Nằm ở một khu vực vắng vẻ phía Tây của Kyoto, Saihoji là một trong những khu vườn chùa cổ nhất ở Nhật Bản – Một trong 17 di sản văn hoá thế giới ở Kyoto. Một bên dựa vào Koin zan (Hồng Ẩn sơn), một bên là Suối Saihoji, con suối cạnh chùa được lấy luôn tên của chùa để đặt. Với tổng diện tích 1.7ha, Saihoji vốn dĩ lấy tên gọi ban đầu là Tịnh Độ Tự. Muso Soseki quốc sư (1275 – 1351) khi xây dựng chùa ở đây, lấy ý từ một câu danh ngôn của Thiền tông “Tổ sư từ Tây, cành Thơm năm lá” mà đổi tên thành Tây Phương Tự (Saihoji).
“Hoa rêu như hạt thóc
Cũng học mẫu đơn khai”
Viên Mai
Saihoji vốn dĩ là một biệt thự của Shotoku thái tử, dựng ở Matsuo, phía Tây Kyoto. Tới thời kỳ Nara thì nơi đây được biến đổi thành chùa. Saihoji cũng như rất nhiều các khu vườn khác của Nhật Bản, cũng gặp không ít lần thiên tai nhân hoạ, nhưng có lẽ với chùa thì những thiên tai nhân hoạ đó lại là một điều may mắn! Những gì có thể trông thấy của chùa Saihoji bây giờ cũng đã được cải tạo khá nhiều so với nguyên bản từ những gì mà Thiền sư Muso Soseki tạo ra. Thời kỳ Meiji, khi Phật giáo bị đàn áp, chùa càng trở nên hoang phế, có lẽ vì vậy mà từ đó về sau chùa trở thành một không gian đặc biệt: Khi xưa cảnh quan vườn sơ khởi là cát trắng phối với thông xanh, đến giờ tầng sam và bách ở phía trên đan cài vào nhau làm cho mặt đất chỉ hứng được những luồng nắng yếu ớt tạo ra một thảm rêu xanh lục. Một tấm thảm tự nhiên bằng rêu điểm những đốm nắng mờ nhảy nhót, trải dài trên những khoảng trống dưới tán cây, phô bày trên mặt đất. Chính vì thế người ta giờ chỉ còn nhớ đến cái tên khác của chùa là chùa Rêu, còn tên thực sự của chùa là gì chắc cũng không mấy người để ý.
Chậm lại để nhìn và thấy
Đại bộ phận các danh thắng đều có thể tham quan miễn phí hoặc với mức phí gần như không, riêng Saihoji là một công trình chùa có thu phí tham quan đắt nhất Nhật Bản. Không những đắt mà còn không dễ đến lượt đăng ký vào tham quan – Bởi cách thức đặt vé quá ư “cầu kỳ”: Số người thăm quan bị giới hạn không quá 50 người một lượt và chỉ gói gọn trong vòng 1 giờ đến 1 giờ 30 phút. Có lẽ căn nguyên chính là ở chỗ hệ sinh thái của rêu rất dễ bị tổn thương, chính bởi vì thế, người ta có lý khi áp dụng các quy định hơi khắt khe để bảo vệ cho một “miền Tịnh độ” còn sót lại, từ năm 1977 chùa bắt đầu để chế độ đăng ký tham quan bằng thư tay (sau này khách thăm qua cũng có thêm một lựa chọn nữa bằng thư điện tử). Vườn Saihoji không mở cho trẻ em dưới 12 tuổi, trừ một số ngày đặc biệt trong năm. Việc trao đổi thông tin bằng những lá thư tay như một lời nhắn nhủ rằng chùa muốn giữ một khoảng cách với mọi sự tiện lợi và chóng vánh. Chỉ một chút níu lại, sự kiên nhẫn sẽ xuất hiện những cơ hội cho bất cứ ai, vì niềm tin đó mà người Nhật đến tận giờ vẫn duy trì được thói quen gửi tặng nhau những bức thư tay, những dòng bưu thiếp mỗi dịp cuối năm – Đó cũng là một trong những phương thức giữ gìn truyền thống một cách “từ tốn”.
Quả thực việc có thể nhận được thư đồng ý từ chùa sẽ mất khá nhiều thời gian và có thể gây nên cảm giác phiền. Thay vì thái độ thấy phiền toái trong thời điểm hiện tại, thì câu chuyện trở nên hoàn toàn khác nếu đón nhận bằng một tâm thái “có vẻ cũng thú vị”. Hãy sẵn sàng khi bước chân vào chùa không phải là được tham quan ngay khuôn viên của chùa mà với bất cứ ai khi vào tham quan, đầu tiên sẽ được phát một cây bút lông ngay tại cổng. Sau khi bước vào chính điện, mỗi một người đều phải ngồi vào để… chép kinh. Hiện nay còn có cả phiên bản tiếng Anh cho người không biết chữ Hán. Nội dung đơn giản đó là Kinh thập cú Quan âm diên mệnh. Kinh chép xong được đặt trên ban thờ rồi mới được bước tiếp vào bên trong. Thời gian chép kinh và thăm quan vỏn vẹn một giờ, cùng lắm là 1 giờ 30 phút. Việc ngồi chép kinh trước khi có thể tham quan được chùa là một hình thức bắt chúng ta thanh tẩy tự thân mình.
Tĩnh lặng hơn, bớt ồn ào hơn trước khi bước vào một thế giới của tinh thần. Trải nghiệm này gần như không thể bắt gặp được ở bất cứ đâu, bất cứ không gian vườn nào khác ở Nhật Bản. Có lẽ với thời đại mà mọi thứ đều nhanh, gấp, thì việc thư đi từ lại để nhận được một vé tham quan một di tích có lẽ là một điều vô cùng xa xỉ, hay trải nghiệm việc chậm lại trước Phật điện chép kinh để rồi bước vào không gian tham quan thực là một điều không tưởng.
Bố cục không gian
Vườn chùa Saihoji phân làm hai không gian chính, vườn trên và vườn dưới. Phía trên là vườn Khô sơn thuỷ (Vườn khô – Kure sansui), phía dưới được cấu tạo theo thức Trì tuyền hồi du (Đây là phương thức tổ chức vườn cảnh là một không gian khép kín, người ta có thể thưởng thức vườn cảnh theo một quá trình dịch chuyển quanh vườn).
Khu vườn phía dưới là mặt hồ nhân tạo, nước được dẫn vào bên trong. Trong hồ có trồng một vài khóm sen, một biểu tượng để chỉ nước Tám công đức trong Tịnh độ tông. Hồ được tạo hình thành chữ Tâm, được coi là Hồ Hoàng kim, trên hồ phân bố ba hòn đảo hình dạng khác nhau nhưng cùng được liên kết bằng các cây cầu nhỏ. Ba hòn đảo nhỏ này tượng trưng cho ba hòn đảo tiên: Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu. Ngoài ra, Thiền sư Muso Soseki còn thiết kế điện Xá lợi phía Đông Bắc và phía Nam dựng hai đình, lấy tên là Đàm Bắc đình và Tương Nam đình. Tương Nam đình là một trà thất, bên ngoài trông như một thảo am, đơn giản mà thô phác. Thảo am hiện nay do bậc thầy làm vườn và cũng là Trà thánh của Nhật Bản là Sen no Rikyu (1522-1591) xây dựng. Thảo am được dựng bằng một hình thức tự nhiên chất phác, dùng luôn các cây gỗ, chỉ tước bỏ vỏ để làm kết cấu khung, trúc, lau làm bờ tường, những vật liệu sử dụng cực kỳ giản đơn để kiến tạo một sự thảnh thơi, thanh tịnh mà nền nã. Kết cấu được nâng hẳn lên khỏi mặt đất, vừa có tác dụng phòng ẩm, vừa làm kiến trúc biểu lộ rõ nét duyên mềm mại. Trôi trên hồ có hai con thuyền nhỏ, các con thuyền này mang tính biểu tượng cho Phật pháp cũng như những con thuyền đưa người ta từ bên bờ này sang bờ khác.
Phía vườn trên là tổ hợp khô sơn thuỷ có Hướng thượng quan, Chỉ Đông am, tổ hợp đá hang Lăng Già, Túc viễn đình. Quần thể Khô sơn thuỷ, quần thể đá có thể xem như là một tác phẩm kinh điển trong các khu vườn cảnh Nhật Bản. Để có thể đi lên vườn trên, hai không gian trên dưới được phân tách bằng một cổng mang tính tượng trưng tên là cổng Hướng thượng quan, có 49 bậc (phía vườn trên hiện nay không mở cho khách tham quan). Vườn chùa Saihoji đương nhiên phần quan trọng thuộc về phía khu vườn Khô sơn thuỷ- nơi ngài Muso toạ thiền. Mang cảnh giới thiền chạm tới sự tĩnh lặng, khu vườn vẫn có sự hoa lệ rực rỡ của thế giới Tịnh độ, đồng thời vẫn lưu giữ trầm tịch thanh u của Thiền tông. Cả khu vườn được thiết lập theo độ dốc của sườn núi. Thiền cảnh và Tịnh độ tư tưởng kết hợp với nhau trở thành một thủ pháp đặc biệt về mặt tinh thần này về sau được rất nhiều các danh gia tạo vườn đều mô phỏng theo. Cả hai không gian là hai ý cảnh hoàn toàn khác nhau.
Rêu
Người Nhật là một dân tộc có tình cảm đặc biệt với Rêu. Trong Tác đình ký – một tác phẩm sớm nhất nói về việc làm vườn ở Nhật Bản từng viết: “Người Tống nói, đá ở vách núi hay bên sông, đá rơi nơi vách hiểm hang sâu ấy, vốn trước đã thành. Đá rơi thân đầu vị trí khác nhau, hoặc đứng hoặc nằm, trải bao năm tháng, sắc biến rêu sinh. Đấy chẳng phải là điều con người làm, mà là biến hoá từ trời sinh vậy” Người Nhật cũng tin rằng rêu chính là được sinh ra từ đá. Trong Hoà ca tập cũng từng nói rằng: “Từ đá nhỏ biến đá lớn, cho tới khi đá lớn sinh rêu xanh”. Rêu xanh thường xanh, như vận nước trường tồn. Rêu xanh cũng mang hàm ẩn của sự biến đổi vô cùng của trời đất.
Trên thế giới có chừng hơn 20 ngàn loại rêu, Nhật Bản hiện có chừng hơn 1800 loại. Riêng trong vườn chùa đã có sinh trưởng khoảng 120 loài rêu khác nhau. Cả không gian vườn đều được phủ bởi một lớp thảm lục nhung, êm dầy như một thế giới mộng mị. Một mầu xanh mềm mại như lụa phủ lên trên tất cả. Có thể thấy nhiệt độ, ánh sáng, nước ở đây có lẽ phải đạt được tới một sự cân bằng kỳ tích mà chỉ có thiên nhiên ban tặng mới có thể tác thành. Nguyên do cũng vì chùa nằm ở sát suối, độ ẩm cao, thường xuyên mây mù che phủ. Saihoji rêu len vào khắp chốn, từ bên hồ, trên thềm, mỗi một hòn đá, mỗi một con đường đều một màu rêu xanh. Mỗi một không gian lại có những loại rêu khác nhau, những thảm lục xanh được sinh trưởng ở khắp chốn, đã khiến cho đá không còn là đá, đường không còn là đường mà chúng được đan cài lại thành một.
Tuy nhiên, cấu trúc của vườn phải tới năm 1339 khi Muso Soseki kiến tạo nên mới thành hình như bây giờ. Muso Soseki đưa tư tưởng thiền của ông chạm vào tư tưởng của vườn chùa Saihoji. Dùng đá tọa thiền để hiểu thấu đạo của thiền, lấy đá khô sơn thuỷ biểu hiện ý khó khăn trong việc tham thiền, khuyên người đời lễ Phật, cho đạt đến được chân lý. Vườn của chùa được phân bố các loại đá như Tam trùng thạch, Ảnh hưởng thạch, Dạ bạc thạch cho tới Nham đảo, Quy đảo, Hạc đảo, Vụ đảo, Triêu nhật đảo, Tịch nhật đảo. Dùng đá, dùng rêu ẩn dụ cho đại thiên thế giới, ấn chứng tư tưởng lấy nhỏ mà biểu đạt những điều lớn lao. Đấy cũng là một phần của nghệ thuật kiến trúc vườn cảnh Nhật Bản. Lịch sử đổi thay, cũng là một phần bởi tự nhiên và sự lựa chọn con người. Nhất kỳ nhất hội – mỗi một lần gặp gỡ là một lần duy nhất, mỗi vật, mỗi thời điểm đều có vẻ đẹp của riêng nó.
Vẻ đẹp của khoảnh khắc và vĩnh hằng
Khi thiên nhiên quay trở lại bằng những trận lũ lụt thì khu vườn vốn từ không có nước trở thành có dòng chảy vào, rồi chiến tranh thiêu đốt, làm cho vườn trở nên hoang tàn, thậm chí không có người tới ghé thăm, chính bởi vì thế mà rêu mới có cơ hội phủ khắp không gian vườn chùa.
Con người tạo nên vườn, nhưng rồi thời gian, thiên nhiên trở thành người tiếp quản nó. Lịch sử hơn cả ngàn năm, lịch sử của vườn gần bảy trăm năm, khắp cả vườn là ngàn mét rêu xanh phủ, người ta cũng không còn có thể phân định được đâu là rêu được trồng từ ban đâu, đâu là tự nhiên mang tới nữa. Rêu là một sinh vật có sức cạnh tranh yếu, không dễ mà có thể phát triển được trong một không gian lớn. Nhưng xét đến cùng, nếu không có chủ trương của Muso Soseki” “Cỏ cây đất đá, đều trở thành Phật” làm nền tảng từ đầu để quyết định thái độ của tăng nhân đối với không gian đó thì… Không loại bỏ, mà nuôi dưỡng. Tạo ra vườn; nếu nói rằng đó là tài năng của con người, chi bằng coi đó là một sản phẩm mà tự nhiên đã tham gia kiến tạo.
Tường – rêu – đá, cùng với sự đổi thay của thời gian cũng chính là bóng dáng của con người đối thoại cùng với tự nhiên. Rêu trở thành một thứ mỹ học, mà ở đó không còn biên giới giữa sự trường tồn vĩnh hằng là đá và những sự nhỏ bé, khoảnh khắc nhất thời của Rêu! Nét chạm trổ của thời gian – Rêu tuy là yếu ớt nhưng cũng đầy sức mạnh bởi sự khiêm cung và nhẫn nhịn, sự lựa chọn được đúng thời điểm, đúng nơi thích hợp của mình để sinh trưởng. Sự tĩnh lặng của không gian, tự nó đã hình thành một khoảng cách với thế giới.
Sử dụng rêu như một ngôn ngữ quan trọng trong việc kiến tạo vườn đã trở thành một mỹ học đặc biệt của Nhật Bản mà khó có nơi nào đạt đến được. Thuận theo cung đường tham quan, khắp nơi đều là một mầu xanh lục, phủ đầy trên thân cây, trên đá, trên thềm. Những đá và sỏi khi xưa Muso Soseki kiến tạo giờ cũng đã phủ đầy rêu xanh. Những chiếc cầu nhỏ nối ra đảo cũng phủ đầy rêu, một biển rêu xanh…
Kết ngữ
Sự đẹp đẽ tại một khoảnh khắc bắt nguồn từ dòng chảy của thời gian, vẻ đẹp thăm thẳm của thảm rêu khẽ chạm vào sự vô tận của tĩnh lặng. Có lẽ sự tương đồng của rêu cũng như tuyết trắng, khi tuyết trắng phủ đầy trên mặt đất thế giới hoàn toàn chuyển sang một cảnh sắc khác thường. Rêu xanh liên kết các bến bờ, khoả lấp những sự phân cách. Chúng ta sử dụng ngôn ngữ, lý luận, văn minh, bản sắc… làm phương thức để ngăn cách chính mình với thế giới tự nhiên, thì thiên nhiên ở đây khi cất lên tiếng nói chúng làm tan đi những sự phân tách đó.
Muso Soseki sinh ở thời chiến loạn, một đời theo đuổi việc quy ẩn rừng núi, đạm bạc danh lợi. Nhưng cuộc đời không phải cứ muốn đạm bạc danh lợi mà đạm danh bạc lợi được! Cả đời ông gắn liền với những sự băn khoăn trong việc tu thiền và những phân tranh trong đời sống hiện thực. Vừa muốn ẩn cư nơi rừng núi, chẳng bàn thế sự; một phương diện khác lại mong muốn cứu đời giúp người. Có lẽ những khắc khoải của ông cũng như khắc khoải của bao người. Tuy nhiên những mâu thuẫn nội tâm đó có lẽ cũng là một phần trong các động cơ ông kiến tạo nên các không gian vườn cảnh như vậy.
Núi non không được mất, được mất ở lòng người! Có lẽ ngôi chùa này không phải chỉ có 1300 năm lịch sử mà ở đó thiên nhiên đã mang đến một món quà Rêu để xoá tan đi những phân biệt, không có gì là trường tồn, không có gì là hoàn mỹ. Hơn ba trăm năm, việc dọn lá trên rêu trở thành một phần việc tu hành của các tăng sỹ ở chùa.
…Một buổi nọ, trong vườn hoa anh đào nở, Muso đang quét dưới cây. Có vị tiểu tăng hỏi ông: Sao không để tiểu tăng quét? Ông chỉ cười mà không đáp lại gì cả.
Nguyễn Sử
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2022)
Tài liệu tham khảo:
– 宮元健次. (1998). 図説 日本庭園のみかた. 学芸出版社.
– 枡野俊明. (2014). 心に美しい庭をつくりなさい。. 講談社.
– 立原正秋. (1984). 日本の庭. 新潮社.
– 白幡洋三郎. (2012). 京都の古寺 庭[にわ]を読み解く. 淡交社.
– 小埜雅章. (2016). 図解 庭師が読みとく作庭記山水并野形図. 学芸出版社.
The post Khi thiên nhiên lên tiếng – Vườn chùa Rêu – Saihoji appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/EFoKhtl
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét