Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2023

Chi hội KTS Quân đội hướng tới Kỷ niệm 75 năm thành lập Hội Kiến trúc sư Việt Nam

Trong không khí hân hoan của những ngày tháng 4 lịch sử, hòa chung cùng các hoạt động chào mừng sự kiện của giới Kiến trúc sư (KTS) cả nước. Ngày 14/4/2023, tại trụ sở Viện Thiết kế/TCHC, Chi hội KTS Quân đội đã tổ chức chương trình Kỷ niệm 75 năm thành lập Hội KTS Việt Nam (27/4/1948 – 27/4/2023). Tới dự có TS.KTS Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, Đại tá Trần Văn Định – Phó Chủ nhiệm Chính trị Tổng cục Hậu cần và đại biểu đến từ các cơ quan: Cục Tuyên huấn/TCCT, Cục Doanh trại/TCHC, đại biểu đến từ các Chi hội KTS: Bộ Công an, trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, trường ĐH Xây dựng Hà Nội, cùng sự góp mặt của gần 100 KTS thuộc Chi hội KTS Quân đội.

Toàn cảnh chương trình

Phát biểu khai mạc chương trình, Thượng tá, KTS Hoàng Tuấn – Viện trưởng Viện Thiết kế/TCHC, Chủ tịch Chi hội KTS Quân đội ôn lại những năm tháng xây dựng và phát triển của đội ngũ KTS Việt Nam nói chung, của KTS Quân đội nói riêng, của nền kiến trúc cách mạng Việt Nam với những định hướng rất cơ bản, mà đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị về mặt đường lối và cả tính bản sắc, được nêu trong bức thư của Bác Hồ gửi Hội nghị thành lập Đoàn KTS Việt Nam (tiền thân của Hội KTS Việt Nam ngày nay). Đồng thời, KTS Hoàng Tuấn cũng mong cho chặng đường phía trước của Kiến trúc quân đội tiếp tục tiến lên với tinh thần “dồn dập bước quân hành”.

Thượng tá, KTS Hoàng Tuấn – Viện trưởng Viện Thiết kế/TCHC, Chủ tịch Chi hội KTS Quân đội

Nhân dịp này, Chi hội KTS Quân đội đã vinh dự được nhận Bằng khen của Hội KTS Việt Nam cho tập thể Chi hội và Bằng Vì Sự nghiệp Kiến trúc cho 09 KTS có 20 năm tuổi Hội, đạt được các thành tích trong quá trình hành nghề, hoạt động chuyên môn và hoạt động Hội; Viện Thiết kế được nhận Bằng khen của Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam về việc khen thưởng thành tích trong thực hiện Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Phần tham luận với hai thái cực mang lại là cảm xúc, tính nhân văn và công nghệ tuy không chiếm nhiều thời lượng nhưng đủ để mang đến những thông tin hữu ích, có giá trị cho các KTS trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Bài trình bày của TS.KTS Vương Hải Long – Chi hội KTS trường ĐH Kiến trúc Hà Nội đem đến góc nhìn vị nhân sinh đối với người khuyết tật trong chủ đề “Thiết kế tiếp cận” với những ví dụ từ những chi tiết rất nhỏ để mang lại sự bình đẳng giữa người khuyết tật với những người bình thường. Tham luận của ThS.KS Đoàn Xuân Hưng – Viện Thiết kế/TCHC với bài giới thiệu về “Công nghệ Radar xuyên đất phục vụ cho công tác khảo sát hiện trạng công trình”, một công nghệ không cần dùng đến phương pháp phá hủy, tránh làm ảnh hưởng đến nguyên trạng công trình.

Thay mặt Hội KTS Việt Nam, TS.KTS Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam phát biểu chúc mừng thành công của chương trình, chúc mừng những thành tích mà Chi hội KTS Quân đội đã đạt được trong thời gian qua, bày tỏ sự ủng hộ và tin tưởng vào sự vững vàng trong hoạt động nghề nghiệp của Chi hội thời gian tới. Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam cũng nhấn mạnh rằng, tới đây, KTS quân đội cần bổ sung vào “khoảng trống” trong một thời gian khá dài, đó là việc tham gia mạnh mẽ vào các Giải thưởng nghề nghiệp, trong đó có Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia.

TS.KTS Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam phát biểu chúc mừng
KTS Hoàng Tuấn nhận Bằng khen của Hội KTS Việt Nam từ TS.KTS Phan Đăng Sơn

Dưới đây là một số hình ảnh diễn ra trong chương trình:

TS. KTS Phan Đăng Sơn và KTS Phạm Thanh Tùng trao tặng Bằng Vì Sự nghiệp Kiến trúc cho các KTS của Chi hội KTS Quân đội
Đồng chí Đại tá Trần Văn Định – Phó Chủ nhiệm Chính trị TCHC trao Bằng khen của Tổng cục Chính trị QĐNDVN về việc khen thưởng thành tích trong thực hiện Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2022
KTS Hoàng Tuấn trao tặng Giải thưởng sản phẩm tư vấn tiêu biểu của Viện Thiết kế/TCHC
KTS Hoàng Thúc Hào – Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam trao thẻ hội viên mới
Các đại biểu chụp hình lưu niệm cùng BCH Chi hội KTS Quân đội

Bài viết: Toàn Thắng – Ảnh: Nguyễn Hưng
© Tạp chí Kiến trúc

The post Chi hội KTS Quân đội hướng tới Kỷ niệm 75 năm thành lập Hội Kiến trúc sư Việt Nam appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/JBZnfy4
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2023

Ghi dấu tài năng một kiến trúc sư trẻ

Tôi biết kiến trúc sư (KTS) Đoàn Thanh Hà khi tìm hiểu công trình “Tổ ấm nở hoa” (năm 2013) và từ đó thấy anh luôn làm mới mình trên hành trình sáng tạo, không lặp lại cái đã quen nên không bị cũ.

Năm 2016, tôi đã giới thiệu Hà trong 21 gương mặt KTS trẻ Việt Nam đầu thế kỷ 21. Đến tháng 3-2022, thật vui khi tôi nhận được cuốn sách song ngữ dày dặn “Đoàn Thanh Hà: Nhà cửa & Con người” (Nhà xuất bản Tri thức) tập hợp 25 dự án và công trình mà Hà đã thực hiện một cách âm thầm trong 15 năm (từ năm 2008). Lại càng vui hơn khi tác giả sách-KTS Nguyễn Trí Thành-cũng là người mà tôi biết đã lâu. Một năm sau (tháng 4-2023), tôi biết cuốn sách này được trao giải bạc của Giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2022-2023 ở thể loại Lý luận và Phê bình kiến trúc (không có giải vàng).

Bìa cuốn sách “Đoàn Thanh Hà: Nhà cửa & Con người”

Với tên sách là “Nhà cửa & Con người”, chắc chắn những kiến trúc của Hà sẽ làm nên yếu tố hình ảnh hấp dẫn chúng ta khi “xem” sách. Nhưng càng “đọc” sâu vào nội dung thì càng thấy thiện cảm với cuốn sách bởi cách trình bày mới mẻ, hiện đại và có nhiều điểm khác biệt so với các ấn phẩm thường gặp. Trước hết, đó không phải là thể loại tản văn, ký sự với những diễn ngôn hoa mỹ mà mộc mạc đúng như đang kể chuyện đời thường. Có nhân vật “tôi”, nhưng không phải là tự truyện, hồi ký của Hà-bởi sẽ có những lúc (nhất là ở phần sau), cái “tôi” lại ẩn đi và chuyển vai cho những con người khác. Có sử dụng lại nhiều bài viết đã đăng trên các báo và tạp chí nhưng không phải theo kiểu hợp tuyển để “thống kê thành tích” hay “báo cáo điển hình”. Có yếu tố của lý luận phê bình nhưng không phải những lý thuyết cao siêu, hay những lập luận theo kiểu bao biện mà là sự diễn giải một cách hệ thống quá trình phát triển quan điểm kiến trúc “vị dân sinh” của Hà để hình thành một triết lý thiết kế hướng tới cộng đồng, cảm thông, chia sẻ với những đồng bào đang gặp nhiều khó khăn và áp lực trong cuộc sống.

Mỗi “ngôi nhà” của Đoàn Thanh Hà là một câu chuyện gắn liền với những con người cụ thể, trong những hoàn cảnh khác nhau, tại các địa điểm khác nhau. Nhiều chi tiết và cảm nhận tưởng như vụn vặt, rời rạc, nhưng sẽ được xâu chuỗi với nhau để xây dựng nên ý tưởng kiến trúc, rồi lại kết nối thành một mạch các công trình và dự án đã được thực hiện trong khoảng 10-15 năm gần đây, qua đó phản ánh quá trình trưởng thành và phát triển về nghề và nghiệp của Đoàn Thanh Hà. Hà vốn kiệm lời, rất ít nói về mình nên những câu chuyện này sẽ giúp chúng ta hiểu anh nhiều hơn, để nhìn vào nội tâm của một KTS làm nghề, cũng như thông qua sự nhận định từ góc độ cá nhân của các chuyên gia.

Tuy ít lời nhưng trong những câu chuyện của Hà, nhiều lần thấy anh nhắc tới người thầy đã có ảnh hưởng sâu sắc đến suy nghĩ của mình. Nhưng phải đọc đến những trang cuối cùng thì nhân vật này mới “xuất đầu lộ diện”. Thật đáng trân trọng khi ta nhận ra đó chính là tác giả cuốn sách-KTS Nguyễn Trí Thành-người mà Đoàn Thanh Hà đã có những lời rất cảm động ở trang bìa gấp. Bởi theo lẽ thường thì các học trò sẽ là người làm sách về thầy, chứ hiếm có ông thầy nào viết về học trò, lại tìm cách ẩn mình đi để trò trở thành nhân vật chính như vậy. Được biết, bìa sách với bố cục chữ H&P (hai chữ đầu của Houses & People, đồng thời là viết tắt tên văn phòng H&P Architects của Hà) cũng do tác giả sách thiết kế, nhưng anh không để tên mình xuất hiện ở đây. Phải đến mấy trang sau, anh mới khiêm tốn nhận mình là “người biên tập”-thể hiện sự tôn trọng và đúng mực đối với các chuyên gia và các cá nhân khác cũng có bài trong sách. Tuy nhiên, chỉ với mấy trang đề dẫn (Lời nói đầu) và kết luận (Đôi lời của người biên tập) cũng đủ cho ta thấy được vai trò không thể thay thế của tác giả là người chủ trì kiến tạo và tổ chức không gian của tác phẩm.

Vì vậy, có thể nói rằng đã có sự hòa trộn tính cách của tác giả sách và tác giả kiến trúc-là hai thầy trò cùng chung chí hướng-để tạo nên một nhân vật “tôi” xuyên suốt tác phẩm này. Điều đó góp phần làm cho cuốn sách “Đoàn Thanh Hà: Nhà cửa & Con người” trở thành một điểm sáng của Giải thưởng kiến trúc lần này.


TS. KTS Nguyễn Trí Thành sinh năm 1966, tại Hà Nội, tốt nghiệp Trường Đại học Kiến trúc Moskva (Liên Xô trước đây). Từ năm 1990 đến nay, Nguyễn Trí Thành là giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Tác phẩm và công trình của TS, KTS Nguyễn Trí Thành đã giành được các giải thưởng uy tín trong và ngoài nước.

KTS Đoàn Thanh Hà sinh năm 1980, tại Bắc Ninh, tốt nghiệp Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Từ năm 2009, KTS Đoàn Thanh Hà sáng lập và là KTS trưởng Văn phòng Kiến trúc H&P. Từ đó đến nay, KTS Đoàn Thanh Hà đã được vinh danh tại nhiều giải thưởng kiến trúc trong nước và quốc tế; được mời làm diễn giả tại các diễn đàn kiến trúc và giám khảo các cuộc thi.


TS. KTS Ngô Doãn Đức
(Nguyên Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam)
Theo Quân đội Nhân dân

The post Ghi dấu tài năng một kiến trúc sư trẻ appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/ncKY6md
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

TS. KTS Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam: Chúng ta – Những người làm kiến trúc, hãy cùng nhau đoàn kết, xây dựng đất nước

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Hội KTS Việt Nam, Tạp chí Kiến trúc xin chia sẻ tới bạn đọc bài phát biểu của TS. KTS Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam trong Lễ kỷ niệm 75 năm Hội KTS Việt Nam. Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!

Cùng đồng hành với Đất nước từ những năm đầu dành được Độc lập, Hội Kiến trúc sư Việt Nam (HKTSVN) đã trải qua một chặng đường ¾ thế kỷ thật hào hùng và xán lạn. Những tư tưởng được Lãnh tụ Cách mạng Việt Nam – Danh nhân văn hóa của nhân loại Hồ Chí Minh truyền thắp, gửi gắm trong bức thư trực tiếp soạn thảo nơi chiến khu cách mạng Khuổi Tát – Định Hóa – Thái Nguyên, gửi tới hội nghị ngày thành lập, đã dẫn hướng suốt chặng đường từ đó, vượt qua mấy cuộc chiến tranh, đi tới thời hòa bình dựng xây. Cho đến hôm nay, ngọn lửa thắp từ thủa ấy vẫn còn nguyên năng lượng sáng ấm cùng công cuộc Kiến trúc, góp phần phát triển quốc gia đậm sắc văn hóa – Văn minh hiện đại – Hội nhập bền vững.

“Năm năm mới bấy nhiêu ngày”! Bài tổng kết dịp kỷ niệm 70 năm (2018), của chủ tịch Hội khóa IX Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Tấn Vạn, với tóm lược chi tiết đầy đủ về một chặng đường vinh quang kiến trúc còn vang vọng đâu đây. Bộ phim chúng ta vừa xem cũng đã lột tả được cơ bản tinh thần hào hùng, của kiến trúc và người làm kiến trúc chặng đường vừa qua. Làm cho phát biểu của tôi hôm nay thật khó tránh được sự trùng lặp. Trên tinh thần ấy, xin lược điểm giai đoạn 70 năm, để chủ yếu tập trung một số kết quả chính, mà giới làm kiến trúc và Hội kiến trúc sư Việt Nam đã đạt được trong thời khắc 5 năm (2018-2023).

Những năm đầu, cho đến khi đất nước thống nhất (1975). Từ lúc mái nhà chung là Đoàn KTS Việt Nam được tạo dựng. Những KTS miền Bắc – vùng đất hậu phương, được đào tạo từ thời Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và đào tạo ở môi trường chủ nghĩa xã hội, đã cùng hòa ca “tất cả vì tiền tuyến”. Họ đem hết tâm huyết, trí tuệ thiết kế những công trình phục vụ nền kinh tế xã hội phát triển thời chiến, vừa thích dụng vừa hợp kinh tài quốc gia. Làm nên một nền kiến trúc có bản sắc đặc biệt, giàu giá trị nhân văn, cơ động và dung hòa.

Các KTS miền Nam thời kỳ này, chia thành đôi ngả: một hướng rời thành phố phồn hoa lên chiến khu, làm nghề kiểu kháng chiến, tạo nên những tác phẩm kịp thời phục vụ thích ứng môi cảnh; bộ phận ở lại vẫn miệt mài sáng tạo những tác phẩm kiến trúc đậm chất Việt Nam, tinh tế, thanh tao giữa đô thành hỗn tạp. Điều thú vị là, đa số những tác phẩm này đến nay vẫn, đóng góp lung linh cho nền kiến trúc bản địa.
Thời kỳ đầu thống nhất (1975-1986), đất nước vừa ra khỏi chiến tranh với hậu quả cực kỳ nặng nề. Nền kinh tế phát triển mô hình kế hoạch hóa. Kiến trúc trong nước, dù đã có nhiều hơn đất dụng võ so với trước. Nhưng do nguồn vốn hạn hẹp, những tác phẩm từ trang giấy bước ra đời thực không nhiều. Mặt nghiên cứu – lý luận – phê bình có phát triển, nhưng ít gắn với thực tiễn, nặng tính hàn lâm. Các công trình lớn được xây dựng trong nước, chủ yếu là hàng viện trợ từ đầu đến cuối của các nước xã hội chủ nghĩa. Tuy vậy, nhờ sự quật cường, tâm can của giới nghề, vẫn có những kiến trúc hiện đại, thích dụng ra đời. Thành công rõ rệt nhất thời kỳ này có lẽ là hàng loạt tác phẩm dự thi quốc tế đạt giải cao, có cả những giải thưởng lớn.

Từ những năm 90 thế kỷ XX, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, chuyển sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. KTS hai miền kết nối hòa nhập, đồng sáng tạo trong một mái nhà chung Hội KTS Việt Nam. Dường như “tinh hoa phát tiết” của kiến trúc có cơ hội thực sự nở rộ, thể hiện đúng mã gen xứ sở, đổi mới mạnh mẽ, nhất là về tư duy sáng tạo. Từ đó bứt phá, ứng dụng công nghệ vật liệu mới, hành nghề đa dạng theo mô hình nhà nước và tư nhân. Nghiên cứu – Lý luận – Phê bình – Phản biện – Giám định đã mở cửa bước ra với đời thường dân gian… tất cả những sự đồng ứng đó, làm nên một nền kiến trúc sống động, hiện đại. Các yếu tố bản sắc cũng ít mơ hồ hơn. Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập năm 1993, đã tạo thêm động lực “thi đua”, thúc đẩy xúc cảm thăng hoa cho giới nghề.
Các hoạt động giao lưu quốc tế với chất lượng chuyên môn đậm, nhiều thành công, cũng là một nỗ lực của Hội Kiến trúc sư thời kỳ này; Liên hoan KTS trẻ toàn quốc đổi mới thắp sáng lửa làm nghề; Giải thưởng Loa Thành cho sinh viên tốt nghiệp xuất sắc ngành được tổ chức, đã tạo nên những làn sóng vượt vũ môn cho giới, không kể tuổi tác. Những cuộc thi tuyển kiến trúc công minh, với chất lượng chuyên môn cao, bắt đầu xuất hiện cũng là những tín hiệu rất tích cực của thời kỳ.

Sự tươi sáng của đất nước giai đoạn này, đã “thay lời muốn nói” cho thành tựu các lĩnh vực Nghệ thuật và Khoa học, mà Kiến trúc là mảng cầu nối giữa hai lĩnh vực đó.

Từ năm 2018 đến nay, chặng đường năm năm, Kiến trúc Việt Nam càng vững bước, dành được rất nhiều thắng lợi ở trong trong nước và cả quốc tế.

Vậy, kiến trúc Việt Nam đã đóng góp thêm được những gì với sự phát triển chung của nền Văn hóa – kinh tế – xã hội Quốc gia! Về mặt sáng tạo quy hoạch và công trình, đó là khoảng 30 đô thị được điều chỉnh quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết, hơn một trăm đô thị được hình thành mới khắp mọi miền, mà lực lượng chủ chốt, trực tiếp triển khai thành hình hài đều là KTS. Gần 10 cụm công trình hành chính cấp tỉnh trở lên, sắp được xây dựng sau thi tuyển, và rất nhiều công trình đạt giải thi tuyển thể loại khác, trong đó có đến 2/3 là do các KTS Việt Nam chủ trì. Nở rộ hàng trăm trường học, có kiến trúc gắn kết thành công bản sắc vùng miền và hiện đại hội nhập. Không ít hơn 50 bệnh viện các loại, được cải tạo nâng cấp và hình thành mới, đưa công năng, – tiện nghi – hình thái cập nhật tiên tiến thế giới. Hệ thống nhà cộng đồng cho vùng đồng bào thiểu số, yếu thế, mang đến những hình ảnh sinh động, thắp sáng khát vọng ấm no cho mỗi làng quê hẻo lánh. Chương trình nhà ở xã hội, niềm mong đợi chính đáng của phần lớn dân cư mỗi thành phố, luôn được giới nghề trăn trở, nghiên cứu tạo lập, ngày càng thích dụng, với giá thành hạ.v.v..

Đất nước văn minh bắt nguồn bởi nông nghiệp lúa nước. Vậy mà nông thôn Việt Nam, nơi lãnh tụ Hồ Chí Minh đã đau đáu từ những năm đầu độc lập: “Chú trọng đặc biệt tới vấn đề nhà ở thôn quê, tìm ra những kiểu nhà giản dị và cao ráo, sáng sủa và rẻ tiền”. Ở thời kỳ trước, hầu như chỉ tập trung quan tâm xung quanh 4 mục: điện, đường, trường, trạm. Đến giai đoạn này đã được giới nghề thức tỉnh, thiết kế nhiều kiểu nhà ở phù hợp từng vùng miền. Hội Kiến trúc sư đã đưa vấn đề này thành một mục tiêu chính trong phát triển nền kiến trúc, đang nghiên cứu – sáng tạo, trên cơ sở mong muốn và nhu cầu của cộng đồng. Thời gian tới, khi khoảng 500 kiểu nhà này hoàn thành sáng tác, giới thiệu đến từng địa phương, hy vọng sẽ được chính quyền định hướng áp dụng, người dân hồ hởi đón nhận.

Những mảng ghép kiến trúc về Nghiên cứu – lý luận – phê bình – phản biện – giám định – đào tạo đã gắn sâu hơn với yêu cầu thực tế, thường nhật của xã hội, có tham biện kịp thời. Với gần 50 chương trình nghiên cứu – lý luận đa dạng được thực hiện, hàng trăm ấn phẩm bài báo luận giải – phê bình được đào xới, xây đắp. Không ít hơn số lượng đó là những chương trình phản biện – giám định tiến hành kịp thời, góp phần ngăn chặn kiến trúc bất cập, lệch chuẩn, tôn vinh kiến trúc giàu bản sắc văn hóa, hiện đại, hội nhập. Hội cũng đã tham gia tích cực vào các chương trình đổi mới đào tạo thường xuyên và nâng cao.

Phát triển KTS trẻ là mảng được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả khả quan. Mạng kết nối Kts trẻ toàn quốc, và quốc tế, từ gặp gỡ giao lưu thuần túy, đã chuyển sang bàn thảo, nghiên cứu, giải quyết vấn đề chuyên môn, nâng cấp trình độ của chính giới nghề, huy động hiệu quả cộng đồng cùng tham gia. Liên hoan sinh viên kiến trúc trong nước, cùng giải thưởng loa thành cho sinh viên ngành tốt nghiệp xuất sắc, tiến hành rộng và kịp thời, góp phần tạo giá trị nhân bản, làm bệ phóng vững tin khi rời mái trường, bước vào tương lai. Tôn vinh kịp thời sáng tạo trẻ, còn được minh chứng bằng hàng trăm giải thưởng quốc tế, mà giới KTS trẻ và sinh viên kiến trúc Việt Nam, tham dự và đĩnh đạc giành được, góp phần khẳng định vị trí xứng đáng của Kiến trúc Việt Nam trên bản đồ Văn hóa – Kiến trúc toàn cầu.

Và còn biết bao sự thành công đáng nói nữa của kiến trúc Việt Nam và Hội Kiến trúc sư Việt Nam thời gian qua…

Bên cạnh đó, cần nghiêm túc thừa nhận, tồn tại của Kiến trúc còn khá rõ nét, là có trách nhiệm không nhỏ của KTS và Hội Kiến trúc sư các cấp. Đó là, quy hoạch và phát triển đô thị nhiều nơi chưa đáp ứng được kỳ vọng, chưa dự báo đúng thực tiễn, khía cạnh bản địa về quy hoạch còn rất mờ nhạt. Với sáng tạo công trình, tính đổi mới, đột phá còn chưa phủ rộng, sự pha tạp, lai căng vẫn hiện hữu và chứa đựng nhiều nguy cơ. Thua trên sân nhà những cuộc thi tuyển lớn vẫn là một thực tế phổ biến. Cơ chế chính sách và đơn giá cho lĩnh vực còn những bất hợp lý kéo dài. Các mặt nghiên cứu – lý luận – phê bình – phản biện – đào tạo, bám sát thực tế cũng như mặt học thuật còn mức độ. Lực lượng kiến trúc sư trẻ thực sự tâm trí với nghề cũng còn chiếm tỷ lệ chưa cao.

Hướng về tương lai! Trong thời kỳ mà nghị quyết 06-NQ/TW về xây dựng và phát triển đô thị bền vững đến 2030, tầm nhìn 2045; Luật kiến trúc; Định hướng phát triển kiến trúc đến 2030, tầm nhìn 2050, đều đã đi vào vận hành toàn diện và rộng khắp đất nước. Được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước và Ban, Bộ, Ngành Trung ương, Liên hiệp, Các thế hệ Kiến trúc sư dưới mái nhà chung của HKTSVN đã có thời cơ thuận lợi, dòng mạch thông thoát để cất cánh. Với những nền tảng đó, cùng trí tuệ tài năng tiềm tàng của KTS, HKTSVN đề nghị và mong muốn rằng: Chúng ta – những người làm kiến trúc, hãy cùng nhau đoàn kết một lòng, tận tâm, tận trí, thực hiện các mục tiêu đóng góp thiết thực và hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, bước đến tương lai vững bền.

Theo đó, cùng với hoàn thành 15 nhiệm vụ cụ thế đã đề ra trong nhiệm kỳ, thực hiện tốt 5 đề án được giao cho HKTSVN chủ trì theo định hướng phát triển Kiến trúc Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: 1. lưu giữ, trưng bày các giá trị bản sắc kiến trúc của các dân tộc; 2. Nghiên cứu bảo tồn, phát huy, làm mới trong phát triển kiến trúc; 3. Kiến trúc nông thôn từ truyền thống đến hiện đại, gắn kết thời kỳ hội nhập; 4. Xây dựng, phát triển hệ thống lý luận phê bình Kiến trúc; 5. Đổi mới đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kiến trúc sư theo xu hướng hội nhập quốc tế;

Chúng ta cần tập trung toàn giới nghề, hành động vì các mục tiêu: Thứ nhất là, góp phần để hệ thống đô thị phát triển bền vững thực chất với kiến trúc xanh – Bản sắc – Hiện đại; Thứ hai là, vào cuộc mạnh mẽ quyết liệt để đóng góp kịp thời, đúng vai trò, nhằm cứu quy hoạch và kiến trúc nông thôn đang nhiều nguy cơ đánh mất truyền thống và trật tự phát triển hài hòa; Thứ ba là, làm sao cho cộng đồng gồm Chính quyền – Nhà đầu tư – Nhân dân thực sự thấu hiểu và tương tác; Thứ tư là, tự hệ thống và con người KTS phải nâng tầm trong sáng tạo, đột phá, cạnh tranh, hội nhập; Thứ năm là, trau dồi phẩm chất ý chí, thường xuyên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đi đôi với kế tục xứng đáng các bậc tiền bối.

Mọi thành công của HKTSVN, các KTS Việt Nam, ngoài Sự lãnh đạo đưa đường chỉ lối, sự cố gắng của bản thân mình, còn rất cần cả sự vào cuộc của toàn xã hội, từ những người dân, nhà đầu tư, các nhà đồng hành. HKTSVN và toàn thể Hội viên, cùng cộng đồng KTS đất nước, xin trân trọng được cảm ơn tất cả điều đó.

Xin trân trọng cảm ơn!

TS. KTS Phan Đăng Sơn
Chủ tịch Hội KTS Việt Nam
© Tạp chí Kiến trúc

 

The post TS. KTS Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam: Chúng ta – Những người làm kiến trúc, hãy cùng nhau đoàn kết, xây dựng đất nước appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/8VYTwok
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Thứ Năm, 27 tháng 4, 2023

Hội kiến trúc sư Trà Vinh tổ chức kỷ niệm ngày Kiến trúc Việt Nam (27/04) và 75 năm thành lập Hội Kiến trúc sư Việt Nam (1948 – 2023)

Nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng ngày Kiến trúc Việt Nam trên cả nước, chiều ngày 24/04/2023, tại quán Ẩm thực Ven Sông, Hội Kiến trúc sư Trà Vinh tổ chức lễ Kỷ niệm Ngày Kiến trúc VIệt Nam (27/04) VÀ 75 năm thành lập Hội Kiến trúc sư Việt Nam (1948 – 2023).

Đến dự buổi lễ có sự góp mặt của lãnh đạo Ban tuyên giáo Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, Sở Xây dựng, Sở Nội vụ, Hội Văn học nghệ thuật, Liên hiệp các hội khoa học kỷ thuật, Báo Trà Vinh, Đài truyền hình Trà Vinh, các đơn vị đơn vị xây dựng trong, ngoài tỉnh có đóng góp cho sự phát triển của ngành quy hoạch, kiến trúc, xây dựng trong thời gian qua, các đơn vị tài trợ và gần 40 kiến trúc sư hội viên Hội Kiến trúc sư Trà Vinh.

Hội KTS Trà Vinh
Hội KTS Trà Vinh

Nội dung chương trình buổi lễ phong phú, đậm chất chuyên môn:

KTS. Sơn Trọng Thanh báo cáo tóm tắt quá trình hoạt động và thành tích của Hội thời gian qua và phương hướng nhiệm vụ thời gian tới. KTS. Kê Minh Nguyện ôn lại truyền thống 75 năm Hội Kiến trúc sư Việt Nam, lịch sử ngày truyền thống nhằm giáo dục truyền thống giới kiến trúc sư trẻ thêm yêu quý, trân trọng ngành và phấn đấu, rèn luyện, sáng tác nhiều tác phẩm giá trị cho quê hương, đất nước.

Dịp này, hội kết nạp 02 hội viên mới vào Hội Kiến trúc sư Trà Vinh nâng tổng số hội viên lên 41 hội viên; Hội cũng được Hội Kiến trúc sư Việt Nam trao quyết định kết nạp 08 hội viên vào Hội KTSVN nâng tổng số hội viên HKTSVN lên gần 20.

Trao quyết định kết nạp hội viên Hội KTS Trà Vinh
Trao quyết định kết nạp hội viên Hội KTS Trà Vinh

Tại buổi lễ, Chủ tịch Hội kiêm Uỷ viên HKTSVN cũng long trọng trao 09 bằng khen có thành tích đóng góp cho sự phát triển hội cho 09 hội viên; 03 bằng khen + 03 Kỷ niệm chương cho 03 kiến trúc sư hoạt động nghề nghiệp trên 20 năm.

Đây cũng là lần đầu tiên, KTSTV tổ chức 1 sự kiện đơn giản nhưng hoành tráng, quy tụ được gần hết hội viên, nhiều nội dung phong phú, đông đủ khách mời, nhà tài trợ, cùng tâm sự, chia sẻ chuyện đời, chuyện nghề trong không khí đoàn kết, ấm tình đồng nghiệp, vui tươi và cháy hết mình cùng lễ hội.

KTS. Lê Minh Nguyện – Phó chủ tịch HKTSTV
© Tạp chí kiến trúc

The post Hội kiến trúc sư Trà Vinh tổ chức kỷ niệm ngày Kiến trúc Việt Nam (27/04) và 75 năm thành lập Hội Kiến trúc sư Việt Nam (1948 – 2023) appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/DTQdHSJ
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Thứ Tư, 26 tháng 4, 2023

Nhà cộng đồng Kỳ Thượng – điểm du lịch được xây dựng bởi gỗ địa phương

Công trình nằm tại xã Kỳ Thượng, một xã nhỏ vùng cao nằm cách trung tâm thành phố Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh khoảng 60km về phía Đông Bắc. Với diện tích gần 100km2 nhưng xã chỉ có hơn 500 người sinh sống, chủ yếu là người dân tộc Dao. Đây là một xã đặc biệt khó khăn về kinh tế, giao thông và thiếu thốn các tiện ích xã hội khác. Nhưng bù lại, Kỳ Thượng lại là nơi có khu bảo tồn thiên nhiên Đông Sơn rộng lớn với nhiều loài động thực vật đa dạng, phong phú; cảnh quan tự nhiên hùng vĩ, khí hậu mát mẻ quanh năm. Đây thực sự là địa điểm có tiềm năng rất lớn về du lịch cộng đồng và bảo tồn thiên nhiên. Nhưng hiện tại, người dân ở đây chủ yếu sống bằng việc trồng cây keo, khai thác các sản vật từ rừng cộng với nguồn lương thực tự cung tự cấp.

Trong một lần lên thăm quan, gặp gỡ và giao lưu với người dân Kỳ thượng, nhóm thiết kế đã rất ấn tượng với con người và cảnh vật nơi này, đặc biệt là những người thanh niên trẻ, họ rất có niềm tin, ý chí và quyết tâm mong muốn giúp bà con thoát nghèo, muốn làm gì đó cho quê hương. Các kiến trúc sư đã cùng bàn bạc và đề xuất ý tưởng xây dựng một mô hình du lịch cộng đồng, giới thiệu văn hóa địa phương đến với những khách du lịch lên đây thăm quan và trải nghiệm. Nhiệm vụ đầu tiên là xây dựng một ngôi nhà cộng đồng, do chính tay mọi người cùng góp sức xây dựng lên. Đây sẽ trở thành một điểm dừng chân, đón khách và giới thiệu về văn hóa địa phương, các món ăn, tập tục sinh hoạt và cách sống của bà con nơi đây. Từ đó khái niệm về Nhà cộng đồng Kỳ Thượng ra đời, giống như một cái đình làng, hay một cái nhà văn hóa chung của thôn, nơi tụ họp, giao lưu của người dân trong thôn, cũng như khách du lịch khi đến đây.

Đội ngũ thiết kế mong muốn tạo ra một cấu trúc đơn giản, mới mẻ những vẫn gần gũi với người dân địa phương, nhất là cách thi công, lắp dựng, sao cho bà con có thể cùng nhau tham gia vào việc thi công, lắp dựng lên ngôi nhà này. Việc đầu tiên là lựa chọn vật liệu xây dựng công trình, vì vị trí xây dựng nằm ở xa trung tâm, đường đi lại rất khó khăn, đồng thời với chi phí xây dựng eo hẹp nên đội ngũ đã quyết định tận dụng các vật liệu sẵn có ở địa phương như gỗ tự nhiên, đá suối, kết cấu mái nhẹ, để tạo nên công trình này.

Ngôi nhà có cấu trúc tương tự nhà sàn của đồng bào các dân tộc miền núi phía bắc. Nhà có 2 tầng, tầng 1 là không gian mở, không ngăn thành phòng, dành cho các hoạt động sinh hoạt chung như họp thôn, tiếp khách, trưng bày hình ảnh, sản vật địa phương. Tầng 2 là không gian kín, có tường và cửa sổ bằng gỗ, có thể dùng để ngủ hoặc sinh hoạt.

Mặt bằng nhà hình Elip, tạo cảm giác cân đối và hướng tâm, tượng trưng cho một nơi sinh hoạt cộng đồng, một nơi mọi người có thể hướng về, đồng thời từ đây cũng có thể nhìn về nhiều phía khác nhau. Cấu tạo mái nhà đơn giản, mái dốc về 2 phía, đặt trên khối nhà hình trụ elip, tạo thành một hình tượng trưng như cánh diều hoặc như một chiếc lá giữa núi rừng. Mái được đua rộng ra xung quanh, che mưa nắng cho cấu trúc gỗ bên dưới, giúp ngôi nhà được che nắng mưa tốt hơn đồng thời bền vững hơn với thời tiết trong thời gian dài.

Kết cấu chính của nhà được làm bằng gỗ, chủ yếu tận dụng lại gỗ có sẵn của bà con địa phương.

Các chi tiết liên kết gỗ chủ yếu dùng mộng truyền thống, gỗ được phơi khô, xử lý mối mọt, cong vênh theo phương pháp truyền thống, sau đó được gia công tại công trình và lắp dựng trực tiếp bởi những người dân địa phương. Hệ cột tầng 1 được tạo bởi từ 32 thân gỗ tự nhiên có đường kính từ 25-30cm, các cây gỗ được bóc vỏ, để tự nhiên, không cắt gọt, tạo thành những cây cột có dáng vẻ tự nhiên khác nhau như những thân cây trong rừng.

Toàn bộ công trình được thiết kế và xây dựng theo phương pháp truyền thống, sử dụng vật liệu có sẵn, chi tiết thi công đơn giản, gần gũi với người dân địa phương. Móng được xây bằng đá suối, dầm cột bằng gỗ, vách ngăn phòng cũng bằng gỗ, mái dùng tấm lợp sinh thái, có ưu điểm nhẹ, dễ vận chuyển và lắp đặt.

Công trình được đặt trên một địa hình đồi dốc, phía trước hướng ra sân cộng đồng, nhìn về phía dòng suối, phía sau công trình là rừng keo, kết hợp với các cây cỏ địa phương tạo nên một tổng thể hài hòa, tự nhiên.

Từ khi hoàn thành đến nay, công trình đã trở thành một điểm đến, một nơi chốn với nhiều hoạt động có ý nghĩa của địa phương. Đồng thời cũng là một điểm thu hút du lịch, mang lại thêm nguồn thu nhập và công việc làm cho bà con nơi đây.

Uyên Thư – TCKT.VN

© Tạp chí kiến trúc

The post Nhà cộng đồng Kỳ Thượng – điểm du lịch được xây dựng bởi gỗ địa phương appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/35kyiET
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

6 công trình Việt Nam đạt Giải thưởng Cộng đồng Kiến trúc Thế giới WA Award lần thứ 43

Vừa qua, Giải thưởng WA Awards (World Architecture Community Award) lần thứ 43 đã công bố kết quả với 47 dự án chiến thắng đến từ 23 quốc gia khác nhau, trong đó, Việt Nam vinh dự có 6 công trình đạt giải bảo gồm: Triangle 434 Resort, ICT Complex Building, Phu Quy Island Community Living Center, Yen Vietnamese Restaurant, UNDER TREES_Renoving the Novotel hotel SaiGon Centre’s Interior Space và Trinh Cung Gallery & Studio. 

Được thành lập từ năm 2006, Giải thưởng là cuộc tranh tài về kiến trúc – nội thất có uy tín, được đánh giá cao, ghi nhận những dự án kiến trúc cộng đồng đáng chú ý, có khả năng truyền cảm hứng trong kiến trúc đương đại.

Tạp chí Kiến trúc xin giới thiệu tới bạn đọc 06 tác phẩm xuất sắc của Việt Nam nhận giải tại Giải thưởng lần này.

1. Triangle 434 Resort

Triangle 434 Resort nằm ở phía Nam tỉnh Thừa Thiên – Huế có lợi thế lớn về tiềm năng tự nhiên, đặc biệt với địa hình đặc trưng của Việt Nam có nhiều núi, sông. Thách thức lớn nhất của dự án là định hướng phát triển du lịch cho khu đất, phát huy tiềm năng thiên nhiên hùng vĩ để khu vực này thoát khỏi hoạt động du lịch tự phát.

Yếu tố tự nhiên trong dự án được đặc biệt chú trọng bảo tồn. Nhóm thiết kế đã chọn giải pháp quy hoạch tôn trọng thiên nhiên, khai thác cảnh quan địa hình, các đồi cao, dốc đất thấp để hình thành các không gian đẹp. Giải pháp kiến ​​trúc của các công trình trong dự án được thiết kế dựa trên mô đun tam giác chung để có thể thích ứng với mọi địa hình trong tự nhiên. Mỗi tòa nhà được định hình theo chức năng của từng khu vực, điều kiện nhiệt độ và khí hậu, chức năng, địa hình và cảnh quan xung quanh.

Với việc sử dụng các modun tam giác, các khối nhà được tạo hình khá linh hoạt và tự do, trong tổng thể các công trình kiến ​​trúc sẽ hiện lên như một phần của thiên nhiên, như những tảng đá, ngọn núi, ngọn đồi nhỏ xen lẫn vào nhau. Phần chức năng được bố trí lùi vào trong tạo thành những mái hiên phù hợp với khí hậu địa phương.

Tư duy tích hợp dựa trên chiến lược thiết kế bền vững giúp giảm thiểu tác động của quá trình xây dựng đối với thiên nhiên và môi trường. Dựa vào đặc điểm thời tiết của Huế, giải pháp thi công là lắp ghép từ các modun đúc sẵn tại nhà máy để giảm thời gian thi công. Hệ thống kết cấu của các mái nhà modun được làm từ lõi của cây keo địa phương – loại cây trồng ngắn ngày và thường chỉ được sử dụng lớp vỏ ngoài để sản xuất giấy.

Giải pháp về vật liệu xây dựng cho các công trình trong dự án là tận dụng vật liệu xây dựng trong khu vực như đá chẻ, đá granit, cát, gỗ… thân thiện với môi trường, hạn chế vận chuyển trong quá trình thi công. Đồng thời cũng góp phần tạo nên sự hài hòa của công trình với môi trường xung quanh.

Khu nghỉ dưỡng Triangle 434 là dự án mà A+ mong muốn truyền cảm hứng về sự tôn trọng tuyệt đối thiên nhiên, hạn chế san lấp địa hình, tôn vinh các giá trị bản địa.

2. Tòa nhà ICT Complex

Tòa nhà ICT Complex là một khu phức hợp với các chức năng khác nhau bao gồm khu căn hộ, văn phòng, khách sạn, bán lẻ và trung tâm hội nghị. Tòa nhà tọa lạc tại quận Tây Hồ, quận trung tâm của Hà Nội.

Tổng diện tích tòa nhà khoảng 72.000m2 và cao 125m. Gồm 27 tầng và 3 tầng hầm. Đây là một khu phức hợp mang tính biểu tượng và mang tính bước ngoặt cho thành phố Hà Nội. Với ý tưởng về sự mềm mại và đường cong đặc trưng của chiếc áo lụa Hà Đông và sự kết hợp với tính chất kinh doanh của khách hàng, kiến ​​trúc sư đã cố gắng tạo ra một tòa nhà mang tính biểu tượng đặc biệt cho cả khách hàng sử dụng và thành phố.

Hình thức công trình có điểm nhấn là những dải lam chắn nắng chạy suốt ở mặt đứng hướng Tây của công trình. Các mảng lam này tạo thành sự liên kết liên tục các tầng trên với các khối đế, các khu cảnh quan công trình. Nằm trên khu cảnh quan là phòng hội thảo với 300 chỗ ngồi, được coi là điểm nhấn tầm nhìn thấp với thiết kế hình cầu và bao quanh là các dải cong mềm mại.

Tòa tháp bên trái có chức năng văn phòng và căn hộ, được thiết kế đan xen giữa những khu vườn trên cao với những dải trắng uốn lượn, góp phần làm mềm mại khối nhà cao tầng. Tòa nhà nằm giữa rất nhiều tòa nhà hộp vuông nên sự sáng tạo này tạo điểm nhấn và dịu mắt, mềm mại hơn cho toàn khu dự án.

Tòa tháp bên phải có chức năng là văn phòng và khách sạn. Khối nhà cao tầng bên phải cũng được thiết kế dải lụa kéo dài từ mái đến khối đế, gần như đối xứng với khối tháp bên trái. Hai dải lụa mảnh được đan trên các tầng khối đế từ tầng 1 đến tầng 6 tạo không gian trung tâm thẳng tắp hơn với vật liệu kính Low-E.

Toàn bộ công trình là sự kết hợp của cây xanh, sự mềm mại của dải lụa và tính chất hiện đại của vật liệu xây dựng. Mặt đứng phía sau của dự án được thiết kế mở và thoáng tận dụng tối đa view sông Hồng và Hồ Tây, một trong những view đẹp nhất của Thủ đô Hà Nội.

Xem thêm: https://www.tapchikientruc.com.vn/tin-tuc/cong-trinh-bieu-tuong-cua-ngo-thu-do-ha-noi-do-gk-archi-thiet-ke-doat-giai-kien-truc-the-gioi-2023.html

3. Trung tâm sinh hoạt cộng đồng đảo Phú Quý

“The Tracs of Stone” – Nguồn cảm hứng được lấy từ giai thoại về lịch sử núi lửa phun trào của hòn đảo và hình ảnh dễ thấy của những bãi đá trải dài dọc bờ biển. Kiến trúc được tạo nên như một sự gợi nhắc về quá khứ, tạo nên sự tương tác giữa bãi đá hiện hữu với tên gọi quen thuộc Bãi đá đen.

Ý tưởng đưa kiến ​​trúc trở về với thiên nhiên và xóa bỏ ranh giới đó, hòa mình vào thiên nhiên như một bộ phận của cảnh quan, để chúng cùng tồn tại và phát triển trong một tổng thể chung, các kiến trúc sư đã dẫn dắt con người qua nhiều không gian xuyên suốt và đan xen với thiên nhiên, cảm nhận qua đường nét kiến ​​trúc, ánh sáng, thiên nhiên, độ mặn, thời tiết khắc nghiệt và hòa mình vào thiên nhiên, khẳng định sức mạnh của kiến ​​trúc.

Chuyển dòng kiến ​​trúc vào không gian nội thất, mang đến những khoảng trống, khoảng lặng cần thiết để mang đến suy tư của con người về bối cảnh, lịch sử và vẻ đẹp vốn có của thiên nhiên. Chiến lược cân bằng giữa kiến ​​trúc và bối cảnh, định hình một tương lai mới cho một công trình, nơi tụ họp, liên kết các cộng đồng nhỏ trên đảo thành một nơi học tập, giao lưu văn hóa, truyền nghề có tổ chức, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa lịch sử biển đảo. vùng đảo.

Các khối công trình được định hướng phát triển theo dạng module, có tính chất tự duy trì và phát triển. Tận dụng năng lượng của khu vực, phát triển bền vững thông qua việc tái sử dụng nước mưa và khai thác lực đẩy ánh sáng, gió để phát điện cho tòa nhà, tạo nên một công trình xanh và bền vững về không gian.

4. Yen Vietnamese Restaurant

Công trình mang đến không gian tự nhiên cho khách hàng trải nghiệm ẩm thực chay Việt Nam. Không gian cửa hàng tạo ra bầu không khí yên tĩnh nhưng cũng vô cùng thân thiện, tạo cảm giác Phật giáo truyền thống giữa không gian thiên nhiên.

Nội thất được chiếu sáng bằng đèn định vị để làm nổi bật độ sâu của các bề mặt. Các bề mặt được chiếu sáng bởi ánh sáng thể hiện các vết mài được gia công cẩn thận và sự dồi dào của vật liệu. Mục đích là để tạo ra một không gian giống như hang động chức đựng sức mạnh và sự mềm mại của thiên nhiên.

Con người là những sinh vật nhỏ bé và cô đơn trong hành tinh rộng lớn. Sự yên tĩnh và bao la của thiên nhiên giúp các cá nhân thoát khỏi nhịp điệu của cuộc sống hàng ngày và kết nối lại với bản chất thực của họ. Đội ngũ thiết kế hy vọng rằng kiến ​​trúc có thể trở thành nơi tu dưỡng tinh thần cho các cá nhân.

5. Phòng trưng bày và studio Trịnh Cung

Phòng trưng bày và studio riêng của nghệ sĩ rộng 60m2 gần đây đã được chuyển đổi từ một căn hộ hai phòng ngủ nằm trong một tòa nhà cao tầng thông thường. Khách hàng là Trịnh Cung, một họa sĩ già nổi tiếng quyết định trở về quê hương sau nhiều năm sống ở nước ngoài. Thiết kế được đề xuất dựa trên ba khái niệm cơ bản.

Một phòng trưng bày điển hình thường được thiết kế như một không gian ổn định với những bức tường trắng cố định, nơi treo các bức tranh. Tuy nhiên, với dự án nhỏ này, kiến trúc sư đã tìm kiếm một giải pháp thiết kế thử nghiệm hơn. 6 phân vùng xoay có thể khóa được đề xuất thay vì những bức tường cố định và được sắp xếp theo thứ tự hình học xác định. Các bức tranh được treo trên các vách ngăn xoay cũng như các bức tường có ranh giới cố định để tạo ra một không gian trưng bày năng động và luôn thay đổi, phù hợp với cả bố cục trưng bày chung và triển lãm theo chủ đề. Sự luân chuyển năng động và tính linh hoạt của không gian có thể làm phong phú thêm trải nghiệm và cảm xúc của du khách và cả họa sĩ.

Bố cục và tính thực dụng của dự án cũng được lấy cảm hứng từ sự tương phản của ánh sáng và bóng tối trong cả hội họa và kiến ​​trúc. Các không gian được sử dụng để vẽ tranh, hội họp, thư giãn và nghỉ ngơi được đặt ở các rìa bên ngoài, nơi tràn ngập ánh nắng rực rỡ vào ban ngày trong khi không gian trưng bày chính mát mẻ hơn và được trang bị đèn chiếu. Các khe hở bên dưới và bên trên các vách ngăn cho phép ánh sáng ban ngày gián tiếp chiếu vào không gian mà không gây hại cho các bức tranh. Hơn nữa, các vách ngăn sơn trắng mịn màng tương phản với sàn gỗ bên dưới, các bức tường màu xám đen cũng như trần bê tông thô kệch phía trên; rồi tất cả chúng được kết hợp với nhau làm nền hài hòa cho lối chơi của ánh sáng và bóng tối trong tranh của họa sĩ.

6. UNDER TREES – Cải tạo khách sạn Novotel

Không gian nội thất của khách sạn Novotel, đặc biệt là sảnh chính chưa thực sự gây ấn tượng về thương hiệu cũng như vị trí của nó tại Sài Gòn.

Dựa trên tiêu chí ‘Time with you’ của Novotel và hình ảnh ‘cây xanh’ hiện diện khắp nơi tại Sài Gòn, nhà thiết kế hình thành ý tưởng về một không gian hiện đại nhưng vẫn mang hơi thở của thiên nhiên: không chỉ từ đường phố Sài Gòn, mà ngay khi bước vào tòa nhà, ‘cây xanh’ vẫn hiện diện. Khẳng định một Sài Gòn dù hiện đại nhưng vẫn hài hòa với thiên nhiên. Sử dụng kết hợp Thiết kế mô phỏng sinh học và Phong cách hiện đại, Biomimetic Design (Thiết kế lấy cảm hứng từ sinh học) là một phương pháp thiết kế dựa trên cảm hứng, đo lường và tái tạo hình dáng bên ngoài hoặc bản chất của một đối tượng sinh học.

Phong cách Hiện đại là một trường phái kiến ​​trúc phát triển trong khoảng thời gian từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Đặc trưng bởi đường nét đơn giản, bảng màu và việc sử dụng vật liệu từ hoàn thiện đến trang trí rất đa dạng. và dễ tìm. Phong cách dễ mix&match với các phong cách khác để tạo nên không gian sang trọng, thoải mái. Ý tưởng trần giả với các tấm module nhôm tam giác dập nổi hình chiếc lá có khe cắm đèn LED tạo hình ảnh ‘ánh sáng xuyên qua tán lá chiếu xuống’.

Ý tưởng về một cột thép hình cây với các nhánh vươn tới trần nhà (tán lá). Và khái niệm ‘Điểm nhấn trực quan’ là đèn treo với các mô-đun lá và ao trang trí gợi lên hình ảnh những chiếc lá rơi xuống mặt nước trong tự nhiên.

Tố Uyên – TCKT.VN
© Tạp chí Kiến trúc

The post 6 công trình Việt Nam đạt Giải thưởng Cộng đồng Kiến trúc Thế giới WA Award lần thứ 43 appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/CDBa0fP
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//