Thứ Hai, 4 tháng 7, 2022

Phát triển nghề nghiệp liên tục: Một điểm mới của luật kiến trúc 2019

Tổng quan

Luật Kiến trúc số 04 /2019 /QH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020 và Nghị định 85 /2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 7/9/2020. Trong đó, Điều 23 của Luật Kiến trúc và Điều 24 của Nghị định 85 đã quy định về phát triển nghề nghiệp liên tục của KTS hành nghề là yêu cầu bắt buộc, liên tục trong quá trình hành nghề.

Phát triển nghề nghiệp liên tục (Continuing Professional Development – viết tắt là CPD) hay có nơi gọi là Đào tạo nghề nghiệp liên tục (Continuing Professional Education – viết tắt là CPE) là việc đào tạo liên tục, suốt đời để duy trì, phổ cập, bổ sung kiến thức, kỹ năng để đáp ứng đổi mới tác phẩm và dịch vụ kiến trúc cho xã hội, phù hợp với sự đổi mới khoa học, công nghệ của thời đại, bảo đảm đáp ứng được yêu cầu của xã hội.

Kiến thức là vô tận, kiến trúc là sáng tạo và không ngừng đổi mới, vai trò của KTS với xã hội là rất lớn, gắn liền với 3 yếu tố:

  • An toàn và tiện nghi của môi trường, không gian sống của con người;
  • Hiệu quả đầu tư với nguồn kinh phí lớn của xã hội và gia đình;
  • Giá trị văn hoá, nếp sống và thẩm mỹ của đô thị, Quốc gia.

Vì vậy, Luật Kiến trúc của nước ta cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đều hướng tới hành nghề kiến trúc chuyên nghiệp, thực hiện việc liên tục đào tạo và cập nhập thông tin kiến trúc là điều bắt buộc.

Về sự cần thiết của CPD, theo UIA quy định như sau:

  • Duy trì , cải thiện, mở rộng kiến thức, kỹ năng;
  • Theo kịp sự thay đổi về quy trình và quy chuẩn;
  • Hiểu và áp dụng công nghệ tiên tiến;
  • Hành nghề tốt hơn, phục vụ cộng đồng và môi trường tốt hơn;
  • Phát triển kỹ năng giao tiếp, quan hệ;
  • Mở rộng hiểu biết các lĩnh vực liên quan: Pháp luật, quản lý, quản trị, tài chính …

Trên thế giới, CPD với các KTS hành nghề đã được áp dụng từ khá lâu, là yêu cầu bắt buộc và trách nhiệm của mỗi KTS hành nghề, trong đó hàng năm họ phải đạt được mức độ tối thiểu về chuẩn kiến thức và kỹ năng do tổ chức xã hội nghề nghiệp và hành nghề kiến trúc quy định. Kết quả CPD là 1 tiêu chí để gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc.

Ở Việt Nam, trong các lĩnh vực về y tế, pháp luật… CPD đã và đang áp dụng là 1 tiêu chí bắt buộc để nâng bậc… trong ngành. Trong lĩnh vực xây dựng, kiến trúc CPD mới được đưa vào từ trước tới nay việc đào tạo KTS rất đa dạng về nội dung và hình thức do yêu cầu của công việc và mục đích của các KTS. Các chương trình đào tạo sau đại học như: Thạc sĩ, Tiến sĩ… hoặc các chứng chỉ chuyên đề, nâng ngạch… thường phù hợp cho các KTS làm công tác giảng dạy, nghiên cứu, quản lý về xây dựng… chưa phù hợp cho các KTS hành nghề.

Các hình thức hoạt động CPD

Theo quy định của khoản 4 điều 28 Luật Kiến trúc và Khoản 1 Điều 24 Nghị định 85 /2020/ NĐ-CP, các hình thức hoạt động CPD bao gồm:

  • Tham gia các khóa tập huấn về chuyên môn, pháp luật;
  • Hội nghị, hội thảo, tọa đàm, diễn đàn;
  • Chương trình khảo sát, tham quan học tập về lĩnh vực kiến trúc và liên quan;
  • Viết sách, bài trên sách, báo, tạp chí chuyên ngành kiến trúc, viết chuyên đề tham luận hội nghị, hội thảo về kiến trúc;
  • Tham gia khóa học, nghiên cứu sau đại học về lĩnh vực kiến trúc;
  • Tham gia giảng dạy đại học, sau đại học và các khoá tập huấn chuyên môn về lĩnh vực kiến trúc cho KTS hành nghề;
  • Nghiên cứu, sáng chế khoa học trong lĩnh vực kiến trúc được công nhận;
  • Đạt Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia.

Các quy định khác về CPD

  • Hiện tại có 9 tổ chức thuộc tổ chức xã hội nghề nhiệp về hành nghề kiến trúc, cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo về kiến trúc trong cả nước được Bộ Xây dựng công nhận cho công tác đào tạo CPD;
  • Các KTS hành nghề phải đáp ứng yêu cầu CPD hàng năm thông qua hình thức tích điểm là 04 điểm CPD – Theo bảng phương pháp tính điểm CPD chi tiết đối với các hoạt động CPD do Hội KTS/ Việt Nam ban hành.
  • Theo điểm b/ khoản 2/điều 28 Luật Kiến trúc: Tích điểm CPD là điều kiện để được gia hạn Chứng chỉ hành nghề kiến trúc.

Khó khăn và hạn chế

Luật Kiến trúc có hiệu lực từ ngày 1/7/2020. Từ năm 2021 một số nội dung của Luật đã được triển khai thực hiện như: Việc cấp mới, gia hạn chứng chỉ hành nghề KTS, trong đó có việc đào tạo CPD. 9 tổ chức đã tổ chức đào tạo CPD trong năm 2021 và đầu năm 2022 cho hàng ngàn KTS hành nghề trong cả nước trong bối cảnh dịch bệnh covid… giúp cho các KTS kịp thời có điểm CPD để gia hạn chứng chỉ hành nghề Kiến trúc. Đó là những cố gắng của Hội KTS/Việt Nam trong việc kịp thời ban hành những nội dung được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng giao cho Hội thực hiện theo NĐ85 để đưa Luật Kiến trúc vào cuộc sống nói chung và công tác hành nghề kiến trúc nói riêng. Bên cạnh đó, có những khó khăn và hạn chế cụ thể như sau:

  • Luật Kiến trúc chỉ dừng ở Nghị định, không có hướng dẫn chi tiết, nghề kiến trúc và công việc của KTS hành nghề rất đặc thù, một số nội dung quan trọng về tổ chức, thực hiện, chi tiết công việc… theo thông lệ quốc tế (đa phần các nước đang thực hiện để đạt hiệu quả cao trong quản lý, triển khai…) chưa được áp dụng và thực hiện. Vì vậy, có nhiều khoản khó áp dụng ngay được, cần phải bổ sung hướng dẫn từ cơ quan quản lý nhà nước.
  • Việc tháo gỡ kéo dài, KTS hành nghề khá vất vả, chờ đợi, không biết đầu mối ở đâu?
  • Không có cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm về chuyên môn, kiểm tra, kiểm soát… Quan điểm xã hội hóa đào tạo nhưng không kiểm soát dễ dẫn đến đào tạo kém chất lượng, hình thức, dịch vụ, thậm chí đóng tiền là có điểm CPD,… ảnh hưởng đến mục đích của việc đào tạo CPD cho KTS hành nghề.

Vai trò của hội KTS/Việt Nam

Hội KTS Việt Nam, tổ chức xã hội nghề nghiệp đã đồng hành, tham gia góp ý, chỉnh sửa bằng văn bản… từ quá trình xây dựng Luật, Nghị định 85, đặc biệt: Được Thủ tướng giao nhiệm vụ: Lập, ban hành 3 nội dung:

  • Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của KTS hành nghề;
  • Bảng phương pháp tính điểm CPD chi tiết đối với các hoạt động CPD của KTS hành nghề;
  • Xây dựng ban hành chương trình, tài liệu phục vụ sát hạch, bộ câu hỏi sát hạch;

Đây là 3 nhiệm vụ chính thức Hội KTS/Việt Nam được giao, đã ban hành để phục vụ việc hành nghề cho KTS.

Rất nhiều KTS nhầm tưởng Hội KTS/Việt Nam là cơ quan ban hành, hướng dẫn, kiểm tra, xử lý vi phạm Luật Kiến Trúc nói chung Và các nội dung hành nghề nói riêng. Trên thực tế về pháp lý Hội không được giao công việc gì liên quan tới công việc trên.

Tuy nhiên, Hội đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của KTS nói chung, với uy tín về nghề nghiệp với cơ quan quản lý Nhà nước, Hội luôn tiếp nhận ý kiến từ các Sở, Hội và chi hội các tỉnh, thành… các KTS hành nghề để làm cầu nối với các cơ quan quản lý trong việc: Lý giải về chuyên môn, giải thích hướng dẫn kịp thời… để sớm có văn bản hướng dẫn mới.

Hội phát hiện các hành vi, thực hiện sai lệch của các tổ chức được cấp phép đào tạo CPD với Bộ XD, có ý kiến với Bộ Xây dựng.

Kết luận

Luật Kiến trúc được Quốc hội thông qua là một mốc son lịch sử cho sự phát triển Kiến trúc Việt Nam, đặc biệt là môi trường hành nghề của KTS/Việt Nam trong đó coi trọng xã hội hóa công tác quản lý hành nghề kiến trúc. CPD lúc đầu gặp nhiều ý kiến phản đối từ KTS, sau hơn 1 năm đào tạo ý kiến tích cực, cần thiết… đã nhận được nhiều ủng hộ từ KTS hành nghề.

Việc đưa Luật Kiến trúc vào cuộc sống không chỉ vận hành tốt mà còn phát huy hiệu quả như mục tiêu đề ra.

Sau thời gian vận hành cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm tổng kết, rút ra mặt được và hạn chế, sớm sửa, bổ sung… từ Luật Kiến trúc, Nghị định 85… theo thực tế học tập, kinh nghiệm quốc tế đã vận hành nhiều năm… để Luật Kiến trúc nói chung, công tác đào tạo CPD nói riêng đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả – Hướng tới góp phần xây dựng một đất nước đẹp, nền kiến trúc hiện đại, nhiều KTS tài năng.

KTS Đặng Kim Khôi
Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 05-2022)

The post Phát triển nghề nghiệp liên tục: Một điểm mới của luật kiến trúc 2019 appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/LPTVOpH
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét