Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2022

Phú Yên: Đi tìm những tiềm năng và lợi thế đích thực

Ở Việt Nam sự “na ná” nhau về tiềm năng và triển vọng phát triển của các tỉnh miền Nam Trung Bộ là điều có thể thấy khá rõ. Về mặt vị trí địa lý, Phú Yên ở khoảng giữa dải đất này, nên tìm được gì khác và mới là điều không dễ. Ở bài viết này, tôi xin không đề cập lại những phân tích đã khá sâu kỹ của các chuyên gia dành cho Phú Yên về vấn đề này. Chỉ xin nêu một ít cảm nhận của người làm nghề kiến trúc khi đi qua miền đất có thể ví như cô gái miền quê gặp thị thành, dù “hương đồng gió nội bay đi ít nhiều” nhưng vẫn còn mang đậm chất “hoa chanh nở giữa vườn chanh”, mà nếu biết gìn giữ và tiết chế sẽ trở nên lung linh, quyến rũ đậm bền.

Vịnh Vũng Rô

Trước hết nói về khung cảnh tự nhiên. Rõ ràng Phú Yên có những lợi thế đáng nể. Đó là Ghềnh Đá Đĩa trời cho, một nơi mà chỉ nhìn qua ảnh chụp đã thấy sự đặc biệt thiên tạo rất ngỡ ngàng. Nhưng khi được mục sở thị, mới thấy càng thấm thía sự kỳ diệu mà mẹ thiên nhiên “hữu ý” ban tặng cho miền đất nắng gió, có cả mưa đúng mùa và cả trái mùa một cách quá hào phóng. Ở đây, gập ghềnh những vạt đá khéo léo và rất đa dạng, như ghép bởi những người làm nghệ thuật lành nghề, vươn ra đón sóng biển xanh gọi tên bốn mùa xôn xao. Chắc không ai có thể thỏa hết ngạc nhiên dù đến đó hết lần này đến lần khác. Hay tới vịnh Xuân Đài êm dịu giữa đất trời, một vùng nước vô tận hoang sơ, được giới hạn “lỏng lẻo” bởi những thung đồi tràm lộng, mà mang lại sự bình yên kể cả ngày bão tố. Đến Vũng Rô bến tàu không số, ta lại gặp một eo biển hữu tình đằm sâu, tạo nên vùng lặng sóng cho nghỉ ngơi, để tái tạo sức căng năng lượng cho những con tàu, con người bám biến vươn khơi. Ở đó còn thêm một dấu ấn nhân văn quật cường của tấm lòng người dân với nước, những con tàu không số ngày kháng chiến đã từng cập bến, cung cấp vũ khí cho công cuộc bảo vệ chủ quyền đất nước trước kẻ thù xâm lược… còn bao nhiêu nơi có thể ghé thăm với sự lôi cuốn đầy thi vị ở dải biển dài 189km này!

Đi vào vùng đất duyên hải ven biển của vùng bản địa. Ta chợt nghe âm hưởng dạt dào hùng quốc không chỉ lan tỏa từ biển, mà lan tỏa từ núi đá bia sừng sững “Nam đế cư” giữa trời. Kỳ diệu là ở chỗ, một phiến đá trơ cùng tuế nguyệt tự mọc trên đỉnh núi cao vút, giữa một vùng đồng bằng rộng lớn vào bậc nhất miền Nam Trung bộ, bên dòng sông Ba xanh trong uốn lượn hiền hòa. Thông điệp chủ quyền quốc gia ở đây được nói bằng ngôn ngữ thật hùng vĩ. Rồi những sườn núi tự nhiên như tranh họa đồ không chịu nằm tĩnh nơi miền Tây vùng đất, mà cuộn chảy vươn ra tận biển khơi tạo nên hải sơn hòa quyện cuốn hút đặc biệt. Còn nữa, hai vùng đèo với hai đầu xứ, lưu đọng nỗi nhớ “Cù Mông”, “đèo Cả” hấp dẫn dấu chân những người lãng du…

Với một tỉnh vùng biển, nhưng ở đây lại có đến 70% diện tích bao phủ bởi rừng và trung cao nguyên, càng tạo nên sự kỳ thú lôi hút những ai muốn khám phá ba trong một: Đại dương, đồng bằng và rừng núi. Về với rừng nguyên sinh còn khá vẹn toàn có nhiều cây rừng quý và đa dạng muông thú sẽ là một cơ hội tìm đến trù phú và bình yên trong sự phiêu lãng của cảm xúc. Ngay những con đường liên tỉnh đi qua vùng đất này cũng đã tạo lập vững chắc vẻ cuốn hút và mong mỏi khám phá. Sông Hinh nơi tiếp giáp giữa đồng bằng và núi cao có vẻ đẹp từ nguyên sơ không dễ gì nơi khác có được, gắn kết với thác, ghềnh, sông nhỏ là lợi thế rất tốt của một vùng miền tây của đất “hoa vàng cỏ xanh”. Cái cảm giác mà sáng còn vờn sóng biển khơi, chiều hít hương trong trẻo đại ngàn chắc là ai đã đến đó đều không từ chối, ai chưa đến sẽ hít hà với mong mỏi và tò mò…

Tháp trên quảng trường Nghinh Phong

Hãy điểm về lịch sử văn hóa ở vùng đất này! Phải nói là với loại hình kiến trúc biểu trưng Nam Trung Bộ là tháp Chăm, Phú Yên không phải là một vùng đậm đặc. Nhưng với tháp Nhạn gắn với ngọn núi ngự trị lại trở nên huyền diệu lung linh, có sức hấp dẫn thập phương. Một ngọn tháp kỳ bí với lin-ga được điêu khắc tinh xảo, với vật liệu truyền thống – chất liệu và cách kiến tạo kỳ bí, tháp đã tạo nên sự quyến rũ đặc biệt hào sảng với hầu hết người đến cảm nhận. Chưa nói là không biết từ lúc nào, đã có một khúc ca đưa tháp vào tâm khảm những người nặng nợ trần gian “anh còn nợ em”, đầy day dứt và níu kéo bước chân du khách. Ở Phú Yên, còn có những ngôi nhà ở kết tạo bởi đá từ trong đến ngoài, không biết đó có phải là riêng ở vùng đất này? Nhưng phải nói chắc chắn rằng, hình hài của những ngôi nhà dân gian dạng đó ở đây là quyến rũ nhất vùng miền. Bởi nó mang lại một cảm giác cội rễ, nhớ về nguyên sơ bình dị ngày xưa của người bản xứ cần cù, miệt mài cần lao. Những ngôi nhà đó đồng thời cũng rất đồng điệu với tâm hồn hào sảng giữa khó khăn và rất quý trọng tình cảm của người dân nơi chốn. Hải đăng mũi Điện, về mặt công chuyện là minh chứng cho một sự cần thiết trong kết nối giao thương hàng hải với quốc tế của vùng đã đòi hỏi từ rất sớm. Nhưng nói về kiến trúc, phải thừa nhận rằng, dù chỉ là sự tham gia bé nhỏ khiêm tốn của nhân tạo vào thiên tạo, nhưng ngọn hải đăng này đã tạo nên một bài ca quyến rũ ngay ở chính nơi mà mỗi ngày ánh nắng mặt trời vào thăm đất Việt đầu tiên. Rồi nhà thờ Mằng Lăng nữa, hình như cũng đạt được một phần cơ duyên như vậy -Tọa lạc trên một vùng đất hẻo lánh, quy mô vừa phải, kiến trúc phổ thông. Nhưng khi gắn chặt với hồn cốt bản địa, dường như công trình này đã làm cho người đến rồi đi với cảm xúc mơ thoát và lắng đọng…

Hãy nói về sự gặp gỡ tình cờ nên duyên về nghệ thuật gắn hút của vùng đất!

“Tôi đã thấy hoa vàng trên cỏ xanh” vốn là một bộ phim chuyển thể từ truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, lấy khung cảnh chính từ một vị trí vô danh bên bờ biển Phú Yên. Vậy mà khi bộ phim ra đời, cái tứ “hoa vàng trên cỏ xanh” được tự nhiên gắn với miền đất này, làm lay động cảm xúc hàng triệu người trong và ngoài nước. Rất nhiều lữ khách đến Phú Yên chỉ vì tò mò muốn đến thăm nơi thiên thai hạ giới có hoa vàng trên cỏ xanh. Vậy thôi, rõ ràng sự gặp gỡ giữa nghệ thuật và xứ sở nên duyên thì có thể tạo nên những điều vi diệu ngỡ ngàng. Khá lâu rồi cũng có một điểm sáng kiến trúc đủ mang lại xúc động cho những người yêu nghệ thuật tìm đến Tuy Hòa, đó là đài tưởng niệm liệt sĩ của Tỉnh đặt trên núi Nhạn. Một tác phẩm cải tạo thôi, nhưng hội kỳ được giữa tài năng sáng tạo loại hình công trình tưởng niệm bậc nhất Việt Nam là KTS Lê Hiệp, với cơ duyên thăng hoa cộng hưởng ý tưởng chim hội về núi thiêng. Quá trình thực hiện công trình được Thủ tướng lúc bấy giờ là ông Võ Văn Kiệt ghé qua thăm khi đang xây dựng. Đến nay, mỗi lần đến với Tuy Hòa, cùng với tháp Nhạn, kiến trúc tháp tưởng niệm liệt sĩ luôn mang lại một cảm xúc linh ứng thấm đẫm về miền đất dày truyền thống.

Mới đây thôi, tại TP Tuy Hòa lại vừa xuất hiện tháp điêu khắc ở quảng trường Nghinh Phong lộng khơi. Ngọn tháp được khởi hứng từ ý tưởng “đá đĩa” đã thực sự thành công như mong đợi. Hình tượng cô đọng của tháp vừa liên tưởng bâng khuâng đến ghềnh đá đặc sắc độc nhất vô nhị Đông Nam Á, đồng thời mạng đến một cảm xúc mãnh liệt về chí vươn lên của vùng đất gan bền, kiên cường, son sắt. Cái duyên đạt được ở đây là dù được nhân tạo vừa mới, nhưng quảng trường có tháp đã bỗng trở thành một địa điểm du lịch đương nhiên của mỗi ai đến Tuy Hòa. Rồi hồ thủy điện sông Hinh bên chặng đường du khảo liên tỉnh Phú Yên – Đắk Lắk, trải vẻ đẹp hòa quyện núi rừng hoang dã cũng đang trở thành một điểm cuốn hút rất tự nhiên cho miền tây tiềm năng của tỉnh…

Nói về những thể loại công trình xây dựng gần đây, có đóng góp cho Phú Yên khai thác khía cạnh bản sắc để hình thành sự cuốn hút du lịch đặc sắc, hãy đến Zannie BÃI SAN HÔ. Một tổ hợp nghỉ dưỡng sinh thái được thiết kế bởi những KTS nước ngoài, nhưng lại rất nghiêm cẩn trong chắt lọc và biến ảo yếu tố bản địa, để tạo nên một dạng công trình gắn kết với vùng miền thật đặc sắc. Với sự tận dụng tinh tế tối đa cảnh địa thiên nhiên. Trong thiết kế từ hình hài cho đến chi tiết, mỗi công trình đều hoàn hảo về thổi hồn nơi chốn đậm đặc – tao nhã, nhưng về hiện đại thì có khi còn thú vị hơn các công trình cùng loại tại dải đất miền Trung đất nước, không thua gì những resort có hạng tại các vùng nghĩ dưỡng đặc sắc trên thế giới. Có thể khẳng định, sự kết tinh một cách tinh tế, giàu chất văn nghệ và cẩn trọng của nhân tạo với thiên tạo chính là nền tảng tạo lập cho sự cất cánh.

Khách Sạn Zannier Bãi San Hô

Đi về trong đêm khuya giữa TP Tuy Hòa, gặp hàng cây “phong ba” miệt mài lay thức cùng với gió biển lộng. Gặp những con đường rộng mở tới những ngôi làng còn giữ được nhiều bản sắc phong thổ đậm đà, bao khu phố bình yên với những con phố còn vắng người qua. Hay rẽ qua Sông Cầu, nơi phố thị một thời người Pháp chọn làm thủ phủ hiền hòa bên cửa biển với nhiều khung cảnh đẹp như mộng… Tất cả vậy, nếu biết khai thác tôn tạo và đắp xây đổi mới kịp và đúng sẽ ra sao? Chắc chắn là việc tạo lập cho Phú Yên một bản sắc phát triển riêng, bền vững và cuốn hút là điều hoàn toàn làm được.

Núi Đá Bia

Vậy thì, nên phát huy, tiếp biến, làm mới những gì hiện có như thế nào, quy hoạch và xây dựng mới ở đó như thế nào là hợp lý? Tôi mạo nghĩ suy một số điều nên xảy ra sau đây:

  • Trước hết, đó là tôn tạo văn hóa lịch sử và cảnh quan tự nhiên một cách thận trọng và lãng mạn. Với những di tích sẵn có, hiện nay rõ ràng Phú Yên đang lúng túng, thiếu bài bản và vô tình trong tận dụng lợi thế, để có những chương trình điểm tô khéo léo bài bản khơi nguồn sáng tạo nhằm tạo sức hút. Đến với núi đá bia chẳng hạn, du khách hào hứng hành trình, lên đến đỉnh gặp thì lại ngỡ ngàng với sự hoang sơ đơn điệu vô cùng. Hay đến Ghềnh Đá Đĩa, du khách chỉ biết nhẫn nại check in từ các góc khác nhau, xuýt xoa trước một điều kỳ diệu của thiên tạo. Phần còn lại là khoảng trống vô hình thất vọng trên đường ra vì sự đơn điệu trong tổ chức vùng, tuyến. Ở Mũi Điện cũng vậy thôi, quý khách cứ tự do như giữa ngàn xưa từ bao đời nghiệp dư, chưa thấy đâu là bàn tay tổ chức bài bản chuyên nghiệp để níu chân dù muốn ở lại…
  • Tiếp theo là khai thác chắt chiu thế lợi nguồn đất rất hữu hạn. Hiện tại, dường như quá khát khao kêu gọi đầu tư mà Phú Yên đang mở rộng cánh cửa mời gọi và thỏa mãn không giới hạn yêu cầu của nhà đầu tư về vấn đề này, trên một quy hoạch còn nhiều mơ hồ, dang dở thông số. Cần phải có sự rà soát chặt chẽ, tạo sự tự do đến mức hài lòng nhưng trong giới hạn có thể. Đồng thời cần có chế tài quản lý rõ ràng về kiến trúc bản địa để hướng tới sức hút từ những hình thái kiến trúc riêng đặc sắc, không nhòa lẫn với lân cận. Cũng cần tính đến sự xa rộng về những quỹ đất dự trữ cho tương lai lâu dài. Chẳng hạn như TP Tuy Hòa bé nhỏ, nhưng lại có những quảng trường rất rộng, vậy có nên không? Quỹ đất là hữu hạn, đối với Phú Yên càng hữu hạn, cần chọn giải pháp ứng xử với vấn đề này từ sự cô gạn kỹ lưỡng và khoa học.
  • Rất cần nhà đầu tư đinh chốt có đủ tầm độc lập thu hút và làm cho môi trường sống động. Hiện tại, các nhà đầu tư đã đến Phú Yên khảo sát thăm dò không ít. Một số nhà đầu tư đã xây dựng được những dự án tầm trung. Nhưng rõ ràng sự sôi động ở đây còn chưa diễn ra, chính là thiếu một nhà đầu tư dồi dào sức mạnh về kinh tế, lựa chọn tinh tế và hiệu quả, biến các dự định thành hiện thực. Như trường hợp VinGroup với Khánh Hòa, hay SunGroup với Quảng Ninh… Nếu điều đó không xảy ra, thì việc đột phá để trở thành lung linh là điều vô cùng khó trở thành hiện thực, nhất là một tỉnh có tiềm năng vừa phải như Phú Yên. Ngoài ra cũng nên tìm đến những loại hình đầu tư độc đáo, không trùng lắp với các tỉnh lân cận để tạo sự khác biệt và hấp dẫn riêng.
  • Thế còn việc biết nhân rộng lan tỏa từ những đốm sáng văn hóa nghệ thuật trong quá khứ và hiện tại? Điều này chính là phát huy sức mạnh mềm, tạo yếu tố bất ngờ! Hiện nay Nhà nước đang có chủ trương và đưa vào một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phát triển công nghiệp văn hóa. Vậy Phú Yên có triển khai nội dung này một cách sâu rộng không? Để đạt được hiệu quả thì cần như thế nào? Chỉ xin đơn cử một ví dụ: “Hoa vàng trên cỏ xanh” đã được mệnh danh cho vùng đất, tại sao không tạo làn cộng hưởng khuyếch đại? Đó là tôn tạo quyến rũ vùng đã khởi điểm luôn có hoa vàng trên cỏ xanh quanh năm để khi du khách tìm đến thì có được sự thăng hoa. Rồi nhân rộng hoa vàng trên cỏ xanh này ở khắp miền xứ sở như là một vùng thiên nhân đặc sắc duy nhất ở Việt Nam. Rồi lấy bài học thành công tháp “đá đĩa” ở Nghinh Phong để phát huy cho những tiềm ẩn đặc sắc còn mờ ảo khác. Ngoài ra, có thể nhân tạo những kỳ diệu về nghệ thuật mới trong đó có trọng tâm là kiến trúc. Như Đà Nẵng chẳng hạn, chỉ một chiếc cầu vàng nhỏ nhoi, nhưng khi đã vang vọng ra ngoài biên giới, đã tạo nên một làn sóng tìm đến, để rồi lượng khách du lịch Đà Nẵng tăng trưởng không ít nhờ hữu xạ.
Đài tưởng niệm liệt sĩ

Sẽ còn rất nhiều điều có thể nói ở đây về việc làm sao để Phú Yên phát triển vượt lên thực sự từ tiềm năng và lợi thế xác thực mà không ảo ảnh, tô hồng và đợi chờ. Thoát khỏi sự “na ná” bằng những phân tích sàng lọc kỹ lưỡng, bắt đầu ngay từ những điều tưởng là nhỏ bé vụn vặt là điều Phú Yên nên làm. Trong sự tìm kiếm để tiếp biến đó hãy nói nhiều về kiến trúc! Kiến trúc từ phát huy truyền thống và văn hóa bản địa, quy hoạch sâu kỹ chắt chiu và gắn kết với bản địa, kiến trúc công trình với đằm thắm vùng miền, cảnh quan theo hương vị hoa vàng trên cỏ xanh… nhất định thành công sẽ đến bền vững một ngày không xa với vùng đất này.

TS.KTS Phan Đăng Sơn
Chủ tịch Hội KTS Việt Nam – Tổng Biên tập Tạp chí kiến trúc
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 04-2022)

The post Phú Yên: Đi tìm những tiềm năng và lợi thế đích thực appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/srU0xEP
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét