Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 dựa trên cơ sở khai thác khoa học công nghệ làm thay đổi mô hình kinh tế xã hội. Hiện nay, Việt Nam vẫn đang là nước có thu nhập trung bình, cạnh tranh kinh tế chưa cao, nguyên nhân chính là do năng suất lao động phần lớn phụ thuộc vào kiến thức và kỹ năng lao động. Để nâng cao năng xuất lao động, việc học tập, trang bị kiến thức liên tục là điều mà xã hội đang rất quan tâm (theo quan điểm của Unesco về học tập suốt đời).
Dịch bệnh Covid đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội toàn cầu trong hai năm qua, nhưng cũng là điều kiện quan trọng để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong tất cả mọi hoạt động, giúp chính phủ, doanh nghiệp, trường học và người dân không ngừng kết nối, duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh và dân sinh… chính vì vậy, việc học tập liên tục được duy trì thông qua hệ thống học tập trực tuyến đã đảm bảo mọi người có nhu cầu đều có thể trang bị được kiến thức cần thiết.
Theo GS Trần Ngọc Thêm: “Văn hóa là hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn…”. Chúng ta thấy rằng: Giá trị nghệ thuật kiến trúc, cảnh quan luôn gắn liền với bản sắc văn hóa của từng dân tộc; các sản phẩm quy hoạch và kiến trúc trong quá khứ, hiện tại và tương lai luôn phản ánh quan điểm, ý thức hệ về xây dựng và phát triển kinh tế xã hội, văn hóa và thể chế của từng quốc gia. Việc thúc đẩy xã hội không ngừng học tập, trau dồi kiến thức chuyên môn, khoa học công nghệ, am hiểu các giá trị truyền thống, quy hoạch kiến trúc hiện đại và khoa học công nghệ… góp phần xây dựng các sản phẩm có giá trị, gìn giữ văn hóa và tạo lập bản sắc. Chính vì vậy, nhu cầu về cập nhật kiến thức liên tục đối với nhà quản lý, người làm chuyên môn và người dân là bắt buộc để có những sản phẩm có giá trị. Nhiều quốc gia phát triển đã xây dựng khái niệm phát triển nghề nghiệp liên tục (Continuing Professional Development): Đây là quá trình dài hạn, liên tục nhằm giúp các nhà quản lý, KTS, người dân quan tâm… nâng cao kiến thức và kỹ năng để ứng dụng vào quá trình hành nghề.
Ở Việt Nam, Nghị định số 85/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 17/7/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc, trong đó nêu rõ nghĩa vụ phát triển nghề nghiệp liên tục của KTS thông qua việc tham gia các khóa huấn luyện, nghiên cứu, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm… đã khẳng định được tính đúng đắn, góp phần đảm bảo giá trị văn hóa, xã hội, kinh tế và môi trường đô thị theo hướng bền vững. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế:
- Các chương trình hội thảo vẫn chưa thật sự được kiểm soát về nội dung và chất lượng do chưa có thang đánh giá về chất lượng và tính hiệu quả thông qua chương trình đào tạo;
- Việc các chứng chỉ CPD nếu không đảm bảo tính hiệu quả và thu hút sự quan tâm của đối tượng quản lý, nhà thiết kế, người dân để thật sự có ích cho quá trình hành nghề của họ, dần dần sẽ trở thành hình thức và không có đóng góp (thậm chí là phản tác dụng).
- Các chương trình đào tạo CPD chưa được triển khai đồng bộ và rộng khắp.
Như vậy, vấn đề cần đặt ra là: (1) Cần phải xây dựng và khai thác hiệu quả nền tảng kết nối số để các chuyên gia – KTS – nhà quản lý – nhà đầu tư – người dân… thường xuyên cập nhật thông tin khi có nhu cầu nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn; (2) cần lập kế hoạch để đầu tư, xây dựng các trung tâm nghiên cứu, nhất là khai thác nguồn lực từ viện quy hoạch kiến trúc, các công ty hàng đầu về thiết kế và đội ngũ giảng viên đại học; (3) Bằng các phương pháp tiếp cận, thu thập ý kiến và nhu cầu thực tiễn, xây dựng nhiều chương trình đào tạo, tự đào tạo do các KTS lành nghề, có uy tín lập nên các diễn đàn mở, dễ dàng tiếp cận và trao đổi thông tin; (4) Triển khai, ứng dựng công nghệ số trong quản lý quy hoạch đô thị và kiến trúc, từng bước sử dụng IoT trong quản lý giám sát quy hoạch và thiết kế kiến trúc; (5) xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành, các bài tham luận, chia sẻ kinh nghiệm để thuận tiện trao đổi, kết nối và học tập liên tục, mọi lúc, mọi nơi.
Nếu triển khai đồng bộ, đảm bảo được tính hiệu quả của chương trình phát triển nghề nghiệp liên tục, bản thân tôi tin rằng sẽ có nhiều thành tựu trong lĩnh vực quy hoạch và thiết kế kiến trúc, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
TS. KTS. Phan Bảo An
Giảng viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 05-2022)
The post Vai trò của phát triển nghề nghiệp liên tục (CPD) trong quản lý và thiết kế kiến trúc, quy hoạch appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/h2BrwZF
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét