Thứ Sáu, 14 tháng 4, 2023

Ban thờ truyền thống trong ngôi nhà của người Việt, Đồng Bằng Bắc Bộ

Việc thờ cúng Tổ tiên của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ (ĐBBB) đã có từ lâu đời, là một loại hình tín ngưỡng phổ biến, vừa là tập tục văn hóa và truyền thống đạo đức. Loại hình tín ngưỡng này liền với quá trình tạo lập đời sống dân cư làng xã, luôn có sự biến đổi trong quá trình tiếp xúc và tiếp biến văn hóa. Theo đó, dù theo bất cứ tôn giáo lớn nào, người Việt đều tin ở sự tồn tại của linh hồn, lấy sự thờ phụng tổ tiên làm điều hiếu, luôn tưởng nhớ về nguồn cội, đề cao đạo hiếu trong quan hệ ứng xử, trọng tình nghĩa trong các mối quan hệ xã hội – gia đình. Trong ngôi nhà của người Việt, ban thờ Tổ tiên là thành phần không thể thiếu, luôn được đặt ở vị trí tôn nghiêm nhất trong nhà, để luôn nhắc nhớ con cháu về công ơn của tiên tổ, cũng để giáo dục truyền thống của gia đình – họ tộc, cũng như gửi gắm những ước vọng muôn đời, thể hiện những triết lý nhân sinh quan riêng.

Ngày nay, từ nông thôn đến thành thị, trong các ngôi nhà vẫn thường có ban thờ Tổ tiên, tuy bàn thờ có đơn giản, giản lược hơn xưa. Trong những năm gần đây, hoạt động thờ cúng Tổ tiên có nhiều diễn biến khá phức tạp, thể hiện sự đa dạng, phong phú những biến đổi sâu sắc của cuộc sống người dân. Ngoài ra, trong gia đình Việt Nam còn xuất hiện thêm một số loại hình ban thờ khác: ban thờ Thổ công, Thần tài, ban thờ Phật… Trong phạm vi nghiên cứu này, chúng tôi tập trung nghiên cứu vào ban thờ chính – ban thờ Tổ tiên trong gia đình người Việt.

Không gian thờ trong nhà thờ họ Đỗ làng Đông Ngạc (Hà Nội). Ảnh: VNN
Gian thờ của một chi họ Lã ở Hà Nam. Ảnh: Trần Hải Long

Phân loại ban thờ truyền thống

Trong mỗi ngôi nhà của người Việt vùng ĐBBB, ban thờ luôn được chú trọng, phân cấp theo thế thứ gia tộc, chế độ tôn trưởng một cách khá rõ rệt, có tính cố kết. Ban thờ họ là nơi thờ tự của cả họ tộc, cùng một dòng dõi Thủy tổ, đặt trong từ đường lớn, được phân công người chăm sóc hương hỏa theo điển lệ nghiêm ngặt. Nhiều họ to chia làm nhiều chi, mỗi chi họ đông con cháu thường lập một nhà thờ riêng gọi là “Bản chi từ đường”, làm ban thờ chi họ. Trong mỗi gia đình lại có ban thờ gia từ, tức là bàn thờ gia tiên của mỗi nhà.

Gian thờ gia tiên ở Hà Đông đầu thế kỷ 20
Ảnh: Thư viện Quốc gia Pháp

Trải qua từng thời kỳ lịch sử, ban thờ truyền thống cũng có sự biến đổi cùng không gian kiến trúc và quan niệm xã hội. Bắt nguồn từ kinh tế nông nghiệp, với cái nền nội sinh, việc thờ cúng tổ tiên của người Việt đã có một lịch sử lâu đời, nhưng đến thời Lê mới được thể chế hóa trong Quốc triều hình luật, đến thời Nguyễn được ghi chép tỉ mỉ hơn trong Thọ mai gia lễ. Vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, sự xâm nhập của kinh tế và văn hóa phương Tây làm cho hiện tượng đô thị hóa ngày càng rõ nét, không gian nhà ở cũng như vật liệu biến đổi với xu hướng cách tân, kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố và thành phần nội thất Á – Âu tạo ra ấn tượng đẹp về không gian thiêng mang tính độc đáo Việt Nam. Trải qua các cuộc kháng chiến cứu quốc, thời kỳ cơ chế kế hoạch hóa tập trung, đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế – xã hội nghiêm trọng, quan hệ làng xóm họ tộc bị mờ nhạt, hoạt động thờ cúng tổ tiên bị bỏ phế đi hoặc bị đơn giản hóa đi [3; tr. 58], không gian thờ cúng không được chú trọng, thậm chí biến mất. Từ sau thời kỳ Đổi mới đến nay, với những chuyển biến mang tính kiến tạo, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và toàn cầu hóa, đời sống ngày càng được nâng cao, kinh tế xã hội ngày càng được cải thiện, việc thờ cúng tổ tiên trong các gia đình, mà đặc biệt việc quan tâm đến ban thờ ngày càng được chú trọng, từ phạm vi gia đình đến họ tộc, làng xã, với nhiều loại hình, cách thức.

Ban thờ gia tiên nhà Tổng đốc Hà Đông Hoàng Cao Khải. Ảnh: Thư viện Quốc gia Pháp

Bố trí không gian thờ

Ban thờ tổ tiên là một không gian thiêng liêng trong mỗi ngôi nhà người Việt, là nơi tổ tiên “đi về”, là nơi trang trọng nhất trong mỗi gia đình, nên việc lựa chọn, cách thức bố trí, tạo dựng nên không gian thờ tự của gia đình – họ tộc cũng được thực hiện một cách nghiêm cẩn, theo các lề lối riêng.

Việc lựa chọn vị trí, hướng chính của không gian thờ được coi trọng hơn hết, mang tính xuyên suốt các thời kì, với quan niệm “nhất vị, nhị hướng” (thứ tự ưu tiên xem xét trong không gian, trước hết phải xác định vị trí rồi mới xác định phương hướng tốt xấu). Bên cạnh đó, việc tìm vị trí và hướng ban thờ còn bị chi phối bởi các nguyên tắc phong thủy, hệ thống các ý niệm dân gian, quan niệm về giới… Trong đó, ban thờ Tổ tiên bao giờ cũng được đặt tại nơi cao ráo, sạch sẽ và trang trọng nhất trong nhà. Trong các không gian kiến trúc truyền thống, không gian thờ được bố trí ở “Trung cung” – khu vực trung tâm của ngôi nhà; thường là gian giữa nhà chính, tức là nhà trên, nếu không có một nhà riêng để làm nhà thờ [1; tr 78]. “Tính thiêng” được “lan truyền” từ trong ra ngoài, từ giữa sang hai bên và từ trên xuống dưới. Khi không gian kiến trúc biến đổi, cùng với điều kiện sống và các quan niệm xã hội cũng có nhiều thay đổi, không gian thờ cúng cũng biến đổi theo, cách bố trí không gian thờ trở nên đa dạng và cũng có nhiều vấn đề hơn. Ở các đô thị lớn, với các ngôi nhà ống phố cổ, biệt thự theo lối Tây, gian thờ thường được bố trí trong phòng riêng ở tầng trên với ban thờ được đặt ngay ngắn, chính giữa phòng, hoặc trên gác xép. Về sau này, với các không gian hạn chế, ban thờ có khi được đặt trên một hương án nhỏ, hoặc treo trên tường. Gần đây, các không gian thờ gia tiên được chú trọng hơn, thì có thể đặt ở phòng riêng tầng trên cùng với nhà nhiều tầng, hoặc gian thờ riêng với nhà chung cư có mặt bằng rộng… tùy theo quan niệm và điều kiện của chủ nhà. Trong các ngôi nhà truyền thống ở nông thôn, hướng ban thờ cùng hướng với hướng nhà, quay ra phía cửa chính, thường nhìn hướng Nam hoặc Đông – Nam, là hướng của sinh trưởng, đem lại hưng thịnh. Trong các ngôi nhà khó lựa chọn được hướng nhà, ban thờ sẽ được lựa chọn hướng tốt theo quan niệm phong thủy, phù hợp hài hòa với điều kiện thực tế của không gian kiến trúc.

Về cấu trúc của ban thờ, thường được sắp xếp đăng đối theo các chiều, được bố trí theo quan niệm vũ trụ của người Việt (gồm Thiên – Địa – Nhân), theo âm dương ngũ hành. Trong cấu trúc truyền thống, về không gian chiều ngang từ trong ra ngoài, ban thờ bao gồm: Thần án (hoặc Giường Cầu, nơi đặt khám/ ngai/ ỷ thờ/ bài vị, tranh ảnh tượng tùy theo thế thứ gia chủ – tượng trưng cho ngôi vị của tổ tiên), cao nhất – tượng trưng cho tầng Trời, là trung tâm linh thiêng nhất của ban thờ, là không gian của cõi âm nên chỉ bài trí các tế khí, tự khí, chỉ có gia chủ hoặc chủ tế mới được tiếp xúc, dâng hiến lễ nghi; Thực án (còn gọi là Giường Hành, là nơi tiến cúng lễ vật), thấp nhất – tượng trưng cho cõi Đất, lại nằm khuất kín đáo sau hương án, với quan niệm “thần hưởng kỳ khí” tỏ sự khiêm nhã, được che bởi rèm y môn tạo thành một không gian của cõi thiêng; và Hương án (nơi thanh trần tẩy uế, tạo mối liên hệ giữa con cháu với gia thần và tiên tổ) cao tầm trung – tượng trưng cho cõi Nhân, là lớp ban thờ ngoài cùng, tiếp giáp với không gian sinh hoạt của người sống, nơi thực hành các lễ nghi của con cháu với tổ tiên, thường bày bát hương công đồng, một số đồ thờ cơ bản như tam sự, mâm bồng, đài rượu…. Giữa các không gian này được treo các đồ thờ để phân chia không gian, tăng tính thâm nghiêm và ý tứ của không gian thờ. Về không gian chiều đứng, từ dưới đất lên đến khoảng không gian trên cao đều được giữ gìn; phía trên gian thờ có cửa võng, hoành phi câu đối…; Các cấu kiện kiến trúc được đục chạm trang trí cầu kỳ với các đề tài hoa văn trừ ma diệt quỷ, lồng ghép các ước vọng bình an no ấm, con đàn cháu đống… Về sau này, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, không gian thờ tự ba lớp như trên không còn được thực hành. Thay vào đó, toàn bộ đồ thờ đều được đặt trên một ban thờ duy nhất, hay đơn giản hơn chỉ là một kệ thờ treo tường; Hoặc được phân cấp theo chiều cao giảm dần từ trong ra ngoài; nhưng cũng được xếp đặt rút gọn tuân thủ các ước lệ trong thờ tự, đảm bảo có không gian thần án, thực án và hương án.

Các loại đồ thờ

Theo quan niệm cổ truyền, đồ thờ là các vật được bài trí và sử dụng trong không gian thờ tự, mỗi thứ đều mang một ý nghĩa riêng, thể hiện nhân sinh quan của người xưa; Số lượng ít hay nhiều, chất lượng tốt hay kém, tinh hay thô phụ thuộc vào quy mô, thế thứ trong họ tộc, cũng như địa vị và khả năng tài chính. Đồ thờ bao gồm tự khí (như khám thờ, ngai thờ, ỷ thờ, hạc chầu, bát hương, mâm bồng…), tế khí (giá văn, hạp hương, khay đài…), tự nghi (còn gọi là nghi trượng, gồm bát bửu, lọng, tàn kiếm, kích…).[7; tr 68]

Trong không gian thờ tự còn có hệ thống câu đối, hoành phi, cuốn thư, y môn, châm, minh… với các đồ án trang trí, hình thức, nội dung phong phú và có tính độc lập nhất định so với hệ thống đồ thờ nói chung. Ngoài việc phân tách không gian, tạo nên tính thiêng, những câu chữ trên đó còn mang ý nghĩa nhắc nhở người sống, ca tụng công đức người đã khuất, với nhiều giá trị về văn hóa.

Ngoài các đồ thờ phổ dụng, đôi khi còn xuất hiện thêm một số loại đồ thờ khác như cơi thồ (để đựng trầu cau), khay vuông (để đặt bốn chén nước), kiệu rước, đôn voi, hươu… nhưng ít phổ biến.
Các loại đồ thờ được bố trí, bày biện trong ban thờ theo những vị trí nhất định, phải đảm bảo cân đối hài hòa năm yếu tố của ngũ hành: Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ, đảm bảo tính tương sinh trên mỗi lớp ban thờ, lấy hòa hợp làm đầu.

Một số đồ thờ chính trên ban thờ, hiện vật Bảo tàng VHCDT Việt Nam (Thái Nguyên)

Vật liệu, tạo hình, màu sắc nội thất

Người Việt Nam nói chung, cư dân ĐBBB nói riêng rất quan tâm đến việc lựa chọn nguyên vật liệu, chọn thợ, chọn ngày lành tháng tốt giờ đẹp để chế tác đồ thờ, an vị ban thờ,… cho ngôi nhà của mình. Đồ thờ được lựa chọn kỹ lưỡng các số đo vào cung cát theo thước Lỗ Ban, vừa tạo hình thức hài hòa cân đối, màu sắc phù hợp. Gỗ được sử dụng làm đồ thờ thường là gỗ mít hoặc vàng tâm, có hương thơm giống hương trầm, thớ mịn và dẻo dai cứng chắc, lại thích hợp với sơn thếp. Một số đồ thờ được làm bằng đồng, bằng sành sứ nhưng không quá nhiều, như đỉnh trầm, bát hương, nậm rượu, lọ hoa, bát đĩa… Mỗi loại đồ thờ đều được đục chạm, sơn vẽ, tạo tác tinh xảo, với các đồ án hoa văn trang trí đặc biệt được dành riêng cho đồ thờ, mang đậm ý nghĩa tâm linh như tứ quý, tứ linh, hổ phù, hoa lá, triện tàu… Ngoài ra, để đảm bảo sự thâm nghiêm và bền vững, đồ thờ còn được sơn thếp bằng sơn ta, thếp vàng bạc, cẩn ốc… theo lối cổ, vừa tạo ra vẻ đẹp tâm linh vừa tách biệt rõ đồ thờ với đồ sinh hoạt. Cách sử dụng màu sắc trong không gian thờ tự cũng tuân theo các nguyên tắc về âm – dương, ngũ hành, ưu tiên sử dụng các gam màu trầm tối, trung tính từ nguyên liệu tự nhiên.

Một số loại đồ thờ mỹ nghệ ở Hà Nội. Hình vẽ trích trong sách “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ”, Édouard Hocquard, Paris, 1892

Một vài nhận định, góp ý

Trong điều kiện xã hội hiện nay, các không gian kiến trúc nhà ở có xu hướng bị thu hẹp, không gian thờ tự, ban thờ cũng cần có nhiều sự biến đổi cho phù hợp với điều kiện vật chất kỹ thuật, xu hướng xã hội đương thời. Các không gian không còn đủ lớn để tuân thủ đúng lề lối phép tắc cổ xưa, nhưng vẫn cần được xếp đặt rút gọn tuân thủ các lề lối và nguyên lý ước lệ chung trong thờ tự, đảm bảo có lớp lang trên dưới trước sau, tạo thành một “không gian giao tiếp” kết nối phù hợp, trang nghiêm giữa âm và dương, giữa tổ tiên với con cháu.

Ngai thờ Tổ tiên. Hình vẽ trích trong sách “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ”, Édouard Hocquard, Paris, 1892

Thời xưa, hệ thống đồ thờ được sử dụng tương đối ổn định về loại hình, kiểu mẫu, vị trí bày biện và công năng sử dụng. Gần đây, do sự đứt gãy về văn hóa, quan niệm nhận thức và điều kiện sống của một số gia đình, dòng tộc đã vô tình hay hữu ý khiến một số thứ vốn không phải đồ thờ được sử dụng như đồ thờ. Nghiêm trọng hơn, một số đồ thờ chuyên dụng bị thay đổi hoặc mất dần công năng vốn có. Bên cạnh đó, sự đổi mới và sáng tạo về chất liệu, màu sắc, đồ án trang trí, mẫu mã của đồ thờ hiện nay cũng tồn tại nhiều vấn đề cần được xem xét một cách nghiêm túc, thận trọng dựa trên nền tảng tri thức của văn hóa và lễ nghi truyền thống.[7; tr 70] Các ban thờ ngày nay được đục chạm các đồ án trang trí rất tự do, sử dụng các đồ án của nội thất thay cho các đồ án tâm linh; trong khi các chi tiết trừ tà trấn quỷ là bắt buộc trong các ban thờ cổ lại dần biến mất. Các đồ thờ thường áp dụng các biện pháp gia công công nghiệp, xu hướng lòe loẹt, làm giảm tính thẩm mỹ và độ tinh xảo vốn cần thiết cho không gian nghiêm cẩn. Do vậy, người tạo tác, thiết kế cần sáng tạo trên cơ sở hiểu về lề lối cổ truyền, kế thừa chọn lọc, phù hợp với điều kiện thẩm mỹ – kỹ thuật đương thời, giúp không gian thờ tự giữ gìn được tinh thần và giá trị truyền thống, thể hiện minh triết của người Việt, vừa phù hợp với thời đại.

Trong hoạt động thờ cúng tổ tiên hiện nay, các xu hướng vận động mang chiều hướng tích cực là chủ đạo, thể hiện một hoạt động văn hóa mang tính xã hội và giáo dục đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Bên cạnh đó, sự mê tín dị đoan cùng nhiều hủ tục, xu hướng hình thức phô trương lãng phí cũng quay trở lại, có khuynh hướng phát triển phổ biến ở nhiều nơi, thậm chí có nhiều biểu hiện mới, đang trở thành những vấn đề xã hội nhức nhối. Cần có sự vào cuộc của các nhà chuyên môn, cơ quan quản lý của Nhà nước, của các nhà tu hành… để giáo dục quản lý và định hướng đúng đắn hoạt động thờ cúng tổ tiên; trên cơ sở kế thừa có chọn lọc, phù hợp với nhận thức khoa học và sự phát triển của xã hội hiện đại, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân. Người dân, chủ thể hoạt động thờ cúng cũng cần nhận thức đúng vấn đề tín ngưỡng, điều chỉnh các hoạt động của mình, có thể tự giác, gắn bó lợi ích cá nhân với lợi ích cộng đồng.

Nhìn chung, người Việt Nam nói chung, cư dân Việt vùng ĐBBB nói riêng, thờ phụng tổ tiên chính là vì hiểu, và vì sự biết ơn các bậc đã sinh thành ra mình, nuôi nấng và tác thành cho mình. Bởi vậy, không gian thờ cúng cũng là nơi thể hiện tấm lòng hiếu kính với tổ tiên, để giáo dục truyền thống cho con cháu, nơi gìn giữ cội nguồn gốc gác, để người sau nương vào đó mà sống nhân nghĩa hơn. Với những ý niệm thiêng liêng đó, cùng với triết lý chữ “Hiếu” của Nho gia, thuyết nhân quả của nhà Phật, việc thờ cúng tổ tiên trở thành đạo lý cốt lõi của dân tộc, chi phối đời sống tâm linh, cũng như đời sống xã hội của con người. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đã, đang và sẽ là một hoạt động văn hóa lành mạnh. Vì vậy, chúng ta cần có thái độ ứng xử đúng mực với không gian thờ cúng tổ tiên, việc sắp xếp bài trí phù hợp với từng điều kiện cụ thể của từng không gian, vùng miền, mỗi gia đình, dòng tộc… dựa trên sự hiểu biết đúng đắn và thấu đáo về văn hóa và lễ nghi truyền thống, từ đó gìn giữ và phát huy những giá trị cốt lõi của văn hóa truyền thống.

THS. KTS. Trần Thị Thanh Thủy
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 02-2023)


Tài liệu tham khảo
1. Phong tục Việt Nam (thờ cúng tổ tiên), Toan Ánh, NXB KHXH, 1991.
2. Đất lề quê thói (phong tục Việt Nam), Nhất Thanh, NXB VHTT, 2001.
3. Culture, Ritual and Revolution in Vietnam, Malarney, Shaun Kingsley, Honolulu, Hawai’i: University of Hawai’i Press, 2002.
4. Văn hóa tâm linh, Nguyễn Đăng Duy, NXB VHTT, 2002.
5. Những khía cạnh triết học trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ hiện nay, PGS. TS. Trần Đăng Ninh, NXB Chính trị Quốc gia, 2010.
6. Văn hóa, tín ngưỡng và thực hành tôn giáo người Việt, Leopold Cadiere, NXB Thuận Hóa, 2015.
7. Hệ thống đồ thờ truyền thống trong từ đường ở miền Bắc Việt Nam, Bùi Bá Quân, Nguyễn Gia Khoa, Giang Mạnh Cầm, Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn, tập 6, số 1 (2020).
8. Việt Nam phong tục, Phan Kế Bính, NXB Văn học, 2021.
9. Bàn thờ gia tiên và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt, Nguyễn Đức Bá, NXB Tôn giáo, 2022.
10. Bách khoa thư làng Việt cổ truyền, Bùi Xuân Đính, NXB Chính trị quốc gia, 2022.

The post Ban thờ truyền thống trong ngôi nhà của người Việt, Đồng Bằng Bắc Bộ appeared first on Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam.



from Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam https://ift.tt/abFlQ5U
Blog phát triển bởi https://tuvankientrucnha.blogspot.com/
Tìm kiếm đơn vị chuyên xây dựng công trình nhà ở Hà Nội https://thoxay.vn//

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét