Trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và củng cố an ninh quốc phòng của đất nước, nông thôn vẫn là một địa bàn quan trọng, nơi tập trung đến 60% dân cư và đóng vai trò không thể thay thế cả về kinh tế (với nông nghiệp là ngành chủ đạo) lẫn văn hóa (vì là nơi sinh sống tập trung của nhiều dân tộc thiểu số được biết đến nhờ bản sắc rất riêng biệt và độc đáo còn được lưu giữ tương đối bền vững qua nhiều thế hệ). Trong hơn 10 năm, từ 2011 đến nay, Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới được triển khai trên phạm vi toàn quốc, đã tạo nên sự chuyển biến tích cực ở nhiều vùng nông thôn, khi điện – đường – trường – trạm được đầu tư nâng cấp đồng bộ hơn để đạt chuẩn, kinh tế khởi sắc với những ngành nghề mới được mở mang để tạo công ăn việc làm và đem lại nguồn thu nhập thêm cho hàng triệu nông hộ bên cạnh các lĩnh vực kinh tế truyền thống tiếp tục được chú trọng. Tuy nhiên, trên khía cạnh văn hóa, dường như những việc đã làm vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu mà thực tế đòi hỏi. Ở nhiều nơi, nhà văn hóa cộng đồng cùng một số công trình công cộng thiết thực với đời sống của người nông dân vẫn còn thiếu, hoặc nếu có thì đã xuống cấp hoặc được xây mới song không thể hiện được bản sắc vùng miền, và không thể không đề cập đến nguy cơ mai một của văn hóa truyền thống trước tác động mạnh mẽ của quá trình hiện đại hóa và đô thị hóa đang lan rộng và vây ép các làng xóm. Sự đứt gãy trong văn hóa nông thôn được phản ánh khá rõ ràng qua kiến trúc và vấn đề đặt ra là cần gắn lại những chỗ đứt gãy này để kiến trúc nông thôn thực sự khởi sắc.
Tổng quan về kiến trúc cộng đồng ở nông thôn Việt Nam
1. Kiến trúc công cộng nông thôn ngày xưa
Kiến trúc công cộng ở làng quê ngày xưa gồm có đình làng, miếu làng và chùa làng là những công trình chủ yếu và cũng là những điểm nhấn trong bức tranh tổng thể về cảnh quan làng xóm. Ngoài chùa làng và đình làng còn có chợ làng với những lán xây tạm hoặc là các dãy nhà được xây cất nghiêm chỉnh trên một khu đất rộng gần đường cái hoặc bến sông tùy điều kiện từng nơi để thuận lợi cho giao thương. Trường làng không có, mà trẻ em đến nhà thầy đồ trong làng học chữ và nhà thầy đồ khi ấy kiêm chức năng lớp học.
Chùa làng là nơi thờ Phật, trong khi miếu làng thờ Thành Hoàng làng, ông tổ nghề hoặc người có công lớn trong việc khai lập và mở mang cũng như bảo vệ làng xóm. Đây là những kiến trúc công cộng mang đậm tính tôn giáo và tâm linh. Chùa làng và miếu làng thường được xây dựng ở những địa điểm thoáng đãng, có cảnh quan đẹp và theo những quy định khá chặt chẽ như lưng tựa núi hoặc đồi, quay mặt ra sông hoặc cánh đồng. Chùa làng có thể được tổ chức theo từng lớp từ ngoài vào trong và các gian được bố trí theo vài dạng kiểu chữ Hán như chữ công (工), chữ nhị (二), chữ tam (三), chữ đinh (丁). Chùa làng và miếu làng được đặt trong khuôn viên với hàng rào bao bọc, có tam quan lớn (chùa làng) hoặc cổng nhỏ (miếu làng). Chùa làng và miếu làng được cộng đồng sử dụng vào những dịp nhất định trong tháng và trong năm như ngày rằm, mùng một, khai xuân, và mỗi khi có điều ước khẩn cầu thần linh cho mưa thuận gió hòa, cuộc sống an lạc thịnh vượng.
Đình làng, với vai trò là nhà văn hóa cộng đồng, chính là công trình công cộng quan trọng bậc nhất ở nông thôn từ trước tới nay. Khác với chùa làng và miếu làng, đình làng không nhất thiết phải ở vị trí đẹp nhất mà thuận tiện nhất cho việc tiếp cận của người dân, thông thường ở chính giữa làng. Trong lịch sử và theo tục lệ, đình làng là nơi diễn ra các cuộc họp quan trọng của các bậc cao niên, của lý trưởng và quan lại, cũng như của toàn thể dân làng. Những lễ hội văn hóa đặc sắc, nhất là vào mùa xuân, và nhiều sự kiện trọng đại khác như đón nhận sắc phong của nhà vua cũng được tổ chức ở đây. Trước đình làng có một khoảng sân rộng lát gạch để dân làng tập trung hội họp và tham gia các hoạt động cộng đồng. Không gian bên trong đình làng nhìn chung rộng rãi, ít khi ngăn chia thành gian như bên chùa, có thể đủ chỗ cho hàng trăm người ngồi.
Chùa làng và đình làng được xây dựng theo kiểu kiến trúc truyền thống, với hệ cột theo số gian lẻ và kết cấu mái bằng gỗ liên kết “mộng” hoặc “ngàm”, không dùng đinh đóng nhưng rất chắc chắn. Mái chùa và mái đình lợp ngói âm dương, bốn góc uốn cong vút lên đẹp mắt, với nhiều chi tiết chạm trổ tinh xảo trên bề mặt gỗ và đắp vữa gắn gạch gốm hình rồng phượng rất tỷ mỷ. Có thể kể đến chùa Keo, chùa Trăm Gian và chùa Tây Phương với kiến trúc rất đẹp và có giá trị về nghệ thuật điêu khắc gỗ. Đình làng Đình Bảng, đình Chu Quyến, đình Tây Đằng là ba trong số những đình làng tiêu biểu nhất.
Với các dân tộc ít người, nhà văn hóa cộng đồng gần như là công trình công cộng duy nhất trong phạm vi khu ở là các làng bản, có thể được gọi với nhiều tên khác nhau và có nhiều hình thức kiến trúc phong phú, song
đều có điểm chung – giống đình làng của người Kinh – là tọa lạc ở vị trí trung tâm của khu ở, có diện tích rộng rãi và kiến trúc nổi bật, là nơi cộng đồng giao tiếp và tham gia các hoạt động tập thể để tăng cường sự gắn kết xã hội. Kiến trúc của nhà cộng đồng, cũng như nhà ở truyền thống của mỗi dân tộc, mang đậm nét bản sắc văn hóa của dân tộc đó.
2. Kiến trúc công cộng nông thôn thời nay
Nhìn chung, trên phạm vi cả nước, khu vực nông thôn ở miền núi và trung du ít chịu tác động của đô thị hóa hơn so với miền đồng bằng, và ảnh hưởng của kiến trúc đô thị lên nhà công cộng không rõ rệt như trong mảng nhà ở.
Tại những nơi mà tác động của đô thị hóa lên kiến trúc nông thôn được ghi nhận là đáng kể, nhà ở là đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên, tiếp đó là công trình công cộng. Chùa làng và đình làng ở nông thôn, nếu may mắn không bị phá hủy bởi chiến tranh hoặc hư hại bởi thiên tai, thì cũng khó tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực bởi sự xây dựng nhà ở tràn lan khi làng bị đô thị hóa, dần dần bị nhà ở vây bọc bốn phía, tiến sát đến hàng rào khuôn viên của đình và chùa, và cá biệt có những trường hợp khuôn viên đình chùa còn bị lấn chiếm trái phép để xây dựng nhà ở. Ngoại trừ một số ít chùa và đình làng được giữ gìn nguyên vẹn hoặc được trùng tu thành công, phần lớn các công trình dạng này đã xuống cấp, đòi hỏi có kinh phí lớn để tôn tạo trong khi ngân sách địa phương khá hạn hẹp, công tác xã hội hóa cũng gặp không ít trở ngại, không thể đủ để cải tạo hoặc trùng tu một cách đồng bộ. Kết quả là công trình được chia thành nhiều gói, thực hiện khá lắt nhắt, không hiệu quả, hoặc bị trì hoãn nhiều năm nên công trình tiếp tục xuống cấp.
Sau này, dưới thời thuộc địa, nông thôn Việt Nam mới dần xuất hiện một số thể loại công trình công cộng mới như trường làng, trạm xá, trụ sở chính quyền,… Tiếp theo, khi đời sống được cải thiện, nhu cầu nảy sinh, những thể loại khác mới hình thành như nhà văn hóa, thư viện, ủy ban,…
Chương trình phát triển nông thôn mới được triển khai khắp các tỉnh thành trong nước từ năm 2011 đến nay đã chú trọng việc nâng cao đời sống văn hóa cho cộng đồng cư dân nông thôn, với hệ thống nhà văn hóa thôn bản, thư viện cộng đồng, công trình thể thao,… được đầu tư có hệ thống và quy củ hơn. Tuy nhiên, điểm hạn chế của chương trình này chính là việc áp dụng có phần cứng nhắc cũng như đại trà một số lượng ít ỏi mẫu thiết kế được điển hình hóa, dẫn đến tình trạng đơn điệu, nhàm chán và lặp lại quá nhiều lần đến mức có người bi quan đưa ra nhận định là các loại hình đó được “nhân bản vô tính”. Về cấu trúc, các công trình này khô cứng, chỉ quanh quẩn mấy dạng tổ chức mặt bằng quen thuộc như chữ I, chữ U, chữ L và hình thức kiến trúc cũng ở dạng sao chép thô vụng và chắp vá. Trụ sở ủy ban có thể coi như là công trình được chú trọng hơn cả vì yêu cầu chính trị, thể hiện quyền lực, nhưng mặt trái của điều này là thể hiện căn bệnh hình thức, nhấn mạnh tính công quyền và xa rời dân, ít nhiều kém thân thiện. Rõ ràng ở đây có sự thiếu vắng những thiết kế độc đáo, có tính đến những đặc trưng về cảnh quan khu vực và văn hóa vùng miền vốn dĩ đa dạng. Dù đã có những chuyên gia cảnh báo và khuyến cáo, vấn đề này chậm được khắc phục và sửa chữa, một phần do “quán tính” của “đoàn tàu” đang tăng tốc để về đích đúng thời hạn và nỗ lực bằng mọi cách trong khả năng có thể để đạt chuẩn nông thôn mới. Chuẩn nông thôn mới nhiều khi còn mang tính phong trào và nặng về hình thức mà chưa chú ý đúng mức đến thực chất.
![](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2023/04/23A04004-11-380x247.jpg)
![](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2023/04/23A04004-12-380x247.jpg)
![](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2023/04/23A04004-1-380x247.png)
![](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2023/04/23A04004-13-380x247.jpg)
Bối cảnh phát triển ngày nay
1. Đô thị hóa – Yếu tố bên ngoài
Đô thị luôn phát triển không ngừng, nhất là trong thời đại ngày nay, khi đô thị hóa đang trở thành một xu thế tất yếu và trào lưu mạnh mẽ trên thế giới cũng như trong nước. Tại Việt Nam, không chỉ có các đô thị mới được thiết lập, qua số liệu tăng lên không ngừng theo thống kê của Bộ Xây dựng, mà nhiều đô thị hiện có cũng dần được nâng cấp lên hoặc nếu vẫn giữ nguyên loại thì có sự mở rộng về quy mô. Đô thị ngày một mở rộng sẽ dần vây bọc các làng xóm ven đô trước kia, rồi tiến sát đến các làng xóm ở ngoại ô từng cách trung tâm vài chục cây số. Một số vùng nông thôn nằm xen kẹt giữa vài đô thị cùng một lúc chịu ảnh hưởng từ nhiều phía. Theo ghi nhận, từ khoảng cách 10km trở lại, tác động của đô thị đến nông thôn trở nên rõ rệt và có thể quan sát được trực tiếp.
Đô thị thường đóng vai trò là hạt nhân hoặc động lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội của một vùng lãnh thổ nhất định. Đô thị càng lớn thì tầm quan trọng càng cao và sức ảnh hưởng càng mạnh, thu hút không chỉ vốn đầu tư mà còn nguồn nhân lực, cả nhân lực phổ thông lẫn nhân lực có tay nghề và trình độ cao. Ảnh hưởng của đô thị lên các vùng nông thôn lân cận được thể hiện trên nhiều bình diện. Ngoài sự chuyển dịch về lực lượng lao động từ nông thôn ra đô thị, còn có sự thay đổi về cơ cấu kinh tế tại các vùng nông thôn, khi tỷ lệ đóng góp của loại hình kinh tế phi nông nghiệp ngày một tăng. Kiến trúc đô thị và văn hóa đô thị cũng phát huy sức ảnh hưởng, khi diện mạo kiến trúc nông thôn và mức sống cũng như lối sống của người dân nông thôn ngày càng gần với thành phố. Nhà dân tự xây chịu ảnh hưởng rõ nhất và nhiều nhất, song công trình công cộng, nhất là các công trình cổ kính và có giá trị bị biến đổi bởi đô thị hóa mới là điều gây lo ngại nhiều nhất.
2. Hiện đại hóa – yếu tố bên trong
Khi mức sống được nâng lên và xã hội phát triển thì nhận thức của người dân cũng khác trước. Cư dân nông thôn, trong tiến trình tiếp xúc với cư dân đô thị về kinh tế, cũng tiếp thu nền văn minh đô thị và nhận thức được tính ưu việt của nền văn minh đó. Khi so sánh với những điều kiện quen thuộc vốn có trong môi trường sinh sống đã bao đời, họ không khỏi đặt ra câu hỏi: “Vì sao mình lại không có quyền thụ hưởng những tiện ích mà một xã hội văn minh đem lại và liệu truyền thống có phải là rào cản hay không?” Hiện đại hóa cuộc sống, qua đó cũng có thể hiện đại hóa cách tổ chức không gian nói chung và không gian công cộng nói riêng, là bước tiến phù hợp với một xã hội văn minh và năng động, đem lại những tiện ích tối đa cho cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống cả về vật chất và tinh thần. Nhu cầu này nảy sinh từ chính cộng đồng dân cư nông thôn, khi họ có điều kiện tiếp xúc với những tiến bộ xã hội bên ngoài và hiểu rõ lợi ích của sự thay đổi đó theo hướng tích cực là tinh giảm những gì rườm rà và không còn phù hợp, chỉ giữ lại những tinh chất của văn hóa làng xã truyền thống trong lòng một xã hội hiện đại. Sự tự nhận thức của cộng đồng khi đó sẽ đóng vai trò là động lực bên trong để dẫn đến những chuyển biến tích cực được trông đợi. Nếu không có chính sách đúng đắn và giải pháp phòng ngừa hữu hiệu những tác động bất lợi của đổi mới và hiện đại hóa trong tiến trình phát triển thì cán cân sẽ lệch sang xu thế tiêu cực, vì tác động bên ngoài khá mạnh trong khi nội lực bên trong lại chưa đủ lớn để tạo ra sức đề kháng.
3. Sự chênh lệch trong – ngoài và đứt gãy
Sự thành công của tiến trình chuyển đổi – hiện đại hóa – là điểm mấu chốt cần bàn luận. Vì không phải mô hình chuyển đổi nào cũng đem lại những hiệu quả tích cực được nhiều người kỳ vọng. Ở đây có hai trường hợp cần được nhìn nhận.
- Trường hợp thứ nhất là hiện đại hóa quá đà, khi yếu tố hiện đại lấn át hoàn toàn, thậm chí triệt tiêu yếu tố truyền thống, như phần lớn các ví dụ thực tiễn đã cho thấy. Điều này xảy ra khi văn hóa làng không còn đủ mạnh trước sức ép quá lớn của lối sống hiện đại đang hàng ngày hàng giờ tác động. Chẳng hạn như không gian công cộng được bảo tồn không đúng nguyên bản, dẫn đến tình trạng làm mới di tích lịch sử, mất đi phần hồn và giá trị niên đại của đình làng và chùa làng. Từ đó trở đi đình làng và chùa làng trở nên “xa lạ” với chính dân làng và không còn hấp dẫn như trước trong mắt của du khách thập phương (như ở Chùa Trăm Gian thuộc huyện Chương Mỹ, ngoại thành Hà Nội). Bên cạnh đó là sự mai một của nghề thủ công truyền thống, khi dân làng không còn sống được với nghề và phải chuyển đổi sang hoạt động khác để duy trì sinh kế, và sự thương mại hóa quá mức của các lễ hội dân gian như lễ hội xin ấn đền Trần ở Nam Định, khiến các chuyên gia và dư luận xã hội phải lên tiếng bày tỏ sự quan ngại. Ngoài ra, sự thay đổi theo chiều hướng tiêu cực của văn hóa ứng xử dưới tác động của nền kinh tế thị trường cũng là vấn đề cần được quan tâm và tìm ra giải pháp hài hòa hóa, vì lợi ích cá nhân nên sẵn sàng gây phương hại đến mối quan hệ xã hội vốn dĩ hòa thuận qua nhiều thế hệ.
Như vậy, sự đứt gãy ở đây rất rõ ràng, được thể hiện trên cả hai phương diện là kiến trúc và văn hóa – xã hội. Đối với kiến trúc, đó là sự “hụt hẫng” khi những công trình kiến trúc có giá trị của quá khứ đã bị xóa mờ (hoặc xóa trắng). Câu chuyện về lịch sử làng gần như bị khuyết một hoặc vài ba chương. Còn về văn hóa, những giá trị phi vật thể đã phai màu và không có sự kế tục ở thời điểm hiện tại và càng không có sự tiếp nối đến tương lai, trong khi đó mối quan hệ xã hội đã bị rạn nứt khi mâu thuẫn và xung đột lợi ích phát sinh trong cộng đồng, giữa người cũ và người mới, và giữa người làng gốc với nhau. - Trường hợp thứ hai, ngược lại, là sự cứng nhắc trong công tác bảo tồn di sản, dẫn đến những hệ lụy không ngờ tới. Ở Đường Lâm, một làng cổ ở ngoại thành Hà Nội với hàng trăm ngôi nhà có niên đại trên dưới 200 năm được bảo tồn khá nguyên vẹn có kết cấu tường xây đá ong độc đáo cùng nhiều di tích được xếp hạng như đình Mông Phụ, đền thờ Phùng Hưng, lăng Ngô Quyền,… mà nhiều nơi khác phải ao ước, người dân đã từng rất tự hào về làng quê của họ và sống được với nghề, hưởng lợi từ các hoạt động du lịch khai thác giá trị di sản. Tuy nhiên, sau mấy năm, người dân đồng loạt ký đơn kiến nghị trả lại danh hiệu di sản. Lý do cho hành động có phần “khó hiểu” này là nguồn lợi mà người dân được hưởng từ du lịch không đáng kể so với những bất tiện rất lớn trong cuộc sống hàng ngày khi cả làng bị “đóng dấu di sản”, không thể sửa chữa cho phù hợp với điều kiện sinh sống mới. Đây là một bài học đáng giá về cân bằng lợi ích trong bảo tồn di sản.
Trong cả hai trường hợp, có thể nhận ra sự chênh lệch đáng kể giữa các yếu tố bên trong và các yếu tố bên ngoài khi làng xã bắt đầu chịu tác động từ phía đô thị. Nếu thiếu sự kết nối giữa hai điểm – điểm sau cùng của tiến trình hiện tại và điểm khởi đầu của tiến trình mới – bằng một hình thức chuyển tiếp nào đó, thì sự chênh lệch này sẽ tạo nên sự đứt gãy, thậm chí đổ vỡ rất khó khắc phục trong một thời gian ngắn, như thực tiễn đã chứng minh.
![](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2023/04/23A04004-18-380x247.jpg)
![](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2023/04/23A04004-14-380x247.jpg)
![](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2023/04/23A04004-15-380x247.jpg)
![](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2023/04/23A04004-19-380x247.jpg)
![](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2023/04/23A04004-16-380x247.jpg)
Những vấn đề đặt ra đối với kiến trúc công cộng nông thôn trong bối cảnh hiện nay
1. Những điểm “sáng” trên vùng “tối” và một số ví dụ điển hình
Trên nền bức tranh kiến trúc công cộng nông thôn thời kỳ đổi mới với gam màu xám chủ đạo vẫn nổi lên những điểm sáng. Không theo những mô hình được ấn định mang tính khuôn mẫu, chỉ cần nhân rộng và chỉnh sửa đôi chút là “hoàn thành tốt nhiệm vụ”, những văn phòng thiết kế kiến trúc và những KTS có tâm nguyện phục vụ cộng đồng bằng cách thiết kế những công trình công cộng đem lại niềm vui cho người dân, nhất là những cộng đồng ở vùng sâu vùng xa và cả cộng đồng yếu thế có thể bắt gặp đó đây trong những đô thị lớn, và mong muốn nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho họ lại chọn lối đi không mấy bằng phẳng hoặc dễ dànvg. Họ đã bỏ công sức và thời gian qua ba giai đoạn, mỗi giai đoạn kéo dài vài tuần đến vài tháng, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ để hoàn thành nhiệm vụ mà hầu như không có thiết kế phí:
- Giai đoạn thứ nhất: Đến tận nơi để tìm hiểu nhu cầu thực tế của người dân, khảo sát hiện trạng khu đất và tự xây dựng nhiệm vụ thiết kế;
- Giai đoạn thứ hai: Miệt mài làm việc trong một thời gian dài tại xưởng thiết kế để lên ý tưởng kiến trúc cho công trình với nhiều phương án khác nhau, phân tích, cân nhắc từng chi tiết và chọn ra phương án thích hợp nhất để triển khai các bản vẽ kỹ thuật;
- Giai đoạn thứ ba: Bám trụ công trường xây dựng nhiều tháng liền để chỉ đạo thi công từng bước một và xử lý các tình huống phát sinh tại chỗ, cho đến ngày khánh thành công trình.
Trong quá trình thiết kế, các KTS đã nghiên cứu kỹ bối cảnh và điều kiện tự nhiên của khu vực cùng với nhu cầu thực tiễn của cộng đồng địa phương để tìm ra phương án tối ưu và phù hợp nhất, có nghĩa là không theo những bản vẽ mẫu có sẵn mà theo đuổi những ý tưởng riêng, nhấn mạnh tính tiện dụng với cộng đồng, tính độc đáo về ngôn ngữ kiến trúc và tính hài hòa của công trình với cảnh quan xung quanh theo từng trường hợp riêng biệt. Họ cũng biết cách khai thác những yếu tố có sẵn như nguồn vật liệu tại chỗ và sử dụng lực lượng lao động phổ thông để hạ giá thành xây lắp. Sự tham gia của người dân địa phương như tự tay chọn tre, lựa gỗ và nhặt đá, đắp đất, trộn vữa, bện lá, ghép mộng dưới sự hướng dẫn của KTS và kỹ sư khiến công trình trở nên có ý nghĩa hơn vì in dấu công sức của cộng đồng. Ngoài ra, KTS cũng chính là người kết nối các nguồn vốn, kêu gọi hỗ trợ vật tư để có thể xây dựng được nhanh hơn, hiệu quả hơn và nhiều hơn cho những vùng khó khăn đang rất cần sự quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Đó chính là tính nhân văn mà KTS cần phải thấu hiểu và làm tròn trách nhiệm nghề nghiệp của cá nhân với xã hội.
Trường học cho trẻ em thiệt thòi vùng cao là một ví dụ rõ nhất minh họa cho điều này. Ở những địa phương miền núi, tỷ lệ trẻ em đến trường rất thấp vì hai nguyên nhân cơ bản sau: Một là đời sống khó khăn đến mức trẻ em phải lao động phụ giúp cha mẹ kiếm sống hàng ngày và hai là thiếu giáo viên cũng như thiếu trường học, vài xã mới có một điểm trường và nhiều trẻ em phải băng rừng hai ba chục cây số để đi học, thực sự hành trình tìm con chữ của các em nhỏ rất gian nan. Khát khao của chính quyền và người dân địa phương bao năm là có một trường tiểu học với vài ba lớp học “Trường ra trường – lớp ra lớp”, một điều rất dễ đạt được ở miền xuôi nhưng lại vô cùng khó với địa bàn miền núi hẻo lánh. Không chỉ có lớp học và sân chơi, mà nhu cầu đi vệ sinh của trẻ em cũng được đáp ứng với khu vệ sinh dạng vườn ươm cây thân thiện môi trường, hợp vệ sinh và đẹp mắt. Đây là những thiết kế riêng biệt, có nghiên cứu kỹ lưỡng địa hình, khí hậu và văn hóa cũng như phong tục của từng địa phương, chứ không lấy ý tưởng có sẵn dạng “mẫu điển hình”, quy mô nhỏ nhưng ý nghĩa xã hội lại không hề nhỏ.
Năm nhà văn hóa cộng đồng ở năm địa phương khác nhau: Chiềng Yên ở Sơn La, Nậm Đăm ở Hà Giang, Suối Rè tại vùng bán sơn địa tỉnh Hòa Bình, Tả Phìn thuộc vùng núi cao heo hút tỉnh Lào Cai và Cẩm Thanh nằm ở vùng ven đô của TP Hội An mà Văn phòng Kiến trúc 1 + 1 > 2 thực hiện trong những năm gần đây là các ví dụ điển hình cho xu hướng thiết kế vì cộng đồng, có đặc điểm chung là cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố bản địa và bối cảnh tự nhiên, mang tính xã hội và nhân văn sâu sắc.
Song trên hết và sáng tạo hơn hết, KTS đã biết cách chắt lọc những tinh hoa văn hóa bản địa để đưa vào thiết kế, từ những yếu tố lớn như hình khối tổng thể cho đến những yếu tố nhỏ như chi tiết trang trí, để nhấn mạnh đặc thù văn hóa vùng miền, góp phần tăng cường tính nhận diện và sự đa dạng của kiến trúc. Riêng với nhà văn hóa cộng đồng Tả Phìn (Lào Cai), KTS đã chủ động đưa hệ khung sơn đỏ giản dị vào mặt đứng chính theo hệ mái nhô đồng dạng với vành khăn, khiến công trình thêm nổi bật trên nền xanh bạt ngàn của núi rừng Tây Bắc. Người quan sát không khỏi liên tưởng đến chiếc khăn trùm đầu màu đỏ rất đặc trưng của người phụ nữ dân tộc Dao và thêm tâm đắc với ý đồ tạo hình mang tính ẩn dụ cao của KTS.
![](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2023/04/23A04004-17-380x247.jpg)
![](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2023/04/23A04004-1-380x247.jpg)
2. Khoảng trống cần khỏa lấp
Nhu cầu về các công trình công cộng ở khu vực nông thôn tiện dụng, có bản sắc và phong cách kiến trúc độc đáo rõ ràng là rất lớn, trải dài từ Bắc đến Nam, với rất nhiều vùng cảnh quan và văn hóa khác biệt. Xã hội rất cần những người đi tiên phong, dấn thân vì cộng đồng và phục vụ cộng đồng. Nhưng trong thực tế, những người nhiệt huyết như thế chưa nhiều. Vậy đâu là rào cản, là khoảng trống cần khỏa lấp để xã hội Việt Nam có thêm những KTS cống hiến tài năng cho một cộng đồng thịnh vượng, một xã hội nhân văn hơn, quan tâm nhiều hơn đến những nhóm người yếu thế?
Khoảng trống đầu tiên là hành lang pháp lý. Luật Kiến trúc số 40/2019/QH14 được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam ban hành tháng 06/2019 là một bước tiến quan trọng vì lần đầu tiên có một văn bản pháp lý quy định về hành nghề kiến trúc tại Việt Nam, trong nỗ lực chuẩn hóa hoạt động nghề nghiệp có tính đặc thù rất cao này. Điều 4 của Luật Kiến trúc đã chỉ rõ một trong những nguyên tắc của hoạt động kiến trúc là: “Bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống, tiếp thu chọn lọc tinh hoa kiến trúc thế giới. Xây dựng nền kiến trúc Việt Nam tiên tiến, hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.” và Điều 5 nêu bật tầm quan trọng của bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc nói chung, đương nhiên bao hàm cả kiến trúc công trình công cộng, điều còn chưa được chú trọng: “Bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc gồm đặc điểm, tính chất tiêu biểu, dấu ấn đặc trưng về điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội, văn hóa, nghệ thuật; thuần phong mỹ tục của các dân tộc; kỹ thuật xây dựng và vật liệu xây dựng, được thể hiện trong công trình kiến trúc, tạo nên phong cách riêng của kiến trúc Việt Nam. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc.”.
Luật này cũng dành hẳn một điều – Điều 11 – để bàn về kiến trúc nông thôn, bên cạnh kiến trúc đô thị, theo đó các KTS khi thiết kế các công trình, nhất là kiến trúc công cộng phải “Bảo đảm kế thừa giá trị kiến trúc truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc; ưu tiên sử dụng vật liệu xây dựng địa phương và giải pháp kỹ thuật xây dựng tiên tiến; Bảo đảm không gian văn hóa phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán sinh hoạt, thuần phong mỹ tục của cộng đồng các dân tộc.”.
![](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2023/04/23A04004-2-380x247.jpg)
![](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2023/04/23A04004-3-380x247.jpg)
![](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2023/04/23A04004-5-380x247.jpg)
![](https://www.tapchikientruc.com.vn/wp-content/uploads/2023/04/23A04004-4-380x247.jpg)
Quy định như thế là rõ ràng về nhiệm vụ thiết kế đối với KTS có nguyện vọng phục vụ cộng đồng bằng những công trình công cộng có chất lượng. Tuy nhiên, điều quan trọng là làm thế nào để những KTS toàn tâm toàn ý với công việc lại chưa được xem xét thấu đáo. Trong thực tiễn hành nghề, họ gặp rất nhiều khó khăn về thủ tục và huy động đủ các nguồn lực cần thiết để hiện thực hóa những ý tưởng cao đẹp mà nếu không có những sự bù đắp chi phí từ những dự án khác, không vì tình yêu nghề, vì tấm lòng và sự sẻ chia với cộng đồng thì chưa chắc họ đã có thể theo đuổi dự án đến cùng. Do đó, cần có văn bản dưới luật bổ sung một số quy định cụ thể như trao thêm quyền – đi kèm với những ưu đãi – nhằm tạo điều kiện cho KTS có nguyện vọng thiết kế vì cộng đồng, và nhất là những KTS chuyên thiết kế vì cộng đồng yên tâm cống hiến.
Khoảng trống tiếp theo là thay đổi nhận thức của giới chuyên môn và toàn xã hội về thiết kế cho cộng đồng yếu thế. Những cộng đồng này không chỉ sinh sống ở vùng sâu, vùng xa mà còn tồn tại ngay trong lòng những đô thị lớn. Dù có thể chỉ là một nhóm thiểu số, chiếm vài phần trăm dân số, họ vẫn có đầy đủ quyền lợi và cần được đảm bảo quyền hưởng thụ những thành quả của sự phát triển, trong đó có những công trình phục vụ dân sinh thiết yếu như nhà văn hóa cộng đồng, trường học, trạm y tế, thư viện, sân chơi,… Việc thiết kế những công trình đó không nên quan niệm là hoạt động mang tính phong trào, thiên về hình thức, làm cho có mà cần đi vào thực chất và gắn với những cộng đồng cụ thể tại địa phương cụ thể. Trước khi có những KTS và văn phòng kiến trúc chuyên thiết kế vì cộng đồng yếu thế như tại một số quốc gia trên thế giới, cần tạo điều kiện thuận lợi để có thêm các cá nhân hoặc nhóm thiết kế tham gia các dự án vì cộng đồng. Bên cạnh đó, sự chung tay của các doanh nghiệp, nhà cung cấp vật liệu xây dựng, sản phẩm, cấu kiện và trang thiết bị công trình cũng đóng vai trò to lớn, thúc đẩy sự hình thành và phát triển của một trào lưu thiết kế vì cộng đồng tại nông thôn, không để nông thôn mãi là khoảng trống chưa được khỏa lấp về kiến trúc công cộng có chất lượng cao và bản sắc đậm nét.
KTS. Hoàng Thúc Hào
Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam
PGS.TS. KTS. Nguyễn Quang Minh
Khoa Kiến trúc và Quy hoạch – Trường ĐH Xây Dựng Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 02-2023)
Tài liệu tham khảo
1. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam (2019), Luật Kiến trúc, 40/2019/QH14;
2. Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam (2022), Quyết định số 263/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.;
3. Đào Ngọc Nghiêm (2017), Đô thị hóa khu vực ven đô thành phố Hà Nội và những thách thức đặt ra, Tạp chí Kiến trúc số 10/2017, Hội KTS Việt Nam;
4. Nguyễn Quốc Vương (2019), Xu hướng “đô thị hóa nông thôn” và “nông thôn hóa đô thị”, Tạp chí Người Đô thị số ra ngày 02/01/2019;
5. Hoàng Đạo Kính (2012), Đô thị hóa nông thôn – Muốn làm phải hiểu, Tạp chí Quy hoạch số tháng 11/2012, Ashui;
6. Hoàng Thúc Hào & Nguyễn Quang Minh (2022), Giải mã gen văn hóa kiến trúc Việt Nam, Tham luận tại Hội nghị Khoa học Toàn quốc “Thể chế, Chính sách và Nguồn lực cho Phát triển Văn hóa” tại Bắc Ninh;
7. Nguyễn Trí Thành (2021), Đoàn Thanh Hà – Nhà cửa và Con người, Nhà xuất bản Tri Thức.
The post Giải mã gen văn hóa kiến trúc Việt Nam appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/WyE7sjC
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét