Trước thềm Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2022 – 2023, Tạp chí Kiến trúc xin chia sẻ tới bạn đọc cuộc phỏng vấn với KTS Lê Cao Anh – Người nhận giải Đồng thể loại Kiến trúc nhà ở – hạng mục Nhà ở nông thôn của mùa giải trước để trao đổi về suy nghĩ, quan điểm của anh. KTS cho biết: “Nhiệm vụ của KTS chính là kiến tạo một khung cảnh chuyển đổi êm dịu và hài hòa”.
PV: Chào anh, anh có thể chia sẻ cảm xúc khi đạt giải đồng Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2020 – 2021 với công trình “Nhà Quỳnh Hậu”?
Chào bạn, LAB Concept và chủ đầu tư rất vui khi đạt Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia – Giải thưởng quan trọng nhất về kiến trúc của Việt Nam.
PV: Anh hãy chia sẻ thêm về công trình “Nhà Quỳnh Hậu”?
Công trình “Nhà Quỳnh Hậu” nằm trong chuỗi công trình nhà ở nông thôn mới do LAB Concept và Luxxy Việt Nam thực hiện thiết kế, xây dựng.
Ở góc nhìn nào đó, tiến trình chuyển dịch từ “nhà nông thôn truyền thống” sang “nhà phố nhập khẩu” khó có thể đảo ngược. Người kiến trúc sư không thể “đòi hỏi” người dân phải giữ lại phong cảnh xưa cũ ẩn dật, ấm êm. Nhiệm vụ của kiến trúc sư ở đây chính là kiến tạo một khung cảnh chuyển đổi “êm dịu”, hài hòa. Và Nhà Quỳnh Hậu đã làm được điều đó.
Theo nhu cầu sử dụng của chủ đầu tư, khối tích dự kiến của công trình khá lớn (khoảng 400m2). Điều đó có thể tạo ra một công trình đồ sộ, phá vỡ bối cảnh xung quanh với những nếp nhà nhỏ xinh xắn ở vùng quê miền Trung có khí hậu khắc nghiệt.
LAB Concept đã đưa ra một giải pháp đảm bảo hài hòa với khung cảnh xung quanh, đồng thời thích ứng với khí hậu gió nóng, mưa bão. Toàn bộ không gian chức năng của công trình được tổ hợp dưới một bộ mái lớn nhưng lại tạo cảm giác của ba nếp nhà nhỏ có kích thước tương đương với các căn nhà khác trong làng. Đường nét tạo hình của bộ mái cũng ăn nhập với hình ảnh những dãy núi cách đó không xa.
PV: Theo anh những yếu tố nào cần có tạo nên thành công của một công trình?
Cá nhân tôi nghĩ: Sự “phù hợp” với “nơi chốn” là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thành công của một công trình.
PV: Chủ đề Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia năm nay đề cao yếu tố “Kiến trúc xanh”, theo anh xu hướng này đã biến đổi như thế nào trong những năm gần đây?
Bản thân “Kiến trúc xanh” đã bao hàm những yếu tố cần thiết đối với công trình kiến trúc. “Kiến trúc xanh” cũng rất “mở” đối với sự sáng tạo của mỗi kiến trúc sư nên “Kiến trúc xanh” chưa cần biến đổi!
PV: Anh có suy nghĩ như thế nào về vai trò và trách nhiệm của KTS trong việc gìn giữ và phát huy văn hóa bản sắc, bản địa?
“Bản sắc” vốn là một tiêu chí được nhiều kiến trúc sư Việt Nam coi trọng, hướng đến và theo đuổi nhiều năm qua. Thường công trình kiến trúc thể hiện rõ đặc trưng của nơi chốn. Tuy nhiên, người KTS cũng cần sáng tạo và đổi mới để bắt kịp các xu thế tiên tiến và sự phát triển của thời đại.
PV: Anh nhìn nhận như thế nào về ý nghĩa và sức lan tỏa của Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia nói chung?
Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia là giải thưởng quan trọng của giới kiến trúc sư Việt Nam.
PV: Theo anh, Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia có cần thay đổi, điều chỉnh gì để phù hợp với sự phát triển của nền kiến trúc hiện nay?
Tôi chưa nghĩ nhiều về vấn đề này. Nếu có suy nghĩ đóng góp và xây dựng tôi sẽ chia sẻ sau – ở một dịp khác. Cảm ơn bạn!
Theo Phương Thảo/Kienviet.net
Xem thêm: Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2022-2023
The post KTS Lê Cao Anh: Nhiệm vụ của KTS chính là kiến tạo một khung cảnh chuyển đổi “êm dịu”, “hài hòa” appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/aDIWAeG
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét