình 17%/năm cho cả giai đoạn, đáng chú ý là từ năm 2013 đến nay, lượng khách quốc tế giảm liên tục và khá đều (trung bình mỗi năm giảm gần 500 khách). Điều này chứng tỏ khách quốc tế không mấy mặn mà với du lịch tỉnh. Khách quốc tế đến Phú Yên chủ yếu từ các nước Nga, Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Đài Loan, Úc, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản,… từ cuối năm 2010 đến nay, các thị trường khách Nga, Hàn Quốc, Úc có xu hướng tăng mạnh [4]; Theo khu vực, có thể thấy khách từ thị trường Đông Nam Á chiếm tỷ trọng lớn nhất, trung bình 16,5%, khách từ thị trường Bắc Mỹ (chủ yếu là Mỹ, Canada) chiếm tỷ trọng trung bình 5,7%, khách từ thị trường Đông Bắc Á (chủ yếu là Nhật Bản) chiếm tỷ trọng 5,3% và khách từ thị trường châu Đại Dương (chủ yếu là Úc) chiếm tỷ trọng 3% [4]; Khách du lịch nội địa tuy có tăng nhưng vẫn còn chậm, phần lớn lượng khách đến từ TP HCM (31%), Hà Nội (32%), Huế – Đà Nẵng (13%), Bình Định, Khánh Hòa và các tỉnh Tây Nguyên (khoảng 15%), các tỉnh Nam Bộ khác (5%), các tỉnh miền Bắc khác (11%),…

2. Vấn đề biến đổi khí hậu

Tương ứng với sự nóng lên của Trái đất, băng tan ở hai cực gây ra nước biển dâng và biến đổi khí hậu, tỉnh Phú Yên phải đối mặt với chế độ khí hậu thất thường, ngập úng, sạt lở, cạn kiệt nguồn nước …

Đối mặt với các nguy cơ sạt lở bờ biển và bán sa mạc hóa, tỉnh Phú Yên đã chủ động thực hiện giải pháp nghiên cứu xây dựng công trình bảo vệ bờ biển; gia cố các tuyến đê biển, ngăn chăn xâm nhập mặn; phát triển hệ thống rừng phòng hộ ven biển; chuẩn bị sẵn sàng các phương án tái định cư, di dời các cơ sở hạ tầng và khu dân cư ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở TN&MT sớm hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu, thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Phú Yên, trình thẩm định, phê duyệt để cắm mốc thực địa, làm cơ sở để triển khai thực hiệu hiệu quả

Điều 79 Luật TN-MT biển và hải đảo về hành lang bảo vệ bờ biển, bao gồm:

  • Phê duyệt Danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Phú Yên gồm 42 khu vực
  • Phê duyệt Danh mục 44 khu vực xác định điểm mực nước triều cao trung bình nhiều năm, tương ứng 88 điểm mốc triều cao trung bình nhiều năm.
  • Phê duyệt Ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Phú Yên, bao gồm 42 khu vực

Thời gian qua, để chủ động phòng chống sạt lở, bảo vệ khu dân cư, bằng nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Phú Yên đã xây dựng được khoảng 4.500m kè biển và đang tiếp tục xây dựng các tuyến kè quan trọng cụ thể như: Kè chống sạt lở, bồi lấp cửa biển Đà Diễn; Kè chống xói lở ven bờ biển khu vực xóm Rớ phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa; đường Nam cầu Hùng Vương đến Khu Công nghiệp Hòa Hiệp I…

Tuy nhiên, việc xây dựng các công trình bờ kè vùng sạt lở, triều cường chưa phải là phương pháp tối ưu, vì cần kinh phí lớn và không thể làm bờ kè theo kịp tình hình sạt lở như hiện nay. Các giải pháp xây dựng đê kè nói chung cần được thực hiện dựa trên các nghiên cứu khoa học, tính toán có cơ sở. Những nơi thật cần thiết phải bảo vệ về kinh tế, dân sinh mới làm kè; những nơi khác tìm, những giải pháp phi công trình và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nếu cả giải pháp công trình và phi công trình không mang lại hiệu quả lâu dài, phải chấp nhận di dân để đảm bảo dòng chảy thuận theo hình thái tự nhiên.

Định hướng và đề xuất các giải pháp quy hoạch nhằm phát triển du lịch bền vững cho giai đoạn 2021-2035, tầm nhìn 2050

Đối với tỉnh Phú Yên, để hướng đến phát triển du lịch bền vững cho tương lai, trước hết cần có biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu; giảm thiểu tác hại của thiên tai và biến đổi môi trường để có thể ổn định phát triển hệ thống hạ tầng kĩ thuật và kinh tế – du lịch.

Như vậy, cần chia ra hai định hướng chính là định hướng vĩ mô trên tổng thể quy hoạch tỉnh (mô hình hóa TP nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu) và định hướng vi mô (các đề xuất cụ thể về giải pháp quy hoạch giao thông, hạ tầng cũng như du lịch).

Palm Beach Hotel – Phú Yên

1. Định hướng vĩ mô: Mô hình TP nhằm thích ứng biến đổi khí hậu

Có thể nói, các giải pháp hiện nay đang triển khai tại tỉnh bước đầu đã đạt được hiệu quả, tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của hiện tương nóng lên toàn cầu và những hệ quả khó lường của chúng trong tương lai, về lâu dài, các giải pháp nhằm chống lại và chế ngự thiên nhiên sẽ không còn phù hợp.

Thay vào đó, cần những tư duy khác đi và có cái nhìn cởi mở và tích cực hơn đối với vấn đề biến đổi khí hậu. Chúng tôi đưa tới quan điểm về thiết kế quy hoạch: Phát triển bền vững, tuân thủ pháp luật và phục vụ người dân, bao gồm:

  • Quy hoạch xây dựng dựa trên quy hoạch tích hợp nhằm phát huy tiềm năng tự nhiên – xã hội của Phú Yên và thích ứng biến đổi khí hậu;
  • Khai thác hợp lý, các giải pháp quản lý sử dụng nguồn nước ngọt và bảo vệ vùng đất ven bờ, cửa biển, cửa sông;
  • Cân nhắc mức độ can thiệp đối với sử dụng đất hiện trạng, tránh tác động tiêu cực đối với các vùng nhạy cảm của địa phương;

Từ những bài học về quy hoạch biển trên thế giới, chúng tôi đề ra một số nguyên tắc định hướng quy hoạch biển ứng phó với biến đổi khí hậu như sau:

  • Quy hoạch “đô thị biển” theo quan hệ Cộng sinh;
    • Quy hoạch đô thị sinh thái (Ecocity), giảm tác nhân gây biến đổi khí hậu. Khu đô thị sinh thái Confluence tại Lyon, Pháp là một ví dụ điển hình với 60% diện tích đô thị là không gian xanh và không gian công cộng. Giải pháp thiết kế nhà thông minh đã giúp các công trình đều tiết kiệm 50% năng lượng so với tiêu chuẩn thiết kế hiện hành.
    • Mô hình Smart city: Ứng dụng thành tựu cách mạng công nghệ 4.0 trong quản lý và vận hành đô. Ví dụ điển hình kể đến là dự án đô thị sinh thái thông minh Fujisawa tỉnh Kanagawa, Nhật Bản do tập đoàn Panasonic và một số công ty khác xây dựng với khoảng 1.000 nhà ở trang bị thiết bị thông minh nhằm sử dụng năng lượng hiệu quả với mục tiêu cắt giảm 70% lượng phát thải carbon và 30% lượng cấp nước.

2. Các định hướng đề xuất vi mô và các giải pháp cụ thể

Nhằm tận dụng các lợi thế cũng như khắc phục các hạn chế mà tỉnh Phú Yên đang gặp phải, cần phải có các định hướng rõ ràng cụ thể để phát triển ngành du lịch địa phương, đủ sức cạnh tranh với các tỉnh, thành phố có du lịch phát triển như Nha Trang, Đà Nẵng.

a) Định hướng phát triển tổ hợp nghỉ dưỡng cao cấp

Với bờ biển dài lý tưởng làm bãi tắm và khu nghỉ dưỡng, quỹ đất này được định hướng quy hoạch quỹ đất này để xây dựng đô thị nghỉ dưỡng cao cấp, kết hợp các loại hình du lịch thể thao biển. Trong tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng cao cấp sẽ bao gồm đa dạng các chức năng như: Khu khách sạn (4,5 sao); Khu nghỉ dưỡng; Trung tâm hội nghị Quốc tế; Sân golf links 18 lỗ; Trung tâm thương mại bên bờ biển…Việc xây dựng tổ hợp du lịch không chỉ mang lại nhiều lượt du khách đến cho tỉnh mà còn tăng thời gian lưu trú của du khách tại đây.

Mục tiêu đề ra trước tiên là cần đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; xây dựng một số sản phẩm du lịch mang đặc trưng của Phú Yên. Tập trung phát triển du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch thể thao, du lịch cộng đồng, lấy du lịch sinh thái, du lịch biển đảo làm mũi nhọn; kết hợp hình thành và phát triển một số loại hình du lịch chuyên đề; phát triển sản phẩm du lịch theo hướng xanh, sạch, bền vững và chất lượng; kêu gọi các dự án đầu tư sản phẩm du lịch cao cấp (du lịch tàu biển, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, vui chơi có thưởng,…); phát triển các loại hình du lịch thể thao trên biển, trên cát,…; thu hút đầu tư sân golf và đầu tư các dịch vụ du lịch ban đêm (kinh tế đêm).

Đã có nhiều TP thành công khi áp dụng mô hình này, đơn cử như Bãi biển Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Sầm Sơn những năm 2014 là một thị xã nhỏ, nhà nhà người người làm du lịch nhưng theo hướng manh mún, trái ngược hẳn với sự khang trang hiện giờ. Khi dự án FLC Sam Son Beach & Golf Resort (FLC Sầm Sơn) đi vào hoạt động, kiến trúc biệt thự, khách sạn độc đáo cùng những tiện ích hiện đại của FLC vào thời điểm ra mắt nhanh chóng lọt vào tầm ngắm của hàng triệu du khách. Việc xuất hiện của FLC đã kéo theo hàng loạt dự án bất động sản du lịch, các khách sạn cao cấp mọc lên, biến biển Sầm Sơn trở thành một đại đô thị biển theo hướng hiện đại và văn minh. Năm 2015 thành phố đón hơn 3 triệu lượt khách và chỉ sau 4 năm, năm 2019, đô thị trọng điểm của du lịch Thanh Hóa đón được 4,95 triệu lượt khách, doanh thu đạt 4.600 tỷ đồng, tăng 25,68% so với cùng kỳ, tăng 2,22% so với kế hoạch năm. [14]

b) Định hướng các loại hình tour du lịch

Các tour du lịch được xác định loại hình dựa theo bối cảnh và cơ sở nền tảng:

  • Tour du lịch nghỉ dưỡng chữa bệnh: Đối tượng hướng đến ở đây là những du khách cao tuổi hoặc những du khách có vấn đề về sức khỏe. Tại Phú Yên, phía những cao nguyên, trên những nơi cao có những nguồn suối nước nóng như Phú Sen, Lạc Sanh, Trà Ô, Triêm Đức thích hợp đối với những du khách cần một nơi có thể nghỉ dưỡng cũng như cải thiện sức khỏe bản thân. Trong tour du lịch này, du khách có thể trải nghiệm nghỉ dưỡng tại khách sạn 5* và các tiện ích đi kèm của nó như spa, bể bơi, khu tập gym, … thuộc khách sạn.
  • Tour du lịch trải nghiệm: Du khách được khám phá hệ sinh thái biển và ven biển khá độc đáo của Phú Yên. Dọc bờ biển của tỉnh Phú Yên có đến hàng chục bãi tắm thơ mộng trên bờ cát trắng. Phú Yên còn có những gành đá nổi tiếng như: Gành Đá Đĩa, gành Đỏ, gành Dưa, gành Yến và nhiều đảo nhỏ ven bờ như: Nhất Tự Sơn, hòn lao Mái Nhà, hòn Chùa, hòn Than, hòn Yến, hòn Dứa, hòn Nưa. Dưới biển là những rạn san hô đẹp, thích hợp với du lịch lặn biển và nhiều loại đặc sản biển sẵn sàng phục vụ nhu cầu ẩm thực trong những chuyến hành trình của du khách;
  • Tour du lịch khám phá lịch sử, văn hóa: Bên cạnh những tài nguyên du lịch tự nhiên, Phú Yên còn là một vùng đất có bề dày lịch sử và chiều sâu văn hoá. Một số di tích, địa danh đã gắn liền với tên tuổi của các danh nhân lịch sử: Đá Bia gắn với truyền thuyết về hành trình mở cõi về phương Nam của vua Lê Thánh Tông; Đền thờ Lương Văn Chánh, vị khai quốc công thần của Phú Yên; Đền thờ chí sỹ yêu nước Lê Thành Phương; Thành An Thổ, nơi sinh đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Núi Chóp Chài, nơi quân và dân Phú Yên giải thoát Luật sư – Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ. Nét đặc sắc của văn hoá Phú Yên là sự đan xen, giao thoa và hòa hợp của nền văn hóa Việt – Chăm với Tháp Nhạn, Thành Hồ cổ kính.

c) Ứng dụng công nghệ 4.0

Vào phát triển tour du lịch: Ngành Du lịch Phú Yên cần tập trung đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, du lịch thông minh như một giải pháp cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

  • Xây dựng các phần mềm hỗ trợ du khách như phát triển ứng dụng thông minh Chatbot (Đà Nẵng cùng với Singapore là những nơi triển khai ứng dụng đầu tiên ở Đông Nam Á). Đây là một nền tảng tin nhắn tự động cho phép người dùng đặt câu hỏi tra cứu về dữ liệu du lịch ở bất cứ nơi đâu, tại bất cứ thời gian nào. Người sử dụng có thể tra cứu tên khách sạn, nhà hàng, món ăn mà họ muốn tìm. Chatbot tự động đưa ra những thông tin hữu ích. Ứng dụng sẽ hoàn toàn miễn phí, được tích hợp ngay trên nền tảng mạng xã hội Facebook;
  • Bên cạnh đó, có thể quảng bá về du lịch Phú Yên qua các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram, đây đều là các ứng dụng được đông đảo người sử dụng, dộ phổ biến cao, chi phí thấp. đổi mới công tác quảng bá xúc tiến du lịch theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả; phát huy hiệu quả công tác quảng bá trên các phương tiện thông tin truyền thông, mạng xã hội, website, quảng bá trực quan, các ấn phẩm du lịch; đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, TP trong cả nước, nhất là Hà Nội, TP HCM, các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nam bộ và Tây Nguyên; liên kết các ngành, lĩnh vực như hàng không, thương mại, thông tin truyền thông để xúc tiến, quảng bá du lịch.

Thay lời kết

Dựa trên bối cảnh hiện trạng của tỉnh Phú Yên và chủ trương phát triển du lịch của Chính phủ, tỉnh Phú Yên cần được định hướng trên những tiêu chí về ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường để phát triển quy hoạch biển. Tóm lại, chỉ cần nắm bắt và kiếm soát được các hạn chế, Phú Yên hoàn toàn có tiềm năng trở thành TP du lịch trung tâm tích hợp công nghệ cao trong tương lai, đón đầu xu hướng phát triển mới và tạo bước nhảy vọt về kinh tế-du lịch để sánh vai với các thành phố hàng đầu Việt Nam và trong khu vực Đông Nam Á.

TS.KTS Nguyễn Việt Huy
Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Đại học Xây Dựng


Tài liệu tham khảo
1. Đỗ Thị Trinh: Tổng quan về quy hoạch không gian biển. Trung tâm dữ liệu thông tin biển và hải đảo (2016).
2. Xuân Hướng (2018), Phú Yên: Chưa tạo được sức hút du lịch, https://bao/moi.com/phuyen-chua-tao-duoc-suc-hut-du-lich/
3. Trình Kế (2016), Phú Yên khai thác tiềm năng phát triển du lịch
4. UBND tỉnh Phú Yên – Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Phú Yên (2012), Báo cáo tổng hợp Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Phú Yên giai đoạn năm 2020, tầm nhìn 2025.
5. T.S Nguyễn Trọng Phượng: Môi trường đô thị – NXB Xây dựng (2008)
6. Đ.K.Hà: Smart city: Thành phố thông minh là gì? – Trang thông tin Đổi mới sáng tạo (2017)
7. ThS. Lê Thị Bình: Phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa thành ngành kinh tế mũi nhọn. Báo Tài Chính (2019)

The post Đánh thức tiềm năng du lịch biển Phú Yên: phát triển bền vững gắn với bản sắc địa phương appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/gsEjb6w
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét