Kiến trúc và điêu khắc là hai ngành nghệ thuật có rất nhiều điểm tương đồng, đồng thời cũng có sự khác biệt nhất định. Việc nghiên cứu để hiểu rõ cũng như phân biệt được sự khác nhau giữa kiến trúc và điêu khắc là rất cần thiết. Việc này sẽ giúp cho các KTS cũng như các nhà điêu khắc hoàn thành một cách mạch lạc hơn trong những công trình, tác phẩm của mình.
Kiến trúc và điêu khắc có chung mục đích và tư tưởng
Kiến trúc và điêu khắc cùng phản ánh nhận thức về cuộc sống xã hội, biểu đạt và giao lưu
iểu đạt và giao lưu là nhu cầu của con người, nó cũng quan trọng và cần thiết như một yếu tố để xã hội tồn tại và phát triển. Đối với các nghệ sĩ nói chung, cũng như KTS và điêu khắc gia nói riêng, họ đều muốn biểu đạt những nhận thức, tâm hồn, tình cảm của mình về thiên nhiên, con người… thông qua tác phẩm nghệ thuật. Và người xem, đứng trước tác phẩm của họ, sẽ cảm nhận được những tư tưởng, tình cảm đó. Nhờ mối giao lưu không lời này mà các tác phẩm nghệ thuật sống mãi, vượt qua không gian và thời gian.
Kiến trúc và điêu khắc cùng thỏa mãn ước vọng đi tìm cái đẹp
Luôn luôn hướng tới cái đẹp là một nhu cầu tinh thần mang tính bản năng của con người, nhu cầu này có đôi khi còn vượt lên cả những yếu tố ích lợi thực dụng. Con người luôn có ý thức về cuộc sống, luôn cảm nhận, tưởng tượng, hi vọng vươn tới những điều tốt đẹp nhất bằng một cách thức nào đó. Có thể thông qua quan sát sự vật, rồi hình dung, phát triển sự vật bằng trí tưởng tượng, để từ đó tạo được sự thỏa mãn về mặt tâm lí – Vì đi tìm cái đẹp mà con người đến với nghệ thuật! Sáng tác nghệ thuật là quá trình đưa vào tác phẩm những yếu tố tinh hoa được chắt lọc từ sự vật cụ thể thông qua trí tưởng tượng, sáng tạo của con người, để đạt được những hiệu quả về thẩm mĩ, hay còn gọi là quá trình mĩ hóa sự vật.
Kiến trúc và điêu khắc đều mỹ hóa môi trường, mỹ hóa cuộc sống
Con người luôn tìm cách làm đẹp mọi vật xung quanh mình, từ đồ dùng sinh hoạt cho đến nhà cửa, môi trường sống… Điêu khắc và kiến trúc là nghệ thuật có mầm mống từ thời tiền sử, khi con người bắt đầu biết sử dụng công cụ để đẽo gọt, chạm khắc tạo dựng và làm đẹp nơi ăn chốn ở. Mặt khác, kiến trúc và điêu khắc còn là loại hình nghệ thuật được vật chất hóa, có thể cảm nhận trực tiếp bằng thị giác, cảm giác và cả xúc giác, lại có thể tồn tại trong môi trường thiên nhiên cùng với mưa, nắng, gió… Vì vậy, điêu khắc và kiến trúc luôn chiếm vị trí quan trọng trong việc mỹ hóa môi trường, mĩ hóa cuộc sống và được mọi người dễ dàng đón nhận.
Kiến trúc và điêu khắc đều đem lại những kỉ niệm, giáo dục, truyền bá
Một trong những ý nghĩa xã hội lớn của điêu khắc và kiến trúc là mang tính tư tưởng của giai cấp, của chế độ xã hội. Người nguyên thủy tạo ra những hình tượng điêu khắc như tượng thần, hình nộm, hình nhân… là để tôn sùng, thờ cúng và là chỗ dựa tinh thần cho họ là chính chứ không hẳn là để nhìn ngắm. Họ cho rằng những hình tượng đó có thể bảo vệ, che chở họ trước những thế lực siêu nhiên. Về sau, giai cấp thống trị và tôn giáo đã lợi dụng sự mê tín đó để biến điêu khắc thành công cụ trấn áp thường dân và phô trương thế lực, uy quyền của họ cũng như ngụ ý truyền bá một tư tưởng, ý chí nào đó. Điều này thể hiện rõ qua những hình tượng điêu khắc trong kiến trúc xã hội phong kiến từ kiểu dáng kiến trúc cho đến những hình tuợng điêu khắc. Trong xã hội hiện đại, điêu khắc cũng kết hợp với kiến trúc mang tính kỉ niệm và giáo dục rất lớn, thể hiện qua những quần thể tượng, tượng đài tưởng niệm các danh nhân, anh hùng, hoặc các tác phẩm miêu tả vẻ đẹp con người, tình yêu, tình mẫu tử,… thông qua đó mà giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, nâng cao ý thức và trình độ thẩm mỹ của mọi người.
Kiến trúc và điêu khắc là nghệ thuật gắn bó với môi trường thiên nhiên
Mối quan hệ mật thiết, tất yếu giữa kiến trúc, điêu khắc và môi trường thiên nhiên đã hình thành nên nghệ thuật cảnh quan mà trong đó, kiến trúc và điêu khắc là hai yếu tố quan trọng, nhằm tạo nên một môi trường vật chất và thẩm mĩ phục vụ cho cuộc sống con người. Mối quan hệ này có thể biểu diễn bằng sơ đồ sau (sơ đồ 1):
Kiến trúc và điêu khắc có chung ngôn ngữ nghệ thuật
Ngôn ngữ là bản chất nghệ thuật của kiến trúc và điêu khắc. “Ngôn ngữ” là tên gọi chung của chất liệu và phương thức hình thành các bộ môn nghệ thuật. Về một phương diện nào đó, nó là nhân tố buộc phải có để cấu thành một tác phẩm nghệ thuật, mặt khác, nó biểu hiện tính chất, tinh thần của tác phẩm và là cầu nối giữa tác phẩm với khán giả. Mỗi loại hình nghệ thuật đều có ngôn ngữ riêng đặc thù của nó. Nhưng ngôn ngữ này cũng như những lí thuyết trong cuộc sống, không bao giờ cố định, mà không ngừng biến hóa, cách tân theo tiến trình phát triển của nghệ thuật, của thời đại. Sự biến đổi và phát triển ngôn ngữ của kiến trúc và điêu khắc cũng không ngoại lệ. Nhưng về cơ bản, yếu tố cấu thành nên một tác phẩm kiến trúc hay điêu khắc, cũng là yếu tố chứa đựng ngôn ngữ của kiến trúc và điêu khắc, đó chính là hình khối.
1. Điểm: Trong hình học nói chung, điểm được coi là nguồn gốc ban đầu của hình thức. Điểm chỉ một vị trí trong không gian, điểm dịch chuyển sẽ tạo nên đường. Điểm tuy rất nhỏ nhưng lại có sức hút mạnh đối với thị giác, vì thế điểm rất quan trọng trong bố cục hình khối. Điểm có thể là điểm đỉnh, giao điểm, tiếp điểm, tâm điểm… của đường, mặt hay khối. Trong tạo hình kiến trúc và điêu khắc, những bộ phận có kích thước nhỏ hơn nhiều so với các bộ phận khác bên cạnh nhưng lại được làm nổi bật nhờ câú trúc, hình dáng, màu sắc đặc biệt cũng được coi là điểm. Trường hợp này chúng ta thường gọi là điểm nhấn, điểm kết thúc,…
Tác dụng của điểm trong tạo hình như: Điểm nhấn có tác dụng địmh hướng mạnh; điểm kết thúc có tác dụng khống chế, giới hạn độ cao, độ dài; tâm điểm có tác dụng hướng tâm, ổn định, cân bằng bố cục; tiếp điểm và giao điểm mang tính quần tụ, gắn bó, hoà hợp… (hình h1, h2, h3)
2. Đường (nét, tuyến): Điểm chuyển động sẽ tạo nên đường. Đặc trưng của đường là độ dài và hướng. Đường có nhiều dạng như đường thẳng, đường cong, đường gấp khúc… Trong hình khối kiến trúc và điêu khắc, một bộ phận có độ dài lớn hơn nhiều so với hai chiều kia cũng có thể coi là đường, ví dụ: một cái cột, một thanh kết cấu, một hành lang,…
Đường tồn tại ở hai dạng: Thực và ảo. Đường thực là đường chúng ta có thể nhìn thấy cụ thể, đó là đường viền bao quanh một hình, đường giao tuyến giữa hai mặt, các thanh kết cấu, cột… Đường ảo là đường chúng ta không nhìn thấy cụ thể mà cảm nhận được, hình dung được. Ví dụ đường ảo giữa hai điểm, đường ảo được tạo bởi một chuỗi điểm, đường trục của các bộ phận hay trục tổ hợp của hình khối… (hình 2)
Đường rất quan trọng trong tạo hình, thể hiện ranh giới giữa các mặt, giới hạn không gian, chia cắt và tổ hợp hình khối, tạo đường viền làm rõ hình tượng của hình khối… Ngoài ra, bản thân đường còn có sức biểu hiện thị cảm mạnh mẽ thông qua chiều hướng và hình dạng (hình 3, hình 4).
3. Diện (mặt, mảng): Đường chuyển động sẽ tạo nên diện. Diện có đặc trưng chủ yếu là chiều dài, chiều rộng và hình dáng nhất định. Trong tạo hình, một khối có chiều dày rất nhỏ cũng có thể coi là diện. Diện có hai loại, đó là diện hình cơ bản và diện có hình dáng bất kì (biến thể). Diện có tác dụng giới hạn, chia cắt không gian, tạo thành khối, thể hiện hình tượng. Diện còn có khả năng chứa đựng những biểu cảm của các thành phần ngôn ngữ khác như đường nét, chất cảm, hoa văn… Vì thế, diện rất quan trọng đối với tạo hình kiến trúc và điêu khắc. Một số biểu hiện của diện thông qua hình dáng và chất cảm thể hiện ở hình 6, 7, 8.
4. Khối: Khối là một hình thể có ba chiều: Cao, rộng, sâu và là tập hợp của điểm, đường, diện. Về hình dạng, khối có hai loại, thứ nhất là các khối hình cơ bản (có qui tắc) như các khối cầu, lập phương, trụ, chóp, đa giác…, thứ hai là khối tự do (không có qui tắc). Với tính chất lập thể, khối có thể tồn tại độc lập trong không gian, lại hàm chứa các yếu tố điểm, tuyến, diện, nên khối có sức biểu hiện mạnh mẽ. Các khối cơ bản là các khối có ngôn ngữ rõ ràng và trong sáng hơn cả bởi nó hiển thị rõ ràng, rành mạch vị trí cũng như đặc điểm, tính chất của các yếu tố điểm, tuyến, diện, mặt khác hình ảnh của nó hầu như không thay đổi theo vị trí, cự li và các góc độ quan sát khác nhau (hình 9).
Trong tạo hình kiến trúc, khối luôn đi cùng với không gian bởi bản chất kiến trúc là tạo ra các không gian. Điểm, tuyến, diện, khối là các yếu tố tạo hình và cũng chính là các yếu tố giới hạn không gian. Hình khối kiến trúc là hình thức bên ngoài của các không gian. Sự đan xen giữa điểm, tuyến, diện, khối và không gian đã tạo nên những khối thực – khối ảo, khối đặc – khối rỗng, khối dương – khối âm trong kiến trúc (hình 12).
5. Ánh sáng: Điểm, tuyến, diện, khối là những hình thái hình học cơ bản của ngôn ngữ hình khối kiến trúc và điêu khắc, nhưng hình khối có thực sự tạo hiệu quả mạnh với thị giác hay không là phải nhờ đến ánh sáng.
Khi ánh sáng chiếu vào hình khối sẽ làm cho độ lồi lõm của hình khối trở nên rõ ràng.
Chỗ lồi sẽ sáng hơn, nổi hơn, chỗ lõm sẽ tối hơn và càng chìm xuống. Ánh sáng còn tạo hiệu quả bóng đổ cho các khối. Khối dày hơn sẽ đổ bóng xuống khối mỏng hơn, bóng đổ nhiều hay ít sẽ thể hiện khối dày hay mỏng.
Sự thay đổi về cường độ sáng và hướng của ánh sáng cũng ảnh hưởng đến hình khối. Ánh sáng mạnh sẽ làm cho khối nổi rõ, khỏe khoắn, ánh sáng yếu sẽ làm khối mờ, nhạt nhẽo, buồn tẻ. Ánh sáng chiếu ngiêng từ trên xuống sẽ lột tả đầy đủ và chân thực đặc điểm của khối. Ánh sáng chiếu ngang chỉ làm rõ được một nửa khối.
Ánh sáng từ dưới hắt lên sẽ làm cho khối có cảm giác nặng nề, ấn tượng. Trong điêu khắc và hội họa, sử dụng ánh sáng hắt lên khi diễn tả sự lao động vất vả, cảnh chiến đấu khốc liệt hay những khoảnh khắc kinh hoành nào đó của nhân vật. Trong trang trí nội thất và kiến trúc, ánh sáng hắt từ dưới lên tạo sự tôn nghiêm, nhấn mạnh, gây sự thu hút.
Cuối cùng, ánh sáng còn tác động đến màu sắc và vật liệu của khối. Ánh sáng mạnh làm màu của khối nhạt và tươi lên, ánh sáng yếu làm màu của khối đậm và xỉn đi. Những khối được làm bằng các vật liệu bóng như thủy tinh và kim loại có độ phản xạ sáng mạnh, gây chói, tạo cảm giác dao động, hư ảo, khó phân biệt về đường nét, mảng, khối. Ngược lại, những khối bằng vật liệu thô, nhám, sẽ hấp thu ánh sáng, hình khối chân thật, rõ ràng. Như vậy ánh sáng có tác động trực tiếp đến sức biểu hiện của hình khối, hoặc có thể nói ánh sáng là điều kiện cần và đủ để biểu hiện hình khối (hình 13)
6. Màu sắc: Ngoài ánh sáng, màu sắc cũng có ảnh hưởng tới hình khối. Màu sắc có thể là màu tự nhiên của vật liệu tạo nên hình khối hoặc màu được sơn phết, phủ lên. Ở một số điêu khắc cổ thường sử dụng màu sắc rực rỡ để thể hiện tín ngưỡng tôn giáo, một số điêu khắc trang trí dạng phù điêu, tranh tường và mĩ nghệ cũng dùng màu sắc dưới dạng ghép gốm.
Màu sắc đối với hình khối có tác dụng tạo điểm nhấn, gây sự chú ý, hoặc tạo cảm giác về thể trọng, tính chất, độ sáng tối, xa gần của khối. Cùng một vật liệu và kích thước như nhau nhưng khối màu đậm cho cảm giác nặng, tối, khỏe và ở gần, còn khối màu nhạt tạo cảm giác nhẹ, sáng, yếu và ở xa. Các màu nóng (đỏ, vàng, da cam) tạo cảm giác hưng phấn, sôi nổi, các màu lạnh (đen, xanh, tím) tạo cảm giác trầm, buồn. Vì thế, một số nhà điêu khắc và kiến trúc hiện đại đã chủ trương khai thác những đặc tính của màu sắc trên hình khối. Họ quan niệm màu sẽ làm giảm bớt sự chi phối của ánh sáng đối với hình khối, hình khối sẽ trở nên độc lập hơn trong mọi điều kiện ánh sáng.
7. Chất liệu: Một trong những đặc điểm nổi bật của tạo hình điêu khắc và kiến trúc là sự hợp nhất của nghệ thuật và vật liệu, không có vật liệu thì không có hình khối. Chất liệu tốt, hợp lí là yếu tố không thể thiếu được của một tác phẩm đẹp. Nói đến chất liệu đẹp là phải nói đến tính chất cơ lí của vật liệu bao gồm cấu trúc của vật liệu và chất cảm của nó. Tính chất cơ lí này gồm có hai loại: Cơ lí tự nhiên và cơ lí nhân tạo. Cơ lí tự nhiên là trạng thái vốn có của vật liệu được hình thành bởi tác động của tự nhiên như sự phong hóa của đá, mắt và vân của gỗ… Cơ lí nhân tạo là trạng thái của vật liệu được tạo bởi các công cụ gia công như vết dao, vết đục, vết mài… Cơ lí nhân tạo phản ánh những ý đồ sáng tạo của tác giả, có khi có mục đích, có khi là ngẫu hứng.
So với kiến trúc thì phạm vi sử dụng chất liệu của điêu khắc lớn hơn nhiều. Những yêu cầu về tính chịu lực cũng như độ bền vững đã hạn chế việc sử dụng vật liệu trong kiến trúc hay nói cách khác, kiến trúc cần phải lựa chọn những vật liệu đảm bảo yêu cầu kĩ thuật xây dựng, trong khi đó, hầu như tất cả các vật liệu định hình đều có thể dùng trong điêu khắc. Mức độ biểu cảm của hình khối phụ thuộc khá lớn vào vật liệu. Mỗi loại vật liệu đều có đặc điểm và tính chất khác nhau, gọi là chất cảm. Ví dụ: Gỗ cho cảm giác ấm áp, gần gũi; đá cho cảm giác chắc khỏe, nặng nề, lạnh; đất cho cảm giác thô sơ, thạch cao cho cảm giác mỏng manh, tinh khiết; đồng cho cảm giác sang trọng, quí phái… Ngoài ra, khi chế tác, nếu ta để bề mặt vật liệu nhám, xù xì sẽ tạo cảm giác khỏe khoắn, mộc mạc, bề mặt vật liệu nhẵn nhụi tạo cảm giác bóng bẩy, tinh xảo… Một điều nữa, bản thân mỗi vật liệu đều có màu sắc tự nhiên của nó, do đó ngôn ngữ nghệ thuật của vật liệu bao hàm cả yếu tố của “sắc”.
Kết luận
Trên đây là các thành phần ngôn ngữ cơ bản của hình khối kiến trúc và điêu khắc. Để tạo thành một tác phẩm điêu khắc hay kiến trúc hoàn chỉnh, các tác giả còn phải thông qua những phương pháp tư duy, tạo hình như sử dụng những nguyên lí về bố cục, cấu thành không gian, hình khối, ví dụ: cân bằng, tương phản, chính phụ, tổ hợp, chia cắt, thêm, bớt, mô phỏng, tượng trưng,… Việc nêu bật hay nhấn mạnh một hoặc nhiều thành phần trong ngôn ngữ hình khối phụ thuộc vào ý đồ cũng như thủ pháp của từng tác giả, có thể là yếu tố tuyến hay diện hay hình dáng… hoặc kết hợp nhiều yếu tố cùng lúc để tạo nên những hiệu quả thị giác phong phú.
TS.KTS Nguyễn Việt Huy
ThS.KTS Lê Thị Hồng Vân
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2022)
The post Mối quan hệ giữa kiến trúc và điêu khắc: Những quan điểm tương đồng appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/GmVRaHU
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét