Thứ Bảy, 1 tháng 4, 2023

Biển Phú Yên và phát triển các đô thị biển

Thế kỷ 21 con người chú trọng khai thác tiềm năng, lợi thế kinh tế biển, các đô thị phát triển hướng về biển cả. Theo quy hoạch đến năm 2025 tỉnh Phú Yên có 4 đô thị biển đó là: Sông Cầu, Tuy An, Tuy Hoà và Đông Hoà.

Biển Phú Yên (Nguồn: Internet)
Biển Phú Yên (Nguồn: Internet)

Vai trò của biển

Ngày xưa Châu Âu khám phá ra Châu Mỹ thông qua con đường biển, văn minh của các nước cổ đại cũng được xây dựng ven biển; ngày nay các TP văn minh, hiện đại, các trung tâm thương mại, tài chính, ngân hàng lớn trên thế giới cũng được xây dựng từ các đô thị biển. Việt Nam ta với trên 3.000km đường biển, chưa nói đến các đường men theo các đảo, đây là lợi thế lớn để phát triển kinh tế biển. Nhiều nước trên thế giới ước mơ có được một đoạn bờ biển như Việt Nam để đi ra thế giới.

Phú Yên là tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, có đường bờ biển dài 189km; phía Bắc giáp với Ghềnh Ráng (Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), chạy vào đến đảo Hòn Nưa giáp tỉnh Khánh Hòa. Dãy Trường Sơn hùng vĩ khi vào đến Phú Yên, ở phía Bắc là núi Cù Mông như con rồng khổng lồ trườn ra biển Đông; còn phía Nam là núi Đá Bia thuộc khối núi Đại Lãnh, là dấu chấm của dãy Trường Sơn sừng sững, hiên ngang nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền của Tổ Quốc, điều này làm cho bờ biển Phú Yên càng thêm xinh đẹp và hấp dẫn.

Dọc bờ biển còn hoang sơ có nhiều đảo nhỏ, núi đồi, nương rẫy, hoa lá xanh tươi bốn mùa; có nhiều đầm vịnh đẹp nổi tiếng như đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài, đầm Ô Loan, vịnh Vũng Rô; có nhiều danh thắng đẹp như Gành Đá Đĩa, quần thể Hòn Yến, mũi Đại Lãnh là những danh lam thắng cảnh cấp quốc gia; biển Phú Yên là yếu tố trụ cột mang tính bao quát, biển có ngư trường rộng lớn, nằm trong vùng đa dạng về thuỷ hải sản.

Biển là cửa ngõ, là lối đi về; dưới thềm lục địa biển chứa đựng vô vàn nguyên nhiên liệu, biển là ngư trường của hàng vạn người con làng biển. Tại các cửa biển, cửa sông có các làng biển lâu đời với nghề nuôi trồng, đánh bắt hải sản truyền thống như nuôi tôm hùm, câu cá ngừ đại dương; nơi đây còn có lễ hội cầu ngư, hò bá trạo, với các làng nghề lâu đời như đóng tàu thuyền, đan thúng chai, dệt chiếu cói…

Những đô thị lâu đời như Hải Phòng, Đà Nẵng, Hội An, Vũng Tàu… được hình thành qua con đường giao thương buôn bán với các quốc gia biển; các đô thị này đều có cảng biển nên phát triển khá nhanh. Ngày nay các đô thị biển đang được hình thành theo các trục giao thông ven biển, thường gọi là trục động lực kinh tế biển, giao thông tới đâu thì đô thị phát triển theo tới đó.

Các đô thị biển nói chung với những dự án nhà ở biệt thự cao cấp, những khu nghỉ dưỡng sang trọng và đẳng cấp; các đô thị biển cạnh tranh nhau khá gay gắt, nhưng các dự án đầu tư gần như lại hoàn toàn giống nhau; dự án nào cũng biệt thự, nhà hàng, khách sạn; một số dự án phân lô bán nền. Các công trình phúc lợi thiết yếu như nhà trẻ, trường học, chợ… không theo kịp nên con em phải đi học xa, các sinh hoạt khác gặp nhiều khó khăn. Tại các đô thị biển ít thấy bóng dáng các công trình công cộng như: Trung tâm tài chính, thương mại, văn hóa, thể dục thể thao, phim trường và đặc biệt là ít được đầu tư cho các cảng biển.

Phú Yên khai thác các tiềm năng

Nhìn chung, các đô thị biển tại Phú Yên có khí hậu khá tốt, bờ biển đẹp còn hoang sơ, rất thích hợp cho đầu tư các công trình du lịch nghỉ dưỡng. Mỗi đô thị biển lại có nhiều thế mạnh riêng khác hỗ trợ, chính vì vậy cần khai thác, các lợi thế đặc trưng này cho từng đô thị.

Đối với đô thị Sông Cầu, sở hữu hơn 80 km đường bờ biển mà ít đô thị nào có được, thiên nhiên ban tặng cho Sông Cầu những miền cát trắng trải dài, khi lại cong như vầng trăng khuyết, với vẻ đẹp thanh khiết, tươi mới của những biển đảo xanh; nơi có rừng núi xanh, có mưa nắng xanh, những vùng đất bình dị nổi tiếng với dừa xanh và đặc biệt có vịnh Xuân Đài một Di sản mà thiên nhiên ban tặng cho đô thị này. Sông Cầu tương lai là đô thị biển – du lịch – nghỉ dưỡng, nằm trong chuỗi các đô thị du lịch khu vực duyên hải Nam Trung Bộ.

Còn đô thị Tuy An, nơi có mật độ di sản lớn với hơn 50 di sản các loại, trong đó có 9 di sản cấp quốc gia, có 1 di sản quốc gia đặc biệt. Các di sản phong phú về thể loại, phân bổ khá đều, chưa nói đến nhiều danh thắng ở núi rừng phía Tây chưa được khai thác như Vực Hòm, đập Đồng Tròn… Nơi có cấu tạo địa chất văn hoá đá, nổi bật nhất là Gành Đá Đĩa, bộ đàn và kèn đá Tuy An… Nơi đây là miền đất đẹp, là cái nôi của tôn giáo với nhiều công trình nổi tiếng như chùa Đá Trắng, Nhà thờ Mằng Lăng…; nơi có núi rừng, có đồng bằng, sông biển, đầm vịnh là những vùng sinh thái rộng lớn, được coi như công viên tự nhiên xanh. Đô thị này còn có hệ thống đường bộ, đường sắt với ga Hoà Đa và ga Chí Thạnh là cửa ngõ rất thuận lợi giao lưu với các vùng miền. Đặc biệt hơn nơi đây còn có cảng Tiên Châu từ thế kỷ 18 từng là thương trường buôn bán với các quốc gia qua đường biển như Đài Loan, Nhật Bản, từng vang bóng một thời đang rất cần được cải tạo nâng cấp thành cảng tổng hợp. Địa phương này đang quyết tâm phấn đấu hướng đến năm 2025 phát triển lên thị xã, hình thành một đô thị Biển – Di sản – Dịch vụ phức hợp.

Đối với đô thị Tuy Hoà, xây dựng TP hiện đại, hội nhập, thông minh, có nền văn hoá và thể thao vững mạnh, hướng đến phát triển bền vững về môi trường. Với tầm nhìn quy hoạch là xây dựng một đô thị trung tâm du lịch biển liên châu lục thông qua sân bay Tuy Hoà, là cửa ngõ của Tây Nguyên, có mối lưu thông hàng hoá, đào tạo về nhân lực, nơi trung chuyển thiết yếu cho hoạt động kinh tế và dân cư qua hệ thống đường bộ, đường sắt Bắc – Nam; với khu vực công nghiệp, công nghệ cao, thuận lợi cho phát triển kinh tế mang tính quốc tế.

Còn đô thị Đông Hoà thì yếu tố công nghiệp là chủ đạo, tại đây có 2 cảng nước sâu là cảng Vũng Rô và cảng Bãi Gốc; có quốc lộ 29 lên Tây Nguyên, có đường sắt Bắc- Nam với ga Hoà hiệp và ga Hảo Sơn là cửa ngõ của đô thị; có quốc lộ 1 đi qua, có sân bay Tuy Hoà; một đô thị mà có đến 4 phương tiện giao thông đối ngoại đi qua là hiếm có. Đông Hoà còn là vùng kinh tế trọng điểm Nam Phú Yên – Bắc Khánh Hoà. Tương lai nơi đây là đô thị biển, với yếu tố công nghiệp là chủ đạo, là đầu mối về giao thông trung chuyển hàng hoá giữa các phương tiện giao thông sắt – thuỷ – bộ.

Thực trạng khu trung tâm tại các đô thị biển ở Phú Yên hiện nay nói chung đều có mật độ cư trú rất thấp, có thể đặc hơn, cao hơn; xây dựng các đô thị “nén” chú trọng phát triển về chiều cao, nhằm tiết kiệm về đất đai, tạo vóc dáng đô thị hiện đại. Khi đó cuộc sống của người dân đô thị thực sự tốt hơn, hạn chế việc đi lại, thuận lợi cho tiếp cận với các dịch vụ công trình phúc lợi hiện có.

Các đô thị biển Phú Yên, cần quy hoạch có nhiều trục đường phố chính hướng về phía biển như: Đại lộ Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Huệ, Trần Hưng Đạo tại TP Tuy Hoà; đây là nét đặc trưng cho các đô thị biển ở Phú Yên. Đường phố không chỉ là giao thông mà còn là hành lang đưa nắng và gió biển vào sâu trong lòng đô thị, đem lại không khí trong lành, đây được coi là tiêu chí hàng đầu về môi trường mà các đô thị biển hiện đại đang hướng tới.

KTS Hoàng Xuân Thưởng (Hội KTS tỉnh Phú Yên)
© Tạp chí Kiến trúc

The post Biển Phú Yên và phát triển các đô thị biển appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/6OZjmHd
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét