Biến đổi khí hậu (BĐKH) là sự thay đổi của khí hậu do tác động trực tiếp, hoặc gián tiếp từ các hoạt động của con người, làm thay đổi các thành phần của khí quyển, được quan sát trong một chu kỳ thời gian dài. BĐKH làm cho nhiệt độ các đại dương tăng lên, băng tan hai đầu cực dẫn đến hạn hán, bão lụt ngày một tăng, mực nước biển cũng dần tăng cao, các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày một nhiều, đe dọa trực tiếp cuộc sống của hàng trăm triệu người trên toàn thế giới. Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH toàn cầu. Theo dự báo, tình hình BĐKH, nước biển dâng (NBD) diễn biến ngày càng phức tạp làm cho thiên tai, sự cố ở nước ta xảy ra với tần suất cao, cường độ mạnh có thể gây thiệt hại nặng nề đối với các công trình hạ tầng cơ sở, quá trình phát triển kinh tế, tài sản và tính mạng con người.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có vị trí quan trọng đặc biệt về an ninh, quốc phòng của nước ta. Trong lịch sử cũng như hiện tại, địa bàn luôn luôn có vị thế địa lý – chính trị vô cùng quan trọng, liên quan mật thiết đến sự hưng thịnh, tồn vong của đất nước. Tuy nhiên, hiện nay, dưới tác động của BĐKH, khu vực ĐBSCL đang chịu các hậu quả nặng nề trên nhiều mặt của các hoạt động kinh tế xã hội và an ninh, quốc phòng. ĐBSCL là một trong 3 đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất trước thảm họa thiên tai, là một trong những vùng chịu tác động nặng nề nhất tại nước ta bởi BĐKH và NBD.
Với chức năng là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất, bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, Quân đội đã luôn tích cực, chủ động chuẩn bị ở các cấp, từng lực lượng với nhiều phương án nhằm góp phần chủ động ứng phó phòng chống thiên tai, ứng phó sự cố, cứu hộ cứu nạn và thích nghi với BĐKH. Do vậy việc nghiên cứu thiết kế nhà ở chiến sĩ trong doanh trại quân đội thích ứng với nước biển dâng là một yêu cầu cấp thiết nhằm ứng phó với BĐKH, có tính thực tiễn cao, góp phần cho doanh trại trên địa bàn ĐBSCL chủ động ứng phó tại chỗ; đồng thời có ý nghĩa cơ bản, lâu dài trong việc góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng, an ninh biên giới, phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia nói chung và địa bàn ĐBSCL nói riêng.
Kịch bản nước biển dâng do BĐKH tại ĐBSCL
ĐBSCL thuộc lãnh thổ Việt Nam và nằm trong lưu vực sông Mekong bao gồm 13 tỉnh thành là: Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau.
Theo kịch bản BĐKH của Việt Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm ở nước ta tăng khoảng 3 – 40C, tổng lượng mưa năm và lượng mưa mùa mưa tăng, trong khi đó lượng mưa mùa khô giảm, mực nước biển có thể dâng khoảng 75cm đến 1m so với thời kỳ 1980-1999. Nếu NBD từ 73cm – 100cm vào năm 2100 sẽ có 39% diện tích đất đai ĐBSCL ngập lụt, 35% dân số chịu ảnh hưởng xấu do thời tiết phức tạp, ngày một cực đoan hơn, không theo qui luật thông thường.
Kịch bản RCP4.5 – Bảng 1, RCP6.0 – Bảng 2 và RCP8.5 – Bảng 3 dự báo các doanh trại quân đội đóng quân tại các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau và Sóc Trăng vào những năm 2030, 2040 có khả năng bị ngập do NBD.
Nghiên cứu, thiết kế doanh trại quân đội cấp phân đội thích ứng với điều kiện BĐKH khu vực ĐBSCL đã cho thấy Khu vực ĐBSCL có thể chia thành 3 khu vực:
- Khu vực không bị ảnh hưởng: Được hiểu là khu vực xây dựng không bị ảnh hưởng của NBD do BĐKH, hoặc nguy cơ bị ngập do lũ sông Mekong;
- Khu vực bị ngập do nước biển dâng chịu ảnh hưởng của BĐKH: Được hiểu là nước biển dâng dưới tác động của BĐKH đã ảnh hưởng đến việc xây dựng và sử dụng công trình trong doanh trại quân đội;
- Khu vực bị ngập nước do lũ sông Mekong: Được hiểu là dưới tác động ngập nước do lũ sông Mekong đã ảnh hưởng đến việc xây dựng và sử dụng công trình trong doanh trại quân đội.
Theo dự báo đến năm 2040, các đơn vị có nguy cơ bị ngập do NBD và bị ngập nước do lũ sông Mekong thuộc khu vực ĐBSCL như sau:
- Khu vực bị ngập do NBD chịu ảnh hưởng của BĐKH gồm: Các đơn vị nằm trong các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau và Sóc Trăng;
- Khu vực bị ngập nước do lũ sông Mekong gồm: Các đơn vị nằm trong các tỉnh An Giang và Đồng Tháp.
Giải pháp thiết kế nhà ở chiến sĩ tại ĐBSCL thích ứng với NBD do BĐKH
a) Lựa chọn cốt cao độ nền nhà ở chiến sĩ
Để đảm bảo các hạng mục chính sử dụng bình thường, cốt cao độ nền các hạng mục chính phải cao hơn đỉnh lũ sông Me Kong; mực NBD, NBD+triều cường (do bão, áp thấp nhiệt đới):
- Khu vực bị ngập nước do lũ sông MêKong: Các đơn vị nằm trong các tỉnh An Giang và Đồng Tháp. Các hạng mục chính trong các đơn vị ở các tỉnh trên yêu cầu phải có cốt cao độ nền cao hơn đỉnh lũ cao nhất hàng năm. Hiện các công trình trên cơ bản có cốt cao độ nền doanh trại cao hơn đỉnh lũ sông Me Kong hàng năm, do trong nhiều năm phải đối phó với lũ lụt do sông Me kong nên các đơn vị đã lựa chọn khu vực doanh trại cao hơn đỉnh lũ, hoặc đã có biện pháp xây kè, tôn nền cho khu vực doanh trại.
- Khu vực bị ngập do NBD chịu ảnh hưởng của BĐKH: Các đơn vị nằm trong các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau và Sóc Trăng.
Cốt cao độ nền nhà phải đảm bảo cao hơn mực NBD, đồng thời phải cao hơn mực NBD kết hợp với triều cường (do bão và áp thấp nhiệt đới), thủy triều. Mực nước biển dâng theo kịch bản RCP8.5 (kịch bản BĐKH và NBD cho VN_2016) tại Mũi Kê Gà-Mũi Cà Mau năm 2010 là: 73(48÷105)cm. Nhằm đảm bảo an toàn cho sử dụng các hạng mục công trình chính trong doanh trại lấy cốt cao độ nền so với nền đất tự nhiên hiện tại là 105cm.
Để ứng phó với thủy triều và triều cường khi có bão hoặc áp thấp nhiệt đới đồng thời đảm bảo tiết kiệm kinh phí, cần thiết phải thiết kế sàn phòng của nhà ở chiến sĩ là sàn nhẹ có thể nổi theo mực nước biển lên xuống do triều cường.
b) Cấu tạo kiến trúc nhà ở chiến sĩ 1 tầng (Hình 2.Giải pháp nhà ở chiến sĩ thích ứng với BĐKH và NBD khu vực ĐBSCL)
- Móng, cột: Kết cấu móng có khả năng chịu lực trước tác động của gió bão, bền chắc không hư hỏng khi ngập úng lâu ngày. Sử dụng vật liệu bê tông cốt thép (BTCT) có độ bền cao, khả năng chịu tải lớn, đảm bảo an toàn.
- Nền, sàn: Sử dụng mô hình nhà kê nền trống chân; phần hành lang nền, sàn BTCT cố định, gắn liền với tường cột, không bị tác động lên xuống bởi nước lũ; sử dụng sàn nổi làm từ vật liệu bê tông xốp dày 50cm, không liên kết cứng với tường, có khả năng nâng được trên 200kg/m2 theo mực nước dâng mà không phá hủy kết cấu. Tức là với diện tích khoảng 10m2 sàn sẽ nâng được trên 2 tấn đồ đạc, vật dụng…Khi nước dâng quá phần chống chân, sàn sẽ tự nổi lên theo mực nước, mang theo tài sản bên trên. Giải pháp sàn nổi dễ thi công, độ bền cao, chi phí thấp, giúp tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
- Dầm, tường, vách: Dầm bê tông cốt thép (BTCT), các thanh dầm bố trí khe để thanh liên kết giữa sàn và hệ thống khung đỡ mái đi qua kết hợp với tường gạch bê tông khí chưng áp ACC có trọng lượng nhẹ; cách nhiệt, chống nóng và chống thấm tốt, thân thiện với môi trường. Kích thước gạch lớn nên thi công nhanh, giảm chi phí vôi vữa; trọng lượng nhẹ hơn giúp giảm áp lực cho nền móng.
- Tấm chắn mưa: Các tấm Polycarbonate dày 4mm, có trọng lượng nhẹ và tuổi thọ cao; độ dài theo lưới cột, có chức năng che chắn và ngăn mưa tạt khi hệ mái được đẩy lên theo nước dâng.
- Hệ khung, kèo nâng mái: Làm từ vật liệu gỗ, cấu trúc linh hoạt do tỉ lệ độ bền trên trọng lượng cao và khả năng hỗ trợ các tỉ lệ về sức nặng cũng như độ dài tương ứng. Các thanh khung gỗ liên kết với khung kèo nâng mái, khi sàn nổi nâng lên theo nước dâng sẽ đẩy thanh liên kết cùng hệ mái dâng lên. Sử dụng vật liệu gỗ trong kết cấu mái cũng làm tăng tính thẩm mĩ và chất cảm cho công trình.
- Mái nhà: Vật liệu mái sử dụng tấm lợp sinh thái, là hỗn hợp làm từ nhựa Bitum với sợi hữu cơ tổng hợp. Đặc điểm của tấm lợp sinh thái là thân thiện với môi trường, trọng lượng nhẹ chỉ 3.4kg/m2; chống nóng, chống ồn; không rỉ sét, không thấm nước; không bị bể vỡ, móp méo trong quá trình vận chuyển; dễ dàng thi công. Tại một số vị trí trên mái bố trí ô lấy sáng làm bằng tấm Polycarbonate dày 4mm, có trọng lượng nhẹ và tuổi thọ cao; phía dưới các ô lấy sáng là lam chắn nắng định hướng tránh nắng rọi khi nghỉ trưa.
Kết luận
BĐKH là nguy cơ thực sự và ngày càng rõ rệt, do đó hành động ứng phó với BĐKH của quân đội nói chung và của các đơn vị tại ĐBSCL nói riêng là yêu cầu bắt buộc để đảm bảo sự bền vững và sẵn sàng hoạt động có hiệu quả đối với các công trình quốc phòng, bảo vệ sức khỏe bộ đội và duy trì sự ổn định của hoạt động quân sự, cũng như các hoạt động cứu hộ, cứu nạn khi có bão lũ, triều cường, nước biển dâng do biến đổi khí hậu; đảm bảo hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao.
Giải pháp thiết kế nhà ở chiến sĩ thích ứng với NBD do BĐKH tại ĐBSCL là rất cấp thiết góp phần cùng với các giải pháp ứng phó với BĐKH khác đảm bảo cho bộ đội hoàn thành nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống, là lực lượng nòng cốt cứu hộ cứu nạn thực hiện có hiệu quả theo phương châm “ bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai: Bão lũ, nước biển dâng, áp thấp nhiệt đới… gây ra.
TS.KTS Nguyễn Ngọc Thành
Ths.KTS Lã Toàn Thắng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2022)
Tài liệu tham khảo
1. Chính phủ (2018), Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 15/11/2018,về Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội;
2. Chính phủ (2017), Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 – Về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, Hà Nội;
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2016), Kịch bản Biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam, Hà Nội;
4. Bộ Tài nguyên và Môi trường – Bộ Khoa học và Công nghệ (2014), Nghiên cứu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới sức khoẻ, bệnh tật của lực lượng vũ trang và đề xuất giải pháp y sinh học khắc phục (Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp Nhà nước về biến đổi khí hậu – KHCN-BĐKH/11-15, mã số BĐKH.06), Hà Nội.
5. Bộ Khoa học và Công nghệ (2010), Nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu đến các yếu tố và hiện tượng khí hậu cực đoan ở Việt Nam, khả năng dự báo và giải pháp chiến lược ứng phó (Chương trình KHCN cấp nhà nước KC08/06-10, mã số KC08.29/06-10), Hà Nội.
The post Giải pháp thiết kế nhà ở chiến sĩ Vùng Ðồng bằng sông Cửu Long thích ứng với nước biển dâng do biến đổi khí hậu appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/pi43KIJ
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét