Thứ Tư, 8 tháng 6, 2022

Đô thị học cảnh quan: Năm chiến lược cho một tương lai thích ứng của Phú Yên

Trong bài viết này, năm chiến lược cho một tương lai thích ứng của tỉnh Phú Yên được xây dựng từ cách tiếp cận cảnh quan đô thị. Trước khi tập trung vào tỉnh Phú Yên, điều quan trọng mà chúng tôi muốn đề cập là việc đặt tương lai này ở góc nhìn rộng hơn trên một quy mô toàn cầu. Trái đất chỉ là một hành tinh nhỏ trong vũ trụ và có mức chịu đựng giới hạn dưới tác động của con người. Trong những thập kỷ gần đây, ảnh hưởng từ tác động của con người lên Trái đất và biến đổi khí hậu (BĐKH) đã được quan tâm trên toàn thế giới. Có thể thấy sự can thiệp của con người chiếm gần đến 70% bề mặt Trái đất với những tác động lớn đến sinh thái và đa dạng sinh học. Các nhà khoa học khí hậu đã tính toán giới hạn mức độ tác động của con người lên Trái đất là 70% và chúng ta gần như đã đạt tới giới hạn này. Chúng ta chỉ có một hành tinh, vì vậy việc quan trọng là đưa ra những chiến lược mới toàn cầu. Tỉnh Phú Yên cũng vậy – Cần những chiến lược để thích ứng với BĐKH, thiên tai và suy giảm đa dạng sinh học.

Toàn cảnh TP nhìn từ Tháp Nhạn – Phú Yên

Cảnh quan đô thị có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng một tương lai bền vững, thích ứng của Phú Yên. Trong suốt chiều dài lịch sử con người luôn cố gắng trồng trọt và kiểm soát cảnh quan thiên nhiên, một cách tiếp cận hệ thống cảnh quan mới dựa vào tự nhiên có thể cung cấp những giải pháp thích ứng với các thách thức BĐKH. Khu vườn trong lãnh địa hoàng gia Versailles là một ví dụ lịch sử về việc kiểm soát tự nhiên của con người; ngày nay, đập thủy điện trên sông Ba Hạ là một ví dụ về sự can thiệp của con người vào hệ thống sông ngòi và cảnh quan.

Những thách thức của Phú Yên

Như những nơi khác trên thế giới, đang phải đối mặt với những thách thức lớn về khí hậu, Phú Yên có một số thách thức cụ thể – Đó là những đặc trưng về cảnh quan của Phú Yên, bao gồm núi rừng, thung lũng xanh, sông ngòi, thung lũng nông nghiệp, cảnh quan bờ biển và cảnh quan đô thị, nông thôn. Các thành phần cảnh quan này là những vấn đề cụ thể mà chúng tôi muốn đề xuất giải pháp, chính phủ cũng đã thực hiện một số giải pháp để giải quyết những vấn đề này:

  • Nạn phá rừng và tình trạng khô hạn rừng tự nhiên;
  • Những dòng sông bị hạn hán kéo dài do hạn hán khắc nhiệt với nguy cơ hỏa hoạn;
  • Khan hiếm nước cho nông nghiệp trên những cánh đồng do nắng nóng và hạn hán khắc nghiệt;
  • Mực nước biển dâng cao và nhiều cơn bão lớn tác động đến cảnh quan ven biển;
  • Đô thị hóa nhanh với những thách thức khí hậu.

Những tiềm năng cảnh quan của Phú Yên

Bên cạnh những thách thức, tỉnh Phú Yên cũng sở hữu những tiềm năng cảnh quan có thể trở thành những giải pháp tự nhiên riêng biệt cho các thách thức này.

  • Cảnh quan những khu rừng tự nhiên tuyệt đẹp trên đồi núi Phú Yên;
  • Cảnh quan nông nghiệp với những cánh đồng lúa, những rặng dừa trong thung lũng và cảnh quan nuôi trồng thủy sản dọc theo bờ biển;
  • Cảnh quan sông suối với những thác nước đẹp;
  • Cảnh quan bờ biển còn nhiều hoang sơ;
  • Cảnh quan đô thị của Tuy Hòa và một số thị trấn của tỉnh giàu văn hóa lịch sử.

Năm chiến lược cảnh quan

Từ việc phân tích những cơ hội và thách thức, tỉnh Phú Yên có thể hình thành một hệ thống năm loại hình cảnh quan điển hình tương ứng với năm chiến lược cảnh quan bền vững để phát triển: Lâm nghiệp thông minh, Nông nghiệp thích ứng, phục hồi sông ngòi, bảo bệ bờ biển và đô thị xanh.

  1. Trồng rừng thông minh: Một chiến lược nhằm gia tăng lợi ích từ rừng và ngành lâm nghiệp, bằng cách tạo ra sự gắn kết các nhu cầu khác liên quan với rừng. Chính sách xây dựng và quản lý rừng bền vững có tầm quan trọng lớn, đồng thời có lợi cho du lịch sinh thái. (Một ví dụ nổi bật về điều này là chính sách bảo vệ rừng ở biên giới Quốc gia Haiti và Cộng hòa Dominican, nơi mà trước đây bị tàn phá nghiêm trọng bởi một chính sách quản lý rừng thất bại). Tỉnh Phú Yên có rừng tự nhiên giảm đáng kể và rừng sản xuất tăng trong giai đoạn năm 2010-2020. Thoạt nhìn, rừng sản xuất có vẻ giống rừng nguyên sinh, nhưng sự đa dạng sinh học lại thấp hơn rất nhiều, rừng sản xuất gây ra sạt lở đất và thiếu sự đa dạng sinh học. Đây là trường hợp của rừng keo, phá rừng trồng keo gây ra sự phá hủy đa dạng sinh học. Trong tương lai, có thể thực hiện theo hai hướng tiếp cận: Trồng lại rừng tự nhiên và cải thiện khả năng tái sinh cho rừng sản xuất. Đối với rừng sản xuất, điều này có thể thực hiện bằng cách trồng nhiều loại cây khác nhau và sau đó thu hoạch lần lượt để thảm thực vật luôn phong phú đa dạng sau mỗi lần thu hoạch rừng sản xuất. Việc quản lý này đảm bảo chất lượng không khí tốt hơn, đa dạng sinh học cao hơn và một hệ sinh thái tốt hơn cho con người, động vật và ngành lâm nghiệp. Dự án Metro-Forest ở Thái Lan là một ví dụ tuyệt vời cho thấy năng lượng của thiên nhiên và rừng tự nhiên có thể phát triển nhanh như thế nào.
  2. Làm nông nghiệp thích ứng: Chiến lược chuyển đổi và định hướng lại sự phát triển nông nghiệp trước những thực tế mới của BĐKH. Việc thâm canh nông nghiệp cần phải được thực hiện một cách hợp lý và cân nhắc đến cảnh quan, một ví dụ nổi bật về nền nông nghiệp thâm canh là cảnh quan nông nghiệp ở Almeria, nơi có quá nhiều nhà kính và không còn chỗ cho sự phát triển đa dạng sinh học. Cảnh quan nông nghiệp rộng lớn ở Phú Yên có thể phát triển thông minh và thích ứng với khí hậu. Nông nghiệp thông minh không chỉ phát triển khoa học kỹ thuật mà còn sử dụng giống cây trồng một cách thông minh hơn. Bằng cách kết hợp đa dạng cây trồng, chọn những loại cây có khả năng thích ứng tốt hơn, người nông dân có thể tăng năng suất và ứng phó tốt hơn với những BĐKH. Nông nghiệp thuận tự nhiên là kỹ thuật nông nghiệp đa dạng sinh học hơn, vì vậy có thể giữ đất và chống sạt lở. Những vườn dừa điển hình ở Phú Yên cũng có thể đạt năng suất cao hơn bằng cách trồng xen canh nhiều loại cây trồng dưới tán. Ngay cả những cánh đồng lúa cũng có thể xen canh, có thể trồng kết hợp những loại cây làm cho nông nghiệp bền vững hơn và cải thiện thu nhập cho nông dân. Cuối cùng, các kỹ thuật sáng tạo sẽ mang đến cơ hội kết hợp nông nghiệp thông minh với du lịch ẩm thực, như một ví dụ về dự án cánh đồng Coro Thái Lan
  3. Khôi phục sông ngòi: Chiến lược quản lý sông ngòi để khôi phục tự nhiên và đa dạng sinh học, mang lại lợi ích cho cả con người và thiên nhiên. Một ví dụ như đập Hoover ở Mỹ cho thấy rất rõ vấn đề hạn hán đang gia tăng trên toàn cầu. Hệ thống sông ngòi ở tỉnh Phú Yên có thể thích ứng hơn với sự gia tăng của hạn hán và lũ lụt, dành đủ không gian, không đắp đê ngăn dòng để những dòng sông có thể thích ứng với hạn hán, tăng đa dạng sinh học và có thể giữ nước tốt hơn trong mùa khô. Một ví dụ hay về việc khôi phục dòng sông Aire ở Geneva, Thụy Sỹ – Dòng kênh đã được cải tạo trở nên tự nhiên hơn bằng sự can thiệp của cảnh quan, nơi đây các nhà thiết kế cảnh quan đã để dòng sông vận hành một cách tự nhiên. Điều này đưa đến một dòng sông đa dạng sinh học, giữ nước tốt hơn cho những vùng đất nông nghiệp xung quanh và ứng phó tốt hơn với BĐKH.
  4. Bảo vệ bờ biển: Chiến lược bảo vệ tự nhiên, phục hồi môi trường sống là một giải pháp thích ứng linh hoạt. Hình ảnh những con sóng lớn đập vào bức tường chắn bảo vệ ở đảo Palms cho thấy ảnh hưởng của mực nước biển dâng cao, sức mạnh của sóng biển và những cơn bão ngày càng khắc nhiệt hơn. Tỉnh Phú Yên cũng rất dễ gặp vấn đề tương tự do ở vị trí ven biển, bao gồm một số thách thức với hoạt động nuôi trồng thùy sản ven biển. Vì vậy, việc bảo vệ bờ biển thực sự quan trọng, không được xây dựng trong khu vực khí hậu nhạy cảm và cần thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ bờ biển. Muốn vậy, chúng ta phải tìm cách gia tăng giá trị cho người dân ven biển. Một ví dụ điển hình là dự án thí điểm bảo vệ bờ biển ở Bangladesh, nơi các công trình được xây dựng dựa trên tự nhiên bảo vệ bờ biển khỏi sóng lớn, đồng thời hình thành rạn hàu để nuôi trồng thủy sản. Đây là biện pháp ứng phó với BĐKH kết hợp với lợi ích nuôi trồng thủy sản của địa phương. Tương tự, việc khôi phục và bảo vệ bờ biển Quinhuangdao chứng minh rằng các vấn đề như xói mòn, suy giảm cây xanh, ô nhiễm… có thể được giải quyết bằng cảnh quan sinh thái. Dải cây xanh mới không chỉ bảo vệ tốt hơn, mà còn mang lại hoạt động du lịch sinh thái như một lợi ích kinh tế bổ sung.
  5. Xanh hóa đô thị: Một chiến lược xanh cho các khu vực đô thị sẽ mang lại sự bền vững lâu dài trên mọi phương diện. Dân số ngày càng tăng cùng với BĐKH đòi hỏi sự phát triển bền vững của các TP và thị xã. Bằng cách sử dụng đất hiệu quả và tập trung các chức năng như công viên cây xanh, tiện ích công cộng có thể tránh được một đô thị dàn trải như TP Mexico. TP Tuy Hòa và các thị xã khác của tỉnh cần phải phát triển bền vững trong tương lai trở thành các đô thị xanh – Điều này không chỉ vì lý do thẩm mỹ mà còn để thích ứng với BĐKH, chống lại hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, ứng phó tốt hơn với điều kiện thời tiết khắc nhiệt và xây dựng một môi trường đáng sống. Do đó, các TP và thị xã cần xây dựng một mạng lưới xanh, có khả năng chống chịu trên quy mô lớn. Chiến lược xanh hóa TP Nha Trang là một ví dụ điển hình cho điều này. Ở một quy mô nhỏ hơn, những con đường xanh ở Đà Nẵng, mảng xanh có thể hấp thu nước từ đường phố và quãng trường tốt hơn, thấm nước tốt hơn, mát mẻ hơn và thu hút hơn cho những không gian công cộng. Mương sinh học, một ví dụ ở Úc, làm cho đô thị hoạt động như “một miếng bọt biển” có thể hấp thu nước khi mưa lớn và dự trữ nước cho mùa khô. Dự án chống ngập ở huyện Đông An là một ví dụ về việc xanh hóa đô thị đồng thời thích ứng với khí hậu. Bằng cách biến khu vực bị ngập trở thành một công viên không chỉ tạo ra một môi trường sống thu hút hơn mà còn giải quyết được vấn đề khí hậu. Những giải pháp mang lại lợi ích cho đôi bên rất quan trọng để làm cho TP của chúng ta thích ứng hơn.
Cảnh quan sông suối tự nhiên Đập Hàn

Tương lai tươi sáng của Phú Yên

Tương lai tươi sáng của Phú Yên được chúng tôi hình dung là: Cách tiếp cận đô thị từ cảnh quan sinh thái sẽ mở ra những tiềm năng mới, hướng đến một tương lai thích ứng. Bằng cách định hình tỉnh Phú Yên như một hệ thống cảnh quan, đồng thời đề xuất và áp dụng các chiến lược đô thị học cảnh quan, có thể ứng phó tốt hơn với BĐKH. Về lâu dài điều này sẽ tạo điều kiện cho tỉnh thu hút và đáng sống hơn về dân cư, du lịch, công nghiệp… và góp phần giảm chi phí vì thiệt hại thiên tai do BĐKH.

Như đã trình bày trong phần giới thiệu, chúng ta cần đặt mình vào một góc nhìn rộng hơn trước khi đề xuất giải pháp cho Phú Yên. Trái đất chỉ là một chấm nhỏ trong vũ trụ và nó có giới hạn cho các tác động sinh thái. Hiểu rõ hơn những tác động của BĐKH, các vấn đề của khí hậu có thể được dự đoán tốt hơn – Khởi nguồn hành động nhỏ, chinh phục thành tựu lớn.

KTS Steven Petit
Giám đốc sáng tạo Công ty Omgeving, Bỉ
Giám đốc Omgeving Việt Nam
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 04-2022)

The post Đô thị học cảnh quan: Năm chiến lược cho một tương lai thích ứng của Phú Yên appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/HRXxVbd
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét