Sáng ngày 23/12/2022, tại Văn miếu Quốc tử giám đã diễn ra Lễ trao Giải thưởng Loa Thành lần thứ 34 (năm 2022) vinh danh các đồ án xuất sắc nhất của sinh viên khối ngành Xây dựng và Kiến trúc trên cả nước. Hội đồng thuộc chuyên ngành Kiến trúc – Quy hoạch năm nay đã quyết định trao giải cho 33 đồ án, trong đó có 02 giải Nhất, 08 Giải Nhì, 09 Giải Ba và 14 Giải Khuyến khích.
Giải thưởng Loa Thành lần thứ 34 – 2022 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đảm nhiệm Chủ tịch luân phiên Hội đồng giải thưởng, Tổng hội Xây dựng Việt Nam là cơ quan thường trực giải thưởng. Được phát động từ tháng 8/2022, Ban Tổ chức Giải thưởng đã nhận được 182 đồ án tham gia của sinh viên 23 trường Đại học trên cả nước. Một số trường có số lượng đồ án dự thi đông như: ĐH Kiến trúc Hà Nội (34 đồ án), ĐH Kiến trúc TP.HCM (31 đồ án), ĐH Xây dựng Hà Nội (27 đồ án). Trong số 182 đồ án dự thi, có 111 đồ án chuyên ngành Kiến trúc – Quy hoạch, 34 đồ án Xây dựng dân dụng – công nghiệp, 05 đồ án Kinh tế và Quản lý xây dựng 10 đồ án Hạ tầng kỹ thuật và môi trường xây dựng, 09 đồ án Công trình giao thông đường thủy.
Ban Tổ chức giải thưởng đã thành lập 06 Hội đồng thành viên gồm 54 chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng, quy hoạch Hội đồng Giải thưởng Loa Thành năm 2022 đã lựa chọn 56 đồ án được trao Giải thưởng Loa Thành năm 2022, với 03 giải Nhất, 16 giải Nhì, 15 giải Ba, 22 giải Khuyến khích, trong đó có 02 giải Nhất, 08 Giải Nhì, 09 Giải Ba và 14 Giải Khuyến khích (33 đồ án đạt giải) thuộc chuyên ngành Kiến trúc, Quy hoạch.
Phát biểu tại Lễ trao giải, đồng chí Nguyễn Minh Triết, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Loa Thành lần thứ 34 năm 2022 đã tuyên dương tinh thần tham gia của sinh viên năm nay: “Có thể nói, Giải thưởng năm nay có chất lượng đồ án khá đồng đều, kỹ năng thể hiện tốt, đa phong cách, nhiều đồ án có phương pháp nghiên cứu phân tích khoa học, sử dụng dẫn chứng lịch sử – văn hóa công phu, logic. Các đồ án dự thi được trình bày chuyên nghiệp, tiếp cận với xu hướng của đồ án tốt nghiệp của các trường quốc tế. Các đồ án đạt giải có sự đa dạng về thể loại đề tài cũng như cách tiếp cận theo xu hướng đáp ứng nhu cầu thực liễn trong nước và cập nhật các xu hướng phát triển kiến trúc và quy hoạch, ứng dụng công nghệ xây dựng hiện đại trên thế giới; nhiều đồ án của sinh viên đã tập trung vào các vấn đề của xã hội như: Bền vững, xây dựng môi trường xanh, sử dụng năng lượng tái tạo …”
Kết quả Giải thưởng Loa Thành 2022 – Khối ngành Kiến trúc, Quy hoạch
02 giải nhất Giải thưởng Loa Thành 2022
1. Bảo tàng địa chất vùng đất đỏ Đông Nam bộ.
Tác giả: Nguyễn Trường Duy – ĐH Kiến trúc TP HCM
Nhận xét của HĐGK: Sinh viên đã đề xuất xây dựng một Bảo tàng địa chất để gìn giữ các giá trị địa chất phong phú của khu vực Đông Nam Bộ nói chung và đất đỏ Bazan nói riêng, giúp du khách có hình dung rõ nét về quá trình hình thành và giá trị tuyệt vời của đất đỏ. Cách đặt vấn đề hình thành đồ án của sinh viên khá nhân văn và mang tính thời sự – Đồ án đã nghiên cứu tận dụng yếu tố địa hình, khai thác bối cảnh tự nhiên để tạo nên một thiết kế ấn tượng nhưng vẫn có sự liên kết tốt giữa công trình và tự nhiên, khéo léo ẩn chứa trong đó hình tượng “quá khứ – hiện tại” để thể hiện ý niệm về mong muốn hồi sinh một mỏ đá bỏ hoang Tân Cảng.
2. Thiết kế kiến trúc cảnh quan phân khu trung tâm di tích chiến trường Điện biên Phủ
Tác giả: Lưu Dĩ Tường – ĐH Kiến trúc Hà Nội
Nhận xét của HĐGK: Tác giả có khả năng tổng hợp, phân tích, nghiên cứu với khối lượng rất toàn diện các khía cạnh về lịch sử, văn hóa, điều kiện tự nhiên, thực trạng phát triển của khu vực. Phương pháp tiếp cận và dẫn dắt tư duy mạch lạc, từ tổng thể đến chi tiết. Ý tưởng con đường kết nối di tích đã được hiện thực bởi các thủ pháp về thiết kế cảnh quan, nhóm tác giả đã tái tạo từng không gian di tích đơn lập (đang bị cô lập) trở thành một quần thể di tích sống động – Bức tranh hoàn chỉnh, hoành tráng về không gian di tích chiến trường Điện Biên Phủ, với các không gian đặc trưng (Không gian hào hùng – thương đau; Không gian hội tụ – văn hóa; Không gian vươn lên- khát vọng). Trong đó, nhiều giải pháp về thiết kế kiến trúc cảnh quan được nghiên cứu rất chi tiết, có tính nhân văn và khả thi.
08 giải nhì Giải thưởng Loa Thành 2022
1. Bảo tồn hệ thống giếng cổ Gio An – Quảng Trị
Tác giả: Bùi Thị Lan Anh, Nguyễn Hoàng Thành – ĐH Kiến trúc Hà Nội
Nhận xét của HĐGK: Đồ án được nghiên cứu rất bài bản, từ văn hóa vật thể đến văn hóa phi vật thể. Thiết kế tôn trọng hiện trạng (hệ thống cơ sở vật chất, dân cư, không gian cảnh quan) và tiếp nối văn hóa, từ đó, đề xuất những nhóm giải pháp mà những hoạt động lễ hội, lao động sản xuất canh tác, sinh hoạt cộng động được sống cùng kiến trúc vật thể – hệ thống giếng cổ Gio An. Các nhóm giải pháp đã chuyển hóa một hệ thống giếng cổ bỏ hoang trở thành một ngôi làng Di sản hấp dẫn. Đồ án còn có giá trị phát triển du lịch, tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống vật chất tinh thần của khu vực.
2. Nhà Dục Anh
Tác giả: Nguyễn Mạnh Cương – ĐH Kiến trúc Hà Nội
Nhận xét của HĐGK: Đồ án được nghiên cứu, thực hiện rất kỹ lưỡng và nghiêm túc. Sinh viên đã thành công khi tạo dựng nên một mô hình nhà ở cộng đồng mới có tính tổng hòa, trộn lẫn mô hình của một nhà trẻ S.O.S cho gần 80 trẻ mồ côi và 30 nhân viên điều dưỡng, theo mô hình cô nhi viện nhưng lại có bóng dáng của một gia đình bình thường và tác giả tự đặt tên riêng cho mô hình này là Nhà Dục Anh. Một điểm cộng nữa của đồ án là đã có sự quan tâm cần thiết đến yếu tố hài hòa và hòa nhập với ngoại cảnh. Ý tưởng đề xuất tạo dựng một trục không gian ký ức của công trình nối 3 điểm: Cổng làng cũ, nhà cổ (1914) và nhà thờ chính tòa Bùi Chu không những đã tạo dựng cho công trình một tuyến không gian công cộng rất đặc biệt có tính kết nối dẫn hướng mà còn rất phù hợp với các hoạt động chung ngoài trời cần có của cộng đoàn đặc biệt này.
3. Khu ở sinh thái Tây Tựu
Tác giả: Trần Hoàng Minh – ĐH Kiến trúc Hà Nội
Nhận xét của HĐGK: Cách đặt vấn đề về vị trí xây dựng và tính chất của đồ án hướng tới giải quyết hiện tượng gia tăng nhu cầu nhà ở và thiếu hụt các không gian công cộng; sự phát triển tự phát, thiếu bền vững; sự đứt đoạn giữa cũ và mới, giữa không gian bản sắc với đô thị hiện đại của một số làng nằm xen kẹt giữa các lối đô thị chưa kịp chuyển mình. Sinh viên đã thể hiện sự nghiên cứu kỹ về các lý thuyết tổ chức không gian ở trong bối cảnh hiện tại. Bố cục khối nhà khai thác tốt hướng gió cũng như hạn chế được tác động tiêu cực của bức xạ mặt trời. Thiết kế tạo hình mặt đứng tốt, tạo được sự sinh động thông qua hệ thống ban công cây xanh rộng. Đồ án tuy còn một số vị trí diện tích rộng chưa lý giải được hết công năng sử dụng và giải pháp đề xuất có thể sẽ khó phù hợp về chi phí xây dựng với bối cảnh nhà ở dành cho người dân làng Tây Tựu nhưng Hội đồng đánh giá cao khả năng nghiên cứu nghiêm túc của sinh viên và những đề xuất, sáng tạo mới đối với thể loại công trình chung cư.
4. Trung tâm trưng bày dấu tích tự nhiên sau ảnh hưởng mực nước biển dâng mũi Cà Mau
Tác giả: Trịnh Khánh Duy – ĐH Kiến trúc Hà Nội
Nhận xét của HĐGK: Đồ án thể hiện sự sáng tạo, tìm đến một hình ảnh riêng, khác biệt cho thể loại công trình trưng bày – bảo tàng. Công trình tạo hình ấn tượng từ hình khối bên ngoài đến tổ chức nội thất hiện đại bên trong với thủ pháp không gian và ánh sáng có chất bảo tàng trưng bày …. Một trong những ưu điểm của đồ án là việc sử dụng chất liệu đơn giản, thô mộc, thiên nhiên, khai thác tại chỗ thông qua sự chọn lựa, phối kết, màu sắc, chi tiết tôn thêm tính hiện đại và ấn tượng cho đồ án.
5. Mở rộng và cải tạo Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương HINCE HOM
Tác giả: Nguyễn Quốc Tiến – ĐH Kiến trúc Hà Nội
Nhận xét của HĐGK: Thành công ở đồ án này là tư duy nhất quán về cải tạo và mở rộng được thiết kế từ quy hoạch, không gian, kiến trúc công trình, cảnh quan … để bảo tồn, tôn vinh công trình cũ là Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương được xây dựng từ đầu thế kỷ 20 – mang phong cách kiến trúc Đông Dương. Thiết kế cố gắng giữ gìn công trình cũ về nguyên trạng, không gian cảnh quan phía trước hiện có, tạo ra không gian đệm, chuyển tiếp giữa Cũ và Mới. Sinh viên sử dụng tốt thủ pháp tương phản về hình thức kiến trúc giữa phong cách Đông Dương và Hiện đại. Thiết kế có tư duy tốt, tạo được tổng thể hài hoà, đảm bảo công năng sử dụng cho loại hình Viện nghiên cứu.
6. Công viên tái chế rác Nam Sơn
Tác giả: Vũ Văn Toàn, Đặng thị Tiên – ĐH Kiến trúc Hà Nội
Nhận xét của HĐGK: Đề tài mang tính xã hội, giải quyết những vấn đề hết sức bức xúc và cấp thiết của Thủ đô Hà Nội. Triết lý “Thể và Dụng” thực sự đúng với những giải pháp mang đến từ nhóm thiết kế. Rác không chỉ được tái chế thành những sản phẩm, mà còn tạo nên những tác phẩm, những giá trị thẩm mỹ cao, những không gian văn hóa nghệ thuật phục vụ cộng đồng. Đồ án có ý nghĩa nhân văn, mang đến một thông điệp bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức cộng đồng.
7. Không gian công cộng kết nối di sản đô thị (Sài gòn)
Tác giả: Phạm Nguyễn Trọng Nhân – ĐH Bách khoa TP HCM
Nhận xét của HĐGK: Đề tài giải quyết vấn đề cấp thiết và có tính khả thi đối với một không gian công cộng (KGCC) thuộc khu vực lõi của trung tâm Sài Gòn (Hồ con Rùa – Quảng trường công xã Paris – Quảng trường Nhà hát thành phố). Với cách tiếp cận tôn trọng hình ảnh di sản (công trình có bản sắc đặc trưng) và tái thiết lập mối quan hệ giữa Con người – đô thị- tự nhiên, trong đó KGCC đóng vai trò bao chứa và là cầu nối, nhóm tác giả đã đề xuất các giải pháp thiết kế đô thị, kiến trúc cảnh quan mang tính khả thi, giải quyết những hạn chế hiện nay trong sử dụng các không gian mở; Cải thiện hệ thống cây xanh để duy trì tiện nghi trong KGCC; Kết nối chức năng, hoạt động, lưu thông đi bộ, hình ảnh kiến trúc cảnh quan toàn tuyến và từng khu vực di sản.
8. Không gian trải nghiệm di sản đương đại gốm Mang Thít
Tác giả: Bùi Dương Uyên Nhi – ĐH Xây dựng Hà Nội
Mục đích chính của dự án là chuyển đổi công năng cho các lò gạch truyền thống thành một không gian trải nghiệm mới nhằm phát triển du lịch, thu hút cộng đồng, tạo cơ hội chuyển đổi sinh kế tốt hơn cho người dân địa phương ngay trên mảnh đất quê hương của mình bằng những di sản được kế thừa. Đồ án được định hướng tác động một phần đến công trình nguyên bản nhưng mang lại hiệu quả lớn. Tận dụng và giữ lại tuyệt đối đặc điểm gốc rễ đặc trưng của làng nghề gạch nung Mang Thít nhằm đưa ra những giải pháp kiến trúc đơn giản, thân thiện với cảnh quan xung quanh nhưng vẫn đạt hiệu quả mong muốn.
Giải thưởng Loa Thành là giải thưởng danh giá dành cho sinh viên khối ngày Kiến trúc & Xây dựng trong nước, tôn vinh những đồ án tốt nghiệp xuất sắc nhất của sinh viên do Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội KTS Việt Nam và Bộ Xây dựng đồng tổ chức. Trong suốt chặng đường 34 năm, Giải thưởng Loa Thành đã có gần 4000 đồ án tham dự, được tuyển chọn từ các đồ án tốt nghiệp xuất sắc của 23 trường có đào tạo ngành Kiến trúc & Xây dựng trong cả nước.
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2022)
The post Giải thưởng Loa thành lần thứ 34 (năm 2022) “Đồ án chất lượng – Đề tài đa dạng và thiết thực” appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/jm9U6sS
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét