Mảnh đất cũng như cái tên “Phú Yên” có lịch sử hơn 400 năm, với ước vọng về một mảnh đất trù phú, thanh bình. Trên thực tế, Phú Yên cũng được “trời phú” cho sự yên bình bởi lối sống, con người, cảnh vật nơi đây.
Trong những năm gần đây, tỉnh Phú Yên có lợi thế phát triển đặc biệt bởi những chủ trương phát triển mang tính đột phá của chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, là sự “chú ý” của các nhà đầu tư, trong bối cảnh các thị trường lân cận đang trở nên bão hòa. Vùng ven biển Phú Yên là không gian chính nhận được sự quan tâm và cũng là không gian có nhiều lợi thế và tiềm năng của tỉnh.
Bối cảnh liên vùng
Nằm trong không gian vùng liên tỉnh có nền kinh tế phát triển năng động và đa dạng.
Trong không gian liên vùng tỉnh, vùng ven biển Phú Yên có mối quan hệ trực tiếp với ba vùng động lực chính:
- Phía Nam, tiếp giáp với Khánh Hòa, là tỉnh đã được khẳng định về vị thế, có tiền đề và tham vọng rất lớn trong phát triển kinh tế. Các mục tiêu cụ thể mà Khánh Hòa đặt ra là năm 2025 trở thành trung tâm kinh tế biển, trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước; năm 2030 phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, trở thành đô thị trực thuộc Trung ương;
- Phía Bắc tiếp giáp tỉnh Bình Định, địa phương có gia tốc phát triển lớn trong những năm gần đây. Định hướng phát triển tỉnh Bình Định trong những năm tiếp theo dựa vào 05 trụ cột chính: Công nghiệp; du lịch; dịch vụ cảng và logistics; phát triển nông – lâm – thủy sản dựa trên công nghệ cao, chuyển từ số lượng sang chất lượng; phát triển kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa.
- Phía Tây liên kết với Vùng kinh tế Tây Nguyên, kết nối trực tiếp với TP Pleiku (thông qua QL25) thuộc tiểu vùng Bắc Tây Nguyên và TP Buôn Ma Thuột (thông qua QL29) thuộc tiểu vùng Trung Tây Nguyên. Các tiểu vùng này chủ yếu phát triển du lịch sinh thái, cây công nghiệp, công nghiệp chế biến nông lâm sản và phát triển giao lưu thương mại quốc tế với Lào, Campuchia. Vùng Tây Nguyên có định hướng hình thành 10 cửa khẩu, trong đó có 04 cửa khẩu quốc tế; 24 khu công nghiệp (KCN) và 74 cụm công nghiệp (CCN).
Vùng ven biển Phú Yên còn có lợi thế rất lớn do có mối liên hệ trực tiếp với các cực động lực các tỉnh, đặc biệt là theo hướng Bắc Nam. Phía Bắc gồm 02 động lực kinh tế lớn của tỉnh Bình Định là trung tâm TP tỉnh lỵ Quy Nhơn và khu công nghiệp Phú Tài (thông qua QL1A và QL1D). Phía Nam là Vịnh Vân Phong, trong tương lai sẽ trở thành vùng kinh tế trọng điểm, động lực của tỉnh và khu vực Nam Trung bộ.
Nội lực
1. Là vùng phát triển kinh tế chủ lực của tỉnh
- Về định hướng tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh: Vùng ven biển là nơi tập trung 3 không gian phát triển trọng tâm của tỉnh, một trong hai hành lang phát triển kinh tế, tập trung ba cụm ngành chiến lược: Du lịch và dịch vụ; Nông – Hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá; Giao thông vận tải – Dịch vụ hậu cần, dịch vụ logistic.
- Các chỉ số kinh tế có những chỉ số tích cực với tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 đạt 12%/năm, cao hơn mức bình quân toàn tỉnh. Tỷ lệ các ngành nghề dần chuyển dịch sang cơ cấu phi nông nghiệp với ngành công nghiệp xây dựng đạt 31,1%; ngành thương mại dịch vụ đạt 50,3; thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm 5%; ngành nông nghiệp chiếm 13,7%;
- Dân số vùng ven biển chiếm 53% so với toàn tỉnh, trong đó, lực lượng lao động chiếm 68% dân số trong vùng và chiếm 60% lao động toàn tỉnh.
2. Là vùng phát triển đô thị chính
Vùng ven biển chiếm 4/9 đơn vị hành chính của tỉnh. Trong đó, gồm 01 thành phố tỉnh lỵ, 02 thị xã và 01 huyện (dự kiến nâng cấp thành thị xã giai đoạn đến năm 2025). Tỷ lệ đô thị hóa vùng đạt 53,2%; cao hơn mức trung bình toàn tỉnh là 32,7%; và tăng 7,2% so với năm 2019.
3. Là vùng có mạng lưới kết nối và cơ sở hạ tầng phát triển
- Mạng lưới kết nối giao thông trong vùng đa dạng với các thể loại: Đường hàng không, đường sắt, đường thủy, đường bộ, cùng với đó là hệ thống các công trình đầu mối giao thông, tạo sự liên kết thuận lợi.
- Các hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật khác trong vùng được xây dựng với đầy đủ các thành phần, quy mô, cung ứng đầy đủ dịch vụ cho dân cư trong vùng.
Đặc trưng vùng ven biển
Vùng ven biển Phú Yên gồm hai đặc trưng chủ yếu là: Di sản và Cảnh quan tự nhiên
- Về di sản: Vùng ven biển tỉnh Phú Yên có mật độ di sản cao (gồm 15/22 di tích Quốc gia, Quốc gia Đặc biệt; 11 lễ hội tại các địa phương, 08 làng nghề truyền thống), loại hình phong phú (kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh, lịch sử, nghệ thuật, khảo cổ). Các di sản tập trung tại 3 cụm chính: Cụm khu vực từ Nam thị xã (TX) Sông Cầu đến Nam đầm Ô Loan (nhiều di tích vật thể, phi vật thể nhất, loại hình đa dạng); Cụm trung tâm TP Tuy Hòa; Cụm Nam TX Đông Hòa.
- Về cảnh quan tự nhiên: Đa đạng về loại hình, kết hợp với nhau tạo thành các không gian đặc sắc. Cảnh quan biển, đảo: Vịnh Xuân Đài, Vịnh Vũng Rô; khoảng 20 bãi biển đẹp trải dài từ TX Sông Cầu đến TX Đông Hòa; Cù Lao Mái nhà, Hòn Yến, Gành Đèn, Hòn Chùa, Hòn Nưa. Cảnh quan đầm, sông: Đầm Cù Mông, đầm Ô Loan, sông Tam Giang, sông Cái, sông Đồng Nai, sông Đà Rằng, sông Bàn Thạch. Cảnh quan đồi núi, đèo: Núi Thơm, Núi Chóp Chài, Núi Nhạn (TP Tuy Hòa), Núi Đá Bia (TX Đông Hòa)…; đèo Cù Mông, dốc Gành Đỏ, đèo Quán Cau, đèo Cả.
Các hạn chế và thách thức
Với cơ hội và tiềm năng lớn, song vùng ven biển tỉnh Phú Yên vẫn chưa phát huy hết nội lực do một số nguyên nhân:
- Địa hình chia cắt bởi các yếu tố tự nhiên (sông, núi, đầm, vịnh), đặc biệt là khu vực phía Bắc thuộc TX Sông Cầu;
- Chức năng chưa phù hợp: Một số khu vực có cảnh quan ven biển đẹp lại đang khai thác công nghiệp (Sông Cầu), bố trí các công trình hành chính (TP Tuy Hòa) hoặc chưa được chuyển đổi chức năng để thu hút đầu tư, khai thác dịch vụ. Khu công nghiệp lớn hiện vẫn tồn tại trong không gian đô thị (TP Tuy Hòa). Dọc tuyến QL1A chủ yếu vẫn là quỹ đất sản xuất nông nghiệp;
- Phát triển đô thị: Ngoài TP Tuy Hòa là không gian phát triển đô thị tập trung, các khu vực khác mặc dù đã là đô thị, song vẫn phát triển với mô hình dân cư nông thôn, phân tán, rải rác. Hệ thống hạ tầng (đặc biệt là hạ tầng xã hội) chỉ tập trung tại Tuy Hòa, chưa được “phủ sóng” toàn vùng để tạo sự cân bằng;
- Kết nối giao thông tuy đầy đủ về thành phần nhưng chưa có sự hoàn thiện, cân bằng về mạng lưới. Kết nối đối ngoại hiện chủ yếu theo hướng Bắc Nam và bám vào một tuyến QL1A. Kết nối liên vùng theo hướng Đông Tây chỉ tập trung ở phía Nam của vùng. Các kết nối nội vùng còn đứt đoạn và cũng chỉ hoàn thiện ở khu vực TP Tuy Hòa;
- Biến đổi khí hậu trong những năm qua cũng gây những hậu quả tiêu cực. Trong đó, đáng chú ý là những thách thức về nước biển dâng, tình trạng lũ lụt với mật độ, cường độ tăng dần.
Trên cơ sở đó, việc phát triển vùng ven biển tỉnh Phú Yên cần có các giải pháp tổng thể về không gian, các hành động mang tính “chìa khóa”, cởi bỏ các nút thắt, khắc phục hạn chế, giảm thiểu các nguy cơ, đồng thời bảo tồn và phát huy được các giá trị đặc trưng, đặc sắc của vùng.
Các giải pháp cơ bản
1. Định vị vùng ven biển Phú Yên với 03 hình ảnh chính
- Vùng động lực, đầu mối trên các hành lang kinh tế;
- Vùng phát triển hỗn hợp (chiều rộng), đa dạng (chiều sâu);
- Vùng Di sản, Cảnh quan sinh thái và Nhân văn.
2. Đề xuất 04 chiến lược phát triển
Chiến lược 1: Phát triển đô thị – Ổn định, mở rộng không gian định cư, nâng cấp, tái cấu trúc đô thị:
- Ổn định dân cư hiện trạng, nâng cấp cơ sở hạ tầng xã hội, kỹ thuật, quản trị đô thị;
- Mở rộng thêm không gian cho dân cư, đón xu thế gia tăng dân số tự nhiên, cơ học, tạo điều kiện sống tốt cho lực lượng lao động định cư tại địa phương;
- Tái cấu trúc các khu vực đô thị hiện trạng, đặc biệt là không gian ven biển, dọc trục giao thông quốc gia, nút giao thông trọng điểm. Dành không gian cho các hoạt động kinh tế, tạo lợi nhuận cho đô thị và cả vùng;
- Tuy Hòa – TP Trung tâm Vùng;
- Sông Cầu – Trung tâm phân vùng Bắc;
- Tuy An – Trung tâm phân vùng Trung;
- Đông Hòa – Trung tâm phân vùng Nam.
Chiến lược 2: Kết nối – Hoàn thiện, tăng cường các kết nối
Kết nối Liên vùng:
- Nâng cấp mạng lưới kết nối liên vùng (đường bộ, đường sắt, hàng không, đường thủy);
- Hình thành các tuyến giao thông liên vùng, kết nối theo hướng Bắc Nam (đường bộ, đường sắt cao tốc BN) và Đông Tây (đường bộ cao tốc Phú Yên – Tây Nguyên);
- Hoàn thiện các đầu mối giao thông quan trọng, tạo điều kiện lưu thông hành khách, hàng hóa (sân bay, ga đường sắt, cảng biển).
Kết nối Vùng:
- Tăng cường các kết nối Đông Tây tại các khu vực Đông Bắc Sông Cầu, Tuy An, Đông Hòa.
- Hình thành tuyến đường ven biển;
Chiến lược 3: Phát triển Kinh tế – Hình thành các hành lang và cực động lực kinh tế
- Xây dựng hành lang tăng trưởng kinh tế: Dọc 2 tuyến QL1A và tuyến ven biển với các hoạt động kinh tế đa dạng. Trong đó, dọc tuyến QL1A là các hoạt động công nghiệp, thương mại, dịch vụ logistic cấp vùng, liên vùng. Dọc tuyến ven biển là các hoạt động dịch vụ, du lịch;
- Hình thành các cực động lực cấp vùng: Lựa chọn các khu vực có nội lực, tiềm năng thu hút đầu tư để hình thành các điểm kích hoạt kinh tế cho từng phân vùng.
Các cực động lực chính:
- Đông Bắc Sông Cầu: Phát triển Công nghiệp, dịch vụ biển, đầm Cù Mông;
- Vịnh Xuân Đài: Phát triển du lịch cao cấp;
- Xung quanh đầm Ô Loan: Phát triển dịch vụ, du lịch gắn với di sản đầm Ô Loan, gành Đá Đĩa, quần thể Hòn Yến;
- Nam Tuy An – Bắc Tuy Hòa: Phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ đầu mối;
- Đông Hòa: Phát triển công nghiệp, dịch vụ logistic;
- Vịnh Vũng Rô: Phát triển dịch vụ, du lịch gắn với biển, đảo.
Chiến lược 4: Di sản & Cảnh quan tự nhiên – Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản và cảnh quan tự nhiên
- Xác định ranh giới bảo vệ (theo luật di sản) các di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia, Quốc gia đặc biệt, di tích cấp tỉnh;
- Hình thành các không gian dịch vụ thu hút khách du lịch nghỉ dưỡng, tham quan… di sản;
- Duy trì các làng nghề, phát triển sản phẩm phục vụ thương mại và du lịch cộng đồng;
- Duy trì hệ thống cảnh quan tự nhiên đặc sắc trong vùng; Xây dựng các khu vực khai thác giá trị phục vụ du lịch (với tính chất sinh thái, chỉ số sử dụng đất thấp, tránh dàn trải);
3. Định hướng không gian vùng ven biển
- Mô hình phát triển không gian vùng ven biển
Dải ven biển Phú Yên là vùng không gian nhỏ hẹp, có tuyến đường QL1A chạy xuyên suốt từ Bắc xuống Nam, điều kiện địa hình phức tạp, bị chia cắt nhiều và không đồng đều dọc tuyến. Tuyến đường ven biển hình thành trong tương lai, cùng với QL1A, tạo thành hai hành lang tăng trưởng cho vùng.
Lựa chọn mô hình phát triển không gian vùng ven biển Phú Yên dạng chuỗi, đối xứng, đa tâm. Theo đó: Hình thành 02 hành lang phát triển kinh tế, trên đó các cực động lực phân bố phân tán từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây.
-
- Không gian giữa hai hành lang chủ yếu phát triển trung tâm các đô thị;
- Phía Tây hành lang theo Quốc lộ 1A: Phát triển các chức năng công nghiệp, thương mại dịch vụ cấp vùng, liên vùng;
- Phía Đông hành lang theo tuyến ven biển: Phát triển các chức năng dịch vụ, du lịch gắn với di sản và biển, đảo.
- Phân vùng không gian ven biển
Vùng ven biển được phân các vùng, dựa trên 05 tiêu chí, đặc điểm, đặc trưng nổi bật gồm: Địa hình; ranh giới hành chính; điều kiện hiện trạng phát triển đô thị, khu vực tập trung dân cư & hệ thống hạ tầng; mạng lưới, đầu mối kết nối giao thông liên vùng; phân bố di sản và cảnh quan tự nhiên. Theo đó, căn cứ vào ma trận các tiêu chí, vùng ven biển Phú Yên được phân thành 04 vùng với những đặc điểm, đặc trưng nổi bật:
Không gian phân vùng 1: Phân vùng dô thị và dịch vụ (Từ Đèo Cù Mông đến Bắc Vịnh Xuân Đài).
Đặc điểm: Là phân vùng có lợi thế về vị trí (cửa ngõ phía Bắc, tiếp giáp với thành phố Quy Nhơn), có kết nối giao thông thuận lợi (QL1A, 1D, cao tốc Bắc Nam – tương lai), có quỹ đất thuận lợi phát triển và cảnh quan tự nhiên đa dạng.
Định hướng:
-
- Không gian phân vùng 1 phát triển theo mô hình tập trung;
- Toàn bộ vùng đồng bằng Đông Bắc Sông Cầu (thuộc 02 xã Xuân Lộc, Xuân Hải) dành quỹ đất cho phát triển đô thị. Khu vực phát triển đô thị tại phân vùng có vai trò là trung tâm, hình thành các công trình hạ tầng công cộng, kỹ thuật, quản trị cấp đô thị;
- Nguồn lực chính trong phân vùng là các loại hình dịch vụ: Dịch vụ sinh thái, cộng đồng gắn với cảnh quan và giá trị thủy sản đầm Cù Mông, gắn với dải ven biển Xuân Hải; dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp gắn với bãi Tràm (Xuân Cảnh); các hoạt động thể thao mạo hiểm, trải nghiệm, khám phá gắn với hệ thống đồi núi xung quanh. Dọc tuyến QL1A, đặc biệt nút giao QL1A với tuyến đường Xuân Lộc – Xuân Hải hình thành tổ hợp trung tâm thương mại, dịch vụ đầu mối cấp vùng;
- Di chuyển KCN Đông Bắc Sông Cầu (đang ở vị trí ven biển) sang phía Tây, gắn với QL1A, KCN Phú Tài, là nguồn động lực cho giai đoạn ngắn hạn và trung hạn, góp phần nâng cao giá trị thặng dư.
Đặc điểm: Là phân vùng có mật độ di sản lớn, cảnh quan tự nhiên đa dạng, đặc sắc gắn với vùng núi, biển, đảo, sông, đầm. Có hệ thống đô thị trung tâm hỗ trợ phát triển. Kết nối giao thông thuận lợi: QL1A, đường ven biển
Định hướng:
-
- Không gian phân vùng 2 phát triển theo mô hình đa tâm (hạt nhân).
- Các hạt nhân định hướng không gian trong phân vùng được lựa chọn dựa trên các di sản và cảnh quan tự nhiên, gồm:
- Hạt nhân Vịnh Xuân Đài gồm các vệ tinh: Xuân Phú hỗ trợ phát triển đô thị Xuân Yên, Xuân Thành, Xuân Đài, phát triển các dịch vụ công viên văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí, du lịch biển kết hợp tham quan làng nghề; Xuân Phương hỗ trợ phát triển dịch vụ rừng sinh thái, nghỉ dưỡng bán đảo Xuân Phương, các bãi Ôm, bãi Rạng; Xuân Thịnh hỗ trợ phát triển đô thị phường Xuân Thịnh, dịch vụ nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thể thao cao cấp bãi
Từ Nham;
-
- Hạt nhân Thành An Thổ, chùa Từ Quang gồm các vệ tinh: Chí Thạnh, trung tâm tổng hợp cấp vùng; An Dân, An Thạch hỗ trợ phát triển đô thị; Cồn Phú Mỹ phát triển các dịch vụ sinh thái gắn với cảnh quan sông, hình thành công viên di sản xung quanh thành An Thổ, phát triển du lịch cộng đồng gắn với làng nghề Phú Mỹ;
- Hạt nhân Gành Đá Đĩa gồm các vệ tinh: An Ninh Tây hỗ trợ phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ đầu mối gắn với cảng Tiên Châu, Bắc An Ninh Đông hỗ trợ phát triển đô thị, dịch vụ sinh thái gắn với vùng đồi núi, bãi Bàng; dịch vụ du lịch gắn với di tích Quốc gia Đặc biệt;
- Hạt nhân đầm Ô Loan gồm các vệ tinh: An Cư hỗ trợ phát triển đô thị, trung tâm dịch vụ, du lịch Tây Bắc đầm, phát triển dịch vụ ẩm thực, nghỉ dưỡng, trải nghiệm cộng đồng gắn với làng nghề và lễ hội. Nam An Ninh Đông hỗ trợ phát triển đô thị mới, trung tâm dịch vụ, du lịch Đông Bắc đầm, phát triển dịch vụ tổng hợp gắn với giá trị đầm; khu vực Phước Đồng, hỗ trợ phát triển đô thị, dịch vụ du lịch gắn với biển đảo (Cù Lao Mái Nhà); KĐT Nam đầm Ô Loan hỗ trợ phát triển đô thị, trung tâm dịch vụ Tây Nam đầm, hình thành khu vực nghiên cứu, hỗ trợ phát triển thủy sản đầm Ô Loan;
- Hạt nhân quần thể Hòn Yến gồm các vệ tinh: Trung tâm An Hòa Hải hỗ trợ phát triển đô thị; Phú Thường phát triển các dịch vụ nghỉ dưỡng gắn với bãi biển Phú Thường; Nhơn Hội hỗ trợ dịch vụ đô thị cho cư dân hiện trạng, phát triển dịch vụ tham quan, trải nghiệm gắn với rặng san hô tại quần thể Hòn Yến.
Không gian phân vùng 3: Đô thị trung tâm, tổng hợp (Từ Nam đầm Ô Loan đến ranh giới hành chính Tuy Hòa – Đông Hòa).
Đặc điểm: Có Tuy Hòa là đô thị trung tâm. Đầu mối giao thông: (Đường bộ, đường sắt, hàng không). Thế đất đồng bằng, thuận lợi phát triển không gian các hướng.
Định hướng:
- Không gian phân vùng 3 phát triển theo mô hình tập trung;
- Toàn bộ không gian xây dựng đô thị và các cực động lực được định hình bởi bộ khung: Dãy núi Nam đầm Ô Loan ở phía Bắc, sân bay Tuy Hòa (ranh giới hành chính giữa Tuy Hòa và Đông Hòa) ở phía Nam, đường bộ cao tốc Bắc Nam ở phía Tây và dải bờ biển ở phía Đông. Không gian phát triển đô thị nằm ở giữa, các cực động lực cấp vùng, cấp đô thị được bố trí dọc theo các đường biên theo hướng Bắc Nam và các nút giao thông quan trọng;
- Đối với Không gian phát triển đô thị nằm giữa QL1A và tuyến đường cơ động hiện trạng, phân bố thành 3 trung tâm theo hướng Bắc Nam: (1) Trung tâm An Mỹ, An Chấn: phát triển từ khu vực tập trung dân cư và hạ tầng trung tâm xã hiện trạng, có mở rộng không gian đô thị về các hướng; (2) Trung tâm thành phố Tuy Hòa: Phát triển lấp đầy các không gian “rỗng” theo các quy hoạch được lập. Tái cấu trúc các chức năng dọc ven biển theo hướng gia tăng hoạt động thương mại, dịch vụ. Chuyển đổi không gian KCN An Phú ra ngoài không gian trung tâm, vừa tạo quỹ đất phát triển đô thị, vừa tạo cho KCN một vị trí thuận lợi hơn về kết nối liên vùng tỉnh; (3) Trung tâm Nam Tuy Hòa (bờ Nam sông Đà Rằng): Xây dựng đô thị mới, tạo quỹ đất dự trữ cho giai đoạn dài hạn, mở rộng không gian khu trung tâm thành phố;
- Đối với Không gian phát triển các cực động lực: Là không gian dọc 02 hành lang QL1A và tuyến ven biển;
- Trên hành lang QL1A gồm: KCN An Phú mới tại phía Bắc thành phố Tuy Hòa (một phần diện tích thuộc Tuy Hòa, một phần thuộc Tuy An); các tổ hợp trung tâm thương mại, tài chính cấp vùng tại các nút giao QL1A với các tuyến liên vùng theo hướng Đông Tây.
- Trên hành lang tuyến ven biển gồm: Các hoạt động dịch vụ, du lịch: Thể thao, vui chơi giải trí, các khu resort, nghỉ dưỡng sinh thái… gắn với tiềm năng biển, đảo;
Đối với Di sản: Trong phân vùng có 3 di sản nổi bật. Các di sản được cắm mốc bảo vệ theo luật di sản; liên kết du lịch với các di tích lân cận trong vùng, kết hợp với các loại hình dịch vụ, du lịch…mang lại nhiều trải nghiệm, giá trị cho du khách.
Không gian phân vùng 4: Công nghiệp, dịch vụ đầu mối (Từ ranh giới hành chính Tuy Hòa – Đông Hòa đến đèo Cả).
Đặc điểm: Vị trí liền kề với khu kinh tế (KKT) Vân Phong. Hội tụ các tuyến, đầu mối giao thông (đường sắt, đường thủy, đường bộ). Đã hình thành động lực kinh tế lớn (KKT Nam Phú Yên).
Định hướng:
- Không gian phân vùng 4 phát triển theo mô hình đa cực. Mỗi cực gồm 03 chức năng cơ bản: Đô thị, công nghiệp, dịch vụ. Các cực có cơ cấu gồm khu đô thị trung tâm, xung quanh là các khu công nghiệp hoặc dịch vụ. Các cực được xác định không gian bởi các yếu tố: Đường sắt, tuyến sông Bàn Thạch, đồi núi. Riêng cực phía Nam (Vũng Rô) là khu vực đồi núi, là xã ngoại thị nên tính chất và chức năng khác biệt so với phần còn lại;
- Cực Hòa Vinh: Đô thị Hòa Vinh là trung tâm, phía Bắc, Đông và Tây là các KCN Hòa Thành, Hòa Vinh và Nam Bình;
- Cực Hòa Hiệp: Đô thị Hòa Hiệp Trung là trung tâm. Phía Bắc và Nam là Khu công nghệ cao Hòa Hiệp Bắc, KCN Hòa Hiệp I,II;
- Cực Hòa Xuân: Đô thị Hòa Xuân Tây là trung tâm. Phía Nam là KCN Hòa Xuân Tây, Hòa Xuân Đông, phía Đông là KCN Hòa Tâm và khu dịch vụ kho bãi gắn với cảng bãi Gốc, ga đường sắt (mới);
- Cực Vũng Rô: Là khu vực di sản và cảnh quan sinh thái. Trong khu vực gồm 3 di tích cấp Quốc gia, xung quanh được bao bọc bởi các yếu tố tự nhiên (núi, biển, vịnh). Trong khu vực này hạn chế xây dựng, lựa chọn một số điểm có điều kiện thuận lợi (cả pháp lý và cảnh quan) hình thành các điểm dịch vụ du lịch, phát huy tối đa giá trị sinh thái, lịch sử. Các dịch vụ đô thị trong khu vực được hỗ trợ bởi TT Hòa Xuân Tây và Hòa Hiệp. Phía Nam bố trí mở rộng diện tích kho bãi gắn với cảng Vũng Rô.
THS.KTS Phạm Công Binh
Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia – VIUP
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 04-2022)
Nguồn số liệu sử dụng trong bài:
- Niên giám thống kê tỉnh Phú Yên năm 2020.
- Các tài liệu, số liệu cung cấp bởi các sở ban ngành, UBND TP Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu, thị xã Đông Hòa, huyện Tuy An.
The post Một số chiến lược và định hướng phát triển không gian vùng ven biển Phú Yên appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/G0lcCLq
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét