Nghề kiến trúc là một nghề cần trách nhiệm cao đối với xã hội, đòi hỏi kiến thức sâu rộng về nhiều mặt, không chỉ khả năng thẩm mỹ, trí tưởng tượng, sự sáng tạo mà còn có kỹ năng quản lý kỹ thuật và hiểu biết pháp luật. Danh hiệu KTS là kết quả của một quá trình dài học tập, thực hành, cập nhật kiến thức liên tục và được cấp chứng chỉ hành nghề bởi các cơ quan quản lý hành nghề kiến trúc. Vì vậy, quản lý hành nghề kiến trúc có chất lượng là vấn đề chung đối với hầu hết các nước trên thế giới, các nước đã cơ bản thống nhất các tiêu chí để quản lý hành nghề kiến trúc, thông thường để được cấp phép hành nghề, KTS phải đạt các tiêu chí sau:
- Đạt tiêu chí bằng cấp, chuyên môn được đào tạo;
- Bảo đảm quá trình học tập, cập nhật, nâng cao kiến thức;
- Tuân thủ các Quy tắc đạo đức của nghề nghiệp.
Trong các yêu cầu trên, yêu cầu về học tập, cập nhật nâng cao kiến thức đã được chuẩn hóa ở phần lớn các nước trên thế giới, thường được sử dụng bằng thuật ngữ “Continuing Professional Development – viết tắt là CPD”, tại Việt Nam gọi là “Phát triển nghề nghiệp liên tục” (Theo Luật Kiến trúc). Hiện nay, các nước trong khối ASEAN đã ký Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ kiến trúc trong ASEAN, bài viết xin giới thiệu một số nét chính về tổ chức quản lý, thực hiện các hoạt động “Phát triển nghề nghiệp liên tục” của KTS tại một số nước trong khu vực Đông Nam Á và ở Việt Nam.
Phát triển nghề nghiệp liên tục của KTS hành nghề tại các nước Đông Nam Á
Tại Malaysia: Phát triển nghề nghiệp liên tục (CPD) là một quá trình học tập suốt đời nhằm duy trì, tăng cường hoặc nâng cao kiến thức và kỹ năng của KTS hành nghề, KTS đăng bạ và họa viên công trình đăng bạ để đảm bảo kiến thức và khả năng của họ liên quan đến nhu cầu của xã hội.
Tất cả các KTS hành nghề và KTS đăng bạ được yêu cầu bắt buộc phải đăng bạ lại hàng năm bắt đầu từ năm 2005. Việc hoàn thành mức điểm tối thiểu sẽ là điều kiện để gia hạn chứng chỉ và đăng bạ.
Theo đó, các KTS hành nghề và KTS đã đăng bạ phải hoàn thành 10 điểm CPD, trong đó, ít nhất 5 điểm CPD phải “kiếm” được từ các sự kiện liên quan đến kiến trúc. KTS hành nghề phải hoàn thành tối thiểu 10 điểm CPD mỗi năm, KTS đăng bạ phải hoàn thành tối thiểu 6 điểm CPD mỗi năm, Họa viên công trình đăng bạ phải hoàn thành ít nhất bốn 4 điểm CPD mỗi năm. Tất cả các KTS hành nghề, KTS đăng bạ từ 65 tuổi trở lên chỉ cần hoàn thành tối thiểu 5 điểm CPD cho việc gia hạn đăng ký hàng năm; các KTS hành nghề của nước ngoài tại Malaysia được yêu cầu phải hoàn thành tối thiểu 5 điểm CPD, trong khi KTS đăng bạ yêu cầu tối thiểu là 2 điểm CPD.
Điểm CPD được quy định không giới hạn điểm tối đa, số điểm CPD dư thừa tích lũy cho mỗi năm có thể được chuyển sang năm sau tiếp theo; việc tham dự các sự kiện không được công nhận là CPD, KTS có thể trình đơn xin công nhận sự kiện lên Cục KTS Malaysia.
Malaysia cũng có các quy định miễn trừ CPD, KTS chuyên nghiệp, KTS đăng bạ và họa viên công trình đăng bạ có thể xin miễn các yêu cầu CPD bằng cách nộp đơn lên Cục nêu rõ các lý do cùng với tài liệu minh chứng, Cục KTS Malaysia sẽ tiếp nhận trước ngày 1/12 của năm trước gia hạn đăng bạ.
Tại Singapore, về cơ bản các hoạt động CPD tương tự Việt Nam. Tuy nhiên, điểm khác biệt là Singapo có công nhận các tổ chức thực hiện CPD (Việt Nam quy định có 3 nhóm tổ chức được thực hiện các hoạt động CPD: Tổ chức nghề nghiệp về kiến trúc, cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo về kiến trúc). Điển hình, Ủy ban CPD của Singapore đã công nhận tổ chức (thuộc Chính phủ và phi Chính phủ) như sau: Hiệp hội Kỹ sư Tư vấn Singapore (ACES), Hội đồng Anh (BC), Cơ quan Xây dựng và Xây dựng (BCA), Trung tâm các TP đáng sống (CLC), Trung tâm Sinh thái và Cây xanh Đô thị (CUGE), Ban Nhà ở và Phát triển (HDB), Liên minh quốc tế về khả năng tương tác, Tổng công ty JTC, Cơ quan giao thông vận tải đất (LTA), Đại học Công nghệ Nanyang, Trường Kỹ thuật Xây dựng và Môi trường (NTU), Cơ quan Môi trường Quốc gia (NEA), Hội đồng An toàn Quốc gia Singapore, Đại học Quốc gia Singapore (NUS), Pertubuhan Akitek Malaysia (PAM), Hội đồng Công trình Xanh Singapore (SGBC), Hiệp hội Di sản Singapore (SHS), Viện kiến trúc cảnh quan Singapore (SILA), Viện quy hoạch Singapore, Viện Khảo sát và Định giá Singapore (SISV), Hiệp hội năng lượng bền vững của Singapore (SEAS), Học viện Luật Singapore (SAL), Viện kiến trúc Nhật Bản (JIA), Hội đồng Design Singapore (DSg)…
Hằng năm, các KTS hành nghề tại Singapo phải tích đủ một số điểm CPD nhất định. Tuy nhiên, tháng 4/2020, Hội đồng KTS Singapo (BOA) đã công bố giảm các yêu cầu CPD để phù hợp với tình hình đại dịch COVID-19. Theo đó, BOA công bố trong nỗ lực không ngừng để hỗ trợ các KTS, các yêu cầu về CPD sẽ giảm một nửa trong năm 2021.
Tại Philipines: Các yêu cầu về CPD rất cao, bất chấp sự phản đối và kiến nghị của công chúng, Luật Phát triển hành nghề chuyên nghiệp liên tục năm 2016 (RA 10912) vẫn tồn tại, do Thượng nghị sĩ Antonio F. Trillanes IV bảo trợ. Theo đó, KTS hành nghề được yêu cầu phải đạt 45 điểm CPD hằng năm để gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc ba năm một lần.
Vì lý do yêu cầu điểm CPD khá cao, Ủy ban Quy chế hành nghề chuyên nghiệp đã phê duyệt các hướng dẫn hoạt động để thực hiện RA 10912 với nhiều cách để kiếm điểm CPD. Theo quy định này, các cuộc tham quan, triển lãm thiết kế, bảo tàng, di sản, thậm chí cả các công việc xã hội – công dân có thể được cộng điểm, các giấy tờ chứng minh có thể là chứng chỉ, biên lai, thẻ lên máy bay, vé vào cửa, số ID, chụp ảnh… Tất cả các KTS hành nghề phải duy trì một chương trình “Phát triển nghề nghiệp liên tục” một cách có trách nhiệm. Tất cả các tổ chức đều có thể trở thành nhà cung cấp dịch vụ CPD khi được Hội đồng CPD Philipines công nhận.
Tại Brunei, Quy định về “Phát triển nghề nghiệp liên tục” (Guidelines on continuing professional development (CPD) for surveyors, engineers and architects) được quy định chung cho nghề kiến trúc, kỹ sư, khảo sát thị trường (gọi chung là Chuyên gia). Brunei cũng tổ chức thực hiện công nhận các tổ chức được phép thực hiện CPD, theo quy định này, các tổ chức phải nộp đơn cho Tổ chức công nhận ít nhất 2 tháng trước ngày công nhận. Nếu thỏa mãn các điều kiện cốt lõi của nghề và các chủ đề nâng cao về phát triển kiến thức sẽ được công nhận là Tổ chức thực hiện các hoạt động CPD.
Điểm CPD được tính theo các sự kiện CPD, mỗi sự kiện được quy đổi ra một số điểm nhất định. Các chuyên gia có thể tham gia và tích điểm CPD không giới hạn. Tuy nhiên, khi tính tổng điểm CPD sẽ chỉ được chấp nhận một số điểm CPD tối đa được phép mỗi năm, còn lại được chuyển tiếp cho năm sau. Các chuyên gia được yêu cầu phải có tối thiểu mười 10 điểm CPD/02 năm. Trong một số trường hợp, các chuyên gia được miễn CPD, ví dụ: Người từ 60 tuổi trở lên, người đã từng là Chủ tịch của PUJA (Brunei), cán bộ Chính phủ – Cấp Cục trưởng trở lên, các trường hợp khác do khác do cơ quan có thẩm quyền quyết định…
Các nước trong khối ASEAN đã cơ bản thực hiện việc quản lý hành nghề kiến trúc thông qua các quy định về “Phát triển nghề nghiệp liên tục”. Dẫn đầu là các nước: Malaysia, Sinhgapore, Philipines, Brunei. Mới đây, Việt Nam đã ban hành quy định quản lý về “Phát triển nghề nghiệp liên tục” tại Điều 23 Luật Kiến trúc là các hoạt động cập nhật, duy trì, tăng cường, nâng cao kiến thức, kỹ năng của KTS hành nghề và các tổ chức xã hội – nghề nghiệp về hành nghề kiến trúc, cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo về kiến trúc tổ chức thực hiện. Các nước còn lại trong khối ASEAN hiện đang trong quá trình xây dựng các quy định quản lý về “Phát triển nghề nghiệp liên tục”.
Tổ chức hoạt động Phát triển nghề nghiệp liên tục của KTS hành nghề tại Việt Nam
Tại Việt Nam, Luật Kiến trúc được Quốc hội khóa XIV đã quy định “Phát triển nghề nghiệp liên tục” của KTS hành nghề gồm hoạt động cập nhật, duy trì, tăng cường, nâng cao kiến thức, kỹ năng của KTS hành nghề. Tổ chức xã hội – nghề nghiệp về hành nghề kiến trúc, cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo về kiến trúc tổ chức thực hiện và đánh giá các hoạt động phát triển nghề nghiệp liên tục của KTS hành nghề. Các nét chính trong quá trình thực hiện các hoạt động CPD tại Việt Nam từ khi Luật Kiến trúc có hiệu lực như sau:
Lợi ích của hoạt động CPD đối với KTS và xã hội
Đối với nghề kiến trúc, hầu hết các nước đều coi việc liên tục học tập, phát triển chuyên môn kiến trúc là một quá trình học tập suốt đời, duy trì, tăng cường kiến thức và khả năng liên tục của KTS hành nghề nhằm đảm bảo trách nhiệm nghề nghiệp của KTS đối với xã hội. Việc “Phát triển nghề nghiệp liên tục” được coi như là nghĩa vụ, vì lợi ích công một số nước bắt buộc.
Hoạt động CPD giúp cho KTS hành nghề liên tục cập nhật kiến thức và kinh nghiệm về pháp luật, quy định chuyên ngành, kỹ thuật công nghệ mới, các trào lưu xu hướng kiến trúc mới và kỹ năng hành nghề, nhờ đó:
- KTS liên tục nâng cao năng lực và kỹ năng hành nghề;
- Chất lượng dịch vụ kiến trúc được nâng cao;
- Kinh tế xã hội phát triển nhờ có sản phẩm dịch vụ kiến trúc tốt;
- Cuộc sống, công việc của KTS hành nghề được cải thiện.
Theo quy định của Liên đoàn KTS quốc tế UIA, các thành viên phải dành thời gian để duy trì các kỹ năng hiện có và mở rộng kiến thức.
Theo Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ kiến trúc trong ASEAN, các KTS đều phải đáp ứng quy định về “Phát triển nghề nghiệp liên tục” của các nước sở tại, đây là một trong các điều kiện bắt buộc để Ủy ban kiến trúc ASEAN công nhận các KTS đạt tiêu chuẩn “KTS ASEAN”. Đến nay, Việt Nam đã được công nhận 37 KTS đạt tiêu chuẩn “KTS ASEAN” .
Đứng trước các đòi hỏi từ thực tiễn để nâng cao chất lượng dịch vụ kiến trúc cũng như các đáp ứng các yêu cầu hội nhập quốc tế đối với nghề kiến trúc, Luật Kiến trúc đã ban hành quy định về việc “Phát triển nghề nghiệp liên tục” đối với KTS hành nghề nhằm đáp ứng các đòi hỏi nêu trên.
Các cơ quan tổ chức thực hiện các hoạt động CPD
Tại Điều 23 Luật Kiến trúc quy định: Phát triển nghề nghiệp liên tục gồm các hoạt động cập nhật, duy trì, tăng cường, nâng cao kiến thức, kỹ năng của KTS hành nghề. Theo đó, các tổ chức thuộc 03 nhóm: (1) Tổ chức xã hội – nghề nghiệp về hành nghề kiến trúc; (2) cơ sở nghiên cứu; (3) cơ sở đào tạo về kiến trúc được phép tổ chức thực hiện các hoạt động và đánh giá các hoạt động phát triển nghề nghiệp liên tục của KTS hành nghề.
Tại Khoản 1 Điều 24 Nghị định số 85/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc (viết tắt là Nghị định 85/NĐ-CP) đã quy định chi tiết hơn các hoạt động Phát triển nghề nghiệp liên tục của KTS hành nghề bao gồm: Tham gia các khóa tập huấn về chuyên môn, pháp luật; hội nghị, hội thảo, tọa đàm, diễn đàn; chương trình khảo sát, tham quan học tập về lĩnh vực kiến trúc và liên quan; viết sách, bài trên sách, báo, tạp chí chuyên ngành kiến trúc, viết chuyên đề tham luận hội nghị, hội thảo về kiến trúc; tham gia khóa học tập, nghiên cứu sau đại học về lĩnh vực kiến trúc; tham gia giảng dạy đại học, sau đại học và các khóa tập huấn chuyên môn về lĩnh vực kiến trúc; nghiên cứu, sáng chế khoa học trong lĩnh vực kiến trúc được công nhận; đạt Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia.
Tuy nhiên, tại Khoản 2 Điều 24 Nghị định 85/NĐ-CP quy định Tổ chức xã hội nghề nghiệp, cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo về kiến trúc chỉ thực hiện một số hoạt động phát triển nghề nghiệp liên tục, bao gồm: Tổ chức các khóa tập huấn về chuyên môn, pháp luật; hội nghị, hội thảo, tọa đàm, diễn đàn; chương trình khảo sát, tham quan học tập về kiến trúc và liên quan. Các cơ quan tổ chức các hoạt động này có trách nhiệm xác nhận việc tham gia hoạt động phát triển nghề nghiệp liên tục của các cá nhân bằng văn bản theo mẫu quy định tại Phụ lục V của Nghị định 85/NĐ-CP làm cơ sở để cá nhân lập hồ sơ đề nghị gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc (quy định tại điểm b khoản 3 Điều 24 Nghị định 85/NĐ-CP).
Ngoài ra, KTS có thể tự tích điểm thông qua các hoạt động còn lại theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị định 85/NĐ-CP, khi gia hạn Chứng chỉ hành nghề kiến trúc, KTS tự kê khai và quy đổi điểm số cho các hoạt động CPD theo mẫu đơn số 2 Phụ lục III Nghị định 85/NĐ- CP và các tài liệu chứng minh làm cơ sở cho cơ quan cố thẩm quyền xem xét gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc.
Việc tính và quy đổi điểm số CPD
Theo quy định tại khoản 5 Điều 24 Nghị định 85/NĐ-CP, Hội KTS Việt Nam là cơ quan được giao xây dựng, ban hành Bảng phương pháp tính điểm phát triển nghề nghiệp liên tục chi tiết đối với các hoạt động phát triển nghề nghiệp liên tục của KTS hành nghề sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng. Theo đó, Hội KTS Việt Nam đã có Quyết định số 04/QĐ-KTSVN ngày12/01/2021 quy định chi tiết bảng tính điểm phát triển nghề nghiệp liên tục đối với các hoạt động phát triển nghề nghiệp liên tục của KTS hành nghề.
Tại Quyết định số 04/QĐ-KTSVN, các hoạt động CPD theo quy định tại Khoản 1 Điều 24 Nghị định số 85/NĐ-CP sẽ được tính điểm căn cứ theo các tiêu chí về: Nội dung, hình thức, thời lượng (Quy định 6 giờ hoạt động CPD tương đương thời lượng 1 ngày; 1 giờ có tối đa 10 phút nghỉ giải lao). Đặc biệt, nếu KTS tham dự lần thứ hai vào cùng một hoạt động được tổ chức lại trong cùng một năm sẽ không được tính điểm CPD.
KTS hành nghề có thể tự tính và đánh giá điểm CPD của mình đối với các hoạt động: Viết sách, bài trên sách, báo, tạp chí chuyên ngành kiến trúc; viết chuyên đề tham luận hội nghị, hội thảo về kiến trúc; tham gia khóa học tập, nghiên cứu sau đại học về lĩnh vực kiến trúc; tham gia giảng dạy đại học, sau đại học và các khóa học, tập huấn chuyên môn về lĩnh vực kiến trúc cho KTS hành nghề; nghiên cứu, sáng chế khoa học trong lĩnh vực kiến trúc được công nhận; đạt Giải thưởng Kiến trúc Quốc tế, Quốc gia theo Phụ lục 2 của Quyết định số 04/QĐ-KTSVN.
Điều kiện được công nhận là bảo đảm “Phát triển nghề nghiệp liên tục” khi thực hiện gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 24 Nghị định 85/NĐ-CP, KTS hành nghề phải đáp ứng yêu cầu phát triển nghề nghiệp liên tục hằng năm thông qua hình thức tích lũy tối thiểu là 04 điểm CPD. Đối với trường hợp các KTS hành nghề trên 60 tuổi chỉ cần phải đạt tối thiểu là 02 điểm CPD.
Cá nhân đạt vượt mức yêu cầu thì được chuyển kết quả phát triển nghề nghiệp liên tục sang năm kế tiếp. Cá nhân chưa đạt mức yêu cầu thì phải hoàn thành phần kết quả phát triển nghề nghiệp liên tục còn thiếu trong năm kế tiếp. Như vậy, điểm CPD có thể chuyển tiếp từ năm trước qua năm kế tiếp (và ngược lại), như vậy trong 2 năm KTS hành nghề phải tích được 8 điểm CPD (4 điểm đối với KTS trên 60 tuổi). Có thể hiểu rằng nếu KTS để mất 2 năm liên tiếp không có điểm CPD thì không bảo đảm việc điều kiện về CPD, khi đó không đủ điều kiện thực hiện việc gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc và phải chuyển sang hình thức xin “cấp mới” chứng chỉ hành nghề kiến trúc – phải thi lại sát hạch (Điều 28 Luật Kiến trúc).
Đánh giá các hoạt động CPD
Theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Luật Kiến trúc, tổ chức xã hội – nghề nghiệp về hành nghề kiến trúc, cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo về kiến trúc tổ chức thực hiện các hoạt động phát triển nghề nghiệp liên tục và đánh giá phát triển nghề nghiệp liên tục của KTS hành nghề.
Tuy nhiên, Điều 27 Luật Kiến trúc quy định Cơ quan chuyên môn về kiến trúc thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền cấp, gia hạn, thu hồi, cấp lại chứng chỉ hành nghề kiến trúc. Việc bảo đảm phát triển nghề nghiệp liên tục sẽ được xem xét đánh giá khi xem xét gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc. Như vậy, cơ quan chuyên môn về kiến trúc thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan cuối cùng xem xét việc bảo đảm phát triển nghề nghiệp liên tục khi thực hiện thủ tục gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc.
TS.KTS Tạ Quốc Thắng
Thư ký Ủy ban giám sát của Việt Nam để thực hiện
Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ kiến trúc trong ASEAN
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 05-2022)
The post Vấn đề “Phát triển nghề nghiệp liên tục” của KTS hành nghề tại một số nước Đông Nam Á và Việt Nam appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/ZqVdDOg
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét