Thứ Hai, 4 tháng 7, 2022

Định hướng các chuyên đề đào tạo CPD thích ứng với hành nghề kiến trúc tại Việt Nam

Trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, lĩnh vực hành nghề kiến trúc đang có những bước chuyển mạnh mẽ để ngày càng khẳng định vị thế bình đẳng với khu vực và thế giới, trong công cuộc làm nghề thiết kế sáng tạo về kiến trúc ở tất cả các khâu: Quy hoạch, thiết kế đô thị và thiết kế công trình. Luật Kiến trúc ra đời từ 2019 cùng Nghị định hướng dẫn đã có quy định hình thức đào tạo phát triển nghề nghiệp liên tục theo thông lệ quốc tế (CPD). Việc đào tạo này về mặt pháp lý là nhằm tích lũy điểm cho KTS theo chu kỳ năm, để chứng minh sự hành nghề liên tục của người KTS làm công việc thiết kế. Nhưng, về mặt sâu xa, có mục tiêu với tầm quan trọng hơn nhiều, đó là tích lũy kiến thức và cập nhật tiến bộ khoa học công nghệ ngành liên tục theo thời gian, để góp nền tảng cho người KTS luôn đi tiên phong trong sáng tạo phát triển đất nước.

Thời gian vừa qua, với vai trò tham gia thực hiện hướng dẫn triển khai luật kiến trúc với các nhiệm vụ: Soạn thảo và ban hành quy tắc ứng xử nghề nghiệp trong hành nghề kiến trúc; soạn thảo quy định về loại hình, phương pháp và mức tính điểm CPD trong phát triển nghề nghiệp liên tục và gia hạn cấp chứng chỉ hành nghề; soạn bộ câu hỏi và tổ chức thi sát hạch để phục vụ cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc; giám sát, phản biện việc hành nghề kiến trúc tại Việt Nam; Hội Kiến trúc sư với tổ chức đại diện là Trung tâm Phát triển hành nghề kiến trúc luôn đi đầu trong thực hiện các chương trình nội dung liên quan với các vấn đề này. Hội đã thực sự đi đầu về tính chuẩn mực, kịp thời và chất lượng, thu hút được sự tham gia đông đảo nhất của giới KTS nước nhà, kể cả lực lượng hội viên và chưa phải là hội viên của hội. Kết quả đó đã tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn đáng kể cho hành nghề KTS về mặt pháp lý, cũng như góp phần để KTS Việt Nam vững tin vươn ra tầm khu vực và thế giới khi hành nghề sáng tạo.

Những kết quả khả thi và tồn tại với việc đào tạo CPD trong thời gian qua

Về khía cạnh đào tạo CPD, trong hai năm vừa qua, Trung tâm hành nghề của Hội đã thành lập chương trình khung thử nghiệm với việc huy động được một lực lượng các chuyên gia giàu kinh nghiệm, năng lực của Hội và ngoài Hội cùng tham gia. Các chuyên gia được mời đã khá đa dạng về phân vị hướng nghiên cứu, triển khai. Các vấn đề do các chuyên gia trình bày đã khá chuyên sâu về những vấn đề kiến trúc mang tính thời sự. Các vấn đề cơ bản không bị trùng lắp. Khi có những vấn đề cùng hướng thì lần giới thiệu sau đã có bổ sung các vấn đề và tiến bộ mới. Đặc biệt đã thử nghiệm mời chuyên gia quốc tế cùng giới thiệu chuyên đề tại một kỳ CPD- kỳ 5. KTS Larry Ng Lye Hock là Giám đốc đăng bạ Hội đồng kiến trúc Singapore với chuyên đề “Các quy định pháp luật của Chính phủ (Singapore) về hành nghề kiến trúc và xu thế kiến trúc đương đại theo góc nhìn từ nước sở tại”. Với bức tranh cụ thể, sinh động về pháp lý hành nghề tại Singapore và tóm lược được hầu như các xu thế kiến trúc đang diễn ra thành công, thất bại trên thế giới từ bức tranh “thu nhỏ ở quốc đảo” đã cung cấp một lượng kiến thức mới mẻ đáng kể và rất quý giá đối với KTS Việt Nam; cùng với đó đã mở ra một triển vọng hợp tác quốc tế về vấn đề CPD rất hiện thực và tươi sáng.

Các vấn đề của chuyên gia Việt Nam trình bày lại mang đến những khía cạnh thiết thực khác. Tổng quan có thể thấy đó chính là họ đã góp phần hiện thực hóa các vấn đề còn mơ hồ và có hiểu biết khác nhau trong giới KTS Việt Nam. Việc này sẽ tạo điều kiện cho KTS Việt Nam đi đến những nhận định đồng thuận và đặc biệt là vận dụng linh hoạt để giải quyết được từng phần vấn đề còn vướng mắc trong quá trình hành nghề tại thị trường Việt Nam. Tính bao quát ở đây cũng đã bắt đầu bộc lộ, từ những loại hình cung cấp hiểu biết thêm về lịch sử kiến trúc thế giới với chặng đường gập ghềnh với những lối tư duy sáng tạo đa dạng trong công tác quy hoạch, tồn tại song hành những thành công quá khứ và môi trường còn nhiều hỗn độn, gợi hướng về đổi mới phương pháp lập quy hoạch đô thị ở nước ta theo mô hình của thế giới; thiết kế cảnh quan và công trình đô thị trong sự kết hợp giải quyết vướng mắc để đi tới thành công; việc kết hợp nội thất trong thiết kế ngay từ đầu thế nào cho hài hòa và cùng dòng mạch; các vấn đề kỹ thuật về phòng cháy chữa cháy, đảm bảo an toàn cho công trình đồng bộ; rồi đến những vấn đề về phương cách tổ chức văn phòng tư vấn hiệu quả; cách tính đúng, đủ và giải pháp đề xuất thanh toán tốt chi phí tư vấn… đã được chuyên gia giới thiệu không hời hợt, cùng với những tương tác hai chiều giữa người giảng và người nghe… Tất cả đã tạo ra sự thành công về mặt nâng tầm học thuật của đào tạo CPD, một vấn đề mà khi mới nhập cuộc tưởng là yếu tố phụ sau việc tích điểm theo yêu cầu pháp lý.

Có lẽ cũng cần nói thêm một khía cạnh còn lại của đào tạo CPD, đó là vấn đề tích điểm theo năm. Việc thực hiện nội dung này đã được Hội KTS Việt Nam giải quyết rất nghiêm túc, chỉn chu mà linh hoạt và thích ứng. Trước hết, phải bám sát quy định đã ban hành, từ chất lượng đến thời gian khống chế cho mỗi bài giới thiệu. Đặc biệt là thời gian ghép nối đào tạo sao cho người học thuận lợi để bố trí nhưng lại tích lũy được lượng điểm khả dĩ trong mỗi lần tham gia. Vấn đề kinh phí do người tham gia đóng góp cũng đã tìm giải pháp linh hoạt để có khả năng hỗ trợ tối đa từ đầu mối tổ chức, nộp tối thiểu từ người tham gia…

Tuy vậy, cũng phải nói là việc đào tạo CPD vừa qua cũng còn không ít bất cập cần rút kinh nghiệm. Trước hết, các chuyên đề của chuyên gia trong nước chưa đa dạng, thậm chí còn thiếu những mảng quan trọng như: Bàn về các vấn đề quy hoạch từ tổng quan đến chi tiết; giới thiệu kỹ năng triển khai từ đầu đến kết một công trình, bao gồm cả kỹ năng lập và thuyết trình, cũng như khả thi thuyết phục; gợi mở các đường lối, thủ pháp triển khai ý tưởng và thể hiện sáng tác công trình, kỹ năng phối kết nhóm để đi tới thành công với chất lượng cao; kết nối hữu hiệu các bộ môn liên quan để tạo lập mô hình thiết kế hoàn chỉnh; vận hành chuẩn các yếu tố pháp lý và tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy phạm một cách chính tắc và linh hoạt; về thiết kế cảnh quan và nội thất; kết nối khép kín quy trình thiết kế từ khâu khảo sát, thu thập số liệu – triển khai nhiệm vụ – quy hoạch – thiết kế – giám sát; ứng dụng GIS và BIM cũng các hệ thống phần mềm tương tác; hợp tác quốc tế trong vận hành triển khai tư vấn… Chưa nói là về khía cạnh Văn hóa – Nghệ thuật còn được đề cập quá rời rạc và mờ nhạt; khía cạnh Công nghệ – Vật liệu cũng còn là bài toán chưa có lời giải cụ thể.

Với chuyên gia CPD quốc tế thì mới là những bước khởi thảo, mò mẫm tìm kiếm để hợp tác, chưa đặt ra được những kế hoạch, chương trình và yêu cầu nội dung cụ thể thật sự hữu ích và cần thiết cho nền tư vấn và các KTS nước nhà. Chuyên gia vẫn gói gọn ở Đông Nam Á, chưa mở rộng được ra các vùng khác, nhất là các vùng kiến trúc đi tiên phong về chất lượng sản phẩm cũng như phương thức hành nghề của thế giới. Chưa thu hút được ngay các chuyên gia hàng đầu đến Việt Nam hoạt động đã có nhiều kinh nghiệm và cách nhập cuộc hiệu suất cao…

Định hướng về phương cách tổ chức và nội dung hệ thống chuyên đề CPD cho thời gian sắp tới tại Việt Nam

Về mặt quan điểm, cần phải xác định rõ việc đào tạo CPD tạo ra một hệ thống xuyên suốt, thường xuyên, rộng khắp để phổ cập và góp phần nâng tầm kiến thức toàn diện cho giới làm nghề tại Việt Nam. Đây là một cách làm rất hữu hiệu mà giới nghề khi đã thông tỏ và cập nhật quốc tế sẽ thấy lợi ích là rất lớn. Đồng thời cũng là giải pháp rất tốt cho xích lại gần nhau và tạo lập cân bằng về chuyên môn cho giới nghề chung khắp mọi miền đất nước, từ đó tạo ra sự phát triển sáng tạo tại chỗ liên thông và hợp tác trong từng khu vực, vùng miền, đặc biệt là kết nối với các thành phố lớn, nơi kiến trúc cũng như các ngành khác có điều kiện phát triến và hội nhập tốt hơn. Việc tích điểm CPD cần được chú ý hài hòa do yêu cầu nền tảng pháp lý cho hoạt động hành nghề KTS, tuy vậy, việc tích điểm này cần xem như là một điều kiện hiển nhiên và tạo mọi điều kiện có thể.

Trên tinh thần rút kinh nghiệm từ thực tế đã triển khai như trên trong thời gian vừa qua, cùng với nghiên cứu khảo sát thể trạng, tập hợp ý kiến tham gia của giới làm nghề, chúng tôi cho rằng sắp tới cần thực hiện theo các phương cách và ghép mảng nội dung thiết thực trong một chương trình kế hoạch khung ngắn và dài hạn. Với các vấn đề cốt lõi như sau:

  • Phương thức lập chương trình:
    • Cần thiết lập chương trình khung cứng theo thời gian cố định từng năm. Trong đó phần nội dung định hướng các chủ đề ổn định chiếm khoảng 60-70%. Phần bổ sung linh hoạt sẽ chiếm dung lượng 30-40%;
    • Phần cố định chính là các nền tảng cốt lõi của hợp phần kiến trúc, cùng với các ngành liên quan truyền thống;
    • Nội dung linh hoạt này chính là các chủ đề mới xuất hiện theo sự tiến bộ phát triển của ngành Kiến trúc và các lĩnh vực liên quan;
    • Nội dung linh hoạt cũng bao gồm cả các chuyên đề hợp tác quốc tế với tính đặt hàng theo yêu cầu của tổ chức đào tạo thuộc hội dựa trên yêu cầu đòi hỏi thực tế của giới nghề và những vấn đề xuất hiện mới có sự ảnh hưởng và tác dụng bổ ích;
    • Ngoài ra phần linh hoạt cũng có thể do sự đề xuất của giới nghề trong quá trình thực tiễn hành nghề thấy cần đề xuất;
  • Phương thức tiến hành:
    • Đào tạo tập trung kết hợp hình thức trực tiếp (offline) và gián tiếp (online) tại Trung tâm hành nghề của Hội, Văn phòng Hội KTS TP HCM, Văn phòng Hội KTS Đà Nẵng vẫn là chủ đạo;
    • Kết hợp với các hội KTS tại các tỉnh thành, các chi hội KTS cơ sở, câu lạc bộ KTS trẻ và các tổ chức khác là hình thức khuyến khích phát triển và tăng dần tỷ lệ theo thời gian;
    • Huy động lực lượng chuyên gia đa dạng trong và ngoài nước. Với lực lượng chuyên gia trong nước kết hợp nguồn do Hội thông qua Trung tâm hành nghề tìm hiểu và mời hợp thành hệ thống. Cùng với các chuyên gia tự đăng ký tham gia, các chuyên gia do Hội KTS tỉnh thành giới thiệu ở nguồn tại chỗ và liên kết;
  • Phương thức tích điểm:
    • Mỗi lần tổ chức đào tạo cần tính toán để khả thi cho lực lượng được đào tạo có điểm tích cao nhất. Cố gắng tích hợp tham gia đào tạo mỗi năm 2-3 lần là đảm bảo đủ và hơn điểm quy định cần tích lũy theo năm;
    • Việc đào tạo bằng giới thiệu bài giảng cũng cần nghiên cứu kết hợp các chương trình giới thiệu tham quan qua các chương trình phim chiếu và tham quan thực tế cũng như các hoạt động tương thích khác nhằm làm phong phú và đa dạng kiến thức, tăng khả năng tích điểm, tránh đơn điệu, nhàm chán, khô khan;
    • Nghiên cứu để đề xuất phù hợp những bất cập theo từng chu kỹ đào tạo 6 tháng, một năm, ba và năm năm.
  • Nội dung các vấn đề khung đào tạo cứng:
    • Về quy hoạch: Trước hết đó là phương pháp tiếp cận vấn đề quy hoạch; phương pháp lập quy hoạch đô thị trên thế giới và Việt Nam; nội dung lập quy hoạch; các đề xuất đổi mới về khoa học công nghệ lập quy hoạch; lý thuyết kết hợp quy hoạch truyền thống và hiện đại; phương pháp tích hợp quy hoạch hợp phần theo luật định; vấn đề kết nối các bộ môn cấu thành trong đồ án quy hoạch; thiết kế đô thị trong quy hoạch; cách nghiên cứu tổ hợp không gian trong đồ án quy hoạch…
    • Về công trình: Tất cả các lĩnh vực liên quan đến dự án đầu tư xây dựng thiết kế công trình đều là những nội dung cần thiết; cách tiếp cận và thuyết trình khi triển khai concept để đạt hiệu quả; thực hiện công tác giám sát tác giả và giám sát chuyên sâu trong quá trình thi công xây dựng…
    • Các kinh nghiệm và phương cách hữu hiệu cho các mô hình tổ chức tư vấn tại Việt Nam qua thực tiễn trong nước và thế giới..
    • Các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật liên quan trực tiếp và hữu cơ đến chuyên ngành Kiến trúc;
    • Các lĩnh vực khoa học kỹ thuật liên quan và cần phối kết với chuyên ngành kiến trúc;
    • Các ngành, bộ môn cần triển khai đồng bộ cho một sản phẩm ngành thiết kế xây dựng; mức độ kết nối và tầm ảnh hưởng đến chuyên ngành kiến trúc;
    • Các vấn đề liên quan đến chuyển đổi số và ứng dụng các phần mềm chuyên dụng.
  • Về vấn đề vận hành theo pháp lý của lĩnh vực:
    • Làm rõ và ứng dụng vừa chính tắc vừa linh hoạt các quy định pháp lý;
    • Các bất cập cần sửa đổi bổ sung về pháp lý qua thực tế triển khai;
    • Đề xuất những nội dung mới với cách tiếp cận vấn đề phù hợp.

Thực ra, việc triển khai đào tạo CPD ở Việt Nam mới đang đi những bước ban đầu. Trong thời gian khoảng hơn một năm vừa qua cũng đã đạt được nhiều kết quả rõ rệt, góp phần nâng tầm và đổi mới lối tiếp cận của người hành nghề kiến trúc tại Việt Nam, viêc cập nhật mô hình tiên tiến trên thế giới cũng đã đạt được một mức độ nhất định, nhưng cũng còn nhiều vấn đề phải tiếp tục nghiên cứu bổ sung. Tinh thần của Hội KTS Việt Nam là hết sức tập trung nghiên cứu điều chỉnh bổ sung để hoàn chỉnh dần chương trình, nhằm mục tiêu trọng tâm là phục vụ được việc nâng cao năng thế nghề nghiệp cho KTS Việt nam trong hành nghề và hội nhập. Đồng thời cũng đáp ứng được tiêu chí quy định về mặt pháp lý cho các KTS hành nghề, góp phần tháo gỡ khó khăn trong vấn đề tạo lập và gia hạn chứng chỉ kịp thời. Với sự đồng lòng của các hội, chi hội và bản thân các KTS, chúng ta tin rằng hiệu quả của chương trình CPD ngày càng cụ thể và rõ ràng, khẳng định sự cần thiết vững chắc trong môi trường Việt Nam và cộng đồng quốc tế.

TS.KTS Phan Đăng Sơn
Chủ tịch Hội KTS Việt Nam – Tổng Biên tập Tạp chí Kiến Trúc
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 05-2022)

The post Định hướng các chuyên đề đào tạo CPD thích ứng với hành nghề kiến trúc tại Việt Nam appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/Yl53Sjt
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét