Nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương (1924-2024) – nơi đào tạo thế hệ các KTS Việt Nam đầu tiên và 85 năm ngày mất của Victor Tardieu (1937-2022) – người sáng lập trường Mỹ thuật Đông Dương, chúng ta cùng nhìn lại chặng đường đã qua của ngôi trường danh tiếng này. Lịch sử của trường cùng với những người sáng lập, thầy và trò của nhà trường là phần không thể tách rời với lịch sử hình thành kiến trúc đô thị Hà Nội…, có lẽ, đây cũng là cách để Người Hà Nội và các thế hệ KTS Hà Nội bày tỏ sự trân quý những người mở đường cho Kiến trúc Việt Nam hiện đại?
Nhằm đẩy mạnh khai thác thuộc địa, sau thế chiến I (1914-1949), chính quyền thực dân Pháp tại Hà Nội đã tổ chức một cuộc Hội chợ triển lãm lớn tại Hà Nội, nằm tại vị trí nay là Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội (91 phố Trần Hưng Đạo), dân gian vẫn gọi là “Nhà Đấu xảo”. Hội chợ triển lãm đầu tiên chính thức mở cửa ngày 3/11/1902, đóng cửa ngày 30/6/1903. Ngoài sản vật của 3 nước Đông Dương, triển lãm có nhiều gian trưng bày từ các nước: Pháp, Nhật, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Myanmar… thể hiện trình độ phát triển công, nông, thương nghiệp của các nước cũng như giới thiệu tài khéo Việt Nam. Bên cạnh máy móc châu Âu, sản vật tài nguyên châu Á được trưng bày còn có mỹ thuật, hệ thống giáo dục, văn hóa các địa phương, các hội thảo khoa học… sau đó mở cửa 2 năm / lần tại Hà Nội và trở thành sự kiện Kinh tế – Văn hóa – Xã hội lớn của nhiều vùng trải dài tới châu Âu, Bắc Phi. Sau Hội chợ – Triển lãm, các hiện vật trưng bày lưu trong tòa nhà trung tâm và nơi đây trở thành Bảo tàng Nông Công Thương nghiệp (Bảo tàng Đấu xảo) cho đến khi bị bom phá hủy năm 1943 (Theo tư liệu của cụ Nguyễn Văn Uẩn trong sách Hà Nội cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20)
Trong Bảo tàng Đấu xảo có gian trưng bày các tác phẩm hội họa đem từ Pháp sang. Năm 1920, họa sĩ Tardieu được Giải thưởng “Đông Dương về hội họa” trị giá 1.000 F và 2 vé khứ hồi tham quan Đông Dương. Ông tới Hà Nội năm 1921 và “phải lòng” xứ sở này nên ở lại “lâu hơn dự kiến” làm việc trang trí cho các công thự với mức lương 450 F”. Ông nói về tình cảm của mình: “Tôi rất yêu mến người An Nam (Việt Nam). Tôi muốn giúp họ tìm lại diện mạo thực sự của họ”. Ông đã đề xuất với chính quyền Pháp tại Đông Dương thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương, đồng thời cũng là Hiệu trưởng đầu tiên của ngôi trường này cho tới khi ông qua đời (năm 1937)
Trong cuốn “Thế hệ KTS Việt Nam đầu tiên” do Hội KTS Việt Nam biên soạn 2008 cho biết: Trường Mỹ thuật Đông Dương chiêu sinh khóa đầu tiên năm 1925 có 270 người ứng tuyển đã chọn được 10 sinh viên Mỹ thuật và 2 sinh viên kiến trúc. Khoa kiến trúc thành lập năm 1926 do KTS Arthur Kruze làm Chủ nhiệm cùng các KTS: Louis Goorges Pineau, Gaston Roger… tham gia giảng dạy. Họ là công chức trong các cơ quan Chính phủ thuộc địa kiêm nhiệm, như KTS Ernest Hesbrard tới Hà Nội 1921, năm 1924 đảm nhiệm Giám đốc đầu tiên Sở Kiến trúc Đông Dương, chủ trì Quy hoạch Hà Nội, Đà Lạt, ông là người khởi xướng phong cách kiến trúc Á Đông (còn gọi là Kiến trúc Đông Dương)… Các KTS có xu hướng tiến bộ này đã đào tạo thế hệ KTS đầu tiên thiên về nghệ thuật sáng tạo.
Giai đoạn từ 1925-1946, trường đào tạo 17 khóa (có 4 khóa chưa trọn vẹn) với hơn 200 sinh viên tốt nghiệp Mỹ thuật và Kiến trúc. Các họa sĩ, KTS tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương đã lập nên những trang sử vàng Mỹ thuật – Kiến trúc Việt Nam hiện đại và xây dựng nền móng cho nghệ thuật hội họa, điêu khắc, mỹ thuật ứng dụng, kiến trúc cho cả hai miền đất nước Việt Nam trong thời gian chia cắt (1954-1975).
Hoạ sĩ Victor Tardieu (1876 -1937) với vai trò là Người sáng lập, Hiệu trưởng đầu tiên, cũng là người thu hút một cộng đồng các hoạ sĩ/ KTS/ các nhà khoa học ưu tú của nước Pháp tới ngôi trường mà danh tiếng không chỉ tại Hà Nội, Đông Dương mà còn vang xa cả vùng Á – Âu thời đó. Họ thuộc thế hệ tri thức tiên phong của thế giới đầu thế kỷ 20, đã trải qua các cuộc thảo luận canh tân nghệ thuật trong bối cảnh phát triển kinh tế – xã hội toàn cầu cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Tại nước Pháp, trong khu vực của Học viện nghệ thuật và các ngành nghề, năm 1894 đã ra đời Bảo tàng Xã hội, nơi thu hút các chính khách cấp tiến, chuyên viên kỹ thuật cao, viên chức cao cấp tranh luận về nhà ở công nhân và lan rộng sang những vấn đề xã hội trong quy hoạch đô thị… tiến tới việc hình thành Hiệp hội các nhà quy hoạch đô thị Pháp (SFU-1913). Trong các cuộc tranh luận canh tân xã hội không thể thiếu vắng các nhà khoa học, các nghệ sĩ, hoạt động văn hóa trẻ tuổi… Nhiều người trong số họ vượt qua những rào cản ngay tại chính quốc đến các lãnh thổ Pháp hải ngoại để thực hành ý tưởng mới. Và, Hà Nội – Việt Nam là điểm đến thích hợp. Không thể kể hết danh sách những nhà khoa học suất sắc từ khảo cổ, y sinh học, nhân chủng, địa chất, địa lý nhân sinh tới những ngành công kỹ nghệ… đã đến với Việt Nam lúc bấy giờ. Hầu hết các họa sĩ / KTS danh tiếng đã kề vai góp sức cùng Victor Tardieu để tạo dựng Trường Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội, nơi đón thế hệ thanh niên Việt Nam vốn được thừa hưởng văn hóa phương Đông sâu đậm, vừa trải qua phong trào Duy Tân sôi sục, nay lại tiếp nhận văn hóa phương Tây cấp tiến, coi trọng sự sáng tạo và tự biện của sinh viên. Trường đào tạo theo chương trình của Trường Mỹ thuật Quốc gia Paris, đặc biệt khoa Kiến trúc là cơ sở đào tạo KTS duy nhất của Pháp tại nước ngoài, các KTS tốt nghiệp có quyền hành nghề tại Pháp và Đông Dương. Chương trình đào tạo tổng quát phần Kiến trúc có nội dung đào tạo những sinh viên “có ý thức xã hội”, vượt xa quan điểm cổ hủ phân chia đẳng cấp/thực dụng “Khai hóa thuộc địa” của chính quyền thực dân đương thời – Đó là nhờ can đảm phi thường của Victor Tardieu đã kiên trì đấu tranh mà có.
Các họa sĩ, KTS Việt Nam tới đây tiếp nhận những tư tưởng cấp tiến đôi khi còn vượt trội hơn tại chính quốc. Những KTS Việt Nam tốt nghiệp khóa đầu tiên đã thiết kế các biệt thự trên đường phố Hà Nội mang đậm phong cách Kiến trúc Đông Dương, họ còn tiên phong trong thực hành Kiến trúc phụng sự xã hội với thực nghiệm “Ngôi nhà Ánh Sáng” nhằm cung cấp nhà ở giá rẻ hợp vệ sinh cho cộng đồng nghèo tại Hà Nội. Từ Hà Nội tới Sài Gòn, các KTS sớm dấn thân đã kiến tạo Lễ đài Độc Lập trong những ngày đầu cuộc cách mạng của Dân tộc. Một số KTS tiền bối đã theo “cụ Hồ” đi kháng chiến kiến quốc. Trên chiến khu Việt Bắc, các KTS đã tạo dựng những ngôi nhà, phòng hội họp tranh tre nứa lá giản dị mà rất khang trang đậm chất dân tộc. Tiếp quản Thủ đô, các KTS bắt tay vào xây dựng những trụ sở các cơ quan, trường Đại học , khu nhà ở tập thể, công viên… khởi tạo nền móng vững chắc của Kiến trúc Việt Nam hiện đại với chi phí tối ưu, vật chất tối giản, tính hữu dụng và chất cảm tối đa. Tại Sài Gòn, các KTS Việt Nam thế hệ đầu tiên cũng đã tạo nên một phong cách “Kiến trúc Nhiệt đới” trong các công trình công cộng và nhà ở đặc sắc, ảnh hưởng mạnh mẽ trong tiến trình phát triển Kiến trúc hiện đại, giàu tính bản địa của Kiến trúc Đông Nam Á. Những trí thức Việt Nam giàu lòng yêu nước học tập tại trường Mỹ thuật Đông Dương, được các trí thức phương Tây cấp tiến dẫn dắt cùng với người Hiệu trưởng khả kính, họ đã trở thành “Thế hệ Vàng” của nền Mỹ thuật – Kiến trúc Việt Nam hiện đại. Nghiên cứu lịch sử hình thành ngôi trường với thế hệ thầy và trò giai đoạn này, TS Phạm Long đã nhận định: “Với những đóng góp to lớn của Victor Tardieu, ông hoàn toàn xứng đáng là một danh nhân văn hóa – người đại diện tiêu biểu cho mối giao lưu văn hóa Pháp – Việt trong nửa đầu thế kỷ 20”. Năm 1944, một con phố mang tên “Phố Victor Tardieu” nay là đoạn cuối phố Trần Quốc Toản từ phố Yết Kiêu nối với phố Lê Duẩn chạy dọc theo tòa nhà chính của trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, hiện tại đang bị bít kín bởi trạm biến thế điện. Trong bản Quy hoạch phân khu Ga Hà Nội, con đường này sẽ được mở thông và hy vọng sẽ được mang lại tên của vị hiệu trưởng đầu tiên, người mở đường cho Mỹ thuật – Kiến trúc Việt Nam bước vào thế giới mới hiện đại, trong xu hướng toàn cầu hóa.
KTS Trần Huy Ánh
Ủy viên BCH Hội KTS Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 05-2022)
The post Victor Tardieu – Người sáng lập trường Mỹ Thuật Đông Dương với việc đào tạo thế hệ KTS Việt Nam đầu tiên appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/UZWlHRp
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét