Thứ Hai, 17 tháng 4, 2023

Tinh thần hoành tráng trong tác phẩm hội họa phương Tây

Có thể nói, phương Tây là nơi tụ hội của các trào lưu hội họa thế giới, nơi sản sinh ra nhiều họa sĩ thiên tài, nhiều tác phẩm nghệ thuật trác tuyệt, là kho tàng nghệ thuật vô giá để lại cho muôn đời sau. Nền nghệ thuật ấy đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, nhiều trường phái, nhiều xu hướng nghệ thuật nối tiếp nhau ra đời. Và trong kho tàng nghệ thuật ấy, không thể không nói đến những bức tranh lớn, thể hiện một tinh thần, ý nghĩa lớn lao, được gọi với một tên gọi chung là Hội họa hoành tráng.

Tranh tường “Prometheus” (Jose Clemente Orocco)

Trong tiến trình của lịch sử xã hội đầy biến động, sự đa dạng, muôn hình muôn vẻ của đời sống con người là nguồn cảm hứng vô tận cho nghệ thuật nói chung và hội họa hoành tráng nói riêng. Nói đến hai chữ “Hoành tráng”, không ít câu hỏi đặt ra: “Hoành tráng” có nghĩa là gì? Phải chăng những tác phẩm có quy mô lớn lao mới được xem là “Hoành tráng” hay “Hoành tráng” còn mang một ý nghĩa nào khác? Trong phạm vi bài viết này, chủ thể được đề cập ở đây không phải là những tác phẩm hội họa hoành tráng đích thực, bởi lẽ các tác phẩm hoành tráng đương nhiên là có tính chất hoành tráng rồi. Đối tượng mà bài viết muốn hướng tới là các tác phẩm mà tác giả của chúng khi sáng tác không hề có ý định để tạo nên một tác phẩm hoành tráng nhưng người xem lại cảm nhận thấy một tinh thần hoành tráng ở trong các tác phẩm ấy. Vậy trước tiên chúng ta cùng cắt nghĩa để tìm hiểu về thể loại mang tính đặc thù này.

Tranh tường “Câu chuyện ngụ ngôn về California” (Diego Rivera)

Hoành tráng là một từ Hán Việt cổ. “Hoành” nghĩa là to lớn, “tráng” là mạnh. Hoành tráng được hiểu là rộng và mạnh, là có quy mô lớn. Các bức tranh hoành tráng thường có kích cỡ đồ sộ và được đặt ở những nơi công cộng, nơi tụ tập, đông người qua lại như tại các sảnh hay mặt tiền của trường học, bảo tàng, cung văn hóa, bệnh viện, nhà máy, các trụ sở, trung tâm mua sắm lớn… Chính vì tính chất quy mô, đồ sộ đã quy định cho tác phẩm hội họa hoành tráng một ngôn ngữ riêng, một hình thức biểu hiện hùng biện, rõ ràng.

Về nội dung, tác phẩm hoành tráng thường đề cập đến những vấn đề rộng lớn, bao trùm, thể hiện một tư tưởng tổng quan về vũ trụ, nhân sinh như ý tưởng lật đổ những bất công, tạo dựng công bằng, giải thoát con người khỏi những ràng buộc, nỗi thống khổ hay ngợi ca hòa bình, ngợi ca các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật…. gợi cho người xem một cảm xúc hào hùng, mãnh liệt.

Tranh tường “Thiên sử thi dân tộc Mexico” – trích đoạn (Diego Rivera)

Về hình thức, tính chất hoành tráng được biểu hiện thông qua cách xây dựng bố cục, xây dựng hình tượng nhân vật, màu sắc, đường nét với đặc trưng ngôn ngữ rất riêng. Hình tượng nhân vật thường mang tính khái quát cao, được lý tưởng hóa, mang những tính chất chung, tiêu biểu, đại diện, gần như là biểu tượng. Đường nét trong tranh được chắt lọc, khỏe khoắn. Về màu sắc, các hòa sắc tương phản hay được sử dụng để gây tác động mạnh đến thị giác người xem như xanh lá cây – đỏ, lam – da cam, lam – vàng. Chất hoành tráng còn được thể hiện qua cách xây dựng bố cục đồ sộ với nhiều tầng lớp không gian khác nhau cùng đồng hiện trên một mặt phẳng tranh. Có thể kể ra đây một số tác phẩm tranh hoành tráng tiêu biểu như: “Câu chuyện ngụ ngôn về California”, “Nền công nghiệp Detroit” và “Thiên sử thi dân tộc Mexico” của Diego Rivera, “Nền dân chủ mới” và “Hành khúc nhân loại” của David Alfaro Siqueiros, Prometheus của Jose Clemente Orocco….

Như vậy, với sự cắt nghĩa này thì tinh thần Hoành tráng xuất hiện khá sớm trong lịch sử hội họa phương Tây. Nhiều tác phẩm mang ngôn ngữ, hơi thở, tính chất của tranh hoành tráng như bức “Lời tuyên thệ của Horaxe” (Jacques Louis David), “Cuộc thảm sát ở Chios”, “Thần tự do trên chiến lũy” (Delacroix) của trường phái hội họa Tân cổ điển và Lãng mạn, cho đến những tác phẩm của hội họa hiện đại sau này như: “Chúng ta từ đâu đến? Chúng ta là ai? Chúng ta đi đâu?” (Paul Gaugin), “Tắm cho ngựa đỏ” (Petrov Vodkin), “Guernica” (Pablo Picasso), “Dư cảm nội chiến” (Sanvadol Dali)

Tranh tường “Nền dân chủ mới” (David Alfaro Siqueiros)

Tác phẩm sơn dầu lớn “Cuộc thảm sát ở Chios” (Delacroix) là bức tranh có cách đặt vấn đề và cách giải quyết vấn đề hết sức đặc biệt. Nội dung bức tranh lấy từ một đề tài thời sự gây chấn động dư luận: Quân Thổ Nhĩ kỳ tàn sát hai vạn dân Hy Lạp. Đây là thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc của Hy Lạp chống Thổ Nhĩ Kỳ đến giai đoạn quyết liệt. Về mặt nghệ thuật, Delacroix nhấn mạnh vào bút pháp tung hoành, bố cục phóng túng, bảng màu dữ dội và nhất là chất sống bi tráng, hừng hực. Tinh thần nhân vật được diễn tả đến mức tột cùng của cảm xúc. Cảnh tượng chết chóc trong tác phẩm gợi không khí bi thảm, giết người tàn bạo. Người xem như cảm nhận được sức nóng toát ra từ bên trong tác phẩm, cảm nhận được không khí đau thương cũng như thái độ căm phẫn, lên án chế độ thực dân. Quả thật, đây là một bức tranh mang tinh thần hoành tráng rất rõ rệt.

Bên cạnh tác phẩm “Cuộc thảm sát ở Chios”, bức tranh sơn dầu “Thần tự do trên chiến lũy” của Delacroix cũng gây một ấn tượng mạnh cho người xem bởi nội dung và cách thức biểu hiện sinh động. Đây là một bức tranh biểu tượng kết hợp với hiện thực của một giai đoạn đấu tranh anh dũng của nhân dân Pháp. Tranh thể hiện một chiến lũy của nghĩa quân: Ở hàng đầu, dưới một bầu trời mù mịt khói, thuốc súng, thần Tự do dưới hình ảnh một thiếu nữ khỏe mạnh, tay phải cầm cờ, tay trái cầm súng trong một dáng bộ hùng dũng dẫn đầu nghĩa quân bước lên chiến lũy. Bên phải thần Tự do là một sinh viên, tượng trưng cho tri thức, tay cầm súng, vẻ mặt cương quyết đi theo ngọn cờ của dân tộc. Gần anh sinh viên là một nghĩa quân có y phục công nhân, cầm kiếm tiến tới. Cảnh tượng phía trước tranh ngổn ngang đầy xác chết. Tranh “Thần tự do trên chiến lũy” là bản anh hùng ca về tự do, là bản tổng kết bằng hình ảnh cuộc đấu tranh của nhân dân chống cường quyền. Bản tổng kết đó lại là một tác phẩm hội họa trác tuyệt của một thiên tài nói lên được tinh thần của một dân tộc không chịu nổi sự áp bức của một nhóm phong kiến muốn mãi mãi sống trên xương máu nhân dân. Tranh “Thần tự do trên chiến lũy” là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Delacroix và của nền hội họa Pháp.

Bức tranh “Chúng ta từ đâu đến? Chúng ta là ai? Chúng ta đi đâu?” của Gaugin là một tác phẩm mang tính tượng trưng và triết lý về con người và đời sống. Đây là tác phẩm rất nổi tiếng của ông và cũng là tác phẩm tiêu biểu của trường phái Tượng trưng mà Gaugin là người nổi bật. Bức tranh thể hiện một cảnh trong rừng gần một ngọn suối, có nhiều nhân vật màu da vàng cam giữa nền xanh tươi của cây lá. Từ phải sang trái, hình ảnh bắt đầu là một em bé đang nằm ngủ. Hình ảnh kết thúc ở góc trái tranh là một người già tóc bạc, ngồi hai tay chống gối ôm chặt lấy đầu. Các hình ảnh khác, ba phụ nữ thổ dân tượng trưng cho đời sống vui sướng. Trong tranh còn nhiều hình ảnh của cuộc sống thực xen lẫn sự linh thiêng. Các nhân vật được đặt trên nền của không gian thực, có núi, sông suối, cây cối. Hình được gọt bằng những nét thẳng khỏe khoắn, dứt khoát. Những mảng màu sáng được tác giả sắp xếp thành nhịp điệu lên xuống hài hòa tạo sự cân bằng cho tranh. Tác phẩm như một câu hỏi, một sự hoài nghi về hạnh phúc của đời người. Ở đây, Gaugin thể hiện tư tưởng chấp nhận quy luật nghiệt ngã của cuộc đời mà không ai có thể chống lại được. Có thể nói, tác phẩm này là tổng kết cuộc đời nghệ thuật và tư tưởng của Gaugin.

“Guernica” (Pablo Picasso)

Nói đến tinh thần hoành tráng, không thể không nói đến tác phẩm “Guernica” của Picasso được vẽ vào năm 1937. Nội dung bức tranh chứa đựng một tư tưởng lớn, thể hiện cảm xúc mạnh mẽ của tác giả trước sự đau thương, mất mát của quê hương do phát xít gây ra. Bức tranh vẽ về cuộc thảm sát những người vô tội ở Guernica, một TP nhỏ ở Tây Ban Nha. Khi phát xít Đức chiếm đóng ở Tây Ban Nha, chúng đã ném bom tàn bạo xuống một làng nhỏ ở xứ Basque, thủ phủ của Guernica. Để nói lên cái hiện thực xé lòng, sự khủng khiếp của chiến tranh, Picasso sử dụng bút pháp biểu tượng, bi hùng, chọn lựa những hình ảnh mang tính tượng trưng, từ đó truyền đạt ý nghĩa sâu sắc và đầy đủ về sự kiện tàn sát. Guernica chính là một sự tố cáo mạnh mẽ cuộc thảm sát đẫm máu và vô nhân đạo đó. Trong tranh, những hình tượng được miêu tả với một sự đau thương đến tột cùng. Phần bên phải bức tranh là hình ảnh một bà mẹ ngã xuống trong cảnh đổ nát. Phần bên trái là hình ảnh người mẹ chạy trốn với xác đứa con trên cánh tay. Hình tượng ngựa, bò và người xuất hiện trên mặt tranh đều bị chặt rời rồi mới tổ hợp lại thành một chỉnh thể vụn nát. Những chân tay và thể xác vung vãi hỗn loạn đó bị ném ra khắp nơi. Bức tranh được phối hợp bởi ba màu đơn thuần đen, trắng, xám biểu thị cho sự chết chóc càng làm cho chất bi thảm trong tranh trở nên thống thiết. Guernica như một lời tố cáo mạnh mẽ tội ác man rợ của chiến tranh và được coi là bức tranh nổi tiếng của thế kỷ 20. Bản thân Picasso trước khi làm tác phẩm này, ông cũng mong muốn thực hiện một bức tranh toàn cảnh có thể ôm gọn được thế kỷ và Guernica chính là cơ hội để ông thực hiện ước mơ ấy.

Qua một vài tác phẩm hội họa nêu trên, ta thấy các tác phẩm đều có một tiếng nói chung là phản ánh các vấn đề, sự kiện xã hội mang tinh thần thời đại. Những nội dung có ý nghĩa lớn lao ấy lại được thể hiện bằng một ngôn ngữ tạo hình đậm chất hoành tráng gợi cho người xem một cảm xúc mãnh liệt, khó quên. Đó chính là những yếu tố làm nên giá trị vĩnh cửu của tác phẩm.

Tranh sơn dầu “Chúng ta từ đâu đến? Chúng ta là ai? Chúng ta đi đâu?” (Paul Gaugin)

Trần Quỳnh Khanh
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 02-2023)

The post Tinh thần hoành tráng trong tác phẩm hội họa phương Tây appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/6M0fvam
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét