Khi Nhà nước Việt Nam DCCH còn non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành sự quan tâm cho ngành kiến trúc; với lá thư đề ngày 27/4/1948 gửi tới Hội nghị Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam diễn ra tại Vĩnh Yên (nay là Vĩnh Phúc) và đến ngày 27/4/2011 Chính phủ chọn là Ngày kiến trúc Việt Nam.
Trong những ngày tháng 4 lễ hội, cùng với Liên hoan Festival sinh viên Kiến trúc toàn quốc lần thứ VIII do Hội KTS Việt Nam và Trường Đại học Xây dựng miền Trung đồng tổ chức (20- 24/4) tại TP Tuy Hoà, Những người làm nghề kiến trúc gặp nhau ôn lại những niềm vui, nỗi buồn trong công việc, nhắc lại để hiểu và yêu nghề hơn, mang lại cho cuộc sống tươi đẹp hơn.
Kiến trúc sư và nghề
Kiến trúc phản ánh thời đại sản sinh ra nó, là nhân chứng của lịch sử, song hành cùng với đời sống của con người; kiến trúc là một nghề cùng một lúc với hai yếu tố: Cái đẹp của nghệ thuật và sự tinh tế của khoa học, kỹ thuật.
Sau ngày thống nhất đất nước (1975) cả tỉnh Phú Khánh (Phú Yên và Khánh Hòa) chỉ có 12 KTS, đến hôm nay tỉnh Phú Yên có trên 60 KTS; các KTS làm việc tại các cơ quan quản lý Nhà nước, trường Đại học Xây dựng Miền Trung (hơn 20 KTS) và đa số KTS cầm bút tại các Công ty tư vấn thiết kế, nhiều KTS có học hàm là tiến sỹ, thạc sỹ – Đây là vốn quý mà nhiều địa phương khác không có được.
Hoạt động của KTS được điều chỉnh bởi: Luật quy hoạch, luật kiến trúc và các bộ luật khác liên quan; các KTS ngoài công tác ở cơ quan còn là hội viên, Hội KTS Phú Yên. Hội KTS là tổ chức nghề nghiệp, là thành viên của Hội Văn Hóa Nghệ Thuật (trong Hội Văn Hóa Nghệ Thuật có chi hội kiến trúc), Hội KHKT tỉnh và là thành viên hội KTS Việt Nam. Ban chấp hành Hội KTS Phú Yên nhiệm kỳ này có 5 người, do KTS Phan Thanh Liêm, Giám đốc Công ty tư vấn CDAC làm Chủ tịch.
Hội KTS Phú yên là thành viên tích cực của: Hội đồng cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế kiến trúc, quy hoạch; thành viên hội đồng thi tuyển các đồ án quy hoạch, kiến trúc; thành viên phản biện các dự án đầu tư. Các KTS còn tham gia viết bài cho Tạp chí trí thức, Tạp chí văn nghệ và Báo Phú Yên trong lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch, xây dựng đô thị và nông thôn của tỉnh nhà.
KTS khác với họa sỹ bởi lẽ một họa sỹ trong cuộc sống cứ thoải mái vẽ với nhiều thể loại, nhiều chất liệu… khi cần bán cho khách hàng hoặc biếu tặng bạn bè, không thì cứ để vào kho của mình. Nhưng KTS là phải có người thuê mới vẽ, vẽ rồi phải được đồng ý của ông chủ, phải được xét duyệt, cấp phép xây dựng và phải giám sát tác giả trong suốt thời gian thi công xây dựng – không có một KTS nào tự ngồi vẽ ra công trình theo ý thích của mình để mà ngắm chơi.
Thực trạng và tâm thế mới
Trước ngày tái lập tỉnh (1989), Phú Yên chỉ có 1 thị xã và có 6 thị trấn huyện lỵ; hiện nay có 1 thành phố, có 2 thị xã, có 6 thị trấn huyện lỵ và rất nhiều các thị tứ tiểu vùng, các khu công nghiệp. Các đô thị đã được quy hoạch, diện mạo từ đô thị đến nông thôn, từ hạ tầng kỹ thuật đến không gian cảnh quan kiến trúc có sự đổi mới; trong sự phát triển chung đó, có đóng góp không nhỏ của đội ngũ KTS, là những người đi trước, đưa ra ý tưởng, tạo dựng nên các phối cảnh và được xã hội ghi nhận.
Nền kinh tế thị trường, nghề kiến trúc cũng như bao ngành nghề khác, xã hội có quyền lựa chọn những sản phẩm tốt; các đơn vị tư vấn cũng như các KTS phải không ngừng đổi mới, học tập nâng cao nghiệp vụ chuyên môn và đạo đức nghề; xây dựng cho mình một “thương hiệu” để cạnh tranh với các đơn vị tư vấn khác.
Một đồ án quy hoạch hay, một công trình kiến trúc tốt, khi trở thành hiện thực, đem lại nét đẹp cho đời, đồng thời là viên gạch hồng xây dựng “thương hiệu” cho KTS và đơn vị thiết kế. Mỗi nét vẽ của KTS là hệ trọng vì nó liên quan tới tiền bạc, sức lao động của xã hội; chẳng may sai lầm thì khó mà bỏ qua được, nó cứ phơi bày trước không gian và thời gian, làm cho môi trường tự nhiên và xã hội xấu đi, là KTS không ai muốn như vậy.
Qua các lần tổ chức thi tuyển các đồ án quy hoạch, kiến trúc trong tỉnh, các đơn vị tư vấn tỉnh nhà ít tham gia, gần như chịu thua ngay trên sân nhà, đây là vấn đề cần được xem xét ở hai mặt: Phải chăng là do khả năng về chuyên môn, hay “bụt chùa nhà không thiêng”. Tại Hội nghị tuyển chọn các nhà thầu tư vấn quy hoạch tỉnh Phú Yên ngày 3/10/2020 đồng chí Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đại Dương từng nói: “Không ai hiểu Phú Yên hơn và cũng không ai quy hoạch Phú Yên tốt hơn người Phú Yên” (báo Phú Yên ngày 4/10/2020)
Nhớ lại trước năm 1996 mỗi tỉnh thành chỉ có một Viện Thiết kế chuyên ngành, còn hiện nay có rất nhiều các công ty tư vấn thiết kế. Nhiều nhưng không mạnh vì lực lượng KTS bị phân tán, nghề kiến trúc là phải làm việc theo nhóm, có sự hỗ trợ, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.
Đi vào các đô thị hôm nay, trong “thùng gạo trắng” ta vẫn thấy xen lẫn những “hạt sạn”; có đồ án quy hoạch ở miền núi mà vẽ như ở đồng bằng; công trình kiến trúc thì gờ chỉ, vay mượn kiến trúc cổ; quy hoạch công viên thì diện tích bê tông và lát đá nhiều hơn diện tích đất trồng cây xanh…khi xây dựng xong cộng đồng phê phán đặt câu hỏi: KTS nào thiết kế? KTS là ai!
Tư vấn là phải giỏi về chuyên môn, tinh thông về luật pháp xây dựng, với vai trò là chủ nhiệm công trình, được luật pháp quy định là người có trách nhiệm cao nhất từ khi phác thảo ý tưởng, đến thiết kế kỹ thuật, rồi xét duyệt hồ sơ, giám sát tác giả; nếu tốt thì KTS được khen, xấu thì phải nhận; không nên né tránh đứa con mình sinh ra.
Tất cả chúng ta chỉ vì làm sao cho quê hương Phú Yên đẹp giàu, cuộc sống ngày hôm nay đang được nâng lên một tầm cao mới; đáng tự hào hơn không chỉ còn là cơm ăn, áo mặc, chốn ở mà là cơm ngon, mặc đẹp, ở nhà sang trong một môi trường sống tốt..
KTS Hoàng Xuân Thưởng
Hội KTS Phú Yên
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 04-2022)
The post Kiến trúc sư Phú Yên vì sự nghiệp xây dựng quê hương appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/nd3s8GM
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét